Lane
Kenworthy
Trần
Ngọc Cư dịch
Tháng 2 7, 2014
CÁC
RỦI RO VÀ PHẦN THƯỞNG XÃ HỘI
Hầu hết những gì mà các nhà khoa học xã hội gọi là
“chính sách xã hội” thực ra chỉ là bảo hiểm công. An sinh xã hội (Social
Security) và Bảo hiểm y tế cho người nghỉ hưu (Medicare) là bảo hiểm giúp cá
nhân chống lại rủi ro thiếu thốn hay không có tiền bạc sau khi nghỉ hưu. Bồi
thường thất nghiệp (unemployment compensation) là bảo hiểm giúp cá nhân chống
lại rủi ro mất việc làm. Các chương trình chi trả cho người tàn tật (Disability
payment) là bảo hiểm giúp cá nhân chống lại rủi ro phải chịu những đau đớn thể
chất, tinh thần và tâm lý khiến họ không thể kiếm sống.
Các dịch vụ và quyền lợi công cộng khác tại Hoa Kỳ cũng
là các chương trình bảo hiểm, cho dù người ta thường không quan niệm như thế.
Trường công là bảo hiểm chống lại rủi ro không có trường tư, hoặc có mà quá đắt
hay thiếu chất lượng. Những chương trình tái huấn luyện hay tìm việc là bảo
hiểm chống lại rủi ro do các điều kiện thị trường gây khó khăn cho việc kiếm
việc làm. Tín dụng thuế trên lợi tức kiếm được (The Earned Income Tax
Credit [i]) là bảo hiểm chống lại rủi ro do tiền lương của một
người làm việc nằm dưới mức cần thiết để duy trì một tiêu chuẩn sống đàng
hoàng. Các chương trình trợ cấp xã hội, như tem phiếu (food stamps) và Trợ cấp
tạm thời cho các gia đình túng thiếu (Temporary Assistance for Needy Families),
là bảo hiểm chống lại rủi ro không thể tìm ra việc làm nhưng lại không đủ điều
kiện để hưởng tiền bồi hoàn thất nghiệp hay bệnh tật.
Trong thế kỷ qua, Hoa Kỳ, cũng như các nước giàu
khác, đã tạo ra một số chương trình bảo hiểm công. Nhưng để đạt được an ninh
kinh tế, cơ hội đồng đều, sự thịnh vượng chung thật sự, thì trong nửa thế kỷ
tới, chính phủ liên bang cần phải mạnh dạn nới rộng tầm mức và phạm vi hoạt
động của các chương trình bảo hiểm hiện có, đồng thời đưa ra các chương trình
mới.
Chính phủ có thể giúp các hộ gia đình Mỹ có một hoặc
hai người lớn đi làm bằng cách tăng mức lương tối thiểu theo qui định và điều
chỉnh mức lương này theo lạm phát và bằng cách tăng quyền lợi được đưa ra trong
Tín dụng thuế trên lợi tức kiếm được, đặc biệt đối với những hộ không con, tức
những người mà Tín dụng này chỉ trả lại một số tiền nhỏ. Đối với những hộ gia
đình không có người đi làm, giải pháp này trở nên phức tạp hơn. Những người có
thể thành công trong thị trường lao động thì cần phải được giúp đỡ và được thúc
đẩy đi kiếm việc, việc này đòi hỏi một sự hỗ trợ rộng rãi và nhắm vào từng cá
nhân. Chính phủ liên bang cần phải gia tăng mức lợi ích (benefit levels) và nới
lỏng các tiêu chuẩn về quyền được hưởng các chương trình trợ cấp xã hội chủ yếu
như: Trợ cấp tạm thời cho các gia đình thiếu thốn, cứu trợ tổng quát cho người
không con (general assistance), tem phiếu thực phẩm, trợ cấp nhà ở, và trợ cấp
năng lượng.
