Saturday 22 February 2014

BỐ CÓ CÒN LÀ CON NGƯỜI HAY KHÔNG? (Nguyễn Khắp Nơi)




NGUYỄN KHẮP NƠI

Nga chưa bao giờ được nghe bài quốc ca này, nên không biết đến lúc nào thì bài hát này chấm dứt, nhưng cô muốn bài hát này kéo dài ra nữa để cô có thể so sánh lời ca và nét nhạc với quốc ca nhưng không bao giờ nhắc tới việc bảo vệ tổ quốc mà cô đã phải học thuộc ở Viêt Nam. 

Tiếng người xướng ngôn viên lại vang lên: 
“Phút mặc niệm để tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, các đấng anh hùng liệt nữ đã có công gây dựng giang sơn và giữ vững bờ cõi. Phút mặc niệm để tưởng nhớ những Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh thân mình để bảo vệ cho sự độc lập tự do và sự vẹn toàn lãnh thổ của Miền Nam Việt Nam. Phút mặc niệm để tưởng nhớ dến những người Việt trên đường vượt thoát chế độ Cộng Sản phi nhân đã bỏ mình nơi rừng sâu nước độc hay trên biển cả mông mênh . . .” 

Nga thật sự là ngạc nhiên vì những lời nói này . . . từ ngày lớn lên, cô đã từng đi theo bố tham dự nhiểu buổi lễ của bộ đội, của nhà nước, nhưng chưa bao giờ Nga được nghe những lời nói nào nhắc tới hoặc được chứng kiến một buổi lễ tưởng niệm nào dành cho những người miền Bắc bị chết trong trận chiến mà những người Cộng Sản như bố của Nga cho là để thống nhất đất nước. Số người này, Nga đọc trong những trang web, có thể lên đến cả triệu người gồm cả bộ đội lẫn thường dân. Con số người chết nhiều như vậy nhưng chưa hề được bất cứ ai nhắc nhở tới, mà Nga chỉ nghe nhắc nhở tới việc bảo vệ đảng, sự vững mạnh của đảng Cộng sản, sự đoàn kết nhất trí theo sự lãnh đạo của đảng mà thôi.

Buổi lễ chào cờ mà Nga may mắn được tham dự chỉ là buổi chào cờ của hội chợ tết mà còn trang nghiêm, còn có lời tưởng niệm bi hùng như vậy, thì chắc là buổi lễ chính thức để tưởng nhớ những người Lính Cộng Hòa, những người Dân Miền Nam, chắc là còn trang nghiêm, còn bi hùng gấp mấy lần buổi lễ này. 

Gần đến ngày nhập học, các hướng dẫn viên của khóa học đã tổ chức buỗi họp mặt để giới thiệu trường lớp, giáo sự và sinh viên mới cũng như cũ với nhau để quen biết và hiểu rõ về cách thức giảng dậy và tham khảo tài liệu của nhà trưởng, gọi là “Open day”. Buổi sinh hoạt này không phải chỉ dành cho những sinh viên du học như Nga, mà còn dành cho những sinh viên sinh để ngay tại nước Úc lần đầu tiên bước vào ngưỡng cửa Đại Học. Con số sinh viên tham dự buổi hội thảo thật là đông đảo, đủ các sắc dân, lần đầu tiên trong đời Nga được nhìn thấy những con người khác nhau: Da Vàng, Da Đen, Da Nâu, Da Trắng . . . Tóc Vàng, Tóc Đỏ, Tóc Đen, Tóc Nâu, Tóc Bạch Kim và Tóc Quăn tít . . .

Lần đầu tiên xa nhà, lại đi đến một quốc gia khác với một ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt để học, ngồi giữ đám đông trong giảng đường rộng thênh thang, Nga thấy mình thật bơ vơ lạc lõng, không dám nhìn ai, không dám nói gì với ai, chỉ cố gắng lắng nghe mọi người chung quanh nói chuyện với nhau để tập nghe và để hiểu mà thôi. Ngồi bên phải của Nga là một cô gái tóc đen giống như Nga, không biết cô ta có phải là người Việt giống như mình hay không, hay là dân của xứ nào khác, nhìn mặt cô cũng bỡ ngỡ co mình ngồi gọn lỏn trong trong chiếc ghế, mắt mở lớn ra mà nhìn chung quanh một cách thích thú nhưng cũng thật là e dè. Bên trái của Nga là một chàng trẻ tuổi tóc vàng hoe, anh chàng ngồi mà cao cứ như là một người nào đó đang quỳ ở trên ghế, mặt chàng cũng lớ ngớ, mắt chàng cũng nhin quanh cười vu vơ . . . 

