Wednesday 13 February 2013

VIỆT NAM 1945-1995 : CHIẾN TRANH – TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / CHƯƠNG 5 : BÀI HỌC CHÍN NĂM [1945-1954] - (GS Lê Xuân Khoa – Blog Ba Sàm)




GS Lê Xuân Khoa

Posted by basamnews on 14/02/2013

… không cần phải nhắc lại những chính sách sai lầm về mặt đối nội như tiêu diệt địa chủ và khủng bố trí thức trong những năm đầu thập niên 1950 (xem chương Ba), nhưng cần phải phân tích một sai lầm chủ yếu về đối ngoại có ảnh hưởng tai hại cho Việt Nam đến tận ngày nay. Đó là việc cầu viện Trung Quốc qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Hành động cầu viện và tiếp viện vẫn là chuyện bình thường giữa các nước đồng minh, nhưng đặc biệt trong mối quan hệ Việt-Trung, hành động này có những hậu quả phức tạp. Đối với Trung Quốc, Việt Nam đã mắc một món nợ quá lớn, lại có một thời kỳ bất hòa đưa đến cuộc chiến tranh mùa Xuân năm 1979,25 khiến Việt Nam sẽ phải trả bằng một giá rất cao trong một thời gian rất lâu nếu không có sự sụp đổ của khối Sô-Viết và các nước cộng sản Đông Âu vào giữa thập niên 1980. Vì nguy cơ chung, Việt Nam và Trung Quốc lại hòa giải với nhau, nhưng trong tiến trình này, Việt Nam lại đi theo Trung Quốc như một gương mẫu về đối nội và đối ngoại và đã để cho Trung Quốc có cơ hội lũng đoạn và ngăn cản sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Lê Xuân Khoa
------------------------

Cuộc chiến 1945-19541 đã làm thương vong cho 172,708 người về phía Pháp trong số đó 31,716 là binh sĩ thuộc ba nước Đông Dương, số thương vong về phía quân đội cộng sản không được biết rõ, nhưng được phỏng định ít nhất là nửa triệu, số thường dân bị thiệt mạng trong cuộc chiến vào khoảng 250,000 người. Phí tổn về phía Pháp tính đến 1950 chiếm từ 40 đến 45 phần trăm ngân sách quốc phòng và trên 10 phần trăm ngân sách quốc gia. Trong những năm cuối cùng, viện trợ Mỹ gánh chịu đến 78 phần trăm chi phí. về phía VNDCCH, phí tổn không rõ là bao nhiêu nhưng sự thiệt hại về tài sản của nhân dân và về những nguồn lợi kinh tế của Việt Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh và cả những năm sau chiến tranh, cộng với sự thiệt hại về nhân mạng, đã cho thấy cái giá của chiến thắng quả thật là quá đắt. Cái giá ấy không đắt nếu chiến tranh là con đường duy nhất để dẫn đến độc lập, tự do và hạnh phúc thực sự cho dân tộc. Nhưng cái giá ấy quá đắt vì chỉ trong vòng mấy năm sau Thế Chiến II các xứ thuộc địa trên thế giới, trừ một số nước ở Nam Phi, đều được trả lại độc lập mà không cần phải có chiến tranh. Anh và Hòa Lan là những đế quốc sớm từ bỏ các thuộc địa ở Á châu. Ngay cả đế quốc thực dân ngoan cố nhất là Pháp cũng trả độc lập cho hai xứ bảo hộ là Tunisie năm 1954, Maroc 1956 và các thuộc địa ở Nam Phi năm 1958. Chỉ có Algérie, thuộc địa của Pháp từ 1830 mãi tới 1954 mới noi gương VNDCCH thành lập Mặt trận Quốc gia Giải phóng (Front de Libération Nationale — FLN) vừa đánh vừa đàm cho tới khi độc lập năm 1962, nhưng cũng không phải trả một giá quá cao như Việt Nam. Cái giá của chiến thắng 1954 lại càng đắt hơn nữa vì kết quả là đất nước bị chia đôi, nhân dân vẫn không được tự do, no ấm, nhất là phải chịu thêm một trận chiến khác lâu dài và khốc liệt hơn nhiều.
Về phía Pháp: Người Pháp thường đổ lỗi cho Việt Minh đã tấn công trước ở Hà Nội vào buổi tối 19.12.1946 và gây nên cuộc chiến kéo dài tám năm. Điều đó chỉ đúng có một phần vì hành động tấn công ấy đáp lại tối hậu thư của Pháp hẹn trong 24 giờ Việt Minh phải hủy bỏ mọi cuộc chuẩn bị chiến tranh, giải tán hàng ngũ dân quân tự vệ và trao quyền cai quản an ninh thủ đô cho quân đội viễn chinh. Đây là một mệnh lệnh đòi đầu hàng trước khi Pháp tấn công và sau khi mọi cố gắng ngoại giao của Hồ Chí Minh đã thất bại. Ngay cả sau khi cuộc chiến toàn quốc mới bùng nổ và liên tiếp trong ba tháng sau đó, Hồ Chí Minh đã tám lần gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội và Tổng thống Pháp, yêu cầu “lập lại ngay nền hòa bình để tránh cho hai nước chúng ta khỏi bị hao người thiệt của, và để xây dựng sự cộng tác và tình thân thiện giữa hai dân tộc”2, nhưng Pháp đã không chịu trả lời. Cuộc tiếp xúc lần đầu và cũng là lần chót giữa đại diện hai nước trước hội nghị Genève là cuộc gặp gỡ Hồ Chí Minh-Paul Mus ở Thái Nguyên ngày 12.5.1947 khi giáo sư đại học Paul Mus, thay mặt Cao Uỷ Bollaert, chuyển cho Hồ Chí Minh những điều kiện hoà đàm không thể chấp nhận được như bộ đội Việt Minh phải hạ khí giới, quân đội Pháp được tự do đi lại trong khi quân Việt Minh phải tập trung ở những nơi do Pháp chỉ định.3
Sai lầm chủ yếu của Pháp là đầu óc thực dân lỗi thời của những nhà lãnh đạo chính trị và quân sự trước xu thế chung của toàn cầu sau Thế chiến II là phong trào đòi độc lập của các cựu thuộc địa và sự cần thiết phải đáp ứng thuận lợi những đòi hỏi đó, có thể bằng một thời kỳ chuyển tiếp. Vì lòng tham lam mù quáng và luyến tiếc quá khứ, họ không hiểu và không chịu chấp nhận xu thế ấy như một điều kiện tất yếu để xây dựng hòa bình, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia, nhất là để ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản quốc tế do Liên Xô lãnh đạo mà đại diện ở Á châu là Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa lớn đối với các quốc gia trong vùng. Đầu óc thực dân ngoan cố và thiển cận không phải chỉ thấy ở những chính trị gia bảo thủ như de Gaulle, d’ Argenlieu hay Bidault mà, như đã nói đến ở chương Hai, ngay cả những lãnh tụ phái tả như Marius Moutet hay Maurice Thorez cũng vẫn đặt “quyền lợi quốc gia” lên trên lý tưởng xã hội hay cộng sản. Cũng do đầu óc thực dân lỗi thời này, giới lãnh đạo chính trị Pháp còn mang nặng mặc cảm tự tôn và tin tưởng chủ quan ở sứ mệnh khai hoá văn minh của “mẫu quốc” mà các dân tộc thuộc địa phải mang ơn.
Với một tinh thần tự tôn như thế, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Pháp không coi những người dân bản xứ là có khả năng ở cấp bậc chỉ huy mà chỉ có thể là những binh sĩ thừa hành, và họ cũng không muốn cho người bản xứ có cơ hội thăng tiến. Mãi tới 1950, hơn một năm sau khi hiệp định Elysée thừa nhận Việt Nam độc lập, mới bắt đầu có trường đào tạo sĩ quan chuyên nghiệp và năm 1951 mới đào tạo sĩ quan trừ bị, tốt nghiệp với cấp bậc chuẩn úy. Năm 1953, do nhu cầu thực tế và nhờ viện trợ Mỹ, tướng Navarre mới bắt đầu chương trình tổ chức quân đội Việt Nam bên cạnh quân đội Pháp, nhưng khi đó thì đã quá muộn để có thể cứu vãn tình hình.
Vì chủ quan khinh địch nên Pháp đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, trước và sau khi chiến tranh bùng nổ, để có thể ký kết với Việt Minh hoặc thi hành những hiệp ước đã ký, theo đó Pháp vẫn được hưởng nhiều quyền lợi, chẳng hạn như hiệp định sơ bộ Hồ – Sainteny 6.3.1946, tạm ước Hồ-Moutet 14.9.1946, cuộc gặp gỡ Hồ Chí Minh- Paul Mus tháng Năm 1947, và nhất là giải pháp Hồ Chí Minh-Bảo Đại cùng kế hoạch ngưng chiến mà Bollaert dự tính đưa ra ngày 15 tháng Tám năm đó (trùng với ngày Anh trả độc lập cho Ấn độ và Pa-kis-tan) nhưng đã bị tướng Valluy thuyết phục Quốc hội Pháp bác bỏ. Nói đến những cơ hội bỏ lỡ này không có nghĩa rằng đấy là những cơ hội có thể đảm bảo vĩnh viễn quyền lợi của Pháp, nhưng chắc chắn đó là những cơ hội ký hiệp ước vào những thời điểm mà cán cân lực lượng còn nghiêng về phía Pháp cả về chính trị lẫn quân sự. Kết quả là Pháp vừa tránh được hoặc chấm dứt được chiến tranh vừa duy trì được một số quyền lợi lâu dài bằng một hiệp định có lợi hơn là hiệp định Genève sau trận Điện Biên Phủ.
Lỗi lầm quan trọng nhất của Pháp là thái độ đối với những người Việt Nam chân chính yêu nước, không theo Pháp hay đã chống Pháp nhưng sẵn sàng liên kết với Pháp trong mục tiêu chống cộng sản và có thể trở thành một đồng minh lâu dài của Pháp nếu Việt Nam được trả lại độc lập thực sự. Đó là ngọn cờ chính nghĩa mà phe quốc gia có thể giương cao và nhờ đó củng cố được lực lượng trong vùng tự do và lôi cuốn được đa số trí thức và dân chúng trong khu vực Việt Minh kiểm soát. Nhưng Pháp đã không thành thật đối với những người Việt Nam quốc gia, ngay cả với những người có khuynh hướng thân Pháp, vì mục tiêu chính vẫn là bảo vệ quyền lợi của Pháp ở Đông Dương. Pháp chỉ hứa hẹn mà không thi hành, kể cả những thỏa ước công nhận Việt Nam độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp. Hồ Chí Minh, trong lá thư gửi cho thủ tướng Ramadier năm 1947, cũng chỉ mong đòi được như Pháp đã thỏa thuận với Bảo Đại (xem chương Hai). Giải pháp Bảo Đại trở nên sáng giá nhất và có cơ hội lấy lại được chính nghĩa dân tộc cũng là vào năm 1947 khi đại diện các đảng phái và tôn giáo quốc gia ở trong và ngoài nước thành lập MTQGLH ủng hộ Bảo Đại “mở cuộc đàm phán với Pháp để đem lại hòa bình và độc lập cho Việt Nam”. Nhưng khi thấy Bảo Đại không “dễ bảo” như mong đợi, Pháp đã tìm mọi cách trì hoãn thực hiện những lời hứa hẹn, rốt cuộc phá hoại hoàn toàn uy tín của phe quốc gia cho tới khi hội nghị Genève nhóm họp năm 1954. Gần một tháng sau ngày hội nghị khai mạc, Pháp mới ký thêm một hiệp ước với chính phủ Bửu Lộc công nhận Việt Nam “hoàn toàn độc lập”. Việc chính phủ Ngô Đình Diệm tham dự hội nghị vào những tuần lễ cuối cùng chỉ là để chứng kiến và phản kháng những thỏa thuận đã được Pháp, Anh, Liên Xô và Trung Quốc sắp đặt từ trước.
