Tuesday 11 February 2014

SYRIA : NHỮNG CÂU HỎI KHÔNG DÁM ĐẶT RA NỮA (Trần Thế Nguyên - Thông Luận)




Trần Thế Nguyên
Được đăng ngày Chủ nhật, 09 Tháng 2 2014 15:53

Những câu hỏi dưới đây về Syria là cố gắng giải thích một lần mâu thuẫn đang xảy ra ở Syria để rồi không cần phải đặt ra những câu hỏi tương tự như vậy nữa.
Syria là một nước độc đảng và là đảng cầm quyền, đảng Ba'ath. Những ai phê bình hay chống đối đảng đều bị đàn áp thẳng tay. Đảng Ba'ath là đảng thế tục có nghĩa là không liên đới với bất kì tôn giáo nào. Nhưng kể từ khi ông Hafez al-Assad, bố của tổng thống hiện nay, đảo chính năm 1970 thì đảng do Alawites, một giáo phái của Hồi giáo Shia (shiism), thống trị. Những người phê phán chính quyền Ba'ath như Nhóm anh em Hồi giáo Sunni (sunnism) vào năm 1982, đều bị đàn áp thẳng tay để bịt miệng. Đó là tóm lược cần biết về Syria như vào cuối năm 2010.
Sau đó là mùa xuân Ả rập, khởi đầu từ hành động của một cá nhân. Ở Tunisia một người buôn bán ở đường phố tự thiêu do bất mãn vì tình trạng vô vọng của mình. Việc tự thiêu này trở thành khởi điểm cho một phong trào chống đối trên toàn nước, và trên một khu vực rộng lớn trong vùng. Khắp nơi đều hướng tới mục đích loại trừ người lãnh đạo độc tài vì bị coi là thủ phạm của mọi tồi tệ trong xã hội như nghèo đói, thất nghiệp, tham nhũng, đàn áp. Sau Tunisia là Ai cập, rồi Yemen, Lybia và từ giữa tháng 3/2011 là Syria.
Ở Syria thì hậu quả bi thảm nhất. Ở Tunisia và Ai cập những nhà độc tài chỉ sau vài tuần lễ là bị truất phế nhưng ở Syria thì cuộc chống đối hoà bình bị quân đội nhà nước đàn áp thẳng tay bằng bạo lực ngay từ đầu. Tổng thống Bashar al-Assad hoàn toàn không có ý định từ chức. Quân đội ông bắn thẳng tay vào các người dân dám biểu tình. Nhiều tháng qua ngày nào cũng có người chết.
Dần dần cuộc rối loạn thay đổi bản chất: những cuộc biểu tình ôn hoà trở thành những trận chiến đấu giữa các nhóm ủng hộ và chống Assad, mà cả hai phía đều cùng dùng vũ lực. Cuộc chiến đấu càng kéo dài thì càng trở thành cuộc chiến đấu giữa các giáo phái trong một nước mà mối liên hệ giữa các giáo phái không được bình thường: những người nổi loạn Hồi giáo sunni chống đối chính quyền được những người Hồi giáo shia ủng hộ. Những người nổi loạn lại chia ra thành nhiều nhóm tranh đấu từ ôn hoà tới Hồi giáo cực đoan. Cho tới nay tình trạng vẫn như vậy.
Những nước đồng minh quan trọng của Assad:
- Iran: một nước đồng minh của Syria. Mối liên hệ chặt chẽ giữa hai nước một phần là do có cùng chung kẻ thù là Saddam Hussein, tổng thống Irak, từ năm 1979 đến 2003. Iran cung cấp vũ khí cho quân đội của Assad.
- Nga: vì Syria là đồng minh của Nga từ thời chiến tranh lạnh. Nga cũng cung cấp vũ khí cho quân đội Syria.
- Hezbollah: một lực lượng Hồi giáo Shia ở Lebanon gửi chiến đấu quân cùng chiến đấu giúp quân đội Syria.
Đối lập thực sự không phải là một khối thống nhất. Có nhiều nhóm chiến đấu ở Syria chống Assad và một tổ chức đối lập chính trị hoạt động từ Istambul Thổ nhĩ kì với cái tên Liên Minh Quốc Gia Syria (SNC). Sự yểm trợ quan trọng cho đối lập đến từ:
- Phương Tây và đặc biệt là Hoa kì, Anh và Pháp. Các nước này coi Liên Minh Quốc Gia Syria (SNC) là đại diện chính thức của dân Syria. Nhưng họ phải làm gì với khối đối lập chiến đấu là một vấn đề khá phức tạp: nếu họ cung cấp vũ khí thì hầu như chắc chắn sẽ rơi vào tay các nhóm quá khích và khủng bố.
- Thổ nhĩ kì: là nước láng giềng, thời kì trước chiến tranh còn có quan hệ tốt với Syria. Hiện nay Thổ nhĩ kì muốn loại bỏ Assad. Thổ nhĩ kì cung cấp chỗ tạm trú cho những quân nhân Syria đào ngũ và như đã nói trên là cứ địa của tổ chức đối lập chính trị, Liên Minh Quốc Gia Syria.
- Qatar: nước có đa số là Hồi giáo Sunni. Qatar yểm trợ các nhóm nổi loạn bằng tiền và vũ khí nhất là trong hai năm đầu của cuộc chiến.
- Ả rập Saudi: cũng là Hồi giáo Sunni. Vào mùa hè 2013, cơ quan thông tấn Reuters cho biết nước này là nước cung cấp phần lớn tiền và vũ khí cho khối đối lập chiến đấu.
Trong khi đó thì thế giới không thể can thiệp vì các cường quốc lớn với phương Tây một phía và Nga với Trung quốc một phía bất hoà về biện pháp giải quyết và bởi vì thực sự không nghĩ ra được một giải pháp nào không gây ra những vấn đề mới.

