Sunday, 14 April 2013

XỨ SỞ SỢ HÃI KỲ CỤC & CHỐN TẬN CÙNG CỦA THẾ GIỚI ? (Lê Hồng Lâm)




Lê Hồng Lâm

Chủ Nhật, 14/04/2013


Tin liên quan :


VIDEO :

Một cảnh trong phim “Bụi đời Chợ Lớn”

Câu chuyện kiểm duyệt Bụi đời chợ Lớn một lần nữa lại làm nóng lên câu chuyện về giới hạn sáng tạo và kiểm duyệt của nghệ thuật-giải trí ở Việt Nam.

1.
Nhà kiểm duyệt giờ ngồi bắt lý nhà làm phim thì dễ lắm, kiểu gì chả đưa ra được các thể loại vi phạm khác nhau. Quan trọng là họ có chịu cởi trói tư duy hay không thôi, họ có sự đồng cảm hay nâng niu sáng tạo của nghệ sĩ hay không thôi, họ có muốn trở thành những bà đỡ mát tay cho các ca đẻ khó hay không, chứ trù dập, tiêu diệt, giết chết sáng tạo ở Việt Nam thì nhiều lắm, kể không hết.

Thời mới đổi mới, chỉ trong vòng 5, 10 năm (86-95), khi được cởi trói sáng tạo, không khí kìm nén bao năm ở Việt Nam như được bung ra. Các bộ môn nghệ thuật lần lượt tỏa sáng, những tăm tối bao lâu nay như được chiếu rọi. Nếu không có tư duy mới mẻ và đề cao cái tôi cá nhân sau bao năm chung sống với cái chúng ta tập thể, thì làm sao văn chương có Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài… Những thành tựu văn chương trong 10 năm đó của họ được giới thiệu ra bên ngoài biên giới và thậm chí, nếu đặt cạnh các tác phẩm văn chương đương đại nổi bật của quốc tế, cũng không có gì phải yếm thế. Âm nhạc có Thanh Tùng, Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phú Quang, Dương Thụ. Điện ảnh có Đặng Nhật Minh và một lớp trẻ hơn đang sung sức và đầy hoài bão như Lưu Trọng Ninh, Nguyễn Thanh Vân, Nhuệ Giang, Lê Hoàng, Vương Đức… Không khí nghệ thuật cởi mở đó cũng góp phần cho sự trở về của Trần Anh Hùng, Tony Bùi với những tác phẩm điện ảnh được các LHP quốc tế lớn nhất thế giới tôn vinh và công nhận.


“Xích lô” của Trần Anh Hùng – giải Sư tử vàng 1995

Nhưng rồi những tiếng nói cá nhân đầy mạnh mẽ đó dần dần bị… bóp nghẹt trở lại, khi các nhà kiểm duyệt bắt đầu thấy dấu hiệu của sự nổi loạn (trong tư duy kiểm duyệt của họ). Hai tài năng nghệ thuật điện ảnh ở tầm quốc tế như Trần Anh Hùng và Tony Bùi, nếu sinh ra ở Hàn Quốc, chắc chắn sẽ được mời về nước để fan điện ảnh của nước họ tự hào, chính phủ tôn vinh, nhà sản xuất đầu tư tiền bạc để sản xuất, những người làm chuyên môn mời họ khai sáng những ngôn ngữ nghệ thuật mới mẻ cho các thế hệ đàn em. Nhưng ở Việt Nam, phim họ bị cấm chiếu, chỉ vì đụng chạm đến cái hiện thực trần trụi của xã hội. Xích lô của Trần Anh Hùng sau gần 20 năm, vẫn cực kỳ mới mẻ và mang tính dự báo cho sự hỗn loạn của Sài Gòn hôm nay, nơi những kẻ cùng cực bị tha hóa hoặc lôi kéo trở thành tội phạm hay những băng đảng trộm cướp giết người diễn ra ngang nhiên giữa ban ngày.

Cái hiện thực được Trần Anh Hùng dự báo đó nay được mô tả, tường thuật hàng ngày hàng giờ trên báo chí diễn ra ở ngay trung tâm, q1, q3, q5, khắp các quận huyện vùng ven, trước chợ Bến Thành, trong chợ Lớn, trên đường Phạm Ngọc Thạch… Hầu như bất cứ cư dân nào ở Sài Gòn cũng từng là nạn nhân hoặc nghe chuyện bạn bè, người thân của mình bị cướp giật lộng hành. Ai cũng có thể nhận thấy, ai cũng có thể sờ nắm được cái không khí không an toàn dễ lây nhiễm này vì nó diễn ra với một mật độ dày đặc. Nhưng các nhà kiểm duyệt vẫn cho đó là phi hiện thực, đặc biệt lại có tính định danh thì càng nguy hiểm. Đó là lý do để Bụi đời chợ Lớn bị thổi còi.

