Sunday 28 April 2013

PHẢN ĐỘNG NHƯ VTV LÀ CÙNG (Cánh Cò)




Sun, 04/28/2013 - 14:32 — canhco

Tôi không thù hằn gì ông nhưng nói thật giá mà ông đừng lên TV.

Khối người nghĩ lên TV là để hãnh diện với giòng họ, chóm xóm hay lớn hơn là cả nước thì đôi khi sẽ bị hố to, đặc biệt đối với người có danh có vị, nói theo kiểu giang hồ là có số có má, vì khi lên chỗ thị phi trước mắt hàng triệu người mà ăn nói rối rắm, câu cú lủng củng thì có mà ốm đòn với báo chí, chí ít là bị ném đá mềm người.

TV còn có một tai hại nữa mà các phương tiện truyền thông khác không có, đó là hình ảnh của người “muốn nổi tiếng” sẽ không cách gì mà không “lộ nguyên hình” khi lên TV.

Mặc dù trước khi trình diện bản mặt mình với khán giả thì mấy anh chị đã được bộ phận hóa trang mà Tây gọi là make-up son phấn che lấp những sai sót của tạo hóa. Hố bom hố bò, tàn nhang hay vết nám sẽ bị che bằng các lớp hóa chất mỏng tang nhưng có khả năng biến xấu thành dễ coi, biến hốc hác thành đầy đặn, biến nhăn nheo thành trơn láng và cũng có thể, tùy theo tài năng của người nghệ sĩ make-up, biến hung dữ thành hiền hậu, và hay hơn nữa là biến lùn thành cao ráo hơn một tí!
Nhưng có một điều mà tất cả các tay phù thủy của Holywood bó tay không làm được, đó là biến phì nộn thành…ốm o.

Cái yếu huyệt này đã khiến rất nhiều người nổi tiếng tránh lên TV, nhất là ở Việt Nam, khi người dân vẫn quen nhìn người phì nộn là…lười biếng, háo ăn với hàng lô hàng lốc từ ngữ biếm nhẽ khó nghe.
Có một người không thấy được cái yếu huyệt ấy, ông ta vẫn lên TV, vẫn trả lời phỏng vấn trong vai trò một Bộ trưởng, một Ủy viên Trung ương Đảng, tức là một người có số có má.

Ông ta là Giàng Seo Phử, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Sắc tộc Việt Nam.
Tôi không mặc cảm gì với thân phận của ông, tôi chỉ thương hại thay cho ông và giận cho VTV khi đem ông lên trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”.

Tôi thấy thảm hại vì khuôn mặt quá khổ của ông tương phản một cách khôi hài với các câu trả lời về tình trạng đói ăn lưu cửu của đồng bào miền núi. Ông càng cố lột tả sự khó khăn của các hộ dân ít người tại các tỉnh vùng cao thì người xem càng cảm thấy ông đang lừa dối họ.

Khi ông nói về sự khó khăn của người dân thì những khối thịt trên mặt chống lại ông một cách quyết liệt. Cơ hàm ông bạnh ra, cổ ông láng bóng và chúng đang quằn quại hết sức đế thoát ra chiếc cổ cồn quá chật, cộng với chiếc cà vạt nhà quê cố thắt cổ thân chủ thay vì làm đẹp cho người mang chúng. Ông ạ, tôi có cảm tưởng khi trả lời xong cuộc phỏng vấn ông sẽ ngã lăn ra mà thở.

Đáng buồn là ông không ngã lăn ra thở như tôi tưởng tượng, mà thay vào đó các cháu miền cao, những người được ông nhắc tới sẽ tiếp tục lăn ra vì đói.

Điều này tôi biết chắc ông không bao giờ để ý, vì nếu biết ông sẽ chấm dứt bài nhạc có cung “cơ chế” mà toàn Đảng, toàn hệ thống kể cả ông đang vin vào khi bị vặn hỏi.

Ông không ờ bên ngoài cái cơ chế ấy, vì ông là Bộ trưởng.

Và vì ông không biết chương trình “Cơm có thịt”, “Áo ấm biên cương”… cũng như những chương trình khác của những con người ngoài cơ chế đang cật lực mang tới cho các em vùng cao chút ấm lòng.
Họ không lãnh lương như ông. Họ không tròn trịa như ông. Không áo vét, cà vạt sang trọng như ông ngồi không đổ vấy cho cơ chế. Họ miệt mài cứu trẻ đói, che chắn trẻ lạnh, ấp ủ những trẻ thiếu chữ vùng cao bằng những hành động thực tiễn. Họ săm soi từng vết nứt dưới chân các em để biết rằng cần phải xin giày mang lên cho chúng.

Họ ngồi ngắm nghía những trẻ ở truồng không phải bằng đôi mắt tò mò mà cố tìm cách nào che cho chúng trôi qua mùa lạnh.

Họ chụp những tấm ảnh ngây thơ nhưng đói lả của các em không phải để dự thi ảnh nghệ thuật mà muốn những tấm ảnh ấy đánh vào lương tâm dư luận để giúp được phần nào những cộng đồng mang tiếng là Việt Nam nhưng thật khó làm cho giới chức Hà Nội hiểu thế nào là cái đói, cái lạnh của trẻ em miền núi.

Chúng còn một cái đói khác lớn hơn, sẽ làm suy dinh dưỡng trí não của chúng cho đến khi trở thành kiệt quệ, đó là đói chữ.

Phải chăng thức ăn của trẻ em đồng bào thiểu số đã chạy về đắp lên đôi má nặng nề của ông? Phải chăng cái đói thảm thương của họ có dính líu tới con đường danh vọng của một đồng hương mang tên Giàng Seo Phử?

Có hay không có ông thì những tộc người ấy vẫn sống, vẫn tìm củ mài củ chuối mà ăn thay vì cơm và gạo như người Kinh. Họ bất cần tới sự trả lời của bộ trưởng Giàng cùng với thứ ngôn ngữ được đánh bóng tới từng dấu phẩy.

Những con người âm thầm sau lưng đang giúp cho các em không được hỏi công khai trên TV và nhiều người tin rằng có hỏi họ cũng không trả lời. Họ khác ông nhiều thứ, từ tâm hồn cho tới bộ dạng. Họ ốm yếu, trong khi ông nung núc. Họ khuân vác những kiện hàng xin được từ xã hội lên tận những nơi tưởng chừng không thể nào lên được trong khi ông ngồi phòng lạnh, chỉ tay năm ngón tới những điều bất cập mà ai cũng biết.

Họ, những con người không muốn nổi danh ấy, đau đáu với những ánh mắt chờ mong rất ngây thơ và đầy bất nhẫn. Những cái tên của các em rất khó phát âm và xa lạ đối với nhiều người nhưng rất quen thuộc với ông vì ông từ vùng núi mà ra. Ông nói chung thứ tiếng nói của họ nhưng không đồng cảm với cái đói, cái khổ đau mà hàng trăm ngàn người đang chịu. Ông cố chứng minh thay Đảng rằng sự đói nghèo của các bộ tộc rất gần gũi với ông là do hoàn cảnh đặc thù của dân tộc.

Ông đã làm tròn trách nhiệm nói dối, lấy nước miếng làm mát những lò điện hạt nhân đang sôi có tên Cao Bằng, Hà Giang, đặc biệt là Lai Châu, Mường Nhé nơi hàng trăm ngàn người H’mông như ông đang ăn củ mài trừ cơm hay đang ở trong các căn nhà chiều cao một thước hai, cố trốn đói bằng cách lên rừng đào củ để sống trong khi Bộ trưởng của họ thủng thình nói rằng tất cả đều do cơ chế!

Tôi cảm thông với ông ở cái góc là ông đã làm tròn công tác lừa dân mà Đảng giao phó. Tôi có thể ghét cái cơ địa của ông nhưng phải nói thật, ông không đủ thông minh để thoát ra khỏi cái bẫy của VTV.

Còn cái góc khác, góc phá hoại của VTV khi mời một con lợn lên thuyết trình về lợi ích của ăn chay thì tôi xin hỏi thẳng: VTV đã nhận của bọn phản động bao nhiêu tiền để làm chương trình này?






No comments:

Post a Comment

View My Stats