Saturday, 8 February 2014

NĂM CỦA NHÂN QUYỀN (Trần Khải - Việt Báo)




02/09/2014

Chúng ta có thể tin rằng, năm 2014 sẽ là năm của ý nghĩa nhân quyền được hầu hết người dân trong nước ý thức và đòi hỏi.

Một thời nhân quyền là cái gì bị chính phủ Hà Nội quy chụp là đòn phép tư bản, bây giờ chính ngay cơ quan thông tấn nhà nước cũng phải công nhận rằng người dân có những quyền như thế, và khi đọc các bản tin nhà nước người dân có thể tự so sánh với thực tế để suy nghĩ. Bất kể ngôn ngữ tuyên truyền trong các bản tin, người dân trong nước khi đọc các cam kết quốc tế từ phía nhà nước VN như thế, cũng là một tỉnh thức rằng mình có tờ vé số độc đắc trong túi mà chính phủ đã ém bao lâu nay, không chịu đưa tiền ra.

Thí dụ như bản tin tựa đề “Việt Nam bảo vệ hồ sơ nhân quyền tại Geneva” của thông tấn Báo Tin Tức/TTXVN hôm 5-2-2014, có viết, trích:

“Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, ngày 5/2, Việt Nam đã chính thức bảo vệ hồ sơ nhân quyền trước Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR)...

...Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người như: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin; quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; quyền của người đang chấp hành án phạt tù, người bị tạm giam, tạm giữ đề điều tra; quyền kinh tế, xã hội và văn hóa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Việt Nam luôn coi trọng xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới...”(
hết trích)

Người dân trong nước đọc bản tin này, mới biết rằng nhà nước có cam kết bảo vệ các quyền tự do như thế, mới ý thức rằng mình có tờ vé số độc đắc nhân quyền như thế, nhưng chính phủ này chưa chịu cho dân lãnh tiền.

Và như thế, người dân đọc xong bản tin nhà nước, có thể tự hỏi rằng thực sự là tự do ngôn luận ở đâu, khi tất cả những phát biểu về Hoàng Sa đề bị ngăn chận; rằng tự do báo chí ở đâu khi chẳng hề có báo chí tư nhân; rằng tự do thông tin ở đâu khi các trang blog liên tục bị theo dõi và tin tặc tấn công; rằng tự do tôn giáo ở đâu khi Hội Đồng Công Luật Bia Sơn bị quy chụp âm mưu lật đổ nhà nước chỉ vì dựng một trang trại tu thiền ở góc núi Phú Yên, và vân vân.

Từ chỗ người dân ý thức rằng nhà nước Hà Nội đang nợ người dân các quyền làm người như thế, và Liên Hiệp Quốc  đang giám sát việc thực thi các quyền như thế... cho tới chỗ người dân tăng áp lực đòi hỏi tất nhiên là còn xa. Nhưng ý thức như thế, biết rằng chính phủ nợ người dân các quyền làm người như thế... cũng là một bước chuyển đổi nhận thức rất lớn, vì đã ra ngoàì tầm suy nghĩ “ơn Đảng, ơn Bác” -- để dẫn tới chỗ nhận ra rằng, chính phủ này mang nợ việc bảo đảm nhân quyền cho dân.

Một điều may mắn nữa, các nhà hoạt động nhân quyền thế hệ trẻ đang có những bước đi kỳ diệu, khi từ quốc nội đã dùng nhiều phương cách để ra tới Geneva, chất vấn nhà nước Hà Nội về việc mang nợ nhân quyền đối với toàn dân.

Đây cũng là hiện tượng đầu tiên trong lịch sử quê nhà: một thế hệ trẻ có đủ kiến thức và kỹ năng, có đủ ý thức về nhân quyền và thừa kiên tâm để đòi hỏi các quyền này cho toàn dân, biết tận dụng khéo léo các cơ hội ngoạị giao để nêu lên ý thức cho toàn dân và trình bày với quốc tế về một  hiện thực nhân quyền u ám đang diễn ra tại VN.

Lần đầu tiên, nhà nước VN bị giới trẻ níu áo, lôi ra trước tòa án dư luận quốc tế để hỏi tội nhân quyền. Hình ảnh này lần đầu tiên có được như thế phảỉ là kỳ công, là kết quả hoạt động nhiều năm của nhiều giới, nhiều người...

Trong khi đó, các nhà hoạt động đang bị giam trong tù vẫn kiên tâm.

Bác Trần Văn Huỳnh trong bài viết tựa đề “Nhân Quyền Hội” đã kể về chuyến thăm anh Trần Huỳnh Duy Thức, tuy trong tù anh vẫn kiên tâm tin tưởng vào hướng đi tất thắng của nhân quyền. Bài viết này trích:

“Trời tờ mờ sáng mùng 4 Tết Giáp Ngọ, gia đình tôi khởi hành chuyến đi thăm anh Thức theo lịch thăm hàng tháng. Thời tiết năm nay lạnh khác thường khiến chúng tôi càng nhớ nhiều đến những người thân xa nhà. Mong rằng xuân sau gia đình sẽ được đoàn tụ cùng nhau.

Chúng tôi có mặt tại trại giam khoảng 9h sáng. Thật bất ngờ hơn những lần trước là lần này vừa vào đã thấy anh đang chờ sẵn, vẫy vẫy tay với mọi người, cười rất tươi trông anh thật hạnh phúc.