Cơ hội lớn nhất của Pháp là có nhừng người quốc gia yêu nước chấp nhận hợp tác với Pháp để chống lại cộng sản Việt Nam. Nếu Pháp có một tầm nhìn sáng suốt về vấn đề Việt Nam và vai trò của mình trong khung cảnh Chiến tranh Lạnh, nhất trí với Roosevelt trong một sách lược ngăn chặn Cộng sản ở Đông Nam Á, sớm hợp tác thành thật với Bảo Đại và những người quốc gia ngay từ năm 1945 và thực sự trao trả độc lập dần dần cho một nước Việt Nam không cộng sản (Hồ Chí Minh cũng chỉ mong đòi được độc lập dần dần), thì Pháp đã giúp được cho phe quốc gia giành được chính nghĩa chống lại Việt Minh trong khi vẫn giữ được những quyền lợi chính đáng và quan hệ lâu dài với Việt Nam. Trong trường hợp này, cả Pháp lẫn Quốc Gia Việt Nam đều sẽ được Hoa Kỳ nhiệt tình viện trợ về mọi mặt và lịch sử cận đại Việt Nam chắc chắn đã có những biến chuyển khác.
Về phía Hoa Kỳ: Động cơ chính khiến Hoa Kỳ ủng hộ Pháp trong cuộc chiến 1946-1954 là cần sự tham gia của Pháp vào Cộng đồng Phòng thủ Châu Âu trước hiểm họa bành trướng của Nga Sô ở Châu Âu sau Thế Chiến II. Vì vậy, mặc dù chia sẻ quan niệm của Roosevelt về nhu cầu giải phóng các cựu thuộc địa ở Á và Phi châu trước mối đe dọa của cộng sản quốc tế, chính quyền Truman đã xếp bản Hiến Chương Đại Tây Dương vào hồ sơ lịch sử4 để ưu tiên chú trọng đến tình hình châu Âu mà Pháp là một đồng minh quan trọng. Ngoài ra, Hoa Kỳ tin tưởng rằng nếu được viện trợ quân sự Pháp sẽ thắng được Việt Minh và ngăn chặn được sự xâm nhập của cộng sản ở vùng Đông Nam Á.
Cho đến năm 1949, khi Mao Trạch Đông đánh bại Tưởng Giới Thạch và thống nhất Trung Quốc dưới chế độ cộng sản, Hoa Kỳ lại càng thấy cần phải hỗ trợ cho vai trò ủy nhiệm của Pháp trong khu vực Thái Bình Dương. Ngày 8 tháng Năm 1950, ngoại trưởng Dean Acheson chính thức loan báo chương trình viện trợ cho Pháp và các quốc gia Đông Dương mặc dù trước đó, Acheson đã không thuyết phục được ngoại trưởng Pháp Robert Schuman cam kết trả lại độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương để được hưởng một số quyền lợi lâu dài như trường hợp Hoa Kỳ đối với Phi-líp-pin. Ý kiến của Hoa Kỳ về việc viện trợ trực tiếp cho chính phủ QGVN (đã được Pháp nhìn nhận độc lập do hiệp định Élysée 1949) cũng bị Pháp cực lực bác bỏ. Từ đó, Hoa Kỳ bị mắc kẹt với Pháp cho đến khi Pháp quyết định tìm lối thoát qua hội nghị Genève trước thái độ bất mãn của Hoa Kỳ. Vì chỉ tin tưởng ở giải pháp quân sự trong công cuộc ngăn chặn ảnh hưởng cộng sản ở Đông Dương, khi Điện Biên Phủ bị lâm nguy, Hoa Kỳ cố gắng thành lập một liên minh quân sự để cứu Pháp. Khi những nỗ lực này thất bại, Hoa Kỳ chuẩn bị thay thế cho vai trò của Pháp bằng một kế hoạch hậu Genève: xây dựng một chính thể dân chủ ở miền Nam Việt Nam để đương đầu với chính thể cộng sản ở miền Bắc.
Từ 1945, Hoa Kỳ đã lúng túng trong việc hoạch định chính sách đối với Đông Dương, đặc biệt đối với Việt Nam. Sự lúng túng ấy đã đưa Hoa kỳ đến một lựa chọn nghịch lý và bất đắc dĩ là ủng hộ Pháp trở lại Đông Dương dù biết rằng Pháp không chịu từ bỏ tham vọng đế quốc ở vùng này. Trong khi đó, Pháp vẫn nghi kỵ Mỹ là muốn có vai trò và quyền lợi ở Đông Dương nhất là từ khi Tổng thống Truman bị đảng Cộng Hòa chỉ trích là đã “làm mất Trung Hoa”. Năm 1950, khi Hoa Kỳ thiết lập Nhóm cố vấn và Viện Trợ Quân sự (Military Assistánce and Advisory Group – MAAG) ở Việt Nam5 để duyệt xét các yêu cầu viện trợ và góp ý về chiến lược thì các giới chỉ huy quân sự Pháp cảm thấy bị xúc phạm nặng nề và thường bác bỏ đề nghị của các “cố vấn” Mỹ kể cả những đề nghị có ích lợi thực sự.
Vào thập kỷ 1940, ngoại trừ một số ít chuyên viên về Á châu trong bộ Ngoại giao, giới lãnh đạo Hoa Kỳ hiểu biết rất ít về Cam- bốt, Lào và Việt Nam mà chỉ có một khái niệm sơ sài về Đông Dương là thuộc địa của Pháp. Ngay cả Tổng thông Roosevelt cũng nghĩ rằng các dân tộc Đông Dương còn là những đám dân lạc hậu cần phải được đặt dưới quyền ủy trị (tmsteeship) và hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về độc lập và dân chủ trong vài ba chục năm. Tin tức về Việt Nam, đặc biệt về Việt Minh, trong những năm đầu là do OSS cung cấp, nhưng những báo cáo và đề nghị của OSS sau này bị Washington gạt bỏ vì coi là thân Việt Minh. Vì không quan tâm đến khu vực Đông Dương nên Hoa Kỳ đã không chịu nghiên cứu kỹ lưỡng để có sự hiểu biết đầy đủ và chính xác về tình hình chính trị Việt Nam hơn. Nếu hiểu biết thêm, Hoa Kỳ đã có thể đính chính một định kiến sai lầm về Bảo Đại như một bù nhìn của Nhật hay của Pháp, do đó giúp cho các lực lượng quốc gia có cơ hội lấy lại được chính nghĩa và uy tín đốì với quần chúng trong công cuộc tranh đấu giành độc lập, dân chủ và tự do thực sự cho đất nước. Hoa Kỳ cũng chỉ biết Hồ Chí Minh như một lãnh tụ cộng sản mà không hiểu, để có thể khai thác, tinh thần dân tộc của ông trong các quan hệ với Trung Quốc và Liên Xô, nhất là những nỗ lực của ông tiếp cận và cầu viện Hoa Kỳ trước và sau khi Thế Chiến II chấm dứt.
Chương Một và Chương Hai đã chứng tỏ Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim không hề hợp tác với Nhật để chống lại Đồng Minh mà chỉ lợi dụng cơ hội Nhật đảo chánh Pháp để xây dựng độc lập cho Việt Nam. Sau khi được tin Nhật đầu hàng, Trần Trọng Kim đã thành lập Ủy ban Cứu quốc và kêu gọi mọi giới đoàn kết để cùng nhau kiện toàn độc lập và thống nhất, ở chương Hai, chúng ta thấy trong lá thư gửi Tổng thống Traman, Bảo Đại đã nhấn mạnh rằng “chúng tôi sẽ vận dụng toàn lực để chống lại việc tái lập chủ quyền của Pháp trên lãnh thổ Việt Nam dưới bất cứ hình thức nào.” Trong lá thư kêu gọi de Gaulle và nhân dân nước Pháp, Bảo Đại dùng lời lẽ tình cảm hơn nhưng cũng biểu lộ rất dứt khoát tinh thần độc lập của dân tộc:
Tôi xin gửi lời đến nhân dân nước Pháp, đến xứ sở của tôi trong thời niên thiếu. Tôi cũng xin gửi lời đến vị lãnh đạo và là người đã giải phóng nước Pháp, và tôi muốn nói chuyện với tư cách một người bạn hơn là một Nguyên thủ Quốc gia.
Các bạn đã đau khổ quá nhiều trong bốn năm trời tang tóc để có thể hiểu được rằng dân tộc Việt Nam, với hai mươi thế kỷ lịch sử và một quá khứ nhiều phen vinh quang, không còn muốn, không còn có thể chịu đựng một sự thống trị hay một chính quyền ngoại lai nào.
Các bạn sẽ hiểu rõ hơn nữa nếu các bạn có thể thấy được những gì đang diễn ra ở đây, nếu các bạn có thể cảm thấy được ý chí độc lập ấp ủ trong đáy lòng của mỗi người mà không có một quyền lực nào có thể khuất phục được. Dù cho các bạn có thể tái lập được một chính quyền Pháp ở đây, chính quyền đó sẽ không còn được tuân phục, mỗi làng xã sẽ là một tổ kháng chiến, mỗi người trước kia hợp tác nay sẽ là một kẻ thù, và những viên chức và ngay cả những nhà thực dân của các bạn cũng sẽ đòi được ra khỏi bầu không khí nghẹt thở này.
Tôi xin các bạn hiểu cho rằng phương cách duy nhất có thể bảo vệ quyền lợi và ảnh hưởng tinh thần của nước Pháp tại Đông Dương là thẳng thắn nhìn nhận nền độc lập của Việt Nam và từ bỏ mọi ý tưởng tái lập chủ quyền hay một nền hành chánh của Pháp dưới bất cứ hình thức nào.
Chúng ta sẽ có thể dễ dàng hoà thuận và trở thành bạn với nhau nếu các bạn không còn ý định trở lại thành chủ nhân của chúng tôi.
Qua lời kêu gọi chủ nghĩa lý tưởng nổi tiếng của dân tộc Pháp và sự sáng suốt rộng lớn của vị lãnh đạo Pháp, chúng tôi hi vọng rằng hòa bình và hạnh phúc đã đến với mọi dân tộc trên thế giới cũng sẽ được đảm bảo cho mọi người dân bản xứ cũng như người ngoại quốc ở Đông Dương.6
Như vậy, thật rõ ràng là bất công nếu cứ nhất định chụp cho Bảo Đại cái mũ “bù nhìn” hay “tay sai” của Pháp. Bảo Đại không phải là một nhà cách mạng vì ông đã chỉ được đào tạo và phục vụ trong những điều kiện vương giả. Công bằng mà nói, Bảo Đại là một ông hoàng có lòng yêu nước, tốt bụng, không giết hại ai, nhưng cũng là một ông hoàng ham chơi và nhu nhược. Bảo Đại có thể trở thành một quốc trưởng được mọi người quý mến nếu có một chính phủ gồm những người thật lòng vì dân vì nước. Từ 1945, Bảo Đại luôn luôn tin cậy ở Hoa Kỳ và mong đợi được Hoa Kỳ giúp đỡ. Sau này, vào lúc châm dứt hội nghị Genève, Bảo Đại đã có một nhận định sáng suốt về triển vọng tương lai của Việt Nam: “Chúng ta không còn trông cậy vào Pháp được nữa. Tại Genève, người Mỹ là đồng minh duy nhất của chúng ta. Trước biến chuyển của tình hình, họ muốn thiết lập một hệ thống phòng thủ mới trong vùng Đông Nam Á. Họ có thể giúp chúng ta tiếp tục chiến đấu chống cộng sản.
Giả thử Truman và những nhà làm chính sách của Hoa Kỳ quan tâm đến lời kêu gọi của Bảo Đại và hỗ trợ cho Ủy ban Cứu quốc của chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945 —khi Việt Minh còn quá yếu và Pháp chưa thể trở lại Việt Nam— thì chắc chắn tình hình Việt Nam đã đổi khác. Dù sao chăng nữa, các biến chuyển trong tháng Tám 1945 xảy ra quá nhanh và Tổng thống Truman trước đó cũng đã quyết định để cho Pháp trở lại Đông Dương,8 vì thế cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp đều làm ngơ trước lời kêu gọi của Bảo Đại. Nhưng trong nhiều dịp thuận lợi khác, nhất là sau khi Anh và Hòa-Lan đã trả lại độc lập cho Ấn-Độ và Nam-Dương, và trước khi “mất” Trung Quốc, Hoa Kỳ đã có thể áp lực Pháp thật tâm ủng hộ một chính phủ quốc gia và trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam theo một lịch trình cụ thể. Cũng như Pháp, chính phủ Mỹ đã để lỡ những cơ hội như vậy.
Hoa Kỳ thường chê trách Bảo Đại là ham ăn chơi không tha thiết đến việc nước. Tháng Mười 1960, Ngoại trưởng Dean Acheson gửi điện cho Đại sứ ở Sài-gòn yêu cầu khuyến cáo Bảo Đại phải làm gương cho chính phủ của ông làm việc có hiệu quả… Nhiều người, gồm số đông người Mỹ, không hiểu tại sao Hoàng đế cứ kéo dài thời gian nghỉ ở vùng Riviera (Côte d’Azur) và cho rằng điều đó chứng tỏ ông không có lòng tha thiết với đất nước trong cương vị Quốc trưởng. Ít nhất thì Bộ (Ngoại giao) cũng thấy rằng việc ông vắng mặt không làm cho chính phủ của ông ở trong nước có thêm uy tín và quyền lực….
Bảo Đại phải cho nhân dân thấy là ông có quyết tâm lãnh đạo đất nước chống lại sự đe dọa của cộng sản. Cụ thể là ông phải đi khắp mọi nơi trong nước, đọc nhiều diễn văn và xuất hiện trước công chúng….9
Hoa Kỳ đã có những quan tâm và khuyến cáo rất đúng về vai trò của Bảo Đại, nhưng trước hết cần phải hiểu rằng bản chất của Bảo Đại là một ông hoàng chứ không phải là một lãnh tụ chính trị sẵn sàng sống chết với lý tưởng của mình. Do cuộc sống vương giả kiểu Tây phương từ hồi còn nhỏ, ông chỉ có thể bày tỏ lòng yêu nước thương dân trong những điều kiện bình thường không đòi hỏi cá nhân ông phải tranh đấu và chịu đựng gian khổ. Thậm chí, ông đã biện minh cho việc ông dành nhiều thì giờ cho cuộc sống ở Côte d’Azur hay Đà-lạt bằng một cách giải thích ngụy biện quan niệm trị nước của một vị Hoàng đế ở Á đông:
Hoàng đế không cần phải có mặt để cho dân chúng biết là họ đang được cai trị. Lâu lâu —thường là rất hiếm— nhà vua mới cần xuất hiện công khai nhân những dịp tiếp kiến để chứng tỏ là mình còn tại vị… Ông hoàng là nhịp cầu giữa Trời và thần dân của ông… Trước hết ông phải tạo ở nơi ông sự an bình và hài hoà nếu ông muốn đem lại thái bình và hòa hợp trong dân chúng. Bởi thế ông cần phải giữ yên lặng, để vừa có thể nghe được tiếng nói của dân nhiều hơn vừa nắm bắt được các biến chuyển một cách thuận lợi hơn….10
Do quan niệm trị nước như vậy, Bảo Đại có tinh thần ỷ lại, nhu nhược và thích dung hòa. Bởi thế, ông chỉ phát biểu khi cần thiết còn hành động là công việc của chính phủ và những người ủng hộ ông. Bảo Đại đòi Pháp phải trả độc lập cho Việt Nam nhưng ông không sẵn sàng cắt đứt mọi liên hệ của ông với Pháp, hi vọng Hoa Kỳ sẽ làm áp lực đế quốc thực dân này giúp cho ông. Ông chống Việt Minh và Cộng sản quốc tế nhưng ông đã từng có thiện cảm với Hồ Chí Minh khi ông làm cố vấn Tối cao của chính phủ Việt Minh. Bảo Đại cho rằng Hồ Chí Minh “hết lòng tha thiết đến nền độc lập của xứ sở. Những điều ông ta nói hoàn toàn phù hợp với quan điểm của tôi. Không cần quan tâm tới quá khứ và phương pháp hành động của ông ta, tôi ủng hộ ông với tất cả lòng chân thành.”11 Đầu tháng Tư 1946, khi tướng Marshall gặp ông ở Trùng Khánh để hỏi thăm về chuyện Việt Minh lên nắm chính quyền, Bảo Đại nhấn mạnh đến “ý chí của ông (Hồ) là thực hiện độc lập và thống nhất, hai nguyện vọng chung của dân tộc Việt Nam.”12 Ngay cả sau khi bị Hồ Chí Minh bỏ rơi ở Trùng Khánh và nhận xét ông Hồ là “một chiến sĩ mác-xít… đầy mưu mẹo… giỏi đóng kịch, không khoan nhượng vào giờ phút quyết định… luôn luôn sẵn sàng dang tay ôm để dễ bóp nghẹt hơn”13, Bảo Đại vẫn tuyên bố “tôi không ủng hộ nhưng cũng không chống Việt Minh… Đề nghị của tôi là tôi chỉ đóng vai trò trung gian giữa nước Pháp và tất cả các đảng phái ở Việt Nam.”14
Đáng tiếc là, sau chính phủ Trần Trọng Kim, Bảo Đại không có một chính phủ nào có đủ khả năng, thiện chí và điều kiện để lãnh đạo nhân dân, vận động sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và quốc tế trong công cuộc tranh đấu thuyết phục Pháp trả lại độc lập và thống nhất thật sự cho Việt Nam. Hầu hết những người thật lòng yêu nước đều đã phải lưu vong, hoặc đã đi theo Việt Minh hay trở thành những “chính khách trùm chăn” chờ đợi những thời cơ thuận tiện hơn. Chính sách mâu thuẫn và không dứt khoát của Hoa Kỳ đối với Pháp và Đông Dương càng làm cho Bảo Đại bị cô đơn và mất dần uy tín trước dư luận trong và ngoài nước.
Sau hết, cũng nên bàn thêm về hai quyết định của Hoa Kỳ trước và sau chiến tranh 1946-1954. Quyết định thứ nhất đã gây nên nhiều tranh cãi nhất nhưng vẫn cần được duyệt xét lại để rọi thêm ánh sáng vào cuộc tranh luận với hy vọng tiến đến một phán xét khách quan và hợp lý hơn.
Nhiều người cho rằng Hoa Kỳ đã sai lầm và bỏ lỡ cơ hội khi không chú ý đến những lời kêu gọi liên tiếp của Hồ Chí Minh mong muốn được sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Người đầu tiên phải nhắc tới là Archimèdes “AI” Patti. Dù bị OSS Trung Ương cảnh cáo là các bản phúc trình của ông thiên về phía Việt Minh, Patti vẫn tiếp tục duy trì quan điểm cho rằng Hồ Chí Minh yêu nước hơn chủ nghĩa cộng sản. Tháng Chín 1945, ông báo cáo với Đại diện Hoa Kỳ ở Côn Minh rằng các lãnh tụ Việt Minh mong muốn Việt Nam được Hoa Kỳ bảo hộ trước khi hoàn toàn độc lập như trường hợp Phi-líp-pin, nhưng biết rằng không thể có chuyện như vậy nên đã đồng ý ở trong khối Liên Hiệp Pháp trong mười năm dưới sự lãnh đạo của một Toàn quyền người Pháp, với điều kiện phải có Liên Hiệp Quốc theo dõi việc này.15 Nhiều năm về sau, “Al” Patti vẫn tin rằng Hoa Kỳ đã để lỡ một cơ hội bằng vàng vào thời điểm đó. Năm 1983, trong một hội nghị ở Đại Học Nam California, ông tuyên bố: “Những tài liệu còn lưu trữ cho thấy một cách khá rõ rệt rằng thái độ chống đối hay thờ ơ của Mỹ đã đẩy Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh phải lệ thuộc vào Bắc Kinh và Mat-scơ-va. Không ai có thể nghi ngờ gì về điều đó. Tôi nói với tư cách một người hiểu biết trực tiếp là chúng ta đã có sẵn ông ta trên một chiếc mâm bạc, nhưng chúng ta đã từ chối.”
Tháng Chín 1946, khi còn ở Pháp vào những ngày chót của Hội nghị Fontainebleau. Hồ Chí Minh đã gặp Đại sứ Mỹ Jefferson Caffery để vận động Hoa Kỳ ủng hộ, nhấn mạnh rằng ông không phải là Cộng sản. Ngày hôm sau ông Hồ lại gặp Đệ nhất Tham vụ George Abbott (sau này là Tổng Lãnh sự ở Sài-gòn) để nhắc đến việc ông đã hợp tác với Hoa Kỳ chống Nhật và lòng ngưỡng mộ của ông đối với Tổng thống Roosevelt. Ông cũng nói đến việc tổng chống Pháp nắm độc quyền kinh tế ở Đông Dương và mong muốn các nhà kinh doanh Hoa Kỳ tới làm ăn. Sau hết ông còn gợi ý về triển vọng hợp tác quân sự giữa hai nước trong tương lai, kể cả việc để cho Mỹ sử dụng Vịnh Cam Ranh làm căn cứ hải quân.16
Một số sự kiện hiển nhiên trong cuộc đời Hồ Chí Minh cho thấy ông là một người yêu nước khi còn trẻ, chịu ảnh hưởng của Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, đã tham gia biểu tình của nông dân đòi giảm thuế năm 1908 do đó bị đuổi khỏi trường Quốc Học Huế. Lý do chính khiến Hồ Chí Minh trở thành Cộng sản là ông đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc trong khi đọc cuốn “Luận về các Vấn đề Dân tộc và Thuộc địa” của Lenin năm 1920, chín năm sau khi ra khỏi nước. Mặc dầu chủ trương của Comintern là thực hiện chủ nghĩa cộng sản quốc tế qua đấu tranh giai cấp, Hồ Chí Minh vẫn chú trọng vào mục tiêu giải phóng dân tộc. Vì khuynh hướng thiếu “chính thống” này, ông đã bị cả hai Tổng Bí thư ĐCSĐD Trần Phú và Hà Huy Tập chỉ trích và không được Stalin có cảm tình. Vào những năm cuối của Thế Chiến II, Hồ Chí Minh rất chú ý đến khả năng siêu cường và chủ trương chống đế quốc thực dân của Hoa Kỳ, nhất là quan điểm của Tổng thông Roosevelt đối với đầu óc thuộc địa của Pháp. Sau khi được Trương Phát Khuê thả ra và giao cho việc tổ chức lại VNCMĐMH, ông Hồ đã tìm cách hợp tác với OSS và thường tới thư viện của Sở Thông Tin Chiến Tranh của Hoa Kỳ ở Côn Minh để tìm hiểu thêm về lịch sử nước Mỹ và tình hình chính trị thế giới. Rất có thể là chính tại thư viện này ông đã được đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ mà sau này ông đã trích dẫn trong lời mở đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam ngày 02 tháng Chín 1945.
Hồ Chí Minh đã cố gắng lập công với OSS trong cuộc chiến chống Nhật và tìm đủ mọi cách để gấy được sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn đế quốc Pháp trở lại Đông Dương. Ngoài những nỗ lực vận động qua OSS và các viên chức ngoại giao Mỹ, trong khoảng từ tháng Mười 1945 đến tháng Hai 1946, Hồ Chí Minh đã gửi tám lá thư cho Tổng Thống và Bộ trưởng Ngoại Giao Mỹ nhưng không lần nào được trả lời.
