Trần Nhật
Phong
Gửi tới BBC từ California, Hoa Kỳ
Cập nhật: 09:06 GMT - thứ sáu, 12 tháng 4, 2013
Vài năm trước
khi nghe tin anh em điện ảnh trong nước háo hức chờ xem cuốn phim “Thủ Tướng”
(2007) của đạo diễn Lê Hoàng, vì cho đây là một ý tưởng mới táo bạo, tôi cũng
háo hức như mọi người.
Cuối cùng cuốn
phim sau nhiều lần bị đề nghị đổi tựa, đổi kịch bản, đổi đối thoại và rồi chìm
luôn trong quên lãng vì các quan chức lớn của cục điện ảnh và sở thông tin văn
hóa cho là “tế nhị”.
Đến 2010, dư
luận lại xôn xao trước phim truyền hình “Đường tới thành Thăng Long”, với
lối phim và cảnh trí tương tự như phim Trung Hoa.
Nhiều dư luận
bênh và chống bộ phim kịch liệt, cuối cùng bộ phim với kinh phí khá lớn đành
phải ngậm ngùi trong huyệt mộ, vì các quan chức sợ mất ghế và sợ bị “điều tra
những tiêu cực”.
Đổi cả tên Trung Quốc
Cách đây vài
năm, một người thuộc lứa đàn em của tôi có cơ sở lồng tiếng phim Trung Hoa
trong nước kể lại rằng sau khi mua bản quyền, giải quyết các kịch bản với
nhà chức trách xong - đương nhiên là tốn chút phong bì - và hoàn tất phần
lồng tiếng, đột nhiên họ bị một quan chức của Sở Văn hóa Thông tin gọi lên.
Người này yêu
cầu, “Dạo này chống Trung Quốc dữ quá, cô về làm lại đổi hết các câu văn trong
phim thành Trung Hoa thay vì Trung Quốc", khiến cô em của tôi thiếu điều
muốn bật khóc.
Tiền bản quyền
mua đã nặng, tiền lồng tiếng cũng không kém, vậy mà giờ 50 tập phim (45 phút
mỗi tập) phải rà soát lại hết xem chổ nào kịch bản ghi là Trung Quốc phải đổi
thành Trung Hoa, vừa tốn thêm tiền một cách vô lý, vừa sợ lỡ bị sót chỗ nào là
quan sẽ “hành” hay rút giấy phép thì xem như mất trắng tiền vốn đầu tư.
Nhiều bạn bè rủ
tôi về Việt Nam làm phim, tôi thật ham vô cùng, dù gì mình cũng tốt nghiệp
trường điện ảnh, dù gì cũng là cái nghề mình đam mê? Nhưng, và chữ 'nhưng'
đáng ghét đã cản tôi lại.
Làm cách nào để
thực hiện những sáng tạo kịch bản có chiều sâu, phản ảnh suy nghĩ, tư duy của
mình về xã hội?
Kịch bản mang
tính mạnh bạo một chút trong ngôn ngữ đã bị các quan lớn cho là tế nhị rồi,
đừng nói đến các cảnh mang tính mạnh bạo khác như chém.
Giết, nổ súng,
hở hang một chút, thì các quan chức đầu ngành phải kiếm ra chứng cớ để giết nó
từ trứng nước vì nó có thể khiến đường hoạn lộ và lợi tức hàng tháng của họ
biến mất.
Các quan sợ lắm,
báo chí mà soi đèn vào “tại sao cuốn phim vớ vẩn như thế lại được giấy phép”
thì các quan sẽ lên tim ngay, đó là chưa kể từ chuyện này báo chí lại moi ra
chuyện tiêu cực khác thì ô hô ai tai ngay.
“Bụi Đời Chợ
Lớn”, cái tên đã nghe thấy ghét rồi, quan chức phải kiếm cho ra chứng cớ để
ngăn chặn cuốn phim mà vừa mới xem trailer đã hoảng.
Và may quá, đám
làm phim này thật quá quắt, chưa có lệnh mà cứ tiến hành quay, chưa có giấy
nhà quan mà đã quảng bá trình chiếu.
Thế là các quan
nêu lên hàng loạt những phân cảnh, ngôn ngữ, để chứng minh cho mọi người thấy,
họ làm việc rất nghiêm túc, tuân thủ luật lệ tối đa.
Các quan còn
phán ra những lời vàng ngọc “chúng tôi rất trân trọng các đạo diễn Việt Kiều”,
và rằng họ đang tìm cách để cứu cuốn phim. Chao ôi, các quan thật thương dân
đen!
Cấm trí tưởng tượng
Điện ảnh vốn là
ngành giải trí, tất cả sáng tác, cảnh quay thậm chí ngôn ngữ đều mang tính trừu
tượng, phản ảnh tư duy, suy nghĩ và diễn đạt của người hay nhóm thực hiện,
nhưng quan niệm của các quan là phải phản ảnh đúng thực tế của cuộc sống, cái
nào “phi thực tế” sẽ bị làm thịt ngay.
Charlie Nguyễn
là bạn của tôi, chúng tôi quen nhau từ thời Charlie còn ở hải ngoại, ăn mì gói
để dành tiền làm các phim như “Qua Đêm Đen”, “Đời Hùng Vương Thứ 18”, sở trường
của Charlie là các phim mang tính hành động (action).
Mấy năm trước
cuốn phim “Dòng Máu Anh Hùng” do Charlie Nguyễn đạo diễn cũng được ưu ái cho
trình chiếu ở Việt Nam dù rằng trong phim cũng có những cảnh bạo lực không
kém gì “Bụi Đời Chợ Lớn”.
Nhưng phim được
thông qua vì nó an toàn cho các quan, vì nó kích động được “một thời yêu nước” nên
họ không phán gì cả.
“Bụi Đời Chợ
Lớn” là một tác phẩm điện ảnh giải trí, nó cũng được phóng tác không khác gì
“Cô Dâu Đại Chiến”, cũng không khác gì “Thiên Mệnh Anh Hùng”, nó chỉ là sản
phẩm trí tưởng tượng không phản ảnh đúng thực tế cuộc sống, nhưng các phim kia
thì các quan thông qua vì nó an toàn cho cái ghế của họ.
Còn “Bụi Đời Chợ
Lớn” thì có thể khiến các quan bị báo chí ném đá và soi đèn, có thể khiến họ
"thăng", khiến họ thành “Bụi Đời”, nên các quan phải hè nhau giết
chết nó.
Có thể khi bài
viết này đến tay các độc giả thì “Bụi Đời Chợ Lớn” đã bị đổi khai sinh để có
thể được sống còn, có thể bị bẻ tay, bẻ chân, nắn bóp thành một hình thù khác,
và cũng có thể lồng thêm vào đó các quan điểm xã hội các quan đưa ra, để thể
hiện đạo đức xã hội của họ.
Nền điện ảnh của
Việt Nam có lẽ sẽ tiếp tục số phận bụi đời, lang thang không nhà và sẽ
không bao giờ có cơ hội có chỗ đứng trong làng điện ảnh quốc tế, vì nó không
thể giúp các quan văn hóa hay Cục Điện ảnh thênh thang trên hoạn lộ, mà nó chỉ
đem đến phiền phức cho họ thôi.
Bài viết thể
hiện quan điểm của ông Trần Nhật Phong, một người hoạt động trong
ngành truyền thông tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ. Quý vị có thể xem thêm tin bài và quan điểm Cục
Điện ảnh về phim 'Bụi đời Chợ Lớn' trên các Bấm báo Việt Nam.
No comments:
Post a Comment