Chủ nhật 23 Tháng Hai 2014
Tại Hồng Kông hôm nay
23/02/2014 khoảng sáu ngàn người đã xuống đường đòi tự do báo chí. Cuộc biểu
tình này do các nhà báo tổ chức, vì mối lo ngại bị Bắc Kinh hạn chế tự do ngôn
luận đang ngày càng tăng.
Nhiều người biểu tình cài trên
ngực áo những chiếc ruban màu xanh, biểu tượng cho tự do ngôn luận trong ngành
truyền thông. Các nhà tổ chức ước tính có khoảng 6.000 người tham gia xuống
đường, còn cảnh sát cho rằng chỉ có 1.600 người. AFP nhận định, tại Hồng Kông
quan ngại đang tăng lên về việc Bắc Kinh tìm cách tăng cường kiểm soát vùng đất
bán tự trị này và khống chế báo chí.
Bà Tuyết Lợi Âm (Shirley Yam),
phó chủ tịch Hiệp hội các nhà báo Hồng Kông nói rằng : « Các tiêu đề bị sửa
lại, phỏng vấn bị cấm, và các cây bút xã luận bị sa thải. Một số coi đây là các
quyết định mang tính thương mại hay thậm chí các xung đột về lao động. Nhưng
chúng ta phải nhìn thấy các sự kiện này trong bối cảnh các phương tiện truyền
thông Hồng Kông đang bị siết chặt ».
Những người biểu tình hô vang
các khẩu hiệu như « Tự do cho người dân », « Tự do cho Hồng Kông », « Phản
đối kiểm duyệt ». Họ diễu hành qua các đường phố, điểm đến là khu Kim Chung
(Admiralty) nơi đặt trụ sở chính quyền thành phố.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đặt
tại New York nhận định, tự do báo chí tại Hồng Kông hiện đang « ở mức thấp »,
nêu ra việc các phóng viên phải tự kiểm duyệt, các tờ báo bị đe dọa về tài
chính và về vật chất cũng như các bước về tư pháp có thể ngăn cản việc thực
hiện phóng sự điều tra. Còn tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở
tại Paris tuyên bố sự độc lập của truyền thông Hồng Kông « hiện đang bị đe
dọa », vì Bắc Kinh ra sức bóp nghẹt các bài viết chỉ trích.
Theo thỏa thuận giữa Luân Đôn
và Bắc Kinh khi trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997, tự do báo chí cùng
với một số quyền tự do khác phải được duy trì trong ít nhất 50 năm.
Ông Jonathan Hopfner, một phóng
viên ở Hồng Kông và là thành viên Câu lạc bộ các thông tín viên ngoại quốc, nói
với AFP trong cuộc biểu tình : « Xu hướng đáng ngại về tự kiểm duyệt đang
tăng lên, điều này ảnh hưởng đến tất cả các nhà báo. Nhiều cơ quan truyền thông
chọn lựa Hồng Kông để hoạt động vì nơi đây có truyền thống tự do ngôn luận mạnh
mẽ. Chúng tôi hy vọng những gì đúng đắn vẫn được duy trì ». Còn ông Martin
Lee, cựu chủ tịch đảng Dân chủ cũng tham gia biểu tình tuyên bố : « Một khi
tự do báo chí không còn nữa thì các quyền tự do khác cũng không thể được cứu
vãn ».
Chính quyền Hồng Kông do ông
Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying) thân Bắc Kinh lãnh đạo, luôn chối cãi cho rằng
không đàn áp báo chí.
No comments:
Post a Comment