Một cảnh trong phim “Bụi đời Chợ Lớn” của đạo diễn Charlie Nguyễn

2.
Tôi không kỳ vọng và cũng hoàn toàn không nghĩ Bụi đời chợ Lớn là một Xích lô thứ 2. Charlie Nguyễn cũng là một case đạo diễn Việt kiều hoàn toàn khác với Trần Anh Hùng.

Tôi đã từng kinh ngạc với Dòng máu anh hùng, thích cái hài hước kiểu Để Mai Tính, hơi thất vọng với Long ruồiCưới ngay kẻo lỡ, nhưng luôn đánh giá cao tay nghề điện ảnh của Charlie Nguyễn. Một người có cách kể chuyện (bằng hình ảnh) hấp dẫn, lôi cuốn, có một tinh thần humour mới mẻ (dù đôi lúc hơi lố) như thế rất hiếm trong phim ảnh Việt Nam nhiều năm nay. Có lẽ ngay bản thân Charlie Nguyễn cũng thấy mình đang tự hạ tiêu chuẩn nghề nghiệp nên dành rất nhiều tâm huyết cho Bụi đời chợ Lớn, như một tác phẩm “danh dự” của anh em họ kể từ sau Dòng máu anh hùng. Ngay từ lúc quay phim, những hình ảnh hậu trường của bộ phim đã tạo một sự phấn khích và lan tỏa trên các mạng xã hội. Những pha hành động, ánh sáng, góc máy, bối cảnh… đều cho thấy sự đầu tư công phu và muốn làm một bộ phim điện ảnh tâm huyết và tự trọng của họ.


Đạo diễn Charlie Nguyễn chỉ đạo diễn xuất cho Trí Nguyễn và Huỳnh Bích Phương trong “Bụi đời Chợ Lớn”

Một bộ phim (với tiêu chí là giải trí, dành cho số đông) như thế, đáng nhẽ phải được một ê kíp kiểm duyệt có tư duy điện ảnh mới mẻ, cập nhật được các xu hướng điện ảnh của thế giới. Nhưng đây là ai? Trong cuộc họp báo mới đây, bà Ngát cho biết vị trí trưởng ban kiểm duyệt là ông NSND Bùi Đình Hạc, chắc đã ngoài 80. Ông Hạc là đạo diễn của điện ảnh cách mạng, từng có thành tựu (Phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải thời xây dựng XHCN ở miền Bắc từng đoạt giải thưởng quốc tế gì đó ở Nga), một số phim truyện cách mạng khá hay như Đường về quê mẹ… Cách đây hơn 10 năm, hồi mới vào nghề, tôi có đến phỏng vấn bác, từ hồi đấy đã thấy cụ có vẻ mỏi mệt của bệnh người già, cái bất mãn thời cuộc của những nghệ sĩ sunset boulevard, hay ca thán, chửi bới lớp trẻ vô ơn, hoài nhớ những năm tháng say mê trên trường quay – trận địa của thế hệ cụ. Bao năm mình tưởng cụ đã về vườn nghỉ ngơi an dưỡng rồi, ai dè hôm nay còn ngồi ghế trưởng ban kiểm duyệt. Bụi đời chợ Lớn lọt lưới mới lạ. Hai chị Ngô Phương Lan, Nguyễn Thị Hồng Ngát và 5 nhân vật không kể tên khác chắc cũng nằm trong cái thế hệ tư duy cũ kỹ, thích an toàn và bao năm vật lộn đấu đá giữ cái ghế, chắc chắn họ thà giết một đứa có tư tưởng nổi loạn (vẫn trong tư duy họ) từ trong trứng nước còn hơn đỡ đẻ nó rồi lỡ sau này có chuyện thì lãnh đủ. Những lý do kiểm duyệt họ đưa ra trong cuộc họp báo cho thấy tư duy ấu trĩ, lỏng lẻo về quan điểm và cảm tính rất đàn bà.
Những năm 86-90, nếu không có ông Nguyên Ngọc ngồi ghế biên tập ở báo Văn Nghệ, thì chắc không có cái tên Nguyễn Huy Thiệp tỏa sáng sau đó. Biết tìm một ông Nguyên Ngọc trong điện ảnh ở đâu bây giờ?
Với 8 vị kiểm duyệt điện ảnh có quyền sinh quyền sát như thế, những tác phẩm điện ảnh, dù nghệ thuật như Bi, đừng sợ của Phan Đăng Di hay giải trí như Bụi đời chợ Lớn chắc chắn phải vật lộn, bị cắt nát, bị hành cho rã rời đến mỏi mệt, sau đó khi các anh nghệ sĩ trở nên thỏa hiệp, ngoan ngoãn như cún để phim được ra rạp, họ kí một cái lệnh để được thông qua. Các anh nghệ sĩ chỉ biết méo xệch mồm mà cười nhìn đứa con của mình cắt mất cái tai, gọt mất cái gót chân, đôi lúc thiến luôn bộ phận sinh dục chỉ để được sinh ra đời.


