Tôi là con một nông dân. Từ
bé đã vọc đất, nghich nước. Đã phụ kéo dây tưới rau, thu hoạch hoa
lợi đưa vào chợ.
Lớn lên, tôi nghe lời cha
học canh nông. Và suốt từ bấy đến giờ, tôi vẫn đùa như thiệt mình
là người Việt gốc Sú/ chou, bắp cải.
Toàn bộ công việc của đời
tôi là làm gì cho nhà nông khấm khá hơn. Bước đầu là cơ giới hóa
canh tác, tự động hóa việc tưới. Sau này về trường còn chú ý đến
chế biến, bao bì, vận xuất,...
Cũng đã qua một thời xuất
khẩu rau hoa, cà phê, cây cảnh đến một số thị trường, XHCN cũng từng,
TB giẫy chết cũng biết...
Hai mươi lăm năm gần đây, tôi
cùng đồng nghiệp chuyên tâm đưa tiến bộ về công nghệ sinh học vào sản
xuất nông nghiệp, trước nhất là giống và kỹ thuật nhân giống. Sau đó
là dinh dưỡng, phòng trừ sâu, bệnh, cỏ dại theo hướng sinh học hữu
cơ, thân thiện với môi trường.
Nhìn chung, góc nào cũng
từng lăn, từng trãi với nhà nông từ rau hoa hàng niên, lúa bắp đậu
mè, cho đến đa niên như Tiêu trà cà phê, cả cây rừng,... Nên việc dấn
lên sự thật này, có thể tự làm khó cho mình, song phải gióng lên để
chia sẻ với cộng đồng xã hội và bà con chân lấm tay bùn.
Nếu những năm '60 miền Nam
mới nhập DDT, Endrine, Mercaptan,...trừ sâu thì miền Bắc cũng bắt đầu
"hóa học hóa" nông nghiệp. Nhà nông trong Nam làm quen với
Urê, sulfate amonne -SA thì miền Bắc tiếp cận "Đạm một lá",
'đạm hai lá'. Khi cách mạng xanh ở Ấn độ thành công, thì miền Bắc
mới bắt đầu với Trân châu lùn, các giống lúa mang gien lùn. Miền Nam
tiếp cận với IRRI qua các giống thần nông IR8, IR 20,... Nhưng tốc độ
tiếp cận công nghệ và sản phẩm công nghệ cao ở phía bắc phụ thuộc
vào Liên xô, Trung quốc nên đã chậm dần đều.
Sau ngày thống nhất, hầu
hết kỹ sư nông nghiệp từ miền Bắc không đọc được tên thuốc, tên phân
hay các chế phẩm chăn nuôi. Kiến thức ở các trường Đại học cũng
chậm lại chừng 20 năm do đủ thứ trì trệ. Do vậy- đến nay, từ chỗ ta
đi trước các nước lân cận thì tụt hậu so với họ không dưới 50 năm. (Chú ý rằng chỉ 50 năm sau
cùng của thế kỷ 20, loài người đã đi được đoạn đường bằng 5000 năm
trước đã đi. Và trong vũ trụ thông tin, chỉ 13 năm qua thôi, ta đã chậm
hơn các nước như Mã lai, In đô, Thái lan, Đài loan,... bình quân chừng
50 năm phát triển kinh tế nông nghiệp).
Trách nhiệm này, trước hết thuộc về
sự kiên trì "ngu lâu" nhằm chính trị hóa khoa học kỹ thuật,
văn học nghệ thuật, kinh tế xã hội,...của giới chóp bu và sự kiên
quyết lãnh đạo toàn dân toàn diện toàn thể...để giành quyền kiểm
soát và thao túng tài nguyên của đảng cầm quyền.
Từ khi 'cởi trói', 'đổi
mới' để nhà nông tự lo, thì có gạo dư để bán, thịt đủ để ăn, vài
ngành như cà phê, tiêu cũng có vẻ khởi sắc. Nhưng hãy nhìn đi, giá
trị xuất khẩu của tất cả nông sản nước ta trong mấy mươi năm góp lại
thì có nhân với trăm năm nữa cũng không huề vốn được với diện tích 7
triệu hec ta rừng đã và đang mất đi, đất và nước dùng trong nghề nông
đang từng ngày suy kiệt.
Các đồng bằng Nam bộ đã
vắt kiệt khả năng tạo ra năng suất của đất, phân hóa học được dùng
ngày càng nhiều. Sâu bệnh cỏ dại kháng thuốc tích lũy ngày càng
đông, càng mạnh khiến nhà nông phải đổi thuốc tăng liều liên tục để
giữ lấy mùa màng. Trên Tây nguyên, ngoài Tây Bắc và cả vùng Bắc và
Trung bộ cũng không khác tý nào.