Nga mỉm cười một mình:
“Thì ra toàn là những thứ láo ngáo sinh viên du học . . . ai cũng xa nhà . . . ai cũng cô đơn đồng cảnh ngộ như mình cả . . .” 

Nhìn họ, Nga tự nhiên thấy gần gũi với họ hơn, thông cảm với họ hơn . . . và tự nhiên Nga cảm thấy họ mới là những người bạn của mình. Đang thả tầm mắt nhìn quanh và mải mê suy nghĩ, chợt Nga nghe hình như có tiếng ai nói nho nhỏ bên tai: 
“What did he say . . .?” 

Nga ngạc nhiên nhìn lại, hóa ra người trẻ tuổi tóc vàng kế bên, mắt anh ta đang chăm chú liếc nhìn lên bục giảng, nơi người giói thiệu chương trình đang nói, đầu của anh ta thì nghiêng về phía Nga mà hỏi nhỏ: 
“I can’t cach up with her English . . . Can you hear what did he say? “ 

Nga cũng chưa nghe được gì cả, nên vội vàng lắng nghe . . . cả giảng đường đang ồn ào cũng tự động im lặng nhìn người xướng ngôn viên và lắng nghe . . . . . . chắc là chưa ai kịp nghe hoặc là chưa ai kịp hiểu ông ta đã nói gì. Ông xướng ngôn viên nhìn toàn thể giảng đường rồi mỉm cười, chắc là ông đã quen với hoàn cảnh như vậy, nên ông lại bắt đầu nói tiếp: 
“G’ Day” 

Giọng của ông nghe ồm ồm, ông lại nói nhanh và ngắn nữa, nên cả giảng đường vẫn có vẻ chưa hiểu, vẫn im lặng lắng nghe . . . 

Ông lại mỉm cười, lần này ông nói chậm hơn: 
“GOOD DAAYYY . . . When you see an English or and American, they will greeting you . . . GOOD MORNING . . . GOOD AFTER NOON . . . but when you come to Australia, the Australian will greeting you . . . GOOD DAAYYY . . . And I just said GOOD DAY to you . . . what would you say back to me and to the one sit next to you?” 

Bây giờ tất cả mọi người mới kịp nghe và hiểu ông ta nói gì, thế là mọi người cười ồ lên thích thú và cùng nhau chào lại ông ta: 
“GOOD DAY . . . GOOD DAY . . . GOOD DAY . . . “ 

Tôi nhìn lại người bạn tóc vàng, anh ta đã hiểu và đang vui vẻ chào Good Day với tôi. Tôi nhìn qua bên phải, cô gái tóc đen cũng đang nhìn tôi cười và chào Good Day. Cả đám bát nháo Trắng Đen Đỏ Vàng, thoạt nhìn thì thấy thật là khác biệt, không thể trộn lẫn được, nhưng khi đứng cạnh nhau, ngồi chung băng ghế với nhau thì lại rất dễ nói chuyện với nhau, rất dễ thông cảm vói nhau và cùng hòa đồng lại thành một mối. 

Người xướng ngôn viên bây giờ mới tự giới thiệu, ông tên John, điều hợp viên của chương trình du học của trường Đại Học RMIT. Ông giới thiệu sơ qua về lịch sử thành lập của trường, cách thức giảng bài, ghi bài, tiếp xúc với Giáo Sư, mượn sách của thư viện . . . Ông giải thích rõ ràng, cách học ở Đại Học khác hẳn với cách học ở Trung Hoc: Giáo Sư cho bài học, giảng những điều cần thiết rồi cho bài tập, các bạn phải lắng nghe và đi mượn sách ở thư viện để đọc thêm. Nếu các bạn chưa hiểu rõ, các bạn có thể xin gặp giáo sư để nghe giảng thêm, và cách tốt nhất là các bạn lập ra từng nhóm nhỏ để cùng thảo luận với nhau, vừa có bạn bè vừa hiểu thêm bài học. 

Hết phần thảo luận, chúng tôi có mười phút giải lao rồi mới đi thăm chung quanh trường. Cả ba đứa chúng tôi tụm lại tự giới thiệu tên để làm quen với nhau: 

-“My name is Nga, from Vietnam, please to meet you.” 