Đầu tháng Mười Hai 1946, Abbott Low Moffatt, giám đốc vụ Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao, được cử sang Đông Dương gặp các giới chức Việt và Pháp để nhận định tình hình. Khi tiếp Moffatt ở Bắc Bộ Phủ ngày 8 tháng Mười Hai 1946, Hồ Chí Minh lại xác nhận mục đích chính của ông là nền độc lập của Việt Nam chứ không phải là chủ nghĩa cộng sản. Nhân dịp này, ông Hồ cũng nhắc lại ý muốn để cho Mỹ đặt căn cứ hải quân ở CamRanh.17 Sau cuộc tiếp xúc này, Moffat nhận định rằng “Hồ Chí Minh trước hết là một người yêu nước, nhiệt tâm tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam, có thể được coi như một Tito ở Á châu.”18 Tuy nhiên, Mofffat cũng tin rằng Hồ Chí Minh là một người cộng sản, vì vậy phải chịu ảnh hưởng của Nga Sô và Trung Quốc. Ông kết luận rằng tạm thời cần có sự hiện diện của Pháp ở Đông Dương dưới một hình thức nào đó, không những nhằm hạn chế ảnh hưởng của Nga Sô mà còn bảo vệ vùng này trước khả năng xâm lấn của Trung Quốc. Mặc dù kết luận của Moffatt là một đề nghị có điều kiện, Bộ Ngoại Giao Mỹ đã gửi thông tư cho tất cả các Đại sứ quán Mỹ trên thế giới về sự hiện diện cần thiết của Pháp ở Đông Dương, “không những để loại trừ ảnh hưởng Sô-viết mà còn bảo vệ Việt Nam và Đông Nam Á trước chủ nghĩa đế quốc của Trung Quốc trong tương lai.”19
Quyết định của Hoa Kỳ ủng hộ Pháp trở lại Đông Dương để ngăn chặn ảnh hưởng của Cộng sản Nga Sô và Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á đã được chứng minh là sai lầm, vì mục đích chính của Pháp là chiếm lại những thuộc địa cũ còn vấn đề chống Cộng chỉ là mục đích xa xôi, thứ yếu. Thật ra, Hoa Kỳ cũng biết rõ ý đồ của Pháp nhưng vẫn ủng hộ Pháp vì một mặt cần có đồng minh trong Cộng đồng Phòng thủ châu Âu, một mặt tin rằng Pháp có khả năng đánh bại lực lượng quân sự yếu kém của Việt Minh. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng không phải là cán cân quân sự mà là chính nghĩa chống Pháp giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Dù cho Pháp có bắt hay giết được các lãnh tụ Cộng sản và dẹp tan được Việt Minh, dân tộc Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh chống sự thống trị của ngoại bang cho đến khi nào lấy lại được chủ quyền. Tình hình chính trị Việt Nam vào thời điểm 1945-1946 cho thấy Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã giành được chính nghĩa chống Pháp và lôi cuốn được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng. Lẽ ra, Hoa Kỳ đã phải thuyết phục Pháp thi hành Hiệp định Hồ-Sainteny 6 tháng Ba 1946 thay vì miễn cưỡng ủng hộ tham vọng của Pháp để mang tiếng chống lại nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam. Dù cho không tin tưởng ở Hồ Chí Minh, việc thi hành Hiệp định 6 tháng Ba ít nhất cũng đem lại cho Mỹ và Pháp một thời gian vừa phải —một “decent interval”—để dò xét khuynh hướng chính trị thực sự của Hồ Chí Minh, nhất là tìm cách khai thác thích hợp tinh thần dân tộc của ông đối với đầu óc bá quyền lâu đời của Trung Quốc. Với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, Hồ Chí Minh có thể trở thành một thứ Tito ở Á châu, nếu không thì ít nhất Hoa Kỳ cũng kìm hãm được ảnh hưởng cộng sản, và giúp cho các đảng phái quốc gia có cơ hội và thời giờ hồi phục và quy tụ những người yêu nước không cộng sản.
Hồ Chí Minh muốn làm thân với Mỹ và sẵn sàng chấp nhận chế độ Liên Hiệp Pháp trong một thời gian từ năm đến mười năm vì muốn có thì giờ củng cố lực lượng và thăm dò chiều hướng quốc tế. Hồ Chí Minh vốn là một nhân vật realpolitik, sẵn sàng thích ứng với hoàn cảnh thực tế và vận dụng mọi phương tiện khả hữu để đạt tới mục tiêu trước mắt là một nước Việt Nam độc lập và mục tiêu lâu dài là một xã hội Cộng sản. Chương Một trên đây đã nhắc đến việc Hồ Chí Minh thuyết phục được Trương Phát Khuê rằng phải mất ít nhất năm mươi năm mới thiết lập được một xã hội Cộng sản ở Việt Nam. Hồ Chí Minh chỉ công kích Mỹ và quyết định chiến đấu chống Pháp đến cùng vào năm 1950 sau khi đã có “hậu phương lớn” là Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông.
Thật ra, dù các nhà lãnh đạo Mỹ có đánh giá Hồ Chí Minh như một người yêu nước trước chủ nghĩa cộng sản, đã từng ca ngợi nước Mỹ như “một nhà vô địch binh vực quyền lợi của các dân tộc nhược tiểu,”20 ưu tiên chọn lựa của Hoa Kỳ trong thời điểm ngay sau Thế chiến II vẫn là Âu châu và nước Pháp. Chỉ đáng tiếc là Pháp đã không có một tầm nhìn sáng suốt về vấn đề thuộc địa để giữ được vai trò thích hợp ở Đông Nam Á, và cũng đáng tiếc là Hoa Kỳ đã không làm gì tích cực để thuyết phục hay áp lực Pháp nắm lấy cơ hội giải quyết vấn đề Đông Dương sớm hơn và thuận lợi hơn, trước khi Trung Quốc mất vào tay Mao Trạch Đông.21 Cũng như Pháp, Hoa Kỳ đã không nhận ra được mối quan tâm sâu sắc từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam là tìm mọi cách để khỏi bị lệ thuộc vào Trung Quốc, một điều đã được Hồ Chí Minh phát biểu một cách rất nôm na, như đã được dẫn ở chương Hai: “Thà ngửi cứt thằng Tây một thời gian hơn là phải ăn cứt thằng Tàu suốt cả đời.”
Quyết định thứ hai rõ ràng sai lầm của Hoa Kỳ là bất hợp tác với Liên Xô và Trung Quốc tại Hội nghị Genève 1954. Mặc dù vừa thua nặng ở Điện Biện Phủ và đang lâm vào tình trạng tuyệt vọng về quân sự, Pháp vẫn dựa được vào uy thế của Mỹ để mặc cả khiến cả hai đại cường cộng sản đều chiều chuộng và bắt ép Việt Minh phải chấp nhận một bản hiệp định không xứng đáng với những điều kiện của phe chiến thắng. Hoa Kỳ quá lo ngại về hiểm họa bành trướng của Cộng sản mà không nhận ra rằng quyền lợi của Liên Xô lúc đó không phải ở Viễn Đông còn Trung Quốc thì đang thay đổi chính sách đối ngoại, muốn hòa hoãn với khối tư bản để đáp ứng nhu cầu quốc nội sau những hao tổn quá lớn cho hai cuộc chiến Triều Tiên và Việt Nam (xem chương Bốn). Ngoài ra, cả hai đại cường cộng sản, nhất là Trung Quốc, đều không muốn có một nước Việt Nam cộng sản mạnh nhưng độc lập. Nếu Hoa Kỳ chính thức tham gia Hội nghị Genève và có những cuộc thương thuyết riêng với Nga Sô và Trung Quốc thì có thể đã đạt được một bản thỏa ước quốc tế về Đông Dương với một giải pháp chính trị có khả năng ổn định lâu dài hơn, khác với bản hiệp định đình chiến giữa Pháp và Việt Minh.
Tóm lại, sai lầm căn bản của Hoa Kỳ trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất là tin tưởng và giúp đỡ Pháp chiến đấu chống cộng sản trong khi mục đích chính của Pháp là khôi phục lại chủ quyền của họ ở Đông Dương. Đúng như các tác giả của “Hồ sơ Ngũ Giác Đài” đã nhận định về chính sách ngây thơ của Hoa Kỳ đối với Pháp: “Oa-sinh-tơn muốn Pháp chiến đấu chống cộng sản và thắng cuộc chiến này, với sự hướng dẫn và cố vấn của Hoa Kỳ; và Oa-sinh-tơn mong đợi rằng, sau khi chiến thắng, Pháp sẽ rút ra khỏi Đông Dương một cách hào hiệp.”22 Hoa Kỳ cũng đã bỏ lỡ những cơ hội có thể xoay chuyển được tình thế và tránh được chiến tranh Đông Dương lần thứ Hai với những hậu quả quá tai hại về nhân mạng, vật chất và tinh thần cho tất cả mọi phe lâm chiến.
Về phía Quốc gia: Danh từ quốc gia ở đây dùng để chỉ những đảng phái chính trị không cộng sản và chính quyền Quốc Gia Việt Nam (1948-1955) là những thành phần chống chủ nghĩa Cộng sản và Mặt trận Việt Minh, và có liên hệ đến chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.
Như đã nói đến trong Chương Một, sau khi khởi nghĩa Yên Bái 1930 bị thất bại và những cuộc đàn áp tàn bạo của Pháp tiếp theo đó, hầu hết các lãnh tụ cách mạng Việt Nam đều phải bỏ trốn sang Trung Hoa lánh nạn. Hàng ngũ quốc gia, kể cả Việt Nam Quốc Dân Đảng, về sau lại chia thành nhiều nhóm không hợp tác được với nhau và cũng không trở về nước tái lập cơ cở để hoạt động. Những nhóm chính trị quốc gia xuất hiện ở trong nước như các hệ phái đảng Đại Việt (Bắc), đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu (Nam) hoặc nhân sĩ độc lập như Huỳnh Thúc Kháng (Trung) đều thiếu cơ sở quần chúng và chỉ có những hoạt động rất hạn hẹp. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là vừa có tổ chức hoạt động bí mật ở trong nước, vừa phối hợp với những chi bộ trong mạng lưới cộng sản quốc tế ở Nga Sô, Trung Quốc và Thái Lan. Sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh, Hồ Chí Minh lại lấy được sự tín nhiệm của Quốc Dân Đảng Trung Hoa và liên hệ được với Cơ quan Tình báo OSS của Mỹ để tổ chức các hoạt động chống Nhật tại Việt Nam, nhờ đó gây được thanh thế cho Việt Minh và dễ dàng giành được chính quyền ngày 19.8.1945. Qua những hình thức hợp tác bất đắc dĩ cho đến khi Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau (tháng Sáu-tháng Mười 1946), các đảng phái quốc gia bắt đầu bị Việt Minh mở chiến dịch thanh trừng, kết quả là hầu như bị tận diệt chỉ trong vòng mấy tháng.
Nguyên nhân thất bại của các đảng phái chính trị quốc gia là thiếu đoàn kết, thiếu chuẩn bị trước thời cơ, thiếu tổ chức và kỷ luật, thiếu đường lối và kế hoạch hoạt động quần chúng, quá lệ thuộc vào những tướng lãnh tham nhũng Trung Hoa, thiếu những cuộc vận động ngoại giao với Hoa Kỳ và Anh quốc. Đối với Pháp, các lãnh tụ quốc gia lại tỏ thái độ cực đoan và đòi hỏi hơn cả Hồ Chí Minh, làm mất cơ hội có thể lấy được được sự ủng hộ không những của Pháp mà còn của Hoa Kỳ và Anh nữa. Sainteny đã tiếp xúc với Nguyễn Tường Tam từ khi còn ở Trung Hoa và năm 1945 đã hai lần đến gặp Nguyễn Hải Thần ở Hà Nội để bàn việc hợp tác nhưng lần nào cũng thất bại. Trong khi đó, Hồ Chí Minh đã áp dụng chiến thuật “lùi một bước để tiến hai bước” để nhượng bộ Pháp và ký Hiệp định Sơ bộ 6 tháng Ba. Chẳng trách gì Pháp đã tiếp tay cho Việt Minh trong chiến dịch truy lùng các đảng phái quốc gia sau đó. Không ai có thể phủ nhận lòng yêu nước nhiệt thành và lòng dũng cảm của những nhà cách mạng không cộng sản, nhưng tinh thần ái quốc cực đoan và nhất là sự lo ngại bị kết tội “nhượng bộ Pháp” đã khiến cho các lãnh tụ quốc gia không tính được những mưu lược dài hạn, không biết sử dụng thời cơ như những phương tiện để đạt tới cứu cánh.
