Sunday 28 April 2013

NỀN GIÁO DỤC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (Huyền Trang - Danlambao)




28-4-2013

Nhân vừa xem một đoạn trên Youtube của một em học sinh lớp 12 có tựa đề "Sự trăn trở của một kẻ lời biếng", cảm xúc dâng trào nên vội mở máy viết vài lời chia sẻ cùng mọi người trên mạng, hy vọng được vơi đi phần nào tâm sự.

Trước tiên tôi cũng nói sơ qua về hoàn cảnh của mình, tôi có đứa cháu ngoại năm nay đang học lớp 9, gia đình chúng tôi đang trong giai đoạn khủng hoảng, không biết tính toán như thế nào cho việc học của đứa cháu này.

Cha nó một mực muốn cho nó nghỉ học phổ thông để chuyển qua học nghề, lập luận của cha nó cũng giống như cách nói của em học sinh trong clip Youtube mà tôi vừa xem. Cha nó cho rằng nếu cứ để cho con bé học xong cấp 3 sẽ mất 3 năm nữa, mà nếu có lấy được cái bằng cấp 3 cũng chẳng cải thiện được gì cho tương lai của con bé, vì ở Việt Nam hiện nay cái bằng cấp 3 cũng chỉ làm công nhân là cùng, nó có khác gì bằng cấp 2. Trong khi đó nếu dành 3 năm học cấp 3 đó để đi học nghề thì con bé nó sẽ có một nghề tương đối để có thể mưu sinh, và không chừng sẽ khá giả hơn khi gặp điều kiện tốt.

Cha nó còn nói, nếu nó có đậu lên học đại học đi nữa thì khả năng có một việc làm cũng rất là khó, vì gia đình thuộc loại 'xấu', thân nhân không có người làm quan chức để gởi gắm thì rất khó cho một sinh viên tìm việc làm ở Việt Nam lúc này. Chính phủ, hoặc đài phát thanh nói thì nghe rất là hay, là công bằng cho mọi người dân, nhưng thực tế thì khác. Còn nếu dành cả tuổi thanh xuân để lo cho việc học mà rốt cuộc không tìm được việc làm thì thà cho nó học phổ cập cấp 2 xong cho đi học nghề là thực tế hơn cả.

Cha nó còn đưa ra bằng chứng hàng đống đứa trong họ hàng bạn bè, hàng xóm xung quanh đây, có bằng cấp cao rốt lại thì cũng chẳng ra gì cả. Cha nó nói, ở Việt Nam này nhà nước họ không có cảm tình với những người ăn học cao mà 'lý lịch xấu', 'không rõ ràng'...

Qua những lý luận của cha nó nói, tôi thấy cũng có lý, nhưng băn khoăn của tôi là cho con nhỏ nghỉ sớm như vậy thì thấy tội nghiệp cho con nó quá, vì gia đình của tôi rất coi trọng sự học vấn, dù gia đình chúng tôi chẳng có ai làm quan lớn hay giàu có vì nhờ ăn học cao cả, trong khi đó thì các dì của nó lại sống khá giả nhờ vào việc buôn bán.

Sau khi xem qua clip của chú học sinh trên Youtue, tôi lại không ngờ cái quan niệm của em học sinh trên lại rất giống với quan niệm của cha con bé. Cái bất cập của nền giáo dục này tôi nhớ không lầm người ta đã đưa ra thảo luận từ đời của ông TBT Nguyễn Văn Linh khi có cơ chế đổi mới cho tới nay, trải qua không biết bao nhiêu đời quốc hội, tôi đã nghe những chuyên gia tài giỏi, những nhà giáo ưu tú của quốc gia đã đệ trình, đã kiến nghị những biện pháp những kế hoạch rất là hay và hợp lý không biết bao nhiêu lần trước quốc hội, nhưng cho tới nay vẩn không thay đổi được là vì lý do gì? Cho nên đây không phải là vấn đề gì mới, những ai có quan tâm tới thời sự trong nước thì đều có thể biết rõ.

Nhưng điều đặc biệt hôm nay là những bất cập đó lại gây ra phản ứng quyết liệt ở một thanh niên trẻ, khi dám thẳng thắn đưa lên mạng nói ra những sự bất hợp lý đó, mà lớp cha chú chưa bao giờ dám nói ra.

Đối với lớp người lớn như chúng tôi sống dưới chế độ này hơn nửa đời người thì đều biết quá rõ cái cơ chế của chế độ này như thế nào nên chúng tôi im lặng một cách dễ dàng. Nhưng lớp trẻ hôm nay chúng lại không chịu như vậy, và đây có lẽ là một phát súng đầu tiên của lớp người trí thức trẻ muốn phá vỡ hệ thống giáo dục nhồi sọ có từ thời ông Hồ Chí Minh. Họ không thể chịu đựng nổi sự bất hợp lý khi người trí thức ăn học cao lại trở thành tôi mọi cho lớp thủ lãnh dốt nát của đảng, như vậy học để làm gì khi mà sự học không giúp ích gì được cho đất nước cho dân tộc, nhân dân và cả bản thân mình.

Cái cơ chế của chế độ này họ không muốn cho người dân giàu sang, họ không muốn cho người dân có sự hiểu biết cao. Nhìn xã hội khi thấy trường học xuống cấp, khi thấy trẻ em bỏ học đi bán vé số, khi thấy người dân phải bù đầu bù tóc lo cho cái ăn cái mặc hàng ngày, khi thấy tài sản của người dân không còn gì cả đó lại là điều mong muốn hài lòng của họ, mặc dầu bề ngoài ta nghe họ nói có vẻ họ lo cho dân hơn cả bản thân họ nữa, nhưng đó chỉ là đóng kịch để lừa dân, vì sao ta biết như vậy? Đơn giản vì xã hội có rơi vào tình trạng gọi là bần cùng hóa thì chế độ của họ mới an toàn, mới mạnh lên được, lời nói của họ mới được mọi người ngu dốt như họ ở dưới vỗ tay, đây là chính sách dùng thúng thóc để sai khiến bầy vịt đói có từ thời Hồ Chí Minh. Nếu không có chính sách bần cùng này thì làm sao vận động dân chúng thanh niên đi theo chiến dịch 'sanh Bắc tử Nam' được, đó là nguyên tắc của các chế độ xã hội độc tài.

Nhưng trong hoàn cảnh bắt buộc phải đổi mới này, chính sách 'dùng thúng thóc để sai khiến bầy vịt đói' đã bị biến chất, cải biến thành chính sách giả nhân giả nghĩa, bên ngoài làm như có vẻ hết lòng lo cho dân nhưng bên trong thì cố hết sức để vơ vét lợi ích cho bản thân. Cứ điểm sơ qua tài sản chìm nổi của các ông bí thư, chủ tịch, tỉnh, thành huyện, xã thì người dân có thể thấy ai là những người giàu nhất trong địa phương mình, thì sẽ biết họ nói và làm như thế nào.

Chúng ta có sống dưới chế độ này lâu dài chúng ta mới thấy được bản chất dối trá của họ. Trong giai đoạn mở cửa này, có những điều họ cố che giấu bản chất độc ác của họ bằng cách tạo ra những hội như hội Chữ Thập Đỏ, hội từ thiện, hội người cao tuổi, hội phụ nữ, hội người nghèo v.v... Họ dùng những người dân có tâm huyết làm xã hội để che mắt, hòng len vào từng gia đình để kiểm soát từng động thái tư tưởng của người dân đối với chế độ và để che lấp bản chất xấu xa độc tài của chế độ, như chứng tỏ chính quyền rất quan tâm đến đời sống của người dân, nhưng bên trong và đằng sau đó là chi bộ đảng, công an khu vực sẽ có một bảng xếp hạng phân loại từng cá nhân đặc biệt và từng gia đình đặc biêt, những đặc biệt này gọi là 'những thành phần phản động' không ưa chế độ, dám nói ra sự thật của chế độ.

Đài phát thanh thì cứ ra rả tuyên truyền, cái gì nhà nước làm cũng thành công cũng tốt cả, nhưng người dân thì cứ điêu đứng, người bán vé số, bán hàng rong, chạy Honda ôm thì đầy đường, gồm mọi thành phần 'cặn bã' trong xã hội như người già, thanh niên, phụ nử, trẻ em... Họ không còn con đường nào khác ngoài việc phải chọn một nghề tương đối nhẹ nhàng để sống qua ngày, một hạ tầng xã hội như vậy thì tương lai đất nước như thế nào? Đáng lý các em bé kia phải là một học sinh chăm chỉ bên bài vở, nhưng người già kia đáng lý họ phải được hưởng những ngày hạnh phúc nhàn nhã còn lại bên gia đình, con cháu, và những anh thanh niên phụ nữ kia phải là những công nhân trong nhà máy, nhưng vì sao họ phải rơi vào con đường không còn một lối thoát nào để tồn tại?

Tại sao không để người dân tự do làm ăn một cách bình thường và xã hội sẽ tự điều chỉnh? Ở các nước dân chủ, nhà nước chỉ việc thu thuế một cách công bằng minh bạch. Trái lại ở VN, nhà nước tìm cách quản lý người dân về mọi mặt, giành giựt tất cả mọi việc làm có lợi nhuận cao, người dân lương thiện bị chèn ép bắt buộc phải bỏ nghề vì sưu cao thuế nặng, buôn bán vỉa hè lề đường thì bị xua đuổi bắt hốt, không cho người dân một cơ hội nào để mưu sinh. Còn kinh tế nhà nước vì quá bao đồng nên rơi vào tình trạng quản lý không xuể, sanh ra tham nhũng tràn lan không thể kiểm soát nổi, nhà nước nói một đầu làm một ngã.

Nói chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ của người nghèo, nhưng thực chất bây giờ thì tất cả đều dành cho người giàu, giành giựt việc làm của người nghèo, cán bộ công chức chính quyền liên kết với thiểu số người cơ hội để tạo ra cái gọi là nhóm lợi ích, hoành hành người dân cô thế, đến nổi các cấp trên không hề hay biết hoặc có biết chăng họ cũng bất lực vì trên nói dưới không nghe, có ai ngờ họ nói chính quyền của họ là chính quyền của nhân dân, vì nhân dân mà bây giờ ngành an ninh lại đề nghị được dùng súng để bắn dân khi gặp trường hợp tự vệ.

Mới đây, ông bộ trưởng thanh tra Huỳnh Phong Tranh còn cho rằng những người khiếu kiện số đông là vì động cơ chính trị, theo tôi nhận định thì cái ông này văn hóa cao lắm là mới tốt nghiệp lớp 3 trường làng, ai đời một ông bộ trưởng thanh tra đáng lý là nghiệp vụ của ông là để thanh tra tham nhũng trong chính phủ, và thanh tra những vấn đề bất cập khác trong bộ máy nhà nước mà người dân phản ảnh lên, đằng này ông tuyên bố như vậy thì nên dẹp bỏ bộ thanh tra để đổi tên thành bộ mật vụ cho đúng với tư cách của ông ấy.

Rõ ràng những điều này chứng tỏ nhà nước công sản họ đã lòi cái đuôi ra, vì những mâu thuẫn và bất cập đang tràn lan ngoài xã hội, mà không thể nào giải quyết được, hết vấn đề này lại nảy sanh vấn đề khác, hết ngành này lại xảy ra ở ngành khác, hết nơi này lai xảy ra ở nơi khác, đó là dấu hiệu của những điềm không lành có thể xảy ra nay mai cho người dân Việt Nam trong nước.

Sở dĩ chúng tôi phải nói dông dài như vậy là gì tất cả đều do nền giáo dục gọi là xã hội chủ nghĩa này mà ra cả, nó đã sản sanh ra một tầng lớp cai trị dân, gọi là 'làm việc và học tập theo tấm gương đạo đức của bác'.

Clip trăn trở của chú học sinh đối với bất cập trong nền giáo này rồi cũng sẽ trôi vào quên lãng như bao tâm huyết của các lớp cha chú của em cũng từng trăn trở như vậy, không hy vọng gì có sự thay đổi ở thể chế này vì đó là bản chất của chế độ. Mong rằng trời cao có mắt, người viết hy vọng một kịch bản thay đổi có hậu sẽ đến với dân tộc Việt Nam sớm nhất.



SỰ TRĂN TRỞ CỦA MỘT KẺ LƯỜI BIẾNG





No comments:

Post a Comment

View My Stats