Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017
Theo
nhà báo Ben Bohane chuyên viết về châu Á-Thái Bình Dương suốt 25 năm qua, một ván
cờ tĩnh lặng nhưng quyết định đang diễn ra nhằm nắm quyền chi phối các đảo nhỏ ở
Thái Bình Dương. Tuy nhiên chỉ có một bên là chứng tỏ quyết tâm, còn bên kia dường
như đang nhường lại trận địa mà không mấy hăng hái chiến đấu.
Trên Wall Street Journal, ông Bohane nhận
định, đây là một hiện tượng mới. Trên hơn 100 năm qua, Hoa Kỳ vẫn coi Thái Bình
Dương như sân sau của mình, nhưng gần đây mọi sự đã thay đổi. Philippines, đồng
minh lâu đời của Mỹ đã « xoay trục » sang Trung Quốc, trong khi các đảo quốc khác
tại Thái Bình Dương cũng không cưỡng lại được các ve vãn của ngành ngoại giao
và đầu tư từ Bắc Kinh.
Trong khi đó Hoa Kỳ vẫn vắng bóng. Chính sách «
xoay trục sang châu Á » của cựu tổng thống Barack Obama nay chỉ còn là
những lời nói suông. Giờ đây chẳng có mấy bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ đầu tư vào
các đảo quốc tại đây.
Tổng thống Donald Trump có cơ hội để quan tâm hơn đến
khu vực này, nhưng Nhà Trắng dường như bị lạc hướng về phía Trung Đông, cũng
như các chính quyền tiền nhiệm. Với chi phí chỉ một ngày trong cuộc chiến Trung
Đông, Hoa Kỳ có thể củng cố mặt phía tây qua việc chiếm lấy cảm tình các đảo quốc
Thái Bình Dương bằng cách đầu tư vào du lịch, cơ sở hạ tầng, và cam kết với các
lãnh đạo tại đây. Thay vào đó, Trung Quốc đã ma mãnh giành lấy từng nước một.
Trong khi Bắc Kinh chi ra nhiều tỉ đô la đầu tư vào
các đảo Melanesia, Micronesia và Polynesia, làm các dự án hạ tầng quan trọng,
các kế hoạch du lịch với tài chính đi kèm, thì Hoa Kỳ vẫn giữ im lặng. Mỹ tiếp
tục bỏ mặc hiệp ước đồng minh ký với Micronesia và làm ngơ với phần còn lại
trong khu vực.
Palau vẫn đang chờ đợi 216 triệu đô la được hứa hẹn
năm 2011, trong khuôn khổ một thỏa thuận nhằm cung ứng cửa ngõ quân sự cho Hoa
Kỳ. Cách xử sự như vậy có thể khiến Liên bang Micronesia năm tới có thể chấm dứt
hiệp ước với Mỹ, trước thời điểm dự kiến là năm 2023. Và tại lãnh thổ Samoa thuộc
Mỹ, một nữ dân biểu đã cảnh báo về những khiếm khuyết trong năng lực quốc
phòng, trong lúc ảnh hưởng Trung Quốc đang tăng lên tại Samoa. Bắc Kinh dòm ngó
nguồn lợi thiên nhiên của Papua New Guinea và ve vãn Fiji.
·
Đọc thêm: Chúng
ta đã mất Biển Đông chưa ?
Nhưng sự tương phản giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nổi bật
nhất ở Vanuatu.
Mới đây, chính quyền Vanuatu đã ký kết một hợp đồng
với China Civil Engineering Construction Corporation để nâng cấp ba sân bay
chính của đảo quốc này. Đặc biệt là mở rộng Bauerfield, phi trường chính của
Port Vila, thủ đô nước này, để mở đường bay trực tiếp từ Trung Quốc vào năm tới.
Được Hải quân Mỹ xây dựng lên năm 1942, Bauerfield
được đặt theo tên của trung tá Harold W.Bauer, phi công lái chiến đấu cơ của thủy
quân lục chiến Mỹ đã tử trận trong trận đánh Guadalcanal. Trung Quốc cũng sẽ
nâng cấp sân bay Pakoa ở Santo, hòn đảo mà người thanh niên James Michener trú
đóng trong Đệ nhị Thế chiến và viết ra cuốn tiểu thuyết được giải Pulitzer, «
Tales of the South Pacific » (Chuyện ở Nam Thái Bình Dương).
Không có công ty Mỹ nào tham gia các hợp đồng trên.
Thực tế, Hoa Kỳ không cam kết gì với Vanuatu, cũng chẳng có đại sứ thường trực.
Trong khi đó Trung Quốc đã xây dựng tòa nhà Quốc Hội, văn phòng thủ tướng, trụ
sở bộ Ngoại Giao, trụ sơ tổ chức liên chính phủ Melanesian Spearhead Group, một
trung tâm hội nghị và một sân vận động quốc gia.
Đổi lại, Trung Quốc được gì ? Vanuatu chính là đảo
quốc Thái Bình Dương đầu tiên ủng hộ yêu sách của Bắc Kinh về Biển Đông, và sau
đó Nauru rồi Papua New Guinea nhanh chóng hòa giọng !
Khu vực này phải đứng ngoài thương mại điện tử, vì
PayPal, Visa và các công ty tài chính khác của Mỹ không công nhận các đảo quốc
Thái Bình Dương. Nhưng tỉ phú Mã Vân (Jack Ma) của tập đoàn Alibaba gần đây đã
gởi các đại diện đến để giúp Vanuatu và các nước còn lại tham gia các sàn giao
dịch điện tử của họ, trong đó có Tmall và Alipay.
Viện trợ, đầu tư, cơ sở hạ tầng, thương mại điện tử…Không
khó để hiểu vì sao các chính phủ và dân chúng các đảo quốc này quay sang Bắc
Kinh. Trong lúc cộng đồng quốc tế không lạ gì về dã tâm xâm chiếm Biển Đông của
Trung Quốc, Bắc Kinh đã thâm hiểm tung tiền ra mua chuộc các đảo quốc Thái Bình
Dương để làm bàn đạp.
Bài báo Wall Street Journal kết luận,
nếu Washington không bắt đầu cam kết một cách nghiêm túc trong khu vực, thì các
đảo quốc Thái Bình Dương vốn là các căn cứ quan trọng trong Đệ nhị Thế chiến,
chắc chắn sẽ lọt vào tay Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment