Saturday, 1 February 2014

PHÁT HÀNH "CHUI" SÁCH VÁCLAV HAVEL TẠI VIỆT NAM (Vietinfo / Vanlang.eu)




Posted by diendanxahoidansu2014 on 01/02/2014

Cập nhật lúc 09-01-2014 17:00:23


Sách của Václav Havel được phát hành “chui” tại Việt Nam

Một tuyển tập những tiểu luận quan trọng của cựu tổng thống Séc Václav Havel mang tên “Quyền lực của kẻ không quyền lực” đã được xuất bản tại Việt Nam. Cuốn sách được Nhà Xuất Bản Giấy Vụn ấn bản, Phạm Nguyên Trường và Nhóm Văn Lang tại Cộng hòa Séc dịch và hiệu đính.

Hình bìa sách :

Giới thiệu: Kỷ niệm hai năm ngày mất của cựu tổng thống Séc Václav Havel, tuyển tập những tiểu luận quan trọng của ông mang tên “Quyền lực của kẻ không quyền lực” đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Cuốn sách được Nhà Xuất Bản Giấy Vụn ấn bản, Phạm Nguyên Trường và Nhóm Văn Lang tại Cộng hòa Séc dịch và hiệu đính. Nhóm Văn Lang trong bài trên trang web của mình cho biết sẽ lần lượt giới thiệu nội dung của cuốn sách này đến với các độc giả. Bài viết dưới đây được đăng trên trang web của Nhóm Văn Lang (vanlang.eu). Vietinfo xin đăng lại bài giới thiệu này để độc giả có dịp theo dõi và trao đổi về nội dung cuốn sách. Đối chiếu vào hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, những tác phẩm của Václav Havel hoàn toàn không mất tính thời sự mà còn cho tất cả những ai quan tâm đến tự do, dân chủ và quyền con người có thêm nhiều ý tưởng để suy ngẫm cũng như niềm tin vào sức mạnh “Quyền lực của kẻ không quyền lực “.

Tiểu luận chính trị của Václav Havel đã được xuất bản bằng tiếng Việt

Hai năm sau ngày mất của Václav Havel, một tuyển tập những tiểu luận quan trọng nhất của ông đã được giới thiệu tới độc giả Việt Nam. Điều đặc biệt và thú vị là bản dịch các bài viết này đến với người Việt trong nước bằng đúng cách nó đã đến với người Tiệp khi Havel lần đầu công bố – qua con đường samizdat – phát hành độc lâp không qua hệ thống kiểm duyệt của chính quyền. “Quyền lực của kẻ không quyền lực” đã được âm thầm chuẩn bị, in ấn bởi Nhà xuất bản Giấy Vụn, một nhà xuất bản ngoài luồng có ảnh hưởng và uy tín trong nước. Người sáng lập và điều hành Giấy Vụn, nhà thơ Bùi Chát, đã từng ̣được The International Publishers Association chọn để trao giải Tự Do Xuất Bản năm 2011, tại Buenos Aires, Argentina.

Lời bạt cho tuyển tập xuất bản bằng tiếng Việt đã được một người bạn của Havel, Petr Pithart – cựu chủ tịch Thượng Nghị Viện Cộng Hòa Séc, viết cho độc giả Việt Nam. Petr Pithart từng là phát ngôn viên của Hiến Chương 77. Václav Bělohradský một trong những triết gia đương thời cũng đã viết cho tuyển tập này. Bài viết quan trọng nhất cùng tên với tuyển tập “Quyền lực của kẻ không quyền lực” đã mô tả chi tiết hệ thống toàn trị và chỉ ra con đường giải phóng con người khỏi hệ thống đó: sống trong sự thật và hành xử theo đạo lý. Sự thật luôn là vũ khí quan trọng nhất của những kẻ không có quyền lực chống lại cỗ máy quyền lực luôn tìm cách biến từng con người thành những đinh ốc của mình. Tư tưởng này cũng xuyên suốt những hoạt động của Havel và nhóm Hiến Chương 77 cho đến tận sau này.

Bài viết hoàn toàn có ý nghĩa thời sự trong hoàn cảnh Việt Nam, nó giải thích vì sao chế độ luôn cố gắng đi tìm sự chính danh trên nền tảng đạo đức giả của mình. Người đọc sẽ ngạc nhiên vì sự giống nhau đến kinh ngạc của hệ thống toàn trị cộng sản trên khắp thế giới. Nếu thời Havel người bán rau quả trưng khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước liên hiệp lại” trong quầy hàng để biểu lộ sự lệ thuộc của mình với hệ thống, thì tương tự tại Việt Nam ngày nay, dòng chữ “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam / Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc” có mặt trên tất cả các loại giấy tờ, từ đơn xin học cho con đến bản khai lý lịch, hay thư khiếu kiện của dân oan.

