Tuesday, 11 February 2014

NHÌN LẠI CUỘC CHIẾN VIỆT - TRUNG 1979 (Trương Nhân Tuấn)




Dimanche 17 Février 2013

LTG : Bài viết từ năm 2009, có bổ túc, đăng lại để suy ngẫm thêm về tình bạn 16 chữ vàng của hai nước Việt-Trung.

1. Tên gọi cuộc chiến :

Thông thường người ta đặt tên một cuộc chiến bằng tên của nơi xảy ra cuộc chiến hoặc qua « mục đích » của nó. Cuộc chiến Việt-Trung 1979, xảy ra từ ngày 17 tháng 2 năm 1979 và chấm dứt ngày 5 tháng 3 năm 1979. Phía CSVN gọi đó là cuộc chiến « xâm lược » : « Chiến tranh xâm lược ngày 17-2-1979 là đỉnh cao của những hành động thù địch của lãnh đạo TQ. »

Nhưng sự thật thì chỉ hơn 2 tuần sau khi cuộc chiến mở đầu thì TQ tuyên bố đã đạt được mục tiêu và đơn phương rút quân về. Một số lãnh thổ của VN bị TQ chiếm và sát nhập vào TQ, một số tỉnh thành của VN tiếp giáp với TQ đều bị lính TQ cướp sạch, phá sạch, dân lành vô tội bị giết thê thảm. Ý nghĩa của từ « xâm lược » rất nặng nề : xâm là tiến vào, lược là cướp. Một số tài liệu cho biết chỉ trong vòng 20 ngày xung đột đã làm cho hai bên bị mất từ 60 ngàn đến 100 ngàn người. Con số phía bên TQ hy sinh vào khoảng 30 đến 50 ngàn. Con số quá lớn, cái giá quá đắt để có thể bỏ ra cho phía bên gây chiến, nếu hiểu cuộc chiến theo ý nghĩa của « xâm lược ».  

Các học giả nước ngoài gọi cuộc chiến này qua nhiều tên khác nhau. Một số gọi là « chiến tranh biên giới – la guerre des frontières ». Điều này không sai vì địa bàn cuộc chiến chỉ giới hạn ở các vùng biên giới. Tên này cũng được đặt cho cuộc chiến Kampuchia, vì nguyên nhân nó bắt nguồn từ các xung đột về biên giới.

Phía TQ gọi cuộc chiến đó là « bài học » của TQ dạy cho VN. Một số học giả khác gọi đó là cuộc chiến mà TQ « đưa VN trở về vị trí của mình ».

Nhưng đâu là mục tiêu thật của TQ trong cuộc chiến ?

2. Tìm hiểu ý đồ của TQ qua chính sách đối ngoại từ 1949-1979 :

Trong vòng 30 năm TQ đã không ngừng thay đổi chính sách đối ngoại, từ lý thuyết đến thực tế. Tuy nhiên các ưu tiên (hay mục tiêu chiến lược) của TQ, qua các thế hệ lãnh đạo TQ, không hề thay đổi. Mục tiêu chiến lược này được các học giả nước ngoài nhận diện. Đó là : 1/ đưa TQ lên hàng nước lớn – 2/ dành lại ảnh hưởng của TQ ở các chư hầu cũ (se faire admettre des puissances mondiales - reconstituer le domaine impérial). Hai ưu tiên này cũng được lãnh đạo CSVN nhận diện năm 1979 : Chiến lược của những người lãnh đạo TQ có những thay đổi rất lớn. Nhưng có một điều không thay đổi : đó là mục tiêu chiến lược muốn nhanh chóng đưa  TQ trở thành một cường quốc bậc nhất thế giới và thực hiện mưu đồ bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của họ đối với các nước khác.

Người ta có thể chứng minh việc trên qua lời nói và hành động của các thế hệ lãnh đạo TQ.

Lãnh tụ Mao Trạch Đông, nhân hội nghị BCHTU đảng CS TQ năm 1956, đã nói : Chúng ta phải trở thành quốc gia hàng đầu về phát triển văn hóa, khoa học, kỹ thuật và công nghiệp. Không thể chấp nhận rằng sau một vài chục năm chúng ta vẫn chưa trở thành cường quốc số 1 của thế giới.

Tháng 9 năm 1959, tại hội nghị quân ủy trung ương, họ Mao nói : chúng ta phải chinh phục trái đất, đó là mục tiêu của chúng ta.

Cái gọi là « domaine impériale – vùng ảnh hưởng của thiên triều » được một lãnh tụ khác, ông Tôn Dật Tiên, cha đẻ của thuyết Tam Dân và Quốc Dân Đảng,  xác định một cách rõ rệt như sau : các quốc gia Việt Nam, Triều Tiên, Miến Điện, đảo Bornéo, đảo Soulou, đảo Java , Tích Lan, Népal, Bhoutan hay các đảo Đài Loan, Bành Hồ, Rukyu dều là lãnh thổ của TQ bị mất vào đầu thế kỷ.

Mao Trạch Đông thì xác định tương tự  vùng ảnh hưởng của TQ qua cuốn « Cách mạng TQ và đảng CS TQ » năm 1939 : « Các nước đế quốc sau khi đánh bại TQ, đã chiếm các nước phụ thuộc TQ : Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận. Anh chiếm Miến Điện, Butan, Hương Cảng. Pháp chiếm An Nam.. »

Tưởng Giới Thạch, lãnh tụ Quốc Dân Đảng, người có tinh thần dân tộc cực đoan hơn hết, khẳng định mạnh mẽ hơn : « le territoire chinois est délimité par les besoins de son existence et par ses bornes de sa culture - lãnh thổ của TQ được xác định do sự cần thiết để hiện hữu của TQ và do những dấu ấn văn hóa TQ ». Như thế nơi nào mà dân Hán cần để sống, nơi nào có văn hóa Hán, các nới đó đều của TQ.

Sách Sơ lược lịch sử TQ Hiện đại xuất bản năm 1954, lãnh thổ TQ bao gồm các nước chung quanh, kể cả Đông Nam Á và vùng biển Đông.

Điều này cho thấy, các thế hệ lãnh đạo TQ, quốc cũng như cộng, thảy đều có cùng một sứ mạng, một mục tiêu phải thực hiện : quang phục TQ, đưa TQ lên lại vị trí hàng đầu thế giới, dành lại ảnh hưởng đã bị mất của TQ từ hậu bán thế kỷ 19.

Do mục tiêu chiến lược đã rạch ròi, do đó quan niệm bạn – thù của các thế hệ lãnh đạo TQ không nhất quán. Theo thời gian, bạn có thể trở thành thù địch, hay ngược lại, thay đổi tùy theo tư thế hay lập trường có lợi cho TQ. Họ không « trụ » vĩnh viễn vào bất kỳ một cái gì, tất cả chỉ nhằm phục vụ cho quyền lợi của đất nước TQ.

