Wednesday, 6 March 2013

VIỆT NAM 1945-1995 : CHIẾN TRANH - TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / LỜI KẾT (GS Lê Xuân Khoa - Blog Ba Sàm)




GS Lê Xuân Khoa

Posted by basamnews on 06/03/2013

Không có một chủ nghĩa chính trị nào là chân lý tuyệt đối. Mọi học thuyết hay chủ nghĩa do con người lập ra, dù của những đầu óc siêu việt đến đâu, cũng chỉ có giá trị tương đối trong những hoàn cảnh xã hội nhất định, hoặc chỉ có một số yếu tố tồn tại với thời gian vì chúng phản ánh những nguyên lý cơ bản về đạo đức và trí tuệ của loài người… Bởi vậy, bất cứ một học thuyết hay chủ nghĩa chính trị nào tự tuyên dương mình là chủ nghĩa duy nhất có giá trị vĩnh viễn thì sẽ hoàn toàn sai lầm, và sẽ gây nên hậu quả vô cùng tai hại. Đúng như một câu danh ngôn đã nói: “Làm thầy thuốc mà lầm thì có thể giết chết một bệnh nhân, làm chính trị mà lầm thì có thể giết hại một dân tộc, làm văn hoá tư tưởng mà lầm thì có thể giết hại nhiều thế hệ.” Độc tôn về chính trị và tư tưởng sẽ đưa đến độc tài, bắt mọi người phải tuân phục một chủ nghĩa duy nhất và một chế độ duy nhất, loại trừ tất cả những người có những suy nghĩ khác biệt. Rốt cuộc, vì sai lầm chồng chất, các chế độ độc tài đều sẽ phải sụp đổ. Điều này đã được chứng minh quá rõ ràng qua kinh nghiệm của nhiều nước độc tài trên thế giới, cộng sản hay không cộng sản, trong những thập niên vừa qua.
….
Quyền lực và lợi lộc nếu biết chia sẻ thì nhà cầm quyền vẫn có phần một cách chính đáng. Quyền lực và lợi lộc không thể mãi mãi giữ độc quyền, và điều chắc chắn là không thể đem theo sang thế giới bên kia. Đã có nhiều trường hợp cho thấy hậu quả tai hại xảy ra cho những chế độ độc tài, cộng sản hay không cộng sản, trong khi những người cầm quyền còn tại chức. Thành tích tốt hay xấu của những người lãnh đạo sẽ được nhân dân đánh giá công minh và được lịch sử ghi chép thành văn hay truyền khẩu cho đến muôn đời sau. Có những nhà lãnh đạo nào đã tự hỏi mình: Nên để lại tiếng thơm hay tiếng xấu cho hậu thế? Bách thế lưu phương hay Lưu xú vạn niên?
*
*


Khi kiểm điểm các sự kiện lịch sử trong hơn nửa sau của thế kỷ XX như đã được trình bày trong sách này, ngoài việc nhận biết được những quyết định sai lầm và những cơ hội bỏ lỡ của những nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Pháp, Hoa Kỳ, Việt Nam cộng sản và Việt Nam quốc gia, chúng ta còn có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm và bài học thực tế về các chính sách đối nội và đối ngoại của mỗi phe liên hệ. Vì mục tiêu giới hạn của cuốn sách, tác giả sẽ chỉ chú trọng đến những bài học có lợi ích cho Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Thật ra, những bài học này không hoàn toàn mới lạ vì đều là những sự thật khá hiển nhiên, nhưng những sự kiện và trường hợp chúng xảy ra hay được áp dụng ở Việt Nam là những kinh nghiệm mới có hiệu lực cảnh giác rất mạnh mẽ.

Các nhận định đúc kết cuốn sách này được tập trung vào ba bài học lớn:

1. Trong quan hệ quốc tế, chỉ có lợi ích quốc gia là quan trọng hơn cả.

Cũng như trong sự giao thiệp giữa các cá nhân, quyền lợi vị kỷ hay gia đình của mỗi người luôn luôn là ưu tiên được bảo vệ, mọi hình thức liên minh giữa các quốc gia đều chỉ tồn tại chừng nào mỗi thành viên còn thấy sự hợp tác đó có lợi ích cho xứ sở của mình, cả hai phe quốc gia và cộng sản ở Việt Nam đều đã trải qua nhiều kinh nghiệm đắng cay trong sự giao thiệp với các đồng minh của mình.