Vài sáng kiến có thể giúp giảm bớt các vụ mất lợi
tức lớn ngoài ý muốn: bảo hiểm y tế công cộng, nghỉ phép được trả lương để chăm
sóc con, và quyền hưởng bảo hiểm thất nghiệp được nới rộng. Hiện nay, gần một
phần ba công nhân Mỹ nghỉ bệnh không được trả lương, luật pháp Hoa Kỳ chỉ đòi
hỏi các công ty cho phép nhân viên nghỉ 12 tuần không lương để chăm sóc con, và
chỉ 40 phần trăm người Mỹ mất việc có đủ điều kiện để hưởng tiền bồi thường
thất nghiệp. Hoa Kỳ cũng sẽ hưởng được lợi ích từ một chương trình bảo hiểm
đồng lương (wage insurance). Đối với người Mỹ bị sa thải và không kiếm được một
việc làm trả lương hậu như công việc trước đó, bảo hiểm đồng lương sẽ bù vào
một nửa khoảng cách giữa đồng lương cũ và đồng lương mới thấp hơn trong thời
gian một hay hai năm.
Bằng cách nâng lợi tức của những hộ gia đình nghèo
có con, việc gia tăng Tín dụng thuế trên số con (the Child Tax Credit [ii]) sẽ giúp đảo ngược khoảng cách đang nới rộng trong
tình trạng bất bình đẳng cơ hội. Trường học giúp xóa khoảng cách trong năng lực
trẻ em do những khác biệt từ gia đình và khu láng giềng. Cho trẻ em vào trường
ở cái tuổi sớm hơn có thể giảm những khác biệt tồn tại khi chúng vào trường mẫu
giáo. Thật vậy, một số nhà nghiên cứu đã kết luận rằng ảnh hưởng của việc đến
trường là lớn nhất trong những năm mẫu giáo.
Vì quyền lợi của người cao niên, thiết tưởng cần có
thêm một bổ sung hữu ích cho mạng lưới an toàn xã hội Hoa Kỳ, đó là một kế
hoạch hưu trí bổ túc mà số tiền đóng góp được qui định rõ ràng và nhân viên
được tự động đăng ký. Các công ty nào đã có sẵn kế hoạch này thì có thể tiếp
tục duy trì nó, nhưng phải tự động đăng ký mọi nhân viên và khấu trừ một phần
lương của họ, trừ phi một nhân viên nào đó không chịu tham gia. Các nhân viên
không tiếp cận được một kế hoạch hưu trí do công ty mình bảo trợ sẽ được tự
động đăng ký vào quĩ hưu trí phổ quát mới (the new universal fund), và các công
nhân mà công ty không khớp thêm (match) một số tiền tương ứng với phần đóng góp
của mình sẽ được hưởng phần khớp thêm này từ chính phủ.
Mảnh ghép cuối cùng cho bức tranh an ninh kinh tế sẽ
nằm dưới hình thức gia tăng các chi tiêu liên bang về chăm sóc trẻ em ở các cơ
sở công cộng, về đường sá và cầu cống, về y tế và các luật lệ liên bang đòi hỏi
các công ty phải thêm ngày nghỉ lễ và nghỉ phép cho công nhân. Những thay đổi
này sẽ nâng cao phẩm chất đời sống của mọi người dân Mỹ và giải phóng lợi tức
của họ để họ có thể mua sắm các hàng hóa và dịch vụ khác.
Làm sao để chia sẻ sự thịnh vượng cho mọi người?
Cách hay nhất để đảm bảo lợi tức của các hộ gia đình gia tăng đồng bộ với nền
kinh tế sẽ là nâng cao tiền lương và tạo thêm công ăn việc làm cho giới trung
lưu và tầng lớp thấp hơn. Sau khi điều chỉnh lạm phát, tiền lương của người Mỹ
bình thường đã không tăng từ giữa thập niên 1970, và hiện nay tỉ lệ người có
công ăn việc làm thấp hơn năm 2000. Những người làm chính sách cũng phải xét
đến một cách điều chỉnh bảo hiểm công; không những phải gia tăng quyền lợi được
đưa ra trong Tín dụng thuế trên lợi tức kiếm được mà lại còn cống hiến tín dụng
này cho người Mỹ trung lưu và gắn liền nó với GDP đầu người.
