Saturday, 8 February 2014

CHÍNH TRỊ LÀ PHÂN BỔ LỢI TỨC (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
Friday, February 07, 2014 7:37:36 PM

Về cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan bàn trong bài trước, mục này nhận xét rằng động cơ chính yếu đằng sau cuộc tranh chấp giữa chính phủ Yungluck Shinawatra và đảng đối lập là những quyền lợi xung đột giữa nông dân miền Bắc và Ðông Bắc với giới trung lưu ở các thành phố và ở phía Nam Thái Lan.

Ðảng Dân Chủ tổ chức biểu tình và tẩy chay bầu cử, họ nhấn mạnh vào lý do chống một băng đảng từng lạm dụng quyền hành để tham nhũng. Ðảng cầm quyền Pheu Thai tố cáo phe đối lập không tôn trọng kết quả cuộc bỏ phiếu của dân chúng. Cả hai đảng không nói ra một sự thật là họ được hai khối cử tri khác nhau ủng hộ.

Chính sách nâng cao đời sống nông dân của cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra mà bà em, đương kim Thủ Tướng Yungluck, vẫn theo đuổi, là một chính sách “tái phân bố lợi tức,” dùng tiền đóng thuế của những người dân thành phố chuyển về dùng cho các cử tri ở nông thôn.

Nông dân ở Thái Lan đi chậm hơn dân thành thị trên tiến trình hiện đại hóa quốc gia, và nói riêng trong quá trình phát triển kinh tế, trong hai thế kỷ qua. Công nghiệp tập trung ở các khu đô thị. Guồng máy hành chánh cũng vậy. Tự nhiên, lợi tức của người dân ở các vùng này cao hơn người sống ở nông thôn. Từ năm 2001, ông Thaksin thi hành nhiều chương trình cải thiện đời sống nông dân, tức là dùng công quỹ chi cho nền y tế, giáo dục, cho nhà nông vay tiền đầu tư, vân vân, cho nên nông dân ở một số vùng trở nên những “đệ tử trung thành” của đảng chính trị do ông lập ra là Thai Rat Thai, hoặc đứng đằng sau cho người khác lập, là Pheu Thai.

Những người ủng hộ ông Thaksin tạo thành lực lượng “áo đỏ” bảo vệ các đảng này. Những người đối lập nhắm vào những vụ lạm dụng quyền hành để làm giàu của vợ chồng con cái ông Thaksin Shinawatra và các vụ tham nhũng trong chính quyền. Nhưng họ không chống các chương trình xã hội, kinh tế ở nông thôn mà ông Thaksin đề xướng. Người dân trung lưu ở đô thị có thể đồng ý với các chương trình chuyển tài sản, tiền bạc về cho nông dân hưởng, nhưng không chấp nhận có người vừa làm công việc đó vừa nhân cơ hội tích lũy tài sản cho riêng mình và cho chân tay bộ hạ của mình. Nhưng đa số nông dân chất phác không am hiểu mấy về các mánh khóe lợi dụng luật pháp để tránh đóng thuế, các vụ mua bán đất công dành ưu đãi cho một số người, cũng như các vụ chuyển tài sản ngoắt ngoéo của giới thượng lưu ở thủ đô. Họ chỉ biết rằng dưới quyền ông Thaksin tiền bạc đã được chuyển từ Bangkock xuống các làng xóm. Mà đó là một điều mà những chính quyền trước đó chưa thực hiện. Bởi vì các nhà chính trị không nhìn thấy một nhiệm vụ của chính quyền là phân bố tài sản, lợi tức chung của quốc gia, làm sao cho nhiều người được hưởng đồng đều hơn.

Ở đâu cũng thế, cơ cấu chính trị bao hàm những phương cách để chia của cải, lợi tức quốc gia cho các thành phần dân chúng. Chính sách của người cầm quyền thường tạo ra hậu quả “phân bố lợi tức quốc gia” dù người ta chính thức nói ra hay không. Các chính quyền độc tài quyết định phân bố lợi tức của quốc dân theo chương trình riêng của họ, một số dân được hưởng nhiều hơn, một số khác phải nhịn bớt. Ở các nước tự do dân chủ, người dân được góp ý kiến và lựa chọn. Nhưng sau các cuộc bầu cử thì những người lên cầm quyền cũng thực hiện những chương trình “tái phân bố lợi tức,” mặc dù họ biện minh rằng các chương trình đó tạo ích lợi chung cho tất cả mọi người dân. Các cuộc nội chiến và cách mạng thường cũng nhắm “tái phân bố lợi tức.”

Hiện tượng này thực ra không đáng ngạc nhiên. Công việc bình thường nhất của một guồng máy nhà nước là đánh thuế, rồi dùng tiền thuế chi cho các công việc chung. Hệ thống thuế khóa thế nào cũng khiến một số người phải đóng góp cho công quỹ nhiều hơn người khác. Ngân sách chính phủ thế nào cũng giúp một số người được hưởng lợi ích hơn những người khác. Hai công việc thu và chi đó tự nhiên chuyển tài nguyên và lợi tức từ nhóm người này sang nhóm người khác; nói chung gọi là “phân bố lợi tức.”