-“I am Tony, from St Peterberg, Russia, please to meet you.” 

-“Ah! you’re from Russia, you should know Staline and Lenin better than us.” 

-“Sure, we knew them well, it why we chucked them to the bin and changed our city’ name from Stalinegrad to our beloved name St Petersburg. Your Vietnamese people should follow us to change your city’ name from Ho Chi Minh back to Saigon.” 

-“Yes, we will do it when time is up.” 

-“My name is Kyung Mi, from South Korea. My country is still separated into to part: The North with Communist party, a country full of advanced technology and well developed economic . . . but in paper only, and The South full of freedom and happiness.” 

Thế là chúng tôi quen nhau, cùng học, cùng vui cuộc đời sinh viên xa nhà . . . sau khi ổn định công việc học, tôi đã thu xếp để xin một công việc tạm thời ở một tiệm bán phở vào những giờ không phài đến trường, với hy vọng là tự sinh sống chứ không trông nhờ vào đồng tiền của bố tôi gởi qua.Tôi thật sự không hiểu tại sao khi báo tin mừng này cho bố tôi thì bố lại có vẻ không bằng lòng: 

-“Con là con của bố mà tại sao lại phải đi làm công việc rửa chén bưng đồ ăn cho người ta. Con không cần phải làm gì cả, bố sẽ gởi tiền qua cho con sinh sống, mua nhà cho con ở, mua xe hơi cho con đi học. Con chỉ cần học cho giỏi thôi, mọi việc bố sẽ lo hết.” 

-“Con tưởng rằng, đối với Cộng sản . . . Lao động là vinh quang . . . con đi làm lao động, sao bố lại không đồng ý? Hơn nữa, con phải học cách sống tự lập chứ đâu phải lúc nào cũng trông nhờ vào bố. Bây giờ con chưa có tiền, chỉ xin nhờ bố giúp đóng tiền học thôi, khi nào ra trường đi làm, con sẽ hoàn lại tiền cho bố. Con không muốn mua nhà, mua xe hơi đâu . . . con không cần những thứ đó đâu bố ơi.” 

-“Con cứ đứng tên mua nhà, mua xe . . . dùm cho bố . . . để mai mốt đây . . . bố về hưu . . . bố sẽ sang ở với con . . .”

Cuối năm đó, vào dịp nghi hè, Nga đã tự mua vé máy bay về thăm bố. Mới xa nhà có gần một năm thôi, nhưng cô cảm thấy lạc lõng với đời sống ở Việt Nam với đám Công an đầy dẫy ngoài đường phố, chỉ chờ dịp là bắt người, tạo ra đủ thứ tội cho người dân, để . . . đòi tiền phạt. Ở bên Úc, Nga hiếm khi thấy một người cảnh sát ở ngoài đường. Mỗi lần phải vào một cơ quan nhà nước, cô thấy toàn những gương mặt khó đăm đăm nói năng cắm cẳn, trịch thượng và không bao giờ hỏi người khác có cần giúp điều chi hay không? Trong khi Nga chỉ là một sinh viên du học thôi, mà mỗi lần vào thư viện, cô chưa kịp hỏi mượn sách thì nhân viên thư viện đã tươi cười hỏi
:
“Can I help you?” 

Và họ giúp Nga đến nơi đến chốn, dù cô có hỏi họ bao nhiêu câu hỏi đi nữa. Nga tự hỏi . . . đến khi nào thì những người làm việc cho nhà nước ở Việt Nam mới có thái độ phục vụ người dân như vậy? Khi học xong rồi, về nước, Nga có giúp gì cho người dân của mình hay không? 

Nga có hỏi bố về công việc làm: 
“Bố hiện tại có còn phải làm những việc kỳ lạ để kiếm tiền cho đảng, cho nhà nước hay không? Khi nào bố muốn qua Úc thăm con, con sẽ mua vé máy bay cho bố qua.” 

Bố của Nga trả lời một cách vui vẻ: 
“Bố chỉ làm công việc của một người đảng viên mà thôi . . . bố già rồi, chẳng muốn đi đâu hết . . .” 

Thấm thoắt đã bốn năm trời xa xứ . . . Nga đã tốt nghiệp đại học và đang nộp đơn xin đi làm và xin ở lại Úc. 