- Từ vị trí bạn bè, đồng minh của Liên Xô, cùng chia xẻ chung một ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa, cùng đứng một bên chống lại thế giới tự do mà HK đứng đầu, TQ bỗng ngoặc lại, trở thành đối thủ của nước này (TQ chỉ có thái độ hòa hoãn với Liên Xô vào lúc mà khối này trên đà sụp đổ). Bề mặt TQ chống LX vì LX theo « chủ nghĩa xét lại », nhưng bề trong điều này tạo cho TQ tư thế kế thừa chủ nghĩa Mác-Lê chính thống trong khối XHCN và thế giới Thứ Ba (Tiers Monde). TQ chống LX mặt khác cũng vì lo ngại ảnh hưởng của LX bành trướng sang các vùng có truyền thống TQ như vùng Mãn Châu, Tân Cương. Nếu đứng chung với LX, TQ muôn đời chỉ là « anh hai » chứ không là « anh cả ». TQ tìm mọi cách để hạ LX, dành vị trí lãnh đạo.

- TQ đã từng chống Hoa Kỳ và Nhật trong một thời gian liên tục hai thập niên, sau đó thấy không hiệu quả, HK vẫn mạnh lên, Nhật Bản vẫn giàu lên, vì thế phải xoay chiều. Giả sử TQ vẫn « trụ » vào vị thế đối đầu với HK, chắc chắn TQ mãi mãi đứng trong hàng ngũ các nước nghèo, kém phát triển, mục tiêu chiến lược sẽ không bao giờ thực hiện. Vì thế đổi thù thành bạn, TQ nhờ vả vào tài chánh và kỹ thuật của hai nước HK và Nhật để phát triển kinh tế. Trong quá trình đổi thù thành bạn, VN là con cờ đầu, đóng vai trò chất xúc tác chính để TQ giao hảo với HK và cô lập LX, nổi bật là cuộc chiến 1979.

- TQ lựa chọn đứng vào « thế giới thứ ba ». Quyết định dễ hiểu vì TQ muốn nắm vai trò lãnh đạo. Nhưng TQ sử dụng các nước trong khối này để củng cố thế lực của mình. TQ chưa bao giờ chia sẻ những gì của họ cho các nước trong khối. Khi TQ mở lời muốn giúp các nước trong khối thì TQ không có phương tiện và khả năng để giúp. Nhưng đến khi có khả năng và phương tiện để giúp thì TQ chưa bao giờ lên tiếng đề nghị giúp, kể cả lúc TQ đã trở thành siêu cường kinh tế.

- Năm 1971, TQ đóng vai lãnh đạo khối Thứ Ba, luôn lên tiếng bênh vực cho các nước, các dân tộc bị áp bức. Nhưng TQ lại dùng quyền phủ quyết (droit de veto) đầu tiên của mình để chống sự gia nhập LHQ của Bangladesh, một nước thuộc thế giới Thứ Ba, tách ra từ Pakistan. Làm thế vì TQ muốn lôi kéo đồng minh là Pakistan về phía mình để tạo thế bao vây Ấn Độ.

- TQ luôn miệng chống đế quốc thực dân và chủ trương độc lập cho các dân tộc bị ách thực dân nhưng lại đồng ý cho Goa, cựu thuộc địa Bồ, sát nhập vào Ấn Độ ; trong khi đó lại chống Timor sát nhập lại vào Indonésie năm 1975. TQ cũng chiếm Tây Tạng, sát nhập và đồng hóa dân xứ này. Rõ ràng đây là thái độ của một nước thực dân tồi tệ.

Người ta cũng thấy những mâu thuẫn rõ nét giũa đường lối chính trị trong nước và đường lối chính trị ngoại giao của TQ :

- Vào những năm 1950-1953 đảng CSTQ, trong nước chủ trương đoàn kết chính trị (front uni) giữa người cộng sản và không cộng sản, nhưng đối ngoại thì từ khuớc mọi hợp tác với các quốc gia « trung lập » tại Châu Á, kể cả các nước đã được TQ công nhận.

- Năm 1956, chủ trương  TQ là « chung sống hòa bình – coexistance pacifique », nhưng đối ngoại thì TQ chống Ấn Độ do tranh chấp lãnh thổ. Hoặc năm 1969, TQ áp dụng chính sách « cách mạng văn hóa » cực tả, đối ngoại lại hòa hoãn với HK, một đế quốc cực hữu mà TQ lớn tiếng lên án và khinh bỉ.

- Sau khi loại trừ được « tứ môn nhân », nhóm bốn người, chủ trương cực tả của chế độ ra khỏi bộ máy nhà nước năm 1976-1977, TQ lại bắt đầu giúp đỡ cho nhóm Khmer đỏ, là những người học trò tin tưởng điên cuồng vào lý thuyết cực đoan của « nhóm bốn người » vừa bị loại.

TQ không phân biệt bạn bè trong khối « vô sản các nước đoàn kết lại », không phân biệt « tư bản – cộng sản » mà chỉ quan tâm đến quyền lợi của TQ:

- TQ chống Liên Xô gay gắt trong những năm của thập niên 60, suýt xảy ra chiến tranh, là để chống chủ nghĩa xét lại và bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lê hay là ngăn cản tham vọng của Liên Xô tại Viễn Đông ?

- Năm 1974 TQ đưa ra lý thuyết « tam thế giới », trong đó lại góp chung HK và Liên Xô, hai nước đối nghịch ý thức hệ « tư bản- cộng sản », vào thế giới thứ nhất, là nhóm của bọn « đế quốc bành trướng ».

TQ cũng đã nhiều lần dùng vũ lực hay tham gia vào các cuộc chiến xảy ra trong thế kỷ 20, làm đổ máu hàng triệu người Hoa, mục đích các cuộc chiến tranh đó để làm gì ?   

- TQ chiếm Tây Tạng (1950-1955) là hành vi « giải phóng » cho dân tộc này khỏi « ách » thần quyền hay là mục tiêu mở mang lãnh thổ thiên triều ?

- TQ can thiệp vào Bắc Hàn là do tinh thần « quốc tế vô sản » bảo vệ thành trì xã hội chủ nghĩa hay là mục đích gây dựng lại ảnh hưởng ngàn năm của thiên triều ?

- TQ đánh VN năm 1979 là để bênh vực cho Khmer đỏ hay là dạy cho VN một bài học về ơn nghĩa và lễ độ đối với thiên triều ?

Ta thấy chính sách đối ngoại của TQ lúc nào cũng có hai mặt : nói và làm, lý thuyết và thực hành. Hai mặt này thường xuyên mâu thuẩn nhưng nó thể hiện rõ hơn bao giờ hết đường lối thực của TQ. Hai mặt là diện và điểm. Diện là cái cớ, cái hình thức bề ngoài ; điểm là mục tiêu mà TQ muốn đạt đến. Đó là nhanh chóng đưa  TQ trở thành một cường quốc bậc nhất thế giới và thực hiện mưu đồ bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của họ đối với các nước khác.

Cuộc chiến Việt Trung vì thế, cho dầu mang tên gì, chỉ là giai đoạn cần thiết mà TQ phải đi qua để khẳng định tư thế nước lớn và dành lại vùng ảnh hưởng từ TQ từ ngàn năm nay. Vị trí địa lý của VN đã làm cho VN là một đối tượng quan trọng đối với TQ. TQ cần phải khuất phục và thôn tính VN nếu cần, để có thể đạt được mục tiêu chiến lược. Trong đoản kỳ,  người ta có thể thấy những toan tính của TQ qua hai hiệp định Genève 1954 và hiệp định Paris 1973 để chi phối VN.


