Monday 29 April 2013

THÁNG TƯ (Nguyễn Hưng Quốc)




29.04.2013

Tôi có tật ít nhớ ngày và nhớ tháng. Tôi chỉ nhớ thứ: Thứ hai, Thứ ba, Thứ tư, v.v.. Có lẽ lý do chính là vì tôi dạy học. Điều quan trọng nhất đối với người đi dạy là nhớ thứ mấy mình dạy từ mấy giờ đến mấy giờ. Thời khóa biểu in và dán trên bức tường ngay trước mặt cũng chỉ ghi giờ và ghi thứ. Còn ngày? Chả có gì quan trọng cả. Trừ ngày lễ, dĩ nhiên. Về tháng, tôi không để ý mấy, chủ yếu là do thời tiết ở Úc. Xin lưu ý, bình thường, đối với con người, tháng chỉ là một ý niệm khá trừu tượng, chỉ có mùa là cụ thể. Bởi nó gắn liền với khí hậu. Với những cơn nóng và cơn lạnh. Với những chiếc máy quạt (hoặc máy lạnh) và những chiếc áo ấm. Sống ở Việt Nam từ nhỏ đến trưởng thành, với tôi, tháng giêng, chẳng hạn, gắn liền với mùa xuân, với sự mát mẻ, với câu thơ của Xuân Diệu “tháng giêng ngon như một cặp môi gần”; tháng sáu, bảy và tám, với sự oi bức và với mùa nghỉ hè; tháng mười hai, với giá rét, với mùa đông và với Giáng sinh, hoặc (theo lịch ta), với Tết. Mối quan hệ ấy đã trở thành nếp trong đầu, hơn nữa, trên da thịt. Ở Úc thì khác. Tháng một lại là mùa hè và là mùa nghỉ hè; tháng sáu và bảy lại dịp nghỉ mùa đông. Mối quan hệ quen thuộc giữa tháng và mùa, bị lệch đi, chênh chao hẳn, khiến cho tôi, dù sống ở Úc cả mấy chục năm, cứ thường xuyên bị bối rối khi muốn nhớ đến tháng. Dĩ nhiên, nhìn trên lịch, vẫn biết. Nhưng cái biết ấy sao mà chông chênh, rất dễ bị vụt mất. Trong nhận thức, lúc nào cũng có cảm giác như đang bềnh bồng trong một không gian có mùa nhưng không có tháng.

Vậy mà, mấy tuần vừa rồi, tôi cứ hay bắt gặp mình, nhất là những lúc đang lái xe, lẩm nhẩm trong đầu bài thơ này của Nguyễn Khuyến:

Tháng Tư đầu mùa hạ
Tiết trời thực oi ả
Tiếng dế kêu thiết tha
Đàn muỗi bay lả tả
Nỗi ấy biết cùng ai
Nỗi này buồn cả dạ
Biếng nhắp năm canh chầy
Gà đã sớm giục giã.

Thoạt đầu, tôi không hiểu sao mình lại nhớ và ngâm nga bài thơ ấy. Thứ nhất, ở Úc, đang giữa mùa thu, trời bắt đầu trở lạnh, chả dính dáng gì đến mùa hạ cả. Thứ hai, đó cũng không phải là một bài thơ hay của Nguyễn Khuyến. Ít nhất không hay bằng mấy bài ông viết về mùa thu. Sau, tôi mới sực nhớ, yếu tố khiến tôi bị ám ảnh không chừng chỉ nằm ở chữ “Tháng Tư”.

Có lẽ từ trong tiềm thức, tôi đang nhớ đến ngày 30 Tháng Tư.

Nhưng khi nhớ đến ngày 30/4 và câu thơ “Tháng Tư đầu mùa hạ” của Nguyễn Khuyến cùng lúc, tôi lại đâm ra nghĩ ngợi.

Với người miền Nam, và sau này, cộng đồng người Việt ở hải ngoại, biến cố 30/4 được gọi tên theo tháng: Tháng Tư, lúc chính quyền miền Nam bị sụp đổ. Thỉnh thoảng, với một số người miền Trung hoặc một số người lính tham chiến ở miền Trung, biến cố ấy còn có tên khác: Tháng Ba. Thật ra, tên Tháng Ba chỉ trở thành phổ biến chủ yếu nhờ một tác phẩm: cuốn
Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy. Đó là một trong vài cuốn hồi ký chiến tranh hay nhất và được nhiều người đọc nhất ở hải ngoại.

Nhà văn Cao Xuân Huy (1947-2010), Trung úy Thủy quân lục chiến, lúc ấy đang đóng quân ở Quảng Trị. Đơn vị của ông bị vỡ trận ở đó, hơn một tháng trước khi Sài Gòn thất thủ. Tuy nhiên, chữ Tháng Ba rõ ràng không phổ biến bằng chữ Tháng Tư. Gọi Tháng Tư, chưa đủ, người Việt ở hải ngoại thêm một tính từ phía sau, thành “Tháng Tư Đen”. Cụm từ “Tháng Tư Đen” trở thành nhan đề của khá nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, kể cả ca khúc, hơn nữa, của một số cuốn sách của người Tây phương, ví dụ, gần đây nhất, cuốn Black April: The Fall of South Saigon, 1973-75 của George Veith (2012). Đánh mấy chữ “tháng tư đen” trên Google, chúng ta sẽ thấy hiện lên cả trên một triệu kết quả.

Ở trong nước, đặc biệt về phía chính quyền, chữ thông dụng nhất cho biến cố này là “đại thắng mùa xuân”. Trước hết, nó gắn liền với chữ “chiến dịch mùa xuân 1975”, trên lý thuyết, bắt đầu từ ngày 4 tháng Một 1975; nhưng trên thực tế, thực sự bắt đầu từ chiến dịch Tây nguyên vào đầu tháng Ba, và kết thúc vào ngày 30/4 tại Sài Gòn. Như vậy, tính theo mùa, cuộc tổng tấn công năm 1975 bắt đầu từ mùa xuân và kết thúc vào tháng đầu tiên của mùa hạ. Toàn bộ cái gọi là “chiến dịch Hồ Chí Minh”, giai đoạn cuối cùng của cuộc tổng tấn công, diễn ra từ ngày 26 đến 30 tháng Tư đều nằm trong mùa hạ.

Tuy nhiên, ngôn ngữ chính thức của chính quyền Việt Nam, từ truyền thông đại chúng đến sử liệu, đều gọi trận thắng cuối cùng của họ tại Sài Gòn là “đại thắng mùa xuân”. Xin lưu ý: chữ “mùa xuân” trong “chiến dịch mùa xuân” và trong “đại thắng mùa xuân” có hai hàm nghĩa khác nhau. Trong ngữ cảnh đầu, “mùa xuân” chỉ là mùa khô, thời điểm ít mưa nhất trong năm, do đó, thuận lợi cho các cuộc hành quân và việc vận tải vũ khí cũng như lương thực phục vụ cho chiến đấu. Trong ngữ cảnh sau, chữ “mùa xuân” được chọn, thay cho mùa hạ, chỉ vì nó gợi lên ấn tượng về một thời kỳ mới mẻ, tươi đẹp và đầy sức sống. “Đại thắng mùa xuân”, do đó, chắc chắn là có nhiều ý nghĩa và gợi nhiều liên tưởng hay hơn hẳn “đại thắng mùa hạ” hay “đại thắng mùa hè”, chẳng hạn. Đó là một lựa chọn vừa có tính chất tu từ vừa có tính chất chính trị.

Đối với người Việt ở hải ngoại, sự sụp đổ của miền Nam không được nhớ theo mùa, thậm chí, ít khi theo tháng: Nó được nhớ theo ngày: ngày 30 tháng Tư. Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, không có mấy biến cố lịch sử gắn liền với một ngày cụ thể như thế. Nhớ đến Cách mạng tháng Tám, người ta nhớ tháng chứ không nhớ ngày, trừ ngày Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình, vốn rơi vào tháng 9. Nhắc đến trận Điện Biên Phủ, người ta cũng nhớ tháng chứ không nhớ ngày. Trừ các sử gia, không mấy người nhớ ngày quân đội Pháp đầu hàng là ngày nào.

Thêm một khác biệt nữa: Với người miền Bắc, đặc biệt, với chính quyền, ngày 30/4 là một ngày kết thúc; với người miền Nam cũng như với người Việt ở hải ngoại, đó là ngày khởi đầu. Kể chuyện, bằng văn viết hoặc bằng văn nói, người Việt ở miền Bắc, nhất là những người có chức quyền, thường bắt đầu bằng cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi kháng chiến chống Mỹ, và, cuối cùng, kết thúc bằng ngày 30/4. Rất hiếm khi người ta nhắc một cách chi tiết và thanh thản về những điều xảy ra sau đó. Cái thời gọi là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa với những giá lương tiền ở miền Nam cũng như cả thời bao cấp trong cả nước nói chung đều bị làm ngơ. Báo chí chính thống tảng lờ, làm như nó không từng hiện hữu. Người Việt ở miền Nam và ở hải ngoại thì thường bắt đầu câu chuyện bằng chính cái ngày 30/4 để tiếp theo là những chuyện đổi tiền, chuyện kinh tế mới, chuyện học tập cải tạo, chuyện đánh tư sản mại bản, chuyện sổ hộ khẩu và sổ lương thực, chuyện công an khu vực, và, cuối cùng, chuyện vượt biên và có thể, chuyện hải tặc.

Với những khác biệt ấy, khác với tất cả các biến cố khác, ngày 30/4 là ngày phân hóa nhất trong lịch sử Việt Nam. Nói theo lời Võ Văn Kiệt: ngày ấy, có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn. Bắt chước cách nói quen thuộc về tình bạn quen thuộc, chúng ta cũng có thể nói: Hãy nói bạn nghĩ gì về ngày 30/4, tôi sẽ nói bạn là ai.

Rõ nhất là “bạn” thuộc về “phe thắng cuộc” hay phe thua cuộc.

Tuy nhiên, cái gọi là “phe” ở đây không phải là một đơn vị rõ ràng và thuần nhất, nhất là ở cái gọi là “phe thắng cuộc”. Nếu bên phe thua cuộc, hầu như ai cũng như ai, tất cả đều, với những mức độ khác nhau, có vô số những mất mát; bên thắng cuộc, ngược lại, hầu như chỉ có một số có chức và có quyền là được nhiều lợi lộc. Không ít người, ở miền Bắc, cảm thấy mình gần gũi với phe thua hơn phe thắng. Tôi nghe kể có người ở Hà Nội, ngay sau năm 1975, vào thăm con cháu ở Sài Gòn, cứ trách những người “thua cuộc”: “Sao bọn cháu không ra giải phóng miền Bắc mà lại để miền Bắc chiếm miền Nam thế này hở?” Trả lời Đinh Quang Anh Thái trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Tư năm 2000, nhà văn Dương Thu Hương kể, năm 1975, vào thăm thân nhân ở Sài Gòn, trong khi những người ở miền Bắc vào đều “hớn hở cười” thì bà lại khóc. Khóc vì hai lý do chính: một, bà nhận thấy việc miền Nam thua miền Bắc đồng nghĩa với việc một “nền văn minh đã thua [một] chế độ man rợ”; và hai, vì bà thấy “tuổi xuân của [bà] đã hy sinh một cách uổng phí”. Nhận thức ấy làm cho bà từ một người thắng cuộc trở thành một người thua cuộc: Thua cuộc vì, trong suốt cả mấy chục năm, bà chỉ là nạn nhân của một nền tuyên truyền dối trá.

