Thursday 28 February 2013

VIỆT NAM 1945-1995 : CHIẾN TRANH – TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / CHƯƠNG 9 : SAI LẦM CỦA VIỆT NAM CỘNG SẢN (GS Lê Xuân Khoa – Blog Ba Sàm)




GS Lê Xuân Khoa

Posted by basamnews on 27/02/2013

McNamara sang Việt Nam gặp Võ Nguyên Giáp để bàn việc tổ chức những buổi đàm thoại Mỹ-Việt với mục đích cùng xem xét những trường hợp mà mỗi bên có thể đã có những điều ngộ nhận về đối phương của mình, do đó đã lấy những quyết định sai lầm trong thời gian chiến tranh và để lỡ cơ hội hòa bình. Tướng Giáp đã phản ứng quyết liệt khi khẳng định rằng “Chúng tôi không hiểu lầm các ông. Các ông là kẻ thù muốn tiêu diệt chúng tôi. Vì thế chúng tôi phải chiến đấu chống các ông và “bù nhìn” của các ông để thống nhất xứ sở.” Khi McNamara đưa vụ Maddox ra làm thí dụ về chuyện hiểu lầm, Võ Nguyên Giáp ngắt lời, “Chúng tôi hiểu đúng các ông… Các ông hành động phá hoại để có cớ tham chiến thay cho chính phủ Sài-gòn bất lực.” Nói về các cơ hội hòa bình, tướng Giáp lại quả quyết “Không có vấn đề bỏ lỡ cơ hội đối với chúng tôi… Tôi đồng ý là các ông đã để lỡ cơ hội và các ông cần phải rút ra các bài học.”5
Đúng là cuộc đối thoại giữa hai người điếc. May mắn thay là cuối cùng tướng Giáp đã bằng lòng đưa đề nghị của McNamara vào nghị trình thảo luận. Cũng may mắn là tướng Giáp không tham dự các buổi thảo luận trong đó một số nhân vật miền Bắc đã phát biểu khác với ông, nhìn nhận có những trường hợp Bắc Việt không kiểu đúng ý định và lề lối làm việc của Mỹ, có những khó khăn từ phía “bạn”, và đáng lẽ đã có thể lấy quyết định thương thuyết sớm hơn. – GS Lê Xuân Khoa
*
*

Trong thời gian ba mươi bốn năm sau chiến tranh chống Pháp, chính phủ miền Bắc Việt Nam lại phải trải qua ba cuộc chiến tranh khác: chống VNCH và Hoa Kỳ (1955- 1975), chống Trung Quốc (tháng Hai 1979), và chống Khơ- me Đỏ ở Kam-pu-chia (1975-1989). Điều trớ trêu là trong hai trận chiến sau này, Đảng Cộng sản Việt Nam phải đương đầu với chính hai cựu đồng minh đã cùng sát cánh chiến đấu trong suốt thời gian chống Pháp và chống Mỹ, nhất là Khơ-me Đỏ lại do chính Đảng CSVN giúp thành lập và huấn luyện. Sau chiến thắng 1975, các lãnh tụ miền Bắc lại không giữ lời hứa với các chiến hữu ở miền Nam về việc duy trì một tình trạng chuyển tiếp ít nhất là mười năm trước khi thực hiện thống nhất hai miền, và giải tán luôn cả ba hình thức của cùng một thực thể chính trị là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN), Liên Minh các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ và Hòa Bình (LMDTDCHB), và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam (CPCMLT). Chương này lần lượt kiểm điểm những sai lầm và những cơ hội bỏ lỡ của Hà Nội đối với cả thù và bạn trong ba cuộc chiến tranh nói trên.

Đối Với Hoa Kỳ

Trong khi Hoa Kỳ mắc phải nhiều sai lầm quan trọng và bỏ lỡ những cơ hội có thể tránh hay chấm dứt được chiến tranh sớm hơn, miền Bắc Việt Nam cũng phạm phải một số sai lầm và bỏ lỡ một số cơ hội hoà bình mà hậu quả là những tổn thất quá lớn về nhân mạng và tình trạng kiệt quệ về kinh tế không có điều kiện phục hồi. Hai mươi năm sau chiến tranh, nhờ mở cửa giao thương với quốc tế, gia nhập khối ASEAN và bang giao với Hoa Kỳ, Việt Nam mới thoát khỏi tình trạng nguy kịch và đang trên đà phát triển, nhưng vẫn còn đứng trong hàng ngũ của những nước nghèo nhất trên thế giới.

Cũng như Hoa Kỳ đã hiểu biết rất ít về lịch sử và văn hóa Việt Nam, các nhà lãnh đạo và các chuyên gia ngoại giao của VNDCCH đã không có đủ hiểu biết và kinh nghiệm về guồng máy chính trị và các thủ tục ngoại giao của các nước Tầy phương, nhất là Hoa Kỳ. Chủ tịch Hồ Chí Minh có lẽ là người duy nhất trong đảng Cộng sản Việt Nam đã từng đặt chân lên đất Mỹ, nhưng cũng chỉ trong một thời gian rất ngắn trên những chặng đường đầu tiên bôn ba qua nhiều nước ở Á, Âu và Phi châu. Hồi đó ông chưa nói được tiếng Anh và ông cũng cho biết rằng “trong thời gian thăm nước Mỹ ông không biết gì về chính trị.”1 Mãi đến sau khi được Trương Phát Khuê thả cho tự do năm 1943, ông mới có cơ hội đến Sở Thông tin Chiến tranh của Mỹ ở Trung Hoa để tham khảo lịch sử và tổ chức chính trị của Hoa Kỳ trước khi trở về Việt Nam mấy tháng sau đó. Tình trạng thiếu hiểu biết của Bắc Việt về chính sách và lề lối đối ngoại của Mỹ là nguyên nhân chính của những ngộ nhận và cơ hội hòa bình bỏ lỡ. Điều này đã được cựu Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh thẳng thắn xác nhận khi nói về hội nghị Genève năm 1954:

Chúng tôi đã mười năm ở trong rừng —ở trong rừng— để chiến đấu chống Pháp. Chúng tôi không thành thạo về các vấn đề quốc tế. Chúng tôi chưa có kinh nghiệm về ngoại giao hay những cuộc thảo luận đa phương như đã diễn ra ở Giơ-ne- vơ. Xin quí vị hãy cố hiểu tình trạng của chúng tôi năm 1954. Đúng là chúng tôi bước ra khỏi rừng để đi sang Giơ-ne-vơ do lời mời của những bạn đồng minh của chúng tôi là Trung Quốc và Liên Xô. Tình trạng hồi đó không giống như bây giờ ở Hà Nội, tại Viện Quan hệ Quốc tế này là nơi chúng tôi đào tạo những nhà ngoại giao trẻ. Hồi đó chúng tôi không biết gì về ngoại giao, về cách hành xử như thế nào, yêu cầu cái gì, đòi hỏi cái gì, phải xoay sở vận động ra sao trong một môi trường như vậy.2

Nhà ngoại giao kiêm sử gia Lưu Doãn Huỳnh cũng nhìn nhận:

Năm 1954 chúng tôi đã mắc phải một sai lầm. Năm 1954 chúng tôi không có đủ hiểu biết, không có đủ khôn ngoan để hiểu rằng hồi đó các ông không có thể và không muốn thực hiện một cuộc can thiệp toàn lực bằng quân sự ở Việt Nam. Chúng tôi không biết được điều đó. Tại sao lại lầm lẫn như vậy? Là vì chúng tôi không hiểu đúng tình hình quốc tế. Đó là một lẽ. Ngoài ra —điều này chúng tôi không thể phủ nhận được— chúng tôi đã bị các bạn của chúng tôi làm lạc hướng. Các ông đồng ý chứ?3

Tình trạng thiếu hiểu biết này còn kéo dài cho đến khi Bắc Việt phải trực diện đối phó với Hoa Kỳ, đặc biệt với chính quyền Johnson qua sáu cơ hội chính có thể chấm dứt được chiến tranh trong khoảng từ tháng Năm 1965 đến tháng Mười 1967 như đã nói đến ở chương 8 trên đây.

Trước khi phân tích những sai lầm và cơ hội bỏ lỡ riêng về phần Bắc Việt, cần phải nhắc đến những nhận xét không hoàn toàn đúng của cựu bộ trưởng McNamara về những điều mà ông gọi là những định kiến (tạm dịch từ tiếng Anh mindset) sai lầm của Hoa Kỳ và Bắc Việt đối với nhau. Định kiến của Hoa Kỳ là thuyết “domino” bị phê phán là sai lầm vì đã không xảy ra sau khi VNCH bị sụp đổ năm 1975. Nhưng như đã được bàn đến ở chương 8, nếu các nước khác trong vùng Đông Nam Á đã không sụp đổ theo VNCH như những quân cờ domino thì không phải vì cộng sản quốc tế không có mưu đồ thôn tính Đông Nam Á mà chỉ vì mâu thuẫn bất ngờ trong nội bộ khối cộng sản: Liên Xô-Trung Quốc và Trung Quốc-Việt Nam. Lỗi lầm của Hoa Kỳ là đã không nhận thấy thuyết domino không còn đứng vững từ những năm 1960 để hoạch định chiến lược mới. Định kiến của Việt Nam thì cho rằng Hoa Kỳ là một “tân đế quốc” hay “tân thực dân” muốn thay thế Pháp chiếm đoạt và thống trị Đông Dương, vì thế tiến hành chiến tranh xâm lược nhằm tiêu diệt VNDCCH.4 Giới lãnh đạo miền Bắc luôn luôn tố cáo tham vọng đen tối đó của Hoa Kỳ để biện minh cho chính nghĩa “chống Mỹ cứu nước” và lôi cuốn sự ủng hộ của dân chúng. McNamara muốn chứng tỏ định kiến đó là sai lầm ngay từ buổi đầu tiên của những cuộc đàm thoại hậu chiến Mỹ-Việt 1995-1998.

Tháng Mười Một 1995, McNamara sang Việt Nam gặp Võ Nguyên Giáp để bàn việc tổ chức những buổi đàm thoại Mỹ-Việt với mục đích cùng xem xét những trường hợp mà mỗi bên có thể đã có những điều ngộ nhận về đối phương của mình, do đó đã lấy những quyết định sai lầm trong thời gian chiến tranh và để lỡ cơ hội hòa bình. Tướng Giáp đã phản ứng quyết liệt khi khẳng định rằng “Chúng tôi không hiểu lầm các ông. Các ông là kẻ thù muốn tiêu diệt chúng tôi. Vì thế chúng tôi phải chiến đấu chống các ông và “bù nhìn” của các ông để thống nhất xứ sở.” Khi McNamara đưa vụ Maddox ra làm thí dụ về chuyện hiểu lầm, Võ Nguyên Giáp ngắt lời, “Chúng tôi hiểu đúng các ông… Các ông hành động phá hoại để có cớ tham chiến thay cho chính phủ Sài-gòn bất lực.” Nói về các cơ hội hòa bình, tướng Giáp lại quả quyết “Không có vấn đề bỏ lỡ cơ hội đối với chúng tôi… Tôi đồng ý là các ông đã để lỡ cơ hội và các ông cần phải rút ra các bài học.”5

Đúng là cuộc đối thoại giữa hai người điếc. May mắn thay là cuối cùng tướng Giáp đã bằng lòng đưa đề nghị của McNamara vào nghị trình thảo luận. Cũng may mắn là tướng Giáp không tham dự các buổi thảo luận trong đó một số nhân vật miền Bắc đã phát biểu khác với ông, nhìn nhận có những trường hợp Bắc Việt không kiểu đúng ý định và lề lối làm việc của Mỹ, có những khó khăn từ phía “bạn”, và đáng lẽ đã có thể lấy quyết định thương thuyết sớm hơn. Ở chương trên, khi bàn về sáu cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ, chúng ta đã thấy rõ những ngộ nhận và hành động sai lầm của cả hai bên. Dưới đây sẽ bàn thêm về nguyên nhân khiến Bắc Việt bỏ lỡ những cơ hội này. Bây giờ hãy trở lại nhận xét của McNamara về định kiến sai lầm của Bắc Việt đối với Hoa Kỳ.

McNamara đã nói đúng khi ông đính chính rằng Hoa Kỳ không phải là một “tân đế quốc” hay “tân thực dân” có ý định chiếm đoạt các nước Đông Dương thay thế vai trò của Pháp như lời tố cáo của Hả Nội. Từ ngày lập quốc, các chính quyền ở Hoa Kỳ vẫn tự giao phó sứ mạng truyền bá các giá trị tự do dân chủ của Tây phương trên toàn thế giới. Dưới thời của Kennedy, một vị Tổng thống trẻ tuổi đầy nhiệt huyết vừa đắc cử, Hoa Kỳ lại càng hăng hái thực hiện sứ mạng truyền thống ấy. Đối với các nước Đông Dương, điều đó nghĩa là Mỹ chỉ muốn ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản quốc tế do Liên Xô và Trung Quốc lãnh đạo chứ không theo đuổi tham vọng chinh phục thuộc địa. Việc Hoa Kỳ tự ý trả độc lập cho Phi-líp-pin ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến chứng tỏ Hoa Kỳ muốn phá bỏ chế độ thuộc địa và khuyến khích các cựu đế quốc phải noi gương. Lý do chính khiến chính quyền Truman bỏ chương trình của Roosevelt và ủng hộ Pháp trở lại Đông Dương là Hoa Kỳ cần có Pháp để ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô Âu châu, nhưng vẫn thúc dục Pháp sớm trả lại độc lập cho các” nước Đông Dương. Chính vì lý do này mà Hoa Kỳ bị Pháp bắt chẹt (blackmailed), như ngoại trưởng Dean Acheson đã phàn nàn:

Hoa Kỳ giúp cho Pháp ở Đông Dương không phải vì chúng tôi chấp thuận việc làm của họ mà vì chúng tôi cần Pháp ủng hộ các chính sách của chúng tôi đối với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nước Đức. Người Pháp đã bắt chẹt chúng tôi. Trong các phiên họp, mỗi khi chúng tôi yêu cầu Pháp cố gắng hơn ở Âu châu thì họ lại đưa ra vấn đề Đông Dương… Họ yêu cầu chúng tôi viện trợ cho Đông Dương mà không chịu cho tôi biết họ hy vọng đạt được điều gì và như thế nào. 6

McNamara cho rằng vì có định kiến sai lầm về mục tiêu thật sự của Mỹ ở Việt Nam nên Hà Nội đã không chấp thuận thương thuyết để tìm một giải pháp hòa bình thích hợp mà chỉ đòi Mỹ phải đơn phương ngưng chiến và rút hết quân ra khỏi Việt Nam vô điều kiện. Nhận xét của McNamara chỉ đúng một phần về bề mặt căn cứ vào lời cáo buộc của Hà Nội. Thật sự thì các nhà lãnh đạo Hà Nội có thể hiểu sai Hoa Kỳ về ý muốn chinh phục Việt Nam và cũng chỉ hiểu đúng một phần vai trò lãnh đạo thế giới tự do của Hoa Kỳ mà họ đã khuếch đại lên, theo cách nói của Nguyễn Cơ Thạch, là muốn làm “chủ nhân ông của thế giới”. Nhưng Hà Nội hiểu rất đúng mục tiêu trước mắt của Mỹ là ngăn chặn sự bành trướng của Cộng sản ở vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, muốn có chính nghĩa trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Hà Nội không thể tuyên dương chủ nghĩa cộng sản như một lý tưởng của dân tộc Việt Nam chống lại chủ nghĩa tư bản hay các giá trị dân chủ Tây phương. Chiến tranh chống Mỹ chỉ có chính nghĩa để được sự ủng hộ của nhân dân nếu Mỹ bị kết tội là “tân đế quốc”, “tân thực dân” thay thế cho vai trò của Pháp với dã tâm chiếm đoạt Việt Nam.

Định kiến của Bắc Việt đối với Hoa Kỳ phát xuất từ mối thất vọng của Hồ Chí Minh đối với thái độ của chính quyền Truman, không những đã không để ý đến tám lá thư của ông kêu gọi giúp cho Việt Nam độc lập lại còn viện trợ quân sự cho Pháp chiếm lại Đông Dương. Khi Pháp bị thất trận năm 1954 thì Bắc Việt lại thấy Hoa Kỳ trở thành kẻ thù số một, mạnh và nguy hiểm hơn Pháp hàng chục lần qua việc chống lại bầu cử thống nhất Nam-Bắc và xây dựng chế độ “bù nhìn” ở miền Nam để gây chiến với miền Bắc và tàn sát nhân dân Việt Nam. Quan điểm này được khai triển và đem ra tuyên truyền trong mọi giới làm động cơ thúc đẩy nhân dân căm thù “Mỹ-Ngụy” và quyết tâm “chống Mỹ cứu nước”. Được tuyên truyền và học tập lâu ngày, quan điểm này biến thành một niềm tin sắt đá hun đúc ý chí chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng.