3. Hiệp định Genève 1954 :

Cuộc chiến Triều Tiên chấm dứt qua một hiệp ước đình chiến, ngày 27-7-1953, chia tạm thời Triều Tiên thành hai vùng, ranh giới là vĩ tuyến 38. Đây chỉ là một thỏa ước tạm thời để các bên xung đột ngưng bắn, chứ không phải là một hiệp ước giải quyết các vấn đề tranh chấp của hai bên xung đột. Nhưng phương án này được các bên tham dự vào cuộc chiến VN lựa chọn như là một kiểu mẫu giải quyết cho cả ba nước Đông Dương.

Trong cuộc chiến Đông Dương, TQ là nước giúp vũ khí và nhân lực nhiều nhất cho CSVN.  Đương nhiên TQ có tiếng nói và trọng lượng đáng kể lên mọi quyết định của phía CSVN trong hội nghị Genève. Trên tư thế kẻ cả, TQ đứng ra thương lượng với Pháp về một giải pháp cho VN nhưng thực ra TQ mặc cả với Pháp để có một giải pháp có lợi trước tiên cho mình.

Lập trường của VN trong hội nghị Genève : đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi vói một giải pháp chính trị cho vấn đề VN, vấn đề Lào và vấn đề Kampuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước ở Đông Dương

Lập trường của TQ : Ngày 24 tháng 8 năm 1953, thủ tướng Chu Ân Lai đã tuyên bố : đình chiến ở Triều Tiên có thể dùng làm mẫu mực cho những xung đột khác.

Mục tiêu của TQ là dùng VN để thương lượng với Pháp, lấy giải pháp Triều Tiên để tạo vùng đệm ở Đông Nam Á, ngăn chặn HK vào thay thế Pháp, không muốn chiến sự mở rộng, bảo đảm an ninh về phía nam của TQ.

Tháng 4 năm 1954, trong một cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị Genève, gồm có các đại diện của TQ, Liên Xô, VN ; đại biểu TQ nói : TQ không thể công khai giúp VN được trong trường hợp cuộc xung đột ở đây mở rộng.

Vì là nước giúp vũ khí (nhân sự) cho CSVN, TQ đã vạch rõ cho phía VN thấy đâu là giới hạn của cuộc chiến. TQ muốn chấm dứt chiến tranh Đông Dương theo lối Triều Tiên, nghĩa là đình chỉ chiến sự mà không có giải pháp chính trị. Điều này đương nhiên rất có lợi cho TQ : một nước VN bị chia cắt là một nước VN yếu, tồn đọng nhiều nguy cơ bất ổn chính trị dễ dàng cho TQ khuynh đảo sau này.

Mục tiêu của Pháp trong hội nghị Genève là nhằm tìm một giải pháp ngưng bắn cấp thời để cứu đội quân viễn chinh và nếu có thể giữ ảnh hưởng Pháp tại Đông Dương. Vì thế Pháp cũng ưu tiên cho một giải pháp tương tự ở Triều Tiên.

Như thế lập trường của TQ tương đối phù hợp với lập trường của Pháp hơn là lập trường VN, mặc dầu TQ và VN trên thực tế là một phe.

Quá trình đàm phán hội nghị Genève về các nước Đông Dương gồm hai thời kỳ, hoàn toàn do TQ chủ động đàm phán với Pháp.

- Từ ngày 8 tháng 5 đến 23 tháng 6, TQ và Pháp đàm phán trực tiếp 4 lần, hai bên đạt thỏa thuận về những nét cơ bản của một hiệp định ngưng bắn tại Đông Dương. Những nét cơ bản này được nhận diện qua cuộc họp ngày 17 tháng 6 năm 1954 giữa Chu Ân Lai và trưởng đoàn Pháp Georges Bibault : TQ có thể chấp nhận VN có hai chính quyền (chính phủ VNDCCH và chính quyền Bảo Đại), công nhận chính phủ vương quốc Lào và vương quốc Kam Pu Chia, từ bỏ yêu cầu có đại biểu của chính phủ kháng chiến Lào và chính phủ kháng chiến Kam Pu Chia tham gia hội nghị Genève và đưa ra vấn đề quân đội nước ngoài, kể cả quân tình nguyện VN phải rút ra khỏi Lào và Kampuchia. Cuộc họp ngày 23-6-1954 giữa Chu Ân Lai và Mandès France, thủ tướng mới của Pháp, nội dung của hiệp định thành hình rõ rệt hơn : chia cắt VN, hai miền VN cùng tồn tại hòa bình, giải quyết vấn đề quân sự trước, tách rời việc giải quyết 3 vấn đề VN, Lào và Kam Pu Chia ; TQ sẵn sàng nhìn nhận 3 nước này trong Liên Hiệp Pháp, TQ chỉ yêu cầu không có căn cứ quân sự Mỹ tại Đông Dương.

Pháp và TQ qua các đàm phán đã đạt được một giải pháp chung về Đông Dương, đặc biệt giải pháp này trùng hợp với giải pháp 7 điểm của Anh-Mỹ đưa ra ngày 29 tháng 6 năm 1954 (tức 6 ngày sau cuọc tiếp xúc giữa Chu Ân Lai và Mandès France).

- Từ ngày 23 tháng 6 đến 20 tháng 7 : Vì đã có đồng thuận với Pháp và các đại cường, TQ trong thời gian này đóng vai trò thúc đẩy, nếu không nói là ép VN thuận theo ý đồ của TQ. Lập trường của VN cho đến ngày ngày 10 tháng 7 : giới tuyến quân sự tạm thời là vĩ tuyến 13 ; tổ chức tổng tuyển cử tự do trong thời hạn 6 tháng để thống nhất đất nước ; các đại biểu của chính phủ kháng chiến Lào và Kampuchia được quyền tham dự như các bên đàm phán 

Thái độ TQ hối thúc VN thấy được qua điện tín Chu Ân Lai ngày 10-7 gởi phái đoàn VN như sau : « có những điều kiện công bằng và hợp lý để chính phủ Pháp có thể chấp nhận được, để đi đến hiệp định trong 10 ngày, điều kiện đưa ra nên đơn giản, rõ ràng để dễ đi đến hiệp thương, không nên làm phức tạp lôi thôi để tránh thảo luận mất thì giờ, rườm rà, kéo dài đàm phán để cho Mỹ phá hoại ». Một điện tín trước đó, ngày 30-5, cũng của của Chu Ân Lai : « Đánh giá phương án (tức phương án lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến) khó có thể thỏa thuận, nếu không được thì sẽ lấy Hải Phòng làm cửa bể tự do, ở gần đấy cho Pháp đóng một số quân nhất định, nếu không được nữa thì đem đường số 5 và Hà Nội, Hải Phòng làm khu công quản và phi quân sự ».

Điều này cho thấy TQ đe dọa cắt Hà Nội và Hải Phòng biến thành vùng « trái độn » và cho Pháp trở lại, nếu VN không nhượng bộ.

