Saturday 23 February 2013

VIỆT NAM 1945-1995 : CHIẾN TRANH – TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / CHƯƠNG 8 : SAI LẦM CỦA HOA KỲ (GS Lê Xuân Khoa – Blog Ba Sàm)




GS Lê Xuân Khoa

Posted by basamnews on 24/02/2013

“… nếu dân tộc ta không phải chịu sự tàn phá của hai cuộc chiến tranh và nếu Việt Nam không theo đuổi chủ nghĩa cộng sản thì xứ sở đã được hiện đại hoá từ lâu và Việt Nam ngày nay có thể đã trở thành một trong những con rồng của Á châu. Ôn lại kinh nghiệm về những sai lầm và những cơ hội bỏ lỡ của mỗi phe lâm chiến trong suốt thời kỳ từ 1945 đến 1975 qua hai cuộc chiến tranh, chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học lịch sử cần thiết cho những thế hệ sau trong nhiệm vụ bảo vệ và phát triển đất nước“. – Lê Xuân Khoa

*

Sự thể đã rõ ràng là sự sụp đổ của chính thể quốc gia ở miền Nam và chiến thắng của chính thể cộng sản miền Bắc là nguyên nhân trực tiếp của tị nạn 1975. Biến cố này đã xảy ra mau chóng hơn cả kế hoạch tổng tấn công mà các chiến lược gia Hà Nội dự tính phát động vào năm 1976. Tuy nhiên, cũng như chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954), cuộc chiến lần thứ hai này đã đem lại nhiều kinh nghiệm khác nhau cho tất cả các phe liên hệ.

So với chiến thắng 1954, cái giá của chiến thắng 1975 còn tốn kém và đau thương hơn gấp bội về tài sản và nhân mạng ở cả hai miền. Theo Hà Nội, tổng số bộ đội miền Bắc và MTGPMN bị chết là 1,100,000 trong số đó có khoảng 300,000 chưa tìm được xác. Số thường dân ở miền Bắc bị chết vì chiến tranh lên tới khoảng hai triệu người. Số nạn nhân chết riêng trong những cuộc dội bom ở miền Bắc, theo Hoa Kỳ, là khoảng 30,000 người, về phía VNCH, có 110,357 quân nhân tử trận và 499,026 bị thương, số thường dân bị chết không được biết đích xác nhưng dự đoán ít nhất là 415,000 người.1 Phí tổn cho cuộc chiến về phía Hoa Kỳ khoảng 200 tỉ đô-la, viện trợ của Bắc Kinh cho Hà Nội từ 1950 đến 1975 vào khoảng 22 tỉ. Viện trợ của Liên Xô cho Hà Nội trong cuộc chiến chống Pháp (qua Trung Quốc để giữ mối quan hệ với Pháp) là một tỉ, sau Genève được tiếp tục bởi Khruschev (1956-1964), gia tăng dưới thời Kosygin (1964-1980), trung bình một tỉ mỗi năm. Từ 1975, Liên Xô là nguồn viện trợ duy nhất cho Việt Nam.2

Cũng phải tính thêm rằng nếu dân tộc ta không phải chịu sự tàn phá của hai cuộc chiến tranh và nếu Việt Nam không theo đuổi chủ nghĩa cộng sản thì xứ sở đã được hiện đại hoá từ lâu và Việt Nam ngày nay có thể đã trở thành một trong những con rồng của Á châu. Ôn lại kinh nghiệm về những sai lầm và những cơ hội bỏ lỡ của mỗi phe lâm chiến trong suốt thời kỳ từ 1945 đến 1975 qua hai cuộc chiến tranh, chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học lịch sử cần thiết cho những thế hệ sau trong nhiệm vụ bảo vệ và phát triển đất nước. Chương Năm trên đây đã kiểm điểm vai trò của bốn phe liên hệ trong cuộc chiến 1945-1954. Những chương sau đây sẽ lần lượt xem xét vai trò của ba phe chủ yếu trong cuộc chiến lần thứ hai được nhen nhúm từ 1955 và gia tăng cường độ cho đến 1975 mới châm dứt. Trước hết là Hoa Kỳ.

Khi dấn thân vào cuộc chiến chống cộng sản ở Việt Nam trong hai mươi năm sau hội nghị Genève, Hoa Kỳ chẳng những không rút ra được những kinh nghiệm sai lầm của Pháp, và của chính mình trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất mà còn phạm phải nhiều sai lầm mới.

Người Mỹ vốn là một dân tộc năng động, ưa đổi mới và thiếu kiên nhẫn. Lập quốc trên một lục địa nằm giữa hai đại dương với tài nguyên phong phú, người Mỹ còn có khuynh hướng biệt lập (isolationism), không thích tham gia hay can thiệp vào tình hình thế giới bên ngoài. Ngay cả sau khi đã bị lôi cuốn vào hai trận Thế chiến, Hoa Kỳ vẫn chỉ muốn trở về với chủ trương biệt lập khi cuộc chiến chấm dứt. Nhưng khi Chiến tranh Lạnh khởi sự do mối đe dọa của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản quốc tế, Hoa Kỳ nhận thấy không thể hoàn toàn giao phó nhiệm vụ duy trì hòa bình thế giới cho Liên Hiệp Quốc, Trong cuộc tranh đua với quốc tế cộng sản, Hoa Kỳ phải từ bỏ khuynh hướng biệt lập để giữ vai trò “lãnh đạo thế giới tự do”, tham gia vào những cuộc chiến tranh cục bộ trên thế giới, như ở Á châu là chiến tranh Triều Tiên rồi đến chiến tranh Việt Nam. Đây là một sứ mệnh mới của Hoa Kỳ mà John F. Kennedy, từ trước khi làm Tổng Thống, đã xác định khi nói về vai trò bảo vệ và đẩy mạnh công cuộc xây dựng dân chủ trong vùng Đông Nam Á. “Trách nhiệm lãnh đạo đã được đặt lên vai chúng ta, không phải bởi một nước nào hay bởi chính chính phủ hay công dân Hoa Kỳ, mà bởi định mệnh và thời cuộc, bởi thực tế của sức mạnh vật chất và kinh tế của chúng ta, và bởi vai trò của chúng ta là đối lực thực sự duy nhất để chống lại các lực lượng cộng sản trên thế giới ngày nay.”3 Vai trò lãnh đạo có tính chất nghiệp dĩ này nhiều năm sau được Joseph Nye, Khoa trưởng Chính trị của Đại học Harvard khai triển trong cuốn sách mang tựa đề Buộc phải Lãnh đạo.4

Với một sứ mệnh đương nhiên như thế, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Hoa Kỳ thường tự hào về các giá trị tự do dân chủ hàng đầu của mình và tin tưởng ở sức mạnh vô địch về tiền bạc và vũ khí của Hoa Kỳ. Vì vậy, tuy không muốn trực tiếp can thiệp vào những vụ tranh chấp bên ngoài nhưng một khi đã nhảy vào vòng chiến thì Hoa Kỳ thường tin tưởng sẽ chiến thắng mau chóng do lực lượng quân sự hùng hậu của mình. Những yếu tố tâm lý đó đã tạo thành cơ sở của chính sách đối ngoại chung cho cả hai đảng cộng hoà và dân chủ, chỉ khác biệt ở mức độ áp dụng bảo thủ hay cởi mở, cứng rắn hay ôn hoà. Nói đơn giản, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là hợp tác và giúp đỡ những nước tán thành các giá trị vật chất và tinh thần của Mỹ; phong tỏa hay, nếu cần, sử dụng biện pháp quân sự đối với những nước chống lại hoặc tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ. Điển hình cho chính sách này ở mức độ cao nhất của nó là lời tuyên bố của Tổng thống George W. Bush, “Những ai không ở cùng phe với chúng ta là chống lại chúng ta.” Nhà tỉ phú George Soros nhận xét, “Đây là một tầm nhìn đế quốc theo đó Hoa Kỳ lãnh đạo và thế giới phải tuân theo.”5

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những đặc tính tốt của dân tộc Hoa Kỳ, vì nếu người giàu và mạnh thường có lòng tự hào và tự tôn thì họ cũng thường hay bênh vực và giúp đỡ kẻ nghèo và yếu thế. Ngoài ngân sách dành cho những chương trình ngoại viện của chính phủ, nước Mỹ còn có một nguồn tài trợ tư nhân rất quan trọng do tài sản cá nhân, quỹ đặc biệt dành cho các hoạt động từ thiện và công ích của những gia đình giàu có hay các xí nghiệp kinh doanh lớn, và cả một mạng lưới các tổ chức thiện nguyện ngoài chính phủ với những hoạt động gây quỹ nhân đạo nhiều khi lên tới hàng chục triệu đô la.6 Hơn một triệu người tị nạn Việt Nam, Lào và Kam-pu-chia đã nhận được sự giúp đỡ rất đáng kể trong nhiều năm của nhiều gia đình bảo trợ, nhà thờ, cơ quan thiện nguyện, và các chương trình định cư công và tư ở Hoa Kỳ. Những năm gần đây, một số người tị nạn Việt Nam thành công vẻ vang ở Hoa Kỳ không chỉ về nghề nghiệp mà cả về tài chánh cũng đã lập ra những “Sáng hội” hay Quỹ tài trợ (foundations) để giúp thực hiện những dự án nhân đạo hay có lợi ích công cộng. Khác với các chương trình ngoại viện của chính phủ, những đóng góp thì giờ và tiền bạc của các cá nhân cũng như những ngân khoản tài trợ của các cơ quan tư nhân đều không có những điều kiện ràng buộc về chính trị hay đòi hỏi một sự đền đáp nào ngoài việc thi hành cho đúng mục đích xin trợ giúp.

Trọng quan hệ với những quốc gia nhận viện trợ, Tổng thống và Quốc hội Hoa Kỳ thường rất nhiệt tình ủng hộ người lãnh đạo đã được Hoa Kỳ lựa chọn hay chấp thuận, cho đến khi người đó không chịu nghe theo những lời khuyến cáo của Hoa Kỳ. Đến lúc đó thì chính phủ Mỹ sẽ tìm đủ mọi cách, kể cả bạo lực nếu cần, để thay thế người lãnh đạo đó. Điều này dễ hiểu nhưng chỉ có thể biện minh trong trường hợp có sự phản bội hay bội ước thực sự, chứ không thể chỉ vì ý kiến bất đồng về phía người nhận viện trợ. Quan hệ hợp tác chỉ có kết quả tích cực và lâu dài nếu hai bên thông hiểu những sự khác biệt của nhau và tìm cách thích ứng với nhau để đạt mục tiêu chung, thay vì có sự áp đặt từ một phía. Áp dụng quan niệm và phương pháp làm việc của Hoa Kỳ một cách máy móc vào một xứ sở và dân tộc có một nền văn hoá khác biệt và một lịch sử tranh đấu lâu dài cho độc lập như Việt Nam tất không thể tránh khỏi nhiều ngộ nhận và những hành động đáng tiếc. Trong sách lược chống cộng sản quốc tế của Hoa Kỳ, chiến tranh Việt Nam là một trường hợp trắc nghiệm về khả năng của Hoa Kỳ giúp cho một quốc gia đối phó với ‘chiến tranh giải phóng’ của cộng sản. Đáng tiếc là cuộc trắc nghiệm này thiếu cơ sở kiến thức về lịch sử và văn hoá Việt Nam, về những người lãnh đạo mà Hoa Kỳ muốn ủng hộ, và thiếu chuẩn bị để có thể hợp tác với đồng minh và đối phó với địch thủ một cách có hiệu lực. Nếu Hoa Kỳ có những chính trị gia và chuyên gia hiểu biết muốn chọn phương cách thích ứng thì tiếng nói của họ lại không đủ mạnh để được chấp nhận thành chính sách. Như Thomas J. McCormick đã xác nhận: “Nếu có một sự ngạo mạn nào đó trong thái độ của những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thì đó là sự ngạo mạn của chính nghĩa và quyền lực.”7

Cũng nên nhắc lại rằng sở dĩ vào tháng Sáu 1954 Bảo Đại yêu cầu Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng là vì Bảo Đại tin tưởng rằng Diệm sẽ được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, qua những nhân vật có ảnh hưởng mà ông Diệm đã quen biết trong thời gian ở Mỹ. Bảo Đại cũng nghĩ rằng đây là cơ hội cho ông có thể thoát khỏi sự khống chế của Pháp.8 Trong khi đó, giới lãnh đạo Pháp ủng hộ quyết định của Bảo Đại vì tin chắc rằng chính phủ Ngô Đình Diệm sẽ bị các lực lượng chính trị và tôn giáo vũ trang thân Pháp lật đổ, kết quả là Pháp sẽ củng cố được sự hiện diện của mình ở miền Nam Việt Nam sau hội nghị Genève. Trong trường hợp này, Bảo Đại sẽ bổ nhiệm một người khác làm Thủ tướng và vẫn tiếp tục lãnh đạo QGVN dưới ảnh hưởng của Pháp. Tuy nhiên, nhờ sự trung thành của những binh sĩ di cư từ miền Bắc, nhất là những đơn vị người Nùng và binh chủng nhảy dù vốn không chấp nhận có những đoàn quân biệt lập với quân đội quốc gia, Ngô Đình Diệm đã mau chóng loại trừ được các lực lượng nổi loạn vào cuối tháng Tư 1955. Vì Bảo Đại có quan hệ với những nhóm nổi loạn này, nhất là quan hệ tiền bạc với nhóm Bình Xuyên, Ngô Đình Diệm nhân dịp này truất phế Bảo Đại qua một cuộc trưng cầu dân ý ngày 23.10.1955. Từ ngày đó, Bảo Đại ở luôn bên Pháp không có cơ hội nào trở về nước nữa. Quốc Gia Việt Nam (QGVN) được đổi tên thành Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và ngày 26.10, Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống đầu tiên của miền Nam Việt Nam.

Trước khi Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng, chính phủ Hoa Kỳ biết rất ít về ông và trong mười tháng đầu tiên đã không tin tưởng ở khả năng lãnh đạo của ông. Ngay trước khi Ngô Đình Diệm dẹp được các nhóm nổi loạn, Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Dulles đã đồng ý với Đại sứ J. Lawton Collins là cần phải thay thế chính phủ Diệm. Nhờ báo cáo thuận lợi của đại tá Edward Lansdale và quyết định tấn công Bình Xuyên của ông Diệm, chính phủ Hoa Kỳ đã thay đổi hoàn toàn thái độ.9 Năm 1957, Tổng thống Ngô Đình Diệm được mời sang công du Hoa Kỳ, hội kiến với Tổng thống Eisenhower và đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội. Chính giới và báo chí Mỹ ca ngợi ông Diệm như một vĩ nhân của Á châu.

Sai lầm của Hoa Kỳ là không hiểu rõ đầu óc độc lập của dân Việt Nam, nhất là ở một người lãnh đạo như Ngô Đình Diệm vốn có thêm một niềm tin tuyệt đối ở sứ mạng thiêng liêng mà ông được giao phó. Với tư cách một siêu cường, Hoa Kỳ tin tưởng có thể thuyết phục bất cứ lãnh tụ nào của một quốc gia kém mở mang miễn là người đó thật sự chống cộng. Ngô Đình Diệm là một người chống cộng nhưng cũng là một người có quan niệm về quốc gia xã hội theo truyền thống Khổng giáo, tức là người lãnh đạo phải có đạo đức và nhân dân biết tuân phục. Ông Diệm rất tự tin và tự hào về quan niệm trị nước của mình và rất nhạy cảm về chủ quyền quốc gia, không muốn bị mang tiếng là lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Ông chỉ muốn Hoa Kỳ, vì lợi ích chung, giúp cho ông lãnh đạo công cuộc chống cộng và củng cố miền Nam qua viện trợ kinh tế và quân sự với một số cố vấn kỹ thuật. Ông chống lại việc Hoa Kỳ đưa quá nhiều cố vấn vào Việt Nam và ép buộc ông làm những chuyện ông cho là không thích hợp. Ngô Đình Diệm có lý khi không muốn để cho Việt Nam bị lệ thuộc vào nước ngoài, và không ai có thể nghi ngờ lòng ái quốc và tính liêm khiết của cá nhân ông, nhưng ông đã sai lầm khi ông trở thành độc tài, một nền độc tài gia đình trị, không phải chỉ nhắm loại trừ cộng sản mà còn loại trừ tất cả những người quốc gia không đồng chính kiến và không chịu phục tòng ông.

Trong những năm đầu, Hoa Kỳ đã hết lòng ủng hộ Ngô Đình Diệm, ngay cả việc ông xây dựng hệ thống đảng cần Lao vì, như lời tân Đại sứ G. Frederick Reinhardt thông báo cho Edward Landsdale biết quyết định của chính phủ Hoa Kỳ: “Người Mỹ chúng ta phải tận tình giúp đỡ việc xây dựng một đảng chính trị quốc gia mạnh sau lưng Diệm. Nay Diệm đã được bầu làm Tổng thống, ông ta cần phải có một đảng riêng của ông.”10 Việc Hoa Kỳ đồng ý để ông Diệm lập đảng chính trị riêng hay chấp nhận việc hạn chế tạm thời một số tự do trong thời chiến không có nghĩa là đồng ý ủng hộ một chế độ độc tài. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã không hiểu rõ quan niệm trị nước và cá tính của ông Diệm để đặt những điều kiện viện trợ với ông ngay từ lúc đầu và chuẩn bị sẵn những phương cách giải quyết thích hợp trước khi ông đủ mạnh để trở thành độc đoán. Dù bất mãn với ông Diệm, Hoa Kỳ vẫn phải tiếp tục ủng hộ ông vì không còn có cách nào khác, và không biết ứng xử thích hợp khi tình trạng càng ngày càng tồi tệ đưa tới những phản ứng bạo động cùa quân đội, như cuộc đảo chính hụt năm 1960, vụ ném bom dinh Độc lập năm 1962 và sau cùng là vụ thảm sát năm 1963.

Quyết định “Mỹ hoá” cuộc chiến năm 1965 là một sai lầm quan trọng khác do việc chính phủ Mỹ đánh giá sai vai trò khả năng của quân đội VNCH. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Hoa Kỳ thường chê tinh thần chiến đấu của quân đội VNCH so với bộ đội cộng sản miền Bắc khiến cho Hoa Kỳ phải đưa quân vào cứu vãn tình trạng nguy ngập ở miền Nam. Điều đó đúng một phần nhưng không phải vì người quốc gia không yêu nước bằng người cộng sản cho nên quân dân miền Nam không chiến đấu dũng cảm bằng quân dân miền Bắc. Trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam chỉ có một dân tộc, không thể bảo rằng người Việt miền Nam không can đảm bằng người Việt miền Bắc.11 Lịch sử chống thực dân Pháp đã cho thấy bao tấm gương anh dũng của những nhà ái quốc ở miền Nam, từ các nho sĩ triều Nguyễn tới các trí thức Tây học, trước và sau khi có đảng cộng sản Việt Nam. Trong những trận chiến chống quân đội cộng sản, có những bằng chứng rất hiển nhiên về tinh thần chiến đấu kiên cường của quân đội VNCH. Cuộc phản công mãnh liệt của quân đội VNCH đến thắng lợi trong trận Tết Mậu Thân (1968), hay trận đại tấn công thất bại của Bắc Việt mùa Xuân năm 1972 là những thí dụ điển hình. Tinh thần chiến đấu ấy nhất định phải giảm sút trong thời gian khủng hoảng chính trị trước cuộc đảo chánh lật đổ Ngô Đình Diệm và trong những cuộc tranh quyền giữa các tướng lãnh, trầm trọng nhất là những tháng cuối cùng (1974-1975) khi Hoa Kỳ cắt viện trợ quân sự khiến quân lực VNCH không có đủ phương tiện chiến đấu trước lực lượng hùng hậu của đối phương.

Ở đây cần nhắc đến một nhận xét của Sir Robert Thompson, chuyên gia Anh quốc chống du kích thành công ở Mã Lai và Phi- líp-pin, khi được báo Newsweek phỏng vấn về khả năng chiến đấu của quân đội VNCH trong những ngày nguy ngập trước khi Sài- gòn thất thủ.

Thompson nói:
Trước cuộc tấn công này, quân lực VNCH chiến đấu rất giỏi, đặc biệt là những sư đoàn tinh nhuệ như Nhảy dù, Sư đoàn I và Thủy quân lục chiến. Chính tôi đã nói với tướng Weyand, Tham mưu trưởng Quân lực Hoa Kỳ, rằng trong lúc này ông chưa có được một sư đoàn nào trong quân đội Mỹ có thể sánh ngang khả năng chiến đấu của họ (VNCH) hiện thời, chiến đấu như những bộ binh không có không quân và pháo binh yểm trợ. Tôi nói không có sư đoàn Mỹ nào làm được chuyện ấy.12

Và tướng Ira Hunt, Tư lệnh phó Cơ quan Hoạt động Yểm trợ của Hoa Kỳ ở Thái Lan từ 1973 đến 1975 cũng nhận xét:

Sau khi chúng ta rút quân về, quân đội miền Nam hoàn toàn đổi khác về tinh thần tiến công, về khả năng chiến đấu và tình báo. Người Việt Nam phải nhận lãnh mọi gánh nặng và thật đáng ngạc nhiên là họ đã làm được việc đó rất giỏi…. Người Việt miền Nam đã đóng góp nhiều hơn là nhận, đó là một điều không thể nghi ngờ được. Nhưng khi chúng ta cắt tiếp viện hậu cần thì họ không thể có cách nào tiếp tục được nữa.13

Hoa Kỳ đưa quân vào Việt Nam không phải là để chiến đấu cho quân đội VNCH mà để tăng cường lực lượng chống cộng, khi cuộc khủng hoảng lãnh đạo kéo dài ở miền Nam Việt Nam ảnh hưởng tai hại tới tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Sau khi tình hình chính trị đã ổn định với sự ra đời của Đệ nhị Cộng hòa năm 1967 và một bộ máy chính quyền hợp hiến, hợp pháp, việc tổ chức và khả năng chiến đấu của quân đội VNCH mới lại có hiệu lực. Đặc biệt sau khi chiến dịch Tổng công kích/Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân (1968) của miền Bắc bị thất bại, quân dân miền Nam đều mang lòng oán hận cộng sản đã vi phạm giao ước hưu chiến ngày Tết và tàn sát tập thể những người bị bắt giữ như đã xảy ra ở Huế. Trong nhiều trận đánh chung với quân Mỹ, quân đội VNCH giữ vai chủ động và giết được nhiều địch quân hơn là quân Mỹ. Như trong trận tấn công Tết 1969, một năm sau Tết Mậu Thân, các dữ kiện do Bộ Tư lệnh Mỹ ghi nhận được ở Quân khu III cho thấy 31 phần trăm quân miền Bắc bị giết khi lâm chiến (killed in action – KIA) là bởi quân Mỹ, 67 phần trăm là bởi quân VNCH.14 Thật đáng buồn và không có gì đáng hãnh diện khi nói đến thành tích giết hại lẫn nhau giữa quân đội hai miền Nam, Bắc, nhưng điều này được nhắc đến chỉ cốt để đính chính thành kiến sai lầm của dư luận phản chiến ở Mỹ hồi đó đối với quân đội miền Nam. Mặt khác, cũng cần phải nhìn nhận tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân đội cộng sản, và có thể nói là họ chiến đấu liều lĩnh hơn quân đội quốc gia. Điều đó dễ hiểu vì miền Nam chiến đấu để tự vệ, và một quốc gia không cộng sản không thể có một bộ máy tuyên truyền để rèn luyện quân đội thành những chiến sĩ cuồng tín sẵn sàng hi sinh cho một sứ mệnh thiêng liêng. Đối với quân đội miền Bắc, ngoài việc học tập chủ nghĩa Mác-Lênin như một chân lý tuyệt đối và một tín điều duy nhất, họ còn có sứ mệnh thiêng liêng là “chống Mỹ cứu nước” và “giải phóng đồng bào khỏi sự đàn áp dã man của đế quốc và tay sai”. Họ được khuyến khích và sẵn sàng thi đua tấn công, thi đua lập công và hi sinh tính mạng ở chiến trường.

Cũng cần nói thêm là quân đội Mỹ được huấn luyện rất thành thạo về kỹ thuật chiến tranh và chiến đấu rất can đảm. Nhà báo Susan Katz Keating nghiên cứu về quân Mỹ chiến đấu ở Việt Nam cho biết là hai phần ba quân nhân Mỹ phục vụ ở Việt Nam là thành phần tình nguyện, và những người này rất hãnh diện về hoạt động của họ. “Khi mọi chuyện đã lắng dịu vào thập kỷ 1980, 91 phần trăm tuyên bố với nhân viên điều tra của viện Harris rằng họ hài lòng vì đã phục vụ; 74 phần trăm cho biết họ ưa thích thời gian trong quân đội; và hai trong ba người nói họ sẵn sàng trở lại phục vụ dù có được biết kết quả của cuộc chiến.”15 Cũng không phải chỉ có dân nghèo và trong tuổi quân dịch mới bị đưa ra mặt trận. Kết quả một cuộc nghiên cứu của Đại học MIT về lý lịch các quân nhân Mỹ tử trận cho thấy là “những binh sĩ chết ở Việt Nam hầu hết là da trắng, thuộc giai cấp trung lưu và tình nguyện, không phải như lời đồn đại rằng họ là người da đen, nghèo và làm nghĩa vụ quân dịch.”16 Những vụ tàn sát không phân biệt quân du kích hay thường dân vô tội như vụ Mỹ Lai năm 1968 đã được xét xử hay vụ Lực lượng Con Cọp (Tiger Force) năm 1967 mà gần đây mới được mở ra lại để điều tra, đều chỉ là những hành động đơn lẻ của một số sĩ quan và binh lính có thái độ tàn ác bất thường trong những cuộc hành quân trả thù cho đồng đội. Trong những năm sau chiến tranh đã có nhiều tổ chức và cá nhân cựu chiến binh Mỹ về thăm lại Việt Nam với những chương trình giúp đỡ nhân đạo, đóng góp rất có ý nghĩa vào công cuộc hòa giải giữa hai nước.

Một điểm khác cần được biết là số quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với số quân làm nhiệm vụ hậu cần. Một cuộc điều tra của ký giả nổi tiếng Jack Anderson cho thấy là cứ 4 lính Mỹ sẵn sàng chiến đấu thì có 5 người phục vụ ở hậu tuyến kể cả những người làm bếp, làm cà-rem, thợ sửa máy, nhân viên làm việc ở những trung tâm giải trí và kho hàng PX17 Để trả lời cho sự chỉ trích này, tướng Westmoreland giải thích: “Nhân viên không tham chiến rất quan trọng cho tinh thần quân đội. Trong cuộc chiến tranh này hầu hết các binh sĩ của chúng ta đều có những bữa ăn nóng ngay cả ở trong rừng. Chuyện đó cho thấy cần phải có một số lớn hỏa đầu quân và những nhân viên tương tự khác, nhưng những bữa ăn nóng rất tốt cho tinh thần (binh sĩ).” 18

Lối đánh trận kiểu nhà giàu này rất tốn kém và phí phạm. Vào thời điểm khai mạc hội nghị Paris năm 1968, số quân Mỹ bị chết là 300 người mỗi tuần và chi phí quân sự của Mỹ ở Việt Nam lên tới 20 tỉ mỗi năm. Tiến sĩ Nguyễn Phú Đức, nguyên cố vấn Đặc biệt của Tổng thống Thiệu, nhận xét rằng “nếu Hoa Kỳ rút quân dần dần và có phương pháp, và giảm tổn thất nhân mạng xuống gần con số không, song song với sự cắt giảm quan trọng các chi phí quân sự, Nam Việt Nam sẽ có thể bảo vệ tự do của mình trong trường kỳ với viện trợ Mỹ ở mức độ vừa phải, và chỉ riêng điều đó cũng có thể đoán chắc một sự hỗ trợ lâu dài của nhân dân Hoa Kỳ.”19 Ông Đức cũng nhắc đến một nhược điểm trong thời hạn phục vụ một năm của binh sĩ Hoa Kỳ. Trong thời gian ngắn ngủi này người lính Mỹ mới vừa có đôi chút kinh nghiệm chiến trường thì đã chuẩn bị để về nước, và điều dễ hiểu là càng gần đến ngày về với gia đình thì họ càng muốn tránh sự nguy hiểm. Cựu Đại tá Quân đội Nhân dân Bùi Tín cũng nhấn mạnh đến nhược điểm này của quân đội Mỹ khi ông sang Hoa Kỳ trao đổi với nhiều giới chính trị và quân sự ở nhiều nơi vào giữa thập kỷ 1990.20

Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng chỉ trích các tướng lãnh VNCH chỉ quan tâm đến việc tranh chấp quyền hành và bảo vệ quyền lợi phe nhóm trong quân đội hơn là lo chiến đấu chống cộng sản. Điều đó đúng và sẽ được đề cập đến dưới đây nhưng cũng cần phải nói ngay rằng đó là hậu quả của chính sách sai lầm của Hoa Kỳ đối với Việt Nam từ thời Ngô Đình Diệm, chỉ ủng hộ người lãnh đạo mà không quan tâm đến những điều kiện ngăn ngừa nạn chuyên quyền cho đến khi thất vọng với người đó. Khi thấy cần phải can thiệp thì những người Mỹ có trách nhiệm lại có thái độ đối xử không thích hợp và gây nên bất mãn. Trường hợp Đại sứ Maxwell Taylor làm mất mặt tướng Nguyễn Khánh và nhóm tướng lãnh trẻ do những vụ thay đổi chính quyền và âm mưu đảo chánh liên tiếp năm 1964 là một thí dụ điển hình của thái độ đối xử bất xứng này. Stanley Karnow gọi đó là một “tội lỗi căn bản” (cardinal sin) đã khiến nhóm Nguyễn Khánh dọa trục xuất Taylor như một persona non grata.

Ngày 21.12.1964, Taylor yêu cầu Nguyễn Khánh và nhóm tướng trẻ đến gặp ông ở tòa Đại sứ. Chỉ có bốn tướng đến dự là Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi và Lê Nguyên Khang. Taylor nói:

“Các ông có hiểu tiếng Anh không?” Sau khi nhóm Việt Nam cho biết là họ hiểu, Taylor nói tiếp: “ Trong bữa ăn ở nhà tướng Westmoreland, tôi đã nói rõ cho tất cả các ông biết rằng người Mỹ chúng tôi đã chán ngấy những vụ đảo chánh. Dường như tôi đã phí lời. Có lẽ tiếng Pháp của tôi không được rành vì rõ ràng là các ông đã không hiểu. Tôi đã nói rõ là tất cả những kế hoạch quân sự mà tôi biết các ông muốn thi hành đều tùy thuộc vào sự ổn định của chính quyền. Bây giờ thì các ông đã làm nát bét hết. Chúng tôi không thể cưu mang các ông mãi nếu các ông cứ làm những chuyện như thế này. Ai là người nói thay cho cả nhóm? Các ông có người phát ngôn không?21

Những vụ xúc phạm danh dự như vậy cũng hay xảy ra giữa một số cố vấn Mỹ và sĩ quan chỉ huy Việt Nam, nhất là khi cố vấn Mỹ lại trẻ tuổi và kém cấp bậc hơn sĩ quan chỉ huy người Việt. Chester A. Cooper, Phụ tá đặc trách về Á châu trong Hội đồng An ninh Quốc gia thời Tổng thống Johnson, đã nhận xét xác đáng:

Những đại úy Mỹ hai-mươi-lăm tuổi mới ra trường từ New York hay Kansas City thường hăm hở với ý muốn cách mạng hóa cơ cấu kinh tế và chính trị ở tỉnh mà anh ta được phái đến công tác —và muốn hoàn tất công việc đó trong nhiệm kỳ một năm của anh. Vấn đề “cố vấn” là một nghệ thuật, không phải là một khoa học, và nhiều người Mỹ đã thi hành nghệ thuật này bằng những cách làm cho các “đối tác” người Việt bị xúc phạm hoặc bối rối. Một sĩ quan Mỹ nhiều kinh nghiệm đã tóm tắt rành rẽ vấn đề này: “Thái độ ‘ngạo mạn về uy quyền’ của người Mỹ được biểu thị trong cách cư xử của nhiều cố vấn, tương tự như câu nói ‘Hãy đi ra chỗ khác chơi, để tôi làm lấy việc này!’ Ông Diệm có lý do chính đáng đặt vấn đề liệu những người Mỹ thiếu kinh nghiệm và ‘phục vụ ngắn hạn’ này có thể truyền thụ sự hiểu biết quan trọng gì cho người Việt để giúp đạt được chiến thắng. Ngoài ra, nếu người Mỹ cứ hành xử như những kẻ canh chừng cho Đại sứ quán hay Cơ quan Chỉ huy Viện trợ Quân sự dưới danh nghĩa cố vấn, ông Diệm cũng có thể tự hỏi liệu công cuộc viện trợ có đáng nhận hay không.” 22

Tập “Hồ sơ Ngũ giác đài” cũng có những nhận định tương tự:

Sự cam kết và dấn thân của Hoa Kỳ càng sâu bao nhiêu thì những va chạm giữa các cố vấn Mỹ và đối tác Việt Nam ở mọi cấp bậc càng tăng thêm bấy nhiêu. Ông Diệm, do ảnh hưởng của ông Nhu, đã than phiền về số lượng và sự hăng say của các cố vấn Mỹ. Ông nói rằng những cố vấn này đang gây ấn tượng thời thuộc địa trong dân chúng.23

Có những chuyện đối với người Mỹ là bình thường nhưng lại rất nghiêm trọng đối với người Việt. Tướng Lâm Quang Thi kể chuyện một cố vấn Mỹ trong khi thị sát vũ khí của một đơn vị pháo binh thấy một khẩu súng không sạch. Ông ta bèn chùi vết bẩn ở khẩu súng đó lên tay của sĩ quan chỉ huy sư đoàn trước mặt các binh sĩ. Vị Chỉ huy này nổi giận tát viên cố vấn và sau đó bị mất chức.24

Điểm tai hại lớn nhất trong chương trình “Mỹ hoá” chiến tranh là quân đội VNCH bị đẩy xuống vai trò phụ thuộc, giúp cho Hà Nội có chính nghĩa để động viên tinh thần nhân dân và quân đội trong cuộc “chiến tranh giải phóng chống đế quốc Mỹ”. Thật ra, việc Hoa Kỳ đưa quân chiến đấu vào Việt Nam sẽ có lý do chính đáng nếu chỉ để đáp ứng một tình trạng khẩn cấp có hạn kỳ, hoặc chỉ để trợ giúp về kỹ thuật trong khi tăng cường lực lượng của quân đội VNCH với đầy đủ vũ khí để giữ vai trò chủ động ở chiến trường. Nên biết rằng Trung Quốc cũng đưa quân vào miền Bắc, tổng số quân có mặt trong vòng ba năm từ 1965 đến 1968 lên đến trên 320,000 người. Riêng trong năm 1967 đã có 170,000 quân Trung Quốc ở miền Bắc. Nhưng hoạt động chủ yếu của những đoàn quân này là trợ lực về phòng không, vét và gỡ mìn, xây cất và sửa chữa cầu đường, công xưởng, và các đơn vị hậu cần, mục đích là giúp cho miền Bắc có thể gửi nhiều quân chiến đấu vào miền Nam. Tính đến ngày người lính Trung Quốc cuối cùng rút về nước vào tháng Tám 1973, chỉ có 1,100 binh sĩ thiệt mạng và 4,200 bị thương.25 Vào những năm này, đảng Lao Động Việt Nam đã trở nên rất cảnh giác trong các quan hệ với Trung Quốc, vì thế đã tìm mọi cách ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc, thậm chí còn hạn chế cả những cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa đoàn quân yểm trợ với dân chúng địa phương, vấn đề chủ quyền thường được sách vở báo chí nhắc nhở qua những bài viết về những cuộc chiến đấu chống quân xâm lăng phương Bắc trong lịch sử Việt Nam.26

Như vậy, rõ ràng là Hoa Kỳ không học được lỗi lầm của Pháp đã làm cho phe quốc gia mất chính nghĩa trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất. Tổng thống Nguyễn văn Thiệu phạm nhiều lỗi lầm nhưng đôi khi cũng có những nhận xét chí lý. Trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí New Republic, ông đã trả lời: “Lý do chính mà Việt Cộng cố thủ mạnh mẽ được như vậy là vì dân chúng vẫn tin rằng chẳng có gì khác giữa người Pháp mà họ gọi là thực dân và người Mỹ mà họ gọi là đế quốc.” Ngoài ra, chương trình “Mỹ hoá” chiến tranh còn phạm phải ít nhất hai sai lầm quan trọng khác:

- Vì quá tin tưởng ở sức mạnh của mình và coi thường khả năng của quân lực VNCH, Hoa Kỳ không trang bị cho họ vũ khí hiện đại. Chẳng hạn, quân Mỹ vào Việt Nam từ tháng Ba 1965 nhưng mãi tới tháng Sáu 1968, sau trận Tết Mậu Thân, Hoa Kỳ mới cung cấp súng M-16 cho binh sĩ VNCH trong khi bộ đội cộng sản miền Bắc đã sử dụng loại súng tối tân AK-47 từ mấy năm trước. Hầu hết máy bay trực thăng rất cần thiết trong các cuộc hành quân đều do phi công Hoa Kỳ lái và chỉ chịu mệnh lệnh của cấp chỉ huy người Mỹ.
- Quân đội Hoa Kỳ chỉ quen với chiến tranh qui ước không thích hợp với những điều kiện chiến đấu chống du kích trong núi rừng nhiệt đới. Nhưng Hoa Kỳ vẫn tin rằng sẽ thắng bất cứ loại chiến tranh nào bằng cách sử dụng hỏa lực thật mạnh và thật nhiều. Lối đánh trận kiểu nhà giàu này quá phí phạm, coi thường sinh mạng của dân chúng mà thường không đem lại kết quả mong đợi. Trái với mục tiêu “tranh thủ nhân tâm”, lối đánh trận này chỉ làm cho dân chúng có cảm tình với chủ trương “chống Mỹ cứu nước” của cộng sản. Đó cũng là nguyên nhân của nhiều trường hợp bất đồng ý kiến giữa các cố vấn Mỹ và các cấp chỉ huy người Việt.

Tóm lại, quyết định “Mỹ hoá” chiến tranh rõ ràng là một quyết định sai lầm về cả hai mặt chính trị và quân sự.

Ngoài những sai lầm về chính sách do sự thiếu hiểu biết các đặc tính Việt Nam và sai lầm về chiến thuật ngoài mặt trận như đã nêu trên, Hoa Kỳ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội có thể chấm dứt cuộc chiến một cách thuận lợi hay ít nhất cũng không bị mang tiếng thua trận và gây tai hại cho miền Nam như hậu quả của hiệp định Paris 1973. Chương Năm đã bàn về những cơ hội cho Hoa Kỳ, trong giai đoạn 1945-1954, có thể tránh được chiến tranh Đông Dương lần thứ Hai. Chương này còn bàn thêm về một cơ hội Hoa Kỳ có thể giải quyết tình hình Đông Dương bằng chính trị trước khi quyết định can thiệp bằng quân sự sau vụ Maddox (tháng Tám 1964), sau đó sẽ đề cập đến những cơ hội Hoa Kỳ có thể chấm dứt cuộc chiến được sớm hơn. Những cơ hội bỏ lỡ này cho thấy một khuynh hướng quen thuộc và cũng là một nhược điểm của Hoa Kỳ: trong tư thế của một siêu cường với vũ khí tối tân và hùng hậu, Hoa Kỳ trước hết chỉ muốn thuyết phục đối phương bằng sự đe dọa, khi có chiến tranh thì muốn thắng lợi bằng những “hành động trừng phạt”, nhưng nếu đánh lâu không được thì bỏ và tìm cách “rút quân trong danh dự.” Vì có sức mạnh, Hoa Kỳ cứ quyết định theo ý muốn của mình và coi thường địch thủ, không chịu tìm hiểu kỹ những ưu khuyết điểm của kẻ địch (và đồng minh của mình nữa), nhất là những trở ngại địa phương về tâm lý, địa lý và chính trị. Nhược điểm này được cựu Bộ trưởng Quốc Phòng McNamara xác nhận là kinh nghiệm bản thân của ông và giới lãnh đạo Hoa Kỳ khi quyết định tham chiến ở Việt Nam:

Tôi chưa bao giờ đi thăm Đông Dương mà tôi cũng không hiểu biết gì về lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa và các giá trị của những xứ này. Điều này cũng đúng ở những mức độ khác nhau trong trường hợp của Tổng thống Kennedy, Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk, Cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy, Cố vấn Quân sự Maxwell Taylor, và nhiều người khác nữa. Khi bàn đến vấn đề Việt Nam, chúng tôi đã thiết lập chính sách cho một miền đất lạ.27

Do thái độ tự tôn ấy, Hoa Kỳ trước tiên chỉ muốn làm theo ý mình, không chấp thuận những giải pháp dung hòa, cho nên khi muốn dùng tới thì đã muộn và chịu thiệt.

Chúng ta đã biết rằng những năm sau hội nghị Genève 1954 là thời gian hai miền Bắc Nam chuẩn bị chiến tranh. Sau khi Ngô Đình Diệm dẹp yên các lực lượng thân Pháp nổi loạn, chính quyền Eisenhower muốn giúp ông xây dựng một miền Nam dân chủ và thịnh vượng nhưng kết quả lại là một chế độ độc tài gia đình trị. Khi MTGPMN được thành lập năm 1960 và Bắc Việt gia tăng tiếp viện người và vũ khí vào miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh, chính quyền Kennedy quyết định giúp cho VNCH đối phó bằng sách lược chống du kích và viện trợ quân sự, nhưng những mâu thuẫn xảy ra giữa đôi bên càng ngày càng trầm trọng. Do những biến động chính trị ở miền Nam trước và sau cái chết của Ngô Đình Diệm, khả năng chiến đấu của quân đội VNCH bị suy giảm đến mức độ báo động. Sau vụ Maddox năm 1964, chính quyền Johnson quyết định can thiệp trực tiếp bằng quân sự và đến 1965 thì bắt đầu đưa quân chiến đấu vào Việt Nam. Khi Nixon lên làm Tổng thống thì trọng tâm chính sách của Hoa Kỳ là tìm cách rút quân ra khỏi Việt Nam.

Trước khi nói đến các cơ hội bỏ lỡ, chúng ta hãy thảo luận về những điểm sai lầm của Hoa Kỳ đã được cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara nêu ra như những nguyên nhân đưa đến thất bại ở Việt Nam. Khi kiểm điểm lại các chính sách của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, McNamara đã nhận diện được mười một điểm sai lầm. Trong số này có sáu điểm hoàn toàn là chuyện nội bộ của Hoa Kỳ, chẳng hạn vấn đề chính quyền Johnson không trình bày thẳng thắn với Quốc hội và dân chúng Mỹ về những quyết định can thiệp vào Việt Nam; vấn đề chủ quan tin rằng dân tộc Mỹ và các nhà lãnh đạo Mỹ biết hết mọi chuyện, làm như mình được Trời ban cho quyền làm gương mẫu khiến các nước khác phải noi theo; hay vấn đề không chịu giữ nguyên tắc là Hoa Kỳ không bao giờ nên can thiệp bằng quân sự một mình mà cần phải có sự phối hợp với các lực lượng đa quốc gia được cộng đồng quốc tế hỗ trợ. Chương này chỉ cần bàn đến năm nhận định đầu tiên của McNamara, điểm số 1 về mối đe dọa của khối Cộng sản, bốn điểm còn lại liên quan đến hai miền Nam, Bắc Việt Nam.28

Điểm số 1: “Hồi đó —và cho đến nay— chúng ta đã phán đoán sai lầm những ý đồ địa lý chính trị của các đối thủ (trong trường hợp này là Bắc Việt và Việt Cộng, được sự hỗ trợ của Trung Quốc và Liên Xô) và chúng ta đã phóng đại những nguy cơ mà hành động của họ có thể gây ra cho Hoa Kỳ”.

Ý đồ địa lý chính trị của khối Cộng sản mà McNamara nói đến ở đây là mưu toan thôn tính Cam-bốt, Lào và các nước khác trong vùng Đông Nam Á. Đây là “thuyết domino” được Tổng thống Eisenhower chính thức phát biểu từ tháng Tư 1954 như một mối quan tâm lớn của Hoa Kỳ rằng nếu Việt Nam bị mất vào tay Cộng sản thì những nước lân bang sẽ lần lượt mất theo. Các chính quyền Kennedy và Johnson đều tiếp tục căn cứ vào “thuyết domino” như một lý do chủ yếu khiến Hoa Kỳ phải can thiệp vào chiến tranh Việt Nam. Khi thấy tình hình Đông Nam Á vẫn ổn định sau 1975 (trừ Lào trở thành Cộng sản ngay sau Việt Nam và Cam-pu-chia bị nạn Khơ-me Đỏ mười mấy năm rồi cũng trở thành một nước không cộng sản,) McNamara cũng như nhiều chính trị gia và tác giả khác đều kết luận rằng “thuyết domino” hoàn toàn sai lầm. Nhận định như vậy không khỏi vội vàng và nông cạn vì không tìm hiểu nguyên nhân đã đưa đến kết quả bất ngờ đó.

Mối lo ngại về mưu đồ của khối Cộng sản ở vùng Đông Nam Á trong thập kỷ 1950 là một nỗi lo ngại có căn cứ vững chãi. Mao Trạch Đông vừa thống nhất Trung Quốc đã dùng “biển người” để chiến đấu với Mỹ và Liên Hiệp Quốc ở Triều Tiên trong khi hết lòng hỗ trợ cho Việt Minh trong chiến tranh Đông Dương. Nikita Khruschev lớn tiếng tuyên bố các cuộc “chiến tranh giải phóng” nhất định thắng lợi và chính McNamara còn nhớ lời Khruschev nhắn khối Tây phương là “Chúng tôi sẽ chôn các anh.”29 Vụ Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik lên không gian, vụ Liên Xô phong tỏa Tây Bá-linh và sau đó xây “bức tường ô nhục”, vụ Fidel Castro lật đổ Batista ở Cuba và biến xứ này thành một nước cộng sản dưới sự lãnh đạo của Mat-scơ-va, tất cả những điều đó chứng tỏ mối đe dọa của cộng sản quốc tế là có thật và “thuyết domino” về chiến tranh Việt Nam không phải là một mối quan tâm thiếu cơ sở.

Hiện tượng “domino” không xảy ra sau chiến tranh Việt Nam không phải vì Cộng sản không có tham vọng chinh phục Đông Nam Á mà vì hai nguyên do chính: mâu thuẫn trầm trọng giữa Liên Xô và Trung Quốc, và mâu thuẫn trầm trọng giữa Trung Quốc và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nếu không có sự tan vỡ trong quan hệ giữa ba nước cộng sản này, nhất là giữa Trung Quốc và Việt Nam, thì “thuyết domino” đã trở thành hiện thực. Nói cách khác, vì mâu thuẫn trầm trọng trong nội bộ cộng sản, hiện tượng domino không còn là một mối đe dọa đối với các nước Đông Nam Á. Vấn đề đáng nói là các chiến lược gia Hoa Kỳ đã không nhận ra được điều này từ những năm đầu thập kỷ 1960. Sai lầm lớn của Mỹ là đã không khai thác được những mâu thuẫn trong khối Cộng sản để giải quyết chiến tranh Việt Nam được sớm hơn và thuận lợi hơn.

Điểm số 2: “Chúng ta coi nhân dân và những nhà lãnh đạo của miền Nam Việt Nam theo kinh nghiệm của chính chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng họ có một khát vọng và một quyết tâm chiến đấu cho tự do và dân chủ. Chúng ta đã xét đoán hoàn toàn sai lầm những thế lực chính trị ở trong nước”.

McNamara đã phê phán nhân dân và những người làm chính trị thật tâm yêu nước của miền Nam qua kinh nghiệm sai lầm của Hoa Kỳ về trường hợp Ngô Đình Diệm và nhóm quân nhân lãnh đạo thời đệ nhị Cộng Hoà. Đây là một lối xét đoán “vơ đũa cả nắm” của McNamara, suy luận từ những trường hợp cá biệt để kết luận một cách lạ lùng rằng nhân dân miền Nam Việt Nam không có khát vọng về tự do và dân chủ.30 McNamara không nhận ra rằng chính những nhà làm chính sách Hoa Kỳ đã sai lầm khi chỉ quan tâm đến chuyện chống Cộng hơn là kế hoạch dựng nước, không chú trọng giúp đỡ xây dựng một xã hội công dân (civil society), ngăn chặn độc tài và tham nhũng. Công bằng mà nói, các chính quyền Eisenhower, Kennedy và Nixon đều có chính sách “dựng nước” (nation-building) song song với hoạt động quân sự. Nhưng ngân khoản viện trợ dành cho chương trình này quá ít so với viện trợ quân sự, nhất là không có những điều kiện thi hành và biện pháp kiểm soát hữu hiệu để tránh nạn nhũng lạm khiến cho mục đích của chương trình không đạt được. Những cố vấn thân cận của Tổng thống Diệm như tướng Landsdale hay tiến sĩ Ladejinsky cũng chỉ biết phàn nàn khi ông Diệm không chịu nghe theo những đề nghị cải cách chính trị hay cải cách điền địa. Đúng như nhận xét của Nghị sĩ Mike Mansfield gửi cho Tổng thống Kennedy: “chúng ta không thể hi vọng dùng sức mạnh vũ khí để thay thế cho những thay đổi chính trị, kinh tế và xã hội là những phương cách chống cộng hữu hiệu nhất.”31 Chẳng may ý kiến này đã bị phúc trình Taylor lấn át mất.

Về mặt quân sự, chính sách “lùng và diệt địch” và việc sử dụng hỏa lực thật mạnh một cách bừa bãi, nhiều khi chỉ để phòng ngừa sự tấn công của địch, thường gây thương vong cho nhiều thường dân vô tội. Philip Caputo có nhắc đến một số “qui tắc chiến đấu” của quân đội Mỹ trong chiến tranh chống quân du kích đã giết hại nhiều thường dân hơn bộ đội cộng sản. Chẳng hạn, “bắn một người Việt Nam không mang vũ khí đang bỏ chạy là đúng, nhưng bắn một người đang đứng yên hay đang đi là sai”. Thực tế thì chỉ có thường dân mới không có vũ khí và bỏ chạy còn Việt cộng thì ẩn núp kín đáo ở một chỗ. Một qui tắc chiến đấu khác là “bộ binh dùng lựu đạn lân tinh (phosphorous grenades) để tấn công một ngôi làng là sai, nhưng phi công chiến đấu ném bom lửa (napalm) xuống đốt phá ngôi làng đó là đúng.” Nguy hại hơn nữa là mệnh lệnh có tính cách buông thả của tướng Greene: “Hãy giết Việt Cộng” (Kill v.c.) Caputo mỉa mai nhận xét, “Trong không khí hăng say yêu nước của thời Kennedy, chúng ta đã tự hỏi: ‘Ta có thể làm được gì cho đất nước?’ và đất nước ta đã trả lời: ‘Giết Việt Cộng’ .”32

Tất cả những chính sách và biện pháp áp dụng như vậy, về chính trị cũng như quân sự, thay vì lấy được lòng dân (win the hearts and minds of the people) như chính phủ Mỹ mong muốn, rốt cuộc chỉ làm mất lòng dân và đẩy họ đi theo con đường “chống Mỹ cứu nước” của cộng sản.

Điểm số 3: Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa quốc gia dân tộc là động lực thúc đẩy nhân dân (trong trường hợp này là Bắc Việt và Việt Cộng) chiến đấu và chết cho những niềm tin và giá trị của họ—và chúng ta vẫn tiếp tục lối đánh giá thấp đó cho đến tận ngày nay ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Nhận xét này liên hệ chặt chẽ với điểm số 2 trên đây ở chỗ nhìn nhận “Bắc Việt và Việt Cộng” là những người sống chết với chủ nghĩa quốc gia dân tộc, do đó họ có chính nghĩa để chiến đấu tới thắng lợi cuối cùng. Không thấy McNamara nhắc nhở gì đến chủ nghĩa cộng sản và phương cách lãnh đạo của Bộ Chính trị đảng Lao Động Việt Nam. Ông cũng có vẻ không biết rằng, người cộng sản chỉ nêu cao chính nghĩa quốc gia trong cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập cho dân tộc, nhưng trong cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”, người cộng sản không còn tự nhận là những người theo chủ nghĩa quốc gia (nationalism) như ông McNamara đã tuyên dương, mà chỉ nói đến tham vọng và tội ác của đế quốc Mỹ đối với dân tộc Việt Nam. Tệ hại hơn nữa là khi nhìn nhận chỉ có người cộng sản là yêu nước, McNamara đã mặc nhiên kết tội Hoa Kỳ là đế quốc xâm lược.

Quả thật là bộ đội cộng sản Bắc Việt và MTGPMN đã “chiến đấu và chết cho những niềm tin và giá trị của họ”, vì Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã gây cho họ niềm tin tưởng mãnh liệt ở chính nghĩa “giải thoát đồng bào miền Nam khỏi sự đô hộ tàn ác của đế quốc Mỹ”. Riêng bộ đội miền Bắc còn được giao phó thêm sứ mệnh thiêng liêng là “thống nhất đất nước” để sớm thực hiện đời sống tự do, no ấm cho toàn thể dân tộc. Hoa Kỳ đã làm mất chính nghĩa chống cộng sản của VNCH bằng quyết định “Mỹ hoá chiến tranh” và chỉ chú trọng vào chiến thắng quân sự khiến cho dân chúng nông thôn sợ hãi và oán ghét. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những lỗi lầm to lớn của những người lãnh đạo chính trị và quân sự VNCH nhưng để chứng tỏ nhận định thiếu sót và sai lầm của McNamara về “chính nghĩa” của phe Cộng sản trong chiến tranh Việt Nam. McNamara cũng không biết rằng khi cán bộ, quân đội và dân chúng vào thăm thân nhân hay vào làm việc ở miền Nam sau chiến thắng 1975 thì họ đã sững sờ khi thấy đời sống ở miền Nam dân chủ, tự do và thịnh vượng hơn nhiều so với miền Bắc, trái hẳn với những điều mà Đảng và Nhà nước đã hun đúc thành một niềm tin và ý chí sắt đá ở nơi họ trong sứ mạng “giải thoát đồng bào miền Nam đau khổ”.

Điểm số 4: Những xét đoán sai lầm của chúng ta về bạn cũng như thù cho thấy chúng ta không hiểu biết gì về lịch sử, văn hoá và chính trị của dân chúng ở trong vùng, và những cá tính và thói quen của những người lãnh đạo của họ. Chúng ta có thể đã có những xét đoán sai lầm tương tự về Liên Xô trong những vụ đối đầu thường xảy ra—chẳng hạn vấn đề Bá Linh, Cuba, hay Trung Đông—nếu chúng ta không có những cố vấn như Tommy Thompson, Chip Bohlen, và George Kennan. Những nhà ngoại giao lão luyện này đã bỏ ra hàng chục năm đê nghiên cứu khối Liên Xô, dân tộc và giới lãnh đạo khối này, nguyên do các hành động của họ và những phương cách phản ứng của họ đối với hành động của chúng ta. Ý kiến của những nhà ngoại giao này rất có giá trị cho việc hình thành các phán đoán và quyết định của chúng ta. Trong trường hợp Việt Nam, chúng ta không có những nhân vật am hiểu về Đông Nam Ả như thế để cho các giới chức cao cấp tham khảo và lấy các quyết định.

Nhận xét xác đáng này tuy có tính chất kiểm thảo nội bộ về phía Mỹ nhưng vẫn được kể ra ở đây để chứng tỏ rằng những sự hiểu biết thiếu sót về Việt Nam của Hoa Kỳ nêu ra ở phần đầu chương này cũng được McNamara xác nhận là những sai lầm tai hại đối với cả “bạn cũng như thù.”

Điểm số 5: Chúng ta đã không nhận ra được—và cho đến nay cũng vậy— những giới hạn của vũ khí tối tân với kỹ thuật cao, của các lực lượng chiến đấu, và của lý thuyết chiến tranh khi phải đương đầu với những phong trào nhân dân phi qui ước và có động lực chiến đấu cao. Chúng ta cũng thất bại trong việc thích ứng chiến thuật quân sự của chúng ta vào công cuộc chiếm lấy lòng người trong một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt.

McNamara nhận xét đúng về sai lầm của Hoa Kỳ khi quá tin cậv vào khả năng của vũ khí tối tân, hỏa lực thật mạnh, và lý thuyết chiến tranh qui ước để đối phó với loại chiến tranh nhân dân phi qui ước, hăng say vì lý tưởng và dùng yếu chống mạnh bằng chiến thuật du kích. Hơn ai hết, ông là người hiểu rõ “lòng ngạo mạn tự nhiên của kẻ rất mạnh.”33 Nhưng McNamara đã sai khi ông cho rằng Hoa Kỳ cũng thất bại khi không thể sử dụng những chiến thuật quân sự vào mục tiêu tranh thủ nhân tâm vì có sự khác biệt về văn hóa.

Không hiểu những chiến thuật quân sự mà McNamara nói đến ờ đây là những chiến thuật gì, nhưng điều chắc chắn là khó có thể lấy được cảm tình của dân chúng bằng phương tiện quân sự. Dân chúng, nhất là ở miền quê, vốn nghi kỵ và sợ hãi quân đội ngoại quốc, chỉ có thể được thuyết phục bằng những chương trình giúp đỡ về y tế, giáo dục, xã hội và phát triển kinh tế, kèm theo những biện pháp hữu hiệu chống nạn hà hiếp và tham nhũng của các viên chức địa phương. Một khi dân chúng thực sự nhận được những sự giúp đỡ này, họ sẽ đương nhiên ủng hộ chính quyền quốc gia và đồng minh Hoa Kỳ.

Trở lại các cơ hội bỏ lỡ, Hoa Kỳ đáng lẽ đã có thể tìm được giải pháp chính trị thích hợp cho Việt Nam khi chính quyền Ngô Đình Diệm càng ngày càng mất sự tín nhiệm của dân chúng sau vụ đảo chánh hụt tháng 11,1960 và sự ra đời của MTGPMN cuối năm đó. Những năm đầu thập kỷ 1960 là thời kỳ mâu thuẫn Liên Xô- Trung Quốc trở nên gay gắt nhất, và Trung Quốc không còn muốn cho Bắc Việt tiếp tục khai thác cả hai nước đàn anh. Trong tài liệu ghi chép một phiên họp nội bộ, Tổng Bí thư Lê Duẩn cho biết Đặng Tiểu Bình đã nói thẳng với ông: “Đồng chí! Tôi sẽ giúp cho đồng chí hàng tỉ bạc mỗi năm. Đồng chí không được nhận gì của Liên Xô nữa.” Lê Duẩn không đồng ý và yêu cầu khối cộng sản phải đoàn kết. Năm 1963, Lê Duẩn cùng Trường Chinh được mời sang Trung Quốc để góp ý về bản dự thảo 25 điểm chống chủ nghĩa xét lại của Khruschev. Khi hai người lại yêu cầu duy trì tình đoàn kết cộng sản thì Đặng Tiểu Bình phản đối. Sau đó, trong buổi tiếp kiến hai lãnh tụ Việt Nam, Mao Trạch Đông nhắn nhủ: “Tôi muốn cho các đồng chí biết điều này. Tôi là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ đưa một đạo quân tiến xuống vùng Đông Nam Á.”34

Lê Duẩn vốn rất oán hận Trang Quốc về việc bắt ép Bắc Việt chấp nhận các điều khoản hạn chế thắng lợi của hiệp định Genève, sau đó còn ngăn chặn các hoạt động chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Lê Duẩn tố cáo Bắc Kinh cấm cản Hà Nội tiến hành chiến tranh du kích ở mịền Nam. Khi Đảng Lao động Việt Nam không nghe lời, Đặng Tiểu Bình lại cảnh cáo Lê Duẩn: “Bây giờ sự sai lầm của đồng chí đã lỡ xảy ra rồi, đồng chí chỉ nên đánh ở mức tiểu đội trở xuống mà thôi!” Khi Hà Nội chứng tỏ có khả năng gây chiến ở miền Nam, thì Trung Quốc lại nảy ra ý đồ xâm lược. Lê Duẩn nói: “Sau khi chúng ta đã chiến đấu và Trung Quốc thấy rằng chúng ta có thể chiến đấu tốt, Mao bỗng có một đường lối suy nghĩ mới. Ông ta nói rằng vì Mỹ đánh chúng ta, ông sẽ đưa quân đội vào giúp chúng ta xây dựng đường xá. Mục tiêu chính của ông ta là tìm hiểu tình trạng của nước ta để sau này có thể đánh chúng ta và từ đó tràn sang các nước Đông Nam Á. Không có lý do nào khác. Chúng ta biết ró ý đồ này nhưng phải đồng ý. Thôi thì cũng được. Họ quyết định đưa quân vào với súng đạn. Tôi lại phải chịu điều này. Về sau, Mao lại bắt chúng ta phải nhận cho 20,000 quân của ông vào xây con đường từ Nghệ Tĩnh vào Nam Bộ. Tôi không chịu. Họ tiếp tục yêu cầu nhưng tôi không nhượng bộ. Họ áp lực tôi phải để cho quân họ vào nhưng tôi không chấp thuận. Họ tiếp tục ép buộc nhưng tôi vẫn không chịu. Tôi đưa những thí dụ này để các đồng chí thấy mưu đồ của họ muốn cướp nước ta từ lâu và âm mưu đó ác độc đến thế nào”. 35

Mâu thuẫn trầm trọng giữa Liên Xô và Trung Quốc vào những năm cuối thập kỷ 1950 và đầu thập kỷ 1960, thế mắc kẹt của Bắc Việt giữa hai đại cường cộng sản, và niềm nghi kỵ sâu sắc của giới lãnh đạo Hà Nội đối với đầu óc bá quyền của Bắc Kinh, là những yếu tố rất thuận lợi cho Hoa Kỳ tìm một giải pháp chính trị không những cho Việt Nam mà cho cả ba nước Đông Dương. Đó là giải pháp trung lập hóa những điều kiện mà mỗi phía đều coi như những mẫu số chung để đạt được đồng thuận. Phe cực hữu có lý do để tin rằng “trung lập hóa” chỉ là một bước đi chiến thuật của cộng sản, một giai đoạn chuyển tiếp để đạt được mục tiêu tối hậu của họ. Tuy nhiên, giữa những tương quan đầy sức ép này, giới lãnh đạo Bắc Việt có thể mong muốn Việt Nam trở thành một nước trung lập thật sự hay đúng hơn là một nước cộng sản độc lập như Nam Tư để có thể giao thiệp bình thường với các nước phương Tây kể cả Hoa Kỳ. Trong khi chờ đợi ít nhất Bắc Việt cũng muốn trung lập hóa miền Nam như đã được phát biểu trong bản tuyên ngôn của MTGPMN để một mặt tránh được chiến tranh với Hoa Kỳ, một mặt thoát khỏi áp lực của Trung Quốc và có thì giờ củng cố miền Bắc. Trong viễn tượng ấy, Hoa Kỳ cũng có đủ thời gian chuẩn bị kế hoạch cải thiện các mối quan hệ kinh tế và chính trị với các nước ở Viễn Đông.

Đối với Liên Xô, mối quan tâm chính vẫn là tình trạng ở Âu châu. Vì vậy, mặc dù quan hệ với Hoa Kỳ đang căng thẳng vì tình trạng Bá-Linh, Khruschev vẫn có thể thỏa hiệp với Hoa Kỳ về giải pháp trung lập hoá Đông Dương, và sẵn sàng giúp cho Việt Nam thoát khỏi tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Trên thực tế, Liên Xô vẫn khuyến cáo Bắc Việt không nên gây chiến ở miền Nam và nên điều đình với Hoa Kỳ. Về phía Trung Quốc, trong khi ngăn cản Bắc Việt tiếp xúc với Mỹ, giới lãnh đạo Bắc Kinh sẽ không từ chối nói chuyện với Hoa Thịnh Đốn về vấn đề thiết lập quan hệ song phương và một giải pháp chính trị cho Việt Nam. Đáp ứng thuận lợi của Mao Trạch Đông trong những cuộc tiếp xúc thăm dò của Henry Kissinger từ 1971 đưa tới cuộc thăm viếng chính thức của Tổng thống Nixon ở Bắc Kinh năm 1972 là một bằng chứng rõ rệt của triển vọng hợp tác giữa hai nước.

Thực ra, giải pháp trung lập hoá miền Nam đã được hai nhà ngoại giao kỳ cựu Averell Harriman và Chester Bowles nêu ra từ tháng Mười Một 1961. Bowles đề nghị mở rộng giải pháp trung lập và độc lập của Lào bao gồm Nam Việt Nam, Cam bốt, Thái Lan, Miến Điện và Mã Lai. Ông lý luận rằng nếu cộng sản tìm cách lợi dụng một hay tất cả những chính phủ trung lập này, Hoa Thịnh Đốn sẽ vận dụng được sự ủng hộ của quốc tế chống lại ý đồ này dễ dàng hơn là trong những trường hợp khác. Harriman thì đề nghị giải pháp “tăng cường và hiện đại hoá” hiệp định Genève 1954, tức là có bầu cử và thống nhất đất nước.36 Đề nghị này không chắc đã thích hợp với hoàn cảnh của những năm đầu 1960, nhưng nếu ngay sau hội nghị Genève, Hoa Kỳ có những điều kiện thỏa thuận có tính cách ràng buộc với chính phủ Ngô Đình Diệm về một kế hoạch “dựng nước” thật sự, qui tụ được mọi thành phần yêu nước và lấy được lòng dân qua những chương trình phát triển kinh tế, giáo dục và xã hội, thì chưa chắc Hà Nội đã muốn thực hiện cuộc bầu cử thống nhất đất nước năm 1956. Nếu kế hoạch dựng nước này được tiến hành nghiêm chỉnh, miền Nam có thể sớm lấy lại được chính nghĩa quốc gia không chỉ riêng ở miền Nam mà cả ở miền Bắc nữa.

Quả thật, khi chế độ cộng sản chính thức xuất hiện trên toàn miền Bắc qua việc thi hành triệt để chính sách cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức và chỉnh huấn trí thức sau hội nghị Genève, guồng máy cai trị của đảng Lao động bị lung lay trầm trọng vì phản ứng bất mãn kịch liệt trong quần chúng và tình trạng khủng hoảng niềm tin trong các tầng lớp cán bộ. Thậm chí vào cuối năm 1956, không những Chủ tịch Hồ Chí Minh phải cáo lỗi trước quốc dân, Đảng Lao động còn phải đưa anh hùng Điện Biên Phủ Võ Nguyên Giáp ra nhận lỗi thay cho Đảng và chính phủ, cách chức Tổng bí thư Trường Chinh và thi hành một loạt các biện pháp sửa sai. Cuộc khủng hoảng chính trị to lớn đó được diễn ra trong khi nhân dân toàn miền Bắc đang phải phấn đấu chật vật với tình trạng nghèo đói sau gần chín năm chiến tranh chống Pháp.

Những khó khăn nội bộ này cộng với thế kẹt giữa Liên Xô và Trung Quốc và nguy cơ phải đối đầu quân sự với Hoa Kỳ đã khiến cho đảng Lao động Việt Nam càng ngày càng nhận thấy phải nghĩ đến giải pháp chính trị (trung lập) cho miền Nam như một sự trì hoãn chiến lược của cách mạng toàn diện. Vì vậy, mặc dù chủ trương giải phóng miền Nam trên cả hai mặt trận chính trị và quân sự, Đại hội Đảng thứ 15, tháng Giêng 1959, đã mong muốn có thể thực hiện thống nhất đất nước bằng con đường hoà bình, vừa tránh được chiến tranh với Hoa Kỳ vừa thỏa mãn được nguyện vọng của những thành phần không cộng sản trong MTGPMN:

Để phối hợp cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam với phong trào cách mạng của nhân dân trên thế giới, Đảng ta chủ trương thống nhất đất nước bằng con đường hoà bình… Đại hội Đảng thứ 15 tiên liệu rằng cuộc cách mạng ở miền Nam có thể thực hiện một cách hòa bình bằng sự chuyển hoá dần dần tình trạng chính trị thuận lợi cho cách mạng. Dù khả năng này rất nhỏ, chúng ta không loại bỏ nó mà phải nắm chặt lấy nó.37

Cũng như phe quốc gia ở Việt Nam, Hoa Kỳ có đủ hiểu biết và kinh nghiệm để thấy rằng “chính phủ liên hiệp” hay “trung lập” chỉ là kế sách chính trị của Bắc Việt để có thì giờ giải quyết những khó khăn to lớn về đối nội cũng như đối ngoại, một sự trì hoãn có thể kéo dài nhiều năm trước khi thực hiện thống nhất hai miền dưới chế độ cộng sản. Nhưng chính sự trì hoãn đó lại thuận lợi cho Hoa Kỳ tạo điều kiện cho một chính phủ liên hiệp, trung lập ở miền Nam, trong một thời gian đủ lâu để có thể ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã không khai thác những yếu tố thuận lợi ấy, và ngày 15 tháng 11, 1961, Tổng thống Kennedy đã lựa chọn giải pháp quân sự theo đề nghị của tướng Taylor. Đến khi hội nghị Genève về Lào kết thúc ngày 23 tháng Bảy 1962, Kennedy mới đồng ý cho trưởng đoàn Harriman thăm dò bộ trưởng ngoại giao VNDCCH Ung Văn Khiêm về giải pháp trung lập cho miền Nam Việt Nam tại hội nghị Genève về Lào. Harriman đã chia sẻ quan điểm của ông với phó trưởng đoàn William Sullivan:

Một khi thu xếp xong được chuyện Lào… ta sẽ có thể mở rộng thỏa thuận đó sang một khu vực lớn hơn, đặc biệt là nếu ta được Xô-viết nhìn nhận rằng việc đó sẽ kết hợp được những lợi ích của họ cũng như của ta trong nỗ lực trung lập hóa toàn thể Đông Dương, nếu không thì khu vực này sẽ làm mồi cho Trung Quốc.38

Nhưng trái với kỳ vọng của Harriman, Ung Văn Khiêm chỉ dùng buổi tiếp xúc này như một cơ hội để kịch liệt chỉ trích Hoa Kỳ. Harriman trả đũa lại bằng những lời chỉ trích Bắc Việt, sau đó báo cáo với Kennedy là Hà Nội không có ý định thảo luận về giải pháp hòa bình.39 Các nhà ngoại giao Bắc Việt tại những phiên họp Việt-Mỹ năm 1997 giải thích là do hệ thống thông tin nội bộ, Ung Văn Khiêm không được biết chủ trương của Bộ Chính trị ở Hà
Nội.40 Sullivan ghi nhận cảm tưởng về cuộc trao đổi này là “Chúng tôi đã đụng vào vách đá.”41 McNamara không thỏa mãn với lời giải thích về trường hợp Ung Văn Khiêm nhưng chúng ta có thể ngờ rằng có sự ngăn cản của Trung Quốc đối với việc thảo luận tay đôi giữa Mỹ và Bắc Việt về một giải pháp chính trị cho Việt Nam. Nếu các đại diện Bắc Việt trong phiên họp Việt-Mỹ 1997 không nhắc đến áp lực của Trung Quốc thì cũng là một điều dễ hiểu.

Dù sao chăng nữa, Hoa Kỳ đã không chú trọng đến việc áp dụng giải pháp trung lập hóa nước Lào cho miền Nam Việt Nam, và đã tính sai nước cờ khi bỏ mặc Lào để chỉ lo chuyện bảo vệ VNCH bằng quân sự.

McNamara có nhắc đến một cơ hội thứ nhì để cho Hoa Kỳ có thể tránh được chiến tranh ở Việt Nam là vào mùa Hè năm 1963, khi quan hệ giữa hai chính phủ Ngô Đình Diệm và Kennedy đã căng thẳng cao độ và các ông Diệm và Nhu bắt đầu tìm đường thảo luận với Hà Nội về một chính phủ liên hiệp và trung lập, qua trung gian của Roger Lalouette, Đại sứ Pháp và Mieczyslaw Manelli, đại diện Ba-Lan trong ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến. Cơ hội này không được trình bày và thảo luận chi tiết ở đây vì nó được tạo dựng bởi những yếu tố mơ hồ không được bên nào tỏ dấu hiệu chính thức xác nhận. Có thể đây chỉ là phản ứng giận dữ và tuyệt vọng hay một ngón đòn chính trị của ông Nhu trước áp lực của Hoa Kỳ trong cuộc tranh đấu của Phật giáo. Đây cũng là cơ hội mà chính phủ de Gaulle vẫn từng trông đợi để đóng vai trọng tài giải quyết vấn đề Việt Nam thay cho Hoa Kỳ. Đối với Bắc Việt thì đây là cơ hội rất tốt để rút ngắn thời gian chuyển tiếp tiến đến thống nhất đất nước dưới chế độ cộng sản. Nhưng một sự thỏa thuận về chính phủ liên hiệp và trung lập dựa trên những giả thuyết này không có tính khả thi vì Ngô Đình Diệm rõ ràng không phải là người có thể thỏa hiệp và chia sẻ quyền hành với cộng sản, và ngược lại. Đấy là chưa nói đến vấn đề ai sẽ lãnh đạo chính phủ liên hiệp trung lập, nếu được thành lập thì không phải do sự chia sẻ lý tưởng chung mà chỉ vì những điều kiện nhất thời của tình thế.42 Ngoài ra, còn phải kể đến việc Hoa Kỳ không thể nào chấp nhận cho Ngô Đình Diệm qua mặt mình để tự ý giải quyết vấn đề Việt Nam, loại bỏ Hoa Kỳ ra khỏi một vùng chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Cũng phải kể đến thái độ của Trung Quốc khi đó đang thúc đẩy Bắc Việt theo đuổi chiến tranh chống Mỹ và không khi nào muốn thấy có một nước Việt Nam thống nhất và cường thịnh.

Khi đã quyết định dùng biện pháp quân sự, Hoa kỳ lại bỏ lỡ những cơ hội có thể chấm dứt được chiến tranh trước khi Tổng thống Nixon phải vội vã rút quân và Quốc Hội Hoa Kỳ quyết định bỏ rơi VNCH. Thời gian Hoa Kỳ chính thức lâm chiến được kể từ ngày 7 tháng Tám 1964, khi Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận Nghị quyết Vịnh Bắc Việt mặc dù trước đó vài ngày, Tổng thống Johnson đã cho máy bay ném bom kho dầu ở Vinh để trả đũa vụ tàu Maddox. Cuộc oanh tạc Bắc Việt chỉ thực sự bắt đầu bằng chiến dịch “Phi tiêu Lửa” (Flaming Dart) sau khi phi trường Pleiku bị cộng sản tấn công ngày 7 tháng Hai 1965. Tổng thông Johnson có liệt kê gần một trăm nỗ lực và “sáng kiến hòa bình” của ông, hầu hết qua các nước trung gian, trong khoảng từ tháng Năm 1965 đến tháng Mười Một 1968, nhưng tất cả đều không đạt được kết quả.43 Trong sáu phiên họp ở Hà Nội (giữa tháng Mười Một 1995 và tháng Sáu 1997,) và một phiên họp ở Hội trường của Rockefeller Foundation tại Bellagio, nước Ý (tháng Hai 1998,) một số học giả và giới chức dân sự và quân sự Việt-Mỹ đã kiểm điểm lại những sai lầm, ngộ nhận của đôi bên và những cơ hội hoà bình đã bỏ lỡ. McNamara đúc kết các nhận định về sáu sáng kiến then chốt —bốn của Wash­ington, hai của Hà Nội— trong khoảng thời gian từ tháng Năm 1965 đến tháng Mười 1967,44 Ông cho rằng cả hai bên đều sai lầm vì trong mỗi cơ hội, nếu không vì thiếu hiểu biết và nghi ngờ quá đáng lẫn nhau, hai bên đã có thể thương thuyết và chấm dứt chiến tranh được sớm hơn. Chúng ta hãy lần lượt duyệt qua sáu cơ hội này, được Hoa Kỳ đặt dưới sáu tên khác nhau, để rút ra được những kinh nghiệm hữu ích về chiến tranh và thương thuyết hoà bình giữa hai đối thủ có hai nền văn hoá khác nhau.

I. MAYFLOWER (11.5-18.5.1965) – Sáng kiến hòa bình này được McNamara đề nghị nhằm tránh việc phải đưa quân chiến đấu vào Việt Nam. Trước hết, Hoa Kỳ ngưng oanh tạc miền Bắc mà không cần tuyên bố, sau đó chuyển một lá thư kín cho Hà Nội qua Đại Sứ Mỹ ở Mát-scơ-va. Nội dung chính của lá thư do Ngoại trưởng Dean Rusk ký ngày 11 tháng Năm 1965, cho biết “Hoa Kỳ rất chăm chú theo dõi xem trong thời gian ngưng oanh tạc này những cuộc tấn công chống lại chính phủ và nhân dân miền Nam Việt Nam có giảm bớt đáng kể hay không.” Trong cùng ngày, Dean Rusk gặp Đại sứ Liên Xô Anatoly Dobrynin và trao bản sao của lá thư này. Ngày 12 tháng Năm, Tổng thống Johnson kêu gọi Hà Nội lưu tâm tới một “giải pháp chính trị.” Đại sứ VNDCCH ở Mat-scơ- va không chịu tiếp Đại sứ Mỹ, viện lẽ hai nước không có quan hệ ngoại giao. Khi lá thư được gửi đến Đại sứ quán VNDCCH, thư không được mở ra và gửi trả lại. Ngày 15 tháng Năm, khi Dean Rusk gặp Ngoại trưởng Liên Xô Andrei Gromyko ở Vienna, ông này cho biết lá thư của Hoa Kỳ có tính chất “hỗn xược”. Ba ngày sau, Mỹ tiếp tục các phi vụ oanh tạc.

Theo McNamara, Hoa Kỳ thất bại trong nỗ lực này vì lời lẽ trong thư có tính chất đe dọa và không đưa ra một đề nghị cụ thể nào. Sai lầm lớn nhất là chọn Mat-scơ-va làm địa điểm trung gian trong khi Hà Nội đang phải đu giây giữa Liên Xô và Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Hà Nội từ chối tiếp nhận lá thư cho thấy rằng VNDCCH không muốn thương thuyết hoà bình, và như vậy chỉ làm cho phe diều hâu ở Mỹ có lý do thúc đẩy tiếp tục chiến tranh. Trong cuộc đối thoại Việt-Mỹ ở Hà Nội, Lưu Doãn Huỳnh, nhân vật then chốt trong nhóm soạn thảo các tài liệu hòa đàm, nhìn nhận rằng MAYFLOWER là cơ hội trì hoãn việc Mỹ quyết định đưa quân vào Việt Nam, và Hà Nội đáng lẽ đã phải đáp ứng sáng kiến này bằng cách yêu cầu thảo luận Bốn điểm mà Hà Nội đã công bố từ hơn một tháng trước.

Quả thật, sau khi chiến dịch “Phi tiêu Lửa” bắt đầu, Bộ Chính trị đã họp khẩn cấp và sau hai tháng thảo luận, đã công bố lập trường Bốn điểm ngày 7 tháng Tư 1965 như sau:

1. Xác nhận những quyền căn bản của nhân dân Việt Nam gồm có: hoà bình, độc lập, chủ quyền, thông nhất, và toàn vẹn lãnh thổ. Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam; Mỹ phải chấm dứt các hành động gây chiến chống miền Bắc Việt Nam.
2. Trong khi chờ đợi thống nhất Việt Nam, những điều khoản về quân sự trong hiệp định Genève 1954 về Việt Nam phải được triệt để tôn trọng. Mọi quân đội ngoại quốc phải rút ra khỏi nước. Không được có những liên minh quân sự giữa chính phủ Hà Nội hay chính phủ Sài-gòn với những lực lượng ở nước ngoài.
3. Những vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam phải do chính nhân dân miền Nam giải quyết theo như chương trình của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng, không có sự can thiệp của nước ngoài.
4. Việc thống nhất trong hoà bình ở Việt Nam phải được giải quyết bởi nhân dân ở cả hai miền, không có sự can thiệp của nước ngoài.

Đáng chú ý là trong cùng một ngày, Tổng thống Johnson đọc diễn văn ở Đại Học Johns Hopkins, Baltimore, tuyên bố Hoa Kỳ muốn “thảo luận vô điều kiện” trong bất cứ trường hợp nào có thể đưa đến việc giải quyết hoà bình. Điều đáng tiếc là mỗi bên chỉ công bố quan điểm của mình mà không tìm cách tiếp xúc với nhau để bàn chuyện thương thuyết. Hoa Kỳ thì coi Bốn điểm như những điều kiện tiên quyết của Bắc Việt cho cuộc hòa đàm, đặc biệt là điểm thứ ba được hiểu rằng chỉ có MTGPMN mới là đại diện của nhân dân miền Nam Việt Nam, vì điểm đầu tiên trong chương trình của MTGPMN năm 1960 là lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Bắc Việt thì cho rằng Mỹ không đếm xỉa gì đến bản tuyên bố Bốn điểm như một căn bản để thảo luận vì Mỹ vẫn tin rằng sẽ thắng chiến tranh. Lưu Văn Lợi, một thành viên khác trong cuộc đối thoại Việt- Mỹ, nhắc nhở rằng người thương thuyết giỏi bao giờ cũng mở đầu bằng những đòi hỏi tối đa. Điểm thứ ba, theo Lưu Doãn Huỳnh, chính là điểm uyển chuyển nhất vì chương trình của MTGPMN là thành lập một chính phủ liên hiệp, hoà bình và trung lập. Còn vấn đề thống nhất thì được coi như một tiến trình lâu dài có thể lâu tới cả chục năm.45 Nói tóm lại, vào tháng Tư năm 1965, Mỹ và Bắc Việt đều muốn điều đình nhưng đã hiểu sai ý định của nhau và không bên nào chịu mở cuộc thăm dò trước.

Như vậy tại sao, chỉ một tháng sau, Bắc Việt lại không chịu chấp nhận sáng kiến MAYFLOWER? Trong phiên họp tháng Sáu 1997, Lưu Doãn Huỳnh giải thích rằng sau khi nghiên cứu bài diễn văn của Johnson ở Baltimore và những tài liệu liên hệ, giới ngoại giao Bắc Việt thấy rằng Mỹ không muốn điều đình và bài diễn văn này chỉ là một bức màn khói che đậy việc đổ thêm quân vào Việt Natn. Ngoài ra, Hoa Kỳ có thái độ cư xử với đối phương như giữa người lớn và trẻ con, nếu đứa trẻ nghe lời thì thưởng, không nghe lời thì phạt. “Johnson gọi chúng tôi là ‘Hanoi’ chứ không phải là VNDCCH, cho thấy rằng ông vẫn không nhìn nhận sự hiện hữu của chúng tôi.” Ông Huỳnh cũng cho biết trên bao thư gửi cho chính phủ miền Bắc Việt Nam, Hoa Kỳ chỉ ghi “Hanoi”. Vì thái độ ấy, việc Johnson tuyên bố muốn “thương thuyết vô điều kiện” được hiểu là Hoa Kỳ dọa sẽ tiếp tục ném bom nếu không được hài lòng.

Về việc Hoa Kỳ chọn Mat-scơ-va làm trung gian, Lưu Doãn Huỳnh cũng cho biết là Liên Xô lúc đó đang đi hàng hai. Một mặt, Liên Xô không chịu đóng vai trò trung gian vì không muốn để Trung Quốc kết án là theo Mỹ và phản bội phong trào quốc tế cộng sản, nhưng mặt khác Liên Xô vẫn nói chuyện hòa giải và hợp tác với Mỹ. McNamara dẫn chứng một tài liệu của Trung Quốc cho biết rằng giữa lúc Hoa Kỳ ngưng oanh tạc do sáng kiến MAY­FLOWER, Hồ Chí Minh đang ở Bắc Kinh và được Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình nhắn nhủ:

Chu Ân Lai: Bọn xét lại Liên Xô muốn Bắc Việt nói chuyện với Mỹ, gạt MTGPMN qua một bên và bán đứng anh em. Đặng Tiểu Bình: Họ (Liên Xô) giúp cho đồng chí là có mục đích riêng…. Tóm lại, viện trợ của Liên Xô nhằm phục vụ cho sách lược của họ. Nếu đồng chí thấy phơi bày sự việc này ra là bất tiện thì để chúng tôi làm dùm cho.46

Dù sao chăng nữa, trong hội nghị đối thoại Việt-Mỹ, Lưu Doãn Huỳnh nhìn nhận là Hà Nội đã hiểu lầm MAYFLOWER là tấm màn khói của Mỹ để che giấu việc đem quân vào Việt Nam. Sau khi đọc các tài liệu của Mỹ, ông mới thấy rằng lúc đó Mỹ chưa có quyết định thêm quân. Bởi vậy, nếu Bắc Việt nhận thư của Mỹ và đưa ra những phản đề nghị để tiến đến thương thuyết song phương thì phe bồ câu và ôn hoà trong chính phủ Johnson đã có ưu thế và lý do chính đáng để xúc tiến cuộc hoà đàm và có thể đạt được một trong hai kết quả: tốt nhất, là tránh được chiến tranh và dần dần đạt tới một miền Nam Việt Nam trung lập; hoặc ít nhất thì cũng kéo dài được thời gian do dự trong giới lãnh đạo Mỹ, làm chậm việc viện trợ quân sự mạnh mẽ cho miền Nam, và Bắc Việt sẽ có thêm thì giờ chuẩn bị đối phó với những biến chuyển mới, kể cả việc Mỹ hoá chiến tranh.

II. XYZ hay Tín hiệu Mai Văn Bộ (19.5-7.9.1965) – Đây là sáng kiến của Hà Nội, qua Đại sứ Mai Văn Bộ, trưởng đoàn ngoại giao và trưởng đoàn thương mại Bắc Việt ở Paris. Ngày 19 tháng Năm 1965, chỉ tám giờ sau khi Hoa Kỳ tiếp tục dội bom Bắc Việt, Mai Văn Bộ điện thoại cho Etienne Manac’h, Giám đốc Vụ Á châu tại Bộ Ngoại giao Pháp, cho biết ông muốn nhờ Pháp chuyển dùm thông điệp cho Mỹ làm sáng tỏ Bốn điểm của Hà Nội vì rõ ràng là Mỹ đã hiểu sai. Thông điệp này giải thích rằng Bốn điểm không phải là những điều kiện tiên quyết mà chỉ là những nguyên tắc để thảo luận, và nếu Hoa Kỳ nhìn nhận những nguyên tắc làm việc này thì một hội nghị có thể được tổ chức theo mô hình của hội nghị Genève 1954. Hoa Kỳ ngạc nhiên về việc Hà Nội gửi thông điệp này sau khi cuộc dội bom Bắc Việt được tiếp tục và đã không trả lời. Hơn một tháng sau, do trung gian của một doanh nhân tên Urah Arkas-Dunkov, phía Mỹ mới xem xét đến bức thông điệp. Edmund Gullion, cựu lãnh sự Mỹ ở Việt Nam nói giỏi tiếng Pháp, được giao trách nhiệm thăm dò với Mai Văn Bộ.

Gullion gặp Bộ bốn lần trong khoảng từ 6 tháng Tám tới 3 tháng Chín, 1965, Ba lần đầu, hai bên nói chuyện rất cởi mở và có triển vọng tốt. Nhưng đến lần họp thứ tư thì Mai Văn Bộ cho hay là “những cuộc oanh tạc phải chấm dứt đơn phương, ngay lập tức, toàn diện, và vô thời hạn. Lúc đó mới có thể thương thuyết được.” Phiên họp thứ năm được ấn định vào ngày 7 tháng Chín, bị Mai Văn Bộ bãi bỏ. Đường liên lạc bị gián đoạn thình lình như vậy và Washington không được biết rõ lý do.

Trong cuộc đối thoại Việt-Mỹ 1997, được hỏi tại sao Bắc Việt lại cắt đứt đường liên lạc XYZ, các đại diện Hà Nội trả lời rằng sau bốn lần gặp gỡ Bộ-Gullion, Hoa Kỳ đã hiểu rõ Bốn điểm nhưng vẫn tiếp tục gây chiến với ý đồ chinh phục miền Nam Việt Nam và phá hủy miền Bắc Việt Nam, do đó không cần gặp gỡ thêm nữa. Lý do Hà Nội tìm cách liên lạc với Washington sau khi Mỹ tiếp tục oanh tạc là muốn cho Washington hiểu rằng Hà Nội không bao giờ điều đình dưới áp lực của bom đạn. Ngoài ra, Hà Nội muốn nói chuyện thẳng với Mỹ, không cần phải qua Mat-scơ-va hay một trung gian nào khác. Những giải thích này xem ra không được thuyết phục mấy đối với việc chấm dứt thình lình những cuộc gặp gỡ được mô tả là tốt đẹp. Vả lại, sáng kiến XYZ này của Hà Nội đâu có đi qua ngả Mat-scơ-va. Lý do đúng nhất chỉ có thể là sự ngăn chặn của Trung Quốc, điều mà các đại diện Hà Nội tại hội nghị không muốn nói ra, nhưng Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng thuật lại một cách rất tức giận, như đã có dịp nói đến trên đây. Riêng về việc ngăn chặn Bắc Việt thương thuyết với Mỹ, Lê Duẩn đã kể lại việc Đại sứ Ho Wei ở Hà Nội viết thư cho ông, nói rằng: “Đồng chí không thể ngồi xuống điều đình với Mỹ được. Đồng chí phải đem quân Mỹ vào Bắc Việt để đánh chúng.”47

McNamara cho rằng Hoa Kỳ đã sai lầm vì không nhận ra được sự mâu thuẫn giữa leo thang chiến tranh ở Việt Nam và hoà đàm ở Paris. Hoa Kỳ cũng không đủ nhạy cảm để hiểu rằng Bắc Việt là chiến trường nên các “tín hiệu” hoà bình dễ bị tiếng bom đạn lấn át. Mặt khác, ông trách Hà Nội đã ngộ nhận ý muốn thương thuyết của Hoa Kỳ, nhất là khi trách nhiệm đó được giao cho Thứ trưởng Ngoại giao George Ball, người chủ xướng giải quyết chiến tranh bằng thương thuyết hoà bình. Hà Nội không nên chỉ giới hạn những cuộc gặp gỡ Bộ -McNamara vào nhiệm vụ giải thích Bốn điểm và cần hiểu rằng không có gì là mâu thuẫn giữa việc Mỹ đưa quân vào Việt Nam và thăm dò đàm phán. Nhưng đối với vai trò cản trở hòa đàm của Trung Quốc thì McNamara lại cho rằng không có gì là chắc chắn.

III. PINT A hay vụ Ngưng bom mùa Giáng Sinh (24.12.1965- 31.1.1966) - Do sự gợi ý của Đại sứ Liên Xô Dobrynin và đề nghị của McNamara, Tổng thống Johnson quyết định ngưng các cuộc oanh tạc trong 30 giờ kể từ 5:30 sáng 24.12.1965. Sau khi bàn thảo với McNamara, ông triển hạn việc ngưng oanh tạc và cho công bố lập trường Mười Bốn điểm ngày 29.12.1965, đồng thời thông báo chính thức cho 145 quốc gia biết ý định của Hoa Kỳ muốn giải quyết cuộc chiến ở Việt Nam bằng thương thuyết hòa bình. Một đường dây liên lạc được mở ra tại Rangoon, thủ đô Miến Điện, giữa Đại sứ Mỹ Henry Byroade và Tổng Lãnh sự VNDCCH Vũ Hữu Bình. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, Byroade trao bản tài liệu Mười Bốn điểm cho Vũ Hữu Bình, kêu gọi chú ý tới việc ngưng ném bom và hi vọng Hà Nội sẽ đáp lại bằng một cuộc “tạm ngưng” tương tự trong việc đưa quân đội và vũ khí vào miền Nam. Lãnh sự Bình chỉ trích kịch liệt Mười Bốn điểm. Ngày 21 tháng Giêng, Vũ Hữu Bình cho Byroade biết rằng Mười Bồn điểm của Mỹ được coi là một tối hậu thư và Hà Nội không trả lời. Chờ đến 31 tháng Giêng, không được tin tức gì từ bất cứ nước nào, Johnson hạ lệnh tiếp tục oanh tạc Bắc Việt. Sáu tiếng đồng hồ sau, Vũ Hữu Bình hẹn gặp Byroade và trao cho một bản văn nhắc lại lập trường Bốn điểm của Hà Nội và cho hay rằng vì Mỹ bác bỏ điểm thứ ba nên cả Bốn điểm cũng coi như bị bác hết. Các cuộc trao đổi được tiếp tục cho đến 19 tháng Hai thì Vũ Hữu Bình báo tin cho Byroade là “vì Mỹ đã tiếp tục ném bom, tôi không thấy có lỷ do tiếp tục những cuộc nói chuyện theo lời ông yêu cầu.”

Mười Bốn điểm của Mỹ là:
1. Hiệp định Genève năm 1954 và 1962 là những cơ sở đầy đủ cho hòa bình;
2. Chúng tôi hoan nghênh một hội nghị về Đông Nam Á hay một phần của vùng này;
3. Chúng tôi hoan nghênh “điều đình không có điều kiện tiên quyết”;
4. Chúng tôi chấp nhận những cuộc thảo luận vô điều kiện;
5. Việc chấm dứt các hành động chiến tranh có thể là vấn đề thảo luận đầu tiên tại một hội nghị như vậy;
6. Bốn điểm của Hà Nội có thể được thảo luận cùng với bất cứ điểm nào khác có thể do người khác đề nghị;
7. Chúng tôi không muốn có căn cứ Hoa Kỳ ở Đông Nam Á;
8. Chúng tôi không muốn duy trì quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam sau khi hòa bình được đảm bảo;
9. Chúng tôi ủng hộ bầu cử tự do ở Nam Việt Nam để cho dân chúng Nam Việt Nam có một chính phủ do họ lựa chọn;
10. Vấn đề thống nhất Việt Nam phải do chính người Việt Nam quyết định;
11. Các quốc gia Đông Nam Á có thể không liên kết hay trung lập nếu họ muốn;
12. Chúng tôi muốn sử dụng tài nguyên của chúng tôi vào việc tái thiết kinh tế ở Đông Nam Á hơn là vào chiến tranh;
13. Việt Cộng sẽ không bị khó khăn cử đại diện dự hội nghị và phát biểu quan điểm của họ nếu Hà Nội quyết định muốn chấm dứt xâm lược;
14. Chúng tôi đã tuyên bố công khai và riêng tư rằng chúng tôi có thể ngưng ném bom Bắc Việt Nam như một bước tiến đến hòa bình, mặc dù phiá bên kia chưa hề cho thấy một gợi ý nào về điều họ sẽ làm nếu cuộc oanh tạc chấm dứt.

Nên biết thêm rằng trước đó Đại sứ lưu động Averell Harriman có nhờ giới ngoại giao Ba Lan thăm dò tình hình. Ngày 16 tháng Giêng, Đặc sứ Jerzy Michalowski từ Hà Nội trở về Ba Lan than phiền với Đại sứ Anh về “mấy anh Trung Quốc trời đánh đó”, ngụ ý rằng nếu không bị Trung Quốc can thiệp thì cuộc hoà đàm đã có thể bắt đầu. McNamara dẫn chứng một tài liệu Trung Quốc cho thấy rằng chỉ mấy ngày trước khi Hoa Kỳ ngưng oanh tạc, Chu Ân Lai khuyến cáo Nguyễn Duy Trinh là không nên đòi Mỹ ngưng ném bom vô điều kiện vì nếu Mỹ chấp nhận thì “sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc chiến đấu và tình đoàn kết của chúng ta.” Họ Chu nhắc nhở đảng cộng sản Việt Nam phải đòi điều kiện thật khó để Mỹ không thể chấp nhận, “nếu không, các đồng chí sẽ rơi vào bẫy của đế quốc Mỹ, của bọn xét lại hiện đại (tức Liên Xô) và chư hầu.” Ngày hôm sau, Chu Ân Lai cũng căn dặn Trần Văn Thanh, trưởng đoàn đại diện MTGPMN ở Bắc Kinh, về những lỗi lầm tai hại nếu hoà đàm với Mỹ. Dù có những bằng chứng như vậy, McNamara vẫn không chắc là Trung Quốc phá đám mà chỉ quả quyết rằng “Washington đã hoàn toàn hiểu sai những quan hệ phức tạp và khó khăn của Hà Nội đối với Trung Quốc.”

Trong cuộc đối thoại Việt-Mỹ, để trả lời quan điểm của Hoa Kỳ là “chúng tôi đã để hết mọi thứ vào trong giỏ hoà bình Mười Bốn điểm, trừ việc chịu để mất miền Nam Việt Nam”, nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh giải thích rằng Mười Bốn điểm của Mỹ không thể chấp nhận được, nhất là điểm thứ mười ba nói đến việc Việt Cộng có thể tham dự hòa đàm nếu Hà Nội “chấm dứt xâm lược”. Ông Huỳnh cho biết “đây là một lời nhục mạ” và Hà Nội tin rằng mọi sáng kiến hòa bình của Mỹ chỉ là những màn hỏa mù che dấu việc leo thang chiến tranh.

Trong những nỗ lực giải quyết chiến tranh, trừ trường hợp nắm chắc phần thắng trong tay, không khi nào một bên chỉ vì tự ái mà bác bỏ mọi đề nghị thương thuyết của đối phương. Cho đến khi đạt được thỏa thuận, hai bên vẫn có thể gán cho nhau những tội lỗi có thực hay không. Trong mười bốn điểm, Hoa Kỳ đã nói rất rõ là có thể thảo luận Bốn điểm của Hà Nội (điểm 6), ủng hộ bầu cử tự do ở miền Nam (điều 9), nhìn nhận vấn đề thống nhất đất nước là do nhân dân Việt Nam tự quỹết định (điểm 10), và miền Nam có thể chọn chế độ trung lập (điểm 11). Tất cả những điểm này đều là những đòi hỏi của Bắc Việt và MTGPMN. Những điểm khác đều là những lời phát biểu của Mỹ có tính cách cam kết không can thiệp vào nội bộ Việt Nam hay Đông Nam Á, trừ điểm mười ba có tính cách “xúc phạm” nhưng vẫn chỉ là một căn bản thảo luận và có thể thay đổi. Sự thật là các nhà làm chính sách ở Hà Nội đã bị khó khăn và lúng túng giữa quyết định mong muốn hoà đàm và bác bỏ hoà đàm. Giải thích hợp lý nhất cho sự lúng túng ấy vẫn chỉ có thể là áp lực nặng nề của ông bạn láng giềng phương Bắc. Về điểm này thì lại phải trách Hoa Kỳ đã không nhận ra được tình trạng mắc kẹt của Hà Nội để có thể vận động sự hỗ trợ của quốc tế trong những nỗ lực ngoại giao thích hợp đối với Liên Xô, Trung Quốc nhằm đảm bảo cho một giải pháp hoà bình ở Việt Nam.

IV. TÍN HIỆU NGUYỀN DUY TRINH (28.1.1967)- Trong một cuộc phỏng vấn của nhà báo Úc Wilfred Burchett ngày 28 tháng Giêng 1967, Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh cho biết: “VNDCCH chỉ có thể nói chuyện với Mỹ sau khi Mỹ ngưng vô điều kiện cuộc ném bom và những hành động gây chiến khác.” Hoa Kỳ không hiểu tại sao Hà Nội cứ nhất định đòi ngưng ném bom vô điều kiện mà không chịu đoan chắc là sẽ có thương thuyết. Việc Hà Nội không chịu xác nhận là “sẽ nói chuyện” (there will be talks) mà chỉ cho biết “sẽ có thể nói chuyện” (there could be talks) trong khi gia tăng chuyển quân và vũ khí vào miền Nam khiến cho phe chủ chiến trong Bộ Ngoại giao Mỹ có lý do ngăn chặn nỗ lực của những người chủ trương hoà đàm. Ngày 31 tháng Giêng, Washington trả lời Hà Nội, yêu cầu hội đàm mật về những điều kiện thương thuyết trước khi “tìm ra một công thức chấm dứt cuộc oanh tạc”.

Cũng nên nhắc đến ở đây một trở ngại nội bộ do việc Thượng Nghị sĩ Robert Kennedy, trong cuộc thăm viếng Pháp để thảo luận với Tổng thống de Gaulle đầu tháng Hai 1967, đã nhận được một thông điệp do Mai Văn Bộ chuyển qua Bộ Ngoại giao Pháp, cho hay lời phát biểu của Nguyễn Duy Trinh là quan điểm chính thức của Hà Nội. Ngày 2 tháng Ba Kennedy đọc diễn văn ở Thượng Viện, chỉ trích việc ném bom Bắc Việt và đưa ra kế hoạch điều đình với Hà Nội trong đó có điều khoản ngưng ném bom vô điều kiện. Tổng thống Johnson thẳng tay bác bỏ đề nghị này vì nghi ngờ rằng chủ đích của Robert Kennedy là muốn được đảng Dân chủ đưa ra tranh cử Tổng thống.

Vào cuối buổi thảo luận về “tín hiệu Nguyễn Duy Trinh” giữa các đại diện Việt-Mỹ năm 1997, Nguyễn Khắc Huỳnh cho biết Hà Nội không biết một chút gì về những người chủ trương hoà đàm trong chính quyền Mỹ. Chính ông đến bây giờ cũng mới hiểu rằng việc Hà Nội gia tăng quân viện vào miền Nam trong những lần Mỹ ngưng ném bom là có hại cho những nỗ lực hoà bình trong nội bộ Hoa Kỳ.

V. SUNFLOWER (tháng Hai 1967) - Đây là một nỗ lực hoà bình liên quan đến tín hiệu Nguyễn Duy Trinh”, nhân chuyến đi London của Thủ tướng Liên Xô Alexei Kosygin ngày 6 tháng Hai, 1967. Vấn đề Việt Nam nằm trong nghị trình thảo luận giữa Kosygin với Thủ tướng Anh Wilson. Trọng tâm của vấn đề là tìm một công thức có thể được cả Washington và Hà Nội chấp thuận để tiến đến thương thuyết. Hai ông đều chia sẻ mối lo ngại về Trung Quốc và Kosygin thúc dục Wilson nên ủng hộ “sáng kiến” của Nguyễn Duy Trinh. Wilson đề nghị triệu tập hội nghị Genève khởi sự bằng công thức “giai đoạn A – giai đoạn B” do nhà ngoại giao Mỹ Chester Cooper đề nghị thi hành không cần tuyên bố: Mỹ ngưng ném bom, sau đó một vài tuần Hà Nội đáp ứng bằng việc ngưng xâm nhập miền Nam, Wilson và Kosygin cùng thảo bản kế hoạch và gửi cho Johnson.

Johnson viết cho Wilson ngày 7 tháng Hai về ý muốn thi hành công thức dung hoà hai chiều của Cooper nhưng không nói rõ bên nào phải đi bước trước. Trên thực tế, Mỹ đã quyết định ngưng ném bom trong thời gian Kosygin ở London. Trong khi đó, khi được tin tình báo Mỹ cho hay là, sau khi ngưng ném bom, “việc chuyển vận từ Bắc vào Nam… giống như một ngày Chúa Nhật trên xa lộ New Jersey Turnpike” (nghĩa là rất nhộn nhịp) Johnson viết thư cho Hồ Chí Minh đòi hỏi việc xuống thang đồng thời. Ngày 10 tháng Hai, khi đọc thư này, Wilson và Kosygin rất tức giận về việc Johnson đã “đổi thì của động từ”. Bản kế hoạch Wilson-Kosygin viết: “Hoa Kỳ sẽ ngưng oanh tạc miền Bắc ngay sau khi được đoan chắc là việc xâm nhập từ Bắc vào Nam sẽ ngưng.” Trong lá thư của Johnson gửi Hồ Chí Minh, “sẽ ngưng” được sửa lại thành “đã ngưng.” Ngày 15 tháng Hai, Hồ Chí Minh trả lời với lời lẽ gay gắt và nhấn mạnh vào việc áp dụng công thức Nguyễn Duy Trinh.

Như vậy, lần này Hoa kỳ đã sai lầm để lỡ cơ hội hòa bình, vì Kosygin đáng lẽ đã có thể thuyết phục được Hà Nội ngồi vào bàn thương thuyết. Viktor Sukhodrev, phụ tá thân cận và thông dịch viên của Kosygin, xác nhận thời điểm khi đó rất tốt cho Kosygin làm trung gian, ngoại trừ chuyện “đổi thì của động từ.” Đáng chú ý là vào đầu năm 1967 Hà Nội đã có nhiều lý do để rời khỏi quĩ đạo Trung Quốc và tiến đến gần hơn với Liên Xô, được Liên Xô gia tăng viện trợ vật liệu và vũ khí,48 nhất là hoả tiễn địa-không để chống máy bay Mỹ ở miền Bắc và cơ giới nặng để chuyển vào miền Nam. Tháng Ba 1966, Lê Duẩn và Nguyễn Duy Trinh được mời sang Bắc Kinh để nghe Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình trách cứ về việc tiếp xúc với Mỹ và cảnh giác về việc xoay chiều thân với Liên Xô. Họ Chu nói:

Từ năm ngoái đã có thay đổi khi Bắc Việt bắt đầu nói chuyện với Mỹ. Chúng tôi muốn nói thẳng với đồng chí là những thay đổi đó bắt đầu với đám lãnh đạo mới của Liên Xô, nhất là sau chuyến Kosygin đi tham quan Việt Nam từ 6 đến 10 tháng Hai 1965. Sau khi Kosygin ở Hà Nội về, Liên Xô đã sử dụng đồ viện trợ cho Việt Nam để lấy lòng tin của các đồng chí một cách gian trá. Mục đích của chúng là che lấp-quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, chia rẽ Việt Nam và Trung Quốc, nhằm chi phối Việt Nam nhiều hơn trong việc cải thiện quan hệ với Mỹ của chúng và cản trở cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam.49

Ngày 13 tháng Tư, khi Đặng Tiểu Bình đặt vấn đề “Phải chăng các đồng chí nghi ngờ lòng sốt sắng của chúng tôi? Có phải Trung Quốc muốn chiếm Việt Nam hay không?” Lê Duẩn chỉ trả lời về chuyện thân Liên Xô:

Chúng tôi cho rằng việc Liên Xô giúp đỡ Việt Nam là có phần thành thật, vì thế chúng tôi không hỏi xem Liên Xô có bán đứng Việt Nam hay không và chúng tôi cũng không nói rằng Liên Xô vu khống Trung Quốc về việc hàng viện trợ của Liên Xô được chuyển qua lãnh thổ Trung Quốc50… Đồng chí nói rằng Liên Xô bán đứng Việt Nam nhưng chúng tôi không nói thế. Mọi vấn đề khác đều xuất phát từ việc phê phán này.51

Lưu Văn Lợi, trong cuộc đối thoại 1997, nhận định rằng sáng kiến SUNFLOWER có thể đã thành công vì Đại hội Trung ương Đảng lần thứ 13, tháng Giêng 1967, đã quyết định mở mặt trận ngoại giao phối hợp với hai mặt trận chính trị và quân sự. Do đó mà có “tín hiệu Nguyễn Duy Trinh.” Khi Kosygin và Wilson gặp nhau ở London, Tổng thống Johnson cho biết ông hoan nghênh lời tuyên bố của Ngoại trưởng Trinh. Nhưng khi viết thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thì ông lại đảo ngược thứ tự của đề nghị thành điểm B trước, điểm A sau. Tệ hơn nữa, ông lại cho Hà Nội thời hạn chót phải trả lời là 10 giờ sáng ở London, tức là chín tiếng đồng hồ sau khi Wilson và Kosygin được đọc thư. Đó là những lý do thất bại của SUNFLOWER.

Giải thích của ông Lợi có lý nhưng cũng cần hiểu rằng việc Johnson “thay đổi thì của động từ” chỉ là một phản ứng tự nhiên của ông sau khi được tin đường quân viện từ Bắc vào Nam “nhộn nhịp như xa lộ New Jersey ngày Chúa nhật.” Theo Johnson, đó là một sự lợi dụng trắng trợn của Bắc Việt ngay sau khi Mỹ ngưng bom.

Tháng Ba 1967, Hà Nội bắt đầu chuẩn bị “Tổng tấn công, Tổng nổi dậy” nhân dịp Tết Mậu Thân, đầu năm 1968.

VI. PENNSYLVANIA (tháng Bảy-tháng Mười 1967) – Sáng kiến này bắt đầu từ một nhóm khoa học gia —nhóm Pugwash— quan tâm về hiểm hoạ của chiến tranh nguyên tử và vận động cho các sáng kiến về hoà bình ở mọi nơi. Nhóm này muốn nhờ Raymond Aubrac, một người Pháp có cô con gái mà Hồ Chí Minh là cha đỡ đầu, làm trung gian giữa Washington và Hà Nội. Một thành viên của nhóm Puawash là Henry Kissinger, khi đó đang giảng dạy ở Đại học Harvard đồng thời là tư vấn cho Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao. Giữa tháng Sáu 1967, Kissinger chuyển sáng kiến của nhóm tới Dean Rusk và McNamara. Sáng kiến này được McNamara đặc biệt chú ý và thuyết phục được Rusk và Johnson chấp thuận. Cuối tháng Sáu, Aubrac nhận lời mời của nhóm Pugwash về họp ở Paris để bàn về kế hoạch đi Hà Nội. Aubrac cùng Herbert Marcovitch, môt nhà vi sinh học, lên đường vào giữa tháng Bảy qua ngả Nam Vang. Tới Hà Nội, cả hai người được Hồ Chí Minh tiếp ngay mặc dù đang lâm bệnh. Sau đó họ gặp Phạm Văn Đồng hai lần và thảo luận kỹ lưỡng về triển vọng hoà đàm. Ngày 28 tháng Bảy, Aubrac và Marcovitch, trở về Paris và cho Kissinger biết kết quả. Theo báo cáo của Kissinger cho Bộ Ngoại giao, Phạm Văn Đồng tiếp tục đòi Mỹ “ngưng ném bom vô điều kiện” nhưng không cần phải tuyên bố chính thức. Phạm Văn Đồng cũng cho hay là chương trình đàm phán trước tiên là những vấn đề liên quan đến Mỹ và Bắc Việt, khi nào bàn tới những vấn đề của miền Nam thì MTGPMN sẽ cần có mặt. Vì Marcovitch tới Hà Nội dưới danh nghĩa một khoa học gia đi thăm Viện Pasteur, Bộ trưởng Y tế Hà Nội cũng gặp Aubrac và Marcovitch trong một bữa ăn trưa, Nhân dịp này, ông nói với hai người là đề nghị hòa đàm “cần được thảo luận chính thức hơn là không chính thức.”

McNamara soạn một thông điệp gửi cho Phạm Văn Đồng, được Johnson chấp thuận ngày 11 tháng Tám. Kissinger chuyển bản văn cho Aubrac và Markovitch để mang về Việt Nam trong chuyến đi dự định ngày 24 tháng Tám. Thông điệp viết:

Hoa Kỳ sẵn sàng ngưng các cuộc oanh tạc miền Bắc Việt Nam nếu hiểu rằng điều này sẽ mau chóng đưa tới những cuộc thảo luận có kết quả giữa các đại diện của Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhằm giải quyết vấn đề giữa hai nước. Trong khi các cuộc thảo luận tiến hành công khai hay bí mật, Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sẽ không lợi dụng việc ngưng oanh tạc.52

Không may, ngày 20 tháng Tám, máy bay Hoa Kỳ dội bom Hà Nội nặng nề do một thời biểu sắp sẵn từ trước của giới chỉ huy quân sự không liên quan tới bản thông điệp. Hà Nội yêu cầu Aubrac và Markovitch hoãn chuyến đi vì lý do an ninh. Bản thông điệp được trao cho Mai Văn Bộ ở Paris ngày 25 tháng Tám. Ngày 11 tháng Chín, Hà Nội cho biết “chỉ có thể thảo luận sau khi Mỹ ngưng ném bom và mọi hành động gây chiến với VNDCCH một cách vô điều kiện.” Sau mấy lần tiếp xúc thăm dò thêm, Hà Nội cắt đứt liên lạc vào ngày 20 tháng Mười.

Mặc dù đổ lỗi cho Hoa Kỳ làm hỏng sáng kiến PENNSYLVA­-NIA, các đại diện Hà Nội trong cuộc đối thoại 1997 xác nhận thông điệp 25 tháng Tám đã được các nhà lãnh đạo Bắc Việt đồng ý dùng làm căn bản thương thuyết song phương. Tuy nhiên, vì tình hình VNDCCH lúc đó “rất phức tạp” nên các nỗ lực hòa đàm phải được hoãn lại. Tình hình phức tạp này gồm ba yếu tố chính: thứ nhất, Hà Nội đang ráo riết chuẩn bị tổng tấn công Tết Mậu Thân; thứ nhì, tướng Nguyễn Chí Thanh, người chủ chốt trong việc hoạch định cuộc Tổng tấn công, bị chết bất ngờ ngày 8 tháng Bảy53; và thứ ba, Hà Nội tin rằng hoãn hòa đàm tới sau cuộc Tổng tấn công thì có lợi cho Bắc Việt và MTGPMN hơn. Quả thật, ngày 3 tháng Tư 1968, hơn một tháng sau khi trận Tết Mậu Thân chấm dứt, Hà Nội đồng ý mở cuộc hòa đàm với Mỹ tại Paris. Thông điệp 25 tháng Tám 1967 được Tổng thống Johnson khai triển trong bài diễn văn ở San Antonio, Texas, ngày 29 tháng Chín, trở thành “công thức San An­tonio,” và được dùng làm căn bản khởi đầu cuộc thương thuyết tại Hội nghị Paris.

Điều đáng tiếc là vì phong trào phản chiến lên cao và vì những mâu thuẫn trầm trọng giữa chính quyền và quốc hội về chính sách đối với Việt Nam, Hoa Kỳ không những đã không khai thác được sự thất bại quân sự và chính trị của Bắc Việt và MTGPMN sau trận Tết Mậu Thân mà còn giúp cho đối phương tạo được ưu thế trên bàn hội nghị. Từ nay, Hoa Kỳ chỉ còn nghĩ đến việc rút chân ra khỏi “bãi lầy Việt Nam” sớm chừng nào hay chừng ấy, bất kể đến tương lai của miền Nam Việt Nam và số phận của hàng triệu quân nhân, công chức và gia đình của họ trước viễn tượng bị ngược đãi và hãm hại dưới chế độ cộng sản. Hiệp định Paris 1973 đáng lẽ phải có điều khoản duy trì một lực lượng tối thiểu của Hoa Kỳ để bảo đảm việc thi hành thỏa ước, như trường hợp Triều Tiên. Chương trình “Việt Nam hoá” chiến tranh đáng lẽ đã phải được Hoa Kỳ thực hiện đúng mức, không phải chỉ về mặt quân sự mà cả về dân sự, từ khi có kế hoạch rút quân năm 1968 và cần phải được tiếp tục thêm một thời gian sau khi đã rút hết quân về nước. Phí tổn cho chương trình quan trọng này sẽ chỉ bằng vài phần trăm số tiền 200 tỉ mà Hoa Kỳ đã chi tiêu trong thời gian lâm chiến. Mặc dù điều này không bảo đảm được rằng chính quyền Nguyễn Văn Thiệu có thể chiến thắng được cộng sản, nhưng chắc chắn có thể tránh khỏi tình trạng sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà một cách mau chóng và thê thảm như trong những tháng đầu năm 1975 mà ngay cả giới lãnh đạo Bắc Việt cũng không ngờ.

Chỉ vì lòng chán ghét một cuộc chiến tranh do chính mình chủ động, chán ghét những người lãnh đạo Việt Nam thiếu khả năng do chính mình chọn lựa, và đánh giá sai lầm tinh thần yêu nước của những người Việt Nam quốc gia, Hoa Kỳ đã từ bỏ trách nhiệm cam kết với nhân dân miền Nam Việt Nam cũng như với nhân dân Cam-pu-chia và Lào. Sau ba mươi năm liên lụy với hai cuộc chiến tranh ở một miền đất xa xôi và bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội hòa bình, Hoa Kỳ không những bị mang tiếng bại trận mà còn phải mất thêm hai mươi năm nữa để tìm cách giải quyết một cuộc khủng hoảng quốc tế về vấn đề tị nạn từ ba nước Đông Dương.
______

Ghi chú:
[1] Tucker, op. cit., 64. Con số thương vong của VNCH do Tucker ghi nhận không thể chính xác, nhất là các con số sau khi Mỹ đã rút hết quân và trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến rất khó kiểm kê. Cũng nên biết thêm là phía Hoa Kỳ có 58,193 quân nhân bị chết, 153,303 bị thương, 1,621 mất tích ở Việt Nam (kết quả tìm kiếm đến nay chỉ còn có chưa thể kết luận. Trên 500 được Bộ Quốc Phòng Mỹ coi như mất tích luôn, ở trong rừng hay ngoài biển.) Tổng số thương vong của quân đồng minh (Đại Hàn, úc, Thái Lan và Tân Tây Lan) là 7,662 người, số quân Trung Quốc luân phiên có mặt ở Việt Nam giữa 1965 và 1971 là 320,000 nhưng chỉ chết có 1,000.
2 Trong thời gian từ 1975 đến 1986, Liên Xô viện trợ cho VNDCCH khoảng 26 tỉ đô-la.
3 Diễn văn của J.F. Kennedy (khi còn là Nghị sĩ) tại The Executives Club, 28.5.1954. JFK Library, Pre-Presidential Papers, Senate Files, Legislation, Box 647.
4 Joseph S. Nye Jr., Bound to Lead: The Changing Nature of American Power (New York: Basic Books, 1990).
5 Diễn văn tại Đại học Camegie Mellon , Pittsburgh, Pennsylvania, ngày 27 tháng Hai 2003.
6 Thí dụ năm 1979-1980, Indochina Refugee Action Center (tiền thân của Southeast Asia Resource Action Center) phối hợp một chương trình gây quỹ đặc biệt do phu nhân Tổng Thống Carter làm Chủ tịch Danh dự, đã gây được một ngân khoản lên tới 90 triệu đồng để giúp nạn nhân vụ tàn sát tập thể của Khmer Đỏ ở Kam-pu-chia.
7 Thomas J. McCormick, America ’s Half Century: United States Foreign Policy in the Cold War and After. (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1995), 48.
8 Khi Ngô Đình Diệm nhận lời làm Thủ tướng, Bảo Đại đưa ông sang căn phòng bên cạnh có cây thánh giá và yêu cầu ông Diệm thề trước mặt Chúa là sẽ bảo vệ đất nước chống cộng sản và chống cả Pháp, nếu cần. Ông Diệm đã thề như vậy. (Bao Dai, 328).
9 Hồi 6:00 chiều ngày 27.4.1955, Bộ Ngoại Giao Mỹ điện cho Đại sứ quán ở Sài-gòn và Paris chỉ thị ngưng ủng hộ ông Diệm để giúp cho các ông Phan Huy Quát và Trần Văn Đỗ lập chính phủ. Sáu tiếng đồng hồ sau, chỉ thị này được rút lại vì có tin ông Diệm đã hạ lệnh tấn công các lực lượng nổi loạn và đang thắng thế. (Schulzinger, 85.) Xem thêm chương 10.
10 Edward G. Lansdale, In the Midst of Wars (New York: Harper & Row, 1972), 342.
11 Xem lại chương 1 và chương 5, so sánh ưu, khuyết điểm giữa quốc gia và
cộng sản.
12 Newsweek, April 7, 1975, 32.
13 Sorley, 366.
14 ibid., 105.
15 Susan Katz Keating, “The Draft,” The Washington Times, 30 September 1992.
16 Harry Summers, Jr., “Lingering Fiction about Vietnam,” The Washington Times, 5 February, 1993.
17 Jack Anderson, “The Washington Merry-Go-Round” column, The Wash­ington Post, July 21, 1967. Dẫn bởi Nguyễn Phú Đức, Vietnam: Pourquoi les Etats-Unis ont-ils perdu la guerre?, 177.
18 Nguyễn Phú Đức, op. cit., 177.
19ibid., 176.
20 Bùi Tín, Mây Mù Thế Kỷ (California: Đa Nguyên, 1998), 39.
21 The Pentagon Papers, 379.
22 Dẫn bởi Nguyễn Phú Đức trong The VietNam War, bản thảo chưa in, tập I, 359.
23 Ibid., 360.
24 Lâm Quang Thi, Autopsy: The Death of South Vietnam (Phoenix, AZ: Sphinx Publishing, 1986), 70.
25 Zhai, 135
26Ibid., 152.
27 McNamara, In Retrospect, 32.
28 Ibid., 321-322.
29 Nikita Krushchev, “On Wars of National Liberation,” January 6, 1961
30 McNamara còn đi quá xa đến độ cho rằng việc Ngô Đình Diệm thành lập VNCH là vi phạm hiệp định Genève 1954 (An Argument Without End, 104). Thật ra, VNCH chỉ là danh xưng mới của QGVN do Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng từ trước hiệp định Genève.
31 Thư của Mansfield gửi Tổng thống ngày 2.11.1961. Dẫn bởi Schulzinger, 108.
32 Philip Caputo, A Rumor of War (New York, Holt, Rinehart and Winston
33 McNamara, Argument Without End, 385.
34 Christopher E. Goscha, “Comrade B on the Plot of the Reactionary Chi­nese Clique against Vietnam”, dịch từ bản tiếng Việt lưu trữ tại Thư viện Quân đội Nhân dân ở Hà Nội. Tài liệu không ghi ngày tháng, nhưng nội dung cho thấy là tài liệu được ghi chép năm 1979, sau cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc hồi tháng Hai 1979. Gosha là thành viên của Nhóm Nghiên Cứu Việt Nam Hiện Đại ở Paris, Pháp. Ông được phép chép tay tài liệu này và dịch sang Anh văn, in trong tập Cold War International History Project, Dossier No. 3, của Woodrow Wilson International Center for Schol­ars, Washington, DC, dưới nhan đề “Le Duan and the Break with China”. Vì không có nguyên bản tiếng Việt, những lời trích dẫn ở đây được dịch lại từ bản tiếng Anh nên chắc chắn không đúng với nguyên văn.
36 McNamara, Argument Without End, 107.
37 Quyết nghị số 15, tháng Giêng 1959. Những Sự kiện Lịch sử Đảng, NXB Chính trị Quốc gia.
38 McNamara, Argument Without End, 109.
39 ibid., 125.
40 Theo McNamara, lý do chính mà đại diện Việt Nam đưa ra trong những phiên họp Việt-Mỹ ở Hà Nội năm 1997 là vì Ung Văn Khiêm không phải là thành viên của Trung ương Đảng nên không biết gì về các quyết định của Bộ Chính trị, trừ khi được thông báo. (McNamara, Argument Without End, 125.) Giải thích này không thỏa mãn vì không giải thích được lý do tại sao Bộ Chính trị không thông báo ý định cho phái đoàn của mình. Ung Văn Khiêm cũng không thể không biết rằng MTGPMN đã mấy lần ra tuyên cáo công khai và rõ rệt về chủ trương thành lập chính phủ liên hiệp và trung lập..
41McNamara, ibid., 109.
42 Mieczyslaw Maneli có ghi lại trong một bài báo về việc Hà Nội và MTGPMN có thể chấp nhận Ngô Đình Diệm cầm đầu chính phủ liên hiệp: “Tôi hỏi một chính phủ (liên hiệp) như vậy có thể để cho ông Diệm lãnh đạo hay không. Vào mùa Hè 1963, câu trả lời rốt cuộc là được.” {The New York Times, 27.01.1975, dẫn bởi McNamara, Argument Without End, 112). Điều này, nếu có thật, chỉ có thể được coi là một bước chiến thuật nhằm mục tiêu trước mắt là đẩy Hoa Kỳ ra khỏi miền Nam Việt Nam.
43 Lyndon B. Johnson, The Vantage Point: Perspectives of the Presidency, 1963-1969 (New York: Holt, Rinehart, and Winston, 1971), 578-591.
44 McNamara, Argument Without End, 219-312. Những câu trích dẫn liên quan đến sáu sáng kiến này, có hay không có chú thích riêng, đều được rút ra từ những trang này.
45 Vấn đề này được nói đến trong Chương trình của Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình (31.7.1968): “Hiện thời, đất nước chúng ta thực tế có hai chính thể khác nhau ở miền Nam và miền Bắc. Thống nhất dân tộc không thể được hoàn tất trong một sớm một chiều. Vì vậy, miền Nam và miền Bắc phải nói chuyện trên căn bản bình đẳng và tôn trọng các đặc tính của mỗi miền để có thể tiến đến thống nhất xứ sở trong hòa bình.” (Trương Như Tảng, A Vietcong Memoir, Phụ lục, 333). Bản Chương trình cũng dự liệu vấn đề hiệp thương, trao đổi văn hóa, giáo dục lâu dài giữa hai miền.
46 Odd Arne Westad, chủ biên, “77 Conversations Between Chinese and For­eign Leaders on the Wars in Indochina, 1964-1977.” Trong Bulletin of the Cold War International History Project, Working Paper No. 22, May 1988, 87. Dan bởi McNamara, Argument Without End, 263.
47 Goscha, “Le Duan and the Break with China”.
48 Kosygin đi thăm Bắc Việt năm 1965, ký hiệp ước viện trợ 500 triệu đô-la cho Hà Nội năm 1966, và trị giá viện trợ của Liên Xô lên tới trên một tỉ năm 1968. Ngoài ra, mỗi năm có hàng ngàn chuyên gia người Việt được đào tạo ở Mat-scơ-va, nhiều người học xong được đưa thẳng về miền Nam Việt Nam, một việc Liên Xô yêu cầu Hà Nội giữ kín để tránh làm hại mối quan hệ Mỹ-Liên Xô. (Ilya Gaiduk, The Soviet Union and the Vietnam War (Chi­cago: Ivan R. Dee, 1996), 59-60. Dan bởi McNamara trong Argument With­out End, 287.
49 McNamara, ibid., 286.
50 Liên Xô từng tố cáo là Trung Quốc lấy bớt đồ viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam khi được chở qua lãnh thể Trung Quốc.
51 McNamara, Argument Without End, 287.
52 Ibid., 294.
53 Tin chính thức là tướng Nguyễn Chí Thanh chết vì một cơn đau tim, nhưng theo tin không chính thức thì ông bị tử thương trong một vụ máy bay Mỹ ném bom.

Copyright © 2004 by Lê Xuân Khoa
Bản Word © blog Ba Sàm 2013

---------------------------------


BON-PHUONG’S BLOG














NGOCLINHVUGIA’S BLOG













No comments:

Post a Comment

View My Stats