Thursday, 13 February 2014

ÔNG NGUYỄN THẾ KỶ : BAN TUYÊN GIÁO KHÔNG TÁC ĐỘNG GỠ BÀI VỀ CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI (BBC)




BBC
Cập nhật: 11:20 GMT - thứ năm, 13 tháng 2, 2014

Một chùm phóng sự về cuộc Chiến Biên giới Việt - Trung năm 1979 trên tờ Một Thế Giới hôm 12/2/2014 vừa bị gỡ xuống làm dấy lên nghi vấn liệu truyền thông Việt Nam có chịu áp lực, hạn chế hoặc kiểm soát gì trong dịp đánh dấu cuộc chiến 35 về trước giữa hai quốc gia láng giềng cộng sản hay là không.

BBC đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và câu hỏi đầu tiên được đặt ra với ông Kỷ là liệu tờ Một Thế giới gỡ bài phóng sự được chuẩn bị công phu có phải do mắc sai phạm gì hay không.

Ông Nguyễn Thế Kỷ:Tôi nói rất thực là tôi không biết về việc này. Việc họ đưa lên hay đưa xuống thì chắc chắn là việc của họ. Còn tôi không có tác động bất cứ gì vào chuyện đấy.

BBC: Về cuộc chiến năm 79, nếu báo chí đưa thông tin đúng sự thật, có kiểm chứng thì có được đưa tin thoải mái, hay có hạn chế gì không?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Tôi nghĩ cái này là suy nghĩ của Tổng Biên tập các báo.
Tôi nghĩ là thế này, ví dụ như chỉ vì một ai đó có thời kỳ có gì đó trong quan hệ trong quá khứ có điều gì đó không ổn chẳng hạn, nhưng trong hiện tại khi hai bên đang cố gắng có thiện chí để thiết lập quan hệ tốt hơn thì thường người ta cũng có cân nhắc xem ngồi với nhau thì có nên kể lại những chuyện ngày xưa hay không.
Thì đó là cái ứng xử tôi nói là của cá nhân với nhau để rồi mình nói rộng ra hơn là giữa các quốc gia với nhau.

'Có chỉ đạo gì không?'

BBC:Từ phía nhà nước có chủ trương hay có chỉ thị gì về đưa tin bài về sự kiện này không?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Việt Nam với Trung Quốc vẫn là hai nước láng giềng với nhau.
Mà chúng tôi vẫn mong muốn hai bên, đặc biệt là từ phía Việt Nam, có quan hệ tốt hơn theo tinh thần tôn trọng nhau, láng giềng hữu nghị, hợp tác thân thiện, ổn định lâu dài hướng tới tương lai.
Thì đây là mong muốn không phải chỉ của nhà nước đâu, mà của cả người dân Việt Nam. Ai cũng muốn rằng những nước láng giềng với nhau sống yên ổn, hòa bình.
Còn những chuyện quá khứ thì không ai làm lại được lịch sử, nhưng nếu nghĩ lại thì có lẽ là người ta có những bài học từ lịch sử để cuộc sống hôm nay được tốt hơn.

BBC:Gần đây có những tâm lý về tranh chấp biển đảo, tranh chấp lãnh hải, một số người cho rằng TQ từ trước đến nay vẫn có ý bành trướng, xâm lược VN, vậy đưa những thông tin lịch sử, những câu chuyện như vậy liệu có phải là điều có lợi cho người dân?
Ông Nguyễn Thế Kỷ:Tôi nghĩ điều này thì cơ quan truyền thông tự cân nhắc lấy, xem việc đó có lợi hay không, với sự bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, với trách nhiệm với đất nước.

BBC: Như vậy có thể hiểu là các báo, Tổng biên tập hoàn toàn có tự quyền tự quyết trong việc đưa tin?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Tôi xin nói là Việt Nam có luật báo chí, thì các cơ quan báo chí, đặc biệt là các ông tổng biên tập hoạt động theo luật báo chí. Và họ có quyền đăng cái gì, không đăng cái gì theo luật.

Ông Nguyễn Thế Kỷ từng đảm nhiệm vị trí Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Giám đốc Đài PTTH Nghệ An, Tổng biên tập báo Nghệ An, Phó ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An, Bí thư huyện ủy Nam Đàn (Nghệ An).

----------------------------------------

BBC
Cập nhật: 02:52 GMT - thứ năm, 13 tháng 2, 2014

Báo điện tử Một thế giới phải gỡ loạt bài kỷ niệm 35 năm chiến tranh biên giới Việt Nam-Trung Quốc chỉ vài giờ sau khi đăng tải.
Trong khi đó, lãnh đạo ngành tuyên giáo bác bỏ liên quan với lý do "không biết việc này".

