Tuesday 30 April 2013

CHÁNH ÁN NGUYỄN TRỌNG NHO & NHỮNG BĂN KHOĂN VỀ ĐẤT NƯỚC (Hà Giang - Người Việt)




Hà Giang/Người Việt
Monday, April 29, 2013 5:17:59 PM

LTS: Biến cố 30 tháng Tư, 1975 đẩy một bộ phận lớn dân tộc vào thế phải đào thoát chế độ độc tài, đi tìm cuộc sống xứng đáng với phẩm giá con người. Thẩm phán Phan Quang Tuệ và Thẩm phán Nguyễn Trọng Nho nằm trong số hàng triệu người phải bỏ nước ra đi trong biến cố ấy. Hai vị, những thanh niên trưởng thành tại xã hội miền Nam trước 1975, nhiệt huyết, dấn thân và đều là người thành đạt.

Những ngày đầu sang đến đất Mỹ, hai ông trải qua những ngày tháng buồn đau, tủi nhục, chua xót khi sau lưng là một quê hương tan rã, hiện tại thì nhọc nhằn, còn tương lai thì bất định. Nhưng bằng vào ý chí, hai ông từng bước một ổn định và tạo được thế đứng vững chắc tại quê hương thứ hai này. Và nhất là, cả hai đều thành đạt trong một lãnh vực mà đồng bào chúng ta tại quê nhà đang khao khát: một nền pháp luật công bằng, minh bạch, tôn trọng nhân phẩm người dân. Trong bối cảnh nhìn lại những cái mất và những cái được của Việt Nam sau biến cố 30 tháng Tư, 1975, Người Việt hân hạnh giới thiệu cùng độc giả hai khuôn mặt tiểu biểu này: Thẩm Phán Phan Quang Tuệ và Thẩm Phán Nguyễn Trọng Nho.

*
*
WESTMINSTER (NV) - Dù từng giữ chức vụ dân biểu tại Việt Nam trước 1975, và một thời từng có ý định ra ứng cử phó tổng thống, Chánh Án Nguyễn Trọng Nho, trong thời gian đầu đến Mỹ tị nạn, đã bứt tung ra được khỏi những “ràng buộc của quá khứ,” bất chấp khó nhọc và vượt lên trên những cảm giác mà ông gọi là “nhục nhã phiền muộn,” lao vào cuộc đời mới bằng những nghề tay chân, như làm lao công, lau chùi nhà cửa và thu dọn đồ đạc để kiếm sống.

Chánh Án Nguyễn Trọng Nho tại văn phòng ở Superior Court of California, West Justice Center tại quận Cam, năm 2008. (Hình: Gia đình cung cấp)

Với xã hội, ông được cho là một người siêng năng, có tài và có khả năng vượt qua mọi trở ngại và thử thách để đạt được mức thành công đáng kể.

Trong thâm tâm, chỉ ông mới biết lòng yêu chuộng tự do khiến ông có được tâm tư thanh thản để dựng lại cuộc đời bằng vốn liếng không gì ngoài hai bàn tay trắng và nỗi nhớ quê hương chôn kín trong tâm khảm.

Tâm sự với phóng viên Người Việt, ông nói: “Biến cố 30 Tháng Tư làm tôi chao đảo lắm chứ, nhưng sau đó thì điều còn lại mà mình đánh giá cao nhất trên đời là tự do thì đã có, nên tôi không sợ gì cả, cứ cắm cúi lần mò tìm cho mình một đường sống trước tương lai mịt mờ.”

Nói về ông, Luật Sư Phan Huy Ðạt, chủ nhiệm nhật báo Người Việt nhận xét: “Ðáng phục thật, ông ấy hơn tôi cả hơn mười tuổi, lúc qua đây nào vợ nào con, thế mà cứ miệt mài vừa làm vừa học, hết MBA rồi đến luật. Tôi nghĩ đóng góp lớn nhất của ông ấy cho xã hội là vai trò của một role model.”

Ông Nho không cho mình là một “role model”. Ông bảo “Tôi chẳng giỏi hơn ai hết, chỉ quyết tâm thôi,” và không quên nhắc đến người vợ thân yêu, rằng nếu không có sự hỗ trợ tiếp tay của vợ thì chẳng những ông “không thể được như vậy” mà còn “có thể tiêu tùng nữa là khác”.

Thành công bề nổi của ông với cộng đồng không ai còn xa lạ, nhưng tâm tư luôn gắn chặt với đất nước của ông có lẽ ít người thấu hiểu.

