Friday 7 February 2014

SOCHI 2014 : ÔNG PUTIN CHINH PHỤC ĐỈNH OLYMPIC (Minh Anh - RFI)




Minh Anh  -  RFI
Thứ năm 06 Tháng Hai 2014

Tổng thống Nga Vladimir Putin xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo Pháp ra hôm nay 06/02/2014 và cái tên của ông gắn với Thế vận hội mùa đông Sotchi, chính thức khai mạc vào ngày mai 7/2/2014. Từ khi chuẩn bị cho đến sát ngày khai mạc, Thế vận hội Sotchi đã vượt qua tầm mức của một sự kiện thể thao. Nhắc đến Thế vận hội Sotchi, cũng như trong nhiều ngày qua, báo chí Pháp nói nhiều đến tổng thống Putin đến các vấn đề địa chính trị, an ninh và thậm chí cả nhân quyền.
Nhật báo Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : « Putin đặt cược uy tín ở Thế vận hội Sotchi » . Bên các trang trong, Le Figaro còn có hàng loạt bài đề cập đến đủ các khía cạnh xung quanh kỳ Thế vận hội mà tổng thống Nga đã đặt tất cả tâm huyết, quyết tâm như : « Putin tìm cách đăng quang ở Olympic » , « Thế vận hội đắt nhất lịch sử » , « Nỗi ám ảnh an ninh tại các điểm thi đấu Sotchi », « Người dân Sotchi thấy mặt trái của cảnh trí ». Duy nhất chỉ có một bài đề cập đến các vận động viên mang tựa nhỏ : "Các vận động viên giữ khoảng cách với những tranh cãi". Theo Le Figaro, năm 2007, « đích thân » Tổng thống Nga đã  chọn Sotchi làm địa điểm đăng cai kỳ Thế vận hội mùa đông lần thứ 22.
Le Figaro nhận định, « mặc dù bị nhiều chỉ trích từ các nước phương Tây, chủ nhân của điện Kremlin coi kỳ Thế vận hội mùa đông này là thành công của cá nhân » và là một dịp để biểu dương sự hùng cường của một nước Nga mới.
Theo tờ báo, sau khi giành quyền đăng cai thì cũng lại đích thân ông Putin chỉ đạo, giám sát các công trường khổng lồ với kinh phí lên tới 36 tỷ euro biến Sotchi 2014 trở thành kỳ Thế vận đắt giá nhất trong lịch sử Olympic.
Trong suốt 6 năm qua, đích thân Tổng thống Putin kiểm tra, theo dõi chi tiết tiến độ thi công các công trình bên bờ biển Đen. Ông trực tiếp ra lệnh sa thải những cán bộ lãnh đạo yếu kém, làm việc không hiệu quả, thăng chức cho những ai trung thành tận tụy với công việc chuẩn bị cho Thế vận hội. Sát đến ngày khai mạc nhiều ngày, tổng thống Nga tới ở hẳn luôn tại Sotchi, trực tiếp đi kiểm tra các công việc chuẩn bị cuối cùng.
Tối ngày mai, tức là 34 năm sau Kỳ thế vận hội Olympic mùa hè Matxcơva 1980 bị các nước phương Tây tẩy chay, Tổng thống Putin sẽ chính thức khai mạc kỳ Thế vận hội đầu tiên trong kỷ nguyên hậu Xô Viết. Tham vọng lớn của ông Putin là : Qua Sotchi, chỉ cho thế giới, đặc biệt là thế giới phương Tây, thấy nước Nga đã chính thức bước vào thời kỳ hiện đại.
Le Figaro dẫn lời dân biểu của đảng Nước Nga Thống nhất, ông Robert Schlegel rằng : « Nhờ có sự kiện này, nước Nga chứng tỏ đã biến đổi thành một quốc gia hoàn toàn khác với Liên Xô, hiện thân của thời kỳ chiến tranh lạnh. Ở Sotchi chúng tôi chỉ đơn giản nói rằng chúng tôi đang phát triển và đang cố gắng thay đổi ».
Với ông Putin, Sotchi là uy tín lãnh đạo của ông, là chiếc tủ kính trưng bày sự hùng cường của nước Nga. Vì thế có tốn bao nhiêu tiền, có phải hứng chịu bao nhiêu chỉ trích thì Olympic Sochi 2014 vẫn phải là một Thế vận hội thành công, đưa Tổng thống Vladimir một lần lên đỉnh Olympic.

Sochi và vũng lầy Kavkaz
Không những kinh phí cho Sochi được cho là đắt nhất, mà việc huy động nhân lực và tài vật cho việc đảm bảo an ninh tại đây cũng hùng hậu nhất trong lịch sử Thế vận hội Olympic. Báo Le Monde trên mục Góc nhìn Thế giới, nhận thấy công tác bảo đảm an ninh tại đây giống như đang trong tình trạng khẩn cấp, sắp sửa có chiến tranh xảy ra.
Hàng chục ngàn cảnh sát, nhiều đơn vị bộ binh, và cả một hệ thống phòng không đã được huy động. Lưu thông đường thủy trên khu vực biển Đen cũng bị hạn chế. Le Monde nhận định sở dĩ an ninh tăng cường chặt chẽ cho Thế vận hội mùa đông cũng do bởi đặc tính địa chính trị của khu vực.
Với hai trang báo lớn dày đặc ảnh bản đồ khu vực, Le Monde giải thích do nằm sát kề biển Đen và dựa vào những dãy núi vùng Kavkaz, khu Thế vận hội tọa lạc trong một vùng đặc biệt bất ổn. Vùng Kavkaz nằm trải dài qua nhiều thung lũng lại là nơi tập trung nhiều bộ tộc thiểu số nói nhiều thứ tiếng khác nhau (khoảng 40 loại ngôn ngữ). Một khu vực mà cho đến giờ Matxcơva vẫn phải vật vã trong việc kiểm soát, kể từ sau các cuộc chinh phục vào đầu thế kỷ XIX. Đây cũng là nơi ẩn náu lý tưởng cho các phe nhóm vũ trang nổi dậy. Ngoài việc khả năng bùng nổ chiến tranh vẫn luôn tiềm tàng do các phe nhóm ly khai xâu xé lẫn nhau, an ninh của khu vực này giờ đây còn bị đe dọa bởi các phe nhóm Hồi giáo cực đoan.

Ukraina : Theo châu Âu hay theo Nga ?
Tình hình chính trị tại Ukraina vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của báo giới Pháp. Làm thế nào thoát khỏi khủng hoảng hiện nay : tổ chức bầu cử sớm hay trở lại với chế độ Nghị viện đang là những câu hỏi hóc búa cho đảng cầm quyền. Chủ đề này được hai tờ báo La Croix và L’Humanité lần lượt quan tâm đến qua bài viết « Tại Ukraina, đối lập đề nghị bãi bỏ chế độ tổng thống » và « Đảng cầm quyền Ukraina đang tìm kiếm một thỏa thuận ». Riêng báo Les Echos thì chú ý đến góc độ ngoại giao khi cho biết : « Tổng thống Ukraina bị o ép giữa những lời chỉ trích của Châu Âu và Nga ».
Dường như cuộc gặp ngày hôm qua giữa đại diện ngoại giao Châu Âu, bà Catherine Ashton và Tổng thống Viktor Ianoukovitch không mang lại kết quả gì. Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu tỏ ra mệt mỏi trước thái độ cầm chừng của nguyên thủ Ukraina. Đối với Châu Âu, cuộc khủng hoảng kéo dài có nguy cơ trở thành một cuộc nội chiến tại Ukraina.
Theo ước tính của một số quan chức Châu Âu, tài sản cá nhân Tổng thống Ukraina có thể lên tới 500 triệu euro. Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, ông vẫn tìm cách kéo dài thời gian, mặc dù đã có nhiều yếu tố cho phép giải quyết cuộc khủng hoảng, như chỉ định một tân Thủ tướng, thảo luận với tất cả các đảng phái chính trị về một Hiến pháp mới theo hướng giảm bớt quyền lực của Tổng thống, tăng cường vai trò của Quốc hội, tổ chức bầu cử lập pháp và Tổng thống trước thời hạn.
Theo Les Echos, đảng Các Vùng của Tổng thống Ukraina đã hứa sẽ đề cử một Thủ tướng vào tuần tới, nhưng ông Ianoukovitch dường như không còn kiểm soát được tình hình tài chính của quốc gia, vẫn tỏ ra lưỡng lự và chờ đợi cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thứ Sáu, 07/02, tại Sotchi.
Thế nhưng, tình hình ngày càng bất lợi cho ông Ianoukovitch. Trước đây, ông nghĩ rằng có thể tự do hành động khi lựa chọn nhận trợ giúp 15 tỷ đô la của Nga và khước từ nguồn tài chính của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đi kèm với việc thực hiện kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế. Giờ đây, Matxcơva tỏ ra thiếu kiên nhẫn. Hôm qua, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Putin lo ngại về việc Ukraina không thể thanh toán tiền mua khí đốt và báo trước là Matxcơva sẽ đình chỉ giải ngân viện trợ chừng nào chưa biết đường lối của tân chính phủ tại Kiev ra sao. Tập đoàn khí đốt Naftogaz của Ukraina hiện đang nợ tập đoàn nhiên liệu Nga Gazprom khoảng 3,29 tỷ đô la.
Trong khi đó, Châu Âu vẫn sẵn sàng thảo luận với Ukraina một kế hoạch trợ giúp. Sự trợ giúp này, cho dù có đi kèm với những biện pháp thắt lưng buộc bụng của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, sẽ giúp nâng cao tính khả tín của Ukraina, tạo thuận lợi thu hút đầu tư, huy động tài chính cho phát triển.