Dĩ nhiên, việc chi tiêu cho bảo hiểm xã hội sẽ diễn
ra với một cái giá. Người Mỹ cần phải trả thuế nhiều hơn. Ngoài ra, sự hiện hữu
của bảo hiểm xã hội có khả năng khuyến khích thêm các hành vi mạo hiểm hay trốn
tránh công việc. Tuy vậy, bảo hiểm xã hội cũng có nhiều lợi ích kinh tế. Một
nền giáo dục và y tế tốt đẹp hơn sẽ cải tiến năng suất. Các biện pháp ngăn chặn
phá sản sẽ khuyến khích óc kinh doanh. Chương trình bồi thường thất nghiệp sẽ
khuyến khích một lực lượng lao động linh động hơn và tạo điều kiện dễ dàng hơn
cho công nhân cải tiến kỹ năng của mình. Những chương trình như Tín dụng thuế
trên số con hay Tín dụng thuế trên lợi tức kiếm được sẽ cải thiện viễn ảnh giáo
dục và kinh tế của các trẻ em lớn lên trong những hộ gia đình nghèo. Và, quan
trọng hơn cả, bảo hiểm xã hội cho phép một nền kinh tế hiện đại đề phòng rủi ro
mà không dựa vào những biện pháp điều tiết bóp nghẹt kinh tế, những qui định
chi ly về những gì các doanh nghiệp có thể làm và không thể làm.
Kinh nghiệm của các nước giàu trên thế giới trong
thế kỷ qua chắc chắn sẽ làm dịu nỗi lo sợ là việc gia tăng tầm cỡ và phạm vi
của các chương trình xã hội công cộng sẽ làm suy yếu nền kinh tế Hoa Kỳ. Chắc
chắn là có một mức độ nào đó mà nếu vượt quá thì việc chi tiêu cho các chương trình
công ích sẽ gây tai hại đối với tăng trưởng kinh tế. Nhưng bằng chứng cho thấy
là Hoa Kỳ chưa vượt tới mức đó. Trên thực tế, hẳn là nước Mỹ vẫn còn nằm dưới
mức đó khá xa.
CÁI
GIÁ DÙ LỚN, NHƯNG LỢI ÍCH CÒN LỚN HƠN
Một số nhà quan sát, thậm chí cả những người bên
cánh Tả, lo ngại về tính khả thi của những chính sách theo mô hình Bắc Âu –
những chính sách đã thành công trong bối cảnh các nước nhỏ và tương đối đồng
nhất về chủng tộc – đối với một quốc gia rộng lớn và đa diện như Hoa Kỳ. Nhưng
tiến tới một nền dân chủ xã hội tại Hoa Kỳ gần như chỉ là đòi hỏi chính phủ
liên bang làm thêm những gì mà chính phủ này đã thực hiện. Việc này không đòi
hỏi phải chuyển sang một khế ước xã hội khác hẳn về phẩm chất.
Nhưng liệu Hoa Kỳ có đủ sức để theo đuổi một nền dân
chủ xã hội không? Mặc dù cái giá được cộng thêm để tạo ra những chương trình
mới và triển khai các chương trình sẵn có được mô tả ở trên trong khi vẫn duy
trì An sinh xã hội và Trợ cấp y tế cho người nghỉ hưu sẽ tùy thuộc vào phạm vi
chính xác và sự hào phóng của những chương trình này, người ta ước tính các bảo
hiểm xã hội Mỹ cần thêm một số tiền tương đương 10 phần trăm GDP của Hoa Kỳ,
hay khoảng 1.500 tỉ USD. (Một suy thoái kinh tế, như cuộc suy thoái gây ra do
khủng hoảng tài chính 2008, thường làm sai lệch các số liệu GDP và lợi tức
thuế, vì thế sử dụng dữ liệu của năm 2007, năm cao điểm của chu kỳ kinh tế
trước khủng hoảng, là cách hay nhất.) Nếu 10 phần trăm GDP nghe có vẻ dữ dội,
xin hãy nhớ hai điều: Một, nếu chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ tăng từ 37 phần
trăm GDP, tức mức chi tiêu năm 2007, đến khoảng 47 phần trăm, sự gia tăng này
sẽ đặt Hoa Kỳ chỉ vài phần trăm trên chuẩn mực của những nước giàu trên thế
giới. Hai, một gia tăng chi tiêu chính phủ 10 phần trăm GDP sẽ nhỏ hơn nhiều so
với sự gia tăng 25 phần trăm đã diễn ra từ năm 1925 cho đến ngày nay.
