Friday 21 February 2014

UKRAINA : TỔNG THỐNG LOAN BÁO NHỮNG NHÂN NHƯỢNG QUAN TRỌNG (Thanh Phương - RFI)




Thanh Phương  -  RFI
Thứ sáu 21 Tháng Hai 2014

Hôm nay, 21/02/2014, tổng thống Ukraina Viktor Ianukovitch loan báo những nhân nhượng quan trọng với phe đối lập, trong đó có việc tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn. Vào cuối ngày, các lãnh đạo đối lập Ukraina và tổng thống Ianukovitch đã ký thỏa thuận nhằm chấm dứt khủng hoảng.

Trong một thông cáo đọc trên đài truyền hình, tổng thống Ianukovitch loan báo sẽ tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn, nhưng không cho biết là ngày nào. Ông cũng loan báo việc sửa đổi Hiến pháp theo hướng giảm bớt quyền hạn của tổng thống, giống như Hiến pháp 2004, đồng thời sẽ lập một chính phủ « đoàn kết dân tộc ».

Với sự hiện diện của các đại diện Liên hiệp châu Âu ( nhưng lại vắng mặt đại diện của tổng thống Nga Putin ), ba lãnh đạo phe đối lập Ukraina và tổng thống Ianukovitch vào cuối ngày hôm nay đã ký thoả thuận chấm dứt khủng hoảng.

Nhưng theo hãng tin AFP, sau những vụ xung đột từ thứ ba đến nay đã khiến gần 80 người thiệt mạng, đa số là những người biểu tình trúng đạn của cảnh sát, các nhân nhượng nói trên có thể không đủ để làm dịu tình hình. Đa số những người biểu tình chống chính phủ vẫn đòi là tổng thống Ianukovitch phải từ chức ngay lập tức và ông phải bị truy tố ra tòa.

Hôm nay, theo tin giờ chót, Bộ Nội vụ Ukraina vừa thông báo là những người biểu tình đã nổ súng vào cảnh sát ở khu vực nằm giữa quảng trường Độc lập và Quốc hội Ukraina. Về phần ông Arseni Iatseniouk, một trong những lãnh đạo đối lập, thì khẳng định là cảnh sát có vũ trang đã xông vào tòa nhà Quốc hội Ukraina.

Trong khi đó, phó tổng tư lệnh quân đội Ukraina Iuri Dumanski vừa tuyên bố từ chức để phản đối những mưu toan lôi kéo quân đội vào khủng hoảng hiện nay.

Hôm qua, trong một cuộc họp ở Bruxelles, các Ngoại trưởng Liên hiệp châu Âu đã thỏa thuận là sẽ không cấp visa nhập cảnh cho những người « có bàn tay vấy máu » ở Ukraina và phong tỏa tài sản của những người này. Hiện giờ chưa có danh sách cụ thể những người bị cấm visa vào châu Âu, nhưng theo Ngoại trưởng Ý Emma Bonino, đấy không chỉ là những người trong chế độ Ukraina, mà còn có cả những thành phần cực đoan trong phe chống chính phủ.

Các Ngoại trưởng châu Âu cũng quyết định nới lỏng chế độ cấp visa cho những người biểu tình bị thương và các nhà đối lập Ukraina, cũng như sẳn sàng trợ giúp về y tế và nhân đạo ở Ukraina.

Còn tại Athens hôm nay, tổng thư ký khối NATO, Anders Fogh Rasmussen đã lên án « cuộc tắm máu » ở Ukraina và một lần nữa kêu gọi quân đội nước này đừng can thiệp vào khủng hoảng hiện nay.


--------------------------

Thanh Phương  -  RFI
Thứ sáu 21 Tháng Hai 2014

Nỗ lực trung gian hòa giải của quốc tế có thành công hay không là tùy thuộc phần lớn vào sự can dự của Nga, quốc gia có vai trò không thể thiếu được trong cuộc khủng hoảng tại Ukraina hiện nay.
Với tình hình bạo động gia tăng trong những ngày qua, Ukraina ngày càng có nguy cơ rơi vào nội chiến, như nhận định của ông Ognian Mintchev, giám đốc Viện Nghiên cứu Khu vực và Quốc tế ở Sofia. Theo ông Mintchev, muốn tránh nguy cơ nội chiến cho Ukraina, thì tổng thống Ianoukovitch phải từ chức và tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn.

