Nông
dân Bình Dương
23/02/2014
Trong
những năm gần đây, người ta thường nhắc đến từ “dân oan”. Dường như từ này chỉ
mới xuất hiện tại Việt Nam vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Vì vậy, nhiều tự
điển xuất bản trước đó, không thấy có từ dân oan. Theo nghĩa thường dùng hiện
nay, dân oan là những người dân bị oan ức; là nạn nhân của sự bất công, mà tại
Việt nam thành phần dân oan đông đảo nhất là những người dân đang sống bình
thường bỗng nhiên bị mất đất, mất nhà, trở thành không có chỗ ở, không có việc
làm, không có thu nhập để sống. Có người đang sống ổn định, thậm chí có cuộc
sống tương đối khá giả, đột nhiên phải trở thành kẻ đầu đường xó chợ, lang
thang giữa trời mưa nắng, ăn bờ ngủ bụi, hoặc phải chui rúc trong khu tạm cư…
rất khốn khổ.
Phép mầu đã “đổi đời” họ, là chính sách
thu hồi đất của các cấp chính quyền, là chế độ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”
đã được khai thác triệt để nhằm tước đoạt sạch trơn tài sản đất đai của người
nông dân.
Đối với tuyệt đại bộ phận dân oan, thì đó là tài sản
đáng giá nhất của cả gia đình họ được tạo lập hợp pháp bằng mồ hôi nước mắt và
cả xương máu của ông cha họ tích góp từ nhiều đời để lại. Số tài sản nầy hoàn
toàn hợp pháp, vì đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng
theo quy định của pháp luật hiện hành. Và đa số là thời hạn sử dụng đất còn rất
lâu khi họ bị thu hồi, vì trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi rõ thời
hạn sử dụng là lâu dài, 50 năm hoặc ít nhất là 20 năm, tùy theo từng loại đất.
Nhưng trước khi phân tích những thủ đoạn biến người
dân đang sống ổn định bình thường thành người dân oan, có lẽ cần thấy rõ ai là
người đã thực hiện sự biến hóa đó. Hay theo cách nói hiện nay của những nhà
lãnh đạo chính trị VN, thử “nhận diện các thế lực thù địch” của dân oan.
Để làm một con đường, một công viên, một khu công
nghiệp, một thành phố mới… bao giờ cũng phải có dự án được cấp có thẩm quyền
phê duyệt và phải có chủ đầu tư. Nhưng để phê duyệt dự án, ký quyết định thu
hồi đất, ký quyết định phê duyệt giá bồi thường đất và tài sản trên đất khi thu
hồi, ký quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế để giải tỏa
mặt bằng thì nhất thiết phải có chính quyền. Chính quyền Việt Nam hiện nay có 4
cấp, từ Phường, Xã đến Chính phủ. Tùy theo quy mô dự án mà cấp nào có thẩm
quyền ra quyết định. Dù ở cấp nào thì mọi hoạt động của chính quyền cũng
phải đặt dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong quá
trình triển khai thực hiện một dự án, việc thu hồi và bồi thường cho người dân
đang có quyền sử dụng đất là quan trọng nhất. Sai phạm
lớn nhất, tham nhũng nhiều nhất, oan ức to nhất, khiếu kiện đông nhất, tranh
chấp gay gắt nhất… đều phát xuất từ vấn đề thu hồi, bồi thường đất. Trong các
năm qua, từ Bắc chí Nam, gần như mỗi một “dự án” đã trở thành một “vụ án”. Mà
khi đã có tranh chấp, khiếu kiện thì không phải chỉ có cơ quan chính quyền với
các ngành tham mưu như kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, tài chính… Lúc
đó, các cơ quan dân cử, các ngành tư pháp, thanh tra, công an, quân đội, viện
kiểm sát, tòa án, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, đài báo… đều phải vào cuộc.