Là một vấn đề kỹ thuật, sửa đổi lại luật thuế Hoa Kỳ
để gây thêm ngân quĩ sẽ tương đối đơn giản. Bước đầu tiên và quan trọng nhất sẽ
là đưa ra một thuế tiêu thụ quốc gia dưới hình thức một thuế giá trị gia tăng
(a value-added tax), mà chính phủ sẽ đánh lên hàng hóa và dịch vụ vào từng giai
đoạn sản xuất và phân phối chúng. Các phân tích của Robert Barro, Alan Krueger,
và các nhà kinh tế khác cho thấy rằng một thuế giá trị gia tăng ở tỉ lệ 12 phần
trăm, với các miễn trừ hạn chế, sẽ có khả năng mang lại khoảng 5 phần trăm GDP
lợi tức quốc gia — nửa số tiền cần thiết để tài trợ việc nới rộng các chương
trình bảo hiểm xã hội được đề xuất nơi đây.
Tùy thuộc quá nhiều vào một thuế tiêu thụ là điều
cấm kỵ đối với một số trí thức tiến bộ, những người tin tưởng rằng lợi tức thuế
quốc gia phụ trội phải đến chủ yếu – có lẽ hoàn toàn – từ những hộ gia đình
giàu có nhất nước. Nhưng trên thực tế, Washington không thể vắt thêm một lợi
tức thuế tương đương 10 phần trăm GDP từ những hộ gia đình ở chóp bu xã hội,
cho dù những thành phần giàu có này đang thụ hưởng đều đặn một phần lợi tức
chưa trừ thuế ngày càng lớn hơn so với cả nước. Từ năm 1960 đến nay, thuế suất
liên bang trung bình thực thụ (tức những số tiền thuế trả cho chính phủ liên
bang như một phần của thu nhập chưa trừ thuế) đánh vào những hộ gia đình giàu
có nhất chiếm 5 phần trăm dân số chưa bao giờ vượt quá 37 phần trăm, và trong
những năm gần đây, thuế suất này chỉ quanh quẩn ở 29 phần trăm. Nếu muốn thu
vào một lợi tức thuế tương đương với 10 phần trăm GDP chỉ từ nhóm nhà giàu này,
thuế suất thực thụ nói trên sẽ phải lên đến 67 phần trăm. Dù muốn dù không, một
sự tăng thuế ở mức độ này sẽ không được các nhà hoạch định chính sách ủng hộ.
Một pha trộn gồm các thay đổi khác trong hệ thống
thuế liên bang có thể tạo thêm một lợi tức thuế tương đương với 5 phần trăm GDP
– những biện pháp như: trở lại thuế suất liên bang trước khi có chính quyền
Tổng thống George W. Bush, gia tăng thuế suất liên bang trung bình thực thụ của
1 phần trăm dân số gồm những gia đình giàu có nhất lên khoảng 37 phần trăm,
chấm dứt việc giảm thuế cho tiền lãi nợ nhà, đặt ra những thuế mới đánh trên
khí thải carbon dioxide và các giao dịch tài chính, nâng cao mức trần của tiền
lương phải chịu thuế an sinh xã hội [iii], và tăng thêm một phần trăm thuế suất tiền lương
hiện nay.
NHỮNG
Ụ GIẢM TỐC, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG Ụ CẢN CHÍNH TRỊ
Những loại cải tổ thuế này và những chương trình bảo
hiểm xã hội mà chúng tài trợ sẽ không diễn ra tức khắc. Đó sẽ là một tiến trình
chậm chạp, có phần do một loạt trở ngại mà các đề xuất dân chủ xã hội chắc chắn
sẽ gặp phải. Nhưng không một rào cản nào trong số này tỏ ra là không thể vượt
qua.
Một vấn đề cơ bản, mà những người chống đối có thể
nêu ra, là dân Mỹ vốn không thích một chính phủ đồ sộ. Mặc dù điều này đúng ở
một mức độ trừu tượng, nhưng khi nói đến những chương trình chính phủ cụ thể,
dân Mỹ lại có xu thế ủng hộ mạnh mẽ. Chẳng hạn, theo bản Thăm dò Xã hội Tổng
quát của Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Quốc gia, kể từ thập niên 1970, đại đa số
dân Mỹ – luôn luôn trên 80 phần trăm và thường thường trên 90 phần trăm – đã
nói rằng họ tin tưởng chính phủ hiện đang chi tiêu đúng mức hay quá ít về trợ
cấp cho người nghèo, về cải tiến hệ thống giáo dục quốc gia, về cải thiện và
bảo vệ sức khỏe cho toàn dân, và về tài trợ quĩ An sinh Xã hội.