Với một nhãn quan cục bộ như thế, Hà Nội đã không nhận thấy đúng mục tiêu toàn cầu của Mỹ là chống cộng sản quốc tế do Liên Xô và Trung Quốc lãnh đạo. Để đạt được thắng lợi, Hà Nội phải dựa vào viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc, do đó vô hình trung trở thành một quân cờ của Bắc Kinh và Mat-scơ-va, một tình trạng rất khó chịu cho Hà Nội. Các nhà lãnh đạo Hà Nội không biết rằng Mỹ chỉ chống Bắc Việt vì coi Bắc Việt là quân cờ của hai đại cường cộng sản và Mỹ đã không hiểu đầu óc độc lập của con người Việt Nam, dù là cộng sản hay không. Do những “định kiến” sai lầm đó, cả hai bên đều thấy không có thể thỏa hiệp được với nhau cho đến khi Hoa Kỳ thử thăm dò Bắc Việt về giải pháp trung lập năm 1962, nhưng thất bại.

Trong những buổi thảo luận Mỹ-Việt 1995-1998, McNamara và các đại diện Hoa Kỳ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nếu được Bắc Việt cho biết, dù chỉ là một dấu hiệu nhỏ, về ý muốn độc lập với Liên Xô và Trung Quốc như trường hợp Tito của Nam Tư thì chắc chắn Washington đã sẵn sàng thảo luận với Hà Nội về giải pháp trung lập cho miền Nam và có thể cho tất cả ba nước Đông Dương. Liên Xô sẽ đồng ý với giải pháp này vì không muốn để cho Trung Quốc kiểm soát các nước láng giềng. Trung Quốc cũng có thể chấp nhận ít nhất là trung lập hóa miền Nam Việt Nam, vì như vậy miền Bắc sẽ không đủ mạnh để hoàn toàn độc lập với Trung Quốc trong khi Liên Xô không còn có cơ hội tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á.

Các nhà ngoại giao Bắc Việt đã tỏ ý tiếc không tìm gặp các đại diện Mỹ ngay trong thời gian họp hội nghị Genève 1954 để tìm hiểu lập trường thực sự của Mỹ và thăm dò một giải pháp thích hợp. Dưới đây là một đoạn trao đổi rất thẳng thắn được ghi nhận trong một phiên thảo luận Mỹ-Việt năm 1997:

David Welch: Phái đoàn Việt Nam ở Genève có biết rằng để cho Liên Xô và Trung Quốc cầm đầu mọi cuộc thảo luận thì sau này khó thuyết phục được Hoa Kỳ rằng Bắc Việt không phải là một “bù nhìn” cộng sản hay không?

Lưu Doãn Huỳnh: Điều gì sẽ xảy ra cho quan hệ của chúng tôi với Mỹ? Tôi xin nói rằng đây là một câu hỏi rất quan trọng trong đầu óc của chúng tôi. Chuyện gì sẽ xảy ra khi cường quốc lớn nhất thế giới trở thành kẻ thù của chúng tôi? Nhưng chúng tôi không thể thảo luận điều này ở Giơnevơ. Nhìn lại chuyện đã qua, tôi nghĩ rằng đáng lẽ chúng tôi nên tìm cách gặp gỡ các ông —những người Mỹ— để giải thích cho các ông hiểu các mục tiêu của dân tộc chúng tôi và tìm hiểu thái độ của các ông. Dĩ nhiên trong hoàn cảnh lúc bấy giờ điều đó không phải là đơn giản, nhưng có lẽ là chuyện cần phải làm.

Nhưng trong những ngày đó, tất cả chúng ta —chúng tôi, và cả các ông nữa— đều bị kiềm chế bởi chính sách không làm mích lòng các bạn của mình, bạn của các ông là Pháp và Anh, còn bạn của chúng tôi là Trung Quốc và Liên Xô.

David Welch:… Ở Genève, phái đoàn Viêt Nam không quan tâm đến quan hệ tương lai với Hoa Kỳ hay sao? Hoặc giả các ông có quan tâm, nhưng vì hoàn cảnh ở Genève không cho phép câc ông thảo luận những mối quan hệ với Hoa Kỳ một cách có kết quả?

Lưu Doãn Huỳnh: Chính là vấn đề thứ nhì đấy. Chúng tôi rất quan tâm đến các ông —rằng sau Giơnevơ các ông sẽ là kẻ thù chính của chúng tôi trong tương lai. Ngay sau Giơnevơ, vào tháng Ba 1955, Ủy ban Trung Ương Đảng Lao động Việt Nam đã tuyên bố là từ ngày đó trở đi nước Mỹ là kẻ thù số một và nguy hiểm nhất của chúng tôi. Họ biết như thế. Họ tuyệt đối tin tưởng như thế. Chúng tôi ở trong tình trạng rất khó khăn. Nhưng chúng tôi bị hạn chế khắt khe về những điều có thể nói ở Giơnevơ. 7

Nhân dịp nói đến hội nghị Gennève 1954, Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh có phát biểu một quan điểm thường được Hà Nội nhắc đến để trách cứ Hoa Kỳ. Ông Huỳnh cho rằng ‘‘cơ hội lớn nhất và quan trọng nhất bị bỏ lỡ có thể tránh được chiến tranh là việc không thi hành bầu cử đất nước năm 1956.’’ Ông giải thích :

Bản hiệp định này đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Việt Nam… Chúng tôi tin rằng việc tiến hành bầu cử năm 1956, như đã được quy định bởi hội nghị Giơnevơ là giải pháp tốt nhất. Tại sao chúng tôi nói như vậy? Bỡi vì: thứ nhất, cuộc xung đột có thể được giải quyết một cách tự do và công khai bởi toàn thể nhân dân Việt Nam; và thứ nhì, cuộc bầu cử phù hợp với công pháp quốc tế. Nếu chuyện này đã xảy ra thì cái- gọi-là “Vấn đề Việt Nam” đối với nước Mỹ đã chẳng bao giờ còn phải đặt lại. Không bao giờ. Việt Nam đã được thống nhất và tự do và như vậy cuộc xung đột giữa các phe khác nhau đã không xảy ra.”8

Lời giải thích của ông Huỳnh có hàm ý rằng Bắc Việt đương nhiên sẽ thắng trong cuộc bầu cử năm 1956. Điều này có thể hiểu được vì miền Bắc đông dân hơn và bộ máy tuyên truyền và kiểm soát của Nhà Nước Cộng sản rất hữu hiệu. Trừ khi có bầu cử tự do dưới sự giám sát của quốc tế, gần như 100 phần trăm cử tri ở miền Bắc sẽ bỏ phiếu theo chính phủ miền Bắc, vì dưới chế độ hộ khẩu và phiếu thực phẩm, không ai dám để cho gia đình mình bị đói. Trong khi đó, chính phủ Ngô Đình Diệm còn quá mới, lại phải lo định cư gần một triệu dân di cư từ miền Bắc đồng thởi phải đối phó với những nhóm nổi loạn thân Pháp có vũ khí. Mãi đến giữa năm 1955, sau khi ông Diệm đã dẹp yên loạn quân Bình Xuyên và thuyết phục được các giáo phái đối lập, Hoa Kỳ mới bắt đầu ủng hộ ông mà không ý thức được đầy đủ đầu óc độc lập và bản chất phong kiến ở nơi ông. Giả thử ngay từ 1954, Ngô Đình Diệm và Hoa Kỳ đã hoàn toàn đồng ý với nhau về một chương trình xây dựng một nền dân chủ thực sự ở miền Nam với sự viện trợ mạnh mẽ của Hoa Kỳ về mọi mặt, và nếu cuộc bầu cử được tổ chức trong những điều kiện thông tin, tranh cử và bầu cử thật sự tự do trên toàn quốc, miền Nam có nhiều hi vọng thắng cử. Quả thật, chính quyền miền Bắc trong những năm sau hội nghị Genève đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc khôi phục kinh tế và hàn gắn vết thương chiến tranh và dân chúng phải sống một cuộc đời rất khổ cực. Sách lịch sử ở Việt Nam xác nhận:

Miền Bắc bắt tay vào việc khôi phục kinh tế trong điều kiện hết sức gay gắt của một xã hội vốn là thuộc địa vừa trải qua chiến tranh tàn phá nặng nề. Nông nghiệp, ngành kinh tế chủ yếu của miền Bắc, bị thiệt hại nặng nề: 1,430,000 ha đất bị bỏ hoang, 8 công trình thủy nông lớn và nhiều công trình thủy nông vừa và nhỏ bị phá hủy. Phần lớn ruộng đất chỉ làm một vụ, năng suất rất thấp. Kĩ thuật sản xuất thô sơ, thiên tai nặng nề. Sức kéo chủ yếu là trâu bò nhưng thiếu nghiêm trọng do hàng vạn trâu bò bị giết trong chiến tranh… Nền công nghiệp vốn rất nhỏ yếu lại bị thiệt hại nặng nề. Phần lớn nhà máy, xí nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nguyên liệu, nhiên liệu thiếu nghiêm trọng… Giao thông vận tải, mạch máu của nền kinh tế quôc dân, bị phá hủy nặng nề. Hàng nghìn km đường sắt bị tàn phá, chỉ có hơn 100 km tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng hoạt động; 3,500 cầu cống bị phá hủy… Thương nghiệp bị đình đốn, các hoạt động đầu cơ, nâng giá, lũng đoạn thị trường diễn ra phổ biến… Sản xuất ngưng trệ, lưu thông phân phối khó khăn, hàng hoá khan hiếm nghiêm trọng… Hàng chục vạn người thất nghiệp… Nạn đói lan tràn. Tháng 9-1954, miền Bắc có gần nửa triệu người bị đói… Năm 1955, cả miền Bắc chỉ có 30 kĩ sư và cán bộ kĩ thuật. Mạng lưới y tế lạc hậu, nhiều dịch bệnh như sốt rét, lao phổi, hoa liễu, đau mắt hột… hoành hành phổ biến.9

Trầm trọng hơn nữa là kết quả tàn khốc của chính sách cải cách ruộng đất và chỉnh huấn trí thức lên đến cao điểm trong những năm 1955-1956 đã gây bất mãn và chống đối kịch liệt trong quần chúng, ngay cả trong hàng ngũ đảng viên. Rốt cuộc là tháng Tám 1956 Đảng phải hạ lệnh chấm dứt đợt thứ Năm cải cách ruộng đất, cách chức Tổng bí thư Trường Chinh, ban hành các biện pháp sửa sai. Cả Chủ tịch Hồ Chí Minh lẫn anh hùng Điện Biên Phủ Võ Nguyên Giáp đều phải lên tiếng trước quốc dân nhận lỗi cho Đảng và Chính phủ. (Xem Chương Ba trên đây).

Trước những khó khăn to lớn như vậy của chính quyền miền Bắc, đúng ra là phải trách Hoa Kỳ và Ngô Đình Diệm đã để lỡ một cơ hội có thể thắng cử trong một cuộc bỏ phiếu thống nhất một nước Việt Nam không cộng sản. Riêng phong trào di cư ào ạt từ Bắc vào Nam —chỉ trong thời hạn 300 ngày đã có gần một triệu người ra đi, bất chấp mọi cố gắng ngăn chặn của cán bộ nhà nước— đã cho thấy khuynh hướng chọn lựa của người dân. Dù sao, nêu ra vấn đề miền Nam có thể thắng cử là để nói về một tình trạng chỉ có thể đúng trên lý thuyết, trái với thực tế chính trị, xã hội phức tạp ở miền Nam lúc bấy giờ, chưa kể đến tính chất xung khắc giữa đường lối chính trị Hoa Kỳ và quan niệm trị quốc an dân của Ngô Đình Diệm, về lý do cuộc bầu cử hợp với luật lệ quốc tế như Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh đã nêu ra thì, như đã bàn đến ở Chương Bảy, chính quyền quốc gia miền Nam không bị ràng buộc bởi hiệp định Genève vì hai lý do: QGVN không ký tên trên một hiệp định mà thực chất là một thỏa ước đình chiến giữa Pháp và Việt Minh chứ không phải là một giải pháp chính trị, và QGVN đã được chính phủ Pháp trao trả độc lập hoàn toàn, tức là có quyền quyết định riêng, do hiệp ước Daniel-Bửu Lộc ký trước khi có hiệp định Genève.

Trở lại vấn đề những cơ hội bỏ lỡ trong những năm 1960, ta đã thấy ngoài sự thiếu hiểu biết về chính trị Hoa Kỳ và bang giao quốc tế đưa đến những ngộ nhận và phản ứng tiêu cực, như trong cuộc gặp gỡ Harriman-Ung Văn Khiêm năm 1962 và những cơ hội hoà bình trong thời gian giữa 1965 và 1967, ngay từ 1954, Hà Nội đã không hoàn toàn có tự do trong việc trực tiếp thăm dò và thảo luận với Hoa Kỳ. Như Lưu Doãn Huỳnh đã nhấn mạnh, “Việt Nam là nạn nhân của các cường quốc ở Genèvè” và vẫn còn mắc kẹt với Liên Xô và Trung Quốc trong những năm 1960:

Chúng tôi không muốn có một hội nghị kiểu Giơnevơ để giải quyết cuộc chiến tranh Việt-Mỹ. Chúng tôi muốn có những cuộc hội đàm trực tiếp, song phương Việt-Mỹ để có thể nói lên quan điểm của chính chúng tôi và hành động cho chính quyền lợi của chúng tôi. Nhưng, như các ông biết, chúng tôi không thể nói điều đó một cách công khai vì nó sẽ gây nguy hại cho việc viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc là những nước, chẳng may thay, lại có vai trò trong một hội nghị mới kiểu Giơnevơ.10

Sau hết, còn phải nói thêm về hai nguyên nhân khác của cơ hội bỏ lỡ. Thứ nhất là thái độ nghi ngờ quá đáng của Hà Nội đối với những tín hiệu hòa bình từ phía Mỹ. Khi Tổng thống Johnson mở “chiến dịch trung gian” năm 1965, nhờ cậy hay chấp thuận đề nghị của nhiều cá nhân hay quốc gia làm trung gian để thăm dò Hà Nội về những cuộc thương thuyết với Hoa Kỳ, Hà Nội đã bác bỏ mọi nỗ lực hòa bình ấy, chỉ vì nghi ngờ đây là chiến dịch hỏa mù của Mỹ nhằm đánh lừa dư luận quốc tế trong khi ném bom Bắc Việt và đưa quân chiến đấu Mỹ vào Việt Nam. Johnson đã phải than thở về những nỗ lực thất bại này: “Tôi là một chàng cao-bồi khá giỏi vậy mà tôi đã chẳng quăng giây chụp được một người nào muốn giải quyết chiến tranh bằng thương thuyết. Chúng tôi đã gửi thông điệp cho họ qua các đồng minh —một nước, hai nước, ba nước, bốn hay năm nước… nhưng họ vẫn trả lời là chúng tôi không thể nói chuyện với các ông”.11

Thứ hai là lập trường cứng rắn đối với những quyết định của Hoa Kỳ tạm ngưng ném bom Bắc Việt. Hà Nội đòi Mỹ phải ngưng hẳn ném bom vô điều kiện trước khi chấp thuận hoà đàm, mặc dù Hoa Kỳ chỉ yêu cầu Hà Nội đáp ứng bằng cách tạm ngưng quân viện cho MTGPMN. Không những thế, Hà Nội còn lợi dụng thời gian Mỹ ngưng ném bom để ồ ạt chuyển quân và vũ khí vào miền Nam, “tấp nập như xa lộ New Jersey vào những ngày cuối tuần”. Đã đành quyết định của phe chủ chiến Mỹ “ném bom cho đến khi Bắc Việt trở về thời kỳ đồ đá” là sai lầm vì chỉ làm kiên quyết thêm ý chí chiến đấu của Bắc Việt (tức là của người Việt Nam) — cũng như những vụ oanh tạc Luân Đôn của Đức Quốc Xã thời Đệ nhị Thế chiến chỉ làm tăng thêm tinh thần chiến đấu chống Đức của người Anh— nhưng cách đáp ứng của Hà Nội đối với Mỹ (có lần ngưng ném bom lâu tới hơn một tháng) không phải là thái độ thích hợp để tiến đến thương thuyết. Trước khi Mỹ ngưng ném bom, Liên Xô đã cho biết nếu Mỹ chịu ngưng ném bom vài ba tuần thì Liên Xô sẽ nói với Hà Nội nhận điều đình.12 Lập trường cứng rắn của Hà Nội biểu lộ đầu óc “duy ý chí” hay thái độ “lên gân” mà tác giả Bùi Tín thường hay nhắc đến để chỉ trích các nhà lãnh đạo lỗi thời của Đảng ở Hà Nội.