Trong
thời buổi ngày nay, ai cũng biết kinh doanh đất đai là một loại hình kinh doanh
siêu lợi nhuận. Nhưng thương lượng theo kiểu thuận mua vừa bán từng
căn nhà, từng nền nhà cũng chỉ là làm ăn nhỏ lẻ. Muốn nhanh chóng trở thành đại
gia, tỷ phú đô la thì phải làm dự án, kinh doanh một lần vài trăm đến vài ngàn
hecta đất. Muốn làm giàu nhanh, làm ít mà thu lợi nhiều thì phải làm ăn bất
chính, làm ăn tráo trở, chụp giựt, phi pháp, trái đạo lý. Phải thu hồi đất ngay
từ khi chưa có quy hoạch sử dụng đất, chưa có dự án được phê duyệt; nói không
quy hoạch treo nhưng cứ thu hồi đất để đó, bỏ hoang năm mười năm cũng được, dân
không có đất sản xuất cũng không sao; quy hoạch hoặc lập dự án 100 hecta thì
phải mở rộng lấy của dân năm bảy trăm hecta; nói thu hồi đất để làm khu công
nghiệp, phát triển kinh tế nhằm mục tiêu ích nước lợi dân… nhưng lấy đất rồi
thì phải biết phân lô bán nền; nói bồi thường sát giá thị trường, nhưng chỉ bồi
thường bằng một vài phần trăm giá đất trên thực tế thôi; nói phải có tái định
cư trước rồi mới được thu hồi giải tỏa, nhưng ngay từ khi chưa có gì, phải lấy
cho được đất để bán cho người khác; nếu cần thì phải cưỡng chế, đập phá tan nát
nhà cửa, vườn tược… bắt người dân phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất năm
này sang năm khác cũng không sao… Dân có khiếu kiện thì tới đâu cũng phải được
trả lời rằng khiếu kiện không có cơ sở, chính quyền giải quyết như thế là đã
thấu tình đạt lý, làm như thế là hoàn toàn đúng với các quy định của pháp luật
hiện hành… Dân có quyết liệt phản đối thì cứ chụp cho họ cái mũ là thành phần
chống đối, không chấp hành chủ trương, chính sách nhà nước, bị kẻ xấu giật dây;
rồi tìm đủ cách đày đọa, kể cả đánh đập, trấn áp, bắt bỏ tù vì tội gây rối trật
tự công cộng, chống người thi hành công vụ hay lợi dụng các quyền tự do dân chủ
xâm phạm lợi ích nhà nước…
Muốn
làm dự án có “hiệu quả”, phải có người đủ khả năng và quyền lực làm được những
việc như thế.
Trong một đất nước như Việt Nam ta hiện nay, tìm
được người như thế không phải là chuyện khó, thậm chí ngược lại. Ở mỗi tỉnh,
thành phố, đã có sẵn ít nhất là một ông ủy viên trung ương đảng Cộng sản,
thường là nắm chức bí thư tỉnh ủy, thành ủy. Nếu là thành phố lớn, như thành
phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… thì Ông này phải là Ủy viên Bộ chính trị. Theo cơ chế hiện nay, tổ chức
đảng, mà Bí thư là người đứng đầu, có “trách nhiệm” lãnh đạo toàn diện và tuyệt
đối tất cả mọi mặt hoạt động của địa phương. Công an, quân đội, Sở
tư pháp, Viện kiểm sát, Tòa án, Đoàn luật sư đều đặt dưới sự lãnh đạo của Ban
Nội chính tỉnh ủy, thành ủy. Sở Văn hóa thông tin, báo đài,… đặt dưới sự lãnh
đạo của Ban Tư tưởng văn hóa tỉnh ủy, thành ủy. Hội đồng nhân dân, đoàn đại
biểu quốc hội, MTTQ và các đoàn thể là do Ban Dân vận tỉnh ủy, thành ủy lãnh
đạo. Người đứng đầu các ngành chính như giám đốc sở, chánh thanh tra, chánh án
tòa án, viện trưởng viện kiểm sát, tổng biên tập báo… hầu hết là ủy viên ban
chấp hành tỉnh ủy, thành ủy mà đứng đầu là Bí thư tỉnh ủy, thành ủy.
Số phận chính trị của những người đứng đầu các sở
ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, thành là do Ban thường vụ tỉnh, thành ủy định
đoạt. Mọi việc bổ nhiệm, bãi nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, tăng lương… đối với
số cán bộ chủ chốt nầy đều do Ban thường vụ - mà đứng đầu là Bí thư - tỉnh ủy,
thành ủy xem xét quyết định trước khi có quyết định về mặt hành chánh của chính
quyền, đoàn thể đang quản lý họ. Các chủ trương chính sách quan trọng về kinh
tế, xã hội, an ninh quốc phòng… cũng phải thông qua sự lãnh đạo của cơ quan
đảng này.
