Tuesday, 25 February 2014

UKRAINE : CHUYỆN CÒN DÀI (Hà Tường Cát - Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt (Tổng Hợp)
Monday, February 24, 2014 7:09:51 PM

Ukraine là đất nước có một  lịch sử bất ổn lâu đời, do vị trí địa dư ở khu vực tranh chấp giữa các quốc gia đế quốc Đông Âu và Tây Âu. Tình trạng ấy bây giờ cũng đang xảy ra, dù  rằng dưới một hình thức khác hơn là xâm lăng đất đai như trong quá khứ.

Khủng hoảng hiện nay do 3 tháng biểu tình liên tục của dân chúng thiên Tây Phương, chống Tổng Thống Viktor Yanukovych thân Nga, khởi đầu là ôn hòa rồi đi dần đến bạo động đổ máu. Theo thống kê chính thức của bộ y tế,  trong ba ngày từ Thứ Ba 18 tháng 2 đến Thứ Năm 20 tháng 2, có 88 người thiệt mạng kể cả hàng chục cảnh sát, và hàng trăm người khác bị thương.

Ngày Thứ Sáu, với nỗ lực trung gian hòa giải của 3 bộ trưởng ngoại giao Pháp, Đức, Ba Lan, hai phía chính quyền và đối lập ký kết thỏa hiệp chấm dứt xung đột. Nhưng chỉ một ngày sau tình thế  biến chuyển đột ngột và Ukraine rơi vào tình trạng vô chính quyền.

Hôm Thứ Bảy 22 tháng 2, cảnh sát bất ngờ rời khỏi vị trí đóng giữ xung quanh các cơ sở chính quyền và phủ Tổng Thống, trong khi dân chúng biểu tình vẫn còn tràn ngập trên các đường phố Kiev và ở công trường Độc Lập, nơi họ đã dựng hàng rào chướng ngại vật  chiếm giữ từ nhiều ngày. 

Tổng Thống Yanukovych biến mất tại thủ đô và Quốc Hội nhanh chóng biểu quyết truất phế ông, đưa chủ tịch Quốc Hội Olexandr Turchynov  lên làm quyền Tổng Thống. Ngày Thứ Hai, có lệnh bắt giữ  và truy tố Yanukovych vì trách nhiệm trong cuộc đàn áp đẫm máu dân chúng.

Quyền bộ trưởng nội vụ Arsen Avakov cho biết ông Yanukovych hôm Thứ Sáu lên trực thăng từ Kiev bay đến thành phố miền Đông Kharkiv và lưu lại nhà khách chính phủ tại đây. Sáng Thứ Bảy, trực thăng của ông ta bay tới phi trường Donetsk, ông định lên máy bay phản lực riêng nhưng bị cảnh sát biên phòng ngăn cản, Yanukovych cùng đoàn tùy tùng đi bằng đường bộ đến Balaklava trên bán đảo Crimea và dự định tới phi trường Belbek ở Sevastopol nhưng cũng không được.

Crimea là một khu vực tự trị, cùng với một số vùng miền Đông khác, nơi dân Nga chiếm đa số, và việc lật đổ Yanukovych có thể đưa đến sự ly khai khỏi Ukraine. Các phóng viên quốc tế cho biết hôm Thứ Hai tình hình ở Sevastopol trên bán đảo Crimea căng thẳng giữa hai phe dân chúng thân Đông Phương và Tây Phương.

Biên giới quốc gia Ukraine như hiện nay chỉ dần dần hình thành từ đầu thế kỷ 20 và nhiều khi là do những sự tình cờ. Ukraine tham gia Thế Chiến I trong cả hai phía: 3.5 triệu chiến đấu cho quân đội Nga Hoàng, 250,000 chiến đấu bên cạnh quân đội Áo-Hung-Đức. Khi Cách Mạng 1917 xảy ra ở Nga, các phong trào tranh đấu giành độc lập cũng nổi lên ở Ukraine, hình thành nhiều chính quyền quốc gia và cộng sản. Quân đội Ba Lan xâm lăng vào Tây Ukraine nhưng thất bại trong cuộc tiến đánh Cộng Sản Bolsheviks ở Kiev. Theo hòa ước Riga sau đó giữa Ba Lan và Cộng Sản Nga, Tây Ukraine  được sát nhập vào Ba Lan trong khi Đông Ukraine trở thành nước Cộng Hòa Xô Viết và là  một thành viên sáng lập Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chũ Nghĩa Xô Viết (Liên Xô) năm 1922.

Tới Thế Chiến II, Ukraine là đất nước chịu tổn thất nhân mạng và tài sản nặng nề nhất. Đa số dân Ukraine, ước lượng từ 4.5 đến 7 triệu quân, đứng vào hàng ngũ Hồng Quân Liên Xô chiến đấu chống Đức Quốc Xã. Nhưng một số thành phần khuynh hướng quốc gia đứng về phía Đức`chống Liên Xô. Kết quả trong số 9 triệu Hồng Quân Liên Xô tử trận trong cuộc chiến tranh vệ quốc thắng Đức Quốc Xã, 1.4 triệu là dân Ukraine.

