Thursday 28 February 2013

12 NGÀY TRONG ‘THẾ GIỚI TÂM THẦN’ (Blogger Lê Anh Hùng)









Phần I
Chủ nhật, ngày 24 tháng hai năm 2013

Sáng 24/1/2013, như thường lệ, tôi tiếp tục công việc của mình tại Công ty HVT trong Khu CN Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên.

Khoảng 10h15, anh giám đốc đột nhiên vào chỗ tôi đang làm và gọi tôi ra ngoài. Tôi đi ra thì gặp 6 người lạ mặt tự xưng là công an huyện Văn Lâm và xã Tân Quang, trong đó chỉ có một người mặc quân phục cảnh sát, mang quân hàm thượng tá. Họ nói là “mời” tôi về trụ sở công an xã để làm việc về vấn đề tạm trú, tạm vắng. Anh giám đốc công ty phản đối với lý do đó là trách nhiệm của công ty và yêu cầu họ muốn làm việc thì phải có giấy mời đàng hoàng, muốn đưa người đi thì phải có biên bản, nhưng họ gạt đi. Họ hỏi tôi giấy tờ tuỳ thân, tôi bảo để tôi đi lấy CMND. Nhưng tôi mới đi được mấy bước thì họ gọi giật lại, bảo không cần nữa, rồi dẫn tôi đi. Tôi đề nghị thay bộ quần áo bảo hộ trên người họ cũng không cho. Viên thượng tá cùng một tay công an khác xách nách tôi như áp giải tội phạm. Trước sự phản đối của tôi, họ buộc phải buông tay để tôi đi tự nhiên. Họ đưa tôi lên một chiếc xe Innova rồi chở đến trụ sở UBND xã Tân Quang, cách chỗ tôi làm hơn 1km.

Đến nơi, họ dẫn tôi vào hội trường UBND xã, không quên bảo nhau lục soát người tôi để xem tôi có “thiết bị” gì ngoài điện thoại không. Họ định mang điện thoại của tôi đi, nhưng do tôi phản đối nên họ phải bỏ lại trên bàn, cạnh chỗ tôi ngồi. Một trong số 6 người trên hỏi tôi về giấy tờ tuỳ thân với thái độ không lấy gì làm nhã nhặn. Tôi đáp: “Tôi chẳng biết anh là ai cả; hơn nữa, lúc ở công ty tôi bảo để tôi đi lấy CMND, các anh không cho. Giờ anh lại còn vặn vẹo gì nữa?” Anh ta nói là anh ta đã tự giới thiệu là Trưởng CA xã khi ở công ty tôi rồi. Nói đoạn, anh ta rút ví và chìa cái thẻ công an trước mặt tôi, nhưng tôi chỉ thấy bên ngoài thẻ chứ không thấy thông tin bên trong thẻ. Một tay xách máy quay phim luôn chỉa máy về phía tôi để ghi hình ngay khi tôi mới bước vào hội trường.

Sau đó, tôi gặp lại viên sỹ quan công an chừng 52 tuổi mà tôi đã chạm trán hôm 27/6/2011, khi tôi bị Cục A67 bắt cóc. Anh ta chắc là người của Công an Hà Nội, vì lúc tôi “làm việc” với Cục A67 thì anh ta không có mặt, mà khi anh ta đến thì tôi đã làm việc xong với họ, và sau đó hồ sơ vụ việc của tôi lại được chuyển cho Công an Hà Nội thụ lý. Anh ta cho tôi biết là muốn “mời” tôi đi làm việc. Tôi phản đối: “Các anh muốn làm việc với tôi thì phải có giấy mời đàng hoàng, bởi việc tôi tố cáo là công khai và đúng pháp luật. Hơn nữa, tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm xương máu với công an các anh rồi, các anh luôn đẩy bất lợi về phía những người như chúng tôi thôi.” Anh ta ôn tồn là lần này không phải phía công an mời tôi làm việc mà là phía dân sự. Dù chưa biết là người ta sẽ “làm việc” với mình theo kiểu gì, nhưng tôi vẫn đồng ý đi theo họ, phần vì tò mò, phần vì nghĩ là có muốn cưỡng lại cũng không được.

Sau khoảng mươi phút ở trụ sở UBND xã, họ dẫn tôi ra một chiếc xe du lịch 12 chỗ ngồi, mang biển xanh, và đưa đi. Trên xe có 12 người, trong đó có 2 phụ nữ, một người khoảng 35 tuổi và người còn lại nghe nói là mới ra trường; viên sỹ quan Công an Hà Nội và tay quay phim kia cũng có mặt trong đoàn. Dọc đường đi, viên sỹ quan công an cứ huyên tha huyên thuyên với tôi, anh ta cố ý lái câu chuyện sao cho mọi người trên xe nghĩ là tôi bị “tâm thần”. Tôi buộc phải nhũn nhặn nói với anh ta: “Anh không cần phải hạ thấp mình mà huyên thuyên linh ta linh tinh như vậy. Anh đừng để mọi người phải coi thường mình như thế chứ.” Từ đó anh ta mới bớt nói nhăng nói cuội. Một người đứng tuổi, ngồi phía sau tôi, cất tiếng: “Nghe tiếng Hùng đã lâu, giờ mới gặp.” Tôi quay lại hỏi anh ta có phải là công an không thì anh ta nói không phải, mà là người của ngành LĐ-TB-XH. Tôi băn khoăn tự hỏi: “Thế quái nào lại xuất hiện người của cái ngành lạ hoắc này ở đây cơ chứ?!” Và cứ nghĩ chắc tay này lại bịp mình thôi.
Tôi chẳng hiểu người ta đưa tôi đi đâu, hỏi viên công an kia thì anh ta cứ quanh co hoặc trả lời nhăng cuội. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi xe đi qua lối rẽ vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương (địa điểm toạ lạc của Viện Giám định Pháp y Tâm thần TW, nơi tôi được “giám định tâm thần” năm 2009) mà không rẽ vào. Trong đoàn cũng chẳng ai rõ địa điểm phải đến nằm ở đâu nên lái xe phải vài lần dừng xe hỏi đường. Xe đi đến Trung tâm Nuôi dưỡng và an dưỡng người có công số II (Sở LĐ-TB-XH), nằm bên trái đường, thì rẽ vào. Tôi rất ngạc nhiên và cất câu hỏi bâng quơ: “Người ‘có công’ hay người ‘có tội’ đây?” Vài người nhìn tôi cười. Đến lúc đó, tôi vẫn nghĩ là có thể họ muốn cách ly tôi để điều tra vụ việc do tôi tố cáo.

Vào trung tâm, mọi người xuống xe, vài người đi gặp những người có trách nhiệm của trung tâm. Một lát sau, họ quay ra cho biết là “nhầm địa chỉ”. Mọi người lại lên xe đi tiếp. Cách Trung tâm kia khoảng 2km thì xe rẽ vào một lối đi nằm ở bên phải đường, với tấm biển mang dòng chữ cho thấy đích đến của cuộc hành trình mà tới lúc đó vẫn còn “bí hiểm” đối với tôi: Trung tâm Bảo trợ Xã hội II – Sở LĐ-TB-XH. Lúc này tôi mới ngờ ngợ ra mục đích của họ: người ta muốn nhốt tôi ở cái “trung tâm bảo trợ xã hội” này đây! Khi xe tiến vào sân trung tâm, nhác thấy nhiều người mang bộ dạng khó lẫn vào đâu của người mắc bệnh tâm thần, tôi lại càng nhận ra ý đồ của họ.
Mọi người xuống xe. Viên sỹ quan công an gọi tôi lại, chìa tay ra bắt và nói: “Hùng ở lại đây nhé. Tôi về.” Thế là rõ âm mưu của bọn họ! Lúc đó là khoảng 12h30.

Trung tâm Bảo trợ Xã hội II - Hà Nội

Người ta đưa tôi lên phòng hội trường trung tâm, nằm ở tầng ba, tầng cao nhất của toà nhà chính, và lấy nước nôi “tiếp đãi” tôi khá tử tế trong khi chờ đoàn làm việc với lãnh đạo trung tâm ở tầng một. Không hiểu họ làm việc với nhau về những gì mà rất lâu, mất tới cả tiếng đồng hồ. Trong lúc chờ đợi, tôi hỏi mấy người đi theo về mục đích họ đưa đến đây là gì, nhưng không ai trả lời cụ thể, kể cả tay cán bộ LĐ-TB-XH mà tôi đã nói ở trên, người lúc này mới cho biết mình là cán bộ của Phòng LĐ-TB-XH quận Thanh Xuân. Anh ta nói là mới về phòng công tác, bảo đi theo đoàn thì đi chứ cũng không biết đi làm gì cả (?!). Tình cờ, tôi nhác thấy trên xấp tài liệu mà anh ta đang xem có tờ quyết định tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có dòng chữ “tiếp nhận ông Lê Anh Hùng…”. Thấy tôi sán lại định cầm tờ quyết định lên xem thì anh ta vội chuyển cho người khác. Tôi nói: “Các anh phải cho tôi xem người ta quyết định số phận của tôi như thế nào chứ.” Tuy nhiên, họ chối quanh và không cho tôi xem.

Lúc này thì tôi không còn hồ nghi gì về mục đích của việc người ta dẫn tôi vào cái gọi là “trung tâm bảo trợ xã hội” này nữa. Tôi bèn bảo mọi người muốn tìm hiểu vụ việc của tôi thì hãy vào tiện ích tìm kiếm Google và gõ “Lê Anh Hùng” thì sẽ ra rất nhiều thông tin về tôi, đồng thời sẽ hiểu được nguyên do vì sao tôi bị đưa vào đây. Một tay nhân viên của trung tâm liền lấy chiếc smart phone của mình ra và truy cập vào mạng theo chỉ dẫn của tôi. Vài người cùng xúm lại xem.

Sau một hồi, cảm thấy không khí trong phòng ngột ngạt, tôi đi ra ngoài hành lang. Vài nhân viên trung tâm theo sát tôi, dường như họ sợ tôi phẫn chí rồi nhảy từ tầng 3 xuống. Tôi bảo họ: “Tôi không sợ chết nhưng lại sợ đau. Các anh không cần phải cứ kè kè bên tôi như thế đâu.” Tôi muốn điện thoại ra ngoài để dặn dò mấy người bạn của tôi ở công ty, nhưng biết điện thoại của mình đang bị nghe lén nên thôi. Lường trước việc người ta sẽ thu điện thoại của mình nên tôi mở điện thoại, ghi nhớ số điện thoại của một người trong công ty, để khi có điều kiện thì sẽ mượn điện thoại ai đó gọi về dặn dò mọi người.

Khoảng 13h30, sau khi những người có trách nhiệm trong đoàn làm việc xong với lãnh đạo trung tâm, người ta dẫn tôi xuống tầng 1, vào phòng của Phó Giám đốc Trung tâm Lê Công Vinh, người trước đó đã lên tầng ba “thăm dò” tôi qua mấy câu hỏi xã giao. Trong phòng, ngoài PGĐ Lê Công Vinh còn có GĐ Đỗ Tiến Vượng, vài cán bộ của trung tâm và vài người có trách nhiệm trong đoàn “áp giải” tôi. Tôi ngồi xuống 1 trong bốn chiếc ghế xa-lông nhỏ quanh bàn nước. Những người khác kẻ đứng người ngồi xung quanh. Cô cán bộ của Phòng LĐ-TB-XH quận Thanh Xuân, chừng 35 tuổi, ngồi đối diện với tôi, bắt đầu trình bày qua sự vụ rồi đọc quyết định của PGĐ Sở LĐ-TB-XH Hà Nội về việc “tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội II Hà Nội”. Tay quay phim gần như liên tục chỉa máy quay về phía tôi.

Tôi lớn tiếng phản đối quyết định của họ, chỉ ra những điểm sai trái và tuỳ tiện trong quyết định kia. Các cán bộ của Phòng LĐ-TB-XH quận Thanh Xuân phân bua rằng họ chỉ là những người thừa hành thôi, và họ sẽ phản ánh lên cấp trên. Trong khi những người này đang bối rối trước phản ứng quyết liệt và lý lẽ của tôi thì một nhân viên của trung tâm hô hào mọi người xông vào áp chế tôi, buộc tôi phải đi vào khu vực nhốt bệnh nhân tâm thần. Bọn họ tước điện thoại của tôi, và cũng chẳng thèm hỏi xem tôi có đói bụng hay không, dù đã quá bữa trưa từ lâu. Lúc này khoảng 2h chiều.
(còn tiếp)

Tin, bài liên quan:

Hà Nội, 24/2/2013
Lê Anh Hùng
Được đăng bởi Lê Anh Hùng vào lúc 22:33



Phần II
Thứ hai, ngày 25 tháng hai năm 2013

Trung tâm Bảo trợ Xã hội II là một trung tâm chăm sóc đối tượng xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội. Trước kia, nó chuyên chăm sóc người tàn tật cũng như các đối tượng xã hội khác; bệnh nhân tâm thần cũng có, nhưng không nhiều. Từ tháng 6/2012, khi Trung tâm Bảo trợ Xã hội IV ở Ba Vì (nơi chăm sóc bệnh nhân tâm thần đã qua điều trị ở các bệnh viện tâm thần) quá tải thì Trung tâm BTXH II mới bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân tâm thần từ Ba Vì chuyển qua và từ nơi khác đến. Lúc tôi đến thì ở đây đã có 30 bệnh nhân, đến khi tôi về thì con số này là 34 người. Phần lớn số bệnh nhân này mang bệnh nhẹ, hoặc đã đỡ nhiều. Song cũng có một vài bệnh nhân khá nặng, thậm chí có người còn thường xuyên ỉa đái cả quần.

Tôi được bố trí ở trong một căn phòng khoảng 12m2 với 4 giường đơn dành cho 4 người. Toàn bộ khu vực bệnh nhân tâm thần nam bao gồm 1 phòng lớn rộng khoảng 50m2, chứa trên dưới 10 người; 5 phòng nhỏ như phòng của tôi, mỗi phòng chứa 4 người; 2 phòng dành cho bệnh nhân lên cơn kích động cần cách ly, không có giường mà chỉ có bệ xi-măng lát đá hoa, với bồn cầu riêng; 1 nhà kho chứa quần áo bệnh nhân, chăn màn, vật dụng vệ sinh; 1 khu vệ sinh chung với 2 phòng tắm nhỏ và 3 phòng vệ sinh. Khu nhà có hình chữ nhật, gồm 1 dãy nhà chính (5 phòng nhỏ + 1 phòng lớn) và một dãy nhà phụ (khu vệ sinh, 1 phòng kho và 2 phòng dành cho bệnh nhân kích động). Trước mặt dãy nhà chính là tường của một toà nhà khác. Ở giữa khu nhà là một khoảng sân hình chữ nhật rộng chừng 100m2. Đối diện với dãy nhà phụ là cửa chính thông ra ngoài của khu nhà, cửa xếp bằng sắt, luôn được khoá cẩn thận mỗi khi cán bộ, nhân viên trung tâm ra vào. Một bên cửa chính là phòng dành cho CBCNV trực. Trong phòng có đặt một chiếc TV Samsung 21 inch, thường bật lên cho bệnh nhân xem qua cửa sổ.


Sân và hai phòng dành cho bệnh nhân lên cơn. Ảnh: Ngô Nhật Đăng

Theo tìm hiểu của tôi, mỗi bệnh nhân hàng tháng được 700.000VNĐ tiền ăn và 15.000VNĐ tiền mua thuốc, một năm được phát một bộ quần áo. Chăn màn và quần áo ấm cho bệnh nhân phần lớn là do quyên góp hay do các tổ chức và cá nhân tặng. Một cô hộ lý tâm sự với tôi là quần áo rét thì hiện tạm ổn nhưng trung tâm đang lo thiếu quần áo lót cho bệnh nhân trong mùa hè tới, bởi mùa hè trời nắng, bệnh nhân hay lên cơn mà mỗi lần như thế họ thường xé quần áo của mình. Do số tiền được cấp mua thuốc ít ỏi nên có bệnh nhân bệnh tình không những không cải thiện mà còn xấu hơn lúc mới đến.

Khoảng 6h sáng, bệnh nhân được đánh thức đồng loạt rồi ra sân tập thể dục (trừ những ngày trời mưa). Sau đó, họ làm vệ sinh cá nhân và chờ ăn sáng, uống thuốc. Việc tắm giặt được nhân viên quan tâm khá chu đáo. Trời nắng thì bệnh nhân tắm trong khu vệ sinh, trời lạnh thì họ được đưa ra ngoài tắm nóng lạnh ở khu nhà gần đó. Việc giặt giũ quần áo, chăn màn do nhân viên trung tâm đảm nhiệm. Một vài bệnh nhân tỉnh táo, ưa sạch sẽ thì tự giặt quần áo của mình.

Ở đây, bệnh nhân được ăn ngày ba bữa. Bữa sáng vào lúc 7h30, với thực đơn luân phiên: bánh mì, bánh chưng, bánh nếp, bánh giò… Bữa trưa ăn vào lúc 10h30 và bữa chiều vào lúc 16h30. Thực đơn hai bữa chính thường gồm một món thịt và một món canh hay rau, cũng luân phiên đổi món hàng ngày: thịt lợn/thịt gà/trứng vịt luộc (1 quả)/giò chả (1 khúc)... Nhân viên trung tâm trồng rau trong những khu đất dành cho mục đích tăng gia sản xuất rồi bán lại cho trung tâm; ngoài ra, họ còn trồng rau ở nhà và bán cho trung tâm để cải thiện đời sống. Nhờ thế, mọi người ở đây đều được ăn rau sạch, thứ của hiếm trên các khu chợ ở Hà Nội. Ban đầu, tôi phải ăn với một tô đựng cả cơm lẫn thức ăn (kể cả canh) như các bệnh nhân khác. Sau vài hôm, nhân viên ở đây cho tôi một cái cặp lồng để đựng canh, rồi tôi cũng xin được nước rửa bát để tự rửa đồ dùng cho mình. Có hai bệnh nhân tỉnh táo và siêng năng hơn số khác được giao nhiệm vụ thay nhau rửa bát hàng ngày.

Các bệnh nhân tâm thần ở trung tâm, cũng như ở những nơi khác, hầu hết đều nghiện thuốc lá. Họ dễ bắt chước nhau và không làm chủ được hành vi. Hễ gia đình hoặc ai cho đồng nào là hầu như họ chỉ dùng để mua thuốc bằng cách nhờ các nhân viên mua ở căng-tin của trung tâm. Không chỉ nghiện thuốc lá, một số bệnh nhân còn rất khoái uống trà. Họ mua trà ở trung tâm và xin nước sôi của nhân viên, hoặc của số đối tượng xã hội tỉnh táo, không bị giam nhốt. Thời gian tôi ở đây tuy ngắn ngủi nhưng cũng may mắn được nhận quà từ 2 cuộc từ thiện của các nhà hảo tâm bên ngoài.

Việc phân biệt một người mắc bệnh tâm thần với một người tỉnh táo là điều không mấy khó khăn, nhất là đối với những người vẫn thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần. Do vậy, trong thời gian ở trung tâm, phần lớn CBCNV đều xem tôi là một hiện tượng lạ, nhất là khi tôi không phải uống thuốc gì hết mà vẫn cứ ăn ngon ngủ kỹ (bệnh nhân tâm thần thiếu thuốc thì không ngủ được, mà mất ngủ sẽ dẫn đến rối loạn tâm thần). Với một số người, tôi bảo họ hãy lên mạng tìm hiểu thông tin về tôi. Người nọ rỉ tai người kia nên hầu hết mọi người đều hiểu tình cảnh của tôi, vì thế họ rất chia sẻ với tôi. Một vài người thậm chí còn cảnh báo tôi việc người ta có thể tiêm thuốc loạn thần kinh cho mình.

Bệnh nhân ở đây được chia làm 2 loại: loại nặng ngày uống thuốc 2 lần (vào lúc 8h và 19h) và loại nhẹ uống thuốc ngày 1 lần vào lúc 19h). Là những bệnh nhân tâm thần nên việc họ hay gây gỗ, thậm chí lên cơn rồi choảng nhau là “chuyện thường ngày ở huyện”. Thậm chí có lần tôi còn bị một bệnh nhân nổi xung đánh lại khi “dũng cảm” nhảy vào can ngăn cuộc ẩu đả giữa anh ta với một người khác. Một “bài học” đáng nhớ!

Nói chung, những ai không may mắc phải căn bệnh quái ác này thì đều có hoàn cảnh đáng thương tâm. Đặc biệt, có những gia đình rơi vào tình cảnh phải nói là thê thảm, mà trường hợp tôi kể sau đây là một trong số đó. Tôi vào được mấy hôm thì có một bệnh nhân nam trông rất khôi ngô, tuấn tú, tên là Trương Tuấn Hoàng, chuyển từ Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tới. Hoàng là con trai duy nhất trong gia đình, sinh năm 1980, nhà ở trên phố Tôn Đức Thắng (HN), do thất tình rồi phát bệnh khi đang học lớp 11, vào viện hết lần này đến lần khác nhưng cứ hễ ra viện một thời gian là lại tái phát. Bố cậu đã xác định khi đưa cậu đến trung tâm là cậu sẽ ở lại đây suốt đời, và cậu cũng hiểu điều đó. Cậu kể, mẹ cậu bị trầm cảm (một dạng bệnh tâm thần) từ năm cậu mới 2 tuổi, và hiện vẫn đang điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương (Thường Tín). Hoàng tâm sự với tôi, niềm ao ước lớn nhất bây giờ của cậu là mong bố cậu xoay xở thế nào để mẹ cậu được đưa đến đây, để ngày ngày mẹ con có cơ hội được nhìn thấy nhau, như thời gian cậu và mẹ cùng điều trị ở Bệnh viện Tâm thần TW.

Nếu bỏ qua những điều bất tiện như tình trạng bẩn thỉu (mặc dù các hộ lý vẫn quét dọn hàng ngày nhưng khu vệ sinh thường hôi hám, vì “ý thức vệ sinh” là một khái niệm xa lạ với bệnh nhân tâm thần) hay việc thường xuyên phải “đề cao cảnh giác” bởi họ có thể lên cơn bất cứ lúc nào… thì việc sống với những bệnh nhân tâm thần cũng là một trải nghiệm lý thú. Đơn giản, họ là những con người thật thà và “hồn nhiên” nhất trên trái đất này. Họ ít bị chi phối bởi những thói hư tật xấu của con người như bon chen, dối trá… Cũng như những người tàn tật, họ là những người thiếu may mắn trong xã hội, hay có thể nói, họ phải gánh chịu tội lỗi của đồng loại. Chính vì vậy mà chúng ta, những người may mắn hơn, cần quan tâm và chia sẻ nỗi bất hạnh với họ. Đó không chỉ là lương tâm mà còn là trách nhiệm của mỗi người trong xã hội!

(còn tiếp)
Hà Nội, 25/2/2013
Lê Anh Hùng
Được đăng bởi Lê Anh Hùng vào lúc 23:44



Phần cuối
Thứ tư, ngày 27 tháng hai năm 2013

Trưa hôm sau ngày tôi bị bắt, mẹ tôi vào thăm tôi. Mẹ tôi cho biết là cán bộ trung tâm yêu cầu bà viết giấy không cho ai khác ngoài bà được vào thăm tôi; bà phải viết thế thì họ mới cho vào gặp con. Tôi tiếp tục thuyết phục mẹ về việc làm của mình, và trách bà sao lại ký đơn đưa tôi vào đây, nhưng bà chối là bà không làm chuyện đó. Mặc dù mẹ tôi nói vậy nhưng tôi vẫn không thật sự tin lời bà. Khoảng 12h20, tôi lấy điện thoại của mẹ gọi điện ra cho một bác ở công ty, xin gặp hai đứa em mà mình tin cẩn ở đó là Từ Anh Tú và Đỗ Văn Ngọc. Hoá ra, chúng đã biết nơi tôi bị nhốt vì ngay buổi chiều hôm đó người ta đã chuyển cho công ty quyết định của Sở LĐ-TB-XH Hà Nội. Chúng cho tôi hay là tin tôi bị bắt đã tràn lan trên mạng. Tôi bảo hai đứa là mẹ tôi đang ở đây và bà nói là bà không ký vào đơn cho tôi vào đây, mà ngay cả khi bà có ký đi nữa thì đó cũng là một quyết định tuỳ tiện, trái pháp luật. (Chính vì Tú loan báo như thế nên ban đầu trên mạng có thông tin là mẹ tôi không ký vào đơn.) Tôi bảo Tú nói chuyện với mẹ tôi để động viên bà.

Độ 5 phút sau, điện thoại của mẹ tôi đổ chuông. Thì ra là chị Bùi Thị Minh Hằng. Chị cho mẹ tôi biết là một tổ chức quốc tế đã lên tiếng về vụ việc của tôi. Chị hỏi địa chỉ nhà mẹ tôi và đề nghị gặp bà. Tôi nghe những gì chị nói qua điện thoại mà vui mừng khôn xiết, trào cả nước mắt. Tôi không cầm máy nói chuyện trực tiếp với chị Minh Hằng phần vì đang quá xúc động, phần vì không muốn sự kiện tôi bị cách ly khỏi xã hội bớt đi ít nhiều kịch tính một khi tôi có thể liên lạc điện thoại ra ngoài.

Tôi nói với mẹ: “Đấy, mẹ thấy chưa? Chuyện con bị bắt đã tràn lan trên mạng. Một tổ chức quốc tế đã lên tiếng, nhiều người ủng hộ. Người ta không thể ủng hộ một kẻ bị tâm thần được!” Mẹ tôi có vẻ bắt đầu tin tôi.

Mẹ tôi vừa dứt cuộc nói chuyện điện thoại với chị Minh Hằng độ 1 phút thì 2 nhân viên trung tâm chạy vào. Họ phàn nàn chuyện mẹ tôi trước đó bảo không mang điện thoại theo mà rồi lại điện thoại, đồng thời bảo mẹ tôi là đã hết giờ thăm bệnh nhân. Như vậy, nếu lúc đó tôi có nói chuyện với chị Minh Hằng thì chắc cũng chỉ nói được vài câu là bị phá ngang.

Từ ngày thứ hai ở trung tâm, các nhân viên bắt đầu quan tâm đến tôi một cách đặc biệt. Họ mua sắm cho tôi gần như đầy đủ mọi thứ: 1 áo phao, 1 quần dài, 1 áo sơ mi, 2 quần lót, 2 đôi tất, 1 chậu rửa mặt, kem và bàn chải đánh răng, chăn, màn. Những bệnh nhân khác có mà nằm mơ cũng chẳng được một phần như thế, vào những nơi như thế này gia đình họ thậm chí còn phải chạy chọt chứ chẳng phải tự dưng mà được “vinh hạnh” như tôi.

Chiều 26/1, PGĐ Trung tâm Lê Công Vinh vào nói chuyện với tôi. Hoá ra, anh ta là đồng môn với tôi ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Anh ta cho biết là trước kia anh ta chẳng biết gì về câu chuyện của tôi; sau khi tôi vào trung tâm, anh ta tìm hiểu trên mạng thì mới biết. Anh ta mong tôi chia sẻ và thông cảm: “Chúng tôi chỉ là cấp thừa hành”; “Ai sai người ấy chịu”; “Chúng tôi cũng không muốn anh ở đây làm gì”…

Sáng 27/1, một nhân viên hộ lý cho tôi biết: “Sáng hôm kia có một đoàn khoảng 2 chục người, đi trên mấy chiếc ô tô đến trước cổng trung tâm đòi thả cháu. Họ chất vấn lãnh đạo trung tâm, rồi quay phim, chụp ảnh trung tâm. Cháu yên tâm đi. Thế nào cháu cũng được cứu khỏi đây thôi!” Tôi quá đỗi vui mừng! (Thỉnh thoảng cũng có người này người nọ cho tôi biết những thông tin bên ngoài, chẳng hạn như việc lãnh đạo trung tâm cấm CBCNV tiếp xúc với tôi, chuyện họ dự định mời bác sỹ đến “giám định” cho tôi…)
Trưa 28/1, mẹ và em trai tôi vào thăm. Mẹ tôi cho biết là đã gặp chị Minh Hằng và nhiều người nữa. Bà cũng đã trả lời phỏng vấn một đài nước ngoài. Tôi dặn mẹ: “Không được thoả hiệp với công an. Nếu họ kết luận con bị bệnh, bắt con uống thuốc thì con sẽ tuyệt thực.” Bà nói nhỏ vào tai tôi: “Thế thì đừng có uống.” Mẹ chuyển cho tôi gói quà mà chị Minh Hằng gửi.

Một bác bảo vệ “phàn nàn” với tôi: “Cậu vào đây làm chúng tôi thêm khổ. Trước kia thỉnh thoảng còn tranh thủ chạy về nhà được chứ từ khi cậu vào đến giờ chúng tôi phải túc trực thường xuyên. Đi đâu cũng thấy mọi người bàn tán về Lê Anh Hùng cả.”

Chiều 31/1, PGĐ Lê Công Vinh vào thông báo với tôi là mẹ tôi đang làm thủ tục để đưa tôi về. Độ một vài hôm nữa là tôi sẽ được về nhà thôi.

Sáng thứ Bảy, 2/2, mẹ tôi lại vào thăm tôi. Bà cho biết là đang làm thủ tục để đưa tôi về, lẽ ra đã xong khâu giấy tờ nhưng một trong số những người chịu trách nhiệm giải quyết đơn lại nghỉ vì nhà có đám tang, hẹn chiều thứ Hai, 4/5, mới giải quyết. Nếu sớm thì ngày 5/2 tôi sẽ về nhà, muộn thì một vài hôm sau. GĐ Đỗ Tiến Vượng cũng vào thăm hỏi tôi mấy câu xã giao.

Mẹ tôi cho biết là bà đi cùng anh Ngô Nhật Đăng (con trai của nhà thơ Xuân Sách), người mà tôi đã gặp vài lần trong CLB Bóng đá No-U. Tôi bảo mẹ ra đưa anh vào, nói dối nhân viên anh là người nhà. Anh Nhật Đăng cho tôi biết qua về tình hình ở ngoài. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là anh ta lại cung cấp cho tôi nhiều thông tin sai lạc mà khi về nhà kiểm tra lại thì tôi mới biết. Chẳng hạn như anh ta cho biết là đã post một bài lên blog của tôi. Điều này tôi hết sức ngạc nhiên, vì chỉ có admin của blog mới có thể đăng bài lên đó được. Anh ta lại khẳng định là mẹ tôi không hề ký đơn đề nghị đưa tôi vào trại tâm thần, mà thực ra bà đã lừa công an (?). Chưa hết, anh ta còn cho tôi biết là Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã lên tiếng phản đối vụ bắt giữ tôi, họ đã chất vấn ông Nguyễn Phú Trọng về vụ việc của tôi khi ông ta đang ở thăm một số nước Châu Âu, và ngay lúc anh nói chuyện với tôi thì Hội đồng Nhân quyền LHQ đang làm việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam về vụ việc (?), v.v. Anh ta “khuyên” tôi không nên để các phe phái lợi dụng vụ tố cáo của mình. (Thật ra, chẳng phải chính tôi đang lợi dụng sự đấu đá của họ để thúc đẩy vụ việc của mình đó sao? Họ lợi dụng tôi đã đành nhưng xem ra tôi cũng biết lợi dụng họ đấy chứ.) Anh ta còn “chỉ bảo” tôi thế này: “Bọn họ đang rơi vào cảnh ‘chó cùng cắn dậu’ nên mình tạm nhún một chút để ra khỏi đây đã rồi tính sau, kể cả chuyện người ta có bảo mình bị ‘hoang tưởng’ nhẹ thì cũng mặc (?!).” Anh ta nói là vụ của tôi lẽ ra có thể được giải quyết êm ngay trong mấy ngày đầu, nhưng tại vì chị Minh Hằng làm um quá khiến nhà chức trách rơi vào tình thế khó xử (?). Khi tôi muốn gọi điện gặp chị Minh Hằng, người mà ngay lúc ấy tôi đã biết là đang làm hết sức vì tôi ở bên ngoài, thì anh ta nói là “số máy chị Hằng bị chặn” (?).

Lúc đó, tôi nghĩ ý kiến của anh ta là quan điểm chung của những người đang tìm cách giải cứu tôi nên tôi cũng không phản ứng gì, nhất là với người mà lúc đó tôi vẫn nghĩ là đang giúp mình.

Chiều 3/2, PGĐ Lê Công Vinh gặp và trao đổi với tôi qua cửa sổ. Anh ta nói mọi người ở trung tâm “chia sẻ” với tình cảnh của tôi và mong tôi cũng “chia sẻ” với điều kiện và hoàn cảnh họ.

9h sáng 5/2, khi tôi đang nóng lòng chờ tin tức bên ngoài thì một nhân viên bảo tôi dọn đồ để về, mẹ tôi đang làm thủ tục ở ngoài kia. Tôi thu xếp tư trang và phát quà cho mọi người để chia tay. Lát sau, PGĐ Lê Công Vinh vào gặp tôi, cho biết là mẹ tôi đang làm thủ tục. Anh ta đưa cho tôi 2 tờ giấy trắng khổ A4 và đề nghị tôi viết vài lời cám ơn trung tâm trong thời gian tôi ở đây.

9h30, tôi được đưa ra khỏi khu nhà dành cho bệnh nhân tâm thần. Ra tới gần toà nhà chính của trung tâm, tôi nhác thấy đằng xa những người đồng đội của mình ở CLB Bóng đá No-U (No-U FC) đang hân hoan chờ đón tôi: nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ, blogger Lê Dũng, Nguyễn Lân Thắng và Lã Việt Dũng. Tôi vẫy tay chào mọi người rồi vào phòng PGĐ Lê Công Vinh để hoàn tất nốt thủ tục. Trong phòng có GĐ Đỗ Tiến Vượng, PGĐ Lê Công Vinh, mẹ tôi, “đồng chí” Ngô Nhật Đăng và một nhân vật mà trước đấy tôi mới gặp 1 trong No-U FC nhưng chưa hề nói chuyện với nhau – người có nick Facebook là Ngọc Tây Hồ.

Tôi đưa tờ giấy viết “Lời cám ơn” cho PGĐ Lê Công Vinh:


Anh ta có vẻ thoả mãn. Tuy nhiên, khi đưa sang GĐ Đỗ Tiến Vượng thì ông ta lại không hài lòng với hai chữ “bị tạm giữ” và “bất đắc dĩ” và đề nghị sửa lại. Tôi định không đồng ý thì “đồng chí” Ngô Nhật Đăng lại hùa theo họ khiến tôi phải tặc lưỡi sửa chữ “bị tạm giữ” thành chữ “sống” và bỏ chữ “bất đắc dĩ” đi cho họ hài lòng. Anh bạn Ngọc Tây Hồ nhanh tay lấy bản cũ đút vào túi.
Sau khi mẹ tôi hoàn tất thủ tục giấy tờ với họ, chúng tôi đi ra trong niềm vui vỡ oà của cả người được đón lẫn người đón.

Từ trái qua: Lã Việt Dũng, mẹ tôi, tôi, nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ, blogger Lê Dũng, “đồng chí” Ngô Nhật Đăng, Ngọc Tây Hồ. Ảnh: Nguyễn Lân Thắng

Tôi lên chiếc xe do Ngọc Tây Hồ lái; trên xe còn có mẹ tôi, nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ và cả “đồng chí” Ngô Nhật Đăng nữa. Nguyễn Lân Thắng đi cùng xe với Lã Việt Dũng, còn blogger Lê Dũng thì một mình một xe.

Trên hành trình trở về trung tâm Hà Nội, ngay cả với sự có mặt của nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ, người theo rất sát vụ việc bắt giữ tôi và đăng nhiều bài về tôi trên blog của mình, “đồng chí” Ngô Nhật Đăng của chúng ta vẫn tiếp tục lặp lại chiêu trò hòng làm cho tôi rối trí như lần gặp tôi ngày 2/2. Chính nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ cũng quá đỗi ngạc nhiên khi nghe anh ta nói là anh ta đã post bài lên blog của tôi, trong khi tôi mới là người nắm quyền quản trị. Anh ta “chỉ bảo” cho tôi là khi trả lời phỏng vấn các đài báo thì chỉ cần nói là tôi hiện mới về nhà, đang cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng để ăn Tết với mẹ, hiện tôi chưa muốn nói gì thêm. Anh ta còn bảo tôi chuẩn bị để trả lời phỏng vấn của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (?) và khi có một người gọi điện đến đề nghị tôi trả lời phỏng vấn một đài nào đó thì anh ta thản nhiên trả lời là tôi đang trả lời phỏng vấn một đài khác, dù lúc đó tôi chẳng hề trả lời phỏng vấn ai cả.

Anh ta cũng “doạ” tôi là bây giờ sát Tết rồi, mình trả lời phỏng vấn mà khơi lại vụ tố cáo kia thì bọn họ sẽ bắt nhốt trở lại trong lúc bạn bè, đồng đội tứ tán hết cả thì nguy (!?). Anh ta “khuyên” tôi nên về nhà chứ không nên tụ họp ở đâu để gặp gỡ mọi người, bởi nhiều kẻ đang muốn lợi dụng tôi để “đánh bóng” tên tuổi, ai thăm thì cứ việc đến nhà thăm chứ đừng đi đâu cả, v.v. Đáng chú ý là “anh bạn” Ngọc Tây Hồ cũng “tung hứng” rất ăn ý với “đồng chí” Ngô Nhật Đăng.

Mặc dù vậy, ngay khi còn đang trên đường trở về trung tâm Hà Nội, lúc phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) phỏng vấn, tôi đã trả lời thẳng thắn về nguồn cơn của việc người ta bắt tôi vào trại tâm thần – đó chính là vụ tố cáo mà tôi vẫn theo đuổi suốt gần 5 năm qua.

Khi xe về đến lối rẽ vào nhà mẹ tôi, ngõ 120 Kim Giang, mẹ con tôi xuống xe. Xe của Lã Việt Dũng cũng vừa trờ tới. Và trong khi Lã Việt Dũng và Nguyễn Lân Thắng đòi kéo tôi ra quán bia gặp gỡ chia vui với đồng đội thì “đồng chí” Ngô Nhật Đăng lại khuyên tôi về nhà đi. Đến thời điểm đó, mặc dù vẫn chưa nhận ra âm mưu của anh ta (vì chưa kịp kiểm chứng những thông tin mà anh ta cung cấp cho tôi), nhưng tôi cũng không mắc mưu anh ta: tôi lên xe cùng Lã Việt Dũng và Nguyễn Lân Thắng ra thẳng nhà hàng 181 Nguyễn Lương Bằng, "tụ điểm" quen thuộc của anh em No-U FC, để chia vui với những người đồng đội đã làm hết mình trong cuộc “giải cứu” tôi - một “bệnh nhân tâm thần”. Sau đó, tôi lần lượt trả lời phỏng vấn các đài BBC, Chân Trời Mới, VOA (2 lần), RFI… nhưng tôi vẫn không mắc bẫy anh ta, dù đến lúc đó tôi vẫn chưa kịp kiểm chứng những thông tin mà anh ta cung cấp cho tôi lúc gặp tôi trong Trung tâm BTXH cũng như lúc tôi trên đường từ Trung tâm về nhà.

Chia sẻ niềm vui với đồng đội tại “tụ điểm” quen thuộc

Thật chẳng vui vẻ gì khi phải lật chân tướng của một “đồng đội” trá hình, nhưng vì lợi ích của cộng đồng, của phong trào dân chủ vốn đã bị chia năm sẻ bảy bởi những “ngón nghề” quỷ quyệt của lực lượng an ninh, tôi buộc lòng phải nói lên một sự thật đáng ghê tởm. Chừng đó thôi cũng đủ cho quý vị thấy là suốt hơn 7 năm qua, trong tình cảnh đơn thương độc mã, tôi đã phải đối phó vất vả đến thế nào với đủ mọi mưu ma chước quỷ để có thể sống sót và, quan trọng hơn, để đưa được những sự thật kinh hoàng, ảnh hưởng vô cùng lớn đến vận mệnh dân tộc, ra trước công luận.

÷

Qua những gì mà chị Bùi Thị Minh Hằng đã tường thuật trong “thiên phóng sự” Nhật ký chuyện Lê Anh Hùng cùng những gì mà tôi thuật lại trên đây, quý vị có thể nhận ra vai trò của lực lượng công an trong vụ bắt tôi đưa vào trại tâm thần. Ngay cả khi mẹ tôi có “tỉnh ngộ” rồi viết đơn đòi con đi nữa mà thiếu áp lực của công luận thì cũng chưa biết điều gì có thể xẩy ra với tôi trong cái trại giam trá hình tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đó. Chính vì vậy, việc tôi được thả tự do chỉ sau 12 ngày bị giam giữ trái phép, trước hết, là thắng lợi của các lực lượng tiến bộ và công luận ở cả trong và ngoài nước.

Đầu tiên, tôi xin dành sự tri ân đặc biệt đối với những người đồng đội tuyệt vời của tôi ở CLB Bóng đá No-U (No-U FC), mà nhân vật đặc biệt nhất chính là chị Bùi Thị Minh Hằng. Nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ, bác Nghiêm Việt Anh, blogger Lê Dũng, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, blogger Người Buôn Gió, Nguyễn Lân Thắng, Lã Việt Dũng, Nguyễn Chí Đức, Nguyễn Chí Tuyến, Ngô Quỳnh, Lan Lê, anh Trương Văn Dũng, Nguyễn Văn Phương, Từ Anh Tú, Lưu Đức, cùng bao đồng đội khác mà tôi không thể nào nêu hết tên ra đây, là những người đã vào cuộc gần như ngay lập tức và đã làm tất cả những gì có thể để giải thoát tôi khỏi trại tâm thần kia.

Tôi xin gửi lời cám ơn chân thành nhất tới các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đã phản ảnh về vụ bắt giữ tôi: Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Á Châu Tự Do (RFA), Đài RFI Việt ngữ, Đài BBC, Radio Chân Trời Mới, Radio Sài Gòn – Dallas..., bên cạnh các trang mạng độc lập như blog Nguyễn Tường Thuỵ, blog Anh Ba Sàm, Bauxite Việt Nam, Quê Choa, blog Huỳnh Ngọc Chênh, blog Nguyễn Xuân Diện, blog Phạm Viết Đào, blog Bùi Thị Minh Hằng, blog Dân Làm Báo, Đàn Chim Việt, Thông Luận, Dân Luận, Diễn đàn X-CafeVN, Vàng Anh, blog Xuân Việt Nam, blog Châu Xuân Nguyễnv.v.
Tôi cũng xin trân trọng cám ơn các tổ chức quốc tế đã lên tiếng về vụ việc của tôi: Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (International Federation for Human Rights – FIDH), Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn (World Organisation Against Torture – OMCT), Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (Vietnam Committee on Human Rights – VCHR), Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists). Đặc biệt, tôi được biết là đích thân ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ về vụ bắt giữ tôi để đệ nạp lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ngay trước khi tôi được thả tự do.

Thắng lợi ngoạn mục này có sự đóng góp hữu hiệu của rất nhiều cá nhân, mà tôi không thể nào nêu hết tên ở đây, như nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ, nhà báo Nguyễn Đình Ấm, nhà văn Nguyễn Quang Lập, thạc sỹ Đào Tiến Thi, TS Nguyễn Xuân Diện, GS Chu Hảo, nhà báo Lê Diễn Đức (Mỹ), phóng viên Gia Minh (Mỹ), phóng viên Nguyễn Trung (Mỹ), nhà báo Trà My (Mỹ), phóng viên Thanh Phương (Pháp), phóng viên Nguyễn Khắc Long (Mỹ), đạo diễn Song Chi (Na Uy), học giả Đỗ Thông Minh (Nhật Bản), cô Nguyễn Ngọc Nhi (Australia), v.v.

Tôi xin ghi nhận tấm lòng vô cùng đáng quý của anh Hoàng Văn Trung, Giám đốc Công ty HVT, nơi tôi đã làm việc suốt 9 tháng qua. Để đảm bảo cho tôi một chỗ dung thân và mưu sinh trong bước đường đấu tranh đòi công lý, anh đã phải chịu đựng không ít áp lực cũng như nhiều hình thức đe doạ khác nhau.

Tôi cũng không thể nào quên lãnh đạo và CBCNV của Trung tâm Bảo trợ Xã hội II – Hà Nội, những người đã chia sẻ với tình cảnh của tôi và dành cho tôi sự quan tâm chu đáo, bất kể điều đó là do áp lực của công luận hay tự trong thâm tâm họ khi họ hiểu được nghịch cảnh của tôi.

Cuối cùng, song không kém phần quan trọng, chính là sự đóng góp thầm lặng với sức lan toả cực lớn của vô số người qua những bình luận trên Facebook, dưới các bài viết trên các trang mạng, hay qua những hình thức chia sẻ thông tin và biểu đạt chính kiến khác về vụ bắt giữ tôi.

Khép lại loạt bài về quãng thời gian 12 ngày trong "thế giới tâm thần" này, tôi muốn khẳng định một lần nữa với quý vị rằng: Tôi vẫn sẽ tiếp tục con đường đấu tranh đòi công lý của mình, bất chấp mọi hậu quả có thể xẩy ra với bản thân và gia đình. Đó vừa là lương tâm của một con người, vừa là trách nhiệm của một công dân trước Tổ quốc, nhất là khi mà giờ đây tôi không còn đơn độc như suốt gần 5 năm qua nữa./.

Tin, bài liên quan:




Ghi chú:

Về sau, Ngọc Tây Hồ đã chụp rồi công bố trên mạng tờ giấy ghi lời cám ơn của tôi (như quý vị thấy ở trên) – một hành động rất đáng đặt dấu hỏi vì điều đó có lẽ chỉ có lợi cho nhà chức trách, vốn đang bị dư luận sôi sục lên án về vụ bắt giữ tôi, trong khi nếu không có sự đấu tranh của những đồng đội của tôi cũng như sự lên tiếng của công luận thì chưa chắc tôi đã được đối xử tử tế trong trại.

Nếu tôi không nhắc đến vụ tôi tố cáo các ông Nông Đức Mạnh – Nguyễn Tấn Dũng – Hoàng Trung Hải, căn nguyên của vụ bắt giữ tôi, thì tôi đã đánh mất một cơ hội vô cùng thuận lợi để lên tiếng công khai về vụ tố cáo trên các cơ quan thông tấn quốc tế quan trọng, đồng thời mọi người cũng có thể nghĩ là tôi đã “tỉnh ra” hoặc đã “biết sợ” sau khi bị đẩy vào trại tâm thần mà không tiếp tục tố cáo nữa. Còn nếu tôi nhắc đến Hội đồng Nhân quyền LHQ, việc họ làm việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như những thông tin khác mà “đồng chí” Ngô Nhật Đăng đã dày công “mớm” cho thì sẽ bị chính những kẻ mà tôi tố cáo lu loa rằng tôi đích thị mắc bệnh “hoang tưởng”, và mọi người hẳn cũng không tránh khỏi “băn khoăn” về “bệnh tình” của tôi.

Nhân tiện, tôi xin thông báo một thông tin quan trọng là ngày 18/2 vừa qua, cả tôi và vợ, nhân chứng sống của vụ tố cáo, đã đến gặp trực tiếp ĐBQH Dương Trung Quốc tại văn phòng của ông ở 216 Trần Quang Khải (Hà Nội) theo lịch hẹn của ông. Ông thông báo với tôi là ngày 29/1/2013, ông đã tận tay trao công văn cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, yêu cầu làm rõ việc tôi bị bắt đưa vào trại tâm thần.

Được đăng bởi Lê Anh Hùng vào lúc 22:31





No comments:

Post a Comment

View My Stats