Ông Gerhard Mangott, chuyên gia về Trung Âu và Nga ở Đại học Innsbruck, Áo, thì lưu ý là ở cả hai bên ( chính quyền và đối lập) ), các thành phần cực đoan đã chiếm ưu thế. Theo nhận định của chuyên gia Mangott, sau các vụ bắn giết những ngày qua, những người đối lập hiện đang chiếm giữ các cơ quan hành chính sẽ khó mà chấp nhận đàm phán với một tổng thống mà họ xem là « có bàn tay vấy máu ». Về phần tổng thống Ianukovitch cũng không thể thoái lui được nữa bởi vì ông đã gây thù chuốc oán quá nhiều rồi và nếu từ chức thì rất có thể là ông sẽ bị truy tố về những tội ác đã gây ra.

Tuy nhiên, ông Mangott không dùng từ « nội chiến » để nói về tình hình hiện nay, vì theo chuyên gia này, không có chuyện người dân Ukraina bắn giết nhau, mà chỉ có một bộ phận nhân dân Ukraina chống lại Nhà nước. Tuy nhiên, ông Mangott báo động về nguy cơ Ukraina bị tan rã, bởi vì hiện giờ ở miền Tây, phe đối lập đang chiếm giữ nhiều cơ quan hành chính, trong khi các cuộc tập hợp của phe thân Nga đã diễn ra ở một vài vùng khác của Ukraina.

Ukraina là một nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, nơi có một bộ phận dân chúng nói tiếng Nga, nhưng tại nhiều vùng, người dân vẫn không quên nổi nhục của thời kỳ bị Nga đô hộ. Cũng giống như vào thời kỳ chiến tranh lạnh, Ukaina đã trở thành một điểm nóng, nơi mà Nga và phương Tây tố cáo lẫn nhau là can thiệp và gây áp lực nhằm gia tăng ảnh hưởng tại nước này.

Chính quyền Kiev hiện đang trong tình thế nan giải : theo hẳn Nga thì bị phương Tây trừng phạt, còn nếu quay lưng lại nước Nga thì kinh tế sẽ phá sản và sụp đổ. Sau khi từ bỏ việc ký hiệp định thành viên liên kết với Liên Hiệp Châu Âu, Ukraina đã được Matxcơva hứa cho vay 15 tỷ đôla và hạ giá khí đốt nhập từ Nga. Nhưng cho tới nay, Matxcơva chỉ mới chuyển cho Kiev có 3 tỷ đôla và tuyên bố sẽ chỉ tiếp tục cấp tín dụng khi tình hình Ukraina lắng dịu trở lại.

Tờ nhật báo theo xu hướng tự do của Nga Vedemosti hôm qua cho rằng « điện Kremlin có vẻ đã làm đủ mọi cách để Nga trở thành niềm hy vọng duy nhất của chính quyền Kiev. Kể từ nay, rất có thể là giấc mơ đó đang trở thành hiện thực ».

Gần như chắc chắn là tổng thống Ianukovitch đã chấp nhận những nhân nhượng hôm nay chính là do có sự can dự của nhà trung gian hòa giải Nga, Vladimir Lukine, đặc trách nhân quyền ở điện Kremlin, đến Kiev để tham gia đàm phán cùng với các đại diện của Liên Hiệp Châu Âu.

Nếu thật sự nhờ sự can dự của nhà trung gian hòa giải Nga mà khủng hoảng Ukraina chấm dứt, hay ít ra tạm lắng dịu, thì đây sẽ là một thắng lợi ngoại giao mới của tổng thống Putin.




No comments:

Post a Comment

View My Stats