Syria là gì?
Syria là một nước ở Trung đông với dân số 21,8 triệu (theo thống kê Liên Hiệp Quốc tháng 7/2013). Bắc giáp Thổ nhĩ kì. Đông giáp Irak. Nam giáp Jordan. Tây giáp biển Địa Trung hải, Lebanon và Do thái. Diện tích 185.000 km2 vào khoảng 4 phần 7 diện tích Việt nam. Trung bình 117 người một cây số vuông.
Điều quan trọng để hiểu tình hình Syria, là biết được hầu như mọi sự việc đều xảy ra ở một giải đất có 7 thành phố phía Tây của đất nước. Từ Bắc xuống Nam là Aleppo, Latakia, Tartus, Hama, Homs, Damacus và Daraa. Đó là 5 thành phố lớn và hải cảng Nga có căn cứ hải quân (Tartus) và thành phố ở tận cùng phía nam (Daraa).
Biên giới của Syria như ngày nay được quy định vào năm 1920 sau khi Anh và Pháp trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất chiếm được vùng này từ tay đế quốc Ottoman là đế quốc đã cai trị vùng này 400 năm. Biên giới này do các cường quốc vẽ ra vì vậy có nhiều nhóm tôn giáo và sắc dân khác nhau bỗng nhiên trở thành đồng hương dù họ chẳng có điểm nào chung. Pháp ở Syria đến năm 1946 và sau đó nước này dù vẫn còn nhiều khác biệt như xưa trở thành độc lập.
Những khác biệt giữa các nhóm dân chúng giữ một vai trò quan trọng trong cuộc nội chiến hôm nay.Theo như báo cáo năm 2006 thì 74% là Hồi giáo Sunni, 13% là Hồi giáo Shia với nhóm Alawites là nhóm quan trọng, 10% Thiên chúa giáo và 3% druze.
Những người Thiên Chúa giáo sống phần lớn ở hai thành phố lớn Aleppo và Damascus. Những người Hồi giáo Shia và cả nhóm Alawites đa số sống ở thành phố Latakia ở bờ biển phía Tây. Những người Hồi giáo Sunni sống rải rác ở khắp nước.
Đặc biệt là mối liên hệ giữa Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shia rất quan trọng. Sự khác biệt và hận thù nhau giữa hai nhóm này làm rách nát thế giới Hồi giáo cho đến ngày hôm nay và cũng giữ một vai trò quan trọng trong cuộc nội chiến ở Syria.

Sự khác biệt giữa Hồi giáo Shia và Hồi giáo Sunni như thế nào?
Trước hết cả hai phái đều là Hồi giáo nhưng bao lâu Hồi giáo còn tồn tại thì còn có khác biệt. Muhammad, vị thánh được các người Hồi giáo coi là tiên tri và là người mang thông điệp của Allah (Chúa), mất năm 632. Nhưng ai sẽ là người kế vị Muhammad? Tiên tri đã không nói rõ ràng.  Phái Hồi giáo Sunni nói: tín đồ thích hợp nhất của Ngài. Phái Hồi giáo Shia nói những người thừa kế Ngài. Và vì vậy đã có sự khác biệt trong cách mà Hồi giáo được giải thích.
- Những người Hồi giáo phái Sunni tin rằng những lời của Mahammad là hướng dẫn cho đời sống và chỉ có một cách hiểu. Giải thích lại kinh Koran là không có thể và các vị lãnh đạo Hồi giáo (imam) chỉ là người chủ toạ buổi lễ cầu nguyện. Khoảng 90% Hồi giáo thuộc phái Sunni.
- Những người Hồi giáo phái Shia cho rằng một học giả Hồi giáo được phép giải thích luật Sharia, luật Hồi giáo. Người lãnh đạo Hồi giáo là người quan trọng. Mỗi người Hồi giáo Shia phải chọn một vị lãnh đạo còn sống để giải thích kinh koran cho họ theo. Khoảng 10% Hồi giáo là Hồi giáo Shia.

