Tuesday, 25 February 2014

NGA GIA TĂNG CHỈ TRÍCH UKRAINA (BBC)




BBC
Cập nhật: 03:15 GMT - thứ ba, 25 tháng 2, 2014

Nga đang gia tăng chỉ trích đối với các lãnh đạo mới nghiêng về phương Tây ở Ukraine trong khi căng thẳng diễn ra quanh trát bắt vị tổng thống vừa bị lật đổ Viktor Yanukovych.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói chính quyền lâm thời ở Kiev đã thực hiện một cuộc "binh biến".
Bộ Ngoại giao Nga thì cáo buộc rằng những người bất đồng chính kiến tại các khu vực đa số nói tiếng Nga đang bị đàn áp.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ lâm thời Ukraine nói đã ra trát bắt ông Yanukovych.
Các nghị sỹ đã bỏ phiếu truất chức ông Yanukovych hôm thứ Bảy tuần trước. Hiện chưa rõ ông đang ở đâu, nhưng có tin hôm Chủ nhật ông đã có mặt ở bán đảo Crimea.

Nga đã triệu hồi đại sứ của mình từ Ukraine về nước để tham vấn.
Tình trạng bất ổn ở Ukraine bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái khi ông Yanukovych bác một thỏa thuận thương mại giữa Ukraine và EU để đổi lấy quan hệ thân cận hơn với Nga.
Ông Medvedev được các hãng tin Nga dẫn lời nói rằng các nước phương Tây đã sai lầm khi chấp nhận chính quyền mới của Ukraine.
Ông nói: "Tính hợp pháp của cả một loạt các cơ quan chính quyền đang gây ra nhiều nghi vấn".
"Một số đối tác phương Tây của chúng ta không nghĩ như vậy. Đây là suy nghĩ sai lầm khi người ta gọi kết quả của một cuộc binh biến bằng vũ trang là hợp pháp".
Ông Medvedev nói thêm: "Chúng tôi không hiểu điều gì đang xảy ra ở đó. Đang có đe dọa thực sự cho quyền lợi cũng như cho tính mạng các công dân của chúng ta".

'Thiếu cơ sở'
Bộ Ngoại giao Ukraine nhanh chóng phản hồi ý kiến của ông Medvedev về công dân Nga tại Ukraine, nói rằng các quan ngại của ông là "không có cơ sở".
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga đã ra một thông cáo lời lẽ cứng rắn nói đã có sự "thay đổi chính quyền bằng vũ lực" ở Ukraine và cáo buộc rằng các lãnh đạo lâm thời ở đây đã ra các điều luật mới nhằm "vi phạm quyền nhân đạo của người Nga cũng như các sắc tộc thiểu số khác".
Thông cáo viết: "Đã có kế hoạch để đàn áp người bất đồng tại một số khu vực ở Ukraine bằng các biện pháp độc tài, thậm chí đôi khi là khủng bố".
Tuy nhiên bộ này không đưa thêm chi tiết.

Hôm Chủ nhật 23/2, Quốc hội Ukraine đã giảm mức quan trọng của tiếng Nga bằng việc hủy bỏ một điều luật mà ông Yanukovych khởi xướng.
Trong khi đó, lãnh đạo đối ngoại của EU Catherine Ashton đã tới Kiev để thảo luận hỗ trợ tài chính và chính trị cho các lãnh đạo mới của Ukraine.
Ukraine hiện nay đang đối diện nguy cơ phá sản và khả năng Nga cắt khoản cho vay đã hứa là rất lớn.
Bà Ashton đã tới thăm Quảng trường Độc lập, nơi xảy ra các vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát, đồng thời có cuộc gặp với Tổng thống tạm quyền Olexander Turchynov.
Cũng hôm thứ Hai 24/2, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gọi điện cho người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin để kêu gọi chuyển giao hòa bình ở Ukraine.
Thông cáo từ văn phòng ông Hollande nói ông nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc bảo đảm đoàn kết và toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraine.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã đưa các thông điệp tương tự tới ông Putin.

Hôm 24/2, Hoa Kỳ nói sẵn sàng ủng hộ tài chính cho Ukraine thêm vào các khoản vay mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hứa.
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền Arsen Avakov thông báo trên Facebook rằng một vụ điều tra hình sự đã được mở đối với ông Yanukovych và một số quan chức khác vì tội "sát hại hàng loạt người dân hòa bình".
Ông nói lần cuối ông Yanukovych xuất hiện là tại Balaklava trên bán đảo Crimea vào hôm Chủ nhật.
Crimea là khu vực tự trị nơi phần đông dân số nói tiếng Nga.
Tại khu vực này cũng như một số khu vực thân Nga ở miền đông Ukraine đã có các cuộc biểu tình phản đối việc lật đổ ông Yanukovych, gây lo ngại rằng Ukraine có thể bị chia rẽ vì phong trào ly khai.
Giới chính trị gia Ukraine đặt mục tiêu hình thành chính phủ mới vào thứ Ba này.

Cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko, người được trả tự do hôm thứ Bảy, đã bác bỏ thông tin bà sẽ trở thành thủ tướng. Đảng Tổ quốc của bà nói bà đã nhận lời đi Đức chữa bệnh.
Bộ y tế Ukraine nói 88 người, đa số là người biểu tình chống Yanukovych nhưng cũng có nhân viên cảnh sát, đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ cuối tuần qua.
Hàng nghìn người vẫn còn trụ lại Quảng trường Độc lập, còn gọi là Maidan.


--------------------------------





No comments:

Post a Comment

View My Stats