Quan hệ Nhật-Việt: Ở những thập niên đầu thế kỷ XX, Nhật Bản được giới sĩ phu Việt Nam coi là tấm gương sáng cho các dân tộc Á châu, đặc biệt là ba nước Đông Dương muốn độc lập và tiến bộ và có khả năng ngăn chặn sự lấn át của các đế quốc thực dân Tây phương. Phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng là một sách lược then chốt trong mưu đồ chống Pháp. Trước khi đem quân vào Đông Dương, Nhật đã huấn luyện cho Việt Nam Kiến Quốc Quân do Hoàng thân Cường Để thành lập vào cuối thập kỷ 1930. Mặc dầu đạo quân này đã cùng quân Nhật tấn công Pháp trong trận Lạng Sơn vào tháng Chín 1940, Nhật đã mau chóng bỏ rơi Cường Để khi thấy cần duy trì tình trạng ổn định về hành chánh dưới một chính quyền Pháp bại trận ở Đông Dương. Tới năm 1943, với chủ trương liên kết các dân tộc Á châu để thực hiện mục tiêu Đại Đông Á, Nhật trở lại ủng hộ các nhóm chính trị hoạt động với Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội nhằm chuẩn bị đưa Cường Để về nước thay thế cho Bảo Đại. Nhưng, như đã trình bày ở chương Một và chương Mười trên đây, sau cuộc đảo chính lật đổ Pháp ngày 9.3.1945, Nhật lại bỏ rơi lá bài Cường Để và cũng không muốn cho Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng vừa để tránh tiếng là dùng người thân Nhật dù chống Pháp, vừa muốn làm việc với một học giả yêu nước ôn hoà là Trần Trọng Kim hơn là một chính khách quốc gia cực đoan như Ngô Đình Diệm.

Quan hệ Trung-Việt: Trong gần hết nửa đầu thế kỷ XX, Trung Hoa là nơi lánh nạn an toàn của những nhà cách mạng Việt Nam chống Pháp, thoạt tiên là các sĩ phu thuộc phong trào cần vương, kế đó là thành phần các khuynh hướng chính trị khác nhau nhưng đông nhất là đảng viên của việt Nam Quốc Dân Đảng sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị thất bại năm 1930. Nhiều người đã trở thành sĩ quan cấp tướng trong quân đội Trung Hoa trong khi vẫn tiếp tục tranh đâu cho nền độc lập của tổ quốc. Lý do Trung Hoa mở rộng vòng tay đón tiếp các nhà cách mạng Việt Nam là vì lòng thù ghét sẵn có đối với Pháp và các nước Tây phương, từ cuộc Chiến tranh Nha phiến (1839-1842) cho đến vụ nổi loạn “phù Thanh diệt Ngoại” của Nghĩa Hòa Quyền (1898-1901) khiến cho triều đình nhà Thanh phải ký các hiệp ước nhượng địa và bồi thường chiến tranh cho Anh, Pháp, Đức, Nga. Khi Tưởng Giới Thạch lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nhật từ 1937 đến 1945, ông lại cần đến sự hợp tác của các thành phần Việt Nam yêu nước chống cả Pháp lẫn Nhật. Bởi vậy, trong những phiên họp với Tổng Thống Roosevelt vào những năm 1943-1944, ông đã hoàn toàn ủng hộ chủ trương giải thoát các thuộc địa của Pháp ở Đông Dương. Ông còn từ chối đề nghị của Roosevelt giao cho Trung Hoa bảo trợ các dân tộc Đông Dương, vì mối quan tâm lớn nhất của ông trong những năm cuối Đệ Nhị Thế chiến là phải chiến đấu một mất một còn với Mao Trạch Đông sau khi Đồng Minh thắng Nhật. Để đạt được mục tiêu lâu dài đó, Tưởng Giới Thạch muốn các nước ở phía Nam Trung Hoa, nhất là Việt Nam, biết ơn ông và trở thành những quốc gia độc lập chống cộng sản. Cũng vì thế, Trung Hoa Quốc Dân Đảng, qua Tổng đốc Quảng Tây Trương Phát Khuê, đã tập họp các lãnh tụ cách mạng Việt Nam ở Trung Hoa năm 1942 để thành lập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội và giúp cho các phương tiện hoạt động tình báo và du kích chống Nhật.

Năm 1945, quân đội Trung Hoa vào Việt Nam, ngoài nhiệm vụ thay mặt Đồng Minh giải giới quân đội Nhật còn có mục đích thành lập một chính phủ quốc gia thân Trung Hoa. Tuy nhiên, như đã thấy ở các chương Một và Hai, các tướng Lư Hán và Tiêu Văn, vì quyền lợi và tham vọng riêng và cũng vì khả năng yếu kém của các đảng phái quốc gia Việt Nam, đã ép buộc lãnh tụ các đảng này phải tham gia vào một chính phủ liên hiệp do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Trong khi đó, chính phủ Trùng Khánh được Pháp điều đình và trả lại các nhượng địa bị Pháp chiếm giữ và khai thác từ Chiến tranh Nha phiến, quyết định bỏ ý định ủng hộ nền độc lập của việt Nam. Tưởng Giới Thạch lúc đó hẳn đã nghĩ rằng lực lượng quân đội Pháp có thể dẹp tan được Việt Minh và một Đông Dương thuộc Pháp sẽ đem lại an toàn cho miền Nam Trung Hoa hơn là những nước nhỏ đang gặp nhiều khó khăn trong những nỗ lực giành lại nền độc lập. Vì lợi ích quốc gia, Quốc Dân Đảng Trung Hoa không ngần ngại bỏ rơi các chiến hữu Việt Nam đã gắn bó với mình trong suốt mấy chục năm.

Kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam với Trung Quốc trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ-VNCH còn cay đắng hơn nhiều. Tình đoàn kết quốc tế giữa các nước theo chủ nghĩa cộng sản tưởng như sẽ đời đời bền vững nhưng rốt cuộc, vì quyền lợi riêng của mỗi nước, vẫn tan rã và có khi trở thành thù địch như trường hợp Liên Xô-Trung Quốc, Trung Quốc-Việt Nam và Việt Nam-Khmer Đỏ. Sau khi thống nhất Trung Quốc vào cuối năm 1949, Mao Trạch Đông bắt đầu xác định cho Trung Quốc vai trò “hậu phương lớn” nhằm khích động và hỗ trợ cách mạng vô sản ở các nước Á châu mà Stalin đã giao cho Mao lãnh đạo để thực hiện chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Đó là lý do khiến cho Mao hết lòng trợ giúp mọi mặt cho VNDCCH trong cuộc chiến tranh chống Pháp. Tuy nhiên, trước tình trạng kiệt quệ về kinh tế do gánh nặng của hai cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam, lại bị cô lập và bao vây bởi thế giới tư bản nhất là sau cái chết của Stalin đầu năm 1953, Trung Quốc quyết định trở về với chủ trương “Trung Quốc trên hết” và áp dụng đường lối “ngoại giao nụ cười” với các nước Tây phương. Do đó, Chu Ân Lai đã giúp cho Pháp gỡ được thế bí ở Hội nghị Genève bằng hiệp định ngưng bắn 1954 và ép Hồ Chí Minh phải chấp thuận chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17. Trung Quốc chỉ trở lại giúp cho VNDCCH trong cuộc chiến tranh chống Mỹ từ những năm 1960 khi thấy Mỹ là mối đe dọa lớn cho Trung Quốc đồng thời muốn giành lấy vai trò lãnh đạo cộng sản quốc tế sau khi kết tội Liên Xô theo “chủ nghĩa xét lại.” Sau những vụ đụng độ ở biên giới với Liên Xô năm 1969, Trung Quốc quay sang hoà giải với Mỹ, tạo thế quân bình tam cực quốc tế bằng chuyến đi thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nixon năm 1972. Sau đó, Hà Nội nghiêng hẳn về phía Mat-scơ-va trong khi Bắc Kinh gia tăng xây dựng cho Khmer Đỏ. Sau 1975, mâu thuẫn Việt-Trung càng ngày càng lớn và bùng nổ thành trận chiến 16 ngày vào đầu năm 1979.

Mặc dù Trung Quốc và Việt Nam đã tái lập quan hệ bình thường từ 1991 do nhu cầu đoàn kết để tồn tại của những thành trì cộng sản cuối cùng, mâu thuẫn vì quyền lợi quốc gia giữa hai nước vẫn khi ẩn khi hiện và Trung Quốc vẫn còn là một mối đe dọa thường trực. Cuộc tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về ngoại giao và quân sự giữa nhiều nước trong khu vực, đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc

Quan hệ Pháp-Việt. Sau gần một trăm năm cai trị ba xứ Bắc Phi (An-giê-ri, Tuy-ni-di và Ma-rốc) và ba xứ Đông Dương dưới chế độ thuộc địa và bảo hộ, các chính phủ Pháp đã có thói quen coi những nước nhỏ yếu này là thuộc về nước Pháp. Chính vì não trạng đó, khi “mẫu quốc” bị Đức Quốc xã chiếm đóng, tướng de Gaulle từ Luân-đôn đã kêu gọi dân chúng Pháp không nên lo ngại trong công cuộc chiến tranh giải phóng. Ông nhấn mạnh ba lần rằng “Nước Pháp không cô đơn” vì “Nước Pháp còn có một đế quốc rộng lớn ở sau lưng.”1 Lợi ích vị kỷ này đã là mục tiêu chung của mọi đảng phái chính trị của nước Pháp, từ cực hữu như phe de Gaulle cho đến các đảng phe tả với những đại diện như Marius Moutet (Xã Hội) hay Maurice Thorez (Cộng Sản). Những lời phát biểu của Thorez bảo vệ quyền lợi đế quốc Pháp bằng vũ lực ngay cả đối với chính phủ Hồ Chí Minh cho thấy rõ lợi ích quốc gia đã được đặt lên trên chủ nghĩa và tình đoàn kết quốc tế của các lãnh tụ cộng sản. Các chương Hai và Bốn đã phân tích khá đầy đủ về lòng tham mù quáng của giới lãnh đạo chính trị và tài phiệt Pháp không những đối với chính phủ cộng sản Việt Nam mà với cả các chính phủ quốc gia, thậm chí những người thân Pháp nhất cũng sinh ra thất vọng và bất mãn, do đó Pháp đã bỏ lỡ bao cơ hội hòa bình và chuốc lấy thất bại. Vụ tự tử của Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh có hiệu lực của một tiếng chuông cảnh tỉnh, một bài học cho những chính khách hợp tác với một đồng minh không đáng tin cậy và không biết phản ứng thích hợp khi bị đồng minh bội ước.

Quan hệ Mỹ-Việt: Hoa Kỳ là một cường quốc hàng đầu thường tuyên dương các giá trị của tự do, dân chủ và nhân quyền. Tiếp theo truyền thống của những nhà lập quốc được Tổng thống Wilson đúc kết trong bản chương trình hòa bình 14 điểm năm 1918, nhấn mạnh vào quyền dân tộc tự quyết của những nước nhược tiểu, Tổng thống Roosevelt chủ trương trả lại độc lập cho các cựu thuộc địa của các nước Tây phương. Năm 1960, Tổng thống Kennedy còn kiên quyết hơn nữa khi long trọng tuyên bố với “từng quốc gia trên thế giới” rằng “chúng ta sẽ trả bất cứ giá nào, mang bất cứ gánh nặng nào, chịu bất cứ gian khổ nào, hỗ trợ bất cứ người bạn nào, chống lại bất cứ kẻ thù nào, để bảo đảm cho sự tồn tại và thành công của tự do.”

Tuy nhiên, lý tưởng cao cả và lòng cam kết ấy chỉ được theo đuổi và duy trì khi vai trò lãnh đạo thế giới và quyền lợi của nước Mỹ không bị đe dọa. Các nhà lãnh đạo Mỹ thường tìm cách làm cân bằng giữa lý tưởng và lợi ích quốc gia, nhưng nhiệm vụ này nhiều khi rất phức tạp và việc chọn lựa rất khó khăn, như đã thấy trong lời than phiền của Tổng thống Johnson khi ông quyết định từ bỏ chiến tranh Việt Nam và từ bỏ luôn sự nghiệp chính trị của mình.2 Quyết định của Johnson khó khăn vì ông bị giằng co giữa một bên là chương trình “Xã hội Vĩ đại” mà ông đã hoạch định cho nhân dân Mỹ, một bên là lòng tin cậy của các nước đồng minh vào sự cam kết bảo vệ của Mỹ chống độc tài cộng sản. Nhưng quyết định chấm dứt chiến tranh Việt Nam của Johnson còn có một lý do khác mà trước đó McNamara đã nói ra nhưng ông không đồng ý là Mỹ không thể thắng chiến tranh Việt Nam bằng sức mạnh quân sự. Nói cách khác, ông nhìn nhận Mỹ đã thất bại về quân sự và phải tìm một giải pháp chính trị ít tổn hại nhất cho uy tín của Mỹ trước quốc tế. Giải pháp này phải đợi đến thời của Tổng thống Nixon mới đạt được.

