Thursday 13 February 2014

SỞ HỮU TOÀN DÂN : CÂU CHUYỆN ĐẦU NGÔ MÌNH SỞ (Xích Tử - Dân Luận)




Xích Tử
Tác giả gửi đến Dân Luận
Thứ Năm, 13/02/2014

Cuối cùng, giống như và cùng với Hiến Pháp, Luật Đất Đai cũng được thông qua bằng mệnh lệnh thể hiện quyết tâm vội vã và dứt khoát của đảng cầm quyền duy nhất. Không thể chậm hơn hoặc để chín muồi hơn vì vấn đề đã được khơi ra, thảo luận, xới xáo với nhiều sáng ý hợp lòng dân của các bậc thức giả rằng cần phải trở lại, trả lại sở hữu tư nhân về đất đai ở một mức độ nào đó. Xu thế và sự đòi hỏi sự thay đổi bản chất đó nguy hiểm đến mức nếu không có Luật được thông qua với sự tái khẳng định cưỡng chế chế độ “sở hữu toàn dân” làm công cụ điều chỉnh, có thể dẫn đến những bùng phát cách mạng về đất đai ở toàn bộ khu vực nông thôn.

Để làm nền tảng lý luận cho sự thông qua đó, việc làm luật không dựa vào bất cứ sự tổng hợp nào từ ý kiến nhân dân, các nhà khoa học và quản lý có tấc lòng ưu ái với vận mệnh đất nước và nhân dân; cũng không đánh giá, phân tích một cách khách quan, khoa học những biến cố đất đai xuất hiện trong thời gian vừa qua, mà chỉ phân công qua loa một vài bồi bút để làm cái gọi là lý luận, đăng trên báo đảng, với một vài bài nhạt nhẽo rằng sở hữu toàn dân là đúng, ưu việt, có lợi cho sản xuất lớn.

Đàng sau đó, mọi người, kể cả giới chóp bu của đảng và nhà nước, biết quá rằng cái gọi là sở hữu toàn dân về đất đai, chẳng là chân lý, tiến bộ, văn minh ưu việt gì, mà chỉ là cách để tiếp tục hợp lý hóa, hợp hiến hóa một lịch sử cưỡng chiếm đất đai nhân dân của đảng cộng sản với vô số sự võ đoán, tội ác, oan khiên, vô lý chồng chất. Chúng đã tích tụ thành một mớ bòng bong khổng lồ nhiều tầng, nhiều lớp, quan hệ đan cài chồng chéo vào nhau, lại bị đánh quện lại khi có cái gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tham gia, can thiệp vào quyền lợi đất đai, với địa chủ đỏ, tư bản nước ngoài và trong nước mua đất, thuê đất, cùng với nhà nước toa rập biến tài sản và tư liệu sản xuất của nông dân thành hàng hóa, cùng nhau xây dựng thị trường bất động sản và địa ốc để hưởng lợi, chia chác trên đầu nông dân và nhân dân.

Chỉ cần đọc, so sánh cách định nghĩa một vài từ ngữ trong Luật Đất Đai 1993 và Luật (sửa đổi) 2013 về “giá đất”, “giá trị đất”, “giá quyền sử dụng đất”, “giá trị quyền sử dụng đất” v.v.. thì có thể thấy ngay sự ngụy biện, khôn vặt vừa du côn vừa con buôn của những người làm luật. Từ đó, cùng với giả dối vô khối khác của đời sống xã hội, quan hệ giữa con người với thực thể đất đai trên đất nước này cũng dị hợm, giả dối. Nào sổ đỏ rồi sổ hồng, nào là thuê, mượn, sử dụng có thời hạn và lâu dài, nào là cho, nhượng, chuyển nhượng, bán, thừa kế, tặng, hiến. Trong khi nhà nước làm ra vẻ nghiêm trang với khái niệm công cụ “quyền sử dụng” do mình tạo ra, trên cả nước, nhân dân chỉ cần trương biển “đất bán”, “bán đất” là có thể giao dịch bình thường, chẳng ai buồn gọi đó là sai luật. Đúng là đầu Ngô mình Sở, chả ra sao, chỉ được cùng là của Tàu.

Đảng cầm quyền biết thế của mình không thể gỡ mớ bòng bong đất đai do lịch sử để lại và bị làm phức tạp thêm do sự góp phần bằng sức ỳ, tư tưởng bảo thủ, thực dụng của thế hệ lợi ích hiện tại dựa vào nguồn tài nguyên này. Do vậy, chỉ còn cách phải thông qua Hiến pháp và Luật Đất đai với sự duy trì chế độ sở hữu toàn dân. Ý chí ngoan cố, bảo thủ thể hiện bằng sự áp đặt thông qua không khác gì phương châm súng đạn đẻ ra chính quyền hết sức maoist mấy chục năm trước.