Buổi sáng hôm đó, tôi đang sửa soạn vào trường thì có ai đó bấm chuông nhà tôi. Mở cửa ra, tôi thấy có một toán người trẻ tuổi, trong đó có một cô tóc đen, cô ta chào tôi và nói bằng tiếng Việt: 
-“Chào cô, tôi là thông dịch viên của Cảnh sát, chúng tôi có giấy của Tòa án cho phép đến gặp cô, nói chuyện về cha của cô là ông Hoàng Phủ Doãn.” 

Tôi tưởng là vì tôi đang xin phép ở lại Úc, hoặc là bố tôi nộp đơn xin du lịch qua Úc, nên Bộ Di Trú mới đến điều tra lý lịch của tôi và hỏi tôi về bố tôi, nên vui vẻ mời tất cả vào nhà. 

Toán cảnh sát vào nhà tôi, chỉ có cô gái tóc đen là đứng với tôi mà thôi, còn những người khác, họ không ngồi một chỗ mà chia nhau đi coi khắp nhà của tôi. Tôi ngạc nhiên quá, nhưng chưa kịp hỏi thì một người có vẻ là trưởng toán đã đến bên cạnh, đưa cho tôi một tấm giấy mà nói: 
“Chúng tôi được chánh án tòa Melbourne cho phép khám xét nhà của cô và hỏi những câu hỏi liên quan đến can phạm Hoàng Phủ Doãn . . .” 

-“Can phạm? Bố tôi suốt đời ở Việt Nam, chưa bao giờ qua Úc . . . tại sao ông lại gọi bố tôi là Can Phạm? Bố tôi làm việc cho nhà nước Việt Nam, nếu có chuyệng gì sai trái, nhà nước và tòa án Việt Nam sẽ xử, tòa án Úc đâu có dính dáng gì tới?” 

-“Ông Hoàng Phủ Doãn hiện đang ở Úc, và đã bị cảnh sát úc băt giam vì phạm tội. Ông ta khai có người con gái là cô, nên chúng tôi mới xin phép chánh án tòa án Melbourne để tới xét nhà và nói chuyện với cô.” 

Tôi như người từ trên trời rơi xuống đất, tôi choáng vang mặt mày khi người Cảnh sát nói bố tôi hiện đang ở Úc và . . . bị bắt? Tôi không hiểu gì cả, bố tôi chưa bao giờ đi đâu ra khỏi Việt Nam, bố tôi là một bộ đội cao cấp, không thể nào làm chuyện gì phi pháp để mà bị bắt như thế này? Chắc là có chuyện gì lầm lẫn đó thôi, tôi vội vàng hỏi lại người Cảnh sát:
-“Bố tôi ở Việt Nam, chưa bao giờ có ý nghi đi ra ngoại quốc, tôi vừa mới nói chuyện với bố tôi cách đây không lâu, không thể nào có chuyện ba tôi qua Úc để bị bắt . . . chắc là quý ông lộn người rồi đó . . . Tên của người Việt nam thường hay giống nhau.” 

Người Cảnh sát mời tôi ngồi, mở cặp đưa ra cho tôi một tấm hình và hỏi:
-“Cô có nhận ra ai đây không? Ông ta tên gì?” 

-“Có! Đây là hình của bố tôi, Hoàng Phủ Doãn.” 

-“Nếu vậy thì mọi chuyện đều đúng hết rồi, ông Doãn hiện đang ở Úc, và chúng tôi đã bắt giữ ông ta vì ông đã phạm pháp.” 

-“Ba tôi làm gì mà ông gọi là phạm pháp?” 

-“Tôi không thể nói nhiều, chỉ xin hỏi cô vài câu hỏi thôi. Lần cuối cùng cô gặp hoặc nói chuyện điện thoại với bố cô, vào lúc nào? Căn nhà số 13 Vlander Street, Braybrak VIC 3039 (không phải địa chỉ thật) và những căn nhà có hình đây, cô đã có bao giờ đến đó hay chưa? Ai là chủ của những căn nhà này?” 