Trò chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, ông ít nói về sự thành đạt của mình hay của gia đình, mà thường bày tỏ quan tâm của mình về cộng đồng, về những gì liên quan đến đất nước.

Ông Nho cho biết khi được bổ nhiệm chức chánh án, ông chọn làm việc ở quận Cam, dù nếu xin làm chánh án ở Los Angeles lương sẽ cao hơn ở quận Cam $30,000 mỗi năm. Ông xin làm ở quận Cam vì “muốn gần gũi với cộng đồng” và nghĩ rằng sự có mặt của ông “sẽ có nhiều ý nghĩa hơn cho người Việt tị nạn”.

Tâm sự về những cân nhắc khi phải xử một người đồng hương, Chánh Án Nguyễn Trọng Nho cho biết ông “không thể nặng tay hay nhẹ tay hơn đối với các can phạm người Việt” vì lúc nào cũng có cảm nhận “là một đại diện cho người Việt tại tòa án” và không thể làm gì để danh dự của người Việt bị thương tổn.

Mặt khác, là một người Việt Nam, ông cho rằng mình có được sự hiểu biết sâu xa về văn hóa, hoàn cảnh, đặc biệt là những phấn đấu, gian nan, tình cảnh, kinh nghiệm và đau thương mà người Việt phải trải qua trong bao nhiêu năm chiến tranh từ thời chống Pháp, đến lúc đất nước chia cắt rồi cuộc chiến với Cộng Sản miền Bắc, rồi những chia ly tan tác của cuộc di tản bi thương sau 1975. Với tất cả vốn liếng khổ đau của một người Việt tị nạn, ông cảm nhận được một cách sâu sắc hơn người bản xứ về con người của can phạm trước mặt, và nhờ đó đôi khi có thể định được mức trừng phạt thích hợp.

Kỷ niệm mới đây nhất về việc xét xử người đồng hương với ông là phiên xử một thanh niên Việt Nam cỡ 20 tuổi. Trước phiên tòa, ông nhìn thấy một người phụ nữ Việt ngồi trong góc phòng xử với nét mặt thật u sầu.

Sau khi tuyên án 3 năm quản giáo, ông cho phép cậu thanh niên này được tự do ngay buổi tối hôm đó với một số điều kiện. Khi thấy người thanh niên lúng túng lúc ông yêu cầu cho biết ý nghĩa cái tên của mình, ông đã giảng cho thanh niên này biết rằng tên của anh ta có ý nghĩa rất đặc biệt, và nói “Tôi nghĩ chắc bố mẹ cậu đã âu yếm đặt vào trong cậu bao niềm mơ ước của họ khi cho cậu cái tên đó. Tôi chắc họ đã kỳ vọng rằng khi lớn lên cậu sẽ làm được những việc thật hữu ích cho cộng đồng và xã hội.”

Một trong những điều kiện để cậu thanh niên này được tự do là cậu phải hứa khi về nhà việc đầu tiên phải làm là tắm rửa thật sạch để tẩy rửa đi hết dấu vết của những ngày trong lao tù. Sau khi tắm rửa sạch sẽ phải chạy đến ôm chặt lấy mẹ nói là yêu mẹ vô cùng và nguyện sẽ không bao giờ làm bố mẹ buồn nữa. Và mỗi ngày phải lập lại lời hứa với chính mình là sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống để thực hiện ước mơ mà bố mẹ cậu đã đặt nơi mình.

Nước mắt lăn dài trên gò má khi người thiếu phụ nghe vị chánh án dặn dò con mình, trong khi đó người phó Biện Lý thụ lý hồ sơ, một người rất cứng rắn trong tòa, đã đứng lên và đi ra khỏi phòng xử án trong chốc lát. Khi quay lại bà nói riêng với ông là quá xúc động và phải đi ra, “nếu không sẽ khóc”.

Chánh Án Nguyễn Trọng Nho và phu nhân Phạm Vân Bằng tham dự Diễn Hành Tết 2011 tại thành phố Westminster, California. (Hình: Gia đình cung cấp)

Với Việt Nam, ông tâm sự rằng, ở ông cảm nhận về quê hương phát triển rất sớm, từ lúc còn sáu, bảy tuổi, trong những lúc “thẩn thơ chơi trên những cánh đồng ruộng mênh mông ngoài Bắc, và qua mùi lúa thơm, những tiếng hò tiếng hát trong mùa gặt, thấy một tình yêu nào đó vừa rõ rệt vừa mênh mang mơ hồ.”

Khi lớn lên, niềm thao thức với quê hương và lòng sôi sục về thân phận đất nước đã thôi thúc cậu bé bảy tuổi ngày nào, tham gia vào các sinh hoạt đấu tranh của sinh viên thời đó. Những sinh hoạt mà theo ông “không thể kể lại tường tận thấu đáo” trong một vài cuộc phỏng vấn ngắn ngủi.

 “Một ngày về hưu không xa, tôi sẽ viết hồi ký, sẽ kể hết những trăn trở của chúng tôi và những gì xảy ra thời đó.”

Nhắc lại kỷ niệm thời làm dân biểu, ông kể về một chuyến xuất ngoại năm 1968: “Mình hồi đó là một thằng nhà quê, lần đầu tiên được đi Mỹ, thấy sao đất nước người ta văn minh quá, cả người bồi trong khách sạn cũng mặc áo vest, thắt cà vạt thật lịch sự.”

Và tâm sự: “Nhìn sự sung túc của họ, tự nhiên thấy thương dân mình, thấy nhớ nhà da diết, chỉ muốn về nhà sớm để cùng chung với mọi người tìm cách làm gì đó cho đất nước đầy chiến tranh nghèo khổ.”

Trả lời câu hỏi tại sao lại chọn làm thẩm phán mà không tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của một vị dân cử, ông bày tỏ: “Thật ra tôi thích làm dân biểu hơn. Là một dân biểu mình có thể đấu tranh cho một điều gì đó, mình có thể soạn ra luật, có thể thay đổi chính sách công quyền ảnh hưởng tới đời sống của xã hội. Còn là chánh án thì công việc chỉ hạn chế trong việc xử án, và phải xử theo luật pháp, dù có đồng ý với luật đó hay không.”

Rồi nói thêm: “Nhưng định mệnh đưa đẩy tôi làm chánh án. Vả lại người vợ mà tôi rất yêu quý, cản, không muốn tôi làm chính trị nữa, và hạnh phúc gia đình với tôi là điều không gì thay thế được.”

Nhận định về đóng góp của ngành tư pháp và vai trò của chánh án, luật sư cho tương lai Việt Nam, ông cho rằng ngành tư pháp với một luật sư đoàn độc lập có thể đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải tiến, thay đổi các định chế chính trị tại Việt Nam, chẳng hạn như đòi đảng cộng sản bỏ độc quyền cai trị của họ.

“Tôi thật sự có nhiều hy vọng vào giới luật sư tại Việt Nam, nhất là những luật sư trẻ đầy lòng can đảm và hy sinh như các luật sư Nguyễn Văn Ðài và Lê Thị Công Nhân.”

Kể chuyện học hành, ông nói rất mê học, vì “tuổi trẻ Việt Nam thế hệ của tôi không có may mắn được có những khuôn viên đại học thật hấp dẫn, thơ mộng và tốt đẹp như những người Mỹ.”

Khi báo cho vợ biết quyết định sẽ đi học luật, vợ ông đồng ý, tuy vẫn không nén được tiếng thở dài, và “gọi một cuộc họp gia đình” sau bữa ăn tối.

Tối hôm ấy, ông trình bày với các con là muốn đi học luật và hỏi các con có bằng lòng không, giải thích: “Nếu bố đi học thì tối không về ăn cơm với các con, cuối tuần không đi chơi với con được, các con có chịu cho bố đi học không?”

Ông kể lúc ấy cậu con trai năm tuổi của ông ngây thơ nói “bố đi học đi bố,” thế nhưng sau này cũng chính cậu bé năm tuổi ấy đã vào phòng kéo tay bố rủ “bố ra công viên chơi với con đi bố” và phải lủi thủi đi ra khi bố bảo bận học lắm không chơi với con được.

Nhắc đến thời gian này, vợ ông tâm sự: “Vừa xót con, vừa thương chồng, cuối cùng tôi phải nghĩ ra cách cuối tuần tổ chức picnic, cả nhà ra công viên chơi, các con thì chơi đùa, còn bố cứ ngồi ôm cuốn sách, nhưng dù sao thì có mặt chung với gia đình vẫn hơn.”

Sự kiên trì phấn đấu theo đuổi mục đích đến nỗi nhiều lúc sao lãng trách nhiệm gia đình của Chánh Án Nguyễn Trọng Nho đã được vợ ông là bà Phạm Vân Bằng kể lại tỉ mỉ qua những hình ảnh sống động trong hồi ký “Tình Yêu, Niềm Tin, Hy Vọng” xuất bản năm 2011.