Assad là ai?
Bashar al-Assad là tổng thống của Syria, 49 tuổi. Ông sinh tháng 9 năm 1965, là con trai thứ hai của Hafez al-Assad, là tổng thống trước đây. Bashar đã không quan tâm đến chính trị nhưng điều đó không quan trọng vì anh trai ông là người đã được bố ông chọn để kế thừa. Bởi vậy Bashar đã theo học Y khoa và sau đó làm bác sĩ cho một nhà thương quân đội trong một số năm. Vào năm 1992 ông sang Anh để theo học chuyên môn: ông muốn trở thành bác sĩ nhãn khoa. Tương lai mà ông chọn bỗng chốc phải thay đổi vì Bassal người anh lớn bị chết vì tai nạn xe hơi năm 1994. Và bấy giờ đột nhiên ông trở thành người con lớn của tổng thống Syria. Ông trở về nước để chuẩn bị cho chức vụ sẽ đảm nhiệm. Năm 2000 Hafez mất và Bashar trở thành tổng thống.
Có lẽ đây không phải là câu trả lời bạn muốn biết. Vì thực sự bạn muốn biết người chịu trách nhiệm về việc bao nhiêu người dân chết là ai và tại sao ông lại làm như vậy?
Trong câu hỏi trước chúng tôi đã cho thấy Hồi giáo Sunni chiếm đại đa số dân chúng Syria. Ba phần tư người Syria là Hồi giáo Sunni. Họ quy định tính cách tôn giáo, sống khắp nơi trên toàn nước và thuộc mọi tầng lớp xã hội. Thế mà có một gia đình thuộc Alawites/Hồi giáo Shia cầm quyền. Đó là Hafez, bố của Bashar, nắm quyền năm 1971 và tuyên bố Syria là một nước độc tài quân sự dưới sự lãnh đạo của đảng thế tục Ba'ath. Ông tự phong cho mình là tổng thống trọn đời. Mọi người chỉ có việc nghe theo. Ai không nghe, Hafez dùng vũ lực thẳng tay. Năm 1982, ở Hama, một cuộc nổi loạn vũ trang của Nhóm anh em Hồi giáo Sunni, đã bị Hafez dùng đại bác và xe ủi đàn áp. Không ai biết là đã có bao nhiêu người chết, nhưng theo các tổ chức nhân quyền thì khoảng từ 10 tới 30 ngàn người.
Bashar đã thừa kế quốc gia ấy khi bố ông chết năm 2000. Ông có nhiệm vụ giữ quyền lực với bất cứ giá nào.
Không có gì xảy ra trong một thời gian dài. Tới đầu năm 2011 Syria gặp nhiều vấn đề mà ở các quốc gia Ả rập khác cũng gặp: một khối lượng dân chúng rất trẻ, một lực lượng thất nghiệp cao, tham nhũng và một chính quyền độc tài. So với Ai cập và Tunisia thì Syria còn cứng rắn hơn: thành lập các nhóm đối lập là việc không thể và cơ quan mật vụ theo dõi sát gót mọi hình thức chống đối để khi cần thì đập tan ngay. Tất cả đều chỉ để bạo vệ quyền lực. Và bây giờ Assad vẫn còn tiếp tục như vậy.

Bất ổn đã khởi đầu như thế nào?
Có lẽ vào đầu năm 2011 chúng ta đã được nghe nói nhiều về Mùa xuân Ả rập. Mùa xuân Ả rập muốn nói đến người dân ở nhiều nước Trung Đông đặc biệt là Tunesia, Ai cập và Lybia xuống đường biểu tình. Họ làm vậy để phản đối việc giới trẻ bị thất nghiệp cao, giá thực phẩm đắt, tham nhũng, vi phạm nhân quyền và sự đàn áp của chính quyền độc tài. Truyền thông báo chí bắt đầu gọi cuộc chống đối này là Mùa Xuân Ả rập vì dân chúng đã làm điều mà trước đây không ai dám nghĩ tới: một số đông tự đứng lên chống nhà độc tài của họ. Mà hơn thế nữa: nó lại có kết quả
Nó bắt đầu tháng 12 năm 2010 ở Tunisia, tiếp theo là Ai cập (giữa tháng 2/2011) và Lybia (cũng giữa tháng 2/2011). Syria bắt đầu trễ hơn vì chống đối ở đó nguy hiểm hơn ở các nước vừa nói. Không ai quên việc Hafez al-Assad, bố của Bashar, đã làm năm 1982 ở Hama (xem câu hỏi trên). Trên Facebook vào tháng hai năm 2011 có kêu gọi hai ''ngày phẫn nộ'' ở Syia nhưng vì sợ các nhân viên an ninh của Assad đàn áp thẳng tay nên không ai hưởng ứng.
Tháng ba năm 2011 có xảy ra một sự kiện khiến việc chống đối khởi động. Ở thành phố Daraa nằm ở phía cực nam Syria, có một nhóm 15 đứa con trai, từ 10 tới 15 tuổi, ban đêm đi khắp thành phố viết các khẩu hiệu trên tường của các cao ốc. Trong khi ấy tổng thống Tunesia và Ai cập đã bị truất phế sau những cuộc chống đối của dân chúng nước các ông. Các đứa trẻ viết:''Bây giờ đến lượt ông, bác sĩ'', ám chỉ Assad, người đã theo học y khoa trước khi trở thành tổng thống.
Các đứa trẻ bị bắt ngay ngày hôm sau. Vài ngày sau chúng được thả nhưng hiển nhiên là chúng bị đánh đập dã man trong thời gian bị giam giữ.
Đó lò ngọn lửa bùng lên từ trong chảo. Ngày 18 tháng 3/2011, một ngày sau khi các em bị bắt giữ, hàng ngàn người Hồi giáo ở Deraa, sau buổi lễ cầu nguyện ngày thứ sáu, xuống đường đòi trả tự do cho các em. Từ ngày ấy cuộc chiến ở Syria thực sự bắt đầu: nhân viên an ninh mặc thường phục sử dụng đại bác bắn nước, khói cay và cả vũ khí, chống lại cuộc biểu tình. Có 4 người bị thiệt mạng.
Việc có những người bị toán an ninh của Assad giết chết đã không ngăn cản được dân chúng lại đi biểu tình. Hơn thế nữa nó đã không dừng lại. Cuộc chống đối lan qua các thành phố khác ở phía nam của đất nước và cả một số vùng ngoại ô của thủ đô Damascus. Đó là những người đàn ông, đàn bà và trẻ em bình thường xuống đường. Ngày nào cũng biểu tình. Phần lớn họ mang nhành ô liu, một biểu tượng của hoà bình. Họ muốn nói lên là: chúng tôi chống đối chính quyền của chúng tôi bằng việc biểu tình ôn hoà.

