Thứ tư 12 Tháng Hai 2014
Đầu tháng 2/2014, Quỹ Yểm trợ và Kết nghĩa Với Tù nhân
Lương tâm Việt Nam tại Hoa Kỳ ra mắt, với tên chính thức « Quỹ Tù nhân Lương
tâm ». Nếu như trong nhiều năm gần đây, có không ít hoạt động hỗ trợ các tù
nhân chính trị và những nhà tranh đấu nhân quyền Việt Nam, từ phía các định chế
quốc tế, các quốc gia dân chủ phát triển, các cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại và
một số nhóm trong nước, thì dường như hiếm có tổ chức nào chủ trương mang lại
các hỗ trợ cụ thể đối với toàn bộ các tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Trong Cuộc kiểm điểm định kỳ
phổ quát (Universal Periodic Review - UPR) về nhân quyền của Việt Nam trước Hội
đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève (Thụy Sĩ) ngày 05/02, Việt Nam đã gặp
nhiều chỉ trích mạnh mẽ về tình trạng nhân quyền. Nhiều quốc gia đề nghị Việt
Nam trả tự do vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm bị giam cầm khi
thực thi những hành vi nhân quyền căn bản (vì bị khép vào tội danh hình sự theo
các Điều 88, Điều 79, Điều 279 Luật Hình sự…). Đặc biệt đại diện Hoa Kỳ đề nghị
chính quyền Việt Nam trả tự do trước hết cho bốn tù nhân lương tâm Cù Huy Hà
Vũ, Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Hải (tức « Điếu Cày ») và Trần Huỳnh Duy
Thức.
Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân
quyền Liên Hiệp Quốc, với đại diện ba nước Costa Rica, Kazakhstan và Kenya, đưa
ra 227 khuyến nghị để Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền, cụ thể là có
các biện pháp để bảo đảm việc thực hiện các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn
luận và tự do lập hội, chấm dứt việc truy tố những người biểu tình ôn hòa, trả
tự do cho các tù nhân bị giam vì lý do chính trị và tôn giáo...
Theo một số nhà quan sát, mặc
dù Việt Nam đã có một số chuyển biến theo chiều hướng tích cực trong thời gian
gần đây trong lĩnh vực nhân quyền, nhưng một loạt các vụ trấn áp bắt bớ nhắm
vào những người bất đồng chính kiến khiến công luận lo ngại. Đơn cử như : các
vụ hành hung những người đến thăm cựu tù nhân chính trị Phạm Văn Trội (Hà Nội),
vụ đàn áp hồi tháng 10/2013 những người H’Mông các tỉnh miền núi phía Bắc thuộc
chi phái Tin Lành do ông Dương Văn Mình chủ trương, hay vụ câu lưu thô bạo đối
với cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển tại Đồng Tháp xẩy ra cách đây ít
hôm…, chưa kể nhiều vụ đàn áp ít được truyền thông loan tải hơn.
An ninh của các tù nhân lương
tâm đang bị giam giữ và những người bất đồng chính kiến trong xã hội Việt Nam
nói chung cho đến nay vẫn luôn là một chủ đề gây nhiều quan ngại trong nước và
trên thế giới.
Để chuyển đến quý vị các thông
tin về Quỹ Tù nhân Lương tâm, ý nghĩa, mục đích và các hoạt động căn bản của
Quỹ, cũng như cuộc tranh đấu nói chung vì các tù nhân lương tâm Việt Nam nhìn
từ Hoa Kỳ, RFI tiếng Việt
có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc BPSOS (cơ sở
cứu trợ thuyền nhân Việt Nam trước đây). Ông Nguyễn Đình Thắng là người
chủ trương Quỹ Tù nhân Lương tâm Việt Nam.
Nghe
(17:02) : Toàn bộ cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Nguyễn
Đình Thắng (Virginia) 12/02/2014
Xin chào Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, trước hết xin ông cho
biết một đôi nét về Quỹ Tù nhân Lương tâm Việt Nam.
