Friday 7 February 2014

SOCHI : CÚ CÁ CƯỢC CỦA TỔNG THỐNG VLADIMIR PUTIN (Lê Phước - RFI)




Lê Phước  -  RFI
Thứ sáu 07 Tháng Hai 2014

Nhân sự kiện Thế vận hội Sotchi khai mạc vào hôm nay, báo chí Pháp dành ưu tiên đặc biệt cho sự kiện này. Nhật báo Công giáo La Croix chạy tựa lớn trên trang nhất : « Sotchi, cú cá cược của Putin », kèm theo một bài xã luận : « Sự thách thức của Nga ». Nhật báo L’Humanité cũng chạy tựa lớn trên trang nhất : « Sotchi : trò chơi đầy rủi ro đối với Putin ». Nhật báo kinh tế Les Échos đăng hai bài : « Tham nhũng dai dẳng ở Sotchi » và « Olympic Sotchi trên nền những chỉ trích ».

Các tờ báo đều nhận định rằng, Olympic Sotchi là một « cú cá cược » của Tổng thống Vladimir Putin về uy tín của nước Nga và về uy tín của chính bản thân ông. Trong việc nước, ông Putin muốn nhân sự kiện này khẳng định sự trở lại toàn diện của nước Nga trên trường quốc tế với tư cách là một cường quốc. Về việc tư, nhân sự kiện này, ông Putin muốn cũng cố uy tín cá nhân vốn đang ngày càng bị ảnh hưởng tiêu cực cả trong nước lẫn ngoài nước.

Trong quyết tâm đạt được mục tiêu, Tổng thống Putin đã quyết định đầu tư hết cỡ cho Thế vận hội Sotchi 2014. Chi phí đầu tư cho Olympic lần này đạt kỉ lục 36 tỷ euro (50 tỷ đô la), tức qua mặt Olympic Bắc Kinh 2008 với mức 26 tỷ euro.

Tuy nhiên, các tờ báo cho biết, trong 7 năm triển khai xây dựng các công trình phục vụ Olympic tại Sotchi, nhiều vấn đề đã phát sinh gây mất lòng dân chúng địa phương. Thứ nhất, đó là vấn đề môi trường. Sotchi là khu vực nóng nhất nước Nga, nằm bên bờ Hắc Hải và cạnh dãy núi Kavkaz. Thành phố này hồi năm 2007 hoàn toàn không có cơ sở hạ tầng cơ bản cho một Thế vận hội. Vì vậy, theo các tờ báo, việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Sotchi gần như là bắt đầu từ con số không. Từ đó, có rất nhiều công trình xây dựng phá vỡ cảnh quan, làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, các tờ báo cũng nêu ra vấn nạn tham nhũng. Các công trình thường được qua nhiều khâu trung gian, và thường được giao cho các tập đoàn thân cận với điện Kremly. Từ đó, tham nhũng phát sinh. Theo Les Echos, mức tham nhũng các công trình ở Sotchi chiếm từ 20% đến 60% tổng chi phí, còn La Croix thì cho rằng con số đó là từ 30% đến 60%. Và trong bảy năm xây dựng, chi phí đã đội lên gấp 5 lần so với dự toán ban đầu.

Chưa hết, nguy cơ an ninh cũng là vấn đề làm ông Putin đau đầu. Có nhiều lo ngại sẽ xảy ra tấn công tự sát như vụ đã xảy ra ở Volgograd hồi tháng 12/2013 làm 34 người thiệt mạng. Vì thế, an ninh tại Olympic Sotchi được các nhà chức trách Nga triển khai như đang trong tình trạng khẩn cấp, với khoảng 40.000 nhân viên an ninh tại Sotchi.

Bên cạnh đó còn có những chỉ trích về nhân quyền tại Nga. Uy tín Tổng thống Putin bị giảm sút trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang phát triển chậm lại. Việc cắt giảm ngân sách và hiện tượng giá cả leo thang được cho là sẽ làm uy tín Tổng thống Putin thêm bị ảnh hưởng.

Tóm lại, có nhiều vấn đề tồn tại khiến cho cú cá cược của Tổng thống Putin có nguy cơ rơi vào cảnh : « Được ăn cả, ngã về không ».

Thưởng huy chương vàng : Kẻ cười người khóc
Cũng liên quan đến Olympic Sotchi, nhật báo Le Figaro đăng bài đáng chú ý, bàn về tiền thưởng của các đội tham dự.
Tờ báo cho biết, tiền thưởng cho một chiếc huy chương vàng của Kazakhstan là cao nhất với mức 250.000 đô la. « Giá » mỗi chiếc huy chương vàng của các vận động viên Trung Quốc là 82.500 đô la. Tiền thưởng của Mỹ èo ọt hơn, chỉ có 25 000 đô la cho một huy chương vàng, 15.000 đô la cho một huy chương bạc, và 10.000 đô la cho một huy chương đồng. Tiền thưởng huy chương vàng của Pháp là 67.000 đô la.
Các vận động viên của Anh thì hoàn toàn không có tiền thưởng khi chiến thắng, mà chỉ có phần thưởng duy nhất đó là « lòng tự hào » được đại diện quốc gia mình tham gia Olympic.