Ngược lại, theo phân cấp quản lý cán bộ hiện nay thì
mọi quyết định liên quan đến bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật … đối với chức danh
Bí thư tỉnh ủy, thành ủy đều phải do Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương đảng
xem xét.
Như vậy ở địa phương, Bí thư tỉnh,
thành phố có quyền quyết định mọi việc, nhưng ngược lại, không ai có quyền gì
đối với ông ta cả. Bí thư đảng cộng sản đã thực sự trở thành một vị
“thiên tử”, một thứ “sứ quân” ở địa phương. Quyền lực của chức danh Bí thư
tỉnh, thành ủy càng to lớn và vững chắc hơn nếu như đây là người của Tổng bí
thư, của Chủ tịch nước, của Thủ tướng chính phủ. (“Người của” được hiểu như là
tay chân, bộ hạ hoặc là người cùng phe nhóm). Lúc nầy thì cái thế “dưới chống
đỡ cho trên, trên che chở cho dưới” đã làm cho cái ghế của bí thư vững như bàn
thạch, quyền uy của bí thư to như trời. Trong nội bộ, các ủy viên ban thường vụ
tỉnh, thành ủy còn chẳng dám hó hé tiếng nào, còn các ban ngành trong tỉnh,
thành phố, ai dám không tuân lệnh của bí thư.
Những kẻ có đầu óc muốn làm ăn lớn, muốn trở thành
đại gia, đều thuộc làu bài học “buôn vua” của Lã Bất Vi ngày trước. Họ còn biết
biến hóa tinh vi trong khi vận dụng bài học này cho phù hợp với cơ chế quản lý
đất nước hiện nay. Nhưng dù sao thì vai trò của “người làm vua một cõi” cũng
không thể thiếu vắng khi họ kinh doanh một dự án lớn. Khi đã là chủ trương của
tỉnh ủy, thành ủy, thì mọi thủ tục sẽ trở thành đơn giản, thậm chí có thể bỏ
qua, mọi ý kiến khác biệt phải gác lại, mọi sự phản kháng, khiếu kiện đều phải
dẹp bỏ; thậm chí việc tranh thủ sự đồng tình, hỗ trợ của các ngành có liên quan
ở trung ương cũng sẽ dễ dàng và ít tốn kém hơn. Nhưng bài học buôn vua không
chỉ áp dụng trong phạm vi địa phương, ngay ở trung ương, bài học này cũng hết
sức đắc dụng. Nếu có được một văn bản nào đó, hoặc sự có mặt trong lễ động thổ,
khai trương dự án, kèm theo vài ba câu phát biểu khen ngợi, nhắc nhở để chứng
minh là “anh Ba”, “anh Sáu” nào đó ở trung ương hết sức quan tâm chỉ đạo và đề
cao ý nghĩa của việc thực hiện dự án… thì lo gì bộ nọ, bộ kia không ủng hộ. Đã
có một sự đồng tình của đông đảo các ngành, các cấp trong việc cố ý làm trái để
hưởng lợi và dồn dân vào chỗ chết, nên ông Trương Tấn Sang đã phải dùng hình
tượng “cả một bầy sâu”. Từ trên tới dưới, làm đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng,
chặt chẽ với nhau, nên ông Nguyễn Phú Trọng đã phải kêu lên là lực lượng tham
nhũng đã có tổ chức, có đường dây.
Ngay cả khi
cần tổ chức cưỡng chế, hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhờ có
“sự lãnh đạo của đảng” thì cả hệ thống chính trị phối hợp rất tốt. Lúc này thì
người dân chỉ còn là một quả bóng di chuyển dưới những bàn chân của một đội
bóng điệu nghệ.
Tình trạng chủ đầu tư dự án núp bóng cán bộ lãnh đạo
để làm ăn diễn ra phổ biến từ những năm Việt Nam bắt đầu đi theo nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cho tới những năm cuối của thế kỷ 20.
Nhưng sau đó, khi đảng CSVN chính thức cho phép đảng viên được làm kinh tế thì
cán bộ đảng viên đua nhau làm dự án. Ở nhiều nơi, chính tổ chức đảng chủ
trương, chính quyền đứng tên làm dự án, thu hồi đất xong thì giao cho doanh
nghiệp triển khai thực hiện. Vì vậy, về danh nghĩa đây là dự án của nhà nước,
hoàn toàn vì mục tiêu phát triển kinh tế, quy hoạch là nhằm làm cho dân giàu
nước mạnh. Bây giờ thì không đơn thuần làm dự án xây dựng khu công nghiệp, hoặc
dịch vụ văn hóa mà từ Nam chí Bắc, các tỉnh thi nhau làm dự án xây dựng khu
liên hợp, khu đô thị. Nhiều giám đốc, tổng giám đốc doanh nghiệp đã có chân
trong Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy. Trong giai đoạn này, rất khó mà phân
biệt doanh nhân làm lãnh đạo hay cán bộ lãnh đạo hoạt động kinh doanh.Tình
trạng chạy chức chạy quyền phổ biến cũng đã đẻ ra hiện tượng một số cán bộ ngồi
trên những chiếc ghế do nhà doanh nghiệp sắm cho, sẵn sàng làm con rối múa may
theo sự điều khiển của doanh nghiệp. Đã có những đại gia sắm được máy bay, xây được
núi, đào được biển ở giữa đồng bằng, thì việc mua một vài cái ghế lãnh đạo
trong bộ máy đảng, chính quyền để phục vụ cho mục tiêu kinh doanh không phải là
việc khó. Ngược lại, với quyền hành trong tay, cần dựng lên một vài doanh
nghiệp rồi đưa người của mình lên làm tổng giám đốc, để phục vụ cho mục tiêu
làm giàu cho bản thân và gia đình mình, thì đối với những người lãnh đạo cấp
trung cao của đảng và nhà nước, chỉ là chuyện nhỏ.
Tóm lại, thế lực thù địch của dân oan
là những kẻ tham nhũng đang nắm độc quyền làm và phê duyệt các quy hoạch sử
dụng đất, các dự án đầu tư có sử dụng đất, nắm độc quyền trong việc quyết định
giá đất để bồi thường khi lấy đất của dân. Đó là những kẻ có chức, có quyền trong bộ máy đảng
và nhà nước đang giương cao khẩu hiệu lo cho dân giàu nước mạnh nhưng lại thực
hiện các thủ đoạn làm giàu bất chính cho gia đình và cá nhân mình, đẩy người
dân vào cảnh mất hết tài sản đất đai, nhà cửa, công ăn việc làm. Thậm chí, khi
bị đưa đến đường cùng, nhiều người dân đã sẵn sàng hy sinh mạng sống hoặc dùng
các hình thức manh động để tố cáo tội ác của chúng. Đó là bọn tham nhũng đất
đai.
Thế lực thù địch nầy cũng bao gồm toàn bộ bọn tay
sai của những kẻ nói trên, từ bọn tề xã đến những cán bộ nhân viên làm việc ở
các cơ quan chức năng ở trung ương, tích cực thực hiện mọi âm mưu ý đồ của quan
thầy để được chia chát chút ít quyền lợi, mặc dù hằng tháng họ vẫn lãnh lương
từ tiền đóng thuế của nhân dân.
Để đẩy người dân vào hố sâu cùng cực của thân phận
dân oan, còn có cả một lũ lừa đảo chuyên nghiệp, ra bộ thông cảm, hào hiệp giúp
đỡ, bày vẽ, chỉ đường để gạ gẫm người dân nhằm tiếp tục lường gạt, móc túi lấy
sạch những đồng tiền còn sót lại của dân oan. Đây là thứ kên kên, quà quạ, dòi
bọ đã đánh hơi tìm đến để tiếp tục nhấm nháp, đục khoét những gì còn sót lại
sau khi lũ sói lang đã ăn tươi nuốt sống cả bầy thỏ con. Trong bọn nầy có cả
một số luật sư, nhà báo vô lương tâm.
Sau cùng, có lẽ cũng nên xếp chung trong hàng ngũ
các thế lực thù địch của dân oan: đó là những yếu tố về nhận thức, tâm lý và
lối sống của chính dân oan và của các thành viên trong gia đình họ, đã góp phần
đẩy họ vào thân phận của dân oan.
Đa số dân oan về đất đai là nông dân và người lao
động tay chân. Trình độ văn hóa của họ rất thấp. Một bộ phận không nhỏ thậm chí
không biết chữ. Do đó nhận thức của họ về quyền làm người, quyền công dân và về
kinh tế, xã hội, pháp luật… rất hạn chế. Nhiều người gần như không biết gì cả.
Quanh năm suốt tháng họ chỉ quần quật làm việc để kiếm cái sống cho bản thân và
gia đình.
Quan hệ đoàn kết gắn bó trong dòng tộc, xóm làng
cũng nhạt phai. Xu hướng đèn nhà ai nấy sáng ngày càng phát triển. Đó là chưa
nói giữa một bộ phận dân cư, đang có tâm lý nghi kỵ, dè chừng nhau và không sẵn
sàng giúp đỡ nhau, dù là những kẻ đang cùng chung số phận.
Hiểu biết của họ về mối quan hệ giữa nhân dân với
chính quyền cũng rất sai lầm, lạc hậu. Cái thời ông cả, ông chủ làm mưa làm gió
ở nông thôn vẫn như còn in dấu sâu đậm trong đầu óc họ. Cái thời người có súng
trong tay muốn bắn, muốn giết ai tùy thích, không cần tòa án, không cần pháp
luật như vẫn còn đâu đây. Nên khi chính quyền công bố quy hoạch, quyết định thu
hồi đất, dù cho đó là tài sản của ông cha từ nhiều đời trước để lại, dù cho
trong lòng họ vô cùng uất ức, nhiều người vẫn riu ríu “chấp hành”. Làm sao có
thể bẻ nạng chống trời. Ngày xưa, cả nước chỉ có một ông vua, tự xưng là con
trời. Ngày nay, mỗi cấp chính quyền ở địa phương có một người đứng đầu, được
coi là ông trời. Chính những người làm chính quyền khuyên họ như thế: “Đừng
chống lại nhà nước! Đừng bẻ nạng chống trời!”. Khi tổ chức cưỡng chế, chính
quyền đã huy động đủ thứ lực lượng từ công an, quân đội, cảnh sát cơ động tới
dân quân, các ban ngành đoàn thể, trang bị đủ thứ vũ khí, dùi cui, roi điện, xe
cơ giới, xe chuyên dùng để áp tải tù nhân… Đó là sức mạnh của trời! Ai dám
kháng cự, lập tức được tặng một bản án chống người thi hành công vụ! Đi xe máy
không đội mũ bảo hiểm còn bị cảnh sát giao thông bắn nữa là! Nghi can trong một
vụ trộm cướp, bị bắt về đồn công an, khi được trả về với gia đình thì chỉ còn
là một xác chết; bảo sao người dân không sợ. Cứ thế, chính quyền càng ngang
ngược, người dân càng sợ sệt; người dân càng sợ sệt, chính quyền càng ngang
ngược.
Chính sự thiếu hiểu biết của một bộ phận rất lớn
nông dân làm cho họ trở thành những dân oan ngoan ngoãn, chấp nhận sự mất mát,
đau thương của gia đình mình như nạn nhân của của một trận thiên tai, sóng
thần, núi lửa chẳng hạn. Họ cam chịu số phận, không trách móc, không than vãn,
không phản kháng. Và vô tình họ trở thành đồng minh và hậu thuẫn cho thế lực
thù địch của dân oan. Chúng có cớ để rêu rao: “dự án nầy đã được 90% người dân
đồng tình chấp nhận. Do đó, thiểu số còn lại, nếu không chấp hành nhận tiền,
giao đất thì phải bị cưỡng chế.”
Cho đến khi nào người dân oan chưa nhận ra đích thị
thế lực thù địch của mình là ai, và không đoàn kết lại với nhau thành một khối
trong cả nước để gắn với các tổ chức xã hội dân sự khác để đấu tranh chống tham
nhũng, đòi dân chủ, nhân quyền mà chỉ từng nhóm lẻ tẻ kéo nhau đi đòi công lý,
thì lúc đó, công lý chưa thể đến với họ.
N.D.B.D.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 03:31
No comments:
Post a Comment