Chúng tôi công bố Quỹ Tù nhân
Lương tâm cho Việt Nam để kêu gọi sự đóng góp, hợp tác của cộng đồng người Việt
ở khắp nơi trên thế giới nhằm đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch mà chúng tôi đã phát
động vào ngày 24/07 năm ngoái, đòi tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm ở
Việt Nam. Chiến dịch này gồm nhiều bộ phận. Quỹ Tù nhân Lương tâm cho Việt Nam
chỉ là một phần của chiến dịch rộng lớn và dài hạn này.
Mục đích là đòi tự do cho tất
cả các tù nhân lương tâm qua ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là tự do cho một
số nhỏ những trường hợp tiêu biểu, để làm mũi nhọn cho công cuộc vận động quốc
tế. Giai đoạn thứ hai là đòi hỏi tự do cho tất cả các trường hợp mà quốc tế đã
nắm được danh sách, mà hiện nay chúng tôi ước lượng có khoảng 150 trường hợp tù
nhân lương tâm. Và giai đoạn thứ ba là tất cả các tù nhân lương tâm còn lại, mà
chúng tôi ước lượng con số khá cao, nhưng quốc tế chưa phối kiểm được. Và phối
kiểm đến đâu, thì đòi trả tự do đến đó. Đó là một chiến dịch rất dài hạn.
Quỹ mới được thành lập hy vọng
sẽ giúp cho chúng tôi trợ giúp được từng hồ sơ một, mà (một số trường hợp) đang
được can thiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chứ không riêng gì vấn đề đời
sống. Ngoài đời sống ra, còn có vấn đề sức khoẻ, an nguy, vấn đề nhu cầu pháp
lý. Và sau khi được tự do rồi, còn cần phải được giúp đỡ để hồi phục lại cuộc
sống, cũng như tiếp tục theo đuổi sở nguyện của mình, nếu như đó vẫn là sở
nguyện của người tù nhân lương tâm sau khi được tự do.
|
Vì sao trong các chương trình đấu tranh cho dân chủ và
nhân quyền ở Việt Nam, thì ông và các cộng sự lại chọn việc hỗ trợ các tù nhân
lương tâm là việc trọng điểm ?
Theo quan điểm của chúng tôi,
các tù nhân lương tâm là đội ngũ tiên phong. Vì họ tranh đấu cho nhân quyền của
những người khác, mà hiện nay họ đang bị lâm nguy, đang bị tù đày. Thực ra Quỹ
Tù nhân Lương tâm này không chỉ nhắm giúp đỡ và can thiệp những người đã đi tù,
mà còn giúp đỡ, can thiệp vào bảo vệ những người có thể hoặc sắp sửa bị đi tù.
Đó là những nhà hoạt động tranh
đấu cho người khác, đang đứng trước nguy cơ bị bắt bớ, và tranh đấu làm sao để
họ không trở thành tù nhân lương tâm.
Các tù nhân lương tâm và những
người tranh đấu có nguy cơ bị bắt là những người tiêu biểu của đội ngũ tiên
phong tranh đấu cho sự thay đổi cho một Việt Nam tốt đẹp hơn trong tương lai
Thưa Tiến sĩ, chữ « tù nhân lương tâm » nhiều khi
được hiểu là để chỉ riêng các tù nhân chính trị, vậy trong cách hiểu của ông,
từ này có nghĩa cụ thể là gì ?
Cụm từ « tù nhân lương tâm
» thực ra do hội Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đưa ra để nới rộng định
nghĩa về những người tranh đấu cho nhân quyền nói chung, mà bị đi tù. Bao Chẳng
hạn như, những người tranh đấu không hề có mục tiêu chính trị hay mục tiêu tôn
giáo. Họ tranh đấu cho « lương tâm » của mình, họ thấy có những sự bất
công trong xã hội. Ví dụ rất điển hình trong nước hiện nay là có các dân oan,
những nông dân bị mất đất và có những người đã đứng lên tranh đấu cho họ. Hoặc
những người tranh đấu cho các nạn nhân của nạn buôn người. Những người này hành
động hoàn toàn xuất phát từ lương tâm của họ, dựa trên quan hệ giữa con người
với con người, họ không có những tư tưởng, mục đích chính trị để thay đổi chế
độ chẳng hạn.
Chúng tôi nới rộng định nghĩa
này, để tranh đấu cho tất cả những ai tranh đấu cho quyền của người khác.