Một cảnh trong “Bi, đừng sợ” của Phan Đăng Di

3.
Hãy khoan nói đến chuyện giữa hiện thực đời sống và phim ảnh (ở đây là Bụi đời chợ Lớn) cái nào dữ dội hơn, công an ở đâu khi băng đảng chém giết nhau? So sánh thế thì không cùng, hơn nữa, biến một tác phẩm nghệ thuật (hay giải trí) trở thành cái công cụ minh họa trực quan sinh động một cách thô thiển hiện thực xã hội. Bất cứ tác phẩm nào cũng có quyền được sáng tạo và hư cấu hiện thực hoặc chọn một lát cắt của hiện thực theo cảm nhận của riêng họ và chuyển tải nó thành tác phẩm sáng tạo. Vì thế mới phân biệt rõ ràng giữa media (truyền thông) với vai trò phản ảnh đúng hiện thực đời sống với art (nghệ thuật) hay entertainment (giải trí) được sáng tạo, được hư cấu hiện thực theo mắt nhìn của người nghệ sĩ, miễn điều đó thuyết phục được công chúng. Vai trò của nhà kiểm duyệt, là phân loại độ tuổi cho nó, để nó tự chịu trách nhiệm với chính mình trước công chúng, chứ không phải đưa ra những lý do ấu trĩ rồi tự cho mình quyền sinh quyền sát.

Hãy xem những bộ phim xã hội đen của Hongkong, những bộ phim gangster của Mỹ, những hiện thực xã hội trần trụi qua mắt nhìn của nghệ sĩ điện ảnh trong City of God, Elite Squad của điện ảnh Brazil, I Saw the Devil, Memoir of the Murder, Pieta… của điện ảnh Hàn Quốc hay gần đây là The Raid-Redemption của Indonesia – chắc chắn một điều, bạo lực trong Bụi đời chợ Lớn chưa là gì cả. Những tác phẩm kể trên cũng có tính định danh và sáng tạo trên cơ sở hiện thực xã hội đương thời. City of GodElite Squad mô tả một Rio de Janeiro đầy rẫy bạo lực và tội phạm, nơi những đứa trẻ đường phố trở thành gangster cầm súng bắn giết nhau giữa ban ngày ở các khu ổ chuột, nơi những cảnh sát biến chất đồng lõa với tội ác. Những bộ phim bạo lực của Hàn Quốc mô tả chi tiết những hành vi tội ác, xem rùng mình sởn gai ốc. Những bộ phim xã hội đen Hongkong mô tả các băng đảng thanh toán, chém giết nhau giữa ban ngày và phần lớn là xong chuyện thì cảnh sát mới có mặt… Những bộ phim kể trên đều là những tác phẩm điện ảnh từ hay đến xuất sắc và được công chúng điện ảnh khắp toàn cầu thừa nhận, chẳng ai màng đến chuyện hiện thực xã hội ngoài đời đúng bao nhiêu phần trăm so với trên phim.

Một cảnh trong phim “City of God”

Hoặc Reservoir Dogs của Quentin Tarantino có một quan điểm giễu nhại rất hay về gangster, mình không nhớ chính xác câu phát biểu, nhưng đại loại ý của Quentin là gangster tự sinh ra và tự mất đi, bởi chúng tự thanh trừng lẫn nhau, chẳng cần cảnh sát vào cuộc… Những cảnh bạo lực và tội ác trong bộ phim này nếu theo nhãn quan kiểm duyệt như điện ảnh Việt Nam thì đã không có một Quentin Tarantino lừng lẫy hôm nay.

Một cảnh trong “Reservoir-Dogs”

Tất cả những ví dụ nói trên mình đưa ra chỉ có tính tương đối và chỉ để thể hiện một quan điểm: điện ảnh phải được tự do sáng tạo, tự do hư cấu và nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm với chính mình. Kiểm duyệt không thể tự cho mình quyền can thiệp thô bạo hay cấm đoán, nếu tác phẩm không phản động, không chống phá nhà nước theo pháp luật.

4.
Nói đi cũng phải nói lại. Nếu nói vì kiểm duyệt mà điện ảnh (và nghệ thuật) nói chung ở Việt Nam không ngóc đầu lên nổi thì hơi ngụy biện (cho nhiều ca bất tài tận dụng cơ hội), nhưng thực sự là nó cản trở không gian sáng tạo, làm cho nghệ thuật Việt Nam cứ luẩn quẩn và càng ngày càng luẩn quẩn. Thử nhìn lại nghệ thuật Việt Nam trong 10 năm qua thử xem, hầu như không có trường hợp nào mang tính đột phá lớn về tư tưởng hay nghệ thuật kể chuyện cả. Bởi các nghệ sĩ đều đã tự kiểm duyệt chính mình, tự bó mình trong cái vòng kim cô an toàn cho phép. Lâu dần, nó làm nghệ sĩ cứ mỏi mệt rồi cùn mòn đi không còn tha thiết còn sáng tạo nữa. Một số khác thì trở thành những kẻ cơ hội, thỏa hiệp. Và khi không còn những tài năng lớn có sức ảnh hưởng hoặc được kính trọng, khi nghệ thuật trở nên tầm thường hóa, một bọn thợ được đà vươn lên làm chủ. Bọn chúng hiểu được tâm lý (dễ dãi) của đám đông nên tha hồ chiều chuộng họ. Tiền về đầy túi, chúng trở thành những quyền lực mới trong xã hội (nghệ thuật). Công chúng thì bị phân rã, bị cuốn theo lớp hào quang giả tạo mới và không có bệ đỡ về tinh thần, họ trở thành một đám đông bị giật dây, bị lôi kéo, trở nên hung hăng và đôi khi rất nguy hiểm. Lâu dần, chẳng ai màng đến cái gọi là nghệ thuật nữa. Tất cả được hạ chuẩn thành cái gọi là giải trí.

Đọc, xem những trận đòn hội chợ trên báo chí hay mạng xã hội gần đây về một cậu bé 11 tuổi trót phát ngôn một câu trái tai, một cô ca sĩ lỡ hét giá cao… mới thấy đám đông dễ bị kích động thế nào. Họ chửi báo chí lá cải, showbiz rẻ tiền nhưng chính họ góp phần làm cho những cái đó trở thành những cơn bão truyền thông. Họ (xin lỗi) thích rúc đầu vào cứt và chửi toáng lên là cứt (càng ngày càng) thối. Trong khi đó, hàng chục kiệt tác thế giới, những cuốn sách bồi bổ kiến thức, những tác phẩm tinh hoa được dịch in với số lượng chưa tới 2000 bản nằm ế ẩm ở các giá sách. Một năm một người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách nhưng (chắc) phải truy cập hơn triệu lượt báo mạng chỉ để đọc những tin cướp giết hiếp, hở đùi khoe mông của các cô ca sĩ, diễn viên rồi sau đó gào toáng lên xã hội ngày càng suy đồi (!).

* * *
“Thực hiện một bộ phim khi biết trước nó sẽ không qua được kiểm duyệt, bị cấm công chiếu là điều vô nghĩa. Người nghệ sĩ cần sáng tạo đến giới hạn của sự có thể mà xã hội cho phép” - (Đạo diễn Abbas Kiarostami – Iran)

Phim làm ra không phải để sao chép nhịp độ cuộc sống mà để kéo người xem đi theo nhịp độ sáng tạo của người đạo diễn. -(Nhà văn, triết gia Jean Guitton – Pháp)

“Phim của tôi thường chất chứa bạo lực nhưng đó là thứ bạo lực để người xem cảm thấy đau đớn, ghê tởm và xa lánh” - (Đạo diễn Takeshi Kitano – Nhật Bản)




-------------------------





No comments:

Post a Comment

View My Stats