Sau khi thăm hỏi mọi người đặc biệt là ba, như mọi năm, anh đọc bài thơ khai bút đầu xuân mà anh đã làm lúc giao thừa cho cả nhà nghe:

“NHÂN QUYỀN HỘI THIÊN THỜI KHỞI ĐỘNG
PHÁP QUYỀN TÔN VẬN THẾ CANH TÂN
DÂN CHỦ BỪNG VIỆT NAM HIỂN THÁI
THỊNH VƯỢNG KÊU THUỶ CỬ CẦU HIỀN”


Anh nói: “Năm 2014 sẽ có nhiều thay đổi lớn. Sự thay đổi của Việt Nam bắt đầu từ sự sụp đổ kinh tế, dẫn đến bất ổn xã hội buộc phải thay đổi chính trị. Nó sẽ được thay đổi nếu như các lực lượng tiến bộ trong xã hội liên kết lại để tạo ra sức mạnh dân tộc, bất kể đó là những người cộng sản cấp tiến, những trí thức nhân tài ngoài đảng cả trong và ngoài nước, không phân biệt chính kiến, đảng phái.”

Khi cả nhà trao đổi với anh, tình hình kinh tế trong năm nay rất ảm đạm, sức mua sức bán giảm sút, thất nghiệp ngày càng tăng, đời sống người dân ngày càng khó khăn. Anh nói hết năm 2014 và 2015 thì kinh tế sẽ phát triển. Vấn đề cần giải quyết là hiệu suất lao động. Và giải pháp duy nhất là quyền con người.

Nền kinh tế sẽ diễn ra theo mô hình chữ V hay chữ U chỉ khi đặt quyền con người vào đúng vị trí của nó trong xã hội. Còn hiện nay mô hình đó diễn ra theo hình chữ L. Nếu có chính sách tốt sẽ kéo được độ tăng trưởng lên. Như vậy để có sự tăng trưởng mong muốn không có giải pháp nào hơn chính là tôn trọng quyền con người và bảo đảm vị trí của nó thì khi đó sức mạnh của người dân mới phát huy được tối đa và tạo động lực cho sự phát triển của đất nước...”(
hết trích)

Tương tự, cũng từ trong tù, nhà giáo Đinh Đăng Định đã gửi ra Lời Chúc Dân Chủ qua con gái là cô Đinh Phương Thảo phổ biến trên mạng Dân Làm Báo. Thư viết:

“Con/em là Đinh Phương Thảo con gái của thầy giáo Đinh Đăng Định. Bố của con/ em hiện đang đối mặt với bệnh hiểm nghèo, cuộc sống dường như chỉ còn được đếm từng ngày... Nhưng ông vẫn giữ được niềm lạc quan.

Ngày mùng 3 tết Giáp Ngọ (tức 02/02/2014), con/em cùng mẹ đi thăm bố ở trại giam An Phước, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Từ trại giam, thầy giáo Định gửi lời chúc Xuân Giáp Ngọ đến cộng đồng. Nay con/ em kính nhờ quý báo đăng tải lời chúc của bố con/ em. Con/em chân thành cảm ơn quý báo.

Nguyên văn lời chúc như sau:

Bể thảm mênh mông sóng ngợp trời
Khách trần chèo một lá chuyền chơi
Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió
Coi lại cùng trong bể thảm thôi.


Đoàn Như Khuê

Xuân Giáp Ngọ.

Nhà giáo Đinh Đăng Định gửi ra cuộc đời lời chúc xuân an lành hạnh phúc.

Tôi cám ơn tất cả cộng động xã hội đã và đang quan tâm tới bệnh tình và hồ sơ án của tôi.

Hẹn ngày gặp lại cộng đồng trong không khí xuân không cạn của đất trời Việt Nam.

Kính.

Nhà giáo: Đinh Đăng Định(35 S)

Chú Thích: 35S là danh số phạm nhân của thầy giáo Định ở trại giam An Phước.


Một lời nhờ vả nữa của con/ em, cũng mong được quý báo chiếu cố.

Tất cả anh em trong trại đều dành cho thầy giáo Định những tình cảm quý mến, chia sẻ thân tình. Đặc biệt, bác Trần Công (người mà chúng ta quen với tên gọi Phan Văn Thu, án chung thân trong vụ án hội đồng công án công luật Bia Sơn) đã tặng cho thầy giáo Định 4 câu thơ sau:

Đinh đế hồng kinh bửu
Đăng chiếu pháp quang minh
Định thần cơ xuất chúng
Nhân thế kiến phúc vinh.


Nguyện vọng của bác ấy là 4 câu thơ này được đăng lên mạng...”(
hết trích)

Trong khi anh Trần Huỳnh Duy Thức và nhà giáo Đinh Đăng Định bị giam vì hoạt động nhân quyền, bác Trần Công (Phan Văn Thu) bị giam vì bày tỏ tín ngưỡng Công Luật Bia Sơn – tât cả đều kiên tâm, lạc quan.

Hẳn đây là dấu hiệu cho một năm mới phải có chuyển biến về nhân quyền. Bao giờ cả nước đứng lên đòi hỏi nhân quyền, những gì mà nhà nước Hà Nội cam kết thực thi? Chỉ sớm hay muộn thôi.


No comments:

Post a Comment

View My Stats