Câu hỏi cần đặt ra ở đây là quyết định chấm dứt chiến tranh Việt Nam có phải là vì lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ hay không? Nếu câu trả lời là phải thì khi Hoa kỳ quyết định tham gia vào chiến tranh Việt Nam để ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản chẳng phải là vì lợi ích của Hoa Kỳ hay sao? Đối với Tổng thống Johnson thì câu trả lời đã rõ ràng là Mỹ không thể tiếp tục theo đuổi giải pháp quân sự, nhưng ông không còn thì giờ và cơ hội tìm giải pháp chính trị. Đối với Tổng thống Nixon thì quyền lợi quốc gia đã được tìm thấy ở giải pháp chính trị là khai thác mâu thuẫn Liên Xô-Trung Quốc để ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản ở Á châu. Khi đã thiết lập được quan hệ bình thường với Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể rút hết quân ở Việt Nam về nước. Để khỏi mang tiếng là bỏ rơi đồng minh, Nixon đưa ra chương trình Việt Nam hoá chiến tranh, ký kết hiệp định Paris 1973 với lời hứa “tiếp tục viện trợ đầy đủ về kinh tế và quân sự cho Việt Nam Cộng Hoà” và “sẽ phản ứng mạnh mẽ trong trường hợp bản hiệp định bị vi phạm.”3 Quả thật, nếu không có vụ Watergate khiến Nixon phải từ chức thì ông đã có thể giữ lời hứa của ông, nhưng cũng không có gì đảm bảo là ông có khả năng thực hiện được lời hứa đó. Lý do chính là Quốc Hội Mỹ, ngoài thái độ muốn rũ bỏ trách nhiệm đối với VNCH sau hiệp định Paris, còn có một định kiến về chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là từ khi Mỹ phải đổ quân vào tham chiến. Định kiến này là quân đội cộng sản Bắc Việt chiến đấu vì lòng yêu nước, chịu đựng gian khổ và sẵn sàng hi sinh tính mạng, giới lãnh đạo cộng sản đều có lý tưởng và đời sống trong sạch, trong khi quân đội miền Nam thì tham sống sợ chết, giới lãnh đạo quốc gia thì tham quyền cố vị và tham nhũng thối nát. Định kiến đó được nhiều tác giả và giới truyền thông Mỹ quảng bá rộng rãi, lại thêm sự bất mãn của dân chúng đối với việc chính phủ dùng sức mạnh của bom đạn để tàn phá một nước nhỏ ở bên kia bán cầu, đã là những động cơ của phong trào phản chiến mạnh mẽ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Định kiến này không phải là không có cơ sở, nhưng chỉ đúng về mặt nổi của nó. Bộ đội cộng sản xả thân chiến đấu vì đã được Đảng Cộng sản hun đúc một niềm tin và ý chí mãnh liệt vào chính nghĩa chống quân xâm lược và bọn “Việt gian bán nước” để bảo vệ nền độc lập của tổ quốc. Giới lãnh đạo cộng sản đều là những tín đồ trung kiên của chủ nghĩa Mác-Lênin với sứ mệnh thực hiện cách mạng vô sản toàn thế giới. Trên chiến trường Việt Nam, họ phải sử dụng chiến thuật du kích và chịu đựng những điều kiện nguy nan và thiếu thốn để đối phó với kẻ thù có lực lượng đồ sộ và đời sống đầy đủ hơn gấp nhiều lần. Đồng minh Liên Xô và Trung Quốc chỉ viện trợ khí giới mà không đưa quân vào tham chiến (trong trường hợp Trung Quốc, có một số quân giả dạng là bộ đội Bắc Việt). Ngược lại, trong thời gian từ 1965 đến 1973, quân đội VNCH chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ và trong các trận lớn đều phải trông cậy vào sự yểm trợ của các lực lượng Mỹ. Nhiều sĩ quan chỉ huy VNCH không có tự do quyết định, bị giới hạn về phương tiện và nếu không có sự đồng ý của cố vấn Mỹ thì sẽ không được yểm trợ. Trong tình trạng lệ thuộc vào một quân đội nhà giàu như vậy, binh sĩ quốc gia không thể chiến đấu với một niềm tin và ý chí bền vững như bộ đội cộng sản. Ngoài ra, vì thành phần tuyển dụng phức tạp và đào tạo không đồng đều nên chỉ có những thành phần có ý thức chống cộng cao độ mới quyết tâm tấn công hay lùng diệt địch quân, và tinh thần chiến đấu dũng cảm này của quân đội VNCH đã được nhiều tướng lãnh Mỹ xác nhận. Một sự thật không thể tranh cãi được là người Việt Nam dù Bắc hay Nam đều cùng chung dòng giống, ngôn ngữ và đã cùng chia sẻ vinh nhục, thành bại trong những cuộc khởi nghĩa chống sự đô hộ của đế quốc Trung Hoa và Pháp. Như vậy, không thể có gì sai hơn khi nói rằng chỉ có người cộng sản mới là người yêu nước.

Về vấn đề lãnh đạo của VNCH tham nhũng thối nát thì đó cũng là tình trạng chung của những chế độ độc tài có bề ngoài dân chủ. Các cấp trong hệ thống chính quyền, vì sợ có thể bị thay đổi, phải tận dụng mọi cơ hội để tích lũy tài sản cho bản thân và bè phái của mình. Chính sách của Hoa Kỳ ủng hộ những người lãnh đạo chịu phục tòng mình như đối với các chế độ quân nhân sau thời Ngô Đình Diệm đã đóng góp không nhỏ vào tệ nạn độc tài và tham nhũng ở miền Nam. Như vậy nguyên nhân của độc tài và tham nhũng không phải là tại bản chất của chế độ là quốc gia hay cộng sản mà do những điều kiện thuận lợi cho một chế độ độc tài. Nếu so sánh đời sống khắc khổ của Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh với những cơ hội giàu sang từ ngày tham gia vào sinh hoạt kinh tế thị trường thì sẽ có thể thấy rõ tại sao nạn tham nhũng thối nát và sự cách biệt giàu nghèo giữa giai cấp thống trị và quần chúng bị trị, nhất là ở nông thôn, ngày nay đã trở nên trầm trọng hơn nhiều lần tình trạng dưới thời VNCH. Quốc nạn này chỉ có thể được giải quyết bằng một lộ trình tiến đến dân chủ thực sự với sự phân quyền rõ rệt giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp để có thể kiểm soát lẫn nhau, đem lại sự phú cường cho đất nước và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người dân.

Bài học cho Việt Nam về lợi ích quốc gia trong quan hệ hợp tác quốc tế là mọi hoạt động đều phải hưổng về sự xây dựng và duy trì một hệ thông chính quyền dân chủ thích hợp, và sự hội nhập thành công vào cộng đồng thế giới để có thể vừa bảo vệ được những quyền lợi chính đáng của mình vừa tranh thủ được sự tôn trọng, hợp tác và giúp đỡ của các nước.

2. Không có một chủ nghĩa chính trị nào là chân lý tuyệt đối.

Mọi học thuyết hay chủ nghĩa do con người lập ra, dù của những đầu óc siêu việt đến đâu, cũng chỉ có giá trị tương đối trong những hoàn cảnh xã hội nhất định, hoặc chỉ có một số yếu tố tồn tại với thời gian vì chúng phản ánh những nguyên lý cơ bản về đạo đức và trí tuệ của loài người. Ngay cả về mặt tâm linh, khi những chân lý do thiêng liêng mặc khải hay tự thân giác ngộ được phát biểu ra thành lời thì chúng đã trở thành tương đối do giới hạn của ngôn ngữ và chữ viết, và do đó chỉ là những phương tiện có thể dẫn dắt đến chân lý chứ không phải là chân lý. Bởi vậy, bất cứ một học thuyết hay chủ nghĩa chính trị nào tự tuyên dương mình là chủ nghĩa duy nhất có giá trị vĩnh viễn thì sẽ hoàn toàn sai lầm, và sẽ gây nên hậu quả vô cùng tai hại. Đúng như một câu danh ngôn đã nói: “Làm thầy thuốc mà lầm thì có thể giết chết một bệnh nhân, làm chính trị mà lầm thì có thể giết hại một dân tộc, làm văn hoá tư tưởng mà lầm thì có thể giết hại nhiều thế hệ.” Độc tôn về chính trị và tư tưởng sẽ đưa đến độc tài, bắt mọi người phải tuân phục một chủ nghĩa duy nhất và một chế độ duy nhất, loại trừ tất cả những người có những suy nghĩ khác biệt. Rốt cuộc, vì sai lầm chồng chất, các chế độ độc tài đều sẽ phải sụp đổ. Điều này đã được chứng minh quá rõ ràng qua kinh nghiệm của nhiều nước độc tài trên thế giới, cộng sản hay không cộng sản, trong những thập kỷ vừa qua.

Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nhờ kịp thời đổi mới, từ bỏ chế độ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, đã tránh được nguy cơ bị lôi cuốn theo sự tan rã của các nước cộng sản Đông Âu và Liên Bang Xô Viết vào cuối thập kỷ 1980. Tuy nhiên, từ mười mấy năm qua, Đảng và Nhà nước luôn luôn phải đôi phó với những áp lực đổi mới về chính trị, những đòi hỏi phải cải thiện về nhân quyền và dân chủ hóa chế độ, những yêu cầu cải tổ về hành chánh, hệ thống ngân hàng và cơ cấu pháp lý, không phải chỉ từ phía bị coi là “thế lực thù địch” mà còn từ phía các quốc gia có thể coi là thân thiện như Cộng đồng Châu Âu, Nhật, úc, Canada và những tổ chức quốc tế phi chính trị như Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc. Trong tình trạng giằng co giữa khuynh hướng bảo thủ và tiến bộ trong nội bộ Đảng, khuynh hướng bảo thủ vẫn còn nắm được ưu thế, chủ trương giữ chặt lấy quyền lực lâu chừng nào hay chừng nấy, khi cần thì dè dặt đi theo những bước thay đổi của Trung Quốc cho được an toàn hơn, và cũng không dám vượt mặt Trung Quốc trong tiến trình hội nhập với cộng đồng thế giới. Phe bảo thủ cũng vẫn còn sống với hào quang của chiến thắng “chống Mỹ cứu nước”, tin rằng mình đã thắng được kẻ thù mạnh nhất thế giới thì cái gì khó đến đâu cũng sẽ làm được. Một chuyên gia kinh tế ở trong nước đã có một nhận xét rất hay trong những năm đầu đổi mới: “Nhà nước thì cái gì cũng làm được, chỉ có vấn đề là làm không đúng.”

Vì Việt Nam không có được cái tư thế như Trung Quốc đối với quốc tế và Trung Quốc vẫn là một mối đe dọa thường trực về kinh tế và quân sự đối với Việt Nam, bài học sinh tồn cho Việt Nam ngày nay là không nên tiếp tục tuyên dương chủ nghĩa Mác-Lênin như lý tưởng của dân tộc và coi Trung Quốc là gương mẫu cho đường lối đối nội và đối ngoại. Trong một phiên hội thảo về giáo dục ở thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm trước đây, một giáo sư đã nói lên một sự thật: “ Chủ nghĩa Mác-xít đã trở thành một môn học mà thầy không muôn dạy và trò không muốn học.” Để có thể tồn tại trong độc lập và phát triển, về đối nội, Việt Nam cần áp dụng truyền thông thích ứng có sáng tạo vào việc thiết lập một lộ trình dân chủ hoá chế độ. về đối ngoại, Việt Nam cần liên minh với những thế lực quốc tế theo cả chiều dọc (tung) lẫn chiều ngang (hoành). Chiều dọc là các cường quốc tân tiến như khối Bắc Mỹ, Cộng đồng châu Âu, và Nhật Bản; chiều ngang là những con rồng Á châu và các nước đang phát triển trong khối ASEAN. Việt Nam đang cố gắng hoà mình với thế giới theo con đường “hợp tung, liên hoành” này nhưng mới chỉ là những cố gắng rụt rè, nửa chừng. Muốn có được các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và bảo vệ đất nước, các nhà lãnh đạo Việt Nam cần mạnh dạn vượt ra khỏi tình trạng lúng túng hiện nay và chủ động áp dụng bài học này sớm chừng nào hay chừng nấy.

3. Cần phải hiểu rõ ta, bạn và thù.

Một danh ngôn trong binh pháp Tôn Tử thường được nhiều người nhắc đến là: “biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng.” ở đây, vấn đề biết người không những chỉ là biết kẻ địch mà còn cần phải biết cả bạn đồng minh của mình để có thể tránh được những hiểu lầm tai hại trong những hoạt động hợp tác nhằm đạt được mục tiêu chung (khi còn là đồng minh). McNamara đã thẳng thắn nhìn nhận một trong những nguyên nhân thất bại của các nhà làm chính sách của Hoa Kỳ trong chiến tranh Đông Dương là “không hiểu biết gì về lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa và các giá trị của những xứ này… Khi bàn đến vấn đề Việt Nam, chúng tôi đã thiết lập chính sách cho một miền đất lạ.”4 Chương Tám đã nói đến những hiểu biết thiếu sót của Hoa Kỳ về lịch sử và các đặc tính Việt Nam, do đó đã phạm phải hai sai lầm rất lớn đối với VNCH: thứ nhất là sai lầm trong các quan hệ hợp tác với Việt Nam Cộng Hoà đưa đến cái chết thảm thương của ba anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm; thứ hai là sai lầm trong quyết định “Mỹ hoá chiến tranh” và dùng phương pháp của chiến tranh qui ước để đối phó với một cuộc chiến tranh nhân dân, đẩy quân đội quốc gia miền Nam vào vai trò phụ thuộc khiến cho khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước” của Bắc Việt và MTGPMN có thêm hiệu lực tuyên truyền trong dân chúng. Trước những cuộc hành quân “lùng và diệt địch” với sức tàn phá khủng khiếp của bom đạn Hoa Kỳ, dân chúng miền Nam nếu không theo cộng sản thì cũng mất đi rất nhiều thiện cảm đối với chính phủ và quân đội VNCH.

Hoa Kỳ cũng hiểu biết rất thiếu sót hoặc không chú ý đúng mức đến quan hệ Việt-Trung, đặc biệt là truyền thống tranh đấu bảo vệ quyền tự chủ của dân tộc Việt Nam đối với Trung Quốc và ảnh hưởng của truyền thống ấy trong các quan hệ giữa hai đảng cộng sản của hai nước, nhất là trong những năm Việt Nam bị Trung Quốc áp lực chống “bè lũ xét lại Liên Xô” và chiến đấu chống Mỹ “đến đời con đời cháu của chúng ta.”5 Những khiếm khuyết ấy đã khiến cho chính quyền Johnson bỏ lỡ mất nhiều cơ hội khai thác mâu thuẫn Việt-Trung để giải quyết chiến tranh Việt Nam trong những điều kiện thuận lợi cho Hoa Kỳ hay ít ra cũng tránh được cho Johnson bị lâm vào tình thế khó khăn đến nỗi phải quyết định chấm dứt sự nghiệp chính trị của mình. Ngược lại, Đảng Cộng sản Việt Nam, vì thiếu hiểu biết tâm lý và lề lối làm việc của người Mỹ, cũng đã bỏ lỡ những cơ hội thảo luận song phương với các đại diện của chính phủ Mỹ để thoát ra khỏi sự khống chế của Trung Quốc. Những điều này đã được các nhà ngoại giao miền Bắc, Lưu Doãn Huỳnh và Nguyễn Khắc Huỳnh, thẳng thắn nhìn nhận trong những phiên thảo luận hậu chiến Mỹ-Việt (1995-1998).6 Cũng vì “chủ quan trong việc đánh giá cao lực lượng mình, đánh giá thấp lực lượng địch,”7 các nhà lãnh đạo miền Bắc đã thất bại lớn trong chiến dịch “Tổng công kích, Tổng nổi dậy” Tết Mậu Thân. Những nhược điểm không biết mình, biết người này của Washington và Hà Nội đã được cả đôi bên ghi nhận và đã được nhắc đến khá đầy đủ trong các chương Tám và Chín trên đây.