VN cuối cùng chấp nhận giải pháp : các nước tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân VN, Lào và Kampuchia, ngừng bắn đồng thời ở VN và trên chiến trường Đông Dương, Pháp rút quân, vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia VN làm hai miền, tiến tới tổng tuyển cử tự do  trong cả nước sau hai năm để thống nhứt nước nhà.

Về hội nghị Genève, CSVN sau này phê bình TQ như sau : giải pháp mà đoàn đại biểu TQ thỏa thuận với đoàn đại biểu Pháp ở Genève không phản ánh so sánh lực lượng trên chiến trường, cũng không đám ứng đầy đủ những yêu cầu chính trị của giải pháp do đoàn đại biểu VN đề ra.

Và kết án TQ phản bội lại cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân VN cũng như của nhân dân Lào và nhân dân Kampuchia.

Cuối cùng CSVN ý thức : TQ đã hy sinh lợi ích của ba nước Đông Dương để bảo đảm an ninh của họ ở phía nam.

4. Hiệp định Paris 1973.

Sau hiệp định Genève 1954, cuộc bầu cử thống nhất hai miền Nam và Bắc VN dự trù 2 năm sau đã không diễn ra như đã qui định. Hai bên miền Nam và miền Bắc VN qui lỗi cho nhau là phá hoại, không chấp nhận tổ chức bầu cử.

Miền Bắc, sau một vài đợt cải cách ruộng đất thất nhân tâm đã gây bất mãn sâu sắc trong xã hội, một cuộc tổng tuyển cử năm 1956 chưa chắc ông Hồ sẽ thắng. Năm 1954, hàng triệu người dân miền Bắc đã di cư vào Nam phần nào cho thấy dân miền Bắc không thích các chủ trương XHCN do ông Hồ áp dụng, đã ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí làm đảo lộn đời sống của người dân VN. Miền Bắc vì thế sẽ thất bại nếu cuộc bầu cử diễn ra.

Yếu tố quan trọng khác, miền Bắc đất ruộng chật hẹp, nghèo nàn; công kỹ nghệ, hạ tầng cơ sở rất kém, có thể nói là chưa có gì, tóm lại, miền Bắc là một vùng rất nghèo. Trong khi miền Nam ruộng đất phì nhiêu, các hạ tầng có sở do Pháp để lại đều tương đối tốt, nếu không nói là khá, vượt trội so với nhiều nước chung quanh. Miền Nam có triển vọng cất cánh nhanh chóng so với miền Bắc.

Đây là những lý do khiến ông Hồ không muốn tổ chức “tổng tuyển cử” năm 1956 và quyết định “thống nhất đất nước” bằng vũ lực và bằng mọi giá, càng sớm càng tốt.
Trong khi mục tiêu của TQ muốn là muốn duy trì tình trạng VN như qui định của hiệp định Genève. TQ thuyết phục lãnh đạo miền Bắc chủ trương « trường kỳ mai phục ».

Mao nói với lãnh đạo VN : « Tình trạng nước VN bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ. Nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm »(tr 37).

Tháng 7 năm 1955 Tổng Bí Thư đảng CSTQ là Đặng Tiểu Bình nói : « Dùng lực lượng vũ trang để thống nhất nước nhà sẽ có hai khả năng : một khả năng là thắng và một khả năng nữa là mất miền bắc ».

Tháng 7 năm 1957 Mao Trạnh Đông nói : « Vấn đề là phải giữ biên giới hiện có, phải giữ vĩ tuyến 17… Thời gian có lẽ dài đấy. Tôi mong thời gian dài thì sẽ tốt ».

Như thế rõ rệt : TQ muốn VN giữ nguyên trạng theo hiệp định Genève, chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17 càng lâu càng tốt.

Nhưng, vì lý do vừa nói trên, thời gian càng kéo dài thì kinh tế miền Nam càng vượt xa miền Bắc vì thiên nhiên ưu đãi, quân đội do đó mạnh hơn, việc « thống nhứt » đất nước bằng vũ lực sẽ không bao giờ thành công mà có thể mất cả miền Bắc, như lời của Đặng Tiểu Bình. Trường hợp thống nhất bằng đường lối tổng tuyển cử hòa bình thì miền Bắc không có xác suất nào để thắng.

Lãnh đạo CSVN đã phải chọn giải pháp vũ lực, đánh miềm Nam càng sớm càng tốt, để hy vọng thắng và tồn tại.

Bắc Kinh không thuyết phục được CSVN « trường kỳ mai phục ». Với nhân sự đã cài lại sau 1954, CSVN mở cùng lúc nhiều mặt trận (chính trị, quân sự) đánh phá miền Nam. TQ, vì biết không thể cản, phải nương theo cái gọi là « tinh thần quốc tế vô sản », giúp đỡ vũ khí, lương thực và nhân sự để có khả năng gây ảnh hưởng lên lãnh đạo CSVN.

Tuy nhiên, cuộc chiến càng kéo dài, vũ khí đạn dược lạc hậu do TQ viện trợ trở thành không tương xứng với vũ khí tối tân của quân đội miền Nam và quân đội HK. Vì thế lãnh đạo CSVN ngày càng hướng về phía Liên Xô. Từ 1965 đến 1969 viện trợ quân sự của LX cho miền Bắc lên tới khoảng 4 hoặc 5 tỉ đô la, trong khi viện trợ của TQ chỉ còn 10% con số viện trợ của LX. Miền Bắc tách dần khỏi quĩ đạo TQ, trở thành vệ tinh của LX, lệ thuộc từ tư tưởng cho đến hành động. Liên minh Việt-Xô làm TQ lo ngại, không khác đe dọa áp lực quân sự của HK ở phía Nam. Trong khi đó thì Lào và Kampuchia trung lập, TQ tưởng chừng không còn điểm nắm tại Đông Dương.

Từ tháng 5 năm 1968 hội nghị Paris được mở ; TQ cho đây là « một sự gian trá về đàm phán về hòa bình ». Trong thâm tâm TQ lo ngại Washington và Moscou ép Hà Nội về một giải pháp mà TQ đứng ngoài.

TQ thường xuyên tố cáo « bọn xét lại » LX « âm mưu » liên kết với HK để « ly gián » tình hữu nghị Trung-Việt và phá hoại khối liên kết chống Mỹ của hai dân tộc Việt-Hoa. TQ tố cáo sự trợ giúp của LX cho VN là giả tạo, bề ngoài, mục đích của nó là làm cho hai nước Trung-Việt chống đối lẫn nhau.

TQ nói với lãnh đạo CSVN rằng VN đàm phán với HK là « nghe theo lời LX ». TQ  cho rằng VN dùng viện trợ của TQ đánh Mỹ để nhằm mục tiêu đàm phán với Mỹ thì viện trợ của TQ không có ý nghĩa.

Ngày 17 tháng 10 năm 1968, Trần Nghị, bộ trưởng bộ ngoại giao, đến gặp đại diện VN đe dọa chấm dứt ngoại giao nếu VN « chấp nhận 4 bên đàm phán ». TQ cho rằng như thế là giúp Johnson thắng cử, làm kéo dài sự « đô hộ của dân miền Nam dưới gót giầy đế quốc Mỹ ! ».