Nhiều nhà trí thức sang Pháp du học, nhận thấy rõ chính sách bóc lột và đối xử bất công của Pháp ở Việt Nam, khi về nước đã trở thành những nhà chính trị tranh đấu hăng say cho độc lập và tự do của dân tộc. Họ đã sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do biểu tình trong một xã hội dân chủ để đòi hỏi nước Pháp phải tôn trọng độc lập và nhân quyền của dân Việt. Mọi hoạt động đều hướng về cùng một mục đích nhưng có nhiều chủ trương khác nhau, không kết hợp và cũng không phối hợp được với nhau. Nhiều người bị mật thám Pháp theo dõi, bắt bớ, nhiều tờ báo bị đóng cửa. Ưu điểm của tư tưởng và sinh hoạt dân chủ đa nguyên đã trở thành nhược điểm khi phải đối phó với những biện pháp đàn áp của guồng máy thống trị thực dân, và những trí thức yêu nước này đã hoàn toàn bất lực khi phải cạnh tranh với đảng Cộng sản vốn có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật, nhất trí trong tư tưởng và hành động. Nhiều người đã bị đảng cộng sản thủ tiêu vì bất đồng chính kiến.
Quốc Gia Việt Nam, trong hơn bảy năm dưới quyền lãnh đạo của Bảo Đại (5.6.1948 – 26.10.1955) đã thay đổi chính phủ tới mười lần (ba lần với Trần Văn Hữu, hai lần với Nguyễn Văn Tâm).23 Ngoại trừ một vài cá nhân, không có một chính phủ nào có thể so sánh về tinh thần yêu nước và làm việc hết lòng, mặc dù thiếu kinh nghiệm chính trị, như chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945. Thành tích của các chính phủ trong thời gian bảy năm này chỉ là một chuỗi những cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái chính trị, tôn giáo phức tạp, không có hậu thuẫn của nhân dân, do đó không đủ trọng lượng đòi hỏi Pháp phải tôn trọng lời hứa và thực hiện những điều đã ký kết. Phần lớn những người chủ chốt lại là những người thân Pháp, không phải là những người quyết tâm tranh đấu cho độc lập và tự do của dân tộc. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chính nghĩa chống Pháp đã được dồn hết sang phía chính phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Cũng phải nói thêm là Bảo Đại và những chính trị gia hợp tác với ông, kể cả một số người thật lòng yêu nước, đều thiếu kinh nghiệm hoạt động ngoại giao, nhất là vận động sự ủng hộ của quốc tế. Ngay cả đối với Hoa Kỳ, Bảo Đại đã có nhiều cơ hội gặp gỡ các Đại sứ và những nhân vật quan trọng của Mỹ ở Pháp cũng như ở Việt Nam nhưng chẳng bao giờ thảo luận và làm sáng tỏ lập trường của mình để thuyết phục Hoa Kỳ mà chỉ chờ đợi được Hoa Kỳ ủng hộ. Ông cũng không có những chính khách hay những nhà ngoại giao chuyên nghiệp làm công việc vận động cho ông. Thậm chí, QGVN thành lập từ 1948 mà tới 1950, sau khi Trung Quốc và Nga Sô công nhận VNDCCH, Hoa Kỳ và Anh mới vội vã công nhận QGVN. Rồi cũng phải nhờ sự vận động gần như cưỡng bách của Mỹ, QGVN mới được sự thừa nhận của Thái Lan. Lý do chính cũng vì, theo thỏa ước Élysée, các hoạt động ngoại giao của QGVN vẫn còn phải qua trung gian của Pháp, về điểm này, Phó Ngoại trưởng Ấn-độ B. V. Keskar có thuật lại cho Giám đốc Vụ Đông Nam Á Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ một nhận xét khá chí lý của một số nhân vật QGVN: “Bảo Đại không phải là bù nhìn mà là tù nhân của Pháp’.24
Về phía Việt Minh: Ở đây không cần phải nhắc lại những chính sách sai lầm về mặt đối nội như tiêu diệt địa chủ và khủng bố trí thức trong những năm đầu thập kỷ 1950 (xem chương Ba), nhưng cần phải phân tích một sai lầm chủ yếu về đối ngoại có ảnh hưởng tai hại cho Việt Nam đến tận ngày nay. Đó là việc cầu viện Trung Quốc qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Hành động cầu viện và tiếp viện vẫn là chuyện bình thường giữa các nước đồng minh, nhưng đặc biệt trong mối quan hệ Việt-Trung, hành động này có những hậu quả phức tạp. Đối với Trung Quốc, Việt Nam đã mắc một món nợ quá lớn, lại có một thời kỳ bất hòa đưa đến cuộc chiến tranh mùa Xuân năm 1979,25 khiến Việt Nam sẽ phải trả bằng một giá rất cao trong một thời gian rất lâu nếu không có sự sụp đổ của khối Sô-Viết và các nước cộng sản Đông Âu vào giữa thập kỷ 1980. Vì nguy cơ chung, Việt Nam và Trung Quốc lại hòa giải với nhau, nhưng trong tiến trình này, Việt Nam lại đi theo Trung Quốc như một gương mẫu về đối nội và đối ngoại và đã để cho Trung Quốc có cơ hội lũng đoạn và ngăn cản sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Hãy trở lại lý do Việt Minh cầu viện Trung Quốc năm 1950, sau khi Mao Trạch Đông đánh bại Tưởng Giới Thạch và thống nhất toàn lục địa. Hồ Chí Minh chủ trương cần phải dựa vào Trung Quốc như một hậu phương lớn để hoàn tất thắng lợi cuộc chiến tranh chống Pháp và xây dựng chế độ cộng sản ở Việt Nam. Nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam tin rằng, vì chủ nghĩa cộng sản quốc tế, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ là quan hệ bền vững của những nước anh em cùng tranh đấu cho một lý tưởng chung, do đó Trung Quốc của thời đại cộng sản không còn là một mối đe dọa cho Việt Nam như những triều đại phong kiến khi xưa. Dù sao chăng nữa, trong tình thế khó khăn của Việt Nam năm 1950, giả thử Hồ Chí Minh vẫn còn giữ mối lo ngại ngàn đời của dân tộc đối với đầu óc bá quyền của Trung Quốc, ông cũng chẳng có một sự lựa chọn nào khác nếu muốn tiếp tục cuộc chiến chống Pháp.
Lý do khiến VNDCCH cần phải dựa vào sự tiếp viện của Trung Quốc để tiếp tục cuộc chiến chống Pháp đã rõ ràng. Nhưng lý do khiến Trung Quốc nhiệt tình chi viện cho VNDCCH thì không chỉ đơn giản vì hai nước cùng chia sẻ lý tưởng cộng sản. Nhờ được tham khảo những tài liệu trong các văn khố và thư viện ở Bắc Kinh, giáo sư sử học Qians Zhai của Đại học Aubum, Alabama, nhận thấy có ba động cơ đã thúc đẩy Mao Trạch Đông quyết tâm giúp cho Hồ Chí Minh tiếp tục chiến đâu chống Pháp đến thắng lợi.
Thứ nhất là yếu tố địa lý chính trị. Đối với Mao, Đông Dương là một trong ba tiền tuyến bị đe dọa xâm lược bởi đế quốc tư bản do Mỹ cầm đầu. Hai tiền tuyến kia là Triều Tiên và Đài Loan. Phải giúp cho Bắc Việt thì Trung Quốc mới có khả năng quét sạch những đạo quân của Tưởng Giới Thạch đang còn hoạt động chống cộng sản trong vùng Quảng Tây và biên giới Việt-Trung. Mao rất lo ngại tình trạng này nhất là sau khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ thì quân Quốc Dân Đảng từ Việt Nam và miền núi ở Quảng Tây quấy nhiễu dữ dội. Như vậy, nếu VNDCCH thắng được Pháp thì Trung Quốc mới có thể yên tâm về biên giới phía Nam.
Lý do thứ hai là ý thức hệ. Đây là động cơ quan trọng nhất. Mục tiêu của Mao Trạch Đông không phải chỉ làm cách mạng cộng sản ở Trung Quốc mà thay đổi cả thế giới, về điểm này, Qiana Zhai đồng ý với quan điểm của Michael Hunt cho rằng, theo Mao, hệ thống chính trị quốc tế cũ đã làm cho Trung Quốc bị suy đồi nên cần phải có một hệ thống mới (tức cộng sản) để phục hồi sức mạnh của Trung Quốc. Vì mối liên hệ chặt chẽ đó, một cuộc cách mạng thế giới sẽ giúp củng cố và đem lại sự chính đáng cho cuộc cách mạng Trung Quốc.26 Trong bản chỉ thị nội bộ đảng ngày 14.3.1950, Phó Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ viết: “Sau khi cách mạng của ta thành công, việc giúp đỡ cho các đảng Cộng sản và dân tộc của tất cả những nước bị áp bức được giải phóng là một nghĩa vụ quốc tế mà đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc không thể né tránh. Đó cũng là một trong những phương cách kiện toàn thắng lợi của cách mạng Trung Quốc trên trường quốc tế.27 Vào thời điểm này, Stalin phân công cho Mao phụ trách thực hiện cách mạng cộng sản ở Á châu. Riêng đối với miền Bắc Việt Nam, Mao Trạch Đông còn muốn đền ơn Hồ Chí Minh trong việc giúp đỡ Hồng quân ở biên giới Việt-Trung trong những ngày nguy khốn năm 1946 do hoạt động truy kích của quân đội Tưởng Giới Thạch ở miền Nam Trung Quốc.
Lý do thứ ba là quan hệ truyền thống giữa Trung Quốc và các nước lân bang. Zhai xác nhận trong lịch sử, Trung Quốc vẫn tự coi mình là trung tâm của thế giới, coi mọi nước khác là thấp kém. Đây là đầu óc bá quyền (hegemony) mà các nho sĩ Việt Nam thời trước gọi là mối quan hệ giữa “thiên tử” và các nước “chư hầu”. Trong lịch sử đã có nhiều phen các hoàng đế Trung Quốc phái quân sang Việt Nam dẹp loạn để bảo vệ triều đình của một nhà vua Việt Nam đã được “thiên triều” thừa nhận và phong vương hiệu. Nhiều khi Trung Quốc cũng nhân dịp đi cứu viện mà toan tính việc lấn chiếm lãnh thổ. Thí dụ gần nhất là năm 1882, khi quân Pháp tấn công Hà Nội, vua Tự Đức vội sai sứ sang cầu cứu Thanh triều. Khi đó Tổng đốc Lưỡng Quảng trình mật sớ lên vua Thanh tâu rằng “…thế lực nước Nam thật là suy hèn không có thể tự chủ được nữa, vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng giữ các tỉnh ở Thượng du. Đợi khi có biến thì ta chiếm lấy những tỉnh ở phía Bắc sông Hồng Hà.28 Dù đã là cộng sân, Mao Trạch Đông cũng vẫn còn giữ truyền thống bá quyền đó trong dòng máu, dù cho hình thức bảo hộ có thay đổi.
Việt Nam thời trước, vì lý do sinh tồn, có một tục lệ ngoại giao là thần phục các hoàng đế phương Bắc, hàng năm phải triều cống để tránh nạn binh đao và giữ được độc lập. Tục lệ này được bãi bỏ sau khi Pháp sang chiếm Đông Dương, nhưng người Việt Nam vẫn chưa bỏ được thói quen bắt chước các mẫu hình Trung Quốc, hoặc giữ nguyên hoặc sửa đổi các mẫu hình ấy cho thích hợp với tinh thần dân tộc. Vì chủ nghĩa cộng sản quốc tế, vì thắng lợi to lớn của cách mạng Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã nhìn nhận Mao Trạch Đông là một lãnh tụ vĩ đại của thế giới cộng sản và tin tưởng rằng sự giúp đỡ của Trung Quốc là do lý tưởng chung chứ không phải vì đầu óc bá quyền truyền thống.
Sự tin tưởng của ông Hồ đã có phần được chứng minh là đúng. Tháng Giêng năm 1950, trong khi phái viên Lý Bích Sơn và Nguyễn Đức Thụy còn ở Trung Quốc, ông Hồ quyết định đích thân lên đường cầu viện. Mao Trạch Đông khi đó đang ở Mát-scơ-va để hội họp với Stalin, đã cùng với Chu Ân Lai gửi điện về chào mừng Hồ Chí Minh và chỉ thị cho Phó Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và Tổng tư lệnh quân đội Chu Đức tiếp đón chủ tịch VNDCCH thật nồng hậu. Trong dịp này, Lưu Thiếu Kỳ cũng chứng tỏ cho Hồ Chí Minh thấy Trung Quốc đặt tình hữu nghị Việt-Trung quan trọng hơn cả mối quan hệ ngoại giao với Pháp. Quả thật Trung Quốc đã quyết định công nhận VNDCCH ngày 15 tháng Giêng dù biết chắc rằng việc này sẽ làm cho Pháp tức giận và sẽ hoãn việc công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Ngoài ra, Lưu Thiếu Kỳ còn thu xếp cho chủ tịch VNDCCH qua Mát-scơ-va để có cơ hội gặp Stalin trong khi Mao còn ở đó. Hồ Chí Minh được Stalin tiếp nhưng cuộc gặp không thành công vì, mặc dầu đã công nhận VNDCCH theo lời yêu cầu của Mao, Stalin vẫn còn lạnh nhạt với ông Hồ và cho ông biết rằng việc viện trợ cho Việt Nam là trách nhiệm của Trung Quốc. Hồ Chí Minh cũng gợi ý với Stalin về việc Liên Xô ký một hiệp ước với VNDCCH như đã ký với Trung Quốc, nhưng Stalin không chấp thuận.29 Cũng trong phiên họp này, Stalin đã chất vấn ông Hồ tại sao giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương? Tại sao chưa tiến hành cải cách ruộng đất?30
Hồ Chí Minh trở về Bắc Kinh cùng với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, và đã cùng các nhà lãnh đạo Bắc Kinh thảo luận về các nhu cầu viện trợ và thể thức thi hành. Từ tháng Tư đến tháng Chín 1950, Trung Quốc gửi sang Việt nam 14,000 súng trường và súng lục, 1,700 súng liên thanh và ba-dô-ka, một số lớn đạn dược, thuốc men, quần áo và 2,800 tấn thực phẩm.31 số lượng viện trợ này còn nhỏ nhưng rất đáng kể vì Trung Quốc vừa ra khỏi cuộc nội chiến hơn hai mươi năm lại đang phải chuẩn bị tham chiến ở Triều Tiên. Bắc Kinh cũng thành lập đoàn cố vấn Quân sự Trung Quốc do Vi Quốc Thanh cầm đầu và mở trường đào tạo sĩ quan ở Vân Nam và trường huấn luyện binh sĩ ở Quảng Tây cho Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN). Trước khi thi hành nhiệm vụ, các cố vấn Trung Quốc phải tham dự một khóa hướng dẫn ở Bắc Kinh về địa hình, địa vật và tình hình chiến sự ở Việt Nam do Hồng Thụy Võ Nguyên Bắc,32 một sĩ quan cấp tướng trong quân đội Trung Quốc phụ trách. Lưu Thiếu Kỳ cũng chỉ thị cho các cố vấn phải thận trọng trong việc giao thiệp với người Việt Nam, “tránh bày tỏ thái độ ngạo mạn… tránh áp đặt quan điểm của mình và đừng có bực tức nếu người Việt Nam không chịu nghe theo lời khuyến nghị.”33
Mặc dù quan hệ giữa hai nước vào thập kỷ 1970 trở nên tồi tệ đến độ xảy ra chiến tranh năm 1979, đó là những chuyện của gần ba chục năm về sau. Trong thập kỷ 1950đối với các nhà lãnh đạo ở Hà Nội, Trung Quốc là tấm gương sáng chói của cách mạng vô sản và Mao Trạch Đông là vị lãnh tụ vĩ đại của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công khai bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tin tưởng tuyệt đối ở hai nhà lãnh đạo tối cao của cộng sản quốc tế, Stalin và Mao Trạch Đông, và nhắc nhở cán bộ các cấp phải học tập kinh nghiệm của Trung Quốc một cách thành khẩn và nhiệt tình.34 Vì lẽ đó mà Đảng Lao Động Việt Nam nhất loạt từ trên xuống dưới đã chịu khó nghe lời các cố vấn Trung Quốc, mặc dù có nhiều lúc đã nhận thấy những điều chỉ dẫn và mô hình cách mạng xã hội của họ không thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam, và cũng thường rất bất mãn trước thái độ đối xử phong kiến mà họ đã không gột rửa được.
Vai trò của cố vấn Trung Quốc quan trọng nhất là về mặt quân sự. Khi ở Bắc Kinh về, Hồ Chí Minh thấy cần phải giải phóng Cao Bằng để khai thông một vùng biên giới quan trọng giữa hai nước. Đáp lời yêu cầu của Hồ Chí Minh, tháng sáu 1950, Trung Quốc cử Đại tướng Trần Canh sang Việt Nam làm cố vấn quân sự đặc biệt. Trần Canh được lệnh thiết lập một kế hoạch viện trợ sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các khía cạnh quân sự, kinh tế, chính trị ở Việt Nam, các điều kiện hậu cần, khả năng giao thông vận chuyển qua biên giới. Trên đường đi Việt Nam, Trần Canh ghé thăm các trại huấn luyện sĩ quan QĐNDVN ở Vân Nam, quan sát và đánh giá khả năng quân sự Việt và Pháp ở vùng biên giới. Trần Canh tới Thái Nguyên ngày 28 tháng Bảy, họp với Hồ Chí Minh và Đại sứ Trung Quốc La Quí Ba và đưa ý kiến về kế hoạch tấn công Cao Bằng mà trước đó ông đã đề nghị với Bắc Kinh và được Quân ủy Trung ương (QUTƯ) chấp thuận trong điện văn ngày 26. Theo kế họach này, Trần Canh nhận định rằng QĐNDVN chưa đủ sức chiếm giữ Cao Bằng ngay nên cần đánh những đồn lẻ ở chung quanh trước bằng chiến thuật “đánh điểm, diệt viện”, tức là một mặt công hãm cứ điểm một mặt phục kích các lực lượng tiếp cứu của địch. Trong chiến dịch này, trước tiên hãy tấn công Đông Khê, một đồn nhỏ của Pháp nằm giữa Cao Bằng và Lạng Sơn, để dụ quân Pháp từ hai nơi kéo đến tiếp cứu. Khi đã tiêu diệt được các lực lượng tiếp cứu này thì việc tiến chiếm Cao Bằng sẽ dễ dàng.
Ngày 9 tháng Tám, Trần Canh tới Quảng Uyên (tài liệu Trung Quốc ghi lầm là Quảng Nguyên) vào lúc đoàn cố vấn Quân sự của Vi Quốc Thanh cũng vừa từ Trung Quốc sang. Trần Canh tham khảo ý kiến Vi Quốc Thanh, Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái về chiến dịch Cao Bằng. Tướng Giáp tán thành kế hoạch và mời cố vấn họ Trần thuyết trình trong một phiên họp của các tướng tá chỉ huy QĐNDVN từ cấp trung đoàn trở lên. Trần Canh nói luôn bốn tiếng đồng hồ, chú trọng vào những “sở đoản” của QĐNDVN. Võ Nguyên Giáp nhiều lần ca ngợi buổi thuyết giảng này “rất bổ ích”. Hồ Chí Minh cũng tới thăm trung tâm chỉ huy và nhắc nhở binh sĩ các cấp nghe theo lời chỉ dẫn của cố vấn Trần Canh.
Ngày 16 tháng Chín, quân đội Việt Minh tấn công Đông Khê và sau hai ngày thì chiếm được đồn. Đại tá Lepage kéo một đạo quân từ Lạng Sơn lên tiếp cứu qua ngả Thất Khê. Từ Cao Bằng, Đại tá Charton cũng kéo một đạo quân xuống để chiếm lại Đông Khê. Cả hai đạo quân đều bị Việt Minh áp dụng chiến thuật “đánh điểm, diệt viện” phục kích và tiêu diệt gần hết, bắt sống được cả Lepage và Charton. Sau đó, Việt Minh chiếm luôn Cao Bằng và Thất Khê. Trước tình thế bất lợi, Pháp phải rút quân khỏi Lào Kay, Lạng Sơn và Hòa Bình, bỏ lại 11,000 tấn đạn dược và để trống cả một vùng đồng bằng phía Bắc và Đông Bắc sông Hồng. Sau chiến thắng này, Việt Minh khai thông được các đường chuyển vận giữa Trung Quốc và Việt Nam, Do việc Pháp rút quân khỏi Hòa Bình, Việt Minh cũng mở rộng vùng “giải phóng” giữa Việt Bắc và miền Trung. Trần Canh họp với các cấp chỉ huy, đánh giá ưu khuyết điểm của chiến dịch Cao Bằng, sau đó mở khóa huấn luyện bổ túc về kỹ thuật chiến tranh nhân dân, vận dụng khả năng của lực lượng phụ nữ, khai thác tù binh và sử dụng tù binh vào công cuộc tuyên truyền địch vận. Hồ Chí Minh đánh giá thắng lợi của chiến dịch Cao Bằng lớn hơn mong đợi và tuyên bố đây là “một chiến thắng của chủ nghĩa quốc tế vô sản”. Tướng Giáp cũng nhận định: “Chiến thắng này cho thấy tư tưởng quân sự Mao Trạch Đông áp dụng rất thích hợp ở Việt Nam.” Ông Hồ yêu cầu Trần Canh ở lại để tiếp tục giúp đỡ QĐNDVN nhưng họ Trần được lệnh phải về nước đầu tháng Mười Một để chuẩn bị lãnh nhiệm vụ Phó Tư lệnh Chí nguyện quân Trung Quốc ở chiến trường Triều Tiên.
Tháng Giêng 1951, Võ Nguyên Giáp phát động chiến dịch Trần Hưng Đạo tấn công tỉnh Vĩnh Yên, cách Hà Nội khoảng hơn năm mươi cây số về hướng Tây-Bắc. Tướng Giáp áp dụng chiến thuật “biển người” của Trung Quốc ở chiến trường Triều Tiên, nhưng bị tướng Jean de Lattre de Tassigny, tân Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương, dùng máy bay đổ thêm quân xuống tăng cường lực lượng phòng thủ Vĩnh Yên và dội bom lửa (napalm) xuống các đợt tấn công khiến Việt Minh phải rút lui, tổn thất ít nhất 6,000 binh sĩ.35 Đến tháng Ba, tướng Giáp lại tung chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Quân sử của Trung Quốc đã lầm tên chiến dịch Trần Hưng Đạo với tên của chiến dịch sau là Hoàng Hoa Thám. Chiến dịch Trần Hưng Đạo (còn gọi là chiến dịch “Trung du”) kéo dài 23 ngày (26.12.1950-17.1.1951) chia làm hai đợt. Tướng Giáp không mô tả sự thất bại của chiến dịch, chỉ nói tấn công Mạo Khê ở phía Bắc Hải Phòng nhưng vẫn thất bại.36 Hai cuộc tấn công liên tiếp vào Phủ Lý và Ninh Bình hồi tháng Năm cũng cùng chung số phận.37
Ngay sau khi chiến dịch Trần Hưng Đạo bị thất bại, Vi Quốc Thanh điện về Trung Quốc báo cáo kết quả và đề nghị tái tổ chức và huấn luyện QĐNDVN. Mao Trạch Đông đồng ý về đề nghị này nhưng cũng khuyến cáo Vi nên kiên nhẫn và đừng làm mích lòng người Việt. Theo Mao, “những khuyết điểm hiện thời của họ cũng là những khuyết điểm của quân đội Trung Quốc hồi còn trẻ. Chẳng có gì lạ về điều đó. Chỉ bằng cách thuyết phục chúng ta mới có thể giúp cho họ dần dần tiến tới trong một thời gian tranh đấu lâu dài.”38 Được sự chấp thuận của Hồ Chí Minh, Đoàn cố vấn Trung Quốc giúp QĐNDVN đơn giản hóa cơ cấu tổ chức, soạn thảo nội qui và tổ chức các lớp huấn luyện cho các sĩ quan cấp dưới về kỹ thuật chiến đấu cũng như tinh thần trách nhiệm.
Cũng vào đầu năm 1951, Đoàn Cố vấn Chính trị Trung Quốc được thành lập do Đại sứ La Quí Ba làm trưởng đoàn để giúp kiện toàn bộ máy nhà nước VNDCCH. Đoàn có trên một trăm người chia làm nhiều ban chuyên môn, soạn thảo luật lệ hành chánh, tài chánh, thuế khóa, quản lý thông tin tuyên truyền, chính sách đối với các tổ chức không cộng sản, và các nhóm sắc tộc thiểu số.
Đoàn đặc biệt cảnh giác nhà nước VNDCCH về sự nguy hiểm của việc phát hành giấy bạc bừa bãi và chú trọng vào khả năng sản xuất và mậu dịch. Đoàn cũng khám phá ra tệ nạn tham nhũng trong tầng lớp cán bộ phụ trách vấn đề tài chánh hoặc lãng phí các vật liệu do Trung Quốc viện trợ. Lưu Thiếu Kỳ đã phải mấy lần gửi điện yêu cầu Hồ Chí Minh có biện pháp trừng trị những kẻ vi phạm nội qui bảo vệ đồ viện trợ. Trong năm 1951, đường xe lửa nối liền Nam-Ninh với Nam Quan được thiết lập, rất thuận tiện cho công cuộc tiếp tế vật liệu và chuyên chở QĐNDVN sang đào tạo ở Quảng Tây.
Đầu năm 1952, Đoàn Cố vấn quân sự đề nghị mở chiến dịch giải phóng vùng biên giới Tây Bắc để tạo cứ điểm giải phóng Thượng Lào trong tương lai. Khi đó, La Quí Ba phụ trách thảo kế hoạch thay cho Vi Quốc Thanh về nước chữa bệnh. Quân Ủy Trung ương (QUTƯ) ở Trung Quốc chấp thuận kế hoạch này và chỉ thị cho La phải nghiên cứu trận địa kỹ lưỡng và chuẩn bị hậu cần trước khi tấn công, và nhất là phải bám chặt lấy nguyên tắc “tiến chắc, thắng chắc” trong chiến dịch. Ngoài ra cũng phải chú ý tới việc chinh phục các nhóm sắc tộc miền Tây Bắc đã được Pháp huấn luyện chống Việt Minh từ 1947. Sau khi được Võ Nguyên Giáp và đảng Lao Động Việt Nam tán thành chiến dịch, La Quí Ba hoàn tất một kế hoạch chi tiết gửi về cho QUTƯ kèm theo lời Việt Minh yêu cầu Trung Quốc đưa quân từ Vân Nam sang để phối hợp hành quân. Bắc Kinh sửa đổi đôi chút trong kế hoạch và cho biết một nguyên tắc quan trọng của Trung Quốc là không đưa quân chiến đấu vào Việt Nam nhưng có thể trải một số đơn vị dọc theo biên giới để tỏ tinh thần hỗ trợ. Đoàn Cố vấn còn trao đổi thêm với Trung ương về thời gian khởi sự chiến dịch, QUTƯ khuyến cáo nên chờ đến gần cuối năm khi QĐNDVN đã được chuẩn bị vững vàng về chính trị, quân sự, và hậu cần.
Tháng Chín, Chu Ân Lai sang Liên Xô xin viện trợ kinh tế nhân tiện báo cáo với Stalin về việc giúp đỡ Việt Minh trong chiến dịch Tây Bắc để cô lập Pháp ở đồng bằng sông Hồng. Stalin tán thành chiến dịch nhưng cũng muốn Hồ Chí Minh, nếu thành công trong việc bao vây miền đồng bằng, nên dùng lợi thế quân sự này để điều đình với Pháp. Điều này cho thấy quan tâm ưu tiên của Stalin là Âu châu và Stalin vẫn nghĩ đến chuyện lấy lòng Pháp vì không muốn Pháp gia nhập Cộng Đồng Phòng Thủ Châu Âu mà Hoa Kỳ đang cố gắng xây dựng.
Cũng vào đầu tháng Chín, Hồ Chí Minh sang Trung Quốc hợp với giới lãnh đạo Bắc Kinh và tiến tới kết luận là trong chiến dịch Tây Bắc chỉ cần giải phóng Nghĩa Lộ trước để thiết lập căn cứ cách mạng nhằm sau này tiến về phía Nam chiếm lấy đồng bằng. Hồ Chí Minh thông báo cho Võ Nguyên Giáp biết quyết định này rồi cùng Lưu Thiếu Kỳ đi Mát-scơ-va dự Đại Hội thứ 19 của đảng Cộng sản Liên Xô.
Ngày 14 tháng Mười, tám trung đoàn QĐNDVN tấn công Nghĩa Lộ. Ngày 23.10, Pháp phải bỏ Nghĩa Lộ để rút quân về Nà Sản và Lai Châu. Đầu tháng Mười Hai, QĐNDVN lại tấn công Nà sản nhưng Pháp đã có đủ thì giờ củng cố phòng ngự bằng chiến thuật “con nhím”39 nên sau bốn ngày với nhiều đợt xung phong bị hy sinh, Võ Nguyên Giáp và các cố vấn quân sự Trung Quốc quyết định phải kết thúc chiến dịch. Dù sao, với việc chiếm đóng Nghĩa Lộ, Đảng Lao Động Việt Nam cũng đã mở rộng địa bàn kiểm soát vùng Tây Bắc, thuận lợi cho những cuộc hành quân tấn công vào Thượng Lào. Sau trận Nà Sản, Võ Nguyên Giáp rút được kinh nghiệm sau này áp dụng vào chiến trường Điện Biên Phủ là muốn chiếm một cứ điểm của địch có sân bay để nhận tiếp viện thì trước hết phải hủy diệt các phi đạo.
Tháng Giêng 1953, Vi Quốc Thanh trở về Bắc Kinh để báo cáo tình hình và tham khảo về việc giúp cho Pathet Lào thiết lập một cứ điểm ở Thượng Lào nối liền với Tây Bắc Việt Nam. Ngày 5 tháng Ba, Vi trở lại Việt Nam để giúp Võ Nguyên Giáp điều khiển chiến dịch Thượng Lào. Ngày 10 tháng Tư, QĐNDVN vượt qua sông Mã tấn công sầm Nứa. Pháp phải rút về Xiêng Khoảng và Cánh Đồng Chum. Sau trận này, Việt Minh và Pathet Lào kiểm soát “toàn bộ tỉnh sầm Nứa, một bộ phận tỉnh Xiêng Khoảng và Phông Xa Lỳ, chiếm một phần năm diện tích Bắc Lào, và hàng chục vạn dân.”40 Theo tài liệu Trung Quốc, tướng Giáp tấn công hai trận ở Thượng Lào, một nhắm vào kinh đô Luang Prabang và một tiến về Cánh Đồng Chum, với mục đích đe dọa Cam-bốt và Nam Việt Nam, nhưng bị Pháp chống trả mãnh liệt. “Tháng Năm, các sư đoàn Việt Minh phải rút lui vì kiệt lực, thiếu tiếp tế và gặp phải mùa mưa. Họ để lại ở Lào những đơn vị du kích và cán bộ chính trị để chuẩn bị tấn công về sau và tăng cường lực lượng Cộng sản Lào.41 Tài liệu của Pháp cũng cho biết “Tháng Ba, 1953, vẫn do lời khuyên của Trung Quốc, QĐNDVN mở cuộc tấn công chinh phục Bắc Lào, nhằm cải thiện các đường giao thông giữa ba miền ở Việt Nam đồng thời thiết lập một cứ điểm tiến về Nam Lào và Cam-bốt. Chiến dịch phải ngưng giữa tháng Năm vì quân Việt Minh ở quá xa các căn cứ, không thể vận chuyển pháo binh cần thiết cho các cuộc công hãm qua các sườn núi ở nước Lào.”42
Điều hiển nhiên là từ 1950, VNDCCH đã có sự hỗ trợ quan trọng của Trung Quốc về quân sự, nhờ đó, với quyết tâm chiến đấu chống thực dân Pháp để giành lại độc lập cho đất nước, quân và dân Việt Nam đã đạt được những thắng lợi đáng kể. Vấn đề có đồng minh hỗ trợ là chuyện bình thường trong mọi cuộc chiến, cũng như Pháp đã phải nương tựa vào Hoa Kỳ. Yếu tố then chốt để tiến đến thành công là tinh thần chiến đấu cho một lý tưởng, một chính nghĩa mà Việt Minh khi đó đã giành được. Ngoài ra, phải kể đến khả năng và kinh nghiệm của giới lãnh đạo chính trị và quân sự. Nhưng như ta sẽ thấy, quan hệ Việt-Trung không đơn giản là như vậy.
Trong hơn ba năm đầu kháng chiến, trước khi được Trung Quốc chính thức quân viện, Việt Minh chỉ áp dụng chiến thuật cầm cự và tiêu hao quân địch. Sau chiến thắng Cao Bằng (tháng Mười, 1950) Việt Minh mới bắt đầu có thế chủ động trên chiến trường. Một điều cần làm sáng tỏ trong giai đoạn 1950-1954 là vai trò của các cố vấn quân sự Trung Quốc trong các chiến dịch. Theo tài liệu của Trung Quốc, như Qiang Zhai đã thuật lại, thì các chiến dịch lớn và thắng lợi đều do cố vấn đặc biệt Trần Canh, hoặc do các cố vấn trưởng La Quí Ba hay Vi Quốc Thanh hoạch định và đề nghị với giới lãnh đạo đảng Lao Động Việt Nam, thường là sau khi đã được Bắc Kinh xem xét và chấp thuận. Trung Quốc không nói đến vai trò của họ trong các trận đánh thất bại như chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, nhưng nhất định là các cố vấn Trung Quốc cũng có trách nhiệm. Điều đáng chú ý là trong các cuốn hồi ức của tướng Võ Nguyên Giáp, ông cho biết việc đề nghị và hoạch định các chiến dịch đều do Hồ Chí Minh hoặc chính ông khởi xướng. Các cố vấn Trung Quốc chỉ góp ý kiến và tán thành. Vấn đề này cần được làm cho sáng tỏ, nhất là đối với chiến thắng Điện Biên Phủ, vì trái với sử liệu của VNDCCH và nhận định của các tác giả Tây phương, Trung Quốc tự nhận có công khởi xướng và hoạch định chiến dịch, nhất là đã thuyết phục được Hồ Chí Minh bác bỏ kế hoạch tấn công đồng bằng sông Hồng của Võ Nguyên Giáp để lập trung vào vùng Tây Bắc và Thượng Lào.