Giữa hai phe quốc gia và cộng sản ở Việt Nam không có vấn đề thiếu hiểu biết về lịch sử và tâm lý giữa ta và địch, nhưng do nhiệm vụ chủ yếu của mỗi bên và lòng thù ghét không đội trời chung trong suốt mấy chục năm chiến tranh, việc đánh giá lẫn nhau hoàn toàn chủ quan và những định kiến sai lầm thường được thổi phồng quá đáng. Nhiệm vụ chủ yếu của phe cộng sản là tấn công để thực hiện mục tiêu thống nhất hai miền dưới ngọn cờ xã hội chủ nghĩa trong khi nhiệm vụ chủ yếu của phe quốc gia là tự vệ để bảo toàn lãnh thổ miền Nam dưới chế độ tự do dân chủ. Hai bên đều gán cho nhau tội phản quốc: chính phủ VNCH bị gọi là bù nhìn, tay sai của đế quốc Mỹ, chính phủ VNDCCH bị gọi là đầy tớ của quan thày Liên Xô và Trung Cộng. Không bên nào nhìn nbận tinh thần yêu nước của bên kia. Do vô tình hay cố ý, người cộng sản đã quên rằng có biết bao nhà cách mạng Việt Nam đã chết vì yêu nước trước khi chủ nghĩa cộng sản ra đời; người quốc gia cũng quên rằng nếu người cộng sản không yêu nước thì đã không có những mâu thuẫn Việt-Trung dẫn đến chiến tranh giữa hai nước năm 1979.

Chủ nghĩa cực đoan dễ làm cho con người mất sự sáng suốt của lý trí và trở thành lự tôn, độc tài và tàn nhẫn. Chế độ độc tài không phải chỉ tàn nhẫn với kẻ thù trong lúc chiến tranh mà, sau khi chiến thắng, vẫn tiếp tục tàn nhẫn với kẻ bại trận và, nguy hại hơn nữa, tàn nhẫn không kém đối với mọi thành phần dân chúng có tư tưởng khác biệt kể cả những người cùng trong hàng ngũ đã có công đem lại chiến thắng cho chế độ. Dưới chế độ độc tài toàn trị, nhà cầm quyền sẽ phải thường xuyên cảnh giác, rất nhạy cảm trước những lời nói hay đề nghị nào trái với ý muốn của mình, rất nghi ngờ những hoạt động nào được hiểu là dấu hiệu của ly khai hay chống đối, và lẽ dĩ nhiên sẽ thẳng tay đàn áp những đòi hỏi cụ thể về những quyền tự do căn bản của con người. Do đó, xứ sở luôn luôn bị chỉ trích bởi các chính phủ dân chủ và các tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền. Kết quả là bị nhiều khó khăn và hạn chế về quyền lợi trong các quan hệ hợp tác quốc tế, và tình trạng bất ổn định trong nước là một nỗi ám ảnh thường trực.

Những nhà lãnh đạo thật tâm yêu nước và có tài là những người biết rút ra được những bài học của quá khứ, những kinh nghiệm hay, dở của mình và của người để áp dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đem lại an ninh, thịnh vượng và hạnh phúc cho nhân dân. Quyền lực và lợi lộc nếu biết chia sẻ thì nhà cầm quyền vẫn có phần một cách chính đáng. Quyền lực và lợi lộc không thể mãi mãi giữ độc quyền, và điều chắc chắn là không thể đem theo sang thế giới bên kia. Đã có nhiều trường hợp cho thấy hậu quả tai hại xảy ra cho những chế độ độc tài, cộng sản hay không cộng sản, trong khi những người cầm quyền còn tại chức. Thành tích tốt hay xấu của những người lãnh đạo sẽ được nhân dân đánh giá công minh và được lịch sử ghi chép thành văn hay truyền khẩu cho đến muôn đời sau. Có những nhà lãnh đạo nào đã tự hỏi mình: Nên để lại tiếng thơm hay tiếng xấu cho hậu thế? Bách thế lưu phương hay Lưu xú vạn niên?

——

Ghi chú:

1 Xem chương Hai, trang 37.
2 Xem chương Bảy, chú thích 43.
3 Thư T.T. Nixon gửi T.T. Thiệu ngày 16 tháng Giêng, 1973.
4 Xem trích dẫn đầy đủ ở chương Tám, chú thích 27
5 Xem chương Bảy, trang 184.
6Xem chương Chín, trang 235, 238.
7 Xem chương Bảy, trang 191.

Copyright © 2004 by Lê Xuân Khoa
Bản Word © blog Ba Sàm 2013
—-

Mời xem toàn bộ nội dung sách tại đây: Việt Nam 1945-1995


--------------------------------------------------------


BON-PHUONG’S BLOG




















No comments:

Post a Comment

View My Stats