Năm 1969 TQ hỏi CSVN : Thế VN muốn đánh hay hòa để TQ tính việc viện trợ ? Viện trợ của TQ năm 1969 sụt 20% co với năm 1968.

Đứng trước đe dọa đàm phán của ba nước Việt-Xô-Mỹ có thể gây bất lợi, TQ thúc đẩy Hà Nội lên thang chiến tranh nhằm phá hoại. TQ sẽ giúp VN đánh Mỹ đến người VN cuối cùng ! Mục tiêu của TQ là không cho HK thực hiện kế hoạch « Việt Nam hóa chiến tranh », quyết giữ HK sa lầy tại VN, nếu HK không quan tâm đến quyền lợi của Bắc Kinh.

Từ năm 1970 vấn đề VN lại gắn thên vấn đề Kampuchia. Ông hoàng Sihanouk bị tướng Lon Nol đảo chánh, phải tị nạn tại Bắc Kinh. Từ đó TQ đầu tư vào con bài Sihanouk. (Sau đó là Khmer đỏ, mặc dầu Đặng Tiểu Bình rất ghét Pol Pot vì lý do cá nhân, nhưng vì nhu cầu phải cầm chân VN nên TQ phải giúp bọn phạm tội ác diệt chủng).

Do nhu cầu chiến lược, TQ trở nên hòa hoãn với HK năm 1971-1972. Phía HK cũng ý thực được vai trò của TQ, nhận thấy không thể thực hiện kế hoạch « Việt Nam hóa chiến tranh » nếu không có sự đồng thuận của TQ. Vì thế con đường « Việt Nam hóa chiến tranh » bắt buộc phải đi qua Bắc Kinh.

Tuy nhiên bề mặt đối với VN thì TQ luôn biểu lộ sự ủng hộ tích cực CSVN và chống đối HK mạnh mẽ. TQ vẫn muốn lôi kéo VN trở lại nhưng cũng lo ngại để lộ bộ mặt thân HK, VN sẽ ngã hẵn về phía Moscou.

TQ giả vờ bày tỏ lập trường cứng rắn ủng hộ VN trong hai dịp : tháng 9 năm 1971 lúc thủ tướng Lý Tiên Niệm sang Hà Nội và tháng 11 năm 1971 lúc Phạm Văn Đồng tại Bắc Kinh. Tháng 3 năm 1972 Chu Ân Lai sang Hà Nội xác định lại lời hứa của TQ sẽ giúp cho VN đến khi chiến thắng.

Qua các cuộc đi đêm và ngoại giao « bóng bàn » với Washington, Bắc Kinh đã thành công lập lại cầu nối với HK, giúp HK rút khỏi VN bình an. Đổi lại, HK nhìn nhận Bắc Kinh là đại diện chính thức của TQ tại LHQ, thay vì nhà nước Quốc Dân đảng ở Đài Bắc, đồng thời hứa giúp TQ phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Năm 1979, sau cuộc chiến Việt-Trung, CSVN tố cáo TQ vào khoảng thời gian này đã sử dụng VN như là con bài để thuơng lượng với HK về vấn đề Đài Loan. Nhưng thực ra phía TQ có giải thích chủ trương của TQ là giải quyết VN trước, Đài Loan sau. Điều này cho thấy đúng.

Hiệp định Paris 27-1-1973 đưa VN trở lại tình trạng năm 1954 : trong nhất thời hiện hữu hai nước VN và việc thống nhất sẽ bằng một phương pháp hòa bình mà điều này sẽ chỉ thực hiện trong một thời gian rất xa. HK không mong muốn gì hơn là rút chân một cách an toàn ra khỏi miền Nam. Riêng Lào và Kampuchia trở lại giải pháp theo hiệp định Genève 1954 và 1962, xác định lại sự trung lập của hai nước này. Phía TQ đón nhận hiệp định với sự hài lòng, vì TQ được trở lại sân khấu với vai trò quyết định số phận ba nước Đông Dương qua thỏa ước cuối cùng ký ngày 2 tháng 3 năm 1973. TQ cũng đã thiết lập trước đó một mối giao hảo khá thân mật với MTGPMN, sẽ là một thành phần trong chính phủ mới tại miền Nam (nếu hiệp định Paris được tôn trọng).

Quan hệ Bắc Kinh và Hà Nội chỉ bắt đầu tồi tệ từ khi hiệp định Paris không được các bên tôn trọng.

Phía Hà Nội không có lý do tôn trọng vì hiệp định không giải quyết được quyết tâm « thống nhất đất nước ». Phía Sài Gòn cũng không có lý do tôn trọng vì hiệp ước dự trù một chính phủ liên hiệp ba thành phần, trong đó Sài Gòn một thành phần và MTGPMN là một thành phần khác. Trong khi đó, cũng như thời gian sau hiệp định Genève 1954, TQ khuyên nhủ Hà Nội kiên nhẫn chờ đợi. Tháng 6 năm 1973 Mao Trạch Đông nói với Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng : Ở miền Nam cần ngưng chiến nửa năm, một năm, một năm rưởi, hai năm càng tốt… Cách mạng miền Nam nên chia làm hai bước… ».  Chu Ân Lai thì nói : « trong một thời gian chưa thể dứt khoát là 5 năm hay 10 năm, VN và Đông Dương nghỉ ngơi được thì tốt… ». TQ hứa hẹn sẽ viện trợ 5 năm với mức kim ngạch như năm 1973.

Nhưng TQ không đủ khả năng tạo sức ép lên Hà Nội và các bên để yêu cầu tôn trọng hiệp định Paris. Viện trợ quân sự của TQ cho VN bị cắt (viện trợ kinh tế thì vẫn còn) nhưng không ngăn được chiến cuộc leo thang mà phần thắng ngày càng nghiêng về phía miền Bắc, do sự viện trợ quân sự ào ạt của LX, trong lúc miền Nam đã không còn chỗ dựa.

HK đã dứt khoát với miền Nam, mặc dầu HK được sự khuyến khích của TQ trở lại giúp quân đội Sài Gòn. TQ không muốn cho Hà Nội thắng, nhưng sự ủng hộ của quần chúng HK cho cuộc chiến đã không còn, số phận miền Nam đã định.

Sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, CSVN tuyên bố năm 1979 : Việc giải phóng và thống nhứt miền Nam không chỉ là một thất bại của đế quốc Mỹ mà còn là một thất bại lớn của những người cầm quyền ở Bắc Kinh trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu và mưu đồ bành trướng bá quyền của họ….

Học giả François Joyaux, tác giả cuốn « La Tentation Impériale – politique extérieure de la Chine depuis 1949 », cho rằng cuộc chiến Việt Trung 1979 bắt nguồn từ việc Hà Nội không tôn trọng hiệp định Paris. Việc này xét ra không sai : nó là nguyên nhân xa đưa đến sự khủng hoảng trầm trọng giữa hai nước Việt-Trung. Nó cũng là nguyên nhân khiến cho TQ quyết định chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của VN vào tháng giêng năm 1974.

