Trinity
Hồng Thuận
Nhà hoạt động nhân quyền, gửi cho BBC từ Hoa Kỳ
Cập nhật: 20:34 GMT - chủ nhật, 9 tháng 2,
2014
Cuộc
vận động nhân quyền nhân dịp sự kiện Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền
(UPR) 2014 của Liên Hợp Quốc diễn ra vừa qua ở Geneva đã tạo sự quan tâm rất
lớn về tình trạng chà đạp nhân quyền quá tồi tệ mà dân tộc Việt Nam đang phải
gánh chịu.
Biết trước là không thể chối cãi hay khỏa lấp các
chứng cớ quá hiển nhiên, Hà Nội chỉ còn cách đánh lạc hướng công luận.
Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Cộng sản
Việt Nam kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, trước kỳ kiểm điểm, đã đổ tội cho “những
thế lực xấu” cố tình xuyên tạc nỗ lực thực thi nhân quyền "quá hay"
của nhà nước.
Nói tiếp giùm ông Phạm Bình Minh, lại có người khai
triển luận điểm đó để cố bảo rằng: vì có đảng phái chính trị tham gia vào cuộc
vận động UPR nên Đảng CSVN đã thắng khi 'cuộc tranh đấu cho nhân quyền
"không còn chính nghĩa" nữa.
'Kết
quả khách quan'
Trước hết, hãy để cho các bằng chứng tự nói lên thực
tế của UPR 2014. So với UPR 2009, có 60 phái đoàn các quốc gia tham dự và sau
đó đưa ra 146 khuyến nghị đòi hỏi Hà Nội phải phúc đáp.
Đến UPR 2014, có đến 106 phái đoàn các quốc gia tham
dự để chất vấn phái đoàn Việt Nam, và sau đó đưa ra 227 khuyến nghị.
Chỉ nội các con số đó đã cho thấy tình trạng nhân
quyền tại Việt Nam không được cải thiện mà đang tồi tệ hơn 4 năm trước tới mức
nào.
Các chất vấn và khuyến nghị cũng không chung chung
nhưng đi rất sâu vào nhiều lãnh vực cụ thể như bãi bỏ án tử hình; tăng sự độc
lập của truyền thông, bao gồm việc cho phép truyền thông tư nhân; cải thiện
quyền tự do Internet; chấm dứt những hạn chế đối với quyền tự do phát biểu và
tụ họp ôn hòa; xây dựng chính sách đối thoại giữa chính phủ và các tổ chức xã
hội dân sự độc lập; sửa đổi bộ luật Hình sự và luật Tố tụng, đặc biệt xóa bỏ
những quy định không rõ ràng về an ninh quốc gia như các điều 79, 88, 258 dùng
để kết tội cho những tiếng nói bất đồng với chính phủ hay chính sách nhà
nước...
Nhà nước Việt Nam sẽ phải phúc đáp những khuyến nghị
này, chậm nhất vào kỳ họp thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào
tháng 6 năm 2014.
Như
vậy thắng hay thua?
Tính sổ tại điểm này theo kiểu thắng thua có lẽ là
cách nhìn quá hạn hẹp và không đủ nghiêm túc. Hiển nhiên các nhân chứng từ
trong nước và bà con ở hải ngoại tham gia vào các sinh hoạt vận động UPR không
ngây thơ đến nỗi nghĩ rằng một kỳ chất vấn này mà đủ để thay đổi tình trạng
nhân quyền tệ hại tại Việt Nam. Ai cũng biết chính người Việt Nam phải tranh
đấu trường kỳ và tạo áp lực từ mọi phía thì mới mong giành lại được các quyền
của mình. UPR chỉ là MỘT cơ hội tốt để (1) góp phần nhắc cả thế giới về sự thật
nhân quyền tại Việt Nam và nhắc họ nhớ phải nhìn xuyên qua những tuyên truyền
dối trá của Hà Nội để tiếp tục gia tăng áp lực; (2) góp phần thuyết phục đại
khối bà con chúng ta rằng các quyền con người là quyền đương nhiên của chúng
ta, không ai có thể ngăn cấm, ban phát, hay cướp đoạt.
Với quan niệm như vậy, thì không thể nhìn UPR như
một biến cố mang tính kết thúc để rồi gọi đó là thành hay bại. Còn nếu nhìn UPR
2014 như là một bước trong tiến trình đấu tranh của cả dân tộc thì hầu như mọi
mục tiêu của lực lượng dân chủ qua sự việc này đều đã đạt được rất tốt đẹp, từ
sự liên kết giữa nhiều thành phần đấu tranh quốc tế cũng như Việt Nam, đến sự
tiếp tay rất tích cực của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế với chúng ta, đến
các lời khuyến cáo thẳng thắn của các phái bộ đối với nhà nước Việt Nam tại
buổi chất vấn. Đặc biệt là sự bình thường hóa của một quá trình dân sự với sự
tham gia của nhiều thành phần quan tâm, trong đó có các anh chị em đến từ Việt
Nam.
Lại cũng có luận điểm khá kỳ lạ, từ góc nhìn
"thắng thua thua thắng" đó, rằng: người Việt hải ngoại đã đánh mất cơ
hội tạo điều kiện cho phái đoàn nhà nước Việt Nam lắng nghe nguyện vọng của
những người đang đấu tranh nhân quyền có mặt tại UPR. Ai có thể quên được thực
tế suốt hơn nửa thế kỷ qua lãnh đạo Đảng CSVN có bao giờ muốn lắng nghe nguyện
vọng của gần 90 triệu người Việt không, đặc biệt là những nguyện vọng về nhân
quyền? Không những vậy họ đã và đang làm gì với những người dân can đảm dám lên
tiếng về nhân quyền tại Việt Nam?
“Những
thế lực xấu”
Không phải bây giờ mà từ nhiều năm qua, nhà cầm
quyền Hà Nội luôn đổ tội những khó khăn, những thất bại kinh tế, chính trị, xã
hội, nhân quyền, văn hóa... là do các thế lực xấu, thù địch, phản động gây ra.
Cách đổ tội này không chỉ nhằm né tránh trách nhiệm
của giới lãnh đạo Hà Nội trước những lụn bại mà còn là cách để răn đe hàng ngũ
nội bộ đảng và dân chúng.
Đây là cách thức tinh vi để khoanh vùng, cô lập sự
liên lạc và phối hợp giữa các lực lượng, cá nhân yêu chuộng tự do, công lý với
khối quần chúng đang bị tước quyền trong xã hội.
Thực tế dưới chế độ độc tài hiện nay, mọi tập hợp,
sinh hoạt không được nhà nước cho phép đều bị dán nhãn là những "thế lực
xấu" bất kể đó là cá nhân hay tập hợp; bất kể mục tiêu là sinh hoạt tôn
giáo hay vận động cải đổi chính trị.
Trước kỳ kiểm điểm UPR, ông Phạm Bình Minh dùng nhãn
“những thế lực xấu” cũng không ngoài các mục tiêu nêu trên, vừa tự phủi trách
nhiệm về tình trạng nhân quyền quá tồi tệ tại Việt Nam vừa để răn đe sự hưởng
ứng của các nhân chứng từ Việt Nam cho kỳ UPR này cũng như các tố giác vi phạm
nhân quyền từ quần chúng Việt Nam nói chung.
Đảng
phái chính trị?
Việc cho rằng tập thể các nhà vận động nhân quyền
tại UPR 2014 bao gồm các anh chị em trong nước, các đồng bào hải ngoại, và các
tổ chức nhân quyền quốc tế đã đánh mất chính nghĩa và bị lợi dụng thành
"công cụ chính trị" chỉ vì có sự tham gia của các đảng phái chính trị
là một lập luận vừa lạc hậu trong thế kỷ 21 vừa hàm chứa nhiều ý đồ xấu.
Chúng ta lại phải trở lại với câu hỏi khá cơ bản về
"chính trị" hay "làm chính trị". Tham gia giải quyết mọi
vấn đề đang đối diện với đất nước đều là "làm chính trị". Vận động để
đổi thay thể chế đang cướp đoạt nhân quyền của dân tộc chắc chắn là "làm
chính trị". Thúc đẩy hình thành một xã hội có nhiều khuynh hướng để vừa
giữ cho đất nước phát triển quân bình, lành mạnh, vừa để cho người dân chọn phương
án nào hữu hiệu nhất cho đất nước hiển nhiên phải là "làm chính trị",
v.v... Có thể nói một
cách rốt ráo: người yêu nước mà không "làm chính trị" thì làm gì?!
Và nếu đã "làm chính trị vì đất nước" thì không thể làm một mình mà
mơ có kết quả lớn.
Chắc chắn người yêu nước phải kết lại với nhau thành
những tập hợp, tổ chức chính trị cùng mục tiêu. Và các tập hợp, tổ chức đó
đương nhiên phải cố gắng khai dụng mọi diễn đàn quốc tế như một trong số những
vũ khí để giành lại các quyền con người của dân tộc.
Đến thời đại Internet này thì chắc chỉ còn rất ít
người còn bị nhà cầm quyền Hà Nội tạo chia rẽ với thủ thuật đánh đồng mọi loại
"làm chính trị" như nhau và khích tướng với thủ thuật lo âu giùm
người khác "đừng để bị lợi dụng". Cả 2 ngụy biện này chỉ thể hiện sự
khinh rẻ trí khôn đối với người dân và các nhà hoạt động.
'Sự
có mặt của tất cả'
Xem ra con đường đến đích tự do, dân chủ, nhân quyền
vẫn còn khá dài trước mặt dân tộc chúng ta mà UPR 2014 chỉ mới là một thành quả
đáng kể, đặc biệt với sự nối liền của người Việt trong và ngoài nước, cũng như
người Việt với cộng đồng quốc tế tranh đấu cho nhân quyền.
Chúng ta có lẽ vẫn chưa có thể vui mừng tại điểm này
vì tình trạng nhân quyền tại Việt Nam vẫn đang đi xuống. Lại càng không thể xem
đây là chuyện "thắng thua thua thắng" như những trò chơi, những canh
bạc, hay những cuộc chạy đua giành ghế giữa một vài đảng phái như trong xã hội
phương Tây.
Đây
là nỗ lực đầy gian khổ của dân tộc Việt Nam để sống lại với đầy đủ giá trị của
những con người.
Con
đường tự giải phóng để canh tân đất nước này cần và đòi hỏi sự có mặt của TẤT
CẢ những người yêu nước.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành
văn của tác giả, một nhà hoạt động nhân quyền trẻ tuổi tại California, Hoa Kỳ,
thành viên của Đảng Việt Tân, đã tham dự vào cuộc vận động nhân quyền UPR tại
Geneva vừa qua.
Các
bài liên quan
No comments:
Post a Comment