Biểu tình ôn hoà đã trở thành chiến tranh như thế nào?
Càng ngày càng có nhiều người ở các thành phố khác biểu tình. Khối dân chúng biểu tình ở Deraa được hỗ trợ bằng những cuộc biểu tình tiếp theo ở hai thành phố khá lớn ở miền trung đất nước. Đó là Hama đã bị dàn áp dã man năm 1982 và Homs.
Quân đội nhà nước muốn dập tắt sự chống đối từ trong trứng nước, đã phản ứng bằng những biện pháp cứng rắn. Sự việc xảy ra như thế nào thường không rõ ràng, bởi vì các kí giả nước ngoài không được phép đến và các hình ảnh chính xác hoặc những nhân chứng độc lập cũng không có. Nhưng hàng ngày người ta nhận được những tin tức về các người mới chết ở các cuộc biểu tình từ các nhóm đối lập và các tổ chức nhân quyền.
Khắp nước người dân xuống đường như vậy trong nhiều tháng và đã phải chấm dứt vì Assad, giống như bố, đáp trả mọi hình thức chống đối bằng bạo lực hung bạo.
Do vậy tính chất của cuộc chống đối thay đổi là điều hiển nhiên. Những người dân xuống đường chống đối ôn hoà với những cành ô liu hoặc biểu ngữ nhường chỗ cho những nhóm người trẻ tự cằm súng để có thể đánh trả. Trên truyền thông báo chí dần dần ít thấy nói về những người biểu tình mà chỉ nói về những người nổi loạn hoặc chống đối. Ý họ muốn nói tới nhóm ngày nay đang chiến đấu chống quân đội Assad. Các cuộc biểu tình trở thành các cuộc chiến đấu súng đạn.