5/ Nguyên nhân cuộc chiến 1979

5.1 Vấn đề người Hoa hay « nạn kiều »:

Vào năm 1975 người Hoa ở miền Nam Việt Nam khoảng 1.200.000 người, phần lớn ở Chợ Lớn (800.000), nắm phần lớn huyết mạch kinh tế miền Nam. Con số này cộng thêm 200.000 là số dân Hoa sống tại Kampuchia, sau 1975 chạy sang VN tị nạn. Vấn đề quốc tịch người Hoa được Bắc Kinh và chính phủ VNDCCH đặt ra sau khi ký kết hiệp định Genève. Việc thuơng thuyết gặp khó khăn, nhưng cuối cùng kết quả là người Hoa tại VN (miền Bắc) được có những quyền lợi tương tự như người bản xứ nhưng những người này phải lần hồi lấy quốc tịch Việt.

Ở miền Nam, thời Ngô Đình Diệm đã có những chính sách hạn chế sinh hoạt kinh tế của ngoại kiều. Người nước ngoài không được làm một số ngành nghề, việc cấp Visa cũng khó khăn, hạn chế. Điều này cũng áp dụng cho Hoa Kiều, vì thế lớp người này hầu hết nhập tịch Việt Nam.

Sau 1975, CSVN áp dụng chính sách « đánh tư sản mại bản », một số tài phiệt người Việt gốc Hoa tại miền Nam bị bắt cải tạo hay đày đi kinh tế mới. Các bang, hội đồng hương, tương tế của người Hoa bị cấm hoạt động. Hai đợt đổi tiền (1975, 1978), bề mặt là kiểm soát lượng tiền tệ, nhưng mục tiêu lột sạch của cải dân miền Nam, trong đó người Việt gốc Hoa là nạn nhân chính. Song song đó là chính sách « cải tạo công thuơng nghiệp », toàn bộ tài sản của dân miền Nam, trong đó có người việt gốc Hoa, ruộng đất, vườn tược hoàn toàn bị tước đoạt.

Năm 1976, nhân việc tổ chức bầu cử toàn quốc, những người Việt gốc Hoa ở miền Nam bị bắt buộc khai quốc tịch, việc này quan hệ đến đại đa số dân Hoa sống tại đây vì từ thập niên 50 họ đã có quốc tịch Việt Nam, một phần ít nhiều do chính sách ép buộc của VNCH đã nói trên. Như thế người Hoa bị hai mất mát lớn : vừa mất quốc tịch vừa mất tài sản. Tương tự như tại Indonésia năm 1965, họ phải tị nạn, một số về lại mẫu quốc, một số khác sang sinh sống các nước Đông Nam Á.

Trong khi đó chính phủ MTGPMN đã có cam kết với Bắc Kinh về tình trạng của người Hoa sau chiến tranh. Ngày 24 tháng 5 năm 1965, mặc dầu còn đang chiến tranh, MTGPMN công bố một lá thư nhằm gởi đến Hoa kiều đang ở miền Nam, nội dung cho biết những người này có quyền tự do lựa chọn quốc tịch của mình. Năm 1968 việc này được CP MTGPMN nhắc lại và Bắc Kinh tiếp nhận sự việc này. Như thế đây là một lời cam kết giữa hai chính phủ. Nhưng MTGPMN đã bị âm thầm « xóa sổ », không kèn không trống, một số nhân vật của tổ chức này vượt biên ra sống ở hải ngoại, một số rất nhỏ được CSVN sử dụng, nhưng số rất lớn khác vẫn còn ngậm đắng nuốt cay  cho đến ngày hôm nay.

Người Việt gốc Hoa từ năm 1977 bắt đầu chạy trốn VN, đỉnh cao là tháng 3 năm 1978  sau khi nhà nước CSVN áp dụng chính sách cải tạo công thuơng nghiệp, quốc hữu hóa toàn bộ, việc này gây một làn sóng « boat people », không riêng gì người Việt gốc Hoa mà người Việt chính gốc cũng bỏ nước ra đi. Thảm cảnh thuyền nhân kéo dài nhiều năm, con số lên đến hàng triệu người, tình trạng chết chóc do bão tố, nạn nhân hải tặc v.v..  làm chấn động cả thế giới. Phong trào vượt biên kéo dài cho đến thập niên 90.

Ngày 12 tháng 5 năm 1978, Bắc Kinh quyết định ngưng một phần viện trợ cho VN để giúp cho số người Hoa hồi hương về lục địa. Theo Bắc Kinh, con số này lên tới 40.000 người. Cuối tháng 5, Bắc Kinh đề nghị gởi thuyền bè sang VN để cho những người Hoa, những người muốn hồi hương. Hà Nội chính thức hóa, ngày 20 tháng 6, việc hồi hương người Hoa. Cùng lúc, Bắc Kinh tuyên bố bãi bỏ thêm một phần viện trợ cho VN để dành cho việc tái định cư những người hồi hương. Cũng trong tháng 6 TQ đóng cửa các tòa lãnh sự của VN tại Quảng Châu, Côn Minh và Nam Ninh. Ngày 3-7-1978 TQ tuyên bố cắt hết viện trợ và rút toàn bộ chuyên gia đang giúp VN về nước.

Theo hồi ký công bố gần đây, (nguồn BBC 17-2-2006) của Zhou Deli (Châu Đức Lập), tham mưu trưởng của Quân khu Quảng Châu,  vào  tháng Chín 1978, có nói về một cuộc họp tại văn phòng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Trung Quốc, nội dung tìm phương pháp  "giải quyết vấn đề lãnh thổ bị quân Việt Nam chiếm đóng".
Ông này viết rằng : 

« Sự tập trung ban đầu là nhắm vào cuộc xung đột biên giới, và đề xuất đầu tiên muốn có một cuộc tấn công nhỏ vào một trung đoàn Việt Nam ở Trùng Khánh, giáp ranh Quảng Tây.
Sau khi nhận được tin tình báo cho biết Việt Nam sẽ tấn công Campuchia, đa số người dự họp cho rằng một cuộc tấn công cần có tác động lớn đến Hà Nội và tình hình Đông Nam Á.
Họ đề nghị tấn công vào một đơn vị quân chính quy Việt Nam ở một khu vực địa lý rộng hơn.
Cuộc họp kết thúc mà không đưa ra quyết định nào, nhưng nó tạo tiền đề cho kế hoạch chiến tranh sau đó »

Vấn đề « lãnh thổ » của TQ bị VN chiếm đóng cần phải xét lại khi các dữ kiện liên quan được các bên công bố. Cuốn « Bị vong lục » của VN công bố năm 1979, tố cáo TQ xâm chiếm đất của VN, (nếu so sánh với hồ sơ biên giới 1885-1897) cho thấy có một số điểm sai. Lãnh thổ (trên vùng biên giới) mà Châu Đức Lập đề cập là « lãnh thổ » nào ? Tuy nhiên, lời nói của viên chức này rõ ràng cũng ám chỉ các đảo thuộc Trường Sa của VN.

Nhưng có lẽ vấn đề « nạn kiều » là một lý do để có buổi họp quân sự từ tháng 9 năm 1978.

Điều này có nghĩa là quyết định đánh Việt Nam đã có trước khi Việt Nam mở cuộc chiến toàn diện với Kampuchia vào cuối năm 1978

5.2 Vấn đề Kampuchia :

Quan hệ Việt-Trung sau vấn đề « nạn kiều » 1978 đã trở nên trầm trọng, có thể gọi là hết thuốc chữa. Sự việc bắt đầu từ khi hiệp định Paris 1973 không được tôn trọng, đến 30 tháng 4 năm 1975 giao hảo Việt-Trung không còn tình hữu nghị, mà chuyển sang đối đầu, vì VN  đã lệ thuộc hẵn vào LX. Vì cùng lo ngại sự hiện diện của LX tại Đông Nam Á, TQ đã thành công ký kết ngoại giao với các nước có truyền thống chống TQ tại Đông Nam Á như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương v.v…

Mực độ căng thẳng Việt-Trung thấy được qua việc CSVN tố cáo TQ gây chiến trên biên giới Việt-Trung : năm 1975 là 234 vụ, năm 1978 là 2175 vụ, tăng 9 lần. Việc gia tăng hiềm khích là phản ảnh của quan hệ căng thẳng Việt-Trung trong thời gian đó.
Về quan hệ giữa TQ và Kampuchia, CSVN tố cáo Pol Pot và Ieng Sary, sau 1973, theo lệnh của Bắc Kinh thi hành chính sách hai mặt đối với VN : vừa dựa vào VN, vừa chống VN.

Theo hiệp định ký kết với HK, TQ không được viện trợ quân sự trực tiếp cho ba nước Đông Dương. Nhưng bề trong TQ viện trợ cho nhóm Pol Pot – Ieng Sary qua ngả VN ; VN viện trợ cho nhóm này, sau đó TQ sẽ hoàn trả lại cho VN. Như thế hai mặt TQ không thất hứa với HK mà vẫn giúp vũ khí cho phe kháng chiến Kampuchia.

Ngày 17 tháng 4 năm 1975 chính quyền Lon Nol bị sụp đổ, phe Pol Pot và Ieng Sary lãnh đạo đảng cộng sản Kampuchia lên nắm quyền ở Nam Vang. Đây là những người đệ tử cuồng tín của chủ nghĩa Mao-ít. Ông Hoàng Sihanouk, lá bài chủ của TQ, bị lu mờ phải ra sau hậu trường chờ thời. Đặng Tiểu Bình cho dầu không ưa bọn Pol Pot, nhưng cũng sử dụng vì bọn này lại tỏ ra rất hữu hiệu để chống phá VN.

Theo tài liệu CSVN, TQ viện trợ cho Kampuchia tiền bạc, vũ khí cùng hàng vạn chuyên gia cố vấn  để huấn luyện và vũ trang hàng chục sư đoàn bộ binh, thiết giáp, pháo binh, xây dựng và mở rộng nhiều căn cứ hải quân, không quân và hệ thống nhà kho hậu cần, giúp Pol Pot chuẩn bị chiến tranh với VN.

Thực ra hiềm khích giữa hai dân tộc Việt và Miên đã có từ lâu đời, nguyên nhân là các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và biên giới. Phía bên Kampuchia không chấp nhận nguyên tắc « uti possidetis » của quốc tế công pháp, có dịp là lên tiếng chống VNCH, đòi hỏi phi lý các vùng đất đã thuộc về VN do các quyết định hành chánh hay các hậu quả pháp lý của các hiệp ước về biên giới ký kết dưới thời Pháp. Họ phủ nhận đường biên giới qui ước Pháp thiết lập trong quá khứ. Thực ra VN cũng là nạn nhân của di sản nhà nước thực dân : công ước phân định biên giới giữa nhà Thanh (TQ) và Pháp năm 1887 đã làm cho miền Bắc VN mất nhiều vùng đất quan trọng về kinh tế và chiến lược ; nhưng VN đã không có thể hủy bỏ các hiệp ước « bất bình đẳng » này mà phải tôn trọng nó, vì nó vẫn còn hiệu lực pháp lý cho đến ngày hôm nay (theo tinh thần công ước Vienne 1969).

Trong khi, do nhu cầu cầu mở đường trên đất Kampuchia (đường mòn Hồ Chí Minh) để tiếp viện cho cuộc chiến, ngày 8-6-1967 nhà nước VNDCCH có ra tuyên bố « nhìn nhận đường biên giới hiện trạng » của Kampuchia. Phía Kampuchia xem tuyên bố này như là một hứa hẹn (ngoài các hứa hẹn khác của MTGPMN với Sihanouk) VN trả lại đất, trong đó bao gồm các đảo trong vịnh Thái Lan (gồm Phú Quốc, Thổ Chu…) và một số vùng đất khác. Sau khi thống nhứt lãnh thổ, CSVN « quên » các hứa hẹn này. Đó là nguyên nhân khiến Khmer đỏ đánh VN, mở đầu cho việc VN chiếm Kampuchia, sau đó là cuộc chiến Việt-Trung 17-2-1979.

Về phía HK, quan hệ Washington và Bắc Kinh bình thường hóa đầu năm dương lịch 1979, sau khi VN xua quân vào Kampuchia vài ngày. Trước đó hai bên có thông cáo chung về quan điểm « chống bành trướng » ngày 15 tháng 12-1978, điều này ám chỉ liên minh VN và LX và các manh động của VN tại Kampuchia và LX tại Afghanistan. Tháng giêng 1979 họ Đặng thăm viếng HK, ký kết một số thỏa hiệp với HK về văn hóa, kinh tế và kỹ thuật đồng thời trình bày một kịch bản chung với HK để chống LX, nhưng thực chất bề trong là thông báo cho HK kế hoạch « dạy cho VN một bài học ».

Trước đó, tháng 11, họ Đặng đã đi các nước Thái Lan, Mã Lai, Singapore… có tuyên bố các nơi đây rằng TQ sẽ dùng vũ lực nếu VN tấn công Kampuchia. Như thế, TQ đã lo « bao sân » trước khi đánh VN 17 tháng 2 năm 1979. Tất cả các nước đều không phản đối việc dọa đánh VN của Đặng Tiểu Bình. Điều này dễ hiểu, sau 30-4-1975, VN bị cô lập hoàn toàn ở Đông Nam Á. Nguyên nhân là do thái độ hung hăng hiếu chiến của VN, sau khi ký kết hiệp ước an ninh với LX cuối năm 1978, sau khi tham gia khối COMECON, đòi đánh sang đến cả Thái Lan. Khối ASEAN vì thế hợp tác với TQ để chống sự bành trướng của LX, qua mũi nhọn xung kích là VN.

Lý ra cuộc chiến đánh bọn đồ tể diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary của VN là một cuộc chiến có chính nghĩa, nhưng vì tham vọng quá lớn của lãnh đạo CSVN, muốn biến Kampuchia thành một chư hầu, dự định đóng quân lâu dài, khiến thế giới lên án buộc VN phải rút quân về.

Nhưng đó cũng là kế hoạch của TQ, làm cho VN sa lầy tại Kampuchia, làm VN chẩy máu đến chết.