Quỹ Tù nhân Lương tâm vì Việt Nam vừa chính thức công bố
thành lập. Theo Tiến sĩ, trong thời gian gần đây có những bước tiến nào trong
các hoạt động vì các tù nhân lương tâm ở Việt Nam ?
Một thành quả chúng tôi nghĩ là
cụ thể nhất là cả Quốc hội Hoa Kỳ, cũng như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đồng loạt
lên tiếng đòi tự do cho tất cả tù nhân lương tâm Việt Nam, xem như là một sự
hưởng ứng chiến dịch mà chúng tôi đã đưa ra vào ngày 24/07 năm ngoái. Tại buổi
Kiểm điểm tổng quát định kỳ về nhân quyền Việt Nam tại Genève vừa rồi, phái bộ
Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc đã nêu rất rõ ba trọng tâm mà Hoa Kỳ khuyến cáo Việt
Nam để cải thiện nhân quyền, trong đó một trọng tâm là đòi trả tự do cho tất cả
các tù nhân lương tâm (hai trọng tâm còn lại là tôn trọng quyền lao động và
chấm dứt tra tấn).
Trong cuộc điều trần đầu năm
2014, Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos (ủy ban gồm 200 dân biểu và nghị sĩ thuộc cả
hai chính đảng lớn của Mỹ, có mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề nhân
quyền trên thế giới) cũng đã nêu lên vấn đề tù nhân lương tâm Việt Nam. Và
trong một văn thư mới được gửi đến ông Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang,
11 vị dân biểu rất nặng ký của Hoa Kỳ cũng lên tiếng đòi tự do cho các tù nhân
lương tâm ở Việt Nam.
Chưa kể chiến dịch này còn được
sự hưởng ứng của các tổ chức quốc tế mà Hoa Kỳ đứng cùng nỗ lực với chúng tôi
để tranh đấu với mục đích cuối cùng là đòi tự do vô điều kiện cho tất cả các tù
nhân lương tâm.
Xin ông cho biết ghi nhận của ông về chính sách về tù
nhân lương tâm Việt Nam của Hoa Kỳ trong thời gian sắp tới ?
Vấn đề tù nhân lương tâm đối
với Quốc hội Hoa Kỳ trong nỗ lực của họ trong năm nay 2014 là đẩy mạnh đòi tự
do, và làm nổi bật lên tiếng nói, công cuộc tranh đấu, thành tích của những
người vì nhân quyền của người khác mà hiện bị tù đày. Hướng này rất gần với
chiến dịch mà chúng tôi đưa ra hồi năm ngoái. Bởi thế có sự hợp tác rất chặt
chẽ giữa chúng tôi với Uỷ hội Nhân quyền Tom Lantos. Đặc biệt là Uỷ hội này nỗ
lực để từng vị dân biểu một đỡ đầu một tù nhân lương tâm trên thế giới.
Chúng tôi rất vui khi biết rằng
các tù nhân lương tâm ở Việt Nam đã có khá nhiều vị dân biểu đứng ra đỡ đầu. Và
chúng tôi tiếp tục vận động các dân biểu đỡ đầu các tù nhân lương tâm ở Việt
Nam. Việt Nam xem như là đứng đầu sổ số lượng tù nhân lương tâm trong số các
quốc gia được các dân biểu đứng ra đỡ đầu. Đấy là một thành quả bước đầu rất
đáng lạc quan.
Điều thứ hai là, chúng tôi cũng
kêu gọi đồng hương ở khắp nơi trên thế giới kết nghĩa mỗi người với một tù nhân
lương tâm, để rồi theo dõi tình trạng của họ và báo động cho chúng tôi được
biết, bất kỳ khi nào tù nhân lương tâm có nguy cơ bị đàn áp, bị bách hại, bị
ngược đãi hoặc bị tra tấn trong tù, trong thời gian chúng tôi tiếp tục vận động
để đòi trả tự do vô điều kiện cho họ. Bên cạnh đó là yểm trợ cho họ về tinh
thần và vật thể cho thân nhân gia đình của các tù nhân lương tâm để họ tiếp tục
thăm nuôi và tiếp tục tranh đấu đòi quyền tự do cho thân nhân.
Mục đích của chúng tôi là chứng
tỏ cho chính quyền Việt Nam rằng giam giữ tù nhân lương tâm càng lâu thì càng
bất lợi. Bởi vì chính quyền Việt Nam khi bắt những người tranh đấu có hai mục
đích rõ ràng, rất cụ thể. Thứ nhất là bịt miệng không cho ảnh hưởng của các nhà
tranh đấu lan rộng trong nước và thứ hai là cắt giảm dần đi hàng ngũ những
người tranh đấu. Bởi vì một số người phải bị đi tù và nếu không ai dám tham gia
nhập cuộc nữa thì hàng ngũ tranh đấu sẽ teo dần đi. Thì chúng tôi muốn chứng
minh rằng, chủ trương này hoàn toàn phản tác dụng.
Với việc mỗi tù nhân lương tâm
được sự đỡ đầu của dân biểu Hoa Kỳ, trong trường hợp thân mẫu, mẹ ruột của tù
nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh đã được mời đến tận Hoa Kỳ để điều trần tại
Quốc hội, và như vậy, tiếng nói và ảnh hưởng của mỗi tù nhân lương tâm lại càng
lan rộng hơn, không những ở trong nước mà cả thế giới. Thành ra đó (chủ trương
của chính quyền giam giữ các nhà tranh đấu cho nhân quyền) là điều phản tác
dụng.
Điều thứ hai là cứ một nhà
tranh đấu trở thành tù nhân lương tâm, thì lại có 5 người, 7 người, 10 người là
thân nhân của người tù nhân lương tâm sẽ trở thành những nhà tranh đấu. Có thể
họ chỉ tranh đấu cho quyền tự do của thân nhân của mình ở trong tù thôi, nhưng
qua việc tranh đấu họ cũng nêu bật lên được những lý tưởng, mục tiêu tranh đấu
của người đang ở trong tù. Như vậy, cứ bắt một người lại triển nở ra thêm nhiều
người khác. Thành ra kế hoạch, mục đích của Nhà nước Việt Nam khi bắt người đi
tù hoàn toàn phản tác dụng.
Không những vậy, nó còn có nguy
hại đến triển vọng tăng trưởng quan hệ với Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ tự do
khác. Như là cuộc thương thảo về hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện nay
giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang bị khựng lại, vì quyền lao động là một trọng tâm
rất lớn của Hoa Kỳ, trong lúc Việt Nam đang bắt giữ những người tranh đấu cho
quyền của người lao động như cô Đỗ Thị Minh Hạnh, anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng,
anh Đoàn Huy Chương... Điều này khiến cho rất khó để Hoa Kỳ chấp nhận và phê
chuẩn hiệp ước hợp tác xuyên Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam muốn tham gia.
Xin Tiến sĩ cho biết các hoạt động của ông với phong trào
vì tù nhân lương tâm Việt Nam có dựa trên những kinh nghiệm từ các phong trào
đi trước ?
Một kinh nghiệm mà chúng tôi
học hỏi được nơi những phong trào thành công trước đây là một nguyên tắc mà
chúng tôi nghĩ rằng phổ quát cho mọi cuộc tranh đấu mang tính chất nhân quyền
và dân chủ. Đó là cần phải huy động được sự yểm trợ của quốc tế nhằm hỗ trợ và
bảo vệ hoạt động trong nước. Mà muốn thực hiện được điều đó, cần phải đưa ra
một chính sách, một kế hoạch đủ rộng lớn để huy động được số đông, nhưng đồng
thời lại mang tính cách cụ thể giữa con người với con người, để mỗi người yểm
trợ hoặc tiếp tay đều cảm thấy gắn bó với lý tưởng.
Trong vấn đề vận động cho tù
nhân lương tâm, chúng tôi vận động cho tất cả, liên quan đến mọi lĩnh vực tranh
đấu về nhân quyền. Điều này đủ rộng để huy động được mọi thành phần quan tâm.
Có người quan tâm đến quyền lao động, thì muốn can thiệp cho những nhà tranh
đấu vì quyền lao động hiện đang bị trong tù. Có người quan tâm đến dân oan, thì
sẽ kết nghĩa với những người tranh đấu cho dân oan mà bị đi tù…
Mỗi người khi tham gia đều cảm
thấy gắn bó liền lạc với người tù nhân lương tâm mà mình đứng ra kết nghĩa qua
thân nhân của họ, sẽ nắm được tất cả những lý tưởng, nguyện vọng, những hoàn
cảnh của người tranh đấu hiện đang ở trong tù. Như vậy, việc này hội đủ hai yếu
tố, vừa đủ bao quát, đủ rộng, lại vừa gắn bó cụ thể, liền lạc nghĩa tình giữa
người ở hải ngoại với người ở trong nước. Đó là những bài học chúng tôi rút ra
qua những công thức thành công ở những quốc gia khác.
Thưa Tiến sĩ, sự gắn bó đó có phải là qua những thân nhân
của các tù nhân lương tâm ?
Mỗi dân biểu sẽ đỡ đầu cho một
tù nhân lương tâm và sẽ liên lạc thường xuyên với gia đình người đó, thường
xuyên lên tiếng qua rất nhiều phương tiện khác nhau. Thứ hai, mỗi đồng hương ở
hải ngoại, khi kết nghĩa với tù nhân lương tâm, sẽ làm việc chặt chẽ hàng tuần
với thân nhân của người đang ở tù, để uỷ lạo, để yểm trợ tinh thần, yểm trợ vật
thể, cũng như để thu lượm tất cả những thông tin về tù nhân lương tâm và báo
động về chỗ chúng tôi là nơi phối hợp. Và chúng tôi sẽ có các biện pháp can
thiệp cấp thời, nếu như xẩy ra bất kỳ một nguy cơ nào ảnh hưởng đến tù nhân
lương tâm.
Trước mắt, phong trào vì tù nhân lương tâm ở Việt Nam sẽ
có những hoạt động nào là chính ?
Cuối tháng 3 tới đây, sẽ có
ngày vận động thường niên cho Việt Nam. Hàng năm, vào ngày này, hàng trăm, hàng
ngàn người từ khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, và lần này cả từ các quốc gia khác như
Canada, Đức… sẽ đổ về Hoa Thịnh Đốn để cùng đi vận động. Một trong những mục
tiêu của cuộc vận động lần này là mỗi phái đoàn sẽ cầm một hồ sơ tù nhân lương
tâm để đi gõ cửa vận động thật đông đảo các dân biểu và thượng nghị sĩ đỡ đầu
mỗi người một tù nhân lương tâm. Qua cuộc vận động này, chúng tôi tin tưởng
rằng sẽ có nhiều vị đồng ý đỡ đầu ngay hoặc ít ra họ cũng hiểu được hoàn cảnh ở
Việt Nam có cả trăm tù nhân lương tâm và có thể nhiều hơn nữa.
Tiến sĩ nhìn nhận như thế nào về thái độ của chính quyền
Việt Nam đối với vấn đề tù nhân lương tâm và giới tranh đấu vì lương tâm, tức
là cho dân chủ, nhân quyền ?
Chúng tôi tin rằng chính quyền
Việt Nam đã nghe một cách rất rõ rệt thông điệp từ phía chính phủ Hoa Kỳ. Đặc
biệt trong chuyến đến Hoa Thịnh Đốn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chính
những giới chức cao cấp nhất trong hành pháp Hoa Kỳ, cũng như những thành viên
của Quốc hội Hoa Kỳ đã nói thẳng thừng với ông Trương Tấn Sang rằng Hoa Kỳ muốn
thấy các tù nhân lương tâm được trả tự do.
Hoa Kỳ cũng có một danh sách,
ngắn thôi, không phải là đầy đủ, gồm những tù nhân lương tâm tiêu biểu, mà đi
đâu trong bất kỳ buổi họp nào họ cũng đều nhắc đến. Đặc biệt là trong các cuộc
thương thảo về mậu dịch, từ trước đến nay Hoa Kỳ chỉ lo khía cạnh thuần tuý về
mậu dịch thôi, nhưng từ cuối năm ngoái, chính văn phòng đại diện mậu dịch của
Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu nêu những trường hợp tù nhân lương tâm.