Sau Thế Chiến II, lãnh thổ Ukraine được mở rộng nhờ Joseph Stalin cho sát nhập Tây Ukraine thuộc Ba Lan và nhiều lãnh thổ khác trước kia của Tiệp Khắc, Hungary và Romania. Các nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Krushchev và Leonid Brezhnev đều tiến thân từ Ukraine, coi Ukraine là một nước Cộng Hòa Xô Viết có vai trò trọng yếu và dành cho nhiều ưu tiên. Ukraine vừa là nước nông nghiệp sản xuất lúa mì quan trọng nhất, vừa là nơi tập trung nhiều công  nghệ quốc phòng. Krushshev cho sát nhập bán đảo Crimea của Cộng Hòa Xô Viết Nga vào Cộng Hòa Xô Viết Ukraine và vì thế sau này khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Crimea vẫn thuộc về nước cộng hòa Ukraine mới. Quân cảng Sevastopol, bản doanh hạm đội Hắc Hải của Nga, hiện nay là căn cứ Nga phải thuê của Ukraine.

Vận mạng  nước cộng hòa Ukraine bây giờ thật ra không chỉ ở quyết định của 45 triệu dân chúng nước này, mà còn một phần quan trọng do từ thế đối đầu chiến lược giữa Tây Phương và Nga. Không khó khăn để có thể thấy những sự can thiếp tích cực của Đông và Tây vào tình thế chính trị Ukraine.

Bà Catherine Ashton, ngoại trưởng khối Liên Âu hôm Thứ Hai đã đến Kiev thảo luận về sự trợ giúp tài chính và hỗ trợ chính trị cho ban lãnh đạo mới của Ukraine.

Cùng ngày Tổng Thống Pháp Francois Hollande kêu gọi Tổng Thống Nga Vladimir Putin hãy thúc đẩy việc chuyển giao quyền lực trong ôn hòa, ông nhấn mạnh “tầm quan trọng của sự duy trì thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”

Tổng Thống Obama và bà Thủ Tướng  Đức Angela Merkel mấy ngày trước cũng đã trực tiếp đưa ra thông điệp này bằng cuộc hội đàm qua điện thoại với Tổng Thống Putin. Hôm Thứ Hai Hoa Kỳ cho biết đã sẵn sàng hỗ trợ tài chính bằng cách để cho Ukraine vay được những ngân khoản bổ sung trong tương lai từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF.

Trong khi đó Thủ Tướng Nga Dmitry Medvedev nói rằng chính quyền lâm thời ở Ukraine vùa được hình thành bằng một cuộc khởi loạn võ trang là không có giá trị pháp lý. Phản ứng của ông tuy nhiên tỏ ra nhẹ nhàng khi không còn đả kích Tây Phương về sự tiếp tay cho phía đối lập chống Tổng Thống Yanukovych. Nga vẫn còn tâm lý nuối tiếc quá khứ thời Liên Xô, muốn hồi phục vị trí siêu cường và duy trì ảnh hưởng với Ukraine Tuy nhiên nguyên tắc “bảo vệ lợi ích của Nga ở Ukraine” có lẽ được nhắm tới theo một đường lối thực dụng hơn và tránh sự đối đầu không hy vọng có kết quả như đã làm từ mấy năm sau Cách Mạng Màu Da Cam. Ngân khoản cho vay $15 tỷ  hứa hẹn trước kia nay được coi như là chuyện đã qua.

Trong mọi trường hợp, Đông và Tây  đều nhìn nhận rằng Ukraine ổn định trở lại là điều tốt cho cả hai phía. Nhưng việc này sẽ còn tùy thuộc vào giới chính trị và các phe phái ở Ukraine. Trong dĩ vãng, thành tích của những giới này chưa chứng tỏ là có nhiều triển vọng.

Bà Yulia Tymoshenko, cựu Thủ Tướng và anh hùng Cách Mạng Màu Da Cam, đã không thực hiện được thành quả gì nhiều giá trị khi cầm quyền. Bây giờ được phóng thích khỏi nhà tù nơi bà bị kết án 7 năm, bà Yulia tuyên bố không có ý định nhận chức vụ thủ tướng lúc này và muốn có thời gian để  trị bệnh.ở Đức. Arseniy Yatsenyuk, thủ lãnh đảng Tổ Quốc ở Quốc Hội và là nhân vật chính trong cuộc điều đình giữa hai phía có lẽ sẽ là Thủ Tướng. Vitali Klitschko, võ sĩ vô địch quyền Anh hạng nặng và là một trong những lãnh tụ biểu tình, dự định ứng cử Tổng Thống.

Cảnh sát đã nguyện trung thành với tân chính quyền và hàng ngàn người biểu tình hãy còn trấn giữ tại công trường Độc Lập. Nhưng họ còn có thể đoàn kết như khi tranh đấu hay không là một nghi vấn.

Trong tất cả mọi điều kiện như thế, những người lạc quan nhất cũng chưa dám tin tưởng rằng Ukraine có thể sớm đi vào ổn định. (HC)


No comments:

Post a Comment

View My Stats