Bộ Chính Trị của Đảng Lao Động Việt Nam đã áp dụng đúng chiến thuật truyền thống “dùng yếu thắng mạnh” trong lịch sử kháng chiến chống Trung Quốc của dân tộc —có thể gọi là “nhu đạo quân sự”— khi tránh đối đầu với sức mạnh của Mỹ mà chỉ kiên nhẫn chịu đựng và kéo dài cuộc chiến cho đến khi Mỹ phải nản lòng và bỏ cuộc. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Đảng lại không áp dụng chính sách “nhu đạo ngoại giao” mỗi khi có cơ hội có thể chấm dứt cuộc chiến bằng thương thuyết, vấn đề thăm dò lẫn nhau về giải pháp chấm dứt chiến tranh là chuyện bình thường giữa hai đối thủ trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, trừ trường hợp một bên thấy mình mạnh hơn kẻ địch và tin chắc rằng kẻ địch sẽ phải đầu hàng vô điều kiện, vấn đề không phải là sợ bị mất mặt vì có thể bị hiểu là mình yếu (cho nên cần phải “lên gân”), mà là có cơ hội đưa ra các điều kiện hoà đàm có thể đem lại kết quả thuận lợi cho mình. Nếu điều đình không xong thì vẫn có thể tiếp tục đánh cho đến khi đạt được kết quả mong muốn. Xét cho kỹ, quyết định cứng rắn của Hà Nội đã tùy thuộc vào các trường hợp đối phó với Wash­ington: trước vụ Tết Mậu Thân, Hà Nội muốn nói chuyện với Mỹ thì bị Bắc Kinh ngăn cản; sau Mậu Thân, tình hình chống chiến tranh trong nội bộ của Mỹ đưa đến vụ Johnson từ bỏ ý định tái tranh cử Tổng thống đã giúp cho Bắc Việt từ thế bất lợi (vì thất bại trong vụ Mậu Thân) chuyển sang thế thắng lợi.

Hà Nội chỉ thực sự đi ngược lại truyền thống “nhu đạo ngoại giao” trong việc giao thiệp với Washington sau chiến thắng 1975, cứ cương quyết giữ vững lập trường cho đến khi muốn thay đổi thái độ thì đã muộn. Biết rằng không còn trông cậy được vào Liên Xô và Trung Quốc trong công cuộc tái thiết và phát triển thời hậu chiến, Hà Nội mong muốn bình thường hoá các quan hệ ngoại giao và thương mại với Hoa Kỳ. Chỉ hơn một tháng sau ngày Sài-gòn thất thủ, trong một bài diễn văn trước Quốc Hội, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh tiếng mời Hoa Kỳ thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam.13 Ngay sau đó, Việt Nam lại mời đại diện các ngân hàng và công ty dầu hỏa Mỹ sang thảo luận các vấn đề hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, lập trường của Hà Nội là Mỹ phải trả số tiền 4.75 tỉ đô-la mà Nixon đã hứa khi ký hiệp định Paris 1973 (gồm 3.25 tỉ viện trợ tái thiết và 1.5 tỉ viện trợ hàng hoá) trước khi giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích.14 Tổng thống Gerald Ford bác bỏ điều kiện này với lý do Bắc Việt đã vi phạm hiệp định Paris nên lời hứa của Tổng thống Nixon trở nên vô hiệu. Washington muốn trước hết Hà Nội phải đồng ý giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích và trao trả hài cốt của những người đã thiệt mạng, sau đó Hoa Kỳ mới có thể đáp ứng vấn đề giúp đỡ nhân đạo. Cuộc thảo luận giữa đôi bên bị bế tắc cho đến khi Jinmmy Carter đắc cử Tổng thống trong cuộc bỏ phiếu cuối năm 1976.

Tháng Ba 1977, Tổng thống Carter cử một phái đoàn đặc biệt do Đặc sứ Leonard Woodcock cầm đầu đi Hà Nội để thảo luận vấn đề người Mỹ mất tích. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên với phái đoàn Woodcock, Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh vẫn nhắc lại lập trường cố hữu là Hoa Kỳ phải bồi thường chiến tranh trước khi Việt Nam hợp tác giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích. Phiên họp chính thức sau đó của phái đoàn Mỹ với Việt Nam cũng vẫn giậm chân tại chỗ. Trong giờ giải lao, Woodcock phải yêu cầu trưởng đoàn Phan Hiền gặp riêng trong một phiên họp ngắn, không chính thức và không ghi biên bản. Woodcock giải thích cho Phan Hiền hiểu rõ các lý do khiến Tổng thống Carter cử phái đoàn đặc biệt đi Việt Nam và nhấn mạnh rằng nếu Việt Nam muốn bình thường hoá quan hệ với Mỹ thì đây là cơ hội duy nhất, vì “Các ông sẽ chẳng bao giờ có một phái đoàn Mỹ thuận lợi cho các ông như thế này… Nếu chúng tôi trở về Mỹ với một bản phúc trình tiêu cực thì các ông có thể quên chuyện bình thường hoá quan hệ với Mỹ trong mười hay mười hai năm nữa.”15

Cuộc thảo luận chính thức sau đó tiến hành khả quan hơn khi Phan Hiền đề nghị thảo luận vấn đề người Mỹ mất tích cũng như vấn đề viện trợ kinh tế trên căn bản nhân đạo. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm với phái đoàn Mỹ rằng vấn đề viện trợ là “một nghĩa vụ cần được thực hiện với tất cả lương tâm và tinh thần trách nhiệm của các ông.” Để chứng tỏ thiện chí, Việt Nam trao cho phái đoàn Wcodcock mười hai bộ hài cốt quân nhân Mỹ thiệt mạng ở Việt Nam. Tổng thông Carter rất hài lòng về kết quả cuộc tiếp xúc chính trị đầu tiên này và nghĩ rằng Việt Nam đã sẵn sàng quên chuyện quá khứ và không còn đòi viện trợ như một điều kiện tiên quyết cho vấn đề quan hệ bình thường giữa hai nước. Ông cho phép các tổ chức nhân đạo Mỹ giúp cho Việt Nam 5 triệu đô-la. Bộ Ngoại Hoa Kỳ cũng cho biết sẽ không chống việc Việt Nam xin gia nhập tổ chức Liên Hiệp Quốc. Đầu tháng Năm, Phụ tá Ngoại trưởng Richard Holbrooke sang Paris để thảo luận với Thứ trưởng Phan Hiền tiếp theo chuyến đi Hà Nội của Phái đoàn Woodcock. Cuộc gặp gỡ này không thành công vì Hà Nội vẫn nhắc lại lời hứa của Nixon và đòi Washington phải làm tròn “nghĩa vụ tinh thần” đối với Việt Nam. Holbrooke cho biết là chuyện viện trợ chỉ có thể được xét đến sau khi, chứ không phải trước khi, Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Trước khi Holbrooke trở lại Paris gặp Phan Hiền vào đầu tháng Sáu thì đã có một số biến chuyển bất lợi xảy ra cho Hà Nội. Khi được tin Phan Hiền họp báo ngày 4 tháng Năm nói về việc Mỹ có bổn phận phải viện trợ cho Việt Nam, thì ngay ngày hôm sau Quốc Hội Mỹ thông qua một bản tu chính do dân biểu William Ashbrook đề nghị “ngăn cấm chính phủ điều đình về bồi thường, viện trợ, hay bất cứ một hình thức trả tiền nào khác” cho Việt Nam. Ngay trước khi lên đường sang Paris, Holbrooke lại được Cục Điều Tra Liên Bang (FBI) báo tin là trong Bộ Ngoại giao có gián điệp gửi tài liệu cho Hà Nội. Lần này, Việt Nam cho thêm tin tức về hai chục quân nhân Mỹ mất tích, nhưng Holbrooke vẫn chỉ có thể hứa về việc viện trợ gián tiếp sau khi hai bên có quan hệ ngoại giao, nhất là vì chính phủ Mỹ đang bị khó khăn với Quốc hội. Cuộc hội đàm vòng hai này vẫn không tiến được hơn lần trước. Để gây cản trở thêm cho những cuộc thảo luận về bang giao giữa hai nước, Quốc hội Mỹ lại tỏ rõ thái độ chống Việt Nam bằng quyết định chính thức phủ nhận lời hứa của Nixon viện trợ cho Hà Nội, và bác bỏ luôn lá thư của Carter yêu cầu Quốc hội cho phép các cơ quan tài chánh thế giới cho Việt Nam vay tiền.

Khi Holbrooke gặp lại Phan Hiền lần thứ ba vào tháng 12, 1977 thì Hà Nội không còn đòi Mỹ viện trợ trước khi có bang giao. Phan Hiền đề nghị hai giai đoạn: giai đoạn A, hai nước bình thường hoá các quan hệ; giai đoạn B, Hoa Kỳ lặng lẽ chấp thuận viện trợ cho Việt Nam. Phan Hiền nói với Holbrooke: “Ông chỉ cần rỉ tai cho tôi biết số tiền viện trợ là đủ.” Holbrooke trả lời là ông không có thẩm quyền quyết định. Holbrooke cũng không thỏa mãn đề nghị của Phan Hiền về việc Mỹ bỏ phong tỏa kinh tế như một bước đầu tiên đến quan hệ bình thường. Holbrooke cho biết mục đích cuộc gặp gỡ lần này chỉ là đề nghị việc hai bên thiết lập văn phòng liên lạc ở thủ đô của mỗi nước trong khi chờ đợi giải quyết các vấn đề khác và thiết lập đầy đủ các quan hệ ngoại giao. Việt Nam từ chối đề nghị này.16 Vài tháng sau, Hà Nội bỏ điều kiện viện trợ và muốn xúc tiến các thủ tục bang giao. Giữa năm 1978, một phái đoàn Dân biểu Mỹ do Sonny Montgomery cầm đầu sang Việt Nam tìm hiểu vấn đề người mất tích. Việt Nam lại tự ý trao cho phái đoàn 15 bộ hài cốt của quân nhân Mỹ. Mặc dù tất cả những dấu hiệu tốt đẹp ấy, Tổng thống Carter vẫn nghe theo đề nghị của Cố vấn An ninh Zbigniew Brzezinski quyết định bỏ Việt Nam và thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào cuối năm 1978. Đúng như lời khuyến cáo trước đây của Woodcock, nếu Việt Nam để lỡ cơ hội năm 1977 thì việc bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ phải bị trì hoãn tới mười hay mười hai năm nữa. Thực tế là mười tám năm sau, Mỹ mới bãi bỏ cấm vận và thêm một năm nữa mới thiết lập Đại sứ quán ở Hà Nội.

Sai lầm của Hà Nội là đã quá cứng rắn trong việc tiếp tục đòi chính quyền Carter phải trả tiền bồi thường chiến tranh sau khi chính quyền Ford đã cương quyết gạt bỏ vì Hà Nội đã vi phạm hiệp định Paris bằng việc tiến chiếm miền Nam. Hà Nội đã không biết rằng dù Carter đã thắng cử, đa số trong Quốc Hội Mỹ vẫn không có thiện cảm đối với Hà Nội và sẽ phản ứng bất lợi trước những đòi hỏi của Hà Nội. Những nhà lãnh đạo Hà Nội lại không nghĩ đến chuyện Hoa Kỳ đã bắt tay với Trung Quốc từ năm 1973 và đang tiến đến việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa hai nước, do đó Việt Nam không thể bỏ lỡ cơ hội tranh thủ cảm tình của Hoa Kỳ. Thực ra, cơ hội tốt nhất là phiên họp lần đầu tiên hồi tháng Năm, 1977 giữa Holbrooke và Phan Hiền sau chuyến đi của phái đoàn Woodcock. Phiên họp thứ hai một tháng sau đó vẫn còn có hi vọng tiến đến bang giao, nhưng sau phiên họp thất bại này thì tất cả chỉ còn là những cố gắng vớt vát, dù có đạt được thoả hiệp thì cũng khó được sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ. Hà Nội cũng không hay biết rằng khi Holbrooke và Phan Hiền gặp nhau lần thứ ba thì cơ quan FBI đang theo dõi Ronald Humphrey, một viên chức của Sở Thông Tin Hoa Kỳ (USIA), từ mấy tháng trước đã sao chép những công điện mật vào loại thấp của Bộ Ngoại giao để chuyển cho Đại sứ Đinh Bá Thi, Đại diện Thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ở New York, qua trung gian của David Trương, tức Trương Đình Hùng, một Việt kiều ở Mỹ từ trước 1975.17 Humphrey và Trương đều bị kết án tù năm 1978 còn Đại sứ Thi bị trục xuất về nước.

Đối Với Việt Nam Cộng Hoà

Khác với McNamara đã tự nhận là không hiểu biết gì về lịch sử và văn hóa Việt Nam nhưng vẫn cho rằng ở Việt Nam chỉ có người cộng sản mới thật sự yêu nước, các nhà lãnh đạo Bắc Việt thừa biết rằng có rất nhiều người yêu nước không phải là cộng sản và hai phe quốc gia-cộng sản đã có một lịch sử “không đội trời chung” từ những năm cuối thập niên 1920 khi cùng chiến đấu chống chế độ thực dân Pháp. Chương Một đã nói khá đầy đủ về lịch sử cuộc xung đột quốc-cộng này, từ mầm mống dị biệt về tư tưởng đến những cuộc tranh chấp chính trị gay go và những cuộc thanh toán đẫm máu nhất giữa hai bên trong những năm 1945-1946. Vì vậy ở đây chỉ cần nhắc lại rằng sai lầm căn bản của đảng cộng sản Việt Nam là đã quyết liệt triệt hạ các đảng phái quốc gia, loại trừ tất cả những người yêu nước không tuân phục mình, do đó làm hỏng cơ hội có thể thực sự đoàn kết được đại khối dân tộc trong cuộc chiến đấu chống Pháp giành độc lập.

Hồ Chí Minh có thể đã sớm có ý muốn về một nước Việt Nam độc lập, không những đối với Pháp mà còn đối với cả cộng sản quốc tế nữa. Nhưng ông vẫn muốn có một nước Việt Nam dưới chế độ cộng sản dân tộc18 và không thể chấp nhận những khuynh hướng chính trị khác. Mọi hình thức hợp tác với các đảng phái quốc gia chỉ là phương tiện nhất thời để đạt được mục tiêu trước mắt là thắng Pháp. Việc thành lập Mặt trận Việt Minh và những chính phủ liên hiệp năm 1945, 1946 là những bằng chứng cụ thể của mưu lược chính trị này. Nhưng công cuộc thanh trừng các đảng phái quốc gia và thành tích cộng sản quốc tế của Hồ Chí Minh đã khiến ông gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc tranh đấu cho nền độc lập của xứ sở để rốt cuộc phải lệ thuộc vào Trung Quốc. Cũng vì những lý do này mà sau khi thắng được Pháp, Hồ Chí Minh lại phải chấp nhận để cho hội nghị quốc tế Genève, với sự đồng lõa của Liên Xô và Trung Quốc, chia đôi đất nước, dẫn đến một cuộc nội chiến khốc liệt trong hai mươi năm.

Ở đây cần nhắc đến một sự kiện lịch sử cần được nhận định cho thật khách quan. Đó là việc Hồ Chí Minh thả tự do cho Ngô Đình Diệm năm 1946. Tháng Chín 1945, Ngô Đình Diệm bị Việt Minh bắt trên đường từ Sài-gòn ra Huế. Ông bị đưa lên vùng Việt Bắc giam giữ và suýt chết vì bệnh sốt rét. Tại đây ông được tin anh ruột ông là Ngô Đình Khôi và người con trai của ông Khôi là Ngô Đình Huân bị Việt Minh hạ sát tại Huế. Sáu tháng sau, Hồ Chí Minh hạ lệnh đưa ông Diệm về Hà Nội với mục đích mời ông Diệm tham gia chính phủ liên hiệp. Stanley Karnow ghi lại câu chuyện này theo lời kể của ông Diệm:

DIỆM: Ông muôn tôi làm gì?

HỒ : Tôi muốn ông làm chuyện ông vẫn muốn tôi làm, tức là hợp tác để tranh đấu cho đất nước được độc lập. Chúng ta cùng theo đuổi một mục đích. Chúng ta cần phải làm việc với nhau.

DIỆM: Ông có tội tàn phá đất nước và ông đã bắt giam tôi.

HỒ: Tôi xin lỗi về chuyện đáng tiếc đó. Khi dân chúng bị ức hiếp nổi dậy, lỗi lầm không thể tránh được và chuyện bi thảm xảy ra. Nhưng tôi vẫn luôn luôn tin rằng hạnh phúc của nhân dân vượt lên trên những lỗi lầm đó. Ông có những điều oán hận chúng tôi, ta hãy nên quên đi.

DIỆM: Ông muốn tôi quên chuyện những người của ông đã giết chết anh tôi hay sao?

HỒ : Tôi không biết gì về chuyện đó. Tôi không dính dấp gì tới cái chết của anh ông. Tôi cũng buồn phiền như ông về những chuyện quá đáng ấy. Làm sao tôi có thể làm một chuyện như thế khi tôi cho mời ông đến đây? Không những thế, khi cho đưa ông đến đây là tôi muốn mời ông giữ một chức vụ quan trọng trong chính phủ.

DIỆM: Anh tôi và con trai ông chỉ là hai trong số hàng trăm người đã bị giết —và hàng trăm người khác đã bị phản bội. Sao mà ông dám mời tôi làm việc với ông?

HỒ: Đầu óc ông chỉ nghĩ đến chuyện đã qua. Ông hãy nghĩ đến tương lai — chuyện giáo dục, chuyện cải thiện mức sống của nhân dân.

DIỆM: Ông nói mà không suy nghĩ. Tôi làm việc vì lợi ích của quốc gia nhưng không chịu bị áp lực. Tôi là một người tự do. Tôi sẽ luôn luôn là một người tự do. Ông nhìn mặt tôi coi. Tôi có phải hạng người sợ áp bức hay sợ chết không?

HỒ: Ông là một người tự do.19

Ông Diệm được Hồ Chí Minh cho ra về tự do. Đối với khách bàng quan, hành động của ông Hồ rất đáng khâm phục, chứng tỏ ông là một nhà lãnh đạo rộng lượng. Nhưng quyết định này của ông Hồ cũng phải được hiểu là ông đang cần chinh phục cảm tình của giới Công giáo, nhất là những người đang hợp tác với Mặt trận Việt Minh để chống Pháp. Các lãnh tụ Việt Minh khác rất bất mãn về việc Hồ Chí Minh thả Ngô Đình Diệm. Họ kết án ông Diệm tử hình vắng mặt và tìm cách ám sát ông. Khi ông Diệm yêu cầu Pháp bảo vệ, ông được trả lời là không có đủ nhân viên an ninh để bảo vệ ông. Tháng Tám 1950, ông trốn ra nước ngoài.20

Lời kể chuyện của ông Diệm như được tường thuật lại trên đây không tránh khỏi tính chất tự đề cao, nhưng chỉ riêng việc ông Diệm từ chối hợp tác với ông Hồ trong hoàn cảnh lúc bấy giờ cũng đủ chứng tỏ khí phách của một người yêu nước không cộng sản. Năm 1963, khi nói chuyện về Ngô Đình Diệm với Ramchundur Goburdhun, Chủ tịch Ủy hội Kiểm soát Đình chiến ở Việt Nam, Hồ Chí Minh xác nhận ông Diệm là “một người yêu nước, theo cách của ông ấy.”21 Công bằng mà nói, ông Diệm có thể bị chỉ trích là độc tài và có nhiều chính sách sai lầm nhưng rõ ràng ông không phải là “bù nhìn” của Mỹ cũng như ông Hồ không phải là “bù nhìn” của Trung Quốc. Một nhà ngoại giao Mỹ ở Sài-gòn đã phát biểu với các đồng nghiệp một nhận xét dí dỏm nhưng khá chính xác rằng ông Diệm là “một bù nhìn tự giật giây lấy và giật giây luôn cả chúng ta nữa.”22

Dĩ nhiên là khi đang có chiến tranh, không ai có thể nói tốt cho kẻ thù của mình, vì thế Bắc Việt không thể nhìn nhận đây là một cuộc chiến tranh giữa hai phe chống nhau vì ý thức hệ và có quan niệm trái ngược nhau về tương lai của đất nước. Vì lý do tuyên truyền để giành lấy chính nghĩa, cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước” cũng đồng thời là cuộc chiến chống “ngụy quân, ngụy quyền” là chính phủ VNCH phải được gán cho tội danh là một lũ “bù nhìn” được Mỹ sử dụng với mục đích dùng người Việt giết người Việt. Thực chất cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc là một cuộc nội chiến giữa quốc gia và cộng sản và, vì mỗi bên đều dựa vào sự viện trợ quân sự và kinh tế của đồng minh của mình, đây cũng là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa hai khối tư bản (do Hoa Kỳ lãnh đạo) và cộng sản (do Liên Xô và Trung Quốc cầm đầu ). Đáng tiếc là các đảng phái quốc gia và cộng sản đã giết hại nhau quá nhiều, nhất là trong thời gian Việt Minh nắm được lợi thế năm 1946 mở chiến dịch truy lùng và tàn sát các phần tử quốc gia. Trong Nam, để giành độc quyền lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Đảng Cộng sản đã bắt cóc và thủ tiêu nhiều trí thức yêu nước không cộng sản và nhiều chức sắc của hai tôn giáo có quân đội riêng là Cao Đài và Hòa Hảo, đặc biệt là vụ ám sát Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Vì đã gây nên oán thù chồng chất với những tổ chức chính trị và tôn giáo ở cả hai miền Nam, Bắc, đảng Cộng sản rất khó lòng được các phe phái đối lập tin cậy và đồng ý nói chuyện về vấn đề hợp tác vì lợi ích chung của dân tộc.

Từ những năm cuối thập kỷ 1950, trước mối mâu thuẫn Liên Xô-Trung Quốc càng ngày càng trầm trọng, Bắc Việt đã không còn ảo tưởng gì về tình đoàn kết của cộng sản quốc tế và rất lo ngại về một cuộc đụng độ quân sự với Hoa Kỳ. Trong kỳ Đại hội đầu tiên của MTGPMN vào tháng Hai 1962, Hà Nội đã chú trọng tìm kiếm một giải pháp trung lập cho miền Nam. Điều sai lầm của Hà Nội là đã để lỡ cơ hội trong cuộc gặp gỡ Ung Văn Khiêm- Harriman ngày 23 tháng Bảy 1962 khi hội nghị Genève về Lào kết thúc. Vào thời điểm đó, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và VNCH cũng đang căng thẳng cao độ, nếu Hồ Chí Minh và Lê Duẩn cho thấy ý muốn độc lập với Liên Xô và Trung Quốc thì Hoa Kỳ cũng sẵn sàng từ bỏ những cố gắng ép buộc Ngô Đình Diệm phải để cho Hoa Kỳ đưa thêm “cố vấn quân sự” vào Việt Nam và điều khiển cuộc chiến tranh chống Bắc Việt. Tình thế đó rất thuận lợi cho Hà Nội thương thuyết với cả Washington lẫn Sài-gòn về giải pháp trung lập hoá miền Nam và có thể cho cả hai miền Nam, Bắc. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra nếu các nhà lãnh đạo Bắc Việt thật tình yêu nước hơn yêu chủ nghĩa cộng sản. Thực tế thì Bắc Việt và MTGPMN không thể không lợi dụng tình hình chính trị bất ổn ở miền Nam vào lúc đó để mưu tính thành lập một chính quyền trung lập không có Ngô Đình Diệm.

Một sai lầm khác của Hà Nội có lẽ còn nghiêm trọng hơn nữa là chính sách đối xử với những viên chức và quân nhân VNCH. Chính sách này không phải chỉ nhắm vào việc trả thù cá nhân những người làm việc dưới một chế độ đã cáo chung mà còn trừng phạt luôn cả gia đình của họ, hậu quả là đã dự phần không nhỏ vào việc làm tê liệt sự phát triển của đất nước và thực tế là đẩy đất nước vào tình trạng nghèo đói và tụt hậu. Về mặt tinh thần chính sách này đã để lại một vết thương sâu trong lòng dân tộc, gây oán hận cho hàng trăm ngàn gia đình ở miền Nam kể cả gia đình của nhiều người “có công với cách mạng”. Đó là chính sách “học tập cải tạo” đã được áp dụng một cách tàn bạo, trái ngược với chủ trương “hòa giải và hòa hợp dân tộc” thường được các nhà lãnh đạo miền Bắc nhắc đến trước ngày chiến thắng, hoặc theo như lời tuyên bố của Phạm Hùng, Đại diện Đảng Lao Động Việt Nam, trong ngày lễ ăn mừng đại thắng: “Chỉ có đế quốc Mỹ là kẻ bại trận. Tất cả mọi người Việt Nam đều thắng trận. Bất cứ người nào mang dòng máu Việt Nam đều phải hãnh diện vì thắng lợi chung của cả nước. Các bạn, nhân dân của Sài-gòn, giờ đây các bạn là chủ nhân thành phố của mình.”23

Đầu tháng Năm 1975, chính phủ ra thông cáo yêu cầu tất cả quân nhân công chức các cấp của chế độ cũ, nhân viên làm việc cho các cơ quan của Mỹ và các thành phần lãnh đạo các đảng phái chính trị, đều phải ra trình diện để tham dự những khoá học tập chính sách mới. Theo thông cáo này, những binh lính và nhân viên cấp dưới sẽ học tập ba ngày, những binh sĩ và nhân viên hạng trung phải học khóa mười ngày, những sĩ quan và viên chức cao cấp và những người lãnh đạo các đảng phái phải tham dự khoá học ba mươi ngày. Chương trình, ngoài phần tội ác của Mỹ và chính phủ bù nhìn”, lịch sử và lý thuyết cách mạng, và chính sách của chính phủ. còn có phần tự kiểm thảo và phê bình lỗi lầm của người khác. Tất cả mọi người của chế độ cũ, đang hồi hộp chờ đợi một cuộc tắm máu, đều đón nhận tin tức về những khóa học tập này như một biện pháp khoan hồng của chính quyền cách mạng, tin tưởng rằng sau thời hạn học tập ấn định sẽ được trở về làm việc ở nhiệm sở cũ hoặc trở về cuộc sống bình thường của người dân trong một xã hội mới. Hầu hết mọi người đều trình diện đi học tập đúng theo lời yêu cầu của nhà nước. Nhiều văn nghệ sĩ và ký giả cũng bị bắt đưa đi học tập.

Như thực tế đã cho thấy, đặc biệt đối với đa số những người thuộc diện học tập ba mươi ngày —nói cho đúng là tù nhân lao động cải tạo— thời gian cải tạo không phải là một tháng hay ba tháng mà lâu tới ba năm hay năm năm, bị đưa đi giam giữ và hành hạ ở nhiều nơi khác nhau. Nhiều người bị tù đày như thế cho đến ngày có thỏa ước Việt-Mỹ (29.7.1989) cho phép những người tù cải tạo từ ba năm trở lên được đi định cư tại Hoa Kỳ. Một số bị bắt đi bắt lại nhiều lần, một số còn bị giam giữ cho đến những năm gần đây. Một chính sách trả thù như thế chỉ thấy có ở những nước chậm tiến, thiếu tầm nhìn về sức mạnh của dân tộc và tương lai của đất nước, nhất là trong một thời đại cần hợp tác và cạnh tranh với các nước lân bang và thế giới. Không kể thành phần những người đi học tập ngắn hạn, riêng con số bị đưa đi lao động cải tạo đã lên đến khoảng ba trăm ngàn người. Ngoài ra, còn biết bao nhiêu người khác bị bắt giữ, hành hạ hay sát hại một cách tùy tiện ở các địa phương do mục đích trả thù cá nhân hay để tống tiền mà không có hồ sơ chính thức. Vợ con của những người bị bắt đi cải tạo hay bị sát hại đó cũng trở thành nạn nhân của những biện pháp kỳ thị và ngược đãi. Tổng số nạn nhân đủ loại như vậy có thể lên tới vài triệu. Điều đó giải thích tại sao trong cộng đồng người Việt tị nạn ở nước ngoài vẫn còn có nhiều người oán thù nhà nước cộng sản dù cho họ không còn toan tính chống đối bằng bạo động nữa.

Hầu hết những người trong Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTGPMN), Liên Minh các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình (LMDTDCHB) và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CPCMLT) đều có thân nhân xa gần là nạn nhân của chính sách học tập cải tạo. Mặc dù có công lớn với cách mạng, họ cũng chịu bất lực, không giúp đỡ được gì cho thân nhân của họ. Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch LMDTDCHB, có người con rể là bác sĩ quân y bị đưa đi cải tạo. Trương Như Tảng, Cựu Bộ trưởng Tư pháp của CPCMLT, có hai người anh và em ruột được chính ông lái xe đưa đi trình diện học tập “ba mươi ngày”. Sau nhiều lần yêu cầu, hai ông Thảo và Tảng mới được phép tới thăm trại giam ở Long Thành bằng cách ngồi trên xe hơi của nhà nước chạy vòng quanh trại để chỉ được nhìn thấy mặt thân nhân nhưng không được nói chuyện. Hai Thuận, một “chiến sĩ cách mạng” đã đi theo Việt Minh chống Pháp và bỏ lại vợ con để ra Bắc tập kết năm 1954, sau khi trở về sum họp với gia đình đã không can thiệp được cho người con trai là sĩ quan “ngụy”. Vì quá uất hận và hổ thẹn với gia đình, ông đã nhảy từ lầu sáu của một cao ốc ở đường Lê Lợi để tự tử.24 Đây chỉ là những thí dụ điển hình cho hàng trăm hay có thể hàng ngàn trường hợp tương tự trong các gia đình ở miền Nam có công với cách mạng. Một chính sách đối xử cạn tàu ráo máng đến như thế đã không tránh khỏi gây nên nỗi bất bình trong lòng người dân miền Nam và đào sâu thêm hố ngăn cách giữa hai miền Nam, Bắc. Vấn đề này sẽ được thảo luận kỹ hơn ở dưới đây.

Đối với MTGPMN

Vấn đề đầu óc địa phương thì ở đâu cũng có do bản năng bảo vệ cá tính và những sắc thái đặc thù của mỗi miền, mỗi tỉnh —có khi là mỗi làng— trong một nước. Đó là tình trạng đồng nhất trong sai biệt của mỗi dân tộc. Nước Việt Nam, nói chung, chỉ có một dân tộc cùng chung một nguồn gốc, ngôn ngữ, lịch sử và văn hoá. Thời Trịnh, Nguyễn phân tranh, đất nước bị chia đôi trong hơn một trăm năm là do sự tranh chấp quyền lợi giữa hai dòng họ xuất phát từ cùng một gia đình quyền quí thời phong kiến. Nhưng trong suốt thời gian ấy, dân tộc Việt Nam vẫn là một và đất nước chỉ phân làm hai nửa gọi là Đàng Ngoài (Bắc) và Đàng Trong (Nam). Đến khi triều đại Tây Sơn, rồi tiếp theo là Gia Long, thống nhất đất nước thì hai miền Nam Bắc lại thông thương sinh hoạt dưới sự cai trị của một bộ máy chính quyền quân chủ. Khi thực dân Pháp đem quân xâm lăng Việt Nam, triều đình nhà Nguyễn phải đầu hàng vì thuyền bè và gươm đao không thể chống lại được tàu chiến và súng đạn. Với chính sách “chia để trị”, Pháp lại phân chia Việt Nam thành ba “kỳ” dưới những chế độ cai trị khác nhau. Tuy nhiên, trong gần một trăm năm dưới sự đô hộ của Pháp, công cuộc tranh đấu giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước được diễn ra liên tục từ Nam chí Bắc, dưới mọi hình thức với sự tham gia của mọi tầng lớp dân chúng.

Nước Việt Nam nhỏ hẹp mà lại dài cho nên những yếu tố địa lý và kinh tế địa phương đã tạo thành những sắc thái đặc thù của mỗi miền. Miền Bắc, vì ở sát nách với Trung Quốc và phải thường xuyên đối phó với mối đe dọa từ cường quốc phương Bắc, đã phát triển được khả năng tồn tại của một nước nhỏ yếu, đó là mưu lược về quân sự cũng như về ngoại giao. Ngoài ra, nhờ khí hậu bốn mùa thay đổi, dân miền Bắc có nhiều khả năng thích ứng và đầu óc lanh lợi trong việc đối phó với đối phương. Quả thật, trong lịch sử chống quân xâm lăng Trung Quốc, từ Lê Đại Hành và Lý Thường Kiệt đánh quân nhà Tống, Trần Hưng Đạo phá quân Mông cổ, đến Lê Lợi chống quân Minh, tất cả những cuộc chiến thắng đều không phải do đối đầu bằng vũ lực mà đều nhờ mưu kế dụ địch hay nghi binh. Sau này, Nguyễn Huệ, dù là người miền Trung, cũng đã áp dụng chiến thuật truyền thống “dùng yếu thắng mạnh” để đánh bại được quân Thanh, về ngoại giao, để duy trì hòa bình, các vua chúa Việt Nam đều giữ lệ triều cống Trung Quốc. Các phái đoàn sứ giả đi triều cống ba năm một lần đều phải là những người học rộng biết nhiều và trí óc lanh lợi để có thể vượt qua được những cuộc thử tài của triều đình thiên tử. Khi có chiến tranh, thì sau mỗi lần chiến thắng, vua Việt Nam lại lập tức phái sứ giả đem lễ vật sang triều đình Trung Quốc dùng lời lẽ khéo léo để tạ lỗi. Việc sử dụng mưu trí như một sức mạnh đối phó với ngoại bang cũng được áp dụng trong việc cạnh tranh giữa người trong nước với nhau. Miền Bắc, do đó có nhiều mưu sĩ chính trị giỏi, và trong đời sống giao thiệp hay làm ăn buôn bán hàng ngày, có nhiều người ăn nói khôn khéo nhưng thiếu lòng thành thật.

Miền Trung đất hẹp và thiếu tài nguyên thiên nhiên, trước mặt là biển cả mênh mông, sau lưng là núi rừng hiểm trở. Người dân ngoài việc phải làm lụng vất vả mới đủ ăn còn phải đối phó với thiên tai bão lụt xảy ra hàng năm. Vì phải thường xuyên phấn đấu cho cuộc sống, người miền Trung rèn luyện được tinh thần chịu đựng và lòng kiên trì, một khi đã tin tưởng ở điều gì thì sẽ quyết tâm theo đuổi cho tới khi đạt được ý nguyện. Nhờ đức tính ấy, những người làm chính trị gốc miền Trung hầu như luôn luôn nắm vai trò lãnh đạo, thường có khuynh hướng bảo thủ và rất dễ trở thành độc tài.

Miền Nam thì vườn ruộng phì nhiêu, lúa gạo, cây trái và tôm cá lúc nào cũng có sẵn. Người dân không cần phải làm việc nhiều cũng vẫn có một đời sống no đủ và nhàn tản. Những người có khả năng kinh doanh thường dễ trở nên giàu có, và nhờ có nhiều người ngoại quốc đến làm ăn, các hoạt động kinh tế ở trong Nam phát triển mạnh mẽ nhất nước. Tính tình dân miền Nam, do đó, thật thà và rộng rãi, nhưng không có ý chí kiên nhẫn như người miền Trung và khả năng ngoại giao bằng người miền Bắc. Nếu người Việt Nam ở mỗi miền, thay vì có đầu óc kỳ thị địa phương, biết học được những ưu điểm của nhau thì dân tộc Việt Nam sẽ có nhiều hi vọng được sống lâu dài trong hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc.

Nam Kỳ là miền đất mới của Việt Nam, bắt đầu mở mang từ thế kỷ XVII, hoàn tất chưa được bao lâu thì bị Pháp tới xâm lăng. Sau gần một trăm năm sống dưới chế độ thuộc địa, lại có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nước Tây phương, dân chúng “Nam kỳ” đã tiếp nhận ảnh hưởng của Pháp nhiều hơn là dân chúng “Bắc kỳ” và “Trung kỳ” sống dưới chế độ bảo hộ. Sau hội nghị Genève 1954, dân miền Nam lại có thêm hai mươi năm sống dưới một chế độ chưa hẳn là dân chủ nhưng nhiều tự do hơn miền Bắc, thường xuyên giao dịch với Hoa Kỳ và quốc tế, cho nên đời sống vật chất – tinh thần giữa hai miền có nhiều điểm rất khác nhau. Một số trí thức bất mãn với chính sách độc tài của Ngô Đình Diệm đã liên kết với Hà Nội để thành lập MTGPMN với mục tiêu lật đổ chính quyền Diệm và thành lập một chính phủ liên hiệp dân tộc và dân chủ ở miền Nam trong khi chờ đợi thống nhất tổ quốc. Điều này được xác định trong Điều IX của bản Chương trình của MTGPMN ngày 20.12.1960 như sau:

IX. Thiết lập Quan hệ Bình thường giữa Hai Miền và Tiến tới Thống nhất Tổ quốc trong Hòa bình.

…MTGPMN thực hiện từng bước thống nhất tổ quốc bằng những phương tiện hòa bình, trên nguyên tắc đàm phán và thảo luận giữa hai miền về mọi hình thức và biện pháp có lợi ích cho dân tộc và tổ quốc Việt Nam.

Trong khi chờ đợi thống nhất dân tộc, Chính phủ của hai miền sẽ đàm phán và quyết định không tuyên truyền chia rẽ hay chuẩn bị chiến tranh, không sử dụng quân lực để chống lại nhau. Trao đổi kinh tế và văn hoá giữa hai miền. Bảo đảm cho nhân dân hai miền được tự do đi lại và trao đổi thương mại, và quyền thăm viếng và trao đổi thư tín với nhau.25

Điều này còn được xác nhận và khai triển thêm trong bản Cương lĩnh Chính trị của Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ và Hoà bình (LMDTDCHB) ngày 31.7.1968 cũng như Chương trình Hành động của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CPCMLT) ngày 10.6.1969.26 Khẩu hiệu “Xây dựng Xã hội Chủ nghĩa ở miền Bắc, Thực hiện Cách mạng Dân tộc Dân chủ ở miền Nam” thường được nhắc đi nhắc lại trong các bản tuyên cáo, bình luận báo chí hay đài phát thanh, và ngay cả trong các tài liệu nội bộ của Đảng. Quan điểm của Hà Nội về một chính phủ trung lập ở miền Nam và thời gian chờ đợi để thống nhất được Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh phát biểu như sau:

Chúng tôi coi chế độ trung lập của miền Nam Việt Nam chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp tiến đến thống nhất xứ sở… Chúng tôi coi thống nhất là một tiến trình từng bước một. Chúng tôi cũng tin là trong thời gian chuyển tiếp chúng tôi sẽ có một chính phủ hợp nhất với hai chế độ, xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và trung lập chế ở miền Nam. Tình trạng cũng giống như Trung Quốc và Hồng Kông ngày nay —một nước với hai hệ thống— không phải mãi mãi, mà chỉ trong một thời kỳ nhất định.

Quí vị sẽ hỏi: Thời kỳ này kéo dài bao lâu? Dĩ nhiên là các nhà lãnh đạo ở Việt Nam không có cách nào biết được thời kỳ này sẽ là bao nhiêu lâu. Tôi có thể cho quí vị biết quan điểm của tôi, và tôi có thể nói rằng quan điểm này không phải chỉ là của riêng tôi mà nó cũng biểu thị ít nhiều những cuộc nói chuyện của chúng tôi hồi đó về vấn đề này. Thời gian trung lập chuyển tiếp sẽ kéo dài bao lâu? Từ mười đến hai mươi năm. Đại khái như vậy.27

So sánh quan niệm của MTGPMN và của Hà Nội về chính phủ liên hiệp trung lập ở miền Nam và thời gian chuyển tiếp tiến đến thống nhất, ta thấy có mầm mống của những điểm khác biệt có thể trở thành những mâu thuẫn lớn về sau.

Về bản chất của chính phủ trung lập ở miền Nam Việt Nam, Hà Nội quan niệm đây chỉ là một hình thức chuyển tiếp để tiến đến xã hội chủ nghĩa khi thống nhất. Như Đại sứ Nguyễn Đình Phương, Giám đốc Vụ Âu châu của bộ Ngoại giao, đã phát biểu : “Cuộc chiến đấu cho nền độc lập được đặt dưới sự lãnh đạo của một Đảng. Những chính sách và nguyên tắc hướng dẫn cho việc thống nhất do Đảng ấn định phù hợp với ước vọng và nguyện vọng của nhân dân ở miền Nam cũng như miền Bắc.”28 Đây là một ý kiến chủ quan cho rằng toàn dân đã theo Đảng Cộng sản. MTGPMN cũng xác nhận chính phủ trung lập sẽ thực hiện thống nhất từng bước, nhưng không đương nhiên sát nhập vào một chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, mà chỉ thống nhất theo kết quả của những cuộc “đàm phán và thảo luận giữa hai miền về mọi hình thức và biện pháp có lợi ích cho dân tộc và tổ quốc Việt Nam.” Chương trình của MTGPMN cũng nhấn mạnh đến việc thực thi một “chế độ dân chủ rộng rãi và tiến bộ” ban hành mọi quyền tự do căn bản, kể cả “quyền tự do hoạt động của những đảng phái chính trị và tổ chức quần chúng, bất kể đến những khuynh hướng chính trị của họ.” Bản Cương lĩnh Chính trị của LMDTDCHB nói về vấn đề bầu cử Quốc hội và một bản Hiến pháp “thiết lập một cơ cấu nhà nước thực sự dân chủ” và ngoài việc “ban hành những quyền tự do dân chủ thực sự”, chính phủ còn “tôn trọng và bảo vệ quyền làm chủ các phương tiện sản xuất và sở hữu khác của người dân.”29 Dù cho những tuyên cáo hay chương trình đều có mục đích tuyên truyền, chúng vẫn biểu lộ những mục tiêu lý tưởng mà những người lãnh đạo LMDTDCHB mong muốn đạt tới, nhất là khi thành phần đa số của tổ chức này vào năm 1968 lại là những nhân vật chống chính quyền quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu nhưng không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản.

Về thời gian chuyển tiếp, những nhà làm chính sách ở Hà Nội không thể nói trước được là bao lâu vì biết rõ những khoảng cách quá lớn giữa hai miền Nam Bắc về quan niệm chính trị cũng như trong đời sống kinh tế và văn hóa. Cả hai bên đều mong muốn đất nước thống nhất nhưng đều nhận thấy sẽ phải mất một thời gian lâu để giải quyết những sự khác biệt giữa hai bên “bằng những phương tiện hòa bình”. Con số phỏng đoán “từ mười đến hai mươi năm” chỉ cho thấy một ý niệm mơ hồ rằng thời gian chờ đợi sẽ lâu. Vấn đề chính là làm thế nào có thể giải quyết được những sự khác biệt một cách hòa bình? Dường như chỉ có ba sự lựa chọn: một là miền Nam đồng ý sát nhập vào miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, hai là miền Bắc từ bỏ chế độ cộng sản để đổi sang chế độ dân chủ, công nhận các quyền tự do chính trị, kinh tế và văn hóa; ba là hai miền nhân nhượng lẫn nhau thành một chế độ dung hòa (?).

Rõ ràng là cả ba cách giải quyết trên đây đều không có hi vọng thực hiện được, vấn đề là thời gian chờ đợi càng lâu thì chế độ dân chủ miền Nam càng được củng cố và phát triển. Khi đó triển vọng thống nhất trong hòa bình lại càng xa vời và miền Nam lại trở thành một mối đe dọa cho chế độ cộng sản miền Bắc, giống như tình trạng Đông và Tây Đức, Nam và Bắc Hàn. Ngoài ra, Hà Nội cũng không quên rằng Trung Quốc đang sẵn sàng giúp đỡ và khuyến khích miền Nam duy trì tình trạng độc lập với miền Bắc.30 Đó là những lý do tại sao Bộ Chính trị ở Hà Nội đã quyết định không chờ đợi và bắt đầu đơn phương thực hiện thống nhất ngay sau khi Sài-gòn thất thủ, khi CPCMLT chưa kịp tổ chức lại quân đội riêng. Có thể gọi đây là cách lựa chọn thứ tư, “cưỡng bách thống nhất trong hòa bình”. Quyết định này đã gây một cú sốc bất ngờ cho tất cả mọi thành phần của MTGPMN kể cả những đảng viên Cộng sản miền Nam. Trương Như Tảng đã mô tả rõ tâm trạng này ngay trong buổi lễ mừng chiến thắng ở Sài-gòn ngày 15 tháng Năm. Khi từ trên khán đài danh dự nhìn xuống cuộc diễn hành của đoàn quân giải phóng, thấy có mấy đại đội của MTGPMN xuất hiện sau cùng, không phải dưới lá cờ của Mặt trận mà dưới lá cờ đỏ sao vàng, trông rất lôi thôi so với những đơn vị chủ lực miền Bắc, ông Tảng quay sang hỏi Đại tướng Văn Tiến Dũng đứng kế bên: “Sao không thấy những sư đoàn một, ba, năm, bảy, và chín đâu?” Đại tướng Dũng nhếch mép trả lời: “Quân đội đã được thống nhất rồi.” 31

Hà Nội bắt đầu đưa người vào trong các Bộ của CPCMLT qua ủy Ban Quân Quản, một cơ quan được thành lập với nhiệm vụ duy trì trật tự ở miền Nam nhưng cũng có trách nhiệm ổn định bộ máy hành chánh trong thời kỳ chuyển tiếp. Trên thực tế, CPCMLT chỉ là một chính phủ bù nhìn vì thực quyền nằm trong tay ủy Ban Quân Quản thi hành các chỉ thị từ miền Bắc. MTGPMN đã hết vai trò của nó và đang là một trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu của Đảng Cộng sản. Như lời của Trường Chinh , nhân vật số hai trong Bộ Chính Trị, “Nhiệm vụ chiến lược cách mạng của chúng ta trong giai đoạn mới này là đẩy mạnh công cuộc thống nhất đất nước và lãnh đạo dân tộc mau chóng tiến đến chủ nghĩa xã hội.”32 Quá trình chuyển tiếp được hoàn tất trong một Hội nghị Chính trị về Thống nhất Đất Nước tổ chức tại Dinh Độc Lập cũ ngày 15 tháng Mười Một. Trong cùng một ngày, Mặt trận Giải phóng, Liên Minh Dân Tộc và Chính phủ Cách mạng miền Nam đều đương nhiên chấm dứt hoạt động, “một đám ma không kèn không trống” theo như lời của Trần Bửu Kiếm,33 một trong những người sáng lập MTGPMN và là đảng viên cộng sản từ 1951.

Một số nhân vật trong MTGPMN hoan nghênh đường lối lãnh đạo của Hà Nội như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, còn số đông không đồng ý nhưng đành lặng lẽ chấp nhận vì sợ bị trừng phạt. Một thiểu số khác bất mãn không nhận tham gia chính phủ mới như Dương Quỳnh Hoa, Trương Như Tảng. Bà Hoa từ chức Bộ trưởng Y tế trước khi thống nhất, sau rút tên ra khỏi Đảng và thường công khai chỉ trích chính sách của Hà Nội. Ông Tảng thì từ chối chức vụ Thứ trưởng Bộ Thực phẩm và Tiếp tế, và vượt biển tìm tự do vào tháng Tám 1976.

Niềm bất mãn của giới trí thức và lãnh đạo miền Nam không phải chỉ do quan niệm khác biệt đối với chính sách của miền Bắc mà còn do cách đối xử trịch thượng và tham lam của nhiều cán bộ đảng viên được Hà Nội gửi vào làm việc trong các cơ quan chính phủ. Tác phong của những cán bộ này đã làm cho giới lãnh đạo MTGPMN có cảm tưởng rằng “họ là kẻ chiến thắng còn chúng tôi là kẻ chiến bại.”34 Nhiều cán bộ và bộ đội miền Nam ra Bắc tập kết từ 1954 trở về cũng rất bất mãn vì bị đối xử bất công không kể đến công lao phục vụ Đảng và Nhà Nước và chịu đựng gian khổ hơn hai mươi năm. Hầu hết đều bị thân nhân chê trách là bị “Bắc kỳ” lừa dối và đã hi sinh vô ích. Một số người còn bị vợ con ruồng bỏ. Có những người trong mấy năm đầu còn bị nhà nước trừng phạt vì có con cái vượt biển tìm tự do. Sự bất mãn đối với cán bộ miền Bắc cũng được lan rộng trong dân chúng trước cảnh tượng cán bộ cao cấp và tướng lãnh vơ vét mọi vật dụng hàng hoá và máy móc dụng cụ của các cơ quan để chuyển ra ngoài Bắc. Từ bất mãn phát sinh ra nghi kỵ và ác cảm, một vết thương khác trong lòng dân tộc chỉ có thể hàn gắn được bằng những biện pháp sửa sai và những chính sách đối xử công bằng trên mọi lãnh vực.

Đối với Trung Quốc

Về mặt đối ngoại, ngoài sai lầm trong lề lối giao thiệp với kẻ địch cũ là Hoa Kỳ sau chiến tranh để thiết lập các quan hệ bình thuờng như đã nói ở đầu chương này, Hà Nội đã mắc kẹt với Trung Quốc ngay từ cuộc chiến tranh chống Pháp. Sai lầm từ đầu của Đảng Lao Động Việt Nam là tin tưởng rằng vì lợi ích chung và tình đồng chí của cộng sản quốc tế, Việt Nam có thể dựa vào Trung Quốc như một “hậu phương lớn” trong cuộc chiến đấu chống thực dân và giải phóng cho các dân tộc Đông Dương. Hồ Chí Minh không phải là không có cảnh giác đối với đầu óc bá quyền truyền thống của Trung Quốc, nhưng trong tình trạng suy yếu về lực lượng quân sự và cô lập về ngoại giao sau ba năm kháng chiến (Hoa Kỳ lạnh nhạt trước những lời kêu gọi giúp cho Việt Nam độc lập, Liên Xô còn bận tranh giành ảnh hưởng ở Âu châu) ông thấy không còn sự lựa chọn nào khác hơn là đi theo Mao Trạch Đông. Sự toàn thắng của Hồng quân Trung Quốc năm 1949 và thái độ nhiệt tình giúp đỡ của Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ ngay sau đó là một niềm khích lệ và một nguồn hi vọng lớn lao cho cuộc kháng chiến chống Pháp của Mặt trận Việt Minh.

Khi quyết định giúp cho Việt Nam, Trung Quốc nhắm vào hai mục tiêu: trước mắt, là dùng Việt Nam làm lá chắn để bảo vệ vùng biên giới phía Nam ngăn chặn đường tấn công và xâm nhập của Hoa Kỳ; trong lâu dài, là đưa Việt Nam vào vòng ảnh hưởng và kiểm soát của Trung Quốc, một hình thức chư hầu mới của thế kỷ 20. Bởi vậy, Trung Quốc sẽ chỉ giúp cho Việt Nam đủ mạnh để chống Pháp hay chống Mỹ nhưng sẽ không để cho Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh, độc lập với Trung Quốc và liên kết với những nước khác. Đó cũng là lý do tại sao Trung Quốc đồng ý với giải pháp chia đôi Việt Nam tại hội nghị Genève 1954. Mười chín năm sau, trước khí thế hăng hái của Bắc Việt sau khi ký hiệp định Paris 1973, Chu Ân Lai lại khuyến cáo Lê Duẩn ngưng chiến ở miền Nam trong hai năm và hứa sẽ tiếp tục giữ nguyên mức viện trợ trong năm năm nữa.35 Sau khi Bắc Việt đã “giải phóng” được miền Nam ngày 30.4.1975, Trung Quốc vẫn mong muốn miền Nam tiếp tục là một thực thể độc lập với miền Bắc. Trong lá thư gửi cho Hà Nội chúc mừng chiến thắng, Bắc Kinh đã ngấm ngầm bày tỏ ý này: “Chúng tôi thành thật mong ước rằng nhân dân miền Nam Việt Nam sẽ không ngừng đạt được những thắng lợi mới to lớn hơn trong công cuộc tranh đấu liên tục để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ.”36

Trong những năm đầu thập kỷ 1950, Đảng Lao Động Việt Nam đã tôn sùng Mao Trạch Đông như nhà đại lãnh tụ của các dân tộc bị áp bức, phổ biến học tập tư tưởng Mao và rập khuôn theo các mô hình Trung Quốc dưới sự hướng dẫn của các cố vấn chính trị, hành chánh và quân sự. Chính vì sự tôn sùng mù quáng ấy, đồng thời với sự ép buộc của các đồng chí cố vấn, mà Đảng và Nhà Nước đã mắc phải sai lầm trầm trọng trong chính sách cải cách ruộng đất (như đã nói đến ở chương 3), kế tiếp là vụ án Nhân Văn, Giai Phẩm xuất phát từ phong trào Trăm Hoa Đua Nở bên Trung Quốc, đàn áp trí thức và văn nghệ sĩ trong đó rất nhiều người nổi tiếng có công lao với kháng chiến như Luật sư Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Thạc sĩ Triết học Trần Đức Thảo, nhà báo lão thành Phan Khôi, học giả Đào Duy Anh, nhà văn kiêm thi sĩ Trần Dần, nhạc sĩ Văn Cao (tác giả quốc ca miền Bắc), để lại vết thương lịch sử cho đến tận ngày nay vẫn chưa lành.37

Đối với mục tiêu trước mắt của Bắc Kinh, Hà Nội coi đó cũng là lợi ích chung của hai nước và là lý do chính đáng để Trung Quốc tiếp tục viện trợ chừng nào còn cảm thấy bị Hoa Kỳ và các nước Tây phương đe dọa. Nhưng đối với mục tiêu lâu dài của Bắc Kinh, Hà Nội phải tìm đủ mọi cách để bảo vệ nền độc lập của mình. Chuyện này không dễ dàng và các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã phải nhiều phen nhượng bộ trước áp lực của “nước bạn” trong suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Ở chương trên, khi nói đến việc các nhà làm chính sách ở Washington đã bỏ lỡ cơ hội khai thác đặc tính mâu thuẫn trong mối quan hệ Việt- Trung để tìm giải pháp trung lập thích hợp cho Việt Nam, chúng ta đã thấy Tổng Bí thư Lê Duẩn mạnh mẽ tố cáo những áp lực chính trị của Trung Quốc và mưu đồ bá quyền của Mao Trạch Đông muốn xâm chiếm Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Riêng đối với Việt Nam, khi chưa có cơ hội chinh phục Việt Nam hay thiết lập quan hệ “thiên tử-chư hầu” kiểu mới, Trung Quốc vẫn lấn đất vùng biên giới mỗi khi có thể được. Một tài liệu nghiên cứu nhan đề “Biên giới giữa Đông Dương và Trung Quốc” do R. Fauchon, Giám đốc Sở Địa Dư Dông Dương, biên soạn năm 1948, cho biết rằng ngay sau Hòa ước Thiên Tân năm 1885 giữa Pháp và triều đình Mãn Thanh, vấn đề xác định biên giới Việt-Trung đã rất khó khăn vì bản đồ biên giới của Trung Hoa không rõ ràng và các quan chức địa phương bên phía Trung Hoa thường cắm cột mốc biên giới tùy theo ý của họ:

Bản hiệp ước hòa bình, hữu nghị và thương mại ký kết ngày 6 tháng Sáu 1885 giữa Pháp và Trung Quốc đã xác nhận việc Trung Quốc từ bỏ mọi chủ quyền trên vương quốc An Nam, dù không nói hẳn ra như vậy. Tình trạng mới này ấn định cho biên giới giữa Trung Quốc và An Nam một vai trò quan trọng hơn nhiều so với thời trước. Ngay trong Điều 1 của hiệp ước, giới chức kết ước cao cấp của hai bên cam kết không để cho quân bên mình vượt qua biên giới, và mỗi bên đảm nhận lấy trách nhiệm duy trì trật tự. Điều 3 tiên liệu, trong thời hạn ba tháng, sẽ thực hiện việc công nhận biên giới và cụ thể hóa việc này bằng hoạt động cắm cột mốc bởi những ủy viên được chính phủ hai bên bổ nhiệm; điều này cũng dự liệu có thể sửa lại cho đúng về chi tiết của biên giới hiện thời….

Đối diện với những người Trung Quốc, vì nghệ thuật mặc cả của họ đã lên đến một tầm cao mà chúng ta không thể đạt tới được, chúng ta bị ở vào một vị thế khá yếu…

Những Ủy viên người Pháp sau đó đi tới Lao-Kay và được phía Trang Quốc tới gặp ngày 23 tháng Bảy. Trước đó, Phó Vương tỉnh Vân Nam đã có thì giờ cắm các cột mốc theo ý muốn của ông ta; có những toán vũ trang quanh quẩn ở trong vùng và khi đoàn sửa soạn làm việc cụ thể ở một địa điểm thì xảy ra rắc rối. Bị phong tỏa ở Lao Kay, ủy ban đành phải ấn định biên giới trên những tấm bản đồ của Trung Quốc, vì không có bản đồ nào khác… Biên bản ngày 19 tháng Mười ghi nhận sự đồng ý về những đoạn số 1, 3 và 4, bất đồng ý về đoạn số 2 (giữa Mường Khương và sông Lô) và đoạn số 5 là nơi mà Phó Vương Trung Quốc đã thi hành những sáng kiến bất xứng.

Ủy ban muốn xác nhận biên giới giữa cổng Chi-Ma và bờ biển. Phía Trung Quốc lại gây chuyện rắc rối và có một Ủy viên người Pháp bị ám sát. Quân đội phải đến đóng giữ ở vùng này. Phiên họp đầu tiên diễn ra ngày 7 tháng Giêng 1887, (không thấy nói ở đâu) và Ủy ban vẫn phải làm việc trên bản đồ; có nhiều điểm tranh cãi chưa giải quyết được.38

Những điểm bất đồng và tranh cãi còn đọng lại cho đến sau 1975 lại trở nên gay go. Năm 1974 có một trăm vụ xích mích ở biên giới, năm 1976 tăng vọt lên tới 900 vụ. Cũng cần nhắc lại rằng về vấn đề lãnh hải, ngày 14.9.1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho Tổng lý Quốc vụ viện Chu Ân Lai nhìn nhận chủ quyền Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa, nhưng đến 1975 thì Việt Nam đưa hải quân ra chiếm lại. Tháng Sáu 1977, khi Phạm Văn Đồng gặp Phó Thủ tướng Lý Tiên Niệm ở Bắc Kinh, hai người đã cãi vã với nhau về vụ này. Phạm Văn Đồng giải thích rằng trong khi đang bận tranh đấu với Mỹ và Ngô Đình Diệm, Bắc Việt không quan tâm lắm đến việc xác nhận chủ quyền ở hòn đảo lẻ loi này. Đây là một trong những nguyên nhân của chiến tranh mùa Xuân năm 1979. Sau khi nối lại bang giao năm 1991, hai nước lại tiếp tục thảo luận về vấn đề biên giới. Trong khi cuộc tranh chấp về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn bế tắc vì có liên quan đến Đài Loan và một số nước ASEAN, Trung Quốc và Việt Nam đã ký hai bản hiệp ước trong hai năm liên tiếp: Hiệp ước về Biên giới Đường bộ ngày 30 tháng Mười Hai 1999, và về Hiệp ước Phân định Vịnh Bắc Bộ ngày 25 tháng Mười Hai 2000. Hai bản thỏa ước này, nhất là việc Việt Nam chịu nhượng cho Trung Quốc một phần đất ở vùng Ải Nam Quan và Thác Bản Giốc về biên giới đường bộ, đã gây nên dư luận phản đối kịch liệt của người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Từ 1975, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam càng ngày càng tồi tệ. Thời gian gay go nhất là từ 1975 đến 1979, mâu thuẫn giữa hai nước càng ngày càng trầm trọng đưa đến việc Trung Quốc tấn công Việt Nam bằng quân sự.

Tháng Tám 1975, mặc dù biết rằng Bắc Kinh đang bất mãn với mình, Hà Nội vẫn cử Lê Thanh Nghị, Chủ tịch ủy ban Kế hoạch, sang Bắc Kinh xin viện trợ tái thiết hậu chiến. Chu Ân Lai từ chối lời yêu cầu này, viện cớ là Bắc Kinh đã viện trợ cho Hà Nội quá nhiều trong thời chiến, nay cần nghỉ để lấy lại sức, nhưng cũng trong tháng đó, Bắc Kinh đã niềm nở đón tiếp hai phó thủ tướng Ieng Sary và Khieu Samphan và viện trợ cho Kam-pu-chia một tỉ đô-la. Năm tuần sau, Lê Duẩn lại cùng Lê Thanh Nghị sang Bắc Kinh gặp Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình khi đó đang tạm thay thế Chu Ân Lai bị bệnh nặng. Nghị xác nhận với Mao rằng “nếu không có Trung Quốc làm hậu phương lớn, không có tư tưởng hướng dẫn và sự viện trợ của đồng chí thì chúng tôi không thể thành công được… Chúng tôi vẫn tin rằng Trung Quốc chứ không phải Liên Xô mới có thể giúp đỡ chúng tôi một cách trực tiếp và có ý nghĩa nhất.”39 Mao vẫn từ chối viện trợ, nói rằng “các đồng chí không phải là người nghèo nhất trong thiên hạ. Chúng tôi mới là người nghèo nhất vì chúng tôi có tới 800 triệu dân.”40 Đặng Tiểu Bình thì nói thẳng là ông rất khó chịu về việc báo chí Việt Nam cứ nói đến mối đe dọa từ phương Bắc. “Đối với chúng tôi, mối đe dọa từ phương Bắc là sự hiện diện của quân đội Liên Xô ở biên thùy miền Bắc của chúng tôi, nhưng đối với các đồng chí, thì miền Bắc có nghĩa là Trung Quốc.”41

Lê Duẩn đã có một phản ứng trái với thông lệ ngoại giao là bãi bỏ bữa tiệc đáp lễ chủ nhân và cũng không chịu cho ra một bản thông cáo chung. Từ Bắc Kinh, Lê Duẩn lên đường đi Mat-scơ-va, được Kosygin hứa viện trợ 3 tỉ đô-la cho Kế hoạch Ngũ niên của Việt Nam. Trong bản thông cáo chung, Lê Duẩn ủng hộ lập trường quốc tế của Liên-Xô.42 Tháng Mười 1976, sau khi Mao Trạch Đông chết và nhóm quá khích “Tứ nhân bang” bị bắt, Hà Nội hi vọng nhóm lãnh đạo mới sẽ chuyển sang đường lối ôn hòa nên lại gửi thư sang Bắc Kinh cầu viện. Bốn tháng sau Bắc Kinh mới trả lời từ chối, trong khi đó lại viện trợ cho Kam-pu-chia chống Việt Nam. Tháng Giêng 1978, Võ Nguyên Giáp bay sang Lào gặp tướng Grigoriyevich Pavlovskiy, Chỉ huy trưởng quân đội Liên Xô khi đó đang thăm viếng hữu nghị ở Lào, để thảo luận về tình hình Kam- pu-chia. Pavlovskiy khuyên Giáp: “Hãy làm một cú Tiệp Khắc,” gợi ý Việt Nam nên đưa quân vào Nam-Vang lật đổ Pol Pot, giống như quân đội Sô-Viết tiến vào Prague lật đổ chính quyền Dubcek năm 1968.43 Tháng Mười Một 1978, Việt Nam và Liên Xô ký bản Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, xác nhận các mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế và quân sự giữa hai nước. Cuối tháng Mười Hai, quân Việt Nam vượt biên giới Kam-pu-chia và ngày 7 tháng Giêng chiếm đóng thủ đô Nam-Vang. Đặng Tiểu Bình hạ lệnh “dạy cho Việt Nam một bài học” và tấn công Việt Nam trong 16 ngày (17.2 – 4.3.1979), tàn phá các tỉnh Việt Nam ở biên giới.

Từ sáng 17-2-1979, Trung Quốc cho quân đội với lực lượng 32 sư đoàn (tương đương 60 vạn quân), 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1260 súng cối… mở cuộc tiến công nước ta dọc theo biên giới phía bắc —từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu)— dài hơn nghìn cây số.

Để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, mà trực tiếp là quân dân 6 tỉnh biên giới phía bắc, đã đứng lên chiến đấu. Trước tinh thần chiến đấu ngoan cường vì độc lập, tự do của quân dân ta và sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước và thế giới, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân khỏi nước ta, bắt đầu từ 5-3-1979 và đến 18-3-1979 thì rút hết.44

Ngoài quyết định của Việt Nam đi theo Liên Xô và tấn công Kam-pu-chia, một lý do quan trọng khác khiến Trung Quốc “trừng phạt” Việt Nam là chính sách của Hà Nội ngược đãi người Hoa sau khi thống nhất đất nước. Vào những năm cuối 1970, tổng số người Hoa ở Việt Nam khoảng 1.5 triệu, trong đó chỉ có vài trăm ngàn sống ở miền Bắc, phần lớn là công nhân, thợ mỏ than và ngư phủ nên số người này không đáng cho chính quyền phải quan tâm. Vì Bắc Việt vẫn đang nhận viện trợ của Trung Quốc, người Hoa đã được đối xử một cách khá đặc biệt cho đến 1975, chẳng hạn không bắt buộc phải vào quốc tịch Việt Nam, được tự do làm ăn và không phải đi quân dịch.45 Số người Hoa ở trong Nam, khoảng 1.3 triệu, là một bộ phận quan trọng của sinh hoạt kinh tế miền Nam, có nhiều doanh gia thuộc hạng giàu có vào bậc nhất trong nước. Để bảo vệ nền kinh tế quốc gia, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt buộc Hoa phải mang quốc tịch Việt Nam mới được làm thương mại. Tiếp theo sự phản đối của Trung Quốc, MTGPMN tuyên bố dùng biện pháp này của chính phủ Diệm và hứa sau ngày giải phóng sẽ để cho người Hoa được tự do lựa chọn quốc tịch. Tuy nhiên, vào tháng Hai 1976, chính quyền cộng sản thực hiện một cuộc kiểm tra dân số, trong đó mọi người phải kê khai quốc tịch cùa mình. Những người không phải là công dân Việt Nam đương nhiên không được hưởng quyền lợi công dân, quan trọng nhất là phiếu thực phẩm. Do đó đại đa số người Hoa phải xin vào quốc tịch Việt Nam. Trung Quốc phản đối chính sách “cưỡng bách nhập tịch” này nhưng không thể làm được gì hơn và mọi chuyện cũng tạm yên.

Ngày 24 tháng Ba 1978, toàn thể khu Chợ Lớn thình lình bị bao vây, cán bộ vào từng nhà, từng cửa tiệm tìm kiếm số vàng cất giấu để tịch thu và lập bản kiểm kê các hàng hóa tồn kho để cấm tiêu thụ. Tổng cộng số vàng tịch thu lên tới bảy tấn và ba chục ngàn cơ sở thương mại của người Hoa bị quốc hữu hóa trong cuộc càn quét này. Ngày 3 tháng Năm, chính phủ lại hạ lệnh bãi bỏ giấy bạc cũ và đổi lấy giấy bạc mới. Hầu hết số tiền của người Hoa không được đổi kịp trong kỳ hạn. Gia đình họ bỗng nhiên trở thành vô sản, mất hết công việc làm ăn và phải bỏ nhà cửa để dời vào những “vùng kinh tế mới”. Nhiều gia đình người Hoa bắt đầu phải tính chuyện trở về Trung Quốc hoặc đi sang nước khác sinh sống. Lần này, Bắc Kinh mạnh mẽ tố cáo chính sách ngược đãi người Hoa của Hà nội và lập tức ngưng viện trợ cho 72 dự án đang hoạt động ở Việt Nam và rút các chuyên gia về nước. Hà Nội cũng dứt khoát thái độ đối với Trung Quốc bằng quyết định gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON) của Liên Xô. Trung Quốc khuyến khích người Hoa trở về lục địa và Việt Nam cũng muốn trục xuất người Hoa để đề phòng “đạo quân thứ năm” khi xảy ra chiến tranh với Trung Quốc, kể cả những người sinh trưởng ở Việt Nam và mang quốc tịch Việt. Hơn 250,000 người trở về Trung Quốc hàng trăm ngàn người khác được “giúp” cho đi các nước khác bằng đường biển. Thảm kịch “thuyền nhân tị nạn” bắt đầu.

Đối với Kam-pu-chia

Nếu dân tộc Việt Nam đã có gần hai ngàn năm lịch sử chống đô hộ và xâm lăng của Trung Quốc thì dân tộc Khmer xứ Kam- pu-chia (tên nguyên thủy là Chen La, tức Chân Lạp) cũng có một lịch sử thù nghịch với Việt Nam ít nhất là từ thế kỷ XI, nhưng đáng kể là từ đầu thế kỷ XVII khi các chúa Nguyễn bắt đầu mở mang bờ cõi về phía Nam, chiếm một phần đất của xứ này. Tuy nhiên, so sánh những quan hệ Việt-Trung và Việt-Khmer, ta thấy có hai điểm khác biệt đáng lưu ý:

1. Trong quan hệ Việt-Trung, trừ trường hợp duy nhất Lý Thường Kiệt sang đánh Trung Quốc năm 1075, chiếm châu Khâm, châu Liêm (Quảng Đông) và châu Ung (Quảng Tây)46, tất cả những cuộc xung đột khác đều là chiến tranh xâm lược từ phương Bắc. Trong quan hệ Việt-Khmer, chiến tranh xâm lược diễn ra cả hai chiều, phía Khmer thường có sự hợp lực của Chiêm Thành (Champa)47 và Xiêm-la (Siam, tên cũ của Thái Lan).

2. Trong thời kỳ độc lập của Việt Nam từ 939 đến khi Pháp chiếm đóng miền Nam năm 1862, Trung Quốc xâm lăng Việt Nam nhiều lần nhưng không lần nào lấy được một phần đất của Việt Nam để sáp nhập vào Trung Quốc. Trong trường hợp Kam-pu-chia, Việt Nam không xâm lăng để chiếm đất, nhưng qua những lần yêu cầu các chúa Nguyễn sang cứu viện chống Xiêm-la hay tiễu trừ nội phản, các vua Chân-lạp đều phải cắt đất cho Việt Nam để trả ơn. Đến 1759 thì miền Đông-Nam Chân-lạp đã được sáp nhập vào Việt Nam, trở thành Lục tỉnh Nam Kỳ gồm ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, và ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên.48

Đối với người Trung Quốc, người Việt Nam chỉ mang lòng thù hận khi có chiến tranh hay trong thời gian bị đô hộ, nhưng khi Việt Nam đã lấy lại được độc lập và có hòa bình giữa hai nước, người Việt Nam luôn luôn giữ hoà khí, không hay khiêu khích và cướp phá Trung Quốc như người Chiêm Thành và Chân Lạp đối với Việt Nam. Lý do vì trải qua mấy ngàn năm lịch sử, khi thuận khi nghịch do đường lối chính trị của những người lãnh đạo, người Việt Nam rất gần gũi với người Trung Quốc do có liên hệ ít nhiều về chủng tộc và từ rất sớm đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng, học thuật và văn minh Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì những nét đặc thù trong ngôn ngữ, nghệ thuật và phong tục của dân tộc. Dĩ nhiên về chính trị, người Việt Nam luôn luôn đề phòng và ngăn chặn đầu óc bá quyền của giới lãnh đạo Trung Quốc. Vì có mặc cảm là một nước nhỏ yếu, người Việt Nam thường chứng tỏ là mình thông minh lanh lợi hơn người Trung Quốc. Bởi thế, trong văn học Việt Nam có ghi những câu chuyện đối đáp so tài giữa các sứ giả Việt Nam và các nhân vật trong triều đình Trung Quốc, nhất là những chuyện tiếu lâm trong văn học dân gian chế giễu sứ giả Trung Quốc sang Việt Nam. Nhiều kiều dân Trung Quốc —thường gọi là người Hoa— đã sinh sống ở Việt Nam nhiều thế hệ, có quốc tịch Việt Nam và thật sự coi Việt Nam là quê hương thứ hai. Đặc biệt ở miền Nam, với số di dân đông đúc từ thế kỷ XVII và công lao khai hóa đất Hà Tiên của Mạc Cửu thì nhiều người Việt gốc Hoa còn cảm thấy gắn bó với Việt Nam nhiều hơn với Trung Quốc. Nhiều người Việt và người Hoa đã kết hôn với nhau và, nói chung, người Việt thường rất ưa giao thiệp với người Hoa, nhất là trong việc buôn bán làm ăn thì tin cậy người Hoa hơn chính người Việt.

Đối với người Khmer, người Việt Nam thường có thái độ khinh thường cho rằng xứ Chân Lạp thua kém mình về mọi mặt. Dưới thời Bắc thuộc, Việt Nam (thời đó gọi là Giao Châu) thường bị quân Chiêm Thành sang cướp phá, nhưng Chân Lạp thì chỉ hay đánh nhau với Chiêm Thành. Khi Việt Nam đã phục hồi được độc lập thì mới bị quân Chân Lạp đánh phá. Có lẽ trận đầu tiên xảy ra năm 1076, đời vua Lý Thánh Tông. Do lời xúi giục của Trung Quốc, Chân Lạp hợp lực với Chiêm Thành tấn công Nghệ An, nhưng cả hai đều bị đánh bại.49 Năm 1128, vua Chân Lạp là Suryavarman II, người có công xây dựng Angkor Wat, lại đem 20,000 quân sang đánh Nghệ An nhưng bị tướng Lý Công Bình chặn đánh, bắt sống tướng chỉ huy và 169 quân địch. Mùa Thu năm ấy, Suryavamam II lại cho 700 chiếc thuyền chở quân sang đánh Nghệ An. Lần này bị tướng Nguyễn Hà Viêm đánh bại. Năm 1132, vua Chân Lạp được quân Chiêm Thành trợ lực, tấn công Nghệ An lần nữa, nhưng bị Dương Anh Nhi giết hại nặng. Tháng Ba năm ấy, cả hai nước Chiêm Thành và Chân Lạp phải xin thần phục nước Đại Việt. Hai năm sau, quân Khmer lại kéo sang đánh Nghệ An, lần này bị Lý Công Bình dẹp tan. Kể từ đó cho đến gần 500 năm sau Chân Lạp chỉ có chiến tranh với Chiêm Thành và từ 1238 thì bắt đầu bị vương quốc Sukotai (Thái Lan) gây chiến và chiếm đất. Riêng trong năm 1313, khi quân Khmer đánh quân Chàm ở Vijaya (Qui nhơn ngày nay), vua Trần Anh Tông đáp lời cầu cứu của vua Chiêm Thành, cho quân sang đánh đuổi quân Khmer về nước. Sự kiện này quá nhỏ nên không được sử Việt Nam ghi chép.50

Dưới đây là bản tóm tắt những vụ can thiệp hay xung đột giữa Việt Nam và Chân Lạp trong hơn một trăm năm mà kết quả là Việt Nam mở rộng thêm bờ cõi với sáu tỉnh miền Nam.

1623: vua Chân Lạp là Chettiah II, sau khi thoát khỏi ách đô hộ của Thái Lan, sang cầu thân với Việt Nam, được chúa Nguyễn Phúc Lan (chúa Thượng) gả công chúa Ngọc Vân. Từ đó di dân người Việt kéo nhau rất đông vào định cư ở Preykor (Sài-gòn ngày nay). Trước đó người Việt đã tới ở Biên Hòa và Bà-rịa từ lâu, nhưng kể từ nay việc định cư của họ mới được chính thức hoá.

1658: Sau khi Chettiah I mất, con cháu giết lẫn nhau để tranh quyền. Chúa Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền) giúp cho Ang Chan (Nặc Ông Chân) lên ngôi vua. Khi vua chết năm 1664, con trai là Ang Non (Nặc Ông Nộn) lên kế vị.

1674: Ang Non bị người anh em là Ang Chei (Nặc Ông Đài) đưa quân Thái Lan về cướp ngôi, phải sang Việt Nam cầu cứu. Chúa Hiền cho quân sang vây thành Nam Vang, Ang Chei phải chạy vào trong rừng rồi chết. Con trai là Ang Sor (Nặc Ông Thu) đầu hàng. Vì Ang Sor thuộc dòng chính nên chúa Hiền phong cho làm chánh quốc vương, đóng đô ở Nam Vang, còn Ang Non làm đệ nhị quốc vương đóng đô ở Sài-gòn. Cả hai vua đều phải triều cống chúa Nguyễn.

1679: Hai tướng nhà Minh là Dương Ngạn Địch (Yang Yan Di) và Trần Thượng Xuyên (Chen Sang Chuan), không chịu làm quan nhà Thanh, đem 3,000 quân và 50 chiếc thuyền từ Quảng Đông và Quảng Tây sang theo chúa Hiền xin định cư ở Việt Nam. Chúa Hiền cho họ Dương vào khai khẩn vùng Mỹ Tho và họ Trần vào Biên Hòa, lập thành những trung tâm buôn bán phồn thịnh. Năm 1688, chúa Hiền mới mất được một năm thì Dương Ngạn Địch bị phó tướng là Hoàng Tiến ám sát để giúp cho Ang Non độc lập. Chúa Nguyễn Phúc Trăn (chúa Nghĩa) đem quân vào giết chết cả hai và đưa con của Ang Non là Ang Em (Nặc Ông Yêm) lên làm vua ở Nam Vang thay cho Ang Sor khi đó đã mất. Phần đất phía Đông Chân Lạp được sát nhập vào Việt Nam. Hai người con của Ang Sor là Ang Thom (Nặc Ông Thâm) và Ang Ton (Nặc Ông Đôn) bỏ chạy sang Thái Lan.

1708: Mạc Cửu, người gốc Quảng Đông bỏ nhà Thanh chạy sang Chân Lạp từ nhiều năm trước, khai khẩn một vùng đất mới đặt tên là Hà Tiên, nay xin theo chúa Nguyễn và sáp nhập Hà Tiên với Việt Nam. Chúa Nguyễn Phúc Chu phong cho Mạc Cửu chức Tổng Binh, cai quản đất Hà Tiên. Khi Mạc Cửu mất, con là Mạc Thiên Tứ được phong chức Đô Đốc, tiếp tục cai trị và khai hóa Hà Tiên.

1714: Ang Thom đem 15,000 quân từ Thái Lan về đánh Ang Em ở Nam Vang. Tướng nhà Nguyễn từ Gia Định và Biên Hòa kéo quân sang đánh dẹp. Ang Thom cùng tàn quân phải chạy về Thái Lan. Ang Em trở lại làm vua.

1736: Ang Em mất, con là Sotha II (Nặc Ông Tha) lên ngôi. Ang Thom và Ang Ton lại đem quân Thái Lan về chiếm lấy Nam Vang nhưng khi tiến đến Hà Tiên thì bị Mạc Thiên Tứ đánh tan, lại phải rút về Thái Lan. 1759: Con cháu của Ang Thom và Ang Ton tiếp tục từ Thái Lan về đánh phá Chân Lạp.

1759: Sau khi Sotha II chết, con của Ang Ton là Outey II (Nặc Ông Nguyên), nhờ trung gian của Mạc Thiên Tứ, được chúa Nguyễn Phúc Khoát chấp thuận cho về làm vua Chân Lạp. Outey nộp hai tỉnh Gò Công và Tân An để tạ ơn. Năm 1759, Outey II mất, Ang Non II lên thay lại phải cống hiến cho chúa Nguyễn hai tỉnh Vĩnh Long và Châu Đốc. Việc mở mang bờ cõi của các chúa Nguyễn về phía Nam đến đây là chấm dứt.

Những năm sau đó, Thái Lan thỉnh thoảng lại sang đánh Chân Lạp và thừa dịp muốn lấy lại những miền đất mà Chân Lạp đã chia cho Việt Nam. Năm 1771, Thái Lan đem binh thuyền sang đánh Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ không giữ nổi, phải bỏ chạy. Vua Thái tiếp tục đánh lấy Chân Lạp. Chúa Nguyễn phải đem quân sang Nam Vang cứu viện. Thái Lan bị thua trận, xin điều đình trả lại Hà Tiên cho Mạc Thiên Tứ và rút hết quân ra khỏi Chân Lạp. Sau trận này, chúa Nguyễn Phúc Thuần phải đối phó với chúa Trịnh ở phía Bắc và quân Tây Sơn ở phía Nam, đến năm 1777 thì bị Tây Sơn giết chết ở Gia Định. Nguyễn Phúc Ánh, cháu của Nguyễn Phúc Thuần, chạy về Long Xuyên, khởi binh chống lại Tây Sơn, được sự giúp đỡ của Thái Lan và Pháp, đến năm 1802 thì diệt được nhà Tây Sơn, lập ra triều đình nhà Nguyễn. Trong khi có biến loạn ở Việt Nam, Chân Lạp phải chịu thần phục Thái Lan. Năm 1807, vua Chân Lạp là Ang Eng51 bỏ Thái Lan sang theo Việt Nam, cứ ba năm cống hiến một lần.

Bài học Trương Minh Giảng

Nếu quan hệ Việt-Khmer chỉ giới hạn vào việc các vua chúa Việt Nam giúp cho Chân Lạp chống Thái Lan hay dẹp nội loạn với kết quả là được vua Chân Lạp cắt cho một phần đất và xin thần phục, thì người Khmer cũng không đến nỗi có lòng thù oán nặng nề đối với người Việt. Chính việc chiếm đóng Chân Lạp trong bảy năm (1834-1841) với thái độ khinh rẻ và hành động bóc lột người Khmer của nhà cầm quyền Việt Nam dưới thời vua Minh Mệnh đã làm gia tăng mối thù hận của người Khmer đối với người Việt. Những lỗi lầm này đã không được rút làm kinh nghiệm khi, hơn một trăm năm sau, Việt Nam cộng sản lại kéo quân sang Kam-pu-chia để “giải phóng” dân tộc Khmer khỏi ách thống trị tàn bạo của Khmer Đỏ và ở lại mười năm để “bảo vệ” xứ này.

Năm 1834, nhân có sự cầu cứu của Lê Văn Khôi chống triều đình Minh Mệnh, Thái Lan đem đại quân thủy bộ tiến đánh Nam Việt Nam và Chân Lạp bằng năm ngả. Trong vòng bốn tháng, Việt Nam đánh bại quân Thái trên cả năm mặt trận, đưa Ang Eng trở lại làm vua Chân Lạp. Sau khi thắng trận, vua Minh Mệnh sai tướng quân là Trương Minh Giảng và tham tán là Lê Đại Cương đóng quân ở gần Nam Vang để bảo hộ Chân Lạp. Theo Trần Trọng Kim, cuối năm 1834, Nặc Ông Chân (Ang Eng?) mất, không có con trai, quyền cai trị do Trà Long và La Kiên là người Chân Lạp nhưng được Việt Nam phong chức cho. Năm 1835, Trương Minh Giảng xin lập con gái của Nặc Ông Chân là Angmey lên làm quận chúa và đặt tên Việt Nam là Ngọc Vân Công chúa,52 lại đổi tên nước Chân Lạp là Trấn Tây Thành, chia ra làm 32 phủ và hai huyện, đặt các chức quan văn võ để cai trị dân tộc Khmer.

Nhưng vì quan lại Việt Nam ta sang làm nhiều điều trái lẽ, nhũng nhiễu dân sự, lại bắt Ngọc Vân quận chúa đem về để ở Gia Định, bắt bọn Trà Long và La Kiên đày ra Bắc Kỳ, dân Chân Lạp ai cũng oán giận, chỗ nào cũng có giặc giã nổi lên đánh phá. Lại có con Nặc Ông Chân là Nặc Ông Đôn53 khởi nghĩa có người Tiêm-la (Thái Lan) giúp đỡ, thành ra quan quân đánh mãi không được, về sau đến khi vua Thánh Tổ (Minh Mệnh) mất rồi, quan quân phải bỏ thành Trấn Tầy mà rút về An Giang.

Ấy cũng là vì người mình không biết bênh vực kẻ hèn yếu, chỉ đem lòng tham tàn mà ức hiếp người ta, cho nên thành ra hao tổn binh lương, nhọc mệt tướng sĩ, mà lại phải sự bại hoại, thật là thiệt hại cho nước mình.54

Chuyện cũ trên đây có nhiều nét tương tự như trường hợp Việt Nam hành quân vào Kam-pu-chia năm 1979 để giải cứu dân tộc Khmer khỏi cuộc “cách mạng đỏ” của tập đoàn Pol Pot, đưa chính phủ Heng Samrin lên cầm quyền, rồi ở lại “bảo vệ” Kam- pu-chia cho đến 1989 thì phải rút quân về vì bị sự chống đối của dân chúng và áp lực quốc tế. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã làm hỏng một cơ hội lịch sử lớn, gây thêm thù oán trong lòng người Khmer và khó thiết lập được sự hợp tác thân hữu giữa hai dân tộc. Nếu sau khi đã đánh đuổi được Pol Pot, Việt Nam công bố rút quân theo một lịch trình rõ rệt và chứng tỏ thiện chí giúp đỡ cho Kam-pu-chia được ổn định và độc lập thì đã được dân chúng Khmer biết ơn và được quốc tế hoan nghênh, tạo được thắng lợi lớn về ngoại giao và hưởng nhiều lợi ích lâu dài.

Điểm khác biệt giữa thời xưa và thời nay là triều đình nhà Nguyễn có học được bài học Trương Minh Giảng. Năm 1845, nhân dân Khmer không chịu nổi sự đô hộ tàn bạo của Thái Lan nên lại cầu cứu Việt Nam. Vua Thiệu Trị sai Nguyễn Tri Phương sang Chân Lạp chiếm được Nam Vang. Tướng Thái Lan là Chất Tri (Chakkri) phải xin hoà. Năm sau, Vua Chân Lạp sai sứ sang xin triều cống nhà Nguyễn. Vua Thiệu Trị phong cho Nặc Ông Đôn làm Cao Miên Quốc vương và hạ lệnh cho Nguyễn Tri Phương rút quân về nước, không cần ở lại bảo hộ Chân Lạp như Trương Minh Giảng mười năm về trước. Có lẽ bài học Trương Minh Giảng còn quá mới nên vua nhà Nguyễn mới không quên.

Cuộc chiến tranh với Khờ-me Đỏ có thể kể từ ngày 3 tháng Năm 1975 khi Pol Pot cho quân đổ bộ đánh chiếm đảo Phú Quốc, bảy ngày sau đánh chiếm đảo Thổ Chu rồi sau đó tiếp tục xâm phạm nhiều địa điểm vùng biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Tuy nhiên chiến tranh Cam-pu-chia chỉ thực sự diễn ra ở mức độ lớn kể từ giữa năm 1977 khi Pol Pot được sự hậu thuẫn của Trung Quốc mở những cuộc tấn công vào nội địa Việt Nam kết hợp với âm mưu gây bạo loạn từ bên trong.

Giữa năm 1977, tập đoàn Pôn Pốt huy động lực lượng cỡ sư đoàn bất ngờ tiến công vào 13 xã (trong số 15 xã biên giới) thuộc tỉnh An Giang. Quân dân ta, trực tiếp là quân dân các tỉnh biên giới Tây-Nam, đã đánh trả quyết liệt.

Trong các tháng 9, 10, 11 năm 1977, chúng huy động lực lượng ngày càng lớn (từ 3 đến 5 sư đoàn) tiến công dọc biên giới nước ta từ nhiều hướng. Phối hợp với quân Pôn Pốt, một bọn phản động tay sai của lực lượng phản động quốc tế 55 hoạt động mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Nam Bộ chuẩn bị thực hiện cuộc bạo loạn. Nhưng tất cả âm mưu và hành động đó của chúng đều bị quân dân ta ngăn chặn và làm thất bại.56

Năm 1978, Việt Nam đưa đề nghị chấm dứt chiến tranh và thảo luận một hiệp ước về biên giới giữa hai nước. Việt nam cũng đơn phương rút quân cách biên giới 5 cây số. Pôn Pốt bác bỏ đề nghị hoà bình này, không đáp ứng việc rút quân mà còn tăng cường quân chủ lực ở biên giới và chuẩn bị tấn công.

Ngày 22 tháng Mười Hai 1978, Pôn Pốt huy động 19 trong tổng số 23 sư đoàn bộ binh, cùng nhiều đơn vị pháo binh, xe tăng tiến vào Bến Sỏi, tỉnh Tây Ninh nhằm chiếm đóng thị xã và mở đường tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Toàn bộ lực lượng xâm lược này bị đánh tan khi mới vướt qua vùng biên giới. Sau đó, Việt Nam mở cuộc tiến công vào thủ đô Phnom Penh (Nam Vang), đồng thời phối hợp với Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Cam-pu-chia phát động cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền Pôn Pốt. “Ngày 7-11- 1979, thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn giải phóng, nước Cộng hoà Nhân dân Campuchia và Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia tuyên bố thành lập.”57

Mùa Xuân 1979, trước khi Pol Pot trốn sang tị nạn ở Thái Lan, chính phủ mới đã được thành lập ở Phnom Penh, và cuộc giải phóng đã gần hoàn tất trên toàn lãnh thổ Kam-pu-chia, nhân dân Khmer cảm thấy như được sống lại từ cõi chết và biết ơn người Việt Nam đã cứu thoát họ. Dân chúng thành thị bị Khmer Đỏ đày ải đi các nơi xa xôi nay lục tục trở về với hi vọng được sống thanh bình. Nhưng chẳng bao lâu họ lại bị thất vọng và bất mãn với những người mà họ đã mang ơn. Nayan Chanda đã cho thấy một phần nguyên nhân của lòng bất mãn đó:

Hàng trăm ngàn người đi đường bộ để trở về thành phố của mình. Đàn ông, đàn bà trong những áo quần rách rưới màu đen chở đồ vật dụng tồi tàn trên những chiếc xe đẩy tự làm lấy đi trên khắp các nẻo đường như những đàn kiến…. Một điệp khúc tôi được nghe đi nghe lại từ miệng những người sống sót là: “ Nếu người Việt Nam không đến thì chúng tôi sẽ chết hết.” Tuy nhiên, lời nói biết ơn cũng thường pha lẫn nỗi lo sợ là kẻ thù truyền kiếp —Việt Nam—bây giờ có thể chiếm đoạt Cam-bốt. “Tôi lo rằng họ muốn ở lại đây để ăn cơm gạo của chúng tôi,” một cựu giáo viên thì thầm với tôi trên con đường dài trở về nhà.

Người Việt Nam chắc chắn đã không giúp được gì để đem lại niềm tin. Ba tháng sau khi chiếm được Nam Vang, họ đã lột sạch thủ đô một cách có hệ thống. Hàng đoàn xe vận tải chở tủ lạnh, máy điều hòa không khí, các đồ dùng bằng điện, tủ bàn giường ghế, máy móc và những bức tượng quý chạy trên trục lộ hướng về thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả những thứ này bị bỏ lại bởi dân chúng đã bị trục xuất tàn nhẫn ra khỏi thủ đô từ năm 1975 và những món đồ đó không hề được nhà cầm quyền Khmer Đỏ đụng tới vì là sản phẩm của bọn tư sản thối nát. Món hàng chiếm hữu này có thể làm cho ngân quỹ Hà Nội tăng lên đôi chút nhưng đã để lại một vết thẹo sâu trong tâm trí người Khmer; nó củng cố thành kiến của họ đối với bọn “duồn” đáng ghét. Nó cũng tồn tại như một vết nhơ lớn trong vai trò “cứu” nước Cam-bốt của Việt Nam.58

Câu chuyện trên chắc chắn chỉ phản chiếu một phần rất nhỏ của đời sống hàng ngày mà nhân dân Khmer phải chịu trong mười năm chung đụng với tổng số 200,000 quân đội và cán bộ hành chánh Việt Nam. Đối với Việt Nam, cái giá của chiến tranh Kam- pu-chia quá đắt so với số quân đội đã hi sinh và số thường dân bị tàn sát, chi phí tốn kém đã làm kiệt quệ sinh lực của dân tộc, và những thiệt hại to lớn về chính trị và ngoại giao trên trường quốc tế đã phải chịu nhiều năm sau khi rút quân về.

______

Ghi chú:

1Duiker, 51.
2 McNamara, Argument Without End, 83.
3 Ibid., 85.
4 Ibid., 22.
5 Ibid., 23-24.
6 Chester L. Cooper, The Lost Crusade: America in Vietnam (New York: Dodd, Mead, 1970), 55.
7 McNamara, Argument Without End, 82.
8 Ibid., 76.
9 Lê Mậu Hãn, chủ biên, tập III, 140-141.
10 McNamara, Argument Without End, 88.
11 Ibid., 141.
12 McNamara, In Retrospect, 223.
13 Sau 30.4.1975, vì VNCH đã cáo chung và hai miền đã thống nhất dưới chế độ VNDCCH (sau đổi tên là Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam), nên từ nay chỉ dùng một danh xưng là Việt Nam.
14 Trong lịch sử chống xâm lăng từ phương Bắc, sau mỗi lần thắng trận, các vị vua Việt Nam đều gửi phái đoàn sang Trung Quốc triều cống và xin lỗi vua Tàu. Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam không có những quan hệ lịch sử và địa lý như đối với “thiên triều” phương Bắc nên không có vấn đề phải cáo lỗi, nhưng nếu muốn bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ thì không nên tiếp tục thái độ “lên gân”. Nếu Hồ Chí Minh còn sống, chắc sai lầm này đã không xảy ra. Như sau khi thắng trận Điện Biên Phủ, ông đã căn dặn Hoàng Tùng, tổng biên tập báo Nhân Dân, là không nên quá đề cao chiến thắng, vì “sau chiến tranh, chúng ta sẽ cần Pháp hợp tác và giúp đỡ.”
15 Nayan Chanda, Brother Enemy (New YorkiHarcourt Brace Jovanovich, Publishers, 1986), 140. Phái đoàn Mỹ, ngoài Woodcock, còn có Thượng nghị sĩ Mike Mansfield, Đại sứ Charles Yost, Dân biểu Sonny Montgomery và nhân vật tranh đấu cho nhân quyền Marian Edelman. Toàn thể phái đoàn, trừ Dân biểu Montgomery còn dè dặt, đều muốn sớm bang giao với Việt Nam.
16 Chi tiết về chuyến đi Hà Nội của phái đoàn Woodcock và những cuộc gặp gỡ Holbrooke-Phan Hiền, xem Nayan Chanda, 136-157.
17 Trương Đình Hùng là con trai của luật sư Trương Đình Dzu, ứng cử viên Tổng thống VNCH năm 1967 chủ trương điều đình với Bắc Việt để chấm dứt chiến tranh. Năm 1968, ông bị xử chín tháng tù về tội chuyển ngân bất hợp pháp nhưng sau mấy tháng thì được thả. Sau 1975, ông bị bắt đi học tập cải tạo. Trương Đình Hùng sang Hoa Kỳ du học từ trước 1975.
18 Xem chú thích số 2, chương 1, giải thích khuynh hướng “cộng sản dân tộc” của Hồ Chí Minh
19 Karnow, 232-233.
20 A.G.Languth, Our Vietnam (New York: Simon & Schuster, 2000), 84.
21 Ellen J. Hammer, 222.
21 Kamow, 251.
23 Trương Như Tảng, 264.
24 Ibid., 277-278.
25 Dịch lại từ bản tiếng Anh, trong Trương Như Tảng, 327.
26MTGPMN, thành lập năm 1960, Chủ tịch: Nguyễn Hữu Thọ; Liên Minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa Bình, thành lập năm 1968, Trịnh Đình Thảo; Chính Phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. thành lập năm 1969, Chủ tịch: Huỳnh Tấn Phát. Để cho tiện, danh xưng phổ thông nhất là MTGPMN nhiều khi được dùng để nói chung cả ba tổ chức này.
27 McNamara, Argument Without End, 144.
28 ibid., 146.
29 Xem Cương lĩnh của MTGPMN và của LMDTDCHB trong Trương Như Tảng, 319-335, phần Phụ lục.
30Ngày 20.4.1975, trong bữa tiệc khoản đãi phái đoàn CPCMLT tại Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm loan báo ý định viện trợ trực tiếp cho CPCMLT sau ngày miền Nam được giải phóng.
31 Trương Như Tảng, 265.
32 Ibid, 269.
33 Ibid.
34 IBid., 266.
35 Chanda, 27.
36 Bản tin phát thanh của đài BBC, ngày 2 tháng 5, 1975. Dẫn bởi Nayan Chanda, 28.
37 Về vụ đàn áp trí thức và văn nghệ sĩ nổi tiếng trong thời kỳ 1956-1958, xem Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc (Saigon: Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá, 1959); Georges Boudarel, Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam (Paris: Jacques Bertoin, 1991); Kim N. B. Ninh, A World Transformed: The Politics of Culture in Revolutionary Vietnam, 1945-1965 (The University of Michigan Press, 2002).
38 CAOM, HCI
39 Tần Hoa Xã, 19.6.1981. Dần bởi Chanda, 28.
40 “77 Conversations”, 194.
41Ibid., 194-195.
42 Zhai, 214.
43 Chanda, 216.
44 Lê Mậu Hãn, tập III, 307.
45 Thực ra, chính quyền miền Bắc đã bắt đầu thay đổi thái độ đối với người Hoa từ những năm cuối thập kỷ 1960, khi Hồng Vệ Binh của Mao Trạch Đông thực hiện cuộc Cách Mạng Văn Hoá tố cáo Hà Nội và tìm cách ngăn cản những chuyến tiếp tế vũ khí sang Việt Nam. Những thành phần theo Mao trong cộng đồng người Hoa ở Hà Nội cũng chỉ trích các lãnh tụ Bắc Việt là bọn “xét lại chủ nghĩa” thân Liên Xô. (Gareth Porter, “Vietnamese Policy and the Indochina Crisis”, trong The Third Indochina Conflict, David w. P. Elliot, ed. (Boulder, Co: Westview Press, 1981, 74).
46 Hơn 700 năm sau, vua Quang Trung tổ chức lại quân đội, chuẩn bị đánh Trung Quốc để đòi đất lưỡng Quảng mà vua Lý Nhân Tông đã trả cho nhà Tống năm 1079. Năm 1792, Quang Trung vừa định sai sứ sang triều đình nhà Thanh để cầu hôn và xin trả lại đất thì mắc bệnh chết.
47 Chiêm Thành, tên nguyên thủy là Lâm Ấp (Lin Yi), là lãnh thổ của dân tộc Chàm, gồm toàn thể miền Trung Việt Nam từ Quảng Bình xuống tới Vũng Tầu ngày nay. Qua nhiều phen bị đánh phá từ thời Bắc thuộc, năm 1069, Lý Thánh Tông bắt đầu chiếm đất cho đến năm 1697,đời chúa Nguyễn Hoàng, thì đất Chiêm thành bị sát nhập hoàn toàn vào Việt Nam.
48Năm 1833, Xiêm-la đem đại quân thủy và bộ sang tấn công Chân Lạp và các tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Nhận lệnh của vua Minh Mạng, Trương Minh Giảng cùng một số võ tướng đại thắng quân Xiêm, đưa vua Chân Lạp là Nặc Ong Chân về nước, sau đó đổi tên Chân Lạp thành Trấn Tây thành và thiết lập chế độ bảo hộ.
49 Oscar Chapuis, A History of Vietnam: from Hong Bang to Tu Due (Westport, CT: Greenwood Press, 1995), 52. Trận này là do nhà Tống muốn mượn tay Chiêm Thành và Chân Lạp để trả thù việc Lý Thường Kiệt chiếm đất Lưỡng Quảng năm trước đó.
50 Ibid., 54.
51 Theo Chapuis, Ang Eng lên ngôi vua năm 1799 (Chapuis, 60). Theo Trần Trọng Kim, vua Chân Lạp lúc đó là Nặc Ông Chân (Việt Nam Sử Lược, II,
52Nhưng Nặc Ông Chân (Ang Chan) cũng là tên của vua Chân Lạp năm 1658 (Ibid80). Như vậy, cần có sự nghiên cứu kỹ hơn sử liệu Việt Nam, Kam-pu-chia và Thái Lan để sửa lại cho đúng tên người, tên đất và sự việc. Như đã nói ở trên, Ngọc Vân công chúa cũng là tên con gái chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, đã được gả cho vua Chân Lạp Chettiah II năm 1623. (Chapuis, 59).
53 Lại có sự trùng tên với con của Ang Sor (Nặc Ông Thu?) từ hơn 100 năm trước.
54 Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, tập II, 222-223.
55 Ám chỉ Trung Quốc.
56 Lê Mậu Hãn, tạp III, 305.
57 ibid., 306.

Copyright © 2004 by Lê Xuân Khoa
Bản Word © blog Ba Sàm 2013

----------------------------------------------------------------



BON-PHUONG’S BLOG















NGOCLINHVUGIA’S BLOG
















1 comment:

View My Stats