Điều
có lẽ không nhiều người biết đó là vào ngày 16/1/2014, các tổng biên tập, giám
đốc các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình đã bất ngờ được Ban Tuyên giáo
triệu tập đến trụ sở của cơ quan này tại 2 Hoàng Văn Thụ, Ba Đình, Hà
Nội... Họ được gọi lên để nhận tận tay một chỉ thị mật liên quan đến việc
tuyên truyền về Hoàng Sa 1974 và Chiến tranh biên giới 1979.
Hoàng An Vĩnh
(Viet-Studies) - Cuộc trao đổi qua đường dây nóng giữa ông Tập Cận Bình và ông Nguyễn
Phú Trọng là lý do khiến Việt Nam đột ngột chấm dứt các hoạt động tưởng niệm 40
năm hải chiến Hoàng Sa và 35 năm Chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc
1979?
Đèn
xanh
2014 đánh dấu “năm chẵn” một loạt những sự
kiện liên quan đến lịch sử bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Trong số này
có 35 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7/1/1979), 40
năm sự kiện Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền
Việt Nam Cộng Hòa (19/1/1974) và 35 năm ngày Trung Quốc tung 60 vạn quân quân
nổ súng tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc (17/2/1979).
Trong khi sự kiện gắn với biên giới Tây Nam được
tuyên truyền tương đối bình thường thì việc báo chí chính thống của Việt Nam nhắc
tới Hoàng Sa 1974 và Chiến tranh biên giới 1979 là điều gần như không có nếu
không tính quãng thời gian từ 2009 trở lại đây.
Cũng cần phải nói rằng câu chuyện về cuộc chiến
tranh bảo vệ biên giới 1979 mới được hâm nóng trở lại trên các kênh truyền thông
chính thức ở Việt Nam được vài năm nay mà bắt đầu là bài viết “Biên
Giới Tháng Hai” của ký giả nổi tiếng Huy Đức trên báo Sài Gòn Tiếp
thị ra ngày 9/2/2009.
Lác đác trong những năm sau đó một số tờ báo như
Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp luật Tp.HCM... đã có một số bài viết trực tiếp hoặc
gián tiếp nói đến sự kiện này trong đó nổi bật là báo Thanh Niên, tờ báo của
Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Tháng 2/2011, báo Thanh Niên có bài viết về liệt sĩ Lê
Đình Chinh và bài về chiến công chống quân Trung Quốc xâm lược của một đơn
vị bộ đội tại Lạng Sơn năm 1979 gây được sự chú ý của dư luận đặc biệt
với hình ảnh về tấm bia ghi dấu chiến công bị đục bỏ.
Năm 2013, đúng vào ngày 17/2, báo Thanh Niên cũng
cho đăng tải bài phỏng vấn tướng công an Lê Văn Cương về việc phải công bố và
đưa câu chuyện chiến
tranh biên giới 1979 vào sách giáo khoa. Sau bài viết mang tính mở đường
này nhiều tờ báo khác như Tuổi Trẻ, VietnamNet... cũng đã liên tiếp lên
tiếng.
Theo một nhà nghiên cứu, những diễn biến nóng trên
Biển Đông trong những năm qua, nỗ lực của báo giới và những sức ép từ dư luận
đã buộc chính quyền có độ mở nhất định đối với các thông tin về vụ Hoàng Sa
1974, Trường Sa 1988, chiến tranh biên giới 1979 trên các kênh chính thức của
Việt Nam.
Từ cuối tháng 12/2013 đầu 1/2014 một số tờ báo “lề
phải” của Việt Nam bắt đầu đăng tải các bài viết về sự kiện Hoàng Sa 1974 với
một sự thận trọng nhất định. Khởi đầu là Giaoduc.net.vn,
tiếp sau đó là Tuổi Trẻ, Infonet.vn, PetroTimes, Vietnamnet... Tờ báo điện tử
có lượng truy cập hàng đầu Việt Nam là Vnexpress.net đến gần sát thời điểm 19/1
cũng có một số bài. Các tờ báo chính thống như Nhân dân, Quân đội Nhân dân...
như thường lệ không hề đả động gì đến những vấn đề vốn được mặc định là “nhạy
cảm” này.
Thanh Niên, nhập cuộc muộn hơn, nhưng tổ chức khá
bài bản loạt bài về Hoàng Sa trên báo điện tử thành một chuyên đề với nhiều bài
viết đa dạng. Sự kiện Hoàng Sa 1974 được tờ báo này nhìn nhận vấn đề từ
nhiều góc cạnh khá mạnh dạn so với báo chí chính thống trong nước.
Việc báo chí có thể đăng tải thoải mái các tin bài
về sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, thậm chí động đến những
chuyện khá “nhạy cảm” và gây tranh cãi mà trước nay mới chỉ được đề cập trên
các kênh phi chính thống. Trong số này có thể kể đến việc đòi đánh giá lại sự
kiện Hoàng Sa, ca ngợi những hy sinh của binh lính Việt Nam Cộng Hòa và coi họ
như những anh hùng liệt sĩ chống ngoại xâm... đã tạo dư luận cho rằng chính
quyền đã bật đèn xanh cho việc tuyên truyền này.
Tưởng
niệm hay không tưởng niệm?
Chiều 30/12/2013, báo Thanh Niên điện tử đã xuất
hiện bản tin về việc “Sẽ
kỷ niệm sự kiện 40 năm Hoàng Sa và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc”.
Bản tin này sau đó đã bị gỡ bỏ sau đó chỉ vài giờ
đồng hồ. Tuy nhiên nội dung của nó đã được nhiều website đăng tải lại.
Theo bản tin này, trong cuộc làm việc với Hội Khoa
học lịch sử VN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện Bộ Ngoại giao Việt Nam
đang lên kế hoạch tưởng niệm 40 năm sự kiện Trung Quốc đánh chiếm quần đảo
Hoàng Sa của Việt Nam (1/1974) và 35 năm sự kiện Chiến tranh bảo vệ biên giới
phía Bắc (2/1979).
Bản tin của Thanh Niên còn cho biết Thủ tướng đã trả
lời trực tiếp tại Hội Khoa học Lịch sử rằng: “Phải kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm
thế nào để ổn định. Rồi còn biên giới Tây Nam thế nào. Chứ không phải Bộ Chính
trị không quan tâm”.
Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết hiện Bộ Ngoại giao
Việt Nam đang soạn thảo đề án kỷ niệm sự kiện: biên giới phía Bắc, Hoàng
Sa.
“Kỷ niệm thế nào cho vừa đạt yêu cầu đối nội, vừa
đạt yêu cầu đối ngoại. Đó cũng là lợi ích của nhân dân. Bộ Chính trị rất quan
tâm đến việc kỷ niệm này”, ông Dũng được Thanh Niên
điện tử trích dẫn.
Cú
phanh đột ngột
Trong khi nhiều người tin rằng đúng ngày 19/1/2014
hàng loạt các bài viết về sự kiện Hoàng Sa 1974 sẽ được hàng loạt tờ báo bung
ra thì một điều bất ngờ xảy đến: hầu hết các tờ báo đều đột ngột ngừng việc đưa
tin về sự kiện này từ 18/1.
Sáng 18/1, trang web của UBND huyện Hoàng Sa cũng
bất ngờ đăng lời
cáo lỗi của ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch UBND huyện, về việc hủy
chương trình tưởng niệm, thắp nến tri ân Hướng về Hoàng Sa dự kiến sẽ được tổ
chức vào 19h00 cùng ngày tại tại Công viên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng.
Lý do được đưa ra là “do công tác chuẩn bị chưa
được chu đáo” nên chương trình ca nhạc hát về biển đảo quê hương và Lễ thắp
nến tri ân Hướng về Hoàng Sa đã không thể diễn ra theo kế hoạch.
