Thursday 13 February 2014

VIỆT NAM HÔM NAY, NGÀY 13-2-2013 (PV.VRNs)




PV.VRNs
Đăng ngày: 13.02.2014

VRNs (13.02.2014) – Sài Gòn - 

1. Nhập viện vì đa chấn thương sau khi “làm việc” với công an Thủ Đức
Theo tờ Dân trí cho biết, nghi ngờ anh Nguyễn Hồng Khởi (21 tuổi, quê Nghệ An) có liên quan đến vụ mất trộm tài sản nên công an phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TPHCM đã mời anh này về phường để làm việc. Nhiều giờ sau đó, nạn nhân đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, trên người có nhiều vết thương ở vùng mặt, đầu.
Sáng 12/2, tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Hoàn Hảo (tỉnh Bình Dương), anh Khởi cho biết sự việc: khi bị áp giải về phường để điều tra, anh bị đưa vào một phòng kín để hỏi cung và bị một người công an tên Minh đánh đập bắt khai nhận việc lấy trộm tiền. “Họ dùng dùi cui, dép đánh vào mặt, đầu và lên gối vào mặt em”, anh Khởi thuật lại.
Về phía lực lượng chức năng, Trung tá Nguyễn Văn Phúc, Trưởng công an phường Linh Xuân, quận Thủ Đức cho biết: ngày 11/2, công an phường nhận được tin báo của bà chủ nhà trọ rằng, dãy nhà trọ bị mất trộm 2,5 triệu đồng và nghi ngờ Khởi và Bình lấy.
Phía công an sau đó đã dàn cảnh thông qua chị ruột của Khởi, gọi Khởi về làm việc.
Trung tá Phúc cho biết thêm, không biết lực lượng dân quân và bảo vệ dân phố của phường khi trông coi nghi can có đánh anh Khởi không. Tuy nhiên, “trong lúc đang làm việc thì Khởi lăn đùng ra giữa đất và được các chiến sĩ đưa đi cấp cứu (!?)”.
Trong một buổi phỏng vấn gần đây với Truyền thông Chúa Cứu Thế, nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn bày tỏ quan ngại rằng: “Khi còn ở trong đất nước VN này thì sự đe dọa đến tính mạng không thể nào tránh được. Vấn đề tính mạng của người dân VN rất rẻ, không chỉ đối với các nhà đấu tranh dân chủ mà còn đối với những người dân bình thường, những người không hề tham gia đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền nhưng nhiều người đã bị chết ở trong đồn công an.”
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh: tính mạng của người dân VN có thể bị tước đoạt ‘một cách dễ dàng’, mà hiện chưa có một cơ chế nào để bảo vệ cho người dân.
Hiện công an vẫn đang tiếp tục xác minh vụ việc, “nếu có sai phạm chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, không bao che”, trung tá Phúc nhấn mạnh.

2. Tướng Võ Nguyên Giáp: Việt Nam cần có ‘một môi trường hoạt động khoa học thực sự dân chủ’
Theo thông tin từ tờ Dân trí, trong ấn phẩm “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự nghiệp khoa học, giáo dục và đào tạo”, NXB Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã lần đầu tiên công bố lá thư của tướng Võ Nguyên Giáp gửi GS. Ngô Bảo Châu, ngay sau khi nhận được tin GS. Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields danh giá về Toán học năm 2010.
Trong lá thư của tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn viết như sau: “Với một môi trường hoạt động khoa học thực sự dân chủ, bình đẳng, khuyến khích tư duy độc lập và tinh thần tự do sáng tạo, trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có khả năng vươn tới những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại”. “Thành tựu khoa học mà nhà toán học trẻ Ngô Bảo Châu đạt được đã khẳng định” điều trên.
Vị Tướng viết tiếp: “Công bằng mà nói, những thành tựu mà GS. Châu có được hôm nay công lao phần lớn thuộc về các nhà khoa học và môi trường giáo dục nước Pháp. Nói cách khác, nếu Ngô Bảo Châu ở Việt Nam thì không thể có một GS. Ngô Bảo Châu của ngày hôm nay. Đó là một sự thật bởi giống như cái cây muốn tốt không chỉ cần một hạt giống tốt mà còn phải cần đến mảnh đất tốt, thời tiết tốt và người gieo trồng, chăm sóc tốt.” Và “GS. Ngô Bảo Châu đã có may mắn hội tụ được tất cả các điều kiện lý tưởng đó.”
Tác giả bài viết Bùi Hoàng Tám trên Dân trí cũng nhận định: ít nhất là đến thời điểm này có lẽ là Việt Nam chưa có một “môi trường hoạt động khoa học thực sự dân chủ, bình đẳng, khuyến khích tư duy độc lập và tinh thần tự do sáng tạo.”
Tác giả nhận định tiếp: nếu như thế “thì thì nền khoa học Việt Nam vẫn nằm trong vùng trũng và việc chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ vẫn còn là một giấc mơ xa vời.”
Trước nội dung lá thư, bạn đọc Vũ Công Trứ cũng bình luận: “63 từ [của tướng Giáp] không chỉ dành riêng các nhà giáo dục mà các nhà quản trị đất nước cũng phải suy nghĩ.”
Bạn đọc Thái Quang Trung nhận xét “Cần phải mạnh dạn cải cách sâu rộng giáo dục và đào tạo hơn nữa. Bức thư của đại tướng rất cô đọng và chính xác, thể hiện một quan điểm chỉ đạo, một tầm nhìn xa, rộng, sâu sắc của một nhân cách lớn. Chỉ khi nào chúng ta thực hiện được những lời mong ước đó thì xã hội sẽ phát triển hơn.”
Ban đọc phong cho ý kiến thêm: “Quả là rất đúng với thực trạng hiện nay của đất nước ta, không chỉ riêng lĩnh vực khoa học mà còn rất rất nhiều lĩnh vực khác nữa.”
Trong lá thư góp ý dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013), các Giám mục Công giáo cũng đã từng cảnh báo: “sự trói buộc tư tưởng vào một hệ ý thức duy nhất đã kìm hãm tư duy sáng tạo của người dân Việt Nam. Ðây là một trong những lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của Việt Nam về nhiều mặt: giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật. Nếu cần một nền tảng, chúng tôi thiết nghĩ đó phải là truyền thống văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, chứ không phải một hệ ý thức nào khác.”

PV.VRNs



No comments:

Post a Comment

View My Stats