Những người hoài nghi cũng có thể ghi nhận rằng việc
bành trướng các chương trình xã hội sẽ tùy thuộc vào sự thành công của các ứng
viên Dân chủ trong các cuộc bầu cử, và có khả năng là thời vận của Đảng Dân chủ
đang trở nên lu mờ. Phe Dân chủ đã mất hậu thuẫn trong hàng ngũ công nhân da
trắng, một thành phần quan trọng của liên minh New Deal, một liên minh từng
thống trị chính trị Hoa Kỳ từ thập niên 1930 đến hết thập niên 1970. Nhưng các
ứng viên tổng thống và quốc hội thuộc Đảng Dân chủ đã thành công với một cơ sở
cử tri mới gồm giới chuyên nghiệp ở thành thị, phụ nữ, người Mỹ gốc châu Phi và
châu Mỹ La tinh. Việc đổ tiền ào ạt của khu vực tư vào các cuộc vận động tranh
cử, được khuyến khích bởi phán quyết Citizens United năm 2010 của Tối cao Pháp
viện [cho phép các tập đoàn kinh tế và các công đoàn đóng góp vô giới hạn vào
việc ủng hộ hay chống lại các ứng viên], có thể đặt phe Dân chủ vào thế bất lợi
khi gây quĩ. Nhưng các đóng góp của tư nhân vào các cuộc vận động tranh cử đã
gia tăng tầm quan trọng qua nhiều thập kỷ rồi, mà cho đến nay, những ứng viên
Dân chủ vẫn có thể bắt kịp đối phương. Và mặc dù các khối dân số, các liên minh
cử tri, và việc tài trợ cho các cuộc vận động chắc chắn là quan trọng, nhưng
tình hình kinh tế thường là yếu tố quyết định chính cho kết quả của các cuộc
tranh cử cấp quốc gia. Nếu phe Dân chủ quản lý kinh tế tương đối tốt khi họ nắm
chính quyền, họ vẫn có thể duy trì khả năng cạnh tranh trong các mùa bầu cử.
Một trở ngại tiềm năng khác [cho dân chủ xã hội Mỹ]
là chuyển biến hữu khuynh trong cán cân quyền lực giữa các nhóm lợi ích bên
ngoài vũ đài tranh cử, những thế lực gây ảnh hưởng đáng kể lên việc hoạch định
chính sách. Kể từ thập niên 1970, các doanh nghiệp và các cá nhân giàu có đã
huy động được lực lượng, trong khi phong trào công đoàn liên tục mất thành
viên. Nhưng sự thay đổi này chỉ có thể làm chậm lại, chứ không chặn đứng hẳn,
sự đi tới của chính sách xã hội tiến bộ.
Một trở ngại tiềm năng cuối cùng cho dân chủ xã hội
Mỹ là cấu trúc của hệ thống chính trị Hoa Kỳ, trong đó việc chặn đứng các thay
đổi chính sách thông qua vận động tại quốc hội hay phủ quyết có hiệu lực của
tổng thống là tương đối dễ dàng. Dựa vào cấu trúc này, hình thức gây cản trở và
trì hoãn việc thông qua các đạo luật một cách có kỷ luật của các đại biểu Cộng
hòa tại Quốc hội trong nhiệm kỳ của Obama chắc chắn sẽ đe dọa bước tiến của bảo
hiểm công. Tuy nhiên, không chóng thì chầy, các lãnh đạo Cộng hòa sẽ tránh xa
cái định hướng cương quyết chống lại sự bành trướng của chính phủ, một định
hướng đã hình thành chiến lược và chiến thuật của Đảng Cộng hòa trong những năm
gần đây. Về lâu về dài, trọng tâm của đảng này sẽ chuyển dịch, và Đảng Cộng hòa
sẽ đi đến chỗ giống như các đảng trung-hữu (center-right parties) tại Tây Âu, mà
đại đa số đều chấp nhận một nhà nước phúc lợi hào phóng và những loại thuế
tương đối cao.
Ba điều có tiềm năng châm ngòi cho một chuyển biến
như thế. Một là sự thất cử của một ứng viên Cộng hòa rất bảo thủ trong một cuộc
tuyển cử mà lẽ ra người này đã có thể thắng nếu có một lập trường cởi mở hơn.
Nếu Đảng Cộng hòa sẽ đề cử một thành viên trong phe cực hữu hay phe đòi hỏi tối
đa cho các quyền tự do công dân và giảm đến mức tối thiểu quyền lực chính phủ
(libertarian faction) vào năm 2016 hay 2020, ứng viên này gần như chắc chắn sẽ
thất cử, và sự thất bại này sẽ thúc đẩy các lãnh đạo Cộng hòa trở về với vị trí
trung tâm. Một yếu tố khác thúc đẩy lập trường trung dung của phe Cộng hòa là
tầm quan trọng đang gia tăng của giai cấp công nhân da trắng đối với đảng này.
Gần đây, một số tiếng nói sâu sắc và nổi bật từ khuynh hướng trung-hữu, như
David Brooks, Roth Douthat, David Frum, Charles Murray, Ramesh Ponnuru, và
Reihan Salam, đã ghi nhận rằng người da trắng thuộc giai cấp công nhân hiện
đang chật vật về kinh tế và có thể hưởng được quyền lợi từ sự trợ giúp của
chính phủ. Để tăng cường hậu thuẫn từ nhóm cử tri này, nhiều lãnh đạo Cộng hòa
hàng đầu sẽ quay ra ủng hộ – hay chí ít không chống đối – việc nới rộng các
chương trình như Tín dụng thuế trên số con, chương trình cho trẻ đi học sớm,
Tín dụng thuế lợi tức kiếm được, An sinh xã hội, và thậm chí cả Bảo hiểm y tế
cho người nghỉ hưu và Trợ cấp y tế cho người nghèo và người tàn tật.
Có lẽ hầu hết các nhà lý luận sáng suốt quan trọng
bên cánh Hữu cuối cùng sẽ nhận thức rằng, căn cứ vào khát vọng an ninh kinh tế
và công bằng xã hội của dân Mỹ, vấn đề không còn là chính phủ có nên can thiệp
hay không, mà là nên can thiệp như thế nào. Việc mở rộng các chương trình xã
hội không nhất thiết có nghĩa là chính phủ sẽ can thiệp hơn nữa vào thị trường
và làm suy yếu thêm tính cạnh tranh. Về điểm này, một lần nữa các nước Bắc Âu
có thể soi đường dẫn lối cho Hoa Kỳ. Viện nghiên cứu chính sách bảo thủ
Heritage Foundation hợp tác với The Wall Street Journal trong một dự án
đánh giá các nước trên mười kích thước của tự do kinh tế. Mặc dù Hoa Kỳ có các
mức thuế và chi tiêu của chính phủ thấp hơn các nước Bắc Âu, nhưng tính trung
bình Đan Mạch, Phần Lan, và Thụy Điển có điểm số cao hơn Mỹ trên tám kích thước
khác, gồm quyền thiết lập và điều hành một xí nghiệp mà không có sự can thiệp
của nhà nước, số rào cản bằng luật lệ điều tiết đối với hàng nhập và xuất khẩu,
số hạn chế áp đặt lên việc chuyển vốn. Dân Mỹ muốn được chính phủ che chở và
hậu thuẫn. Để đáp lại những nguyện vọng này, các nhà hoạch địch chính sách phải
lựa chọn giữa bảo hiểm công và việc điều tiết kinh tế bằng luật lệ, và phe bảo
thủ chắc chắn sẽ ủng hộ bảo hiểm công hơn.
NƯỚC
MỸ CỦA THẾ KỶ 21
Có lẽ điều quan trọng nhất để ghi nhận về tương lai
dân chủ xã hội của Hoa Kỳ là, tương lai này sẽ không cực kỳ khác xa hiện tại.
Hoa Kỳ sẽ không trở thành một xã hội không tưởng tiến bộ (a progressive
utopia); nói đúng ra, nó sẽ trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình hiện
nay.
Một bộ phận đông đảo hơn gồm người đã trưởng thành
sẽ có công ăn việc làm, mặc dù đối với nhiều người, tuần làm việc sẽ ngắn hơn
và sẽ có nhiều ngày nghỉ phép và nghỉ lễ hơn. Gần như tất cả mọi công việc sẽ
nằm trong khu vực dịch vụ, đặc biệt là nghề dạy học, quảng cáo, huấn luyện, tổ
chức, phụ tá, y tá, giám sát, và vận chuyển; chỉ khoảng năm phần trăm số người
làm việc sẽ ở trong khu vực chế tạo hay nông nghiệp. Hầu hết người Mỹ sẽ thay
đổi công việc và thậm chí thay đổi nghề nghiệp thường xuyên hơn hiện nay. Sẽ có
thêm nhiều người Mỹ làm việc với lương thấp, và trong cuộc đời làm việc của
mình sẽ mất việc ít nhất một lần, và khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ không dành dụm
được bao nhiêu. Gia đình, tổ chức cộng đồng, và công đoàn thậm chí có thể trở
nên yếu kém hơn hiện nay.
Nhưng bằng cách bổ túc những khiếm khuyết trong mạng
lưới an toàn xã hội, chính phủ liên bang sẽ cải thiện an ninh kinh tế, cơ hội
đồng đều, và thịnh vượng chung cho hầu hết mọi người Mỹ bất chấp những thay đổi
nói ở đoạn trên. Một nước Mỹ dân chủ xã hội sẽ là một xã hội có an ninh kinh tế
và công bằng rộng lớn hơn. Kinh tế sẽ linh hoạt, năng động, và sáng tạo hơn. Tỉ
lệ người có công ăn việc làm sẽ tăng lên. Người dân sẽ có nhiều tự do trong
sinh hoạt. Việc quân bình giữa việc làm và gia đình sẽ trở nên dễ dàng hơn. Dân
Mỹ sẽ trả thuế cao hơn hiện nay, nhưng sự hi sinh này là đáng giá, vì họ sẽ
nhận về nhiều lợi lộc.
Hoa Kỳ đã tiến bộ nhiều trê
n con đường trở thành một xã hội tốt đẹp, nhưng quốc
gia này còn phải đi xa hơn nữa. May thay, lịch sử Mỹ và kinh nghiệm của các
quốc gia giàu có khác đang chỉ dẫn con đường đi tới. Sở dĩ Hoa Kỳ ngày nay là
một nước tốt đẹp hơn nhiều so với một thế kỷ trước đây là vì chính phủ liên
bang đã nỗ lực nhiều hơn để đảm bảo an ninh kinh tế, cơ hội đồng đều, và thịnh
vượng chung. Trong tương lai, nếu chính phủ này nỗ lực hơn nữa, thì đất nước
này nhờ thế sẽ còn tốt đẹp hơn.
LANE
KENWORTHY là giáo sư Xã hội học và Chính trị học tại Đại học
Arizona. Bài tiểu luận này dựa vào tác phẩm gần đây nhất của ông, Social
Democratic America [Nước Mỹ dân chủ xã hội] (Oxford Unversity Press, 2014).
Nguồn: “America’s Social Democratic Future – The Arc of Policy Is Long But
Bends Toward Justice”, Foreign Affairs Jan/Feb 2014
Bản tiếng Việt © 2014 Trần Ngọc Cư &
pro&contra
[i]Tín dụng thuế trên lợi tức kiếm được (the Earned
Income Tax Credit): số tiền thuế mà chính phủ liên bang hoàn trả lại cho những
cá nhân hoặc cặp vợ chồng có lợi tức thấp hoặc trung bình – đặc biệt những
người có con.
[ii]Tín dụng thuế trên số con (The Child Tax Credit): số
tiền thuế hoàn trả lại cho một hộ gia đình, dựa trên mức lợi tức và số con.
[iii]Riêng năm 2013, trần lợi tức phải chịu thuế An sinh
Xã hội là 113.700 USD; số tiền kiếm được ngoài mức trần này khỏi phải đóng thuế
An sinh Xã hội. Nghĩa là, người có lợi tức 113.700 USD và người kiếm được một
triệu USD trong năm 2013 sẽ đóng thuế An sinh Xã hội ngang nhau.
No comments:
Post a Comment