Cũng trong sáng 18/1, báo Thanh Niên điện tử cho
đăng tải bài phỏng vấn cựu
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên liên quan đến chủ đề Hoàng Sa
1974 và Chiến tranh biên giới 1979.
Tuy nhiên bài viết này sau đó cũng nhanh chóng bị gỡ
xuống.
Đến thời điểm ấy người ta chỉ có thể lờ mờ phỏng
đoán đã có một quyết định được đưa ra vào giờ chót, ngay trước 19/1/2014, nhằm
ngăn cản việc tưởng niệm sự kiện Hoàng Sa 1974 đồng thời “bịt miệng” báo
chí trong nước.
Điều khó hiểu là quyết định này dường như được đưa
ra khá bất ngờ chứ không phải như chủ trương “đèn xanh” như trước đó.
Dường như đã có một sự thay đổi vào phút chót trong việc kiểm soát thông tin
của sự kiện này từ giới lãnh đạo Việt Nam.
Ngày 21/1, sau cuộc giao ban báo chí định kỳ hàng
tuần của lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông với lãnh đạo các
báo, đài, trên một số diễn đàn báo chí đã lan truyền thông tin lãnh đạo báo
Thanh Niên và Infonnet.vn đã bị “cạo” ra trò tại cuộc giao ban này. Cũng xuất
hiện thông tin nói rằng báo Thanh Niên và báo Infonet.vn sẽ bị kỷ luật do không
chấp hành chỉ đạo liên quan đến việc tuyên truyền về sự kiện Hoàng Sa 1974.
Chỉ
thị mật
Điều có lẽ không nhiều người biết biết đó là vào ngày 16/1/2014,
các tổng biên tập, giám đốc các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình đã bất
ngờ được Ban Tuyên giáo triệu tập đến trụ sở của cơ quan này tại 2 Hoàng Văn
Thụ, Ba Đình, Hà Nội.
Họ được gọi lên để nhận tận tay một chỉ thị mật liên
quan đến việc tuyên truyền về Hoàng Sa 1974 và Chiến tranh biên giới
1979.
Theo một cựu lãnh đạo báo chí thì việc gọi các Tổng
biên tập đến để trao tận tay một văn bản chỉ đạo mật là điều ít khi xảy ra.
Thông thường các vụ việc thế này Ban Tuyên giáo chỉ cho người gọi điện/gửi tin
nhắn hoặc qua đường công văn.
Nội dung chính của chỉ đạo mật này đó là theo yêu
cầu trực tiếp từ Bộ Chính trị, các cơ quan báo chí phải tuân thủ nghiêm “kỷ
luật thông tin” trong tuyên truyền về Hoàng Sa, Trường Sa và chiến tranh biên
giới phía Bắc năm 1979.
Cụ thể, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Tuyên
giáo đã ra lệnh cho các báo không được đưa tin về các hoạt động kỷ niệm, tưởng
niệm các sự kiện nêu trên nếu chưa có sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo TƯ. Các
báo, đài nào đã đăng thì được yêu cầu phải “dừng ngay” và “tuyệt đối
không được đăng tiếp”.
Chỉ thị mật này cũng nêu rõ khi cần báo, đài nào lên
tiếng, Ban Tuyên giáo TƯ sẽ có sự chỉ đạo cụ thể đồng thời răn đe, dọa dẫm, yêu
cầu một cách khá gay gắt rằng các cơ quan báo chí “không được tự tiện, manh
động”.
Bên cạnh đó chỉ thị đồng thời cũng yêu cầu “thông
tin, tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
vẫn giữ mức độ, nội dung, cách thức tuyên truyền như lâu nay” (?!) và không
đẩy việc tuyên truyền lên mức cao hơn.
Đặc biệt, chỉ thị mật này yêu cầu báo chí “tuyệt
đối không đưa thông tin kích động, gây tâm lý dân tộc cực đoan, làm nóng dư
luận, gây bất lợi về đối nội, đối ngoại” và chú ý đến các nội dung liên
quan đến “đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tác đường
lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước tạo chia rẽ, tạo mâu thuẫn trong quan hệ
Việt Nam- Trung Quốc”.