Bởi vậy, chữ “bạn là ai” ở trên không phải bao giờ cũng bao hàm ý nghĩa đánh giá.

Trong số các bạn thân của tôi, có hai người ở hai cực khác nhau trong kinh nghiệm về ngày 30/4. Cả hai đều là thầy giáo. Chỉ khác là một người thì lớn lên ở miền Bắc và một người thì trưởng thành ở miền Nam.

Người bạn ở miền Bắc, trước năm 1975, là bộ đội, đóng quân ở một khu rừng nào đó có lần anh kể nhưng tôi không nhớ. Anh sống từng giờ trong nguy hiểm và đói khát. Bom đạn có thể dội vào nơi anh đóng quân bất cứ lúc nào. Anh nhìn hết người bạn này đến người bạn khác chết. Rất hiếm người chết được toàn thây. Rồi bỗng dưng, một ngày, đang trên đường hành quân, anh nhận được tin Sài Gòn được “giải phóng” và chiến tranh chấm dứt. Anh nhảy cẫng lên vì mừng rỡ. Sau này, cả mấy chục năm, cứ đến ngày 30/4, anh lại có cảm giác mừng rỡ như mới thoát khỏi một cảnh hiểm nghèo và một giai đoạn dài đen tối. Nhận định của anh về chế độ xã hội chủ nghĩa và chính quyền Việt Nam thay đổi nhiều nhưng cái cảm giác mừng rỡ ấy vẫn còn hầu như nguyên vẹn. Có lần, nói chuyện với tôi, nhắc đến ngày 30/4, anh dùng chữ “giải phóng”; sau, có lẽ sực nhớ tôi là người miền Nam, không chừng áy náy, anh bèn nói: “Xin lỗi về chữ ‘giải phóng’. Nhưng thành thực mà nói, với tôi, ngày ấy là một ngày ‘giải phóng’ thực sự.”

Người bạn ở miền Nam, ngược lại, vốn là một công chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn, sau năm 1975 bị bắt đi cải tạo năm bảy năm; được thả, anh vượt biên sang Úc; và ở Úc, anh là một giáo sư. Vì nhiệt tình muốn giúp đất nước, anh về Việt Nam làm việc mấy năm, dưới danh nghĩa đại diện cho một trường đại học lớn tại Úc. Anh kể, bình thường, anh không thấy có sự khác biệt đáng kể nào giữa anh - trong tư cách một Việt kiều hay một trí thức miền Nam trước năm 1975 - với các đồng nghiệp ở Hà Nội. Có. Nhưng không đáng kể. Giới hạn trong phạm vi giáo dục, mọi sự hợp tác được tiến hành khá trôi chảy. Nhưng, cũng theo lời anh, mỗi lần đến ngày 30 tháng Tư, lòng anh lại buồn rười rượi. Anh không muốn ra đường; và ở nhà, anh cũng không muốn mở ti vi lên xem. Tất cả đều làm cho anh thấy lạc lõng: Anh nhận thấy rất rõ là anh không thuộc về đám đông chung quanh. Họ là những người chiến thắng. Họ ca ngợi chiến thắng. Còn anh lại là người chiến bại, và sau đó, là một tù nhân. Anh không oán hận. Nhưng anh thấy cay đắng.

Với tôi, cả hai đều là bạn tốt; và theo nhận xét của tôi, đều là những người tốt, đặc biệt yêu nước, lúc nào cũng tha thiết muốn làm một cái gì đó cho đất nước. Sự khác biệt của họ chỉ là sự khác biệt về kinh nghiệm.

Mà họ lại không được quyền chọn lựa kinh nghiệm ấy.

Thế nhưng những kinh nghiệm ấy lại đeo đẳng theo họ mãi. Và làm cho họ xa cách nhau.

Ít nhất là một ngày trong năm.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats