Thứ ba 11 Tháng Hai 2014
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố
« bất bình » sau khi tòa án Tây Ban Nha xác nhận đã gửi lệnh truy nã ông Giang
Trạch Dân, cựu chủ tịch Trung Quốc về tội « diệt chủng », áp bức người Tây
Tạng.
Trong khuôn khổ điều tra chính
sách « diệt chủng » mà Trung Quốc tiến hành tại Tây Tạng trong hai thập niên
1980-1990, thẩm phán thụ lý hồ sơ Ismael Moreno, ngày hôm qua 10/02/2014 đã xác
nhận đã gửi lệnh truy nã quốc tế mà đối tượng là cựu chủ tịch Trung Quốc Giang
Trạch Dân và cựu thủ tướng Lý Bằng.
Thẩm phán Ismael Moreno đã tuân
theo phán quyết của Tòa án quốc gia ngày 18/11/2013, theo đó có nhiều « chứng
cớ » hai nhà cựu lãnh đạo Trung Quốc « can dự » vào những hành vi bị nguyên đơn
thưa kiện. Mỗi người đều có trách nhiệm về « chính trị và quân sự » trong giai
đoạn điều tra kể trên.
Vụ kiện lãnh đạo Trung Quốc do
Ủy ban Ủng hộ Tây Tạng CAT và tổ chức Mái Nhà Tây Tạng đứng đơn nhắm vào năm
lãnh đạo Trung Quốc mà đứng đầu là Giang Trạch Dân, Lý Bằng và đến tháng
11/2013 thì mở rộng đến Hồ Cẩm Đào, vừa hết quyền miễn nhiễm bảo vệ chủ tịch
nước.
Tư pháp Tây Ban Nha thẩm định
là có thẩm quyền điều tra vì hai lý do : thứ nhất, một trong những nguyên đơn
là một người tỵ nạn Tây Tạng nhưng mang quốc tịch Tây Ban Nha, ông Thubten
Wangchen. Lý do thứ hai là tòa án Trung Quốc cho đến giờ vẫn chưa chấp thuận
điều tra theo yêu cầu của nạn nhân.
Hôm nay 11/02/2014, phát ngôn
viên Bộ Ngoại giao Trung quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố « rất bất bình và kiên
quyết chống lại các hành động » mà bà gọi là « sai lầm » của tư pháp Tây Ban
Nha. Bắc Kinh lên tiếng yêu cầu Madrid giải thích.
Cũng dựa vào tinh thần « công
lý phổ quát » và lệnh truy nã quốc tế, mà vào tháng 11 năm 1998, thẩm phán Tây
Ban Nha Baltasar Garzon đã bắt nhà cựu độc tài Chi lê Augusto Pinochet tại Luân
Đôn suốt nhiều tháng dài. Đến tháng 3 năm 2000, với lý do tuổi già sức yếu,
tướng Pinochet mới được hồi hương.
Chính quyền Tây Ban Nha chuẩn
bị thông qua một dự luật « hạn chế thẩm quyền phổ quát » của tư pháp liên quan
đến những vụ kiện tương tự. Dự luật này, nếu được Quốc hội biểu quyết trang
ngày hôm nay, sẽ có giá trị hồi tố đối với trường hợp truy nã các lãnh đạo
Trung Quốc.
Thủ tục truy nã phải « đình
hoãn »để xem xét lại cho đến khi chứng minh được là đã « tôn trọng mọi điều
kiện quy định ». Amnesty International (Ân xá Quốc tế) chỉ trích mạnh dự luật
giới hạn thẩm quyền thẩm phán của chính phủ Tây Ban Nha.
--------------------------------------
No comments:
Post a Comment