Tôi nhìn những căn nhà mà ông ta đưa cho tôi xem, nhà nào cũng trồng một loại cây cao khoảng một thước, lá nhỏ xanh mướt. Trong hình, nhà nào cũng có rất nhiều cảnh sát đang nhổ hoặc đem những loại cây này bỏ vào bao. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác . . . thật sự tôi không hiểu gì cả. Cô thông dịch viên sợ tôi không hiểu câu hỏi, nên đã nhắc lại cho tôi bằng tiếng Việt. Tôi chỉ vào những cây xanh mà nói cô: 

-“Những căn nhà này tôi chưa bao giờ biết và cũng chưa bao giờ tới . . . những cây này là . . . cây gì vậy? tại sao căn nhà nào cũng trồng những cây giống nhau vậy?” 

Cô thông dịch viên nhìn qua ông trưởng toán, tôi thoáng thấy ông ta làm một dấu hiệu gì đó, nên cô ta trả lời tôi: 
-“Cây đó là cần sa, mà người Việt Nam gọi là . . . CỎ . . .” 

Tôi đã hiểu lơ mơ câu chuyện . . . bố tôi có dính dáng tới việc trồng cần sa ở bên Úc. Trong quá khứ, bố tôi đã từng làm những chuyện mà tôi không bao giờ ngờ tới, nên đối với việc trồng cần sa này, tôi cũng chẳng lấy làm lạ. Nhưng có điều là bố tôi chưa hề bao giờ ra khỏi nước, nếu có tới Úc, tại sao ông không ghé thăm tôi? Tôi ngước lên nhìn ông trưởng toán, trả lời ông: 

-“Tôi gặp bố tôi lần cuối là vào năm 2010 khi tôi về thăm ông ở Việt Nam, còn nói chuyện điện thoại thì tuần nào tôi cũng có gọi điện thoại về cho bố tôi, lần cuối là mới Chủ Nhật tuần rồi, ngày 12-12-2013 (không đúng ngày). Tôi xin hỏi, Bố tôi qua Úc hồi nào? Dù bố tôi có qua đây chăng nữa, ông ta cũng không thể nào đứng tên mua những căn nhà này được, vậy thì tại sao bố tôi lại bị bắt? Và tại sao ông lại hỏi tôi về những căn nhà này?.” 

-“Chúng tôi đến đây là . . . để hỏi cô, và cô có nhiệm vụ trả lời, chứ chúng tôi không có nhiệm vụ trả lời câu hỏi của cô. Cô có quen biết, gặp mặt những người này bao giờ không?” 

Tôi nhin những người trong hình, lắc đầu trả lòi không biết, không quen, không gặp những người này bao giờ. Khi cả toán chào tôi sửa soạn ra về, tôi hỏi ông ta: 

-“Tôi xin hỏi . . . bố tôi bị bắt vì tội gì? Hiện bị giam đâu? Tôi có thể đi thăm bố tôi được không?” 

-“Ông Doãn bị bắt vì tội tổ chức và đưa người từ Việt Nam qua Úc trồng cần sa. Ông hiện bị tạm giam ở ngay khám đường Melbourne, chờ ra tòa. Cô có thể đến nơi hoặc gọi điện thoại xin thăm. Good luck cho cô.” 

Tôi được chấp thuận đến thăm, nói chuyện với bố tôi tại trại tạm giam Melbourne. Nhìn bố tôi không có vẻ gì là một tù nhân cả, ngoại trừ bộ quần áo tù. Bố tôi mặt mày tươi tỉnh, dáng người béo tròn, tóc bố đã rụng đi nhiều. Gặp tôi, bố có vẻ ngại ngùng: 

-“Làm sao mà con biết bố ở đây mà đến thăm?” 

-“Cảnh sát Úc đến hỏi cung và cho con biết.” 

Nói đến đây, tôi bật khóc, tôi khóc thật nhiều . . . tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Tôi không nhớ lần mẹ tôi chết, tôi đã khóc như thế nào, nhưng lần này tôi khóc như là đã mất một người bố thân yêu: 

-“Bố ơi . . . con đã nói với bố nhiều lần rồi . . . Bố có còn là con người không hả bố? Tại sao suốt đời bố chỉ làm những chuyện thất đức, những chuyện giết người thôi vậy hả bố? Bố giết người đi vượt biên, bố đưa người đi xuất khẩu lao động lậu, bố ăn tiền của người chết. Bây giờ bố đưa người từ Việt Nam qua đây trồng cần sa . . . bố có biết là cần sa sẽ hại chết cả một thể hệ hay không? Bố cần tiền à? Tiền bố có nhiều quá rồi, bố có cả triệu triệu đô la Mỹ mà vẫn còn chưa đủ hay sao? 
Bố và những người Cộng sản của bố lúc nào cũng mở miệng ra là chế độ Ngụy toàn là những tay hối lộ ăn cắp tiền của dân. Họ có ăn hối lộ, họ có ăn cướp tiền của dân hay không thì con không biết, con chỉ đọc thấy ở trên internet là Tổng Thống Thiệu chết đi không hề để lại cho vợ con một chỉ vàng nào chứ đừng nói 16 tấn vàng.Đa số những ông Tướng của Việt Nam Cộng Hòa qua Mỹ, ông nào cũng phải đi làm đầu tắt mặt tối, có ông phải cùng với vợ đi chiên bánh khoai bán ở ngoài đường . . . nếu họ có ăn cắp tiền của dân, nếu họ có ăn hối lộ, thì tiền của họ sẽ nhiều lắm, sao họ không lấy ra mà xài, lại phải đi làm lụng cực khổ như vậy! Đến khi chết, họ chỉ may mắn được đồng đội đến tiễn đưa mà thôi. Còn bố và các đồng chí của bố, ai cũng xoen xoét cái miệng ra là đạo đức cụ Hồ, đạo đức cách mạng . . . mà tiền ai cũng đầy túi, ai cũng có ít nhất là cả triệu đô la Mỹ, có người lên tới hàng trăm triệu. Ai là người ăn cắp của dân? Ai là người ăn hối lộ? Cộng sản là cái gì? Chỉ là một bọn ăn cướp giết người chứ còn gì nữa! Bố ơi . . . chừng nào bố mới tỉnh ngộ? Chừng nào bố mới trở lại là con người?” 

Doãn nhìn đứa con gái đang khóc lóc, đến khi Nga khóc xong, Doãn trả lời con: 
-“Chuyện của bố, bố làm. Nếu bố không làm, bố sẽ không thể nào ngồi im được ở vị trí của bố. Mỗi năm, mỗi tháng bố phải nộp tiền cho trung ương đảng, cho đảng ủy . . . mỗi nơi mỗi số tiền khác nhau, bố không làm thì vừa không có tiền vừa mất mạng. Một khi đã làm thì . . . chuyện nào cũng giống nhau, cũng chỉ là một cách để kiếm tiền mà thôi. Đã là Cộng sản, thì không có tôn giáo, không có đạo đức gì hết.” 

Nga nhìn bố, hai bố con khác nhau quá. Không hiểu sao cái tính tàn nhẫn mê tiền bạc đó lại không thấm vào máu của Nga? Không biết từ đâu mà Nga có cái tính không làm những chuyện quái ác giết người như bố? Nga lau nước mắt, nói với bố: 
-“Bố bắt đầu vào việc . . . trồng cỏ từ lúc nào? Bố đã qua Úc bao nhiêu lần rồi? Những căn nhà mà Cảnh sát Úc đưa cho con xem hình, có phải là của bố hay không? Tại sao mà bố lại bị bắt? Trung ương đảng của bố đã biết chưa?” 

-“Bất cứ việc nào làm ra tiền là bố phải làm, đảng giao cho bố việc này, bắt mỗi năm phải nộp bao nhiêu tiền, thì bố cứ thế mà làm. Bố bắt đầu đưa người qua Úc từ khi con bắt đầu đi du học, tức là cũng gần bốn năm nay rồi. Những căn nhà mà Cảnh sát Úc đưa cho con coi, đều là nhà do bố đưa tiền cho bọn tay em mua. Trước đây, đi mướn nhà trồng cỏ dễ hơn, nhưng sau này, không ai cho mướn nhà cả, bố phải bỏ tiền ra nhờ những người ở bên Úc mua.” 

-“Bố đâu có quen ai ở bên Úc đâu mà nhờ mua? Dù có quen đi chăng nữa, lỡ họ ham tiền, họ bán đi thì ba mất. Tại sao bố lại tin họ như vậy?”