Căn cứ vào các sử liệu của Trung Quốc, Qiang Zhai cho thấy các cố vấn Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về kết quả tai hại của chính sách cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam, nhưng lại rất có công trong các chiến dịch chống Pháp, đặc biệt là chiến trường Điện Biên Phủ. Những đoạn dưới đây dựa vào các sự kiện do Qiang Zhai trình bày43 và khi cần sẽ đối chiếu với những điểm khác biệt trong những cuốn Hồi ký của Võ Nguyên Giáp.44
Về chiến thắng Cao Bằng, như đã thấy ở trên, tài liệu Trung Quốc xác nhận rằng Hồ Chí Minh có ý định giải phóng vùng biên giới Cao Bằng hồi tháng Sáu 1950. Khi Trần Canh tới Thái Nguyên vào cuối tháng Bảy họp với Hồ Chí Minh và La Quí Ba, ông ta đã đưa đề nghị cụ thể về kế hoạch đánh Cao Bằng. Kế hoạch này lại được Trần Canh đem ra bàn khi họp với các tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái và Đoàn cố vấn Quân sự ở Quảng Uyên vào tháng Tám, và được tướng Giáp tán thành. Tuy nhiên, theo cuốn hồi ức của Võ Nguyên Giáp, chiến dịch đánh Cao Bằng đã được ông hoạch định từ trước, mở đầu bằng việc đánh Đông Khê đồng thời tiêu diệt quân tiếp viện, và đã đem kế hoạch này ra bàn với Vi Quốc Thanh vào giữa tháng Tám khi Đoàn cố vấn Trung Quốc vừa sang tới nơi. “Anh Vi lắng nghe nhưng chưa phát biểu, và nói đang chờ đồng chí Trần Canh sang… Tôi nghĩ thời gian này, đồng chí Vi dành quyền phát biểu cho đồng chí Trần Canh.”45 Tháng Chín, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp gặp Trần Canh vừa từ Vân Nam sang. Tướng Giáp cho biết: “Tôi mở bản đồ trình bày về tình hình địch, những lực lượng của ta tham gia chiến dịch, rồi nói về phương án tác chiến, những lý do mở đầu chiến dịch bằng đánh Đông Khê.” Trần Canh nhận xét: “Tôi thấy Hồ Chủ tịch và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã có quyết định đúng. Binh lực Việt Nam trong chiến dịch không nhiều. Chọn Đông Khê làm điểm đột phá là đúng. Đánh Đông Khê để kéo viện binh địch lên là chiến thuật “đánh điểm diệt viện” Giải phóng quân Trung Quốc thường dùng trong chiến tranh chống quân Tưởng. Việt Nam nên vận dụng nhiều chiến thuật này.”46
Về chiến dịch giải phóng Tây Bắc và Thượng Lào năm 1952, sự khác biệt giữa hai nguồn tài liệu Trung Quốc và Việt Nam cũng rất rõ. Theo tài liệu Trung Quốc, như đã ghi trong những trang trên đây, chính Đoàn Cố vấn Trung Quốc đưa ra đề nghị này và La Quí Ba là người soạn thảo kế hoạch, được Bắc Kinh chấp thuận, sửa đổi, và chỉ thị chi tiết. Ban tham mưu QĐNDVN chỉ tán thành và thi thành kế hoạch. Tuy nhiên, theo Võ Nguyên Giáp thì “Ngay từ tháng Ba năm 1952, Tổng Quân ủy đã quyết định sẽ mở một chiến dịch lớn ở Tây Bắc, vùng rừng núi duy nhất địch còn kiểm soát được tại Bắc Bộ.” và nói rõ thêm “Các cố vấn Trung Quốc… hoàn toàn tán thành chủ hướng tiến công về vùng rừng núi với việc mở chiến dịch Tây Bắc.”47
Về chiến dịch Thượng Lào, tài liệu Trung Quốc cũng nói là Cố vấn Vi Quốc Thanh trở về Bắc Kinh tham khảo ý kiến việc giúp cho Pathet Lao lập một căn cứ ở Thượng Lào tiếp giáp với Việt Nam, sau đó trở lại Việt Nam giúp Võ Nguyên Giáp điều khiển chiến dịch. Nhưng trong cuốn hồi ức của ông, tướng Giáp lại ghi “Từ lâu, chúng ta đã nghĩ tới việc giúp bạn mở rộng căn cứ du kích ở Thượng Lào thành một khu giải phóng, nơi dừng chân của Chính phủ Kháng chiến Lào… Kết thúc chiến dịch Tây Bắc, tôi đã bàn vấn đề này với anh Nguyễn Chí Thanh, rồi chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu khi về tới Việt Bắc phải gấp rút nghiên cứu nắm tình hình địch và binh yếu địa chí Thượng Lào để trình với Tổng Quân ủy.” Tướng Giáp còn nhấn mạnh rằng “Các cố vấn Trung Quốc tán đồng chủ trương của ta mở chiến dịch ở Thượng Lào, nhưng không tham gia vì hoạt động lần này nằm bên ngoài biên giới Việt Nam.”48
Như đã thấy, chiến dịch Tây Bắc và Thượng Lào dù có thắng lợi vẫn chưa được hoàn tất. Khi chiến dịch phải ngưng vào tháng Năm 1953 thì cũng là lúc tướng Henri Navarre sang thay thế tướng Raoul Salan làm Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Navarre có một kế hoạch ba giai đoạn: bảo toàn vùng chiến lược đồng bằng sông Hồng, bình định những vùng do Cộng sản kiểm soát ở Trung và Nam phần Việt Nam, và tổng tấn công tiêu diệt bộ đội chủ lực của QĐNDVN ở miền Bắc. Để thực hiện kế hoạch này, Navarre xin chính phủ Pháp thêm quân viện và tăng cường lực lượng Quân Đội Quốc Gia (QĐQG)49 bằng viện trợ Mỹ.
Vẫn theo tài liệu Trung Quốc, ngày 13 tháng Tám 1953, đảng Lao Động Việt Nam gửi điện văn yêu cầu đảng Cộng sản Trung Quốc giúp “duyệt xét tình hình và ấn định chiều hướng tương lai của nỗ lực chiến tranh.” Trong khi đó, QĐNDVN bãi bỏ kế hoạch nguyên thủy là tập trung vào khu vực Tây Bắc và Lai Châu, và đề nghị tấn công quân Pháp ở đồng bằng sông Hồng. Khi đó, Vi Quốc Thanh về nước chữa bệnh, La Quí Ba tham dự phiên họp 22 tháng Tám của Bộ Chính trị, nghe Võ Nguyên Giáp trình bày chiến dịch vùng đồng bằng, không nói gì tới Lai Châu và coi nhẹ tầm quan trọng của chiến dịch Lào. Khi được La báo cáo về kết quả buổi họp, Bắc Kinh gửi cho La hai điện văn ngày 27 và 29 tháng Tám, phân tích tình hình Việt Nam từ khi Navarre tới và nhấn mạnh rằng QĐNDVN cần phải giữ nguyên kế hoạch nguyên thủy là tập trung vào miền Tây Bắc và Lào. Điện văn ngày 29 nói rõ rằng “Nếu loại trừ được quân địch ở Lai Châu, giải phóng những bộ phận ở Thượng và Trung Lào, rồi mở rộng chiến trường xuống Nam Lào và Cam-bốt để đe dọa Sài-gòn,” đảng Lao Động Việt Nam sẽ “có thể cắt giảm nguồn tiếp tế binh sĩ và tiền bạc cho quân đội bù nhìn, phân tán lực lượng quân Pháp… tăng cường QĐNDVN, làm suy yếu địch và từng bước tiêu diệt được những bộ phận riêng rẽ của địch quân.” Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh cho rằng, nếu chấp nhận phương án này, Việt Minh có thể chuẩn bị tấn công vùng đồng bằng và tiến chiếm Hà Nội trong tương lai. Nói tóm lại, trong lúc này, chiến trường Tây Bắc và Thượng Lào là chính, chiến trường đồng bằng sông Hồng chỉ là phụ.
Trong phiên họp tháng Chín của Bộ Chính trị, Hồ Chí Minh đồng ý với nhận định của Trung Quốc và quyết định “không thay đổi phương hướng chiến lược.” Ngày 27 tháng Mười, Vi Quốc Thanh trở lại Việt Nam, trao cho Hồ Chí Minh một bản sao kế họach của Navarre mà tình báo Trung Quốc đã lấy được. Sau khi xem xét kế hoạch này, “chủ tịch đảng Lao Động Việt Nam xác nhận những đề nghị của lãnh đạo Trung Quốc là đúng, và nếu Việt Minh nghe theo thì có thể đập tan kế hoạch Navarre.”
Trong cuốn hồi ức về chiến trường Điện Biên Phủ của Võ Nguyên Giáp, không thấy ông nói đến việc ông chủ trương thay thế chiến dịch Tây Bắc bằng chiến dịch đồng bằng sông Hồng trong phiên họp tháng Tám. Tướng Giáp chỉ nói là trước đó ông và tướng Hoàng Văn Thái đã “cùng bàn bạc với các đồng chí cố vấn xây dựng một kế hoạch đánh địch ở nhiều hướng buộc địch phải phân tán đối phó, nhắm trước hết là phá thế tập trung binh lực của địch ở đồng bằng.” Về phiên họp tháng Tám, tướng Giáp cho biết Bộ Tổng tham mưu báo cáo một kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953- 1954 với bốn nhiệm vụ, chủ yếu là đánh địch ở đồng bằng, đến nhiệm vụ thứ tư mới “Tăng cường hoạt động lên hướng Tây Bắc (Lai Châu), Thượng Lào và các chiến trường khác để phân tán chủ lực địch.”50 Như vậy, theo tướng Giáp, các cố vấn Trung Quốc đã đồng tình với kế hoạch “đánh địch ở nhiều hướng”, cả đồng bằng lẫn cao nguyên Tây Bắc và Lào. Trong cuốn hồi ức này cũng không thấy nói đến phiên họp tháng Chín của Bộ Chính trị trong đó, theo tài liệu của Bắc Kinh, Hồ Chí Minh bác bỏ kế hoạch Võ Nguyên Giáp và tán thành kế hoạch Trung Quốc.
Về bản sao kế hoạch Navarre, cuốn hồi ức của Võ Nguyên Giáp xác nhận: “Hạ tuần tháng Chín năm 1953, các đồng chí Trung Quốc chuyển cho ta một bản kế hoạch Navarre với cả bản đồ, do cơ quan tình báo của bạn thu thập được.” Sau đó tướng Giáp cho biết Vi Quốc Thanh về nước mới sang cùng đi với ông lên Việt Bắc gặp Hồ Chí Minh bàn cách đối phó với kế hoạch Navarre. “Tôi và đồng chí Vi Quốc Thanh nhất trí mở những cuộc tiến công nhắm vào những chiến trường hiểm yếu mà địch yếu, hoặc tương đối yếu nhưng lại không thể bỏ, là cách tốt nhất buộc địch phải phân tán lực lượng. Cũng nhất trí về hướng Lai Châu, hướng Trung và Hạ Lào.”51
Về phiên họp tháng Mười, tướng Giáp ghi: “Một buổi sáng đầu tháng 10 năm 1953, tôi từ cơ quan Bộ Tổng tư lệnh đi dự cuộc họp bàn về kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 do Bộ Chính trị triệu tập.” Cuộc họp diễn ra tại Tỉn Keo, một bản của người Dao trong rừng núi Cao Bằng. Tại đây, tướng Giáp trình bày tình hình quân Pháp từ khi Navarre sang thay Salan, đặc biệt là cuộc rút quân bất ngờ của Pháp ra khỏi Nà sản trong tháng Tám và việc tập trung quân cơ động ở đồng bằng. Sau khi thảo luận, Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị xác định Tây Bắc là hướng chính, và hướng phối hợp là trung du và đồng bằng Bắc Bộ.”52 Không thấy nói đến việc Vi Quốc Thanh tham gia hội nghị này. Mãi đến cuối tháng Mười Một, khi QĐNDVN đang tiến về hướng Lai Châu, mới thấy ghi: “Đoàn Cố vấn Trung Quốc rất tán đồng chủ trương và kế hoạch tác chiến Đông Xuân của ta chọn Tây Bắc là hướng chính.”53
Về quyết định tấn công Điện Biên Phủ, sự khác biệt giữa tài liệu của Trung Quốc và sách hồi ức của Võ Nguyên Giáp cũng rất rõ rệt. Theo sự ghi chép của Đoàn cố vấn Trung Quốc, khi được tin Navarre đổ quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, “Vi Quốc Thanh liền hội ý với các cố vấn khác trong đoàn, sau đó đề nghị với đảng Lao Động Việt Nam một chiến dịch bao vây và tiêu diệt quân Pháp ở Điện Biên Phủ trong khi vẫn tiếp tục kế hoạch tấn công Lai Châu.” Cố vấn Vi cũng gửi đề nghị này về Bắc Kinh xin ý kiến. Quân Ủy Trung Ương chấp thuận đề nghị này, nhấn mạnh rằng chiến dịch Điện Biên Phủ không những chỉ quan trọng về quân sự và chính trị mà còn có những thành quả quốc tế nữa. Giới lãnh đạo Trung Quốc hứa cung cấp mọi vũ khí mà QĐNDVN yêu cầu và chỉ thị cho Đoàn cố vấn giúp cho các lãnh tụ đảng Lao Động Việt Nam “lấy quyết định” và giúp đỡ họ trong việc điều hành chiến dịch. “Bộ Tư lệnh QĐNDVN tán thành đề nghị của Đoàn cố vấn và thiết lập kế hoạch hành quân Điện Biên Phủ. Kế hoạch này được Bộ Chính trị chấp thuận ngày 6 tháng Mười Hai, Chiến dịch do Võ Nguyên Giáp