Sunday 28 April 2013

MƯỜI CÂU HỎI ÔN HÒA ĐỀ NGHỊ ÔNG HOÀNG DUY HÙNG CHUYỂN GIÚP (Lê G.)




28-4-2013

Tôi chưa thấy trong thời kỳ đấu tranh bạo động, ông Hoàng Duy Hùng đã làm được những gì ngoài việc qua lại Việt Nam, cầu khấn vua Hùng thứ sáu và nói chuyện với tình báo Mỹ; và tôi không muốn hỏi ông Hoàng Duy Hùng là từ khi ông chuyển qua đấu tranh ôn hòa thì ông đã làm được những việc gì vì tôi đã từng thấy bao nhiêu người đã nhận được một kết quả duy nhất là sự bẽ bàng không hơn không kém. Những lời tư vấn kinh tế của Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng, những “xe còi hụ” của Nguyễn Hữu Liêm, những phân tích dè bỉu xã hội Mỹ của Đỗ Kh., và những thỏa hiệp giống như của ông Hùng hình như chưa hề có tác dụng gì đáng kể trong công cuộc đấu tranh vì dân chủ, tự do ở Việt Nam. Mà tình hình xã hội của Việt Nam theo đánh giá của những tổ chức uy tín lẫn những trí thức nổi tiếng gần đây có vẻ càng ngày càng trầm kha!

Về phương pháp đấu tranh của ông Hùng, tôi xin không có ý kiến gì ngoài việc trích ý kiến của một người khác mà tôi thấy khá hay: “Hoàng Duy Hùng đi từ sai lầm bạo động sang sai lầm hợp tác với ĐCS. Người khôn ngoan không chọn cả hai con đường này nhưng luôn luôn tranh đấu cho một Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ, phú cường. Al Hùng phải biết điều sơ đẳng nhất là trong chính trị không phải tự nhiên mà có những thứ này, "freedom is not free". Đối với CS mình phải làm những cái nó sợ đó là diễn biến hoà bình, đừng làm cái nó không sợ: súng đạn, ma giáo, dối trá vì đó là "nghề của chàng"” (Ý kiến của Trần Văn).

Tôi không hiểu cách ôn hòa của ông Hùng có ý nghĩa cụ thể và trừu tượng nào, cũng không hiểu ôn hòa đối thoại là phải khen ông Cựu Chủ Tịch nước Việt Nam sống giản dị hay không nhưng tôi luôn trung thành với cách đấu tranh bất bạo động kiên trì, kiên quyết và kiên định. Vì thế, tôi, đóng vai là một cử tri thành phố Houston mong ông Nghị Hoàng Duy Hùng giúp tôi thỉnh cầu những việc rất ôn hòa như sau (việc này rất hợp với ông trong tư cách một ông nghị và một luật sư):

1. Mong ông chuyển câu hỏi này đến ông Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Việt Nam, ông Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Việt Nam và ông Chánh án Tòa án Tối Cao.

Thể theo yêu cầu Góp ý bản dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992, các nhà trí thức tiêu biểu cùng nhiều đồng bào trong và ngoài nước trong đó có nhiều cử tri Houston đã trao cho Quốc Hội Bản góp ý của mình. Ngay sau đó, ông Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu hàm ý đe dọa: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa... Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy!... Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? … Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể... thì nó là cái gì?!... Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này.” Nhận thấy đây là việc phỉ báng và đe dọa cá nhân tôi, nên tôi (dĩ nhiên cùng những người khác nếu họ muốn) muốn kiện ông Nguyễn Phú Trọng ra tòa.

Vậy tôi muốn hỏi các ông là các ông có thể khẳng định là sẽ thụ lý vụ kiện và đưa vụ kiện này ra tòa để tôi và ông Nguyễn Phú Trọng giải quyết mối mâu thuẫn một cách ổn thỏa?

2. Mong ông chuyển câu hỏi này đến Bộ Trưởng Công An.

Xin ông cho biết cô Nguyễn Hoàng Vi đã phạm tội hoặc bị nghi ngờ phạm tội gì mà bị các nhân viên dưới quyền của ông khám xét và xâm phạm vào chỗ kín? Mong ông cho biết các công an khám xét chỗ kín của cô Nguyễn Hoàng Vi có hay không vi phạm pháp luật? Câu hỏi này ông có thể điều nghiên kỹ để trả lời một trong ba phương án sau: có, không, tôi không thể trả lời câu hỏi này.

3. Mong ông chuyển câu hỏi này đến Bộ Trưởng Công An và Bộ Trưởng Bộ Y Tế.

Cô Phạm Thanh Nghiên bị bệnh nặng cần phải đi đến những trung tâm y tế của thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh để khám và chữa bệnh. Nhưng cô ấy vẫn còn đang trong diện quản chế sau hạn tù.

Vậy mong các ông bà cho biết, cô Phạm Thanh Nghiên phải làm sao để nhận được sự hỗ trợ y tế cần thiết? Trong trường hợp cần làm đơn xin đi khám bệnh và cô Phạm Thanh Nghiên đã làm đơn rồi mà vẫn không được chính quyền xét cho đi, ông Bộ Trưởng Công An có thể chỉ ra những lý do mà chính quyền không cho phép cô ấy đi khám và chữa bệnh? Cũng trong trường hợp này, nếu cô Nghiên có mệnh hệ gì thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

4. Mong ông chuyển câu hỏi này đến ông Chánh Án Tòa án Tối cao Việt Nam.

Các phiên tòa xử Tạ Phong Tần, Anh Ba SG, Điếu Cày, xử 14 thanh niên Công Giáo, xử Đoàn Văn Vươn được tuyên bố là công khai nhưng sao những người dân tới dự bị ngăn cản nhiều vòng và có người còn bị công an áp chế, đánh đập?

5. Mong ông chuyển câu hỏi này đến ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trong những năm ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ Tướng đã xảy ra nhiều vụ bê bối gây thiệt hại lớn cho đất nước. Cụ thể là vụ phá sản và nợ nần của Vinashin, vụ phá sản và nợ nần của Vinalines, vụ khủng hoảng hệ thống ngân hàng, vụ đầu tư vào Boxit Tây Nguyên đến bây giờ có nguy cơ lỗ nặng… Thiết nghĩ nếu là người tự trọng như Thủ tướng đã từng nói thì ông ấy đã từ chức. Nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng không từ chức vì Đảng cộng sản vẫn giao trọng trách Thủ Tướng cho ông ta (theo lời ông ta nói).

Vậy thưa các ông, theo các ông, Đảng Cộng Sản Việt Nam không có người tài nào khác ngoài ông Nguyễn Tấn Dũng để lãnh đạo đất nước qua khỏi những khó khăn về kinh tế này? Câu hỏi này các ông có thể điều nghiên kỹ để trả lời một trong ba phương án sau: có, không, tôi không thể trả lời câu hỏi này.

6. Mong ông chuyển câu hỏi này đến ông Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Ông Nguyễn Minh Triết khi phát biểu ở Cuba đã cho cả thế giới biết nhiệm vụ lớn lao của Việt Nam là canh giữ hòa bình cho thế giới. Còn ông Trương Tấn Sang thì yêu cầu ngư dân bám biển trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường quấy nhiễu ở Biển Đông.

Vậy xin hai ông cho biết, chính phủ của các ông đã làm gì để thực hiện một mục đích thiết thực nhưng nhỏ bé hơn “canh giữ hòa bình thế giới” là ổn định công việc và cuộc sống của các ngư dân nước Việt Nam? (Chẳng hạn, vụ tàu bị bắn cháy nóc vừa qua nếu chính quyền không đòi được tiền bồi thường của Trung Quốc thì chính quyền có bỏ tiền ra bồi thường cho ngư dân không? Mong các câu trả lời nên cụ thể như thế vì vụ việc động chạm đến lợi ích sát sườn của người dân)

7. Mong ông chuyển câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn.

Các ông luôn luôn nêu cao tinh thần “hòa hợp hòa giải” với khúc ruột ngàn dặm. Thế nhưng nguyên nhân chính của sự hình thành cái khúc ruột đó là do chính quyền của các ông trong nhiều năm đã đối xử tàn bạo với cán chính quân của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước đây.

Vậy để sự hòa hợp hòa giải được viên mãn các ông thấy chính quyền Việt Nam bây giờ có cần chính thức xin lỗi vì những hành động của mình trước đồng bào hải ngoại không? Câu hỏi này các ông có thể suy nghĩ kỹ để trả lời một trong ba phương án sau: cần, không cần, tôi không thể trả lời câu hỏi này.

8. Mong ông chuyển câu hỏi này đến ông Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Việt Nam

Tại sao biểu tình chống Trung Quốc xâm lược lại gọi là tụ tập đông người? Nếu tụ tập đông người cần giải tán thì tại sao tụ tập để nhậu, tụ tập để chơi, tụ tập để đám cưới, liên hoan... lại không bị giải tán?

9. Mong ông chuyển câu hỏi này đến ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban nội chính trung ương.

Theo tôi biết để chống tham nhũng, Đảng cộng sản đã lập lại Ban Nội chính trung ương và cử ông làm trưởng ban. Ông đã có bài phát biểu rất ấn tượng ở Hội Đồng Nhân Dân Thành phố Đà Nẵng là “rà vô ngân hàng và hốt, hốt liền không nói nhiều”.

Vậy xin ông cho biết, ông đã rà hoặc có kế hoạch rà những đâu? Và hốt hoặc đã lên kế hoạch hốt những ai?

10. Mong ông chuyển câu hỏi này đến tất cả các lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Các ông có dám mở một diễn đàn công khai để thảo luận tất cả vấn đề xã hội với nhân dân Việt Nam không? Diễn đàn công khai này ở đâu cũng được, là gì cũng được (báo mạng, trang web, báo in, truyền hình….), miễn trong đó người dân được đưa ý kiến của mình lên một cách công khai, không bị cắt xén. Lưu ý các ông là chúng tôi sẽ cố gắng bảo ban nhau để có những ý kiến không xâm phạm đời tư, không đả kích cá nhân hoặc vô văn hóa,...

Xin ông Hùng thứ lỗi vì sự nhờ vả đường đột này. Nhưng thưa ông, tôi nhờ ông vì những lý do rất chính đáng sau:

1. Nếu tôi tự gửi những câu hỏi này đến các ông bà ấy thì cũng như bao nhiêu thư ngỏ hay thư gửi đích danh khác được nhiều người gửi trước đây đều bị các ông quan chức đó lờ đi không trả lời.

2. Ông là bạn bè với các quan chức đó và đang ôn hòa đối thoại với họ nên tôi tin chắc họ vì nể ông mà trả lời cho tôi.

3. Vì ông là Tiến sỹ Luật nên rất tiện cho tôi trong trường hợp tôi mong muốn ở ông những góp ý về mặt pháp lý đối với các câu trả lời của các Ngài quan chức đó.

Rất mong ông thông cảm những khó khăn của tôi và xin nhận ở đây lời biết ơn chân thành. Chúc ông cùng gia đình luôn vui vẻ, thành đạt, giàu sang và hạnh phúc.




No comments:

Post a Comment

View My Stats