Đối với LX, từ năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình trở lại chính trường, việc hòa hoãn có khuynh hướng tích cực. LX do lo ngại trục Bắc Kinh – Tokyo – Washington thiết lập từ năm 1978 nên cũng tỏ ra niềm nở hơn với Bắc Kinh. VN gia nhập khối Comecon ngày 29 tháng 6, ký hiệp ước hợp tác và hữu nghị với LX ngày 3 tháng 11 năm 1978. Việc VN ký kết với LX hiệp ước hợp tác và hữu nghị đối với TQ có ý nghĩa chấp dứt mọi quan hệ gữa VN và TQ.

Ngày 25 tháng 12 năm 1978 quân VN tiến vào Kampuchia, đến ngày 11 tháng 1 năm 1979 đánh quân Pol Pot ra khỏi Nam Vang và các tỉnh lớn, Heng Samring tuyên bố nền cộng hòa nhân dân Kampuchia được thiết lập.

Việc quân VN nhanh chóng quét sạch quân Pol Pot ra khỏi Nam Vang và các tỉnh lớn ở Kampuchia đã làm cho phía TQ bị bất ngờ.

Ngày 17-2 TQ xua quân sang đánh VN. Kế hoạch đánh VN hiện nay có nhiều tài liệu, Việt Nam và TQ, đã được công bố. Tài liệu Châu Đức Lập (nguồn BBC ghi trên) kể lại như sau :

« Ngày 7-12, Ủy ban quân ủy trung ương có cuộc họp và quyết định mở một cuộc chiến hạn chế ở vùng biên giới phía nam của Trung Quốc… Chỉ thị nói rằng cuộc chiến sẽ tiến hành một cách hạn chế, trong phạm vi 50 cây số từ biên giới và kéo dài hai tuần… Đặng Tiểu Bình bổ nhiệm Xu Shiyou lãnh đạo quân từ Quảng Tây, Yang Dezhi lãnh đạo quân từ Vân Nam…. Cuộc xâm lấn phải nhanh, và toàn bộ quân phải rút về sau khi hoàn tất mục tiêu chiến thuật.
Ngày 23-1, Bộ Tổng tham mưu Trung Quốc họp và quyết định quân đội phải sẵn sàng hành động trước ngày 15-2. Hai ngày sau khi ông Đặng trở về sau chuyến thăm Mỹ và Nhật, hôm 11-2-1979, ông ra quyết định sẽ tấn công Việt Nam vào ngày 17-2. »

Mặc dầu VN đã có ký kết hiệp ước hỗ tương với LX, nhưng LX đã không có phản ứng đúng với mức độ cần có như cam kết. LX cũng đã lập lại việc này lúc TQ chiếm các đảo TS của VN năm 1988.

6. Bài học nào qua cuộc chiến này ?

Cuộc chiến này đã là một bài học sâu sắc cho cả hai bên lâm chiến.

Cuộc chiến không hề đem một lợi lộc nào cho VN, ngoài việc cướp đi sinh mạng hàng chục ngàn (có thể tới 50.000) thanh niên, hàng chục ngàn dân lành vô tội và tạo ra biết bao  thuơng binh, cô nhi, quả phụ. Cuộc chiến cũng tàn phá các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn… khi quân TQ rút đi, các tỉnh này trở thành bình địa.

Cuộc chiến đáng lẽ đã tránh được, nếu VN không phạm sai lầm và hiểu chiến lược của TQ.

Sai lầm trọng đại nhứt của CSVN là tỏ thái độ vô ơn trắng trợn đối với TQ. Có vấn đề Kampuchia hay không, TQ cũng sẽ cho VN « một bài học », không vào năm 1979 thì sẽ vào lúc khác. Sự trở mặt của VN năm 1978, gia nhập COMECON và ký hiệp ước an ninh với LX, không chỉ đe dọa TQ mà còn trực tiếp đe dọa toàn vùng Đông Nam Á. Các nước trong vùng lo ngại hệ quả Domino. Việc này khiến các nước trong vùng thân thiện và thiết lập ngoại giao với TQ. Sự trở mặt của VN cũng đã bắt cầu cho TQ và Hoa Kỳ thân thiện với nhau, tất cả nhằm mục tiêu cô lập Liên Xô (và VN).

Trong khi, sau 1975, giả sử VN « khai thông ngoại giao » với TQ bằng cách chấp nhận ảnh hưởng của TQ qua thực thể chính trị MTGPMN với một mực độ nào đó, (trong một thời gian chấp nhận được), chắc chắn sẽ không có cuộc chiến 1979.

Đối với dân Khmer, CSVN đã có những hứa hẹn không thể giữ lời : VN không thể trả lại cho nước này các vùng đất đã trở thành của VN (theo các nguyên tắc của quốc tế công pháp : Công ước Vienne 1969 và nguyên tắc « uti possidetis »).  

Lãnh đạo CSVN đã có những lựa chọn tệ nhất, lấy giải pháp xấu nhất, điên rồ nhất, có hại nhất cho đất nước và dân tộc VN.

Sau 1975, nếu VN không mù quáng áp dụng các chính sách kinh tế XHCN, không có các chính sách học tập cải tạo, không trả thù người dân miền Nam, không đánh người Việt gốc Hoa v.v… thì vị trí của VN hôm nay đã sánh ngang, ít nhất, với Đại Hàn rồi !

Hơn ba thập niên dư âm cuộc chiến vẫn còn, linh hồn hàng chục ngàn chiến sĩ hi sinh bảo vệ đất nước vẫn còn đang vất vưỡng, hương tàn, khói lạnh.

Lãnh đạo VN đã cố gắng che đậy, không cho làm lễ tưởng niệm, vì họ muốn làm hài lòng TQ. Lãnh đạo CSVN đang chạy trốn quá khứ, đang trốn cả sự thật, không dám nhận lãnh trách nhiệm về đổ vỡ của mình gây ra. Lãnh đạo CSVN hiện đang trong gọng kềm của TQ. Hôm nay họ mới thấy thấm thía cái vị thất bại chua cay của cuộc chiến 1979 mà họ tuyên truyền là người chiến thắng ! VN hơn 3 thập niên sau vẫn không khá hơn VN 3 thập niên trước, vẫn là một nước nghèo, vẫn ngữa tay xin trợ giúp từ các tổ chức thế giới ; mâu thuẫn dân tộc vẫn sâu sắc, không giải tỏa vì chính sách hòa giải dân tộc vẫn chưa thực hiện.

Bài học cuộc chiến 1979 lãnh đạo VN chỉ hiểu lờ mờ !

Về phía TQ, bài học cuộc chiến 1979 có thể xem là cơn sốt vỡ da để lớn. TQ đã thành công phát triển thế và lực hiện nay là do từ những thất bại chiến lược của CSVN. TQ hiện nay là người khổng lồ so với TQ năm 1979. TQ đã phát triển vượt mức về mọi mặt, nhất là quân sự. TQ đã hiểu rất rõ cuộc chiến 1979, vì tất cả đều rạch ròi trong chiến lược của TQ.

Trương Nhân Tuấn

Sách tham khảo : La Tentation Impériale – politique extérieure de la Chine depuis 1949, tác giả François Joyaux, Paris 1994, ISBN 2-11-081331-8 ; Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, NXB Sự Thật, tháng 10 năm 1979.
Tài liệu : Nguồn BBC.

Publié par Nhan Tuan Truong à 00:13



No comments:

Post a Comment

View My Stats