Đàm Mai Đạo
Chủ
Nhật, 14/04/2013
Tin liên quan:
Ông Vương Trí Nhàn
Đọc bài viết nhan đề: "Trình độ sống của người Việt còn
thấp!" [1], tôi quá ngạc nhiên trước những nhận định và đánh giá về
trình độ, tính cách dân tộc Việt của ông Vương Trí Nhàn. Tôi ngờ rằng, ý định
của ông chỉ xoay quanh những thói xấu của người Việt (có lẽ chỉ là dân tộc
Kinh), hơn là những lượng định phẩm chất toàn bộ dân tộc Việt Nam. Dù là thói
xấu, nhưng những thói xấu đó không thể xem là của riêng người Việt, bởi hầu như
những tính xấu (theo ông Nhàn, nó phản ánh trình độ dân tộc) như: bạo lực, tham
lam, xảo trá, đố kỵ, mê tín dị đoan v.v... hầu như dân tộc nào trên thế giới
cũng có.
Dù cho ông chỉ có ý định nói về người Kinh
(dân tộc đông nhất tại Việt Nam), vẫn là điều mà cá nhân tôi cho rằng khá hời
hợt. Bài viết làm cho người đọc tưởng tượng ra hình ảnh: ông Vương Trí Nhàn
đang đứng trước cánh rừng già nguyên sơ quý hiếm được mệnh danh là "Bản
sắc dân tộc Việt Nam" với những cảnh vật mờ ảo của buổi chiều tà ảm đạm
rồi ông vội vã lượng định hết sức sơ sài cùng một chút võ đoán. Cũng có thể, từ
cánh rừng quý giá đó, ông đã từng bị một hoặc vài tai nạn nào đó, có thể do bất
cẩn trong lúc thám hiểm hoặc có thể ông tham gia cùng đoàn quân lâm tặc để phá
rừng hoặc những kẻ săn trộm thú quý hiếm và rồi lãnh những sự trừng phạt từ
rừng xanh chăng? Từ những tai nạn đó, tay không trở về, ông đã vội kết luận đó
là cánh rừng nguy hiểm, đáng sợ và không có gì thú vị để khám phá, gìn giữ như
là những tài sản quý giá cho thế hệ mai sau?
Nhận định một cá nhân đã khó, viết về một
người nổi tiếng càng khó và buộc người viết phải cẩn trọng vô cùng để không
thất thố. Tôi vào wikipedia, trong đó cho thấy [2]:
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã nhận xét nhẹ nhàng về ông Vương
Trí Nhàn:
Trong số những cây bút phê bình lý luận
Việt Nam hiện đại, Vương Trí Nhàn là một người từ mấy chục năm nay đã tạo được
một giọng điệu riêng khó lẫn. Ông không phải là người tiếp cận thật sâu một vấn
đề gì đó và triển khai nó đến tận cùng, mà thường vấn đề gì cũng lướt qua một
cách nhẹ nhàng, nhưng lại có những nhận xét khá thâm thúy.
Ngoài GS. Nguyễn Huệ Chi, Nhà văn Ngô Thảo có cách đánh
giá khác:
"Người ta nói, anh Vương Trí Nhàn từ
một nhà phê bình văn học trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa. Tôi rất nghi ngờ
tính khoa học những loạt bài đó."
"Anh Nhàn là người ham học hỏi, đọc
rất nhiều, nhưng cái kiến thức và cái tư tưởng của anh Nhàn, tôi rất nghi ngờ.
Đó là khoảng cách của một người chủ trương phê phán thị trường, nhưng chính
mình lại chìm ngập trong thị trường"
Tôi nghĩ, không riêng nhà báo Minh Phương
vất vả khi phỏng vấn ông Vương Trí Nhàn qua bài viết thượng dẫn, mà các nhà báo
khác cũng khó khăn rất nhiều bởi cách trả lời của ông dù êm nhẹ nhưng vòng vo
không bao giờ đi thẳng vào câu hỏi, ngoài ra ông tỏ ra bảo thủ và cực đoan.
Thật khó để nghĩ ông là một người "nghiên cứu văn hóa" hay "phê
bình văn học", bởi ông khó chấp nhận bản thân sai hay những lỗ hổng trong
cách lập luận. Một ví dụ buồn dưới đây, cho thấy phóng viên đã kiên nhẫn để
cuộc phỏng vấn được tốt đẹp nhưng ông Vương Trí Nhàn tỏ ra cay cú (dù nhẹ
nhàng) và bất hợp tác, đành hanh (trích):
PV: Nếu không nhận thức được mình thì chúng ta sẽ không có
những triều đại rực rỡ như Lý, Trần, Lê, sẽ không có những anh hùng hào kiệt,
các vị anh quân của các triều đại. Nếu không nhận thức được thì sẽ không có các
tác phẩm nghệ thuật kinh điển. Nếu không nhận thức được chúng ta sẽ không có
cuộc sống ngày hôm nay. Nếu không nhận thức được thì dân tộc Việt không thể có
một nền văn hóa như vậy. Chúng ta cần đưa ra một trường hợp cụ thể. Theo ông,
Nguyễn Du có nhận thức được mình không khi viết ra một tác phẩm như Truyện
Kiều?
VTN: Tùy bạn, bạn cứ nói những điều này trên mặt báo. Một
người như Nguyễn Du nhận thức được không có nghĩa là cả dân tộc nhận thức được.
PV: Ông nói sao? Một thiên tài như Nguyễn Du cũng không biểu
hiện cho nhận thức của dân tộc sao?
VTN: Không có nghĩa là như thế. Tôi sẽ không gặp lại bạn nữa.
Tôi đi về đây. Tôi không thích kiểu nói chuyện này.
(hết trích)
Quay trở lại với bài viết "Trình độ sống của người Việt còn
thấp!", tôi nhận thấy:
Khi ông Nhàn đưa ra những câu chuyện cổ
tích như: "Tấm Cám", "Trí Khôn" để quy kết "bạo lực
nằm sâu trong văn hóa Việt" quả đáng choáng váng cho không chỉ những người
yêu mến ông Nguyễn Đổng Chi - tác giả của 5 tập truyện "Kho tàng truyện cổ
tích Việt Nam", được xem là tập hợp khá đầy đủ chuyện cổ tích Việt Nam. Cổ
tích Việt Nam, nếu theo cách lý giải của ông Vương Trí Nhàn, có thể nói,
dày đặc trong đó là... "bạo lực". Không chỉ là bạo lực mà còn nói đến
những tính cách khác như: vong ân bội nghĩa (Sự tích Con Muỗi), tham tàn hiểm
độc (Thạch Sanh Lý Thông), tham sang phụ khó, ma mãnh (Sự tích Thạch Sùng),
thác loạn (Chữ Đồng Tử), thậm chí có thể quy kết "Sự Tích Trầu Cau"
là cổ súy cho việc loạn luân, "Sự tích quả dưa hấu" là ủng hộ cho
những nghịch tử, cũng đúng theo ý ông Nhàn v.v... và hàng hà sa số câu chuyện
khác. Nếu quả thật vậy, dân tộc Việt Nam này từ đâu và làm sao mà tồn tại cho
đến ngày nay giữa muôn trùng những thói xấu bất tận như thế?!
Truyện cổ tích là những câu chuyện mà không
ai có thể biết rõ thời điểm được kể ra, chỉ biết là rất xưa. Nói điều này để
thấy sự gắn kết chuyện cổ tích với xã hội hiện đại ngày nay (ít nhất là 20 năm
trở lại đây - khoảng thời gian mà đạo đức Việt Nam ngày càng suy đồi), phải
chăng quá khập khiểng và ngây ngô? Xã hội ngày nay chẳng phải đang cổ võ và đòi
hỏi quyết liệt cho một nếp sống tuân thủ pháp luật? Chỉ tiếc pháp luật Việt Nam
hiện tại vẫn chỉ là trò hề đối với nhân dân. Đó có phải là điều mà ông Vương
Trí Nhàn bỏ qua một cách đáng tiếc, khi viện dẫn chuyện cổ để áp đặt cho tính
cách, trình độ của người Việt?!
Ông Vương Trí Nhàn nói: "Dân ta đâu
có tin nhiều thần thánh! Người ta nô nức đi chùa, đi đền, không gì khác là để
hối lộ thần thánh, mặc cả với thần thánh". Thoạt nghe phân tích, có vẻ
đúng thế. Không thể chối bỏ mê tín dị đoan ngày nay nảy nở khủng khiếp với
những hủ tục, lễ lạt đầy chất ma mị. Thử hỏi, "khai ấn đến Trần" ai
chủ xướng? Tại sao ngày Giỗ Tổ Vua Hùng bị lãng quên, cho mãi đến những năm sau
này (2007) mới được hồi phục? Lại rất đau lòng để chỉ ra cái cách tưởng nhớ
Tiền Nhân theo kiểu được thêm ngày nghỉ, để xả hơi, tụ họp ăn chơi và cổ súy
như là một ngày dành cho hưởng thụ thay vì để thật sự nhớ về Người đã dựng nên
nước Việt? Còn nhiều lễ lạt khác như: Hội Chùa Hương, Tết Trung Thu v..v...
ngày càng méo mó đến thê thảm. Ai phải chịu trách nhiệm? Ngay đây, khi nhắc về
"thần thánh", ông Vương Trí Nhàn đã bộc lộ lỗ hổng kiến thức rất lớn,
ông không phân biệt được 3 lĩnh vực: Tâm Linh - Tôn Giáo - Mê tín dị đoan.
Dường như ông đánh đồng cả 3 lĩnh vực này với nhau thì phải?!
Mặt khác, giữa một xã hội loạn lạc, vô
chính phủ hiện nay; đứng trước những thiên tai, nhân tai, và cả... "chế độ
tai", người dân không còn một chỗ nào bấu víu để được giải quyết thấu tình
đạt lý trước những tranh chấp lợi ích đầy dãy, trước những tai nạn "trên
trời rớt xuống" rình rập, trước những cái chết oan khiên, cho đến gia đình
Đoàn Văn Vươn tề tựu tại Giáo Đường cầu nguyện Đức Chúa v.v..., thử hỏi những
người dân côi cút, trắng tay như thế, nếu không bám víu vào Đức Chúa, Đức Phật
thì họ sẽ tìm chỗ nào để nương tựa, để cầu xin, để hy vọng mong manh tìm chút
bình an cho cuộc sống đối mặt với quá nhiều bất trắc?
Lý luận theo ông Vương Trí Nhàn, không hiểu
ông sẽ lý giải như thế nào về trường hợp GS. Ngô Bảo Châu, cũng quan tâm đến
tâm linh, lúc trẻ, trước khi thi, ông Châu thường hay tới chùa và thích ông
ngoại đưa đón khi thi, vì tin rằng may mắn sẽ đến [5]. Theo quan điểm ông Nhàn,
hoàn toàn có thể quy kết ông Châu như là lợi dụng thần thánh cùng với trình độ
thấp?!
Một thực trạng ê chề không ai có thể chối
cãi, Tôn giáo đã bị chà đạp, phỉ báng và rẻ rúng kể từ ngày người cộng sản áp
đặt ách cai trị bạo tàn tại Việt Nam, trong khi họ luôn nói ngược. Không chỉ
giới cấp cao mà ngay cả những người đắm chìm trong giáo điều cộng sản, họ cũng
chưa bao giờ nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò Tôn giáo trong một xã hội băng
hoại đến cùng cực, bằng chứng dẫn ra đây là của một vị giáo viên nhiều năm dạy
chính trị liên quan đến Marx - Lenin:
huycanh (khách viếng thăm) gửi lúc 22:16,
11/04/2013 - mã số 83942
Tôn giáo giúp chúng ta đến với cái linh
thiêng, huyền bí, vượt lên trên cái hữu hạn, trần trụi của đời sống-đó là
một mặt,là ý nghĩa của tôn giáo, tuy nhiên cũng phải thấy :tôn giáo là hạnh
phúc hư ảo của nhân dân. Đó là một luận đề lịch sử, theo tôi, hoàn toàn
chính xác của Marx.
Tôn giáo có sự linh thiêng, nhưng chưa bao
giờ là huyền bí (theo cách mê tín dị đoan), bởi Tôn giáo là những gì trong
sáng, thánh thiện nhất mà con người mãi luôn cần đến. Chính vì vậy, Tôn giáo
không bao giờ là "hạnh phúc hư ảo". Bởi nếu Tôn giáo là "hạnh
phúc hư ảo" thì không thể tồn tại và lan tỏa rộng khắp vượt khỏi không
gian và thời gian mấy ngàn năm qua. Chúng ta đều biết trên tờ giấy bạc của Mỹ
có dòng chữ "In God We Trust", chiếu theo quan điểm của chế độ hiện
nay, có thể nói trình độ dân Mỹ cũng... thấp (?)(!). Một người quen (cũng là
đảng viên) đã từng thắc mắc với tôi về hình thức "Xưng Tội", ông ta
nói, đại ý: Lạ quá! Xưng tội xong, là hết tội. Vậy, sau đó họ có thể tiếp
tục làm tội rồi vào xưng tiếp. Cứ vậy thì còn gì nói nữa. Tôi bật cười và
nói với ông ấy rằng: "Chỉ khi nào ông thật sự làm người Công giáo nghiêm
túc, ông sẽ hiểu". Điều đáng nói là những người này, luôn lấy suy nghĩ chủ
quan của họ để áp lên mọi việc mà không bao giờ tìm hiểu một cách nghiêm túc.
Theo wikipedia, ông Vương Trí Nhàn cũng lớn
lên và mưu sinh dưới chế độ cộng sản. Đó có thể cho thấy, có một ít liên quan
giữa quá trình sinh sống, hấp thu giáo dục nhiều năm trong một chế độ nhất định
với nhận thức về Tôn giáo.
Nếu ông Nhàn thiếu vắng hẳn tính chất quan
trọng - Tôn giáo trong việc "nghiên cứu" gắn kết với "trình độ
sống" thì ông Huy Canh cho thấy hình như chưa bao giờ nghiên cứu một chút
gì về Tôn giáo, chí ít đọc nghiêm cẩn về một quyển sách nói về Tôn giáo chính
thống nào đó. Trong khi những người mang nặng chất giáo điều này, họ có vẻ vẫn
chưa phai lạt, mà vẫn xem "chủ nghĩa hư vô" có tên gọi là "chủ
nghĩa Marx - Lenin" cho đến nay vẫn đúng (!). Tôi ngờ rằng, chính họ đang
tự ru ngủ bằng chính cái "hạnh phúc hư ảo" mà họ lầm tưởng do Tôn
giáo mang tới.
Cũng trong bài viết của ông Nhàn đang được
bàn luận, ông nói: "...Chúng ta cũng đã từng kêu ầm lên khi có
hiện tượng các cô gái đi lấy chồng Hàn Quốc… Rồi có làm gì thêm đâu".
Đúng vậy, không chỉ là thảm nạn mà có thể nói đó là sự sỉ nhục quốc thể từ cái
gọi là "cô dâu Hàn Quốc", "cô dâu Đài Loan", "cô dâu
Trung Quốc" mà nạn buôn người cả cho việc bán thân đến nô lệ lao động xảy
ra đầy các nước, mới đây xảy ra tại Nga đã làm bàng hoàng, chết lặng cho sỉ
diện dân tộc do chủ chứa Nguyễn Thúy An [6] cầm đầu làm mưa làm gió nhiều năm
với sự tiếp tay của quan chức cộng sản Việt Nam tại Nga, rồi hùng hồn tuyên bố
đã mua đứt và dính dáng chằng chịt với quan chức và con cái của họ. Thử hỏi ông
Nhàn, khi ông dùng chữ "chúng ta" ở đây là "chúng ta" nào?