Những bài viết còn lại cũng là những suy nghĩ, tư liệu quan trọng của Havel trong suốt giai đoạn đấu tranh bất bạo động, có lúc bị cầm tù, trước 1989, gắn liền với phong trào Hiến Chương 77, trước khi ông trở thành tổ̀ng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc tự do.

Hiến Chương 77 cùng với những ý tưởng của Havel đã và đang là nguồn cảm hứng cho các phong trào đấu tranh chống các hệ thống toàn trị trên thế giới: Khối 8406 tại Việt Nam, Charta 08 tại Trung Quốc, Charta 97 tại Belorus… Và hơn thế Havel luôn đứng về phía họ cho đến tận phút cuối của đời mình.
Trong một thư ngỏ gửi cho Khối 8406 vào tháng 5/2006 Havel cùng 50 cựu thành viên Hiến Chương 77 đã viết: “Chúng tôi đã được biết đến “Tuyên Ngôn Dân Chủ và Tự do cho Việt Nam 2006“ của các bạn. Chúng tôi rất trân trọng biểu hiện can đảm của các bạn trong hoàn cảnh chính trị tương tự như ở nước chúng tôi năm 1977, khi văn kiện cơ sở của Hiến Chương 77 được công bố. Chúng tôi biết rằng các bạn đang phải hứng chịu nguy cơ bị các cơ quan chính quyền truy nã, và chúng tôi hy vọng rằng mỗi biểu hiện đoàn kết sẽ là sự khích lệ và tăng cường sức mạnh cho các bạn…. Chúng tôi xin chúc cho nỗ lực của các bạn sẽ dẫn đến việc thiết lập nền tự do trong khoảng thời gian ngắn hơn là chúng tôi đã đạt được trong phong trào Hiến Chương 77”

Khi đến Praha để dự Forum 2000 hồi giữa năm 2013 Aung San Suu Kyi kể lại lúc bà bị quản thúc tại Miến Điện: “Khi tôi nhận những quyển sách của ông tôi đã hăm hở đọc chúng, để biết rằng tôi cần phải tồn tại thế nào trong những năm tháng đấu tranh của mình giống như ông đã tồn tại. Tôi hiểu ra rằng, sự tự do lớn nhất là sống trong sự thật….Lúc bị cầm tù tại gia, tôi biết rằng, có một người luôn đứng về phía tôi. Nhờ có ông tôi đã cảm thấy mình tự do”

“Quyền lực của kẻ không quyền lực” trước hết dành cho những độc giả Việt Nam trong nước, hy vọng rằng nó sẽ được đón nhận như đã từng được đón nhận tại Tiệp Khắc trong những năm tháng đen tối của đất nước này.

Cuối cùng Nhóm Văn Lang lấy làm vinh dự đã góp một phần nhỏ của mình cho sự ra đời của tuyển tập – cùng tham gia dịch, hiệu đính, so sánh với bản gốc bằng tiếng Tiệp. Xin cảm ơn NXB Giấy Vụn về sự tin tưởng này.

Được sự đồng ý của Giấy Vụn, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu tất cả các bài viết của Havel trong tuyển tập trên trang http://www.vanlang.eu theo trình tự:

• Václav Havel: Ước mộng và vỡ mộng. Lời tựa của Petr Pithart viết riêng cho tập tiểu luận Quyền lực của kẻ không quyền lực trong lần dịch và giới thiệu sang tiếng Việt bởi nhà xuất bản Giấy Vụn
• Bàn về ngôn từ
• Chính trị và lương tâm
• Quyền lực của kẻ không quyền lực
• Thư gửi ông Husák
• Về ý nghĩa của hiến chương 77
• Tuyên ngôn Hiến chương 77
• Thế kỷ hai mươi của Havel. Bài giới thiệu của Václav Belohradský viết riêng cho tập tiểu luận Quyền lực của kẻ không quyền lực trong lần dịch và giới thiệu sang tiếng Việt bởi nhà xuất bản Giấy Vụn.

Sau khi đăng hết các bài, bản PDF với toàn bộ các bài trong tuyển tập sẽ được đưa lên để bạn đọc có thể download về máy mình.

Nguồn: Nhóm Văn Lang, vanlang.eu


No comments:

Post a Comment

View My Stats