Thái độ không rõ ràng của Châu Âu với Ukraina
Để hiểu vì sao các hoạt động ngoại giao của Châu Âu cho đến nay chưa mang lại kết quả, Les Echos có bài : « Sự hỗ trợ mong manh của Liên Hiệp Châu Âu cho Kiev », nhận định rằng, do bị chia rẽ trong nội bộ, chính Châu Âu duy trì thái độ không rõ ràng trong hồ sơ Ukraina.
Kể từ tháng 12 năm ngoái đến nay, đại diện ngoại giao Châu Âu, bà Catherine Ashton đã tới Kiev bốn lần, có mặt ở nhiều nơi, gặp gỡ các bên liên quan… Thế nhưng, theo Les Echos, các nước Châu Âu lại không đồng thuận trong việc thúc đẩy Ukraina xích lại gần Châu Âu. Ngoài hiệp định liên kết đề xuất với Ukraina, các nước trong Liên Hiệp Châu Âu bị chia rẽ sâu sắc về tương lai Châu Âu, bản chất chính trị và đặc biệt là vấn đề mở rộng biên giới chung của khối tới đâu, tức là có nên tiếp tục đón nhận thêm thành viên nữa hay không ?
Nếu như một số nước Đông Âu như Litva, Ba Lan, ủng hộ việc kết nạp Ukraina vào Liên Hiệp Châu Âu trong tương lai, thì ngược lại, một số nước Tây Âu như Pháp, Đức lại chỉ muốn Ukraina xích lại gần Châu Âu, cụ thể là dừng lại ở mức ký hiệp định liên kết.
Theo ông Philippe Migault, chuyên gia Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế và chiến lược – IRIS : « Châu Âu chưa sẵn sàng, các nước và đặc biệt là công luận lại càng chưa sẵn sàng tính tới việc kết nạp (Ukraina), nhất là việc kết nạp này sẽ làm tổn hại quan hệ của chúng ta với Nga ». Hậu quả của việc duy trì thái độ không rõ ràng trong hồ sơ Ukraina là làm cho công luận Châu Âu ngày càng lo ngại về tình trạng an ninh ở các quốc gia có đường biên giới chung với Liên Hiệp Châu Âu.

Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ trong tương lai
Mùa đông lạnh gay gắt, hạn hán , lũ lụt hay những trận cuồng phong sẽ thường xuyên hơn là những gì nhiều quốc gia đã hứng chịu trong suốt năm vừa qua. Theo ghi nhận của các chuyên gia thuộc Tổ chức Khí tượng thủy văn Thế giới, « Năm 2013 là năm thứ sáu nóng nhất kể từ năm 1850 ». Đây cũng là tựa đề bài viết trên báo Le Monde. Hay « Trái đất ấm dần : 2013, lại một năm nữa hành tinh bị nóng quá mức» tựa trên Les Echos.
Theo giải thích của một chuyên gia thuộc tổ chức Khí tượng thủy văn Thế giới, « Nhiệt độ trung bình của năm 2013 khẳng định xu hướng khí hậu ấm dần trong dài hạn. Đây quả là một thực tế không thể chối cãi được, dù rằng nhịp độ ấm dần không đồng đều ».
Vị chuyên gia này còn cảnh báo, “Căn cứ vào nồng độ kỷ lục khí ga gây hiệu ứng nhà kính khí đo được trong khí quyển, mức tăng nhiệt độ sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiều thế hệ ». Giải thích cho sự gia tăng kỷ lục khí thải, Tổ chức thế giới này đã phê phán sự chậm trễ của cộng đồng quốc tế. Theo đó, "các quốc gia đã và đang phát triển luôn tìm cách phản đối chính sách ràng buộc việc hạn chế khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính".

Ấn Độ sắp có xe ô-tô giá rẻ
Thế giới đã có hàng không « giá rẻ » (low cost), thì sắp tới đây tại Ấn Độ, trong lãnh vực sản xuất ô tô, hai hãng lớn Renault (Pháp) và Nissan (Nhật Bản) sắp tung ra hai phiên bản xe ô-tô « cực kỳ giá rẻ », với mức giá có thể xuống dưới 5.000 euro.
Les Echos cho biết nhân Hội chợ triển lãm công nghiệp ô-tô tại New Dehli, Ấn Độ, hai hãng Renault và Nissan đã tiết lộ các bản thiết kế một dòng xe « giá rẻ » mới, được bán ra với mức giá dưới 5.000 euro/chiếc. Dòng xe này dự tính sẽ được tung vào thị trường Ấn Độ trong năm 2015 và sau đó trên thị trường các nước mới trỗi dậy.
Tuy nhiên, khách đến tham quan hội chợ vẫn chưa được biết rõ các tính năng của chiếc « Kwid » và « RediGo », tên của hai dòng xe giá rẻ của Renault và Nissan. Theo nhận định của giám đốc điều hành khu vực Châu Á của hãng Renault, thị trường Châu Á trong tương lai hứa hẹn nhiều tiềm năng to lớn cho các dòng xe « giá siêu rẻ ». Chỉ tính riêng tại Ấn Độ, hiện nay khoảng « 50% lượng xe mới bán ra đã ở mức giá 5.300 euro ».



No comments:

Post a Comment

View My Stats