Chiều thứ Tư 12/2, báo mạng mới thành lập của Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam đăng chùm phóng sự của nhà báo Đào Tuấn về sự kiện xảy ra ngày 17/2/1979.
Loạt phóng sự này gồm ba phần có tựa đề "Biên giới, hồi ức 35 năm", "Đồng chí với nhau, ai nghĩ sẽ đánh nhau" và "Bia trấn ải - nơi tổ quốc được tô màu đỏ"; với nhiều phỏng vấn các nhân chứng của cuộc chiến biên giới ngắn ngủi nhưng khốc liệt.
Cạnh đó, Một thế giới cũng đăng bài viết "Phút bi tráng ở Pò Hèn" của Ngọc Uyên, nói về cuộc chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), với quân Trung Quốc vào rạng sáng 17/2/1979, trong đó toàn bộ 45 chiến sỹ biên phòng Việt Nam đã hy sinh.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, các bài viết này đã bị gỡ bỏ và nay khi truy cập, người đọc chỉ thấy dòng chữ báo lỗi "Không tìm thấy trang".

Việc báo điện tử Việt Nam đăng bài rồi sau đó gỡ bỏ đã nhiều lần xảy ra, thường là do có yêu cầu của cơ quan tuyên giáo.
Thế nhưng,  trả lời BBC chiều thứ Năm 13/2, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó ban Tuyên giáo Trung ương, nói ông "không biết" việc báo Một thế giới phải gỡ bài.
"Tôi nói rất thực là tôi không biết về việc này. Việc họ đưa lên hay đưa xuống thì chắc chắn là việc của họ. Còn tôi không có tác động bất cứ gì vào chuyện ấy."
Ông Kỷ cũng khẳng định: "Tôi xin nói là Việt Nam có luật báo chí, thì các cơ quan báo chí, đặc biệt là các ông tổng biên tập hoạt động theo luật báo chí. Và họ có quyền đăng cái gì, không đăng cái gì theo luật".
"Cơ quan truyền thông tự cân nhắc lấy, xem việc đó có lợi hay không, với sự bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, với trách nhiệm với đất nước."

Có được đưa tin?

Còn bốn ngày nữa là đúng 35 năm ngày quân đội Trung Quốc tấn công vào các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam trong chiến dịch mà lãnh đạo Trung Quốc khi đó, Đặng Tiểu Bình, gọi là "dạy cho Việt Nam một bài học".
Cho tới giờ, cuộc chiến biên giới 1979 vẫn không được ghi nhận trong sách giáo khoa lịch sử và gần như không được nhắc tới trong báo chí chính thống.
Gần tới đợt kỷ niệm, đã có nhiều đồn đoán về việc liệu các tờ báo trong nước có được đưa tin về sự kiện này hay không.
Một số nguồn khả tín trong lĩnh vực báo chí nói với BBC cả tuần trước đó, các báo lớn "đã nhận được chỉ đạo" về hạn chế tin bài.
Một nhà báo, đề nghị giấu tên, nói theo chỉ đạo, các báo bị hạn chế gần như không được đưa tin.
Một người khác thì nói các báo không bị buộc phải hoàn toàn im lặng, nhưng khi viết bài đưa tin "phải sử dụng cứ liệu cụ thể, không suy diễn".

Hôm 11/2, báo Lao Động đăng phỏng vấn với thành viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giáo sư Vũ Minh Giang, nói hội này dự tính sẽ có lễ tưởng niệm cuộc chiến biên giới.
GS Giang cho hay lễ tưởng niệm dự kiến sẽ được tổ chức gắn với một hội thảo khoa học về chủ đề này. Ông cũng nói theo lệnh của Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN, trong quá trình biên soạn bộ lịch sử Việt Nam, cuộc chiến 1979 sẽ không bị bỏ qua.
"Tới đây, các sự kiện như Hoàng Sa, Trường Sa bị đánh chiếm, hay việc Trung Quốc đưa quân đánh Việt Nam năm 1979 cũng sẽ được đưa vào sách giáo khoa lịch sử. Nếu chúng ta không nói gì sẽ là mảnh đất màu mỡ cho xuyên tạc."

Ý tưởng đưa các cuộc đụng độ với Trung Quốc vào sách giáo khoa lịch sử đã được chính Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng đề cập trong buổi làm việc với các sử gia hàng đầu Việt Nam hôm 30/12/2013.
Lúc đó, trước kỳ kỷ niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa, các báo trong nước đã đăng khá nhiều bài về trận đánh này của hải quân Việt Nam Cộng hòa cho đến khi đột ngột ngừng một ngày trước đó.


No comments:

Post a Comment

View My Stats