Điều này cho thấy chính sách
của Hoa Kỳ trong thời gian gần đây đã có một sự nhất quán với nhau về mọi phía,
từ bên bộ Ngoại giao, từ văn phòng đại diện Mậu dịch, từ bên Quốc hội Hoa Kỳ,
để đặt vấn đề tù nhân lương tâm với Việt Nam. Và như vậy tôi tin rằng Việt Nam
sẽ phải suy đi, tính lại về hai việc.
Thứ nhất là có tiếp tục giữ
những tù nhân hiện nay đang trong nhà tù hay không ? Nếu như vậy sẽ tiếp tục bị
phản tác dụng và bị bất lợi trong việc phát triển quan hệ với Hoa Kỳ và thế
giới tự do. Và thứ hai là, trước khi họ bắt thêm một người tù nữa để có thêm
một tù nhân lương tâm, thì họ phải suy đi tính lại lẽ thiệt hơn. Và khi họ thấy
lợi bất cập hại, thì tôi tin rằng họ sẽ phải trùng tay và suy tính kỹ lưỡng.
Chứ không thể nào bắt hàng loạt những người tranh đấu như trước đây. Đó là hai
điều mà tôi tin rằng phía Việt Nam đã hiểu được và sẽ tiếp tục được nhắc nhở
bởi chính phủ Hoa Kỳ, như là tại cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát tại Genève vừa
rồi và trong nhiều cơ hội khác nữa, từ giờ cho đến cuối năm nay.
Xin được cảm ơn Tiến sĩ về cuộc phỏng vấn hôm nay, trước
khi chia tay với thính giả, ông có chia sẻ điều gì thêm ?
Nhân cơ hội này, tôi muốn kêu
gọi người Việt ở khắp nơi, không riêng ở Hoa Kỳ tham gia vào chiến dịch đòi tự
do cho tất cả các tù nhân lương tâm Việt Nam. Mỗi người có thể góp một bàn tay
bằng cách nhận kết nghĩa với một tù nhân lương tâm (Quý vị có thể tham khảo bài
viết về 5 lĩnh vực tù nhân lương tâm cần trợ giúp). Xin liên
lạc với chúng tôi, bởi chúng tôi có danh sách các tù nhân lương tâm để chúng
tôi có thể phân bổ, để không bị trùng lên nhau, và để mọi tù nhân lương tâm đều
được sự quan tâm đồng đều của các đồng hương ở hải ngoại. Chúng tôi trân trọng
cảm ơn.
Một lần nữa chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng
đã dành thời gian cho cuộc nói chuyện với RFI về đề tài Quỹ Tù nhân Lương tâm
với cuộc đấu tranh vì nhân quyền dân chủ cho Việt Nam.
Xin cảm ơn và xin gửi lời chào
đến tất cả quý thính giả thân mến.
Quý vị quan tâm hơn về đề tài này có thể truy cập địa chỉ
trang nhà của BPSOS : http://machsong.org/
Danh sách các Tù nhân lương tâm nhận được sự yểm trợ của Dân
biểu Hoa Kỳ
(tính
đến ngày 12/02/2014)
Cho đến nay đã có bảy Tù nhân lương tâm Việt Nam
được Dân Biểu (DB) Mỹ « đỡ đầu » hay yểm trợ trực tiếp :
Tiến
sĩ Cù Huy Hà Vũ bởi DB David Price,
Linh
mục Nguyễn Văn Lý bởi DB Christopher Smith,
Bà
Tạ Phong Tần bởi nữ Dân Biểu Sheila Jackson Lee,
Ông
Nguyễn Tiến Trung bởi DB Alen Lowenthal,
Cô
Đỗ Thị Minh Hạnh bởi DB Chris Van Hollen.
Nữ Dân Biểu Zoe Lofgren vừa chính thức nhận yểm trợ
hai người, Ông Nguyễn Văn Lía, một tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo và Ông
Trần Huỳnh Duy Thức.
----------------------------------------
Các tin bài liên quan
Việt Nam : Các nhà hoạt động xã hội đi thăm cựu tù nhân lương
tâm bị câu lưu (Diễn đàn Xã hội Dân sự và "Hội bầu bí tương thân"
thăm ông Phạm Văn Trội)
No comments:
Post a Comment