Thursday, 13 February 2014

TIẾP TỤC HÀNH TRÌNH VẬN ĐỘNG HẬU UPR TẠI AUSTRALIA (Vietnam UPR)




12-2-2014

Hôm nay, ngày 12-2, phái đoàn vận động nhân quyền Việt Nam tiếp tục hành trình UPR tại Australia với hàng loạt cuộc gặp tại Quốc hội nước này ở thủ đô Canberra, theo lời mời của Hạ nghị sĩ Luke Donnellan và cộng đồng người Việt Nam tại đây.

Phái đoàn tới Australia lần này gồm luật sư Trịnh Hội, ông Trần Văn Huỳnh (cha của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức), bà Nguyễn Thị Trâm (mẹ của tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân), blogger Nguyễn Anh Tuấn và luật gia Trịnh Hữu Long.

Tại Canberra Parliament House.

Đoàn đã tiếp xúc với bà Tanya Plibersek - Phó Thủ lãnh Đảng Lao động, ông Chris Hayes, Cố vấn trưởng của Đảng Lao động, Thượng nghị sĩ Scott Ryan, Hạ nghị sĩ Graham Perrett, Hạ nghị sĩ Philip Ruddock và ông Stephen Conroy - Bộ trưởng Quốc phòng của nội các đối lập (*).

Các chính khách mà phái đoàn gặp gỡ đều có những mối quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt Nam do từng tham gia quyết định các chính sách đối với người Việt Nam tị nạn, cộng đồng người Việt Nam tại Australia, cũng như thông qua tiếp xúc với các phái đoàn vận động nhân quyền khác của người Việt Nam trước đây và phiên điều trần UPR của Việt Nam vừa qua tại Thụy Sĩ. Một số dân biểu bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới Nghị định 72 năm 2013 về quản lý Internet và tình hình giam giữ một số tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Phái đoàn Việt Nam đã cung cấp cho các chính khách nêu trên các báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam cũng như cập nhật phiên điều trần UPR ngày 5-2 vừa qua của Việt Nam. Đặc biệt, phái đoàn đã đề nghị các nhà lập pháp tác động chính phủ Australia nói chung và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam nói riêng theo dõi cũng như thúc đẩy chính phủ Việt Nam thực hiện các khuyến nghị UPR của Australia.

Các khuyến nghị này bao gồm: (i) tạo không gian cho báo chí phi nhà nước, (ii) cụ thể hóa các điều 79, 88, 258 của Bộ luật Hình sự và sửa đổi sao cho phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền trong lĩnh vực tự do ngôn luận của Việt Nam, và (iii) ban hành các đạo luật về tự do tụ tập và biểu tình ôn hòa phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).

Các chính khách đều bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực vận động vì nhân quyền của đoàn và cam kết hỗ trợ các nỗ lực này. Một số cuộc gặp với các chính khách quan trọng khác tại Canberra đã được họ thu xếp ngay trong ngày hôm nay 12-2. Vietnam UPR sẽ cập nhật tới bạn đọc về các cuộc gặp này trong những ngày tới.

(*) Hạ viện Australia được chia làm hai phe: phe đảng cầm quyền và phe đảng đối lập. Mỗi phe đều có nội các riêng của mình với các chức vụ tương tự nhau dựa trên quy định của luật. Tùy thuộc đảng nào cầm quyền mà nội các của đảng đó sẽ nắm các chức vụ chính thức trong bộ máy nhà nước. Hiện nay, Đảng Tự do đang cầm quyền tại Australia, còn Đảng Lao động là đảng đối lập.

* * *


Sáng nay, 13-3, tại Bộ Ngoại giao Australia ở thủ đô Canberra, phái đoàn vận động nhân quyền Việt Nam đã gặp và làm việc với ông Allaster Cox - Trợ lý Thứ trưởng Ngoại giao Australia, đặc trách về khu vực Đông Nam Á.

Điều đặc biệt là ông Allaster Cox đã từng có 4 năm công tác tại Việt Nam trong vai trò Đại sứ, từ 2008 đến 2012. Do vậy, ông tỏ ra đặc biệt am hiểu tình hình Việt Nam và nắm rõ các vấn đề mà phái đoàn đề cập.

Trong phạm vi quyền hạn của mình, ông Allaster Cox cam kết sẽ nỗ lực tối đa để ủng hộ các hoạt động đấu tranh vì nhân quyền của người Việt Nam, mở ra các kênh đối thoại nhân quyền thường xuyên và rộng rãi hơn giữa các cơ quan ngoại giao Australia với các tổ chức dân sự Việt Nam.

Ông Allaster Cox

------------------------------------------

TIN LIÊN QUAN :


Đoan Trang     Tuesday, February 11, 2014


-------------------------------

Trịnh Hữu Long

Thứ Năm, 13/02/2014

Một đoàn học sinh Australia được nhà trường tổ chức cho đi thăm quan Quốc hội ở thủ đô Canberra. Thủ tục vào Quốc hội khá đơn giản, mọi công dân cũng như khách nước ngoài, nếu muốn, đều có thể vào thẳng hội trường nơi các dân biểu họp để quan sát (hay còn gọi là giám sát). Dân tình mặc quần đùi áo phông đi dép lê ra vào phải nói là thoải con gà mái.

Cuộc họp Hạ viện hôm nay là cuộc chất vấn của các hạ nghị sĩ đối với chính phủ của Đảng Tự do cầm quyền, mà thực chất là cuộc đấu khẩu của Đảng Tự do với Đảng Lao động đối lập. Có lẽ những đứa trẻ này sẽ chẳng bao giờ có cảm giác sùng bái bất kỳ quan chức nào, bởi xuyên suốt phiên họp là tiếng la ó, châm biếm nhau qua lại giữa hai đảng và bất kỳ ai cũng có thể nhận được những phản ứng chẳng thân thiện gì từ đảng đối lập.

Quốc hội nhà ta thì rất kiêng kỵ và ý tứ ở khâu ăn nói, luôn phải nói làm sao đẹp lòng tất cả mọi người, uốn lượn vòng quanh chán rồi mới đến được cái điểm bé xíu cần nói, chứ không sát phạt nhau đỏ mặt tía tai như bên này.

Suy cho cùng thì dân chủ có được thực thi hay không, không phải chỉ là vấn đề thể chế, mà còn là năng lực làm chủ của người dân. Với những đứa trẻ được giáo dục về dân chủ như thế này thì tương lai của nền dân chủ Úc chắc không đến nỗi bi đát lắm.




1 comment:

  1. Đúng là hành động của những tên phản động. Nhân quyền tai Việt Nam có gì cần phải lên tiếng sao? Một đất nước như Việt Nam luôn phát triển và hoàn thiện các quyền về con người, bảo vệ cuộc sống của con người. Nhân dân Việt Nam luôn hạnh phúc khi được sống trong một đất nước hòa bình, yên ấm như Việt Nam.Vậy mà có những con người mang trong mình dòng máu Việt Nam lại luôn tìm cách chống đối, bôi xấu đất nước, chạy theo các thế lực thù địch, để được chúng cho ăn nhưng bọn nô lệ.
    Thật đáng khinh bỉ.

    ReplyDelete

View My Stats