Có thể quan sát đời sống chính trị bình thường ở một nước dân chủ là Hoa Kỳ để thấy hiện tượng“phân bố lợi tức.” Ðạo luật Nông Thôn (Farm Bill) mới được Quốc Hội Mỹ thông qua rõ ràng nhằm “phân bố lợi tức.” Những đạo luật Nông Thôn Farm Bill bắt đầu xuất hiện từ thời kinh tế khủng hoảng, thập niên 1930. Ðạo luật đầu tiên, năm 1936 nhằm giúp nhà nông đang gặp cảnh giá nông phẩm xuống thấp quá, chính phủ đứng ra mua các nông phẩm thặng dư, bồi hoàn tiền cho các nông trại ngưng không trồng trọt, và kèm theo một chương trình trợ cấp tiền mua thức ăn cho những người quá nghèo.
Chính sách này hiển nhiên dùng công quỹ, tức là tiền thuế do toàn dân đóng góp, cho một số người được hưởng. Dân chúng đồng ý với chính sách đó vì nó giúp giảm bớt cơn khủng hoảng kinh tế, ich1 lợi chung cho cả quốc gia. Chương trình trợ cấp thực phẩm trong đó sau mở rộng thành chương trình “phiếu thực phẩm” (food stamps). Nói đến các “nhà nông” ở Mỹ, chúng ta biết trong đó có cả những trại chủ lớn và các công ty nông nghiệp. Năm 1996, đạo luật Farm Bill mới đã bãi bỏ chính sách trợ cấp tiền cho nhà nông, thay bằng một chương trình bảo hiểm lợi tức nông sản, và chính phủ trợ cấp tiền đóng bảo hiểm cho giới nông dân. Từ năm 1938, đạo luật Nông Thôn cứ năm năm phải được quốc hội thảo luận lại và triển hạn. Vì thế, các nhóm cử tri được hưởng lợi nhờ Farm Bill luôn luôn vận đồng các đại biểu quốc hội để bảo vệ quyền lợi của họ.

Vì đạo luật Farm Bill có hai phần, vừa giúp nhà nông bảo đảm lợi tức, vừa trợ cấp thực phẩm cho người quá nghèo, các đạo luật này được hai nhóm cử tri theo dõi. Do đó, mỗi lần đến kỳ đạo luật cần gia hạn thì hai nhóm vận động và tạo áp lực trên các đại biểu quốc hội. Ðảng Cộng Hòa thường bênh vực quyền lợi của các nhà nông, đảng Dân Chủ bảo vệ lợi ích của những người hưởng phiếu thực phẩm. Mỗi cuộc thảo luận trong quốc hội phản ảnh các lợi ích của hai nhóm cử tri này, nhưng cả hai đảng đều công nhận số tiền chi tiêu ngày càng lớn, gần đây đã lên từ 70 tới 80 tỷ mỹ kim một năm. Năm 2008, đạo luật được Quốc Hội thông qua đã bị cựu Tổng Thống George W. Bush phủ quyết vì chi tiêu tốn quá, với 80% số tiền chi cho chương food stamps, nhưng Quốc Hội đã đủ phiếu bác bỏ quyết định của ông. Năm ngoái, 2013, hai viện Quốc Hội Mỹ biểu quyết hai dự luật Farm Bill khác nhau. Dự luật tại Thượng Viện cắt 15% trợ cấp cho các nhà nông có lợi tức hàng năm trên 750,000 đô la. Dự luật của Hạ Viện bỏ không nói gì đến chương trình food stamps. Cuối cùng, không thể thỏa hiệp được với nhau, cũng vì hai viện do hai đảng kiểm soát. Ðạo luật mới năm nay đã được Quốc Hội thông qua sau khi tìm cách thỏa hiệp, sẽ chi trung bình 100 tỷ đô la mỗi năm trong 10 năm tới, trợ cấp cho các nhà nông được bảo vệ, trong khi chương trình food stamps bị cắt 8 tỷ đô la trong 10 năm tới. Việc cắt giảm tiền food stamps chỉ ảnh hưởng đến 4% số người đang thụ hưởng.

Không cần phải nói, ai cũng biết các đạo luật Farm Bill ở Mỹ đều tái phân bố lợi tức quốc gia. Nhiều đại biểu Quốc Hội tìm cách giành thêm quyền lợi cho các cử tri đã bầu họ. Trong đạo luật Farm Bill mới thành hình, một nhóm cử tri được hưởng lợi là những nhà nuôi catfish, phần lớn ở các tiểu bang phía Nam nước Mỹ. Chỉ cần một số đại biểu Quốc Hội vận động đặc biệt cho họ, thuyết phục được đa số đồng viện. Ðạo luật mới chỉ thay đổi một điều, là chuyển công việc thử nghiệm loại cá tương tự như catfish sang cho Bộ Nông Nghiệp, thay vì xưa nay vẫn do Cơ quan Kiểm soát Thức phẩm và Dược phẩm (F.D.A.) phụ trách. Nhưng Nghị Sĩ John McCain, tiểu bang Arizona cho rằng mục tiêu của việc sửa đổi này là ngăn cản việc nhập cảng loại cá tương tự như catfish nhập cảng từ nhiều nước Á Châu, như Việt Nam. Vì Bộ Nông Nghiệp xưa nay vẫn chú ý bảo vệ quyền lợi các nhà nông, nhà nuôi tôm, cá nhiều hơn nhân viên của cơ quan F.D.A..

Qua hai câu chuyện ở Thái Lan và ở Mỹ, phải công nhận rằng sinh hoạt chính trị trong một quốc gia bao giờ cũng ảnh hưởng trên việc phân bố tài sản và lợi tức. Ở các nước dân chủ, các nhóm dân chúng giành phần hơn kém trong cuộc chạy đua này, qua lá phiếu cử những người đại diện cho họ. Mỗi nhóm đều cố giành phần lợi lớn nhất cho mình. Nhờ các định chế dân chủ có tính chất cân bằng và kiểm soát, và nhờ người dân được tự do phát biểu, tự do lập đảng và bàu cử tự do, cho nên các quyền lợi dễ được cân bằng. Ở các nước độc tài, chỉ có một nhóm người chiếm quyền phân chia của cải. Tất nhiên, chỉ một nhóm người được chia phần lớn hơn tất cả những người khác.



No comments:

Post a Comment

View My Stats