Những ai hiện nay chiến đấu chống Assad?
Dần dần việc chống đối trở thành cuộc xung đột vũ trang: quân đội chính phủ chống lại một kết hợp lộn xộn những người muốn loại bỏ Assad và sẵn sàng chiến đấu vì mục đích này. Những người đàn ông trẻ từ quần chúng, những binh lính bỏ ngũ và cả những nhóm nhìn cuộc nội chiến như cuộc thánh chiến Hồi giáo: một cuộc chiến đấu nhân danh Hồi giáo chống lại những kẻ vô đạo, xuất phát từ lí tưởng thế giới phải là một cộng đồng Hồi giáo lớn và phải tuân theo luật Hồi giáo, Sharia. Vì vậy có những nhóm thánh chiến Hồi giáo bên ngoài Syria cũng tham gia vào cuộc chiến chống Assad (đảng Ba'ath của ông không gắn bó với niềm tin tôn giáo và tuân theo luật Sharia) và cả những thanh niên theo khuynh hướng thánh chiến Hồi giáo ở các nước khác cũng tới Syria để tham dự cuộc chiến. Những động cơ chiến đấu rất khác biệt và vì vậy cuộc chiến trở thành khó hiểu hơn.
Vào mùa thu năm 2011, hình như mọi người muốn hạ bệ Assad và muốn cái tốt nhất cho Syria còn quy tụ vào lực lượng gọi là Quân đội Syria tự do (FSA), được thành lập do một vị đại tá bỏ ngũ. Quân đội Syria tự do có khoảng 50.000 lính chiến đấu theo đánh giá vào tháng 5/2013 có mục đích giải phóng Syria khỏi ách thống trị của chính quyền tàn bạo Assad. Nó chiến đấu nhân danh những người biều tình từ tháng 3 năm 2011.
Nhưng bây giờ thì không phải như vậy nữa.
Đã có nhiều thay đổi trong hai năm vừa qua. Những chiến đấu quân của Quân đội Syria tự do đã bị đại pháo mà Assad cho sử dụng, giết chết hoặc bị nhóm Hồi giáo quá khích thủ tiêu khiến càng ngày càng có nhiều nhóm quá khích. Phương Tây không thể cung cấp vũ khí cho Quân đội Syria tự do vì các vũ khí ấy có thể sẽ lọt vào tay các nhóm quá khích mà không thu hồi lại được.
Vì vậy càng ngày càng có nhiều nhóm có quan niệm thánh chiến và Hồi giáo nghiêm ngặt chiến đấu chống Assad. Liên minh nổi loạn lớn nhất là Mặt trận Hồi giáo, theo ước đoán có khoảng 45.000 chiến đấu quân, gồm 7 nhóm nổi loạn kết hợp. Hai nhóm liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Quada chiến đấu riêng. Đó là nhóm Al Nusra theo ước tính vào tháng 5/2013 có khoảng 6.000 chiến đấu quân và nhóm ISIS (quốc gia Hồi giáo ở Irak và Syria) theo ước tính có khoảng 10.000 chiến đấu quân ở Syria và Irak.
Nhưng thành phần của các nhóm và liên minh thay đổi liên tục. Những tuyên bố về số lượng chiến đấu quân của từng nhóm không hoặc khó kiểm chứng. Những nhóm tự giải thể, hoạt động lại với tên khác hoặc gia nhập vào một liên minh. Những việc như vậy không được cập nhật. Vì vậy điểm mấu chốt quan trọng là cuộc chiến ở Syria bây giờ là cuộc chiến giữa quân đội chính quyền và Hezbollah Lebanon (cả hai đều thuộc Hồi giáo Shia) một phía với hàng ngàn nhóm nổi loạn khác nhau (phần lớn là Hồi giáo Sunni) ở phía khác. Tổng số có khoảng 100.000 người tham gia chiến đấu chống Assad. Theo báo cáo vào tháng 9/2013 có khoảng một nửa những người nổi loạn có động cơ thánh chiến và Hồi giáo nghiêm ngặt.
Đang khi đó những nhóm nổi loạn ôn hoà và cứng rắn lại cón đánh lẫn nhau. Tháng 1/2014, ISIS tuyên bố chiến tranh với tất cả các nhóm không có cùng mục đích. Vì vậy ở Aleppo đã có đánh nhau giữa ISIS và Mặt trận Hồi giáo.
Tóm lại cuộc chiến đấu cực đoan càng ngày càng do động cơ tôn giáo thay vì sự bất mãn dân sự về tình trạng thất nghiệp và bị đàn áp.

Ai thắng?

Thành phố Aleppo, Syria ngày 3/10/2012

Không có ai thắng. Hoàn toàn không có ai thắng. Cuộc nội chiến đã xé nát toàn bộ đất nước. Khắp nơi, đường phố bị phá huỷ không còn nhận ra. Vào tháng 7/2013 Liên Hiệp Quốc cho biết cuộc nội chiến đã làm thiệt mạng 100.000 người và vào lúc này vì thiếu nguồn cung cấp đầy đủ số liệu nên Liên Hiệp Quốc ngừng cung cấp số lượng. Vì vậy con số có thể 150.000 hoặc 200.000 người thương vong. Theo cơ quan tị nạn quốc tế UNHCR vào lúc này có 2,3 triệu người Syria trốn ra nước ngoài tị nạn.
Đó là con số lớn. Để làm sáng tỏ: 1 triệu trong số 2,3 triệu sang Lebanon một nước chỉ có 4 triệu dân. Giả sử đánh nhau ở Trung quốc và có 25 triệu dân Trung quốc đến tị nạn ở Việt nam chỉ có dân số 100 triệu, chúng ta sẽ thấy mức to lớn của số người xin tị nạn.
Nhưng nếu ta muốn biết ai là người thắng thì theo The New York Times tháng 7/2013 những người nổi loạn chiếm 70% đất nước nhưng chỉ chiếm được 40% dân số ở các vùng có dân sinh sống. Những người nổi loạn mạnh ở phía Bắc và là nơi có nhiều thành phố nhỏ mà họ nắm được quyền. Nhưng vì vậy họ lại đánh lẫn nhau.
Không có một thành phố lớn nào nằm hoàn toàn trong tay của những người chống đối Assad. Ở Homs, Daraa, Aleppo và Deir ez-Zor (một trong số ít oi thành phố lớn nằm ở phía đông mà phần còn lại phần lớn là sa mạc) thì hai phe đang đánh nhau. Ở thủ đô Damascus, thành phố bờ biển Latakia và Hama thì quân đội chính phủ làm chủ.

Tại sao thế giới không can thiệp?
Trong câu hỏi này chúng ta phải hiểu thế giới như thế nào? Trong thực hành thế giới là Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc và đặc biệt là 5 hội viên thường trực: Hoa kì, Pháp, Anh, Trung quốc và Nga. Mỗi nước này đều có quyền phủ quyết các quyết định. Và vì Trung quốc và Nga ngay từ đầu đã chống lại việc can thiệp vào Syria nên mọi cố gắng để can thiệp với danh nghĩa cộng đồng quốc tế có nghĩa là thế giới đều bị ngăn cản.
Nhưng tại sao Trung quốc và Nga lại chống can thiệp mặc dầu đã có nhiều tin tức khủng khiếp về Syria lọt ra ngoài?
Dù trước đây họ cũng đã có những thoả hiệp nhưng bây giờ hai nước này lại nghĩ khác. Hãy nói về thoả hiệp trước đây: tháng 3/2011 Nga và Trung quốc quyết định, như là một ngoại lệ, không bỏ phiếu nghị quyết can thiệp vào Lybia của Liên hiệp quốc vì họ nghĩ là như vậy họ sẽ bảo vệ được dân chúng của nước ấy. Họ nói: tốt, chúng tôi thử một lần xem phía bên kia làm sao.
Nga và Trung quốc đã biết làm như vậy là họ đồng ý can thiệp quân sự có giới hạn vào Lybia, nhưng Hoa kì đã kéo nhiệm vụ rộng ra để họ có thể mở cuộc chiến tranh chống chính phủ Gadaffi. Ngày nay hai nước đó đã thấy rằng việc không sử dụng phủ quyết là một sai lầm. Họ sợ việc ấy mở ra một cánh cửa để thế giới xía vô những công việc nội bộ: Nga đã đàn áp mạnh các người chống đối ở Chechnya và Trung quốc cũng như vậy ở Tibet. Nếu cho phép can thiệp ở Syria thì rồi họ sẽ là những người tiếp theo?
Vì việc sát nhập Tibet, nên trong đầu, Trung quốc luôn chống lại việc xâm phạm chủ quyền của các nước khác. Họ cảm thấy rằng mọi người phải tự lo những công việc riêng của mình. Đã từ lâu nó là như vậy và không ai còn thắc mắc nữa. Và điều đó làm Trung quốc trông như có vẻ tử tế: nhưng thực ra Trung quốc cũng cản đường như Nga nhưng Nga lãnh tất cả mọi chỉ trích.
Sự từ chối của Nga còn đặc biệt hơn. Thứ nhất là căn cứ hải quân chiến lược quan trọng độc nhất còn lại của Nga trong vùng nằm ở hải cảng Tartus của Syria. Họ có được căn cứ này là nhờ Assad và họ không muốn mất nó dưới sự lãnh đạo của một chính quyền mới. Nga và Syria từ thời chiến tranh lạnh là đồng minh và trở thành khắng khít.
Tiếp theo, Nga còn cung cấp vũ khí cho Syria. Mối liên hệ giữa hai nước là một chặng đường dài. Còn nhiều giao kèo với số tiền tổng cộng 5 tỉ dollar. Quân đội Nga cũng có những giao kèo như vậy với Lybia và đã bị mất. Vì vậy việc bảo vệ những giao kèo hiện nay rất quan trọng cho túi tiền của Nga. Ngoài ra những công ti của Nga, theo con số năm 2009, đã bỏ ra 19,4 tỉ dollar cho đường xá cầu cống, năng lượng và du lịch.
Nhưng muốn giữ nối cơm của mình không phải là li do độc nhất như phương Tây vẫn thường lí giải như vậy. Cả việc lên giọng đạo đức của các lãnh đạo phương Tây cũng làm cho họ khó chịu. Muốn Assad ra đi nhưng ở Uzbekistan một chính quyền bạo lực thì lại bỏ qua: vì nước này là một con đường tiếp vận quan trọng cho quân đội NATO ở Afghanistan? Việc đàn áp cứng rắn những người biểu tình ở Bahrain khi bắt đầu Mùa Xuân Ả Rập giống như ở Syria bây giờ, nhưng vị vua ở đó không bị kêu gọi thoái vị. Có lẽ vì ở đó Hoa kì có một căn cứ hải quân?
Thêm vào đó, Nga rất lo ngại sự bất ổn định ở Trung Đông. Khối NATO rút quân khỏi Afghanistan có thể khiến Taliban lại nắm quyền? Sau Gaddafi thì Lybia sẽ như thế nào vẫn còn là câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng. Và ai sẽ nắm quyền khi Assad ra đi?
Điều đó không có nghĩa là Nga sẽ không bao giờ thay đổi lập trường. Thứ nhất vì Nga không muốn nằm ở phía thua trận. Nếu Assad đổ và có việc đổi ngôi thì Nga vẫn còn có mối giao hảo tốt với chính quyền mới.
Nhưng chúng ta cũng không thể nói một cách đơn giản là Trung quốc và Nga ngăn cản hoà bình ở Syria. Giả như Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc nhất trí quyết định phải có một hành động nào đó ở Syria. Và rồi họ phải hành động như thế nào cho phù hợp? Ở Lybia năm 2012 là nơi họ có thể can thiệp bằng không kích nhưng ở Syria các mục tiêu quan trọng lại nằm ở khu đông dân cư nên việc không kích chắc sẽ làm nhiều thường dân bị thiệt mạng. Ngoài ra quân đội của Assad mạnh hơn và kỉ luật hơn là quân đội của Gaddafi dễ bỏ chạy sang phía đối lập. Và Syria có những đồng minh quan trọng là Iran và Nga còn Lybia không có. Thiết lập một vùng cấm bay trên Syria? Có lẽ cũng chẳng có hiệu quả vì mọi diễn biến đều xảy ra trên đất liền.
Một chọn lựa khác là cung cấp vũ khí cho phe đối lập. Nhưng việc ấy lại rất nguy hiểm vì số vũ khí ấy chắc chăn sẽ lại rơi vào tay những nhóm quá khích.
Còn một lí do tại sao việc can thiệp lại nguy hiểm. Đó là từ khi Hafez, bố của Assad nắm quyền, các bạn bè của đảng Ba'ath phần lớn là Alawites thuộc thiểu số lại có nhiều quyền đang khi những người Hồi giáo Sunni nghèo là thành phần đa số của Syria không có gì. Nếu Assad đổ thì có nhiều khả thể là sẽ có một chính quyền thuộc Hồi giáo Sunni. Điều đó làm cho những tương quan trong khu vực sẽ thay đổi bi thảm. Ngoài ra theo nhà ý kiến có nhiều ảnh hưởng Mĩ gốc Ấn Fareed Zakaria, những người Hồi giáo Sunni theo ước đoán sẽ sử dụng nhiều bạo lực và giết nhiều người hơn để trả thù những gì mà người Hồi giáo Shia Alawites đã làm cho họ. Ông tiên đoán phải mất một thời gian dài đau đớn thì quân bình giáo phái mới được tái lập.
Tóm lại không có triển vọng về một giải pháp không gây ra vấn đề mới to lớn. Đang khi đó thì chính quyền Syria lại bắn dân mình bằng vũ khí hoá học.

