Thứ bảy 01 Tháng Hai 2014
Đầu năm, khi đất trời vào xuân,
cũng là dịp để suy ngẫm lại những vấn đề về văn hóa. RFI đã phỏng vấn tiến sĩ
Phạm Chí Dũng, cũng là một nhà văn đồng thời còn là người có nhiều bài viết phê
bình về văn học nghệ thuật.
Nghe
(11:37) : Tiến sĩ Phạm Chí Dũng 01/02/2014
RFI : Thân chào tiến sĩ Phạm Chí Dũng, rất vui được tiếp chuyện anh nhân dịp
xuân về. Trước hết anh có thể cho biết cảm xúc của anh trong bầu không khí đầu
năm mới ?
Tiến
sĩ Phạm Chí Dũng : Rất khó tả, nhưng rõ rệt nhất là thiếu hẳn hương sắc mùa xuân. Làm sao có
thể vui nổi khi đây là cái Tết thứ ba liên tiếp tôi chứng kiến cảnh tượng hàng
vài chục ngàn công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất không có đủ tiền
mua vé tàu xe về quê ăn Tết. Với họ, đang xảy ra một nét văn hóa rất mới, có
thể gọi là “văn hóa tết cấm trại”. Tức phỏng theo một điều lệnh trong quân đội,
công nhân ở nguyên trong khu nhà trọ mà không dám bước ra đường vì chẳng có
tiền. Mà như vậy thì còn gì là tết?
Không khí đường phố cũng uể oải
và bải hoải. Chỉ sát Tết người dân mới có chút tiền để mua sắm, nhưng ở nhiều
tụ điểm mai và đào vẫn ế chỏng chơ. Khách hàng đã và đang quay lưng với thị
trường như một dạng văn hóa phủ nhận trong kinh doanh.
Đã đến lúc người dân không thể
mặc định sắc màu của nền văn hóa dân tộc như những báo cáo tô hồng của chính
phủ về nền kinh tế hay những nghị quyết của đảng về đường lối kiên định đi lên
chủ nghĩa xã hội đến hết thế kỷ 21. Hiện tại được dẫn dắt bởi quá khứ, và tương
lai lại được quyết định bởi những gì trong hiện tại.
Quá khứ đó, chúng ta thấy cái
gì? Năm 2013 chứng kiến những trận hôi của vĩ đại chưa từng thấy ở một số địa
phương, cuộc tranh cướp bánh sushi trong một nhà hàng ngay tại thủ đô, cho dù
không thể cho rằng tất cả những người tranh giành đều đói khát và đất nước cũng
chưa đến thời đói kém…
Những hiện tượng xã hội đó đang
góp phần triệt tiêu nhanh chóng khẩu hiệu của đảng “xây dựng nền văn hóa tiên
tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”. Tương tự, điều lạ lùng là trong mấy năm gần
đây, chẳng mấy cơ quan tuyên giáo và dân vận còn nhắc tới khẩu hiệu này. Vì sao
vậy? Đơn giản là thực tiễn đã trở nên tồi tệ đến mức giới chức đảng lẫn chính
quyền không thể cứ mãi tự ru ngủ mình và mị dân xã hội bằng những lý lẽ một
chiều đã bị thực tế bào mòn đến tận chân gốc. Dù luôn bị ăn sâu tâm lý thành
tích, ít nhất họ cũng phải tự rung động một nỗi xấu hổ tối thiểu nào đó chứ!
RFI : Những giá trị truyền thống của ông cha như « Giấy rách phải giữ lấy
lề », « Một câu nhịn chín câu lành »…dường như đã bị thay bằng sự vô cảm,
tâm lý mạnh được yếu thua. Ngày nào đọc báo cũng đều thấy những tin được gọi là
« cướp, hiếp, giết », người ta sẵn sàng chà đạp lên nhau, thậm chí mạng người
có thể bị mất đi vì những lý do rất nhỏ nhặt. Thưa anh, phải chăng đạo đức xã
hội đang rơi xuống tận đáy ?
Tiến
sĩ Phạm Chí Dũng : Khi xảy ra cái chết ở thẩm mỹ viện Cát Tường tại Hà Nội vào năm 2013, một
quan chức cao cấp ngành y tế đã phải thốt lên rằng đạo đức và y đức đã xuống
đến đáy. Nhưng tôi cho là tất cả vẫn chưa phải tồi tệ nhất. Cái tồi nhất nằm ở
phía trước, ở thì tương lai đầy sương mù và dưới vực thẳm, mà chế độ này và
phần lớn dân chúng vẫn chưa hình dung hết.
Phía trước ấy là một cuộc tha
hóa vĩ đại của toàn bộ nền văn hóa. Tuân theo quy luật vật chất quyết định ý
thức, kinh tế quyết định văn hóa và bất kỳ khi nào nền kinh tế lao vào hố sâu
khủng hoảng, đời sống sẽ trở nên thiếu thốn và đói kém đến mức một bộ phận dân
chúng sẵn sàng giết nhau để sinh nhai.
Lịch sử đã chứng minh hết sức
cận kề ở một quốc gia đông dân nhất thế giới, chính là Trung Quốc trong thời
Cách mạng văn hóa những năm 60 của thế kỷ trước. Khi đó có đến 30 triệu người
bị chết không chỉ bởi vô số cuộc thanh trừng, mà còn bởi đất nước này đã rơi
vào thảm trạng đói kém đến mức tại một số nơi người dân đã phải ăn nhau để cầm
hơi. Đó chính là điều tồi tệ phi nhân tính nhất, mà một nền văn hóa suy đồi đến
tận cùng có thể mang lại.
Năm 2013 đã trở nên một đặc tả
khá kinh khủng, trên bức tranh khốn quẫn của nền văn hóa đang lao dốc và còn
chưa tìm thấy đáy ở Việt Nam. Cùng với cái gọi là nền văn hóa tham nhũng chưa
từng thấy ở đất nước này, khắp nơi trong xã hội đã diễn ra cảnh cha con giết
nhau, vợ chồng giết nhau, thầy đánh trò và trò giết thầy, nạn cướp của và hiếp
dâm nổi lên khắp nơi. Cường hào ác bá cũng hoàn hành tàn lộng và bất chấp đạo
lý. Nhưng nghịch lý ghê gớm là kinh tế càng suy thoái, người giàu lại càng
giàu. Không biết bao nhiêu quan chức đã ních đầy túi và chỉ còn chờ chực cơ hội
biến khỏi tổ quốc nếu xảy ra động loạn…
Rồi một điều tất yếu phải xảy ra
là khi luật pháp không còn là mái nhà che chở cho người dân, chính nhân dân đã
phải làm thay luật pháp. Nạn tự xử đối với những kẻ trộm chó mèo diễn ra ở Nghệ
An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Ở Bắc Giang, khi vài người dân bị công an khởi tố bắt
giam vì đánh chết cẩu tặc, đã có đến 800 người dân khác đồng ký tên vào một bản
tuyên bố cùng nhận tội. Đó là cái gì? Một loại văn hóa phản kháng của người dân
đang phát tiết ngay trong lòng chế độ “của dân, do dân và vì dân”.
Tố chất văn hóa phản kháng đó
đã dẫn đến làn sóng chống người thi hành công vụ lan rộng một cách đầy tự phát
và bạo lực ở nhiều nơi. Không hiếm cảnh thanh niên đi đường và những người dân
“săn sóc” một cách đặc biệt đến hành vi của cảnh sát giao thông, bởi lực lượng
cảnh sát bị xem là đối tượng tham nhũng nhất quốc gia này càng ngày càng mang ý
nghĩa như một mồi lửa châm ngòi cho các cuộc xung đột tự phát và rất khó kềm
chế.
RFI : Thưa anh đầu năm thường nói chuyện vui, nhưng bức tranh thực tế xã hội
lại quá xám. Những cách hành xử của con người thường từ nền giáo dục mà người
đó được hấp thụ. Vậy thì theo anh trách nhiệm của ngành giáo dục đối với nền
văn hóa như thế nào ?
Tiến
sĩ Phạm Chí Dũng : Đóng góp không nhỏ vào sự xuống cấp của nền văn hóa là thực trạng lầy lội
và ô nhiễm nặng mùi của ngành giáo dục vẫn chưa hề được cải tạo. Tiên đề “Tiên
học lễ, hậu học văn” từ ngàn đời nay đã từ lâu bị phần lớn trường học biến
thành thảm trạng mà chúng ta nên nhận thức lại là “Tiên học phí, hậu học thêm”.
Có lẽ mệnh đề này mới nói lên tất cả cái thực trạng quay quắt đến mức khốn cùng
của môi trường giáo dục đào tạo và giới quan chức điều hành ngày nay.
Không khác gì thị trường bất
động sản, vài năm gần đây người ta đã phải dùng đến cụm từ “bong bóng đại học”
cho sự bùng nổ bội cung của hàng trăm trường đại học tư thục và dân lập từ Bắc
chí Nam. Nhưng ngược lại với đà tăng tiến theo cấp số nhân về số lượng các
trường đại học, cao đẳng và chương trình “đào tạo 20.000 tiến sĩ’ của nguyên Bộ
trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân và đời Bộ trưởng kế vị, chất lượng đào tạo
còn lâu mới làm nên một nền văn hóa xứng tầm với Thái Lan. Ít nhất là về tỉ lệ
công trình nghiên cứu được công bố trên đầu các tiến sĩ, cùng bài luận văn tả
cảnh các cô giáo bỏ nghề và học sinh vùng cao phải bắt chuột ăn thay cơm.
Tình trạng xuống cấp toàn diện
của giáo dục và văn hóa cũng khiến cho hiện tượng không có tác phẩm hay trong
văn học nghệ thuật trong suốt nhiều năm qua trở nên rất dễ lý giải trong đời
sống văn nghệ Việt Nam. Bất chấp các cuộc thi và trao giải thưởng đều đặn hàng
năm của các hội đoàn văn học và nghệ thuật nhà nước, vẫn không có lấy vài ba
tác phẩm trong lĩnh vực văn học, sân khấu, mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc… ghi dấu
ấn cho một tinh thần hồi tâm thành khẩn.
Hầu như tất cả đều nhàn nhạt,
nhòa nhạt và luôn đi sau hiện tồn nhức nhối của xã hội ít ra vài thập kỷ. Nhiều
nhà văn và nhà viết kịch đủ lòng tự trọng không còn cầm nổi bút, bởi tâm trạng
chán chường và thất vọng quá giới hạn cho phép. Chỉ còn một số người viết vì
cơm áo gạo tiền, hoặc làm cái gọi là “sáng tạo” vì các đơn đặt hàng và giải
thưởng từ Nhà nước. Không thể nói khác hơn, văn học nghệ thuật quốc doanh từ lâu
nay đã mang trên mình thiên chức văn hóa cộng sinh.
RFI : Khái niệm « văn hóa cộng sinh » mà anh vừa đề cập, có lẽ không thể loại
trừ giới quan chức, vì những lề thói đã ăn sâu vào họ ?
Tiến
sĩ Phạm Chí Dũng : Văn hóa gia đình, văn hóa trường học và văn hóa cộng đồng là ba rường cột
của một nền văn hóa. Nhưng một khi cả ba trụ cột ấy đều bị xâm hại một cách
trầm kha, thì không còn gì có thể cứu vãn nổi một nền văn hóa chính trị. Nhất
là khi nền văn hóa chính trị ấy lại bị ruỗng mục bởi thói vô cảm, vô trách
nhiệm và quá đậm đặc tố chất lợi ích nhóm của giới quan chức.
Vì thế, chúng ta có thể coi văn
hóa quan chức là thành tố thứ tư gây xâm hại đối với nền văn hóa Việt Nam đương
đại, nhưng đặc biệt hơn cả lại là nhân tố cộng sinh ưu tú nhất. Giới quan chức
đổ cho 70% doanh nghiệp chủ động đưa hối lộ, nhưng làm sao có thể lý giải sự
mâu thuẫn không thể chấp nhận được, giữa tỉ lệ “chỉ có 1% công chức yếu kém”
như báo cáo của chính quyền, với con số ít nhất 30% công chức “chủ động nhận
hối lộ” trong những kết quả khảo sát về tham nhũng?
Một cuộc khủng hoảng văn hóa
đang tăng tiến với gia tốc ngày càng gấp rút. Cuộc khủng hoảng ấy lại biến diễn
sang cuộc khủng hoảng niềm tin của người dân đối với xã hội, của công dân đối
với đất nước và cuối cùng là của người dân đối với chế độ. Những cuộc điều tra
xã hội học đã cho thấy niềm tin của giới trẻ vào đảng và chế độ sa sút khủng
khiếp, và trong giới trẻ giờ đây không còn cái gọi là lý tưởng nữa. Nếu có được
một cuộc khảo sát độc lập, người ta tin chắc rằng chỉ còn không đầy 10% trong
số lớp trẻ tin vào việc “nền văn hóa xã hội chủ nghĩa” có thể tôn tạo cho nền
văn hóa dân tộc.
Ngược lại, một chủ nghĩa văn
hóa phủ nhận đang hình thành và phát triển rất ghê gớm trong một số khá đông
lớp trẻ ở Việt Nam.
RFI : Về « chủ nghĩa văn hóa phủ nhận » như anh nói, theo anh lớp trẻ đang phủ
nhận những giá trị gì ?
Tiến
sĩ Phạm Chí Dũng : Phủ nhận những giá trị tinh thần, phủ nhận những giá trị truyền thống, và
phủ nhận với chính những thế hệ đi trước. Hiện tượng đó làm chúng ta nhớ lại
thế hệ mất mát, nảy sinh ở châu Âu trong vài thập kỷ sau cuộc chiến tranh thế
giới lần thứ hai. Cũng là suy thoái kinh tế trầm kha, cũng là cái nhìn về một
tương lai mơ hồ, cũng là tâm trạng đầy bất an và dễ nổi loạn.
Nhưng ở Việt Nam, điều nguy
hiểm hơn nhiều là cái tương lai như thế còn trở nên vô định bởi một nền chính
trị hủ hóa, cố chấp và luôn có nguy cơ gây nên hiệu ứng hạ cánh cứng. Từ đó sẽ
sinh đẻ vô số hậu quả trầm luân cho đời sống người dân, đặc biệt là dân nghèo.
Hơn bao giờ hết, đặc thù văn
hóa Việt Nam được quyết định bởi nội lực nền kinh tế và kế sinh tồn của mỗi
công dân. Trong giai đoạn “cất cánh” từ thời mở cửa kinh tế những năm 1990, chủ
nghĩa kiếm tiền và đầu cơ thượng hạng đã phủ trùm lên cả xã hội, để sau đó vào
thời kỳ suy thoái từ năm 2008 đến nay, điều được coi là “văn hóa đậm đà bản sắc
dân tộc” cũng bị suy mòn theo lý lịch không mấy trong sáng của đồng tiền.
Phía trước, màu đen khó che
giấu của của nền kinh tế đang chờ đón một khoảng trống chân không văn hóa, nơi
mà hố sâu bất bình đẳng xã hội sẽ sâu thẳm hơn bao giờ hết. Tâm lý chà đạp lẫn
nhau sẽ thổi bùng lên ngọn lửa tranh đấu cực kỳ tàn khốc giữa các giai tầng và
trong chính từng giai cấp, để cuối cùng bản thân nền văn hóa bị giẫm đạp đến
kiệt sức.
Không thể lạc quan về nền văn
hóa Việt trong năm 2014 và cả những năm sau đó, tôi cho rằng sự biến mất của
một nền chính trị đương thời còn dễ được chấp nhận hơn rất nhiều, so với những
mất mát của một nền văn hóa dân tộc mà người dân nước Việt có thể phải mất đến
nửa thế kỷ để phục hồi nó.
Rất nhiều người như tôi vẫn
ngày đêm dồn dập thổn thức trong lòng một câu hỏi đích đáng: Ai và những tác
nhân nào đã khiến cho nền văn hóa dân tộc suy đồi và suy vong ghê gớm đến thế?
Kẻ nào phải chịu trách nhiệm lịch sử về hậu quả quá đau đớn ấy?
RFI : Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã dành thì giờ để tâm tình
với thính giả RFI Việt ngữ trong những ngày đầu năm về những suy tư liên quan
đến nền văn hóa Việt.
No comments:
Post a Comment