Trong chỉ thị này Ban Tuyên giáo TƯ cho biết họ cùng
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thành lập một “Tổ công tác đặc biệt” để
chỉ đạo, theo dõi việc thực thi chỉ thị và các các báo, đài vi phạm sẽ bị xử lý
nghiêm khắc.
Đường
dây nóng
Một nguồn thạo tin tại Hà Nội cho biết
ngày 15/1/2014 phía Trung Quốc đã bất ngờ nêu yêu cầu trao đổi giữa Chủ
tịch, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua
đường dây nóng nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao
giữa Việt Nam và Trung Quốc (18/1/1950-18/1/2014).
Nguồn tin không nói rõ thời điểm cuộc điện đàm được
thực hiện, nhưng nhiều khả năng thời gian điện đàm từ 15-16/1/2014.
Điều đáng chú ý là theo thông tin công khai trên báo
chí thì có một cuộc điện
đàm với lý do tương tự nhưng được thực hiện vào ngày 22/1/2014 cũng
giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình. Thông tin công khai này không
cho biết cuộc điện đàm bình thường hay được thực hiện qua đường dây nóng.
Không rõ đây chính là cuộc điện đàm được thực hiện
trước thời điểm 16/1/2014 nhưng được ém thông tin và đăng tải thành ngày
22/1/2014 hay là một cuộc điện đàm khác. Theo dự đoán của người viết thì nhiều
khả năng chỉ có một cuộc điện đàm nhưng thời gian công bố đã có sự điều
chỉnh.
Nguồn tin cũng cho biết nhiều khả năng trong cuộc
điện đàm này phía Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu và được ông Nguyễn Phú Trọng
đồng ý về việc Việt Nam hủy bỏ chương trình tưởng niệm Hoàng Sa 1974 và Chiến
tranh biên giới 1979 mà trước đó được dự kiến thực hiện.
Nếu điều này
là sự thật thì có thể thấy một lần nữa Trung Quốc lại cho thấy sự cao tay trong
việc “dắt mũi” giới lãnh đạo Việt Nam khi đặt Hà Nội vào thế bị động. Nó
cũng cho thấy những nhà lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam thiếu tầm nhìn trong
việc ứng xử với Trung Quốc như thế nào, nguồn tin bình luận.
Hẳn là Hà Nội chưa quên bài học vừa mới xảy ra năm
ngoái khi họ đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngay trong thời điểm lễ
Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Việc những lá cờ rủ đã buộc phải thay đổi
cấp tập thành cờ mừng đã gây ra một làn sóng dư luận phẫn nộ trong dân
chúng.
Một
chuyên gia về chính trị Việt Nam cho rằng những ứng xử mang tính chất đối phó và dường
như có phần quá nể sợ Trung Quốc của giới lãnh đạo Việt Nam cho thấy họ sẽ
chẳng bao giờ có được sự tôn trọng từ phía người láng giềng “khó chơi”.
“Người Trung Quốc vốn kính nể những đối thủ cứng rắn. Họ
muốn các chư hầu thần phục nhưng cũng coi thường những kẻ thần phục. Đó là văn
hóa của họ”.
“Điều mà tôi lo lắng là không biết đến bao giờ chúng ta mới có những thủ
lĩnh đủ tầm trong ứng xử với Trung Quốc Nếu những nhà lãnh đạo quốc gia của
chúng ta cứ mãi “trẻ con” thế này thì đất nước sẽ còn tiếp tục bị đè nén và sỉ
nhục”.
Hà Nội ngày 4/2/2014
(Kỷ niệm 225 Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Xuân Kỷ
Dậu 1789)
Hoàng
An Vĩnh
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 11-2-2014
viet-studies.info/kinhte/EpKhongTuongNiem.htm
viet-studies.info/kinhte/EpKhongTuongNiem.htm
No comments:
Post a Comment