Vũ khí hoá học là gì?
 Đây là vấn đề xảy ra vào tháng 8 và 9/2013. Có phải Syria đã sử dụng vũ khí hoá học ở vùng ngoại ô Damascus và nếu đúng như vậy thì phải trừng phạt như thế nào?
Trước hết cần giải thích rõ về vũ khí hoá học. Vũ khí hoá học là những chất được sử dụng để làm cho đối thủ bị tê liệt, bị thương tích hoặc bị chết. Thí dụ hơi phỏng (mustard gas) làm cho da bị phỏng hoặc gây ra điếc và mù, hơi ngạt (nerve agent) làm cho không thể thở được sau vài phút hít phải và hơi cay làm cho mắt bị cay trong một thời gian nhưng không gây thương tích. Để tránh bị nhầm lẫn ở đây. chỉ nói tới một loại vũ khí hoá học: sarin, hơi ngạt được sử dụng vào tháng 8/2013 ở Syria và làm cho hàng trăm người hoặc có thể hàng ngàn người bị thiệt mạng.
Khác biệt giữa vũ khí hoá học và vũ khí thông thường là vũ khí thông thường gây tổn hại do sức mạnh của chất nổ như mảnh đạn hoặc đạn được bắn từ một khẩu súng và xâm nhập vào cơ thể để làm chết hoặc bị thương. Vũ khí hoá học thì không cần chất nổ: chỉ cần tiếp xúc với hơi ngạt là trong cơ thể xảy ra những phản ứng hoá học. Chất hoá học xâm nhập qua da, mắt hoặc hơi thở vào cơ thể và làm tổn thương hệ thần kinh. Nó làm cho những chức năng duy trì sự sống như hít thở và nhịp tim không hoạt động nữa.
Với khí sarin thì chỉ cần một lượng dưới 1 miligram cũng đủ làm chết người. Thật hết sức hiệu nghiệm nhưng chỉ gây ra chết chóc và huỷ diệt. Vũ khí hoá học chỉ làm người ta hoảng sợ nhưng không làm cho cuộc chiến dễ dàng đi đến thắng lợi hơn.
Sau một phần tư thế kỉ thương thảo, vào năm 1993 Hiệp ước chống vũ khí hoá học được kí kết. Và từ năm 1997 thì hiệp ước có hiệu lực. Hiệp ước này chẳng những cấm sử dụng mà còn cấm cả sản xuất và lưu trữ vũ khí hoá học. Syria cùng với một số nước khác như Bắc Hàn và Ai cập không kí kết hiệp ước này.
Vào ngày 31 tháng 8 năm 2013 hơi ngạt sarin được sử dụng ở Syria gần Damascus. Có hàng trăm người hoặc có thể hàng ngàn người bị thiệt mạng. Đa số đều đổ lỗi cho chính quyền Assad.
Phản ứng của các nước đặc biệt là Mĩ và Pháp thật dữ dội. Các nước này đòi trừng phạt thật nặng Syria vì đã sử dụng vũ khí hoá học: thoả hiệp năm 1997 sẽ không còn giá trị nếu để Syria thoát và do đó sẽ có những nước khác sử dụng vũ khí hoá học trong các xung đột khác.  Vì vậy Mĩ muốn oanh tạc Damsacus ngay.
Vào phút chót cuộc tấn công đã không xảy ra vì Nga đã sử dụng mọi khả năng để ngăn ngừa cuộc tấn công này. Sẽ không có bỏ bom ở Damascus nếu Syria hứa huỷ bỏ ngay lập tức tất cả vũ khí hoá mà Syria đang lưu giữ. Assad đã đồng ý vì có lẽ ông không muốn bị không kích.
Vào tháng 9 năm 2013 đã thoả thuận là trước tháng 1/2014 những vũ khí hoá học giết người phải được đưa ra khỏi Syria. Việc đó không đạt được vì cuộc chiến cứ tiếp diễn khiến việc vận chuyển từ Damascus tới Latakia không thực hiện được.