Việc cải thiện giống ra sao
? Miền Bắc dựa vào lúa lai của TQ, miền Trung có nhiều vùng cũng
vậy. Trong Nam còn dựa được vào các giống lúa Thái như Khao Đak Mali,
Ấn độ như Jasmine 85 để xuất khẩu. Một số giống chọn lọc được như ST
5 đến ST 20, hay vài giống của Viện Ô Môn còn rất hẹp đường tiến
thủ. Trong lúc các giống cơm cứng rẻ tiền vẫn chiếm phần lớn diện
tích.
Giống Ngô thì nhập từ Mỹ là chính, vài giống từ Thái, từ Đài Loan và Viện Ngô cải tiến rất leo heo trên các cánh đồng.
Các giống cây trồng khác
từ cây ăn quả đến rau hoa đều di nhập vào hàng năm cả tỉ đô la.
Con giống trong chăn nuôi cũng thế, nhất là sau khi để TQ ôm hết
từ con giống đến thức ăn thì ngành chăn nuôi, chủ lực của NN Việt Nam
teo dần.
Phân bón và thuốc men phần
lớn đều nhập. Đạm Phú Mỹ chỉ được một phần nhỏ, còn lại toàn bộ
nguyên liệu là nhập. Các nhà máy thuốc thú y cũng nhập cảng nguyên
liệu, sang chai đóng gói, thế thôi.
Nhà nông chúng
ta ngày nay bị một lúc nhiều vòi bạch tuộc nhắm vào. Các Cty bán giống, bán vật tư nói chung
là giàu lên, thiên đường của thuốc trừ sâu, trừ cỏ mà. Thứ đến là
các đại lý, cùng một trust với chính quyền, cán bộ kỹ thuật ngành
nông nghiệp- từ thanh tra cho đến bảo vệ thực vật, khuyến nông, khuyến
đủ thứ...hè nhau vét của nông dân từ cái đáy khố rách.
Thế mà khi nông sản tới
mùa, đám thu mua từ các công ty con đổ ra đồng. Nào cân điêu, trừ thủy
phần, tạp nhiễm, mua nợ,... cho đến các công ty nhà nước cũng điêu.
Chúng chỉ ở xa, điều hành bằng chính sách giá cả.
Cũng tội nghiệp cho nông
sản xứ ta, lúa mua về đủ cỡ hạt, độ ẩm,... Sấy xong xay ra nát tấm
nhiều, chỉ bán cho khách nghèo, ăn đỡ đói. Chứ yêu cầu phẩm chất
đồng đều cho dễ chế biến vận xuất thì đào đâu ra. Khách ăn gạo yêu
cầu cao và khác xa cách làm của Việt Nam, nhưng chẳng ai định hướng
cho sản xuất.
Đến chuyện xuất cảng, các hiệp hội nhà nước trá hình như VFA
(gạo), Vicofa (cà phê) toàn quyền giao dich, định giá, xây dựng cổng
sau, sân sau,...miễn trích nộp ngon lành cho "chính phủ", còn
bọn nhà nông thì mặc mẹ chúng nó, và cấm chúng mày thành lập hiệp
hội ngành nghề.
Hai năm trước, tôi nhận lời
súp-pọt cho Đại học Kinh tế, thuộc dự án Brownee- thúc đẩy sản xuất
kinh doanh cà phê. Tại sự kiện cà phê, có cả Nam của Vicofa, Vũ của
Trung Nguyên,... tôi
đã nói rõ cái bộ NN-PTNT là cái bộ thối nát nhất, Chính phủ này
phản dân hại nước, chỉ cần nhìn qua "lăng kính" cà phê.
Hiệp hội là bọn hoạt đầu
chính tri; Kinh doanh thì triết lý tởm lợm, tiền gom vào nhà; Chính
quyền các cấp dây dưa với mafia; thử hỏi nông dân sẽ được gì ?
Cà phê lung tung giống, chất
lượng rất ba vạ vì có quy trình nào chuẩn tắc đâu, ngứa đâu gãi
đấy.
Chẳng cần bồi bổ cho đất
đai (của toàn dân -của đảng), chỉ chạy theo năng suất, mà người mua
lại đòi chất lượng thì giết dân chứ còn gì.
Từ các Viện, Trường chỉ
nghiên cứu vớ vẩn. Chứ chuyện làm ra một giống, xây dựng một quy
trình chuẩn tại một vùng cụ thể để đáp ứng yêu cầu chất lượng
ABC...thì cũng cần mươi năm đến vài mươi năm, chẳng ai làm. Doanh
nghiệp như thằng cu Vũ cu Văn chả dại đầu tư, nên có gì xơi nấy,
chẳng trách được.
Vấn đề vẫn là
quyền tư hữu đất đai, quyền tự do lập hội còn xa với nhà nông, nên
ngày nào còn tồn tại thể chế cũ rích này thì nông dân còn khốn
đốn. Nói nhanh cho vuông.
Đoàn
Nam Sinh
No comments:
Post a Comment