Trò chơi nguy hiểm trên Thái Bình Dương
Nhìn về khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nhật báo Le Monde đăng bài thời luận với dòng tựa gây chú ý : « Trò chơi nguy hiểm trên Thái Bình Dương ».
Bài viết đề cập đến tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Khu vực đảo có diện tích chỉ có 7 km2 và không người ở này có nguy cơ đẩy hai nước vào một cuộc xung đột võ trang nếu cư xử thiếu kiềm chế.
Bài viết cho rằng tình hình Nhật-Trung hiện tại giống như tình hình của Anh-Đức hồi trước thế chiến thứ nhất. Khi ấy, Anh và Đức đều là đối tác thương mại quan trọng của nhau, nhưng cuối cùng cũng đã lao vào chiến tranh. Vì thế, không loại trừ khả năng xảy ra xung đột võ trang Trung-Nhật dù rằng hai nước này hiện là đối tác thương mại quan trọng của nhau.
Bài viết còn nhắc lại một số sự kiện làm tăng nguy cơ chiến tranh Trung-Nhật. Đó là việc tại Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra ở Davos hồi cuối tháng rồi, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khi trả lời báo chí đã không ngại so sánh tình hình Trung-Nhật với tình hình Anh-Đức hồi trước thế chiến thứ nhất. Rồi việc Thủ tướng Abe đích thân đến thăm đền Yasukuni hồi tháng 12/2013. Trước đó 1 tháng, chính phủ Bắc Kinh đã đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không chồng lấn cả khu vực tranh chấp.
Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa dân tộc ở hai nước đang ở giai đoạn cao trào. Bởi vậy, nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa hai nước là rất lớn nếu tính toán sai lầm.
Bên cạnh đó, bài viết còn chỉ ra tình trạng tứ bề thọ địch của Trung Quốc. Đó là, trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc không chỉ chạm tới Nhật mà còn cả Mỹ, vì Mỹ và Nhật có hiệp ước liên minh phòng thủ bao gồm cả khu vực tranh chấp.
Trong khi đó, trên vùng biển Đông, bài viết nhấn mạnh : « Trung Quốc đơn phương áp đặt chủ quyền ». Vì thế, theo bài viết, từ Việt Nam đến Philippines, từ Singapore đến Úc, các nước ven biển đều lên tiếng kêu gọi Mỹ vào cuộc.

Trung Quốc : Cái giá của đô thị hóa ?
Bàn riêng về Trung Quốc, Le Figaro quan tâm đến tình trạng đô thị hóa ào ạt tại nước này với bài viết : « Bước đi vội vã về thành phố của người Trung Quốc».
Mấy thập niên vừa qua, Trung Quốc chứng kiến một tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Hồi Trung Quốc mới mở cửa vào năm 1978, tỷ lệ dân thành thị chỉ chiếm 20%. Thế mà vào năm 2012 đã đạt 50%, và hiện tại là 54%. Trong năm 2000, nước này thống kê có 3,7 triệu ngôi làng. Con số này vào năm 2010 đã giảm xuống còn 2,6 triệu, tức là mỗi ngày trung bình có 300 ngôi làng biến mất.
Thế mà trong hội nghị trung ương hồi tháng 11 năm rồi, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại tiếp tục chính sách thúc đẩy di dân lên thành thị. Dự định, vào năm 2018, tỷ lệ đô thị hóa nước này sẽ đạt 60%, tức sớm hơn hai năm so với dự kiến trước đó.
Le Figaro nhận định, Bắc Kinh muốn kích thích tăng trưởng bằng cách thúc đẩy phát triển các thành phố vừa và nhỏ, nhằm đẩy mạnh tiêu dùng. Thế nhưng cái giá về tài chính và chính trị phải trả cho việc hội nhập của hàng chục triệu lao động nhập cư vào các khu đô thị mỗi năm là khổng lồ.
Chưa kể cái giá phải trả cho văn hóa là không tính nổi. Văn hóa Trung Quốc có cội nguồn từ làng xã. Chính phủ Trung Quốc đã ước lượng rằng làng xã đóng góp đến 80% vào kho tàng bản sắc văn hóa của Trung Quốc. Một chuyên gia Trung Quốc cảnh báo : « Bản chất văn hóa của Trung Quốc nằm ở các ngôi làng. Nếu các ngôi làng bị phá hủy, thì người Trung Quốc sẽ không còn là người Trung Quốc nữa ».

Pháp xem trọng quan hệ với Tunisia ?
Liên quan đến nước Pháp, báo chí hôm nay quan tâm nhiều đến sự kiện Tổng thống nước này, ông François Hollande, đến Tunisia để tham dự lễ chào mừng hiến pháp mới diễn ra vào hôm nay.
Le Figaro đăng bài : « Sự trở lại Tunisia đầy lạc quan của Tổng thống Hollande ». Les Echos chọn dòng tựa : « Hollande đến Tunisia để chào mừng bản hiến pháp mới ». La Croix thì có bài : « Tunisia có bước khởi đầu mới ».
Số là vào ngày 26 tháng rồi, Quốc hội Tunisia đã bỏ phiếu thông qua bản hiến pháp mới. Đây được xem là một bước tiến quan trọng của Tunsia, nước khởi nguồn của mùa xuân Ả Rập. Tổng thống Hollande chỉ mới đến Tunisia hồi tháng 7 rồi. Các tờ báo nhắc lại, khi ấy, đảng Hồi giáo cực đoan Ennahda còn cầm quyền, và còn quyết tâm thiết lập luật Hồi giáo ở Tunisia, và còn hy vọng dựa vào Đức để khỏi phải đối mặt với Pháp.
Lần này, theo tờ báo, Tổng thống Hollande sẽ là nguyên thủ phương tây duy nhất có mặt. Điều đó cho thấy Pháp xem trọng sự kiện này như thế nào.
Tuy nhiên, tờ báo cánh hữu Le Figaro cho rằng, không phải Paris hoàn toàn đóng vai trò quyết định cho thắng lợi hôm nay. Tờ báo nhấn mạnh : chính việc quân đội lật đổ Tổng thống thuộc phe Hồi giáo cực đoan, ông Mohamed Morsi, tại Ai Cập đã khiến cho lực lượng Hồi giáo cực đoan Ennahda tại Tunisia bị rúng động và phải đổi hướng. Và sự đổi hướng đó là ủng hộ bản hiến pháp đề cao quyền tự do tín ngưỡng và quyền bình đẳng nam nữ.
Bàn về tương lai của Tunisia, Les Echos cho rằng, dù một bản hiến pháp mang màu sắc dân chủ đã được thông qua, nhưng chính phủ sắp tới của Tunisia còn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nổi lên các thách thức về xung đột xã hội do thất nghiệp, và sự hoành hành của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Pháp : Tổng thống và cánh tả gặp khó khăn
Nhìn vào tình hình nội bộ nước Pháp, các tờ báo đều có chung nhận định là : Tổng thống François Hollande và cánh tả đang gặp khó khăn, nhất là trong hồ sơ ngân sách và việc làm.
Nhật báo kinh tế Les Echos đăng bài : « Hollande lún sâu hơn vào tình trạng mất lòng dân ». Tờ báo đăng kết quả thăm dò cho biết, chỉ số tín nhiệm trong dân của Tổng thống Hollande hiện ở mức 23%, tức là giảm đi 8 điểm kể từ tháng 9 năm ngoái. Tờ báo cho biết, đây là một kỉ lục mới, hai người tiền nhiệm của ông Hollande là ông Sarkozy và ông Jacques Chirac đã nhận được 39% ý kiến ủng hộ của người dân sau 21 tháng cầm quyền.
Tờ báo nhấn mạnh, « thất bại » của Tổng thống Hollande là đã không thực hiện được lời hứa giảm tỷ lệ thất nghiệp như mong đợi. Kết quả thăm dò nói trên cho thấy, có đến 89% người được hỏi cho rằng, trong ngắn hạn chính phủ Hollande khó có thể tạo thêm hàng trăm ngàn việc làm như đã hứa.
Về phần mình, nhật báo cánh hữu Le Figaro đăng trên trang nhất dòng tựa : « Cánh tả tìm 50 tỷ euro tiết kiệm trong tuyệt vọng ». Tờ báo muốn đề cập đến việc Tổng thống Hollande đã cam kết tiết kiệm 50 tỷ euro từ đây đến năm 2017. Thế nhưng, mục tiêu này ít có khả năng đạt được, bởi theo một thành viên nặng ký thuộc đảng cầm quyền, thì tất cả các khoảng ngân sách đã bị chạm đến, nên việc tiếp tục cắt giảm ngân sách là khó khả thi.

Hộp quẹt zippo không biết đến khủng hoảng kinh tế
Hộp quẹt zippo của Mỹ lâu nay được xem là một vật xa xỉ. Thế nhưng, cái vật xa xỉ ấy vẫn bán chạy trong cái thời khủng hoảng kinh tế vừa qua. Đó là thông tin được đăng trên tờ nhật báo Le Figaro.
Tờ báo cho biết, năm rồi, hãng Zippo của Mỹ đã đạt doanh số 200 triệu đô la. Giám đốc điều hành khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Mỹ của Zippo tự hào khoe rằng, năm 2013, tăng trưởng của nhãn hiệu này đạt mức cao nhất kể từ khi Zippo ra đời hồi năm 1932.
Giải thích cho việc bán chạy Zippo, tờ báo nêu ra một nguyên nhân « khó ngờ ». Đó là : « một trên ba hộp quẹt zippo được mua không phải để quẹt lửa ». Tức là, không phải ai mua hộp quẹt zippo cũng là để hút thuốc, mà có nhiều người thích sưu tập… đồ hiệu.
Zippo cũng không làm người mộ điệu thất vọng khi không ngừng đa dạng hóa sản phẩm. Chẳng hạn như thiết kế nước hoa nằm trong những cái chai có hình hộp quẹt zippo.


No comments:

Post a Comment

View My Stats