Những tưởng đó là thắng lợi, một kiểu thắng lợi ăn cướp của dân. Nhưng không một người có tư duy biện chứng nào tin vào ảo giác đó. Ở thời điểm rất phù hợp để thay đổi vừa qua nhưng đảng đã không có dũng khí và trí tuệ để vượt qua lợi ích của mình để làm nên cuộc thay đổi, và bằng việc duy trì Luật đất đai mới có nội dung đã cũ, đảng tiếp tục ngập mình vào mớ bòng bong đất đai, giẫy dụa trong ấy. Lịch sử cưỡng chiếm đất đai không được xét lại, hồi tố, tiếp tục rối bời với những sự cố mới trong nhiễu nhương lợi ích, cùng với những chính sách ngứa ghẻ kiểu cánh đồng mẫu lớn, dồn điền đổi thửa, tích tụ đất đai, quỹ phát triển đất v.v...sẽ tạo nên mâu thuẫn cách mạng. Đó có thể là trận địa kết liễu vai trò lịch sử của đảng.

Tất cả diễn ra trên đất nước này từ khi áp dụng phương pháp “bạo lực cách mạng”, rằng bạo lực, súng đạn tạo ra quyền lực chính trị; quyền lực chính trị được vận hành theo ý chí của người cầm quyền với một học thuyết ngoại lai, bị nhai lại và biến tướng chứ không phải bằng nguyện vọng và ý chí nhân dân. Thứ pháp quyền kiểu triết học Hégel, đứng ngoài, đứng trên, bị trừu tượng hóa khỏi quan hệ với nhân dân và xã hội công dân đã bị Marx phê phán một cách sâu sắc từ năm 1843 đó không ngờ lại được những người vỗ ngực xứng là macxít Việt Nam áp dụng trên đất nước mình.

Kết quả là, với chế độ sở hữu toàn dân rất mù mờ về đất đai, được thể hiện bằng những biện pháp cưỡng chiếm rất hiện thực, rất cụ thể tài sản ngàn đời của nông dân, đã tha hóa người nông dân khỏi thực thể đất đai, khỏi tài sản của mình, khỏi nghề nghiệp và hoạt động sản xuất của mình, chỉ còn được treo lại với cái gọi là quyền sử dụng hạn chế, bấp bênh, ngượng ngập, với cái nhãn xã viên hợp tác xã trước đây; từ đó, như trong lịch sử đã diễn ra, tha hóa họ khỏi gia đình, tộc họ, làng xã. Tất cả đã bị làm méo mó, bệnh tật, oặt oẹo, chả bình thường chút nào. Hậu quả đó, cùng với những mâu thuẫn đất đai, tiếp tục đẩy người nông dân ra khỏi ruộng đất, nông thôn bằng việc chán nông, bỏ ruộng, ly hương như kiểu Thanh Hóa được sơ kết cuối năm 2013, tiếp tục làm cho nền nông nghiệp bệnh tật, không tham gia bình thường lành mạnh vào nền kinh tế quốc dân, từ trình độ và công nghệ sản xuất, cơ cấu cây con sản phẩm, phân công vùng miền cho đến chính sách quản lý sản xuất, quản lý và kinh doanh sản phẩm, chính sách khuyến nông...Đó cũng là giấy khai tử cho những tội phạm tạo ra nó.

Xích Tử

------------------------------------

Bài viết liên quan :
Ts Hoàng Xuân Phú    (11.01.2013)



2 comments:

  1. Quả thật đọc vài dòng đầu của bài viết là tôi không muốn và cũng không cần đọc thêm nữa, vì bản chất đã thể hiện ngay từ tiêu đề bài viết, Chẳng cần nói gì thêm chắc hẳn ai đọc cũng nghe thấy giọng điệu tiêu cực của người viết bài. Giọng văn thể hiện một cái nhìn thiển cận, thể hiện sự thiếu hiểu biết, nhận thức ngu dốt của kẻ viết bài.
    Thời gian qua ai cũng biết Việt Nam sửa đổi hiến pháp, điều đó đã được thảo luận toàn dân, tham khảo ý kiến toàn quốc trong thời gian dài rồi mới đi vào quyết định chính thức.
    Và ai cũng biết sự việc đó đã bị các thế lực thù địch, những tên phản động, các trang mạng như bonphuong, danlambao....lợi dụng bôi xấu đất nước.
    Lời lẽ của những kẻ vô học thật khó nghe, thật ngu dốt.

    ReplyDelete
  2. Việt Nam luôn công khai pháp luật, hiến pháp. Bài viết cho rằng pháp luật ở Việt Nam là sự áp đặt của Đảng cẩm quyền duy nhất. Không hiểu thằng viết bài này có sinh sống tại Việt Nam không? hay là cố tình viết ra để có bài lấy tiền từ các thế lực thù địch.
    Pháp luật, hiến pháp ở Việt Nam luôn tham khảo ý dân, cuộc sống ngày càng phát triển và thay đổi, luật pháp cũng phải thay đổi để phù hợp với đời sống, nguyện vọng của nhân dân. không thể để một xã hội phát triển với hệ thống pháp luật lạc hậu được. Nhà nước thường xuyên tham khảo ý dân để hành động thiết thực nhất,
    Tên viết bài này cần xem lại nhận thức của bản thân đi.

    ReplyDelete

View My Stats