Về đất nước, ông Nho cho biết, như biết bao nhiêu người Việt còn nặng lòng với quê hương dân tộc, ông cũng có những lo lắng buồn phiền.

Với ông, hiểm họa Trung Cộng là một điều rõ rệt không chối cãi được. Ông cho rằng người Trung Quốc cai trị nước họ với một “cái nhìn của hàng ngàn năm trước mặt”.

Chánh Án Nguyễn Trọng Nho và phu nhân Phạm Vân Bằng và cháu ngoại Isabella Thiên Hương năm 2011. (Hình: Gia đình cung cấp)

Ông nói: “Chính cái sách lược của hàng ngàn năm là lý do tại sao Mao Trạch Ðông, Chu Ân Lai đã có được trong tay tờ thư của Phạm Văn Ðồng nhìn nhận quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Trung Quốc, nhìn nhận ranh giới biển do Trung Hoa vẽ ra. Những người Tàu Cộng Sản, nêu cao khẩu hiệu quốc tế anh em, đã nhìn về phía trước hàng trăm, hàng ngàn năm. Trong khi Phạm Văn Ðồng và những người Cộng Sản miền Bắc lúc đó chỉ nhìn không quá vài năm trước mặt, để mục đích xâm chiếm miền Nam trên cả quyền lợi lâu dài của dân tộc.”

Theo ông, cũng chính sự khác biệt về cái nhìn chiến lược thật xa giữa Trung Hoa và Việt Nam mà ngày nay có biết bao nhiêu khu đất trên quê hương ta đã bị người Trung Quốc thuê mướn dài hạn. Chính vì cái nhìn thật xa, thật dài trong chiến lược quốc gia của người Hoa mà họ đang thiết lập tại Việt Nam các “thành phố “ kiểu mẫu với tất cả các tiện nghi, trường học, bệnh viện... như tại Bình Dương. Mục đích của Trung Quốc là dần dần xóa bỏ sự khác biệt cá tính dân tộc giữa người Hoa và người Việt, và từ đó có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng trầm trọng và lâu dài.

Ưu tư thứ hai của ông là “người Việt chúng ta có một dân tộc ly tán”. Người Hoa dư biết đây là lúc Việt Nam đang có những khó khăn nội tại lớn nhất, cái khó khăn đã kéo dài gần 40 năm từ 1975 đến nay.

Ông nói “Cái khó khăn của sự ly tán lớn lao nhất trong dân tộc gây nên bởi sự đối xử của những người thắng cuộc miền Bắc đối với những người anh em miền Nam. Cái ly tán đó vẫn còn đó.”

Ông Nho cho rằng hiện có rất nhiều người trẻ tuổi tài giỏi tại Việt Nam, và nhiều khoa học gia, kỹ sư, học giả Việt lỗi lạc ở khắp nơi trên thế giới.

Với họ, ông nhắn nhủ: “Chúng ta không có thời gian để lãng phí. Tôi tin rằng trong sâu thẳm của tâm hồn mỗi người chúng ta đều muốn thấy quê hương đất nước Việt được cường thịnh, tự do, với một thể chế dân chủ thật vững mạnh. Tấm gương của Do Thái là một điều cho người Việt trong và ngoài nước đều phải suy gẫm.”

Ðược hỏi dự tính tương lai, Chánh Án Nguyễn Trọng Nho cho biết khi về hưu một ngày không xa, ông sẽ tiếp tục dạy môn thực hành nghề luật sư và luật quốc tế nhân quyền, và dành thì giờ để viết lại những kinh nghiệm quá khứ và góp phần ghi lại một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam.

------------------

Chánh Án Nguyễn Trọng Nho là vị chánh án gốc Việt đầu tiên tại quận Cam, California.

Ông qua Mỹ tị nạn năm 1975, tốt nghiệp MBA tại California Polytechnic University, Pomona năm 1981, lấy bằng luật Juris Doctor tại Western State University College of Law năm 1988. Sau khi hành nghề luật một thời gian, năm 2000 ông được Thống Ðốc Gray Davis bổ nhiệm chức chánh án vào năm 2000, tái đắc cử chức vụ này năm 2002 và năm 2008. Trước khi đến Hoa Kỳ, ông đã từng giữ chức vụ dân biểu hai nhiệm kỳ liên tiếp tại thủ đô Sài Gòn thời Việt Nam Cộng Hòa.
___

Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com

Bài liên quan



No comments:

Post a Comment

View My Stats