Bây giờ ra sao?
Ai mong đợi Syria sáng sủa hơn sẽ bị thất vọng. Có tất cả các lí do để thất vọng. Nếu chúng ta không làm gì thì trong vòng 13 năm nữa Syria sẽ trống trơn theo như bà Carolien Roelants chuyên gia về Trung đông đã viết trên nhật báo NRC.NEXT. Mọi người hoặc bị giết chết hoặc chạy trốn.
Ở một đoạn khác bà viết: chính quyền Syria bây giờ cứ thản nhiên thả từ phi cơ xuống những thùng đầy chất nổ. Và cũng vẫn làm cho nhiều người chết nhưng không phải hơi độc vì không được phép.
Đang khi đó không có dấu hiệu là các phe chiến chịu buông vũ khí. Yêu cầu của phương Tây, đối lập chính trị và các nhóm khác nhau chống lại Assad là ông phải từ chức. Nhưng chính quyền Assad tuyên bố sẽ không nhượng bộ và gọi các nhóm chiến đấu chống Assad là khủng bố. Tổng thống Assad sẽ tham gia bầu cử như bình thường.
Phương Tây thúc giục các nhóm đối lập tham gia bầu cử. Nhưng việc ấy không  có lợi cho đối lập chính trị hoạt động từ nước ngoài và ít được các nhóm chiến đấu ở Syria tin tưởng. Các nhóm nổi loạn không muôn thương thảo và chỉ muốn chiến đấu. Tất cả các phe đều nghĩ rằng họ sẽ có thể thắng trận. Và cộng đồng quốc tế thì chia rẽ về việc phải làm gì và giả như tất cả đều muốn làm gì thì cũng chưa có một cách nào hoàn mĩ để thi hành.
Hội nghị hoà bình về Syria ở Geneva đang nhóm họp cũng chẳng hi vọng thành công. Một thoả thuận về một chính phủ chuyển tiếp là mục đích của hội nghị đã bị loại bỏ khỏi các cuộc thảo luận. Bởi vì Liên minh quốc gia Syria (SNC) do phương Tây yểm trợ cũng như Assad không chịu nhượng bộ. Thêm vào đó Liên minh này lại không có được sự tín nhiệm của các phe nhóm nổi loạn đang chiến đấu ở Syria. Các người tổ chức Hội nghi này: Mĩ, Nga và Liên hiệp quốc sẽ lấy làm mãn nguyện khi các phe tham dự không bỏ hội nghị và đồng ý tiếp tục tham dự các cuộc thảo luận. Hội nghị này mới chỉ là bắt đầu của một tiến trình dài và khó khăn có khi cả chục năm.
Nói cách khác: tất cả đều cho thấy cuộc chiến sẽ còn kéo dài có khi hàng chục năm nữa. Chính quyền sẽ không còn sử dụng vũ khí hoá học vì sợ sẽ bị Hoa kì tấn công và cũng vì kho dự trữ đã bị tiêu huỷ. Nhưng bằng những cách thức khác, Assad vẫn tiếp tục bắn phá những kẻ khủng bố muốn loại trừ ông. Thành phố bị phá hỏng, hàng trăm ngàn người bị thiệt mạng và hàng triệu người phải bỏ trốn khỏi đất nước.
Ngay cả khi mọi người sẵn sàng buông vũ khí thì cũng cần phải hàng chục năm mới làm cho đất nước sinh hoạt trở lại bình thường.

Trần Thế Nguyên
(phỏng theo nrc.next ngày 24/01/2014)




No comments:

Post a Comment

View My Stats