Những phụ nữ, trẻ em bị buôn bán để phục vụ tình dục như thế, ai, tổ chức nào
phải chịu trách nhiệm? Một hội đoàn nào đó được thành lập tự nguyện tại Việt
Nam chỉ duy mục đích lên tiếng và đấu tranh cho những người phụ nữ đáng thương
đó, có được hoạt động chăng hay bị bắt giữ ngay lập tức với chiêu bài
"79" hoặc "88"? Ai sẽ đứng ra để giải trừ thảm họa buôn
người như thế này? Hay lại đổ thừa do "trình độ sống" dân Việt
"thấp"?! Tôi cho đó là sự khinh rẻ tồi tệ dân tộc thì đúng hơn!
Giáo
dục - lĩnh vực phản ánh rõ nét về trình độ của dân tộc nào đó. Còn gì để bàn
cãi với nền "giáo dục XHCN" hiện nay? Cậu bé khôi ngô Đỗ Nhật Nam bị sỉ vả và chỉ trích dồn
dập, chỉ vì dám nói thật những suy nghĩ của mình, có là gương điển hình của một
sự bóp chết "trình độ" người Việt không?
Một người được xem là "nhà nghiên cứu
văn hóa" nhất định phải có kiến thức vừa sâu vừa rộng trên nhiều lĩnh vực
liên quan. Người đó còn phải có tư duy vận động liên tục, nhãn quan nhạy bén và
hiện đại để hòa hợp với thời đại và cần nhận thức rõ thế giới đang đổi thay
chóng mặt với khái niệm "toàn cầu hóa", "thế giới phẳng",
"kinh tế tri thức". Ngày nay tri thức không còn bị những "biên
giới" như là những hàng giậu ngăn cách. Nghiên cứu văn hóa không thể tách
rời, chẻ nhỏ hay cắt khúc như cắt ổ bánh mì đối với những hiện tượng cần nghiên
cứu.
Tóm lại, dân tộc Việt Nam hiện nay tan hoang về nhân cách
sống, rách bươm về đạo đức vì:
- Tôn giáo bị rẻ rúng, đàn áp.
- Pháp luật chỉ là những manh giấy vô
nghĩa.
- Giáo dục bóp chết sự sáng tạo.
- Thiếu vắng một xã hội dân sự thông qua
việc thành lập những hội đoàn để người dân có tiếng nói đấu tranh cho lợi ích
của mình (ví dụ: Hội những người chống tệ buôn người, Công đoàn độc lập, Hội
dân mất đất oan v.v...).
- Chế độ độc đảng toàn trị đang tôn sùng và
cổ súy trong nhân dân vai trò bạo lực trở thành công cụ và phương pháp hữu hiệu
nhất để giải quyết mọi vấn đề.
Chính những thiếu vắng và hụt hẫng nói trên
đã phá nát cái gọi là "trình độ" mà ông Vương Trí Nhàn gọi là
"thấp" để rồi áp đặt vô lý cho dân tộc Việt Nam.
Chỉ có trả lại và
nâng cao Quyền Con Người mới mong giải quyết vấn đề văn hóa nói riêng và mọi
vấn đề nói chung tại Việt Nam.
Đàm Mai Đạo
(Tôi ủng hộ Phong Trào Con Đường Việt Nam)
_____________
_____________
[1] Vương Trí Nhàn -
Trình độ sống của người Việt còn thấp! (Dân Luận)
[2] Vương Trí Nhàn
(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
[4] Nguyễn Đổng Chi
(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
[5] Thời thơ ấu của
Ngô Bảo Châu (VNExpress.net)
[6] Chủ Chứa Ở Nga:
Các Quan Chức Việt Ngậm Miệng Ăn Tiền (Mạch Sống)
No comments:
Post a Comment