-“Những người bố nhờ, là những người của chế độ cũ về Việt Nam ăn chơi, bị bố gài bẫy quay phim chụp hình, họ sợ bố tung những hình ăn chơi của họ ra, nên bố bảo làm gì họ cũng phải làm, chẳng bao giờ dám phản hết. Nếu có tên nào không muốn làm nữa, bố chỉ cần sai những tên khác tung tin “Thằng A là tay sai của Cộng sàn, thằng B là kinh tài của Việt cộng. Cứ mỗi ngày ra rả tung tin lên internet, thằng nào mà chả chết. Hơn nữa bố cũng biết điều, bố có chia phần cho họ, nên họ mới đồng ý làm. Trồng cần sa lời rất nhiều, nhiều lắm, chỉ cần trồng một hai năm là bán đi mua căn khác.” 

-“Những người bị bố đưa qua bên đây, nếu họ bị bắt, cuộc đời họ sẽ ra sao?” 

-“Nếu họ bị bắt, cũng chỉ bị tù vài tháng thôi. Ngồi tù ở bên Úc như bố đây, sướng hơn ở Việt Nam nhiều lắm . . . có ti vi, có DVD Thúy Nga cho mình coi, có báo cho mình đọc, có người nấu cho mình ăn, có phương tiện tập thể thao . . . dù con có tiền cũng không được phục vụ tốt như thế này đâu. Những tên nào không bị bắt, thì hết hạn làm việc, sẽ được chia tiền về nhà, đợi cho đi chuyến khác, những đứa nào được ở tù, là coi như trúng số đó con ơi. Mãn hạn ở tù, chính phủ Úc trả tiền vé máy bay cho chúng nó về Việt Nam, mình khỏi phải lo. 
Bố qua Úc nhiều lần lắm rồi, có điều bố không cho con biết mà thôi. Lần này bố bị bắt, cũng chỉ vì bố nghi rằng chẳng ai biết đến bố, không dè cái người mà bố nhờ mua nhà đã bị Cảnh sát Úc theo dõi từ lâu, khi hắn chở bố ti căn nhà mới mua, bọn họ ào ra bắt nên bố mời bị dính. Không ngờ bọn này nhát gan quá, mới bị hỏi cung, chẳng bị đánh đập gì cả mà bọn chúng đã khai ra đủ mọi thứ, nên bố mới bị bắt. Cũng có thể tại vì thị trường Úc là nơi ngon ăn nhất, nến mấy cái cái đám tranh ăn với bố đi tố cáo cho Cảnh sát Úc, chứ đâu có ai biết bố là ai.” 

-“Những đồng tiền của bố làm ra, toàn là những đồng tiền dơ bẩn, bố đã dùng tiền đó để nuôi sống con, con thấy hổ thẹn với lương tâm, với những người đã bị bố giết, bố lợi dụng. Mai mốt đây con đi làm, con sẽ trả lại hết những gì bố đã bỏ ra cho con.” 

-“Bố làm được tiền, cũng chỉ để cho con mà thôi. Bố đã viết chúc thư rồi, nếu bố có mệnh hệ nào, tất cả sẽ thuộc về con hết. Đây này, bố có hai triệu Mỹ kim gởi ở ngân hàng KLM, bố có hai căn phố ở Hà Nội, bố có . . . “ 

-“Thôi. Bố không cần phải nói nữa, con không nghe đâu . . . Con nhắc lại với bố, con không bao giờ lấy một đồng tiền nào của bố hết.” 

Sau khi lãnh bằng tốt nghiệp đại học xong, Nga đang sửa soạn để ngày mai vào khám đường thăm bố thì mấy người Cảnh sát lại tới thăm, lần này họ mặc đồng phục Cảnh Sát đường hoàng. 

Vào trong nhà, hai người Cảnh sát bỏ mũ xuống, nghiêm trang đứng báo tin: 

“Đại diện cho Cảnh Sát Melbourne, tôi xin báo tin buồn cho cô: 
Ông Hoàng Phủ Doãn đã bị một tù nhân cùng bị giam đánh chết tối hôm qua. Thi hài của ông Doãn hiện đang được giữ tại nhà xác của Bệnh viện. Chúng tôi báo tin cho cô để tùy cô định liệu tang lễ của bố cô.” 

Hai người Cảnh sát đã về từ lâu, Nga vẫn còn ngồi thẫn thờ trên ghế. Ghi mộ bia cho bố như thế nào đây? 
Nơi đây an nghỉ một người Cộng sản . . . không phải là con người. 
Bố ơi . . . bố có còn là một con người hay không? 

*
Viết theo lời kể của con của một cán bộ Cộng sản Việt Nam. 

NGUYỄN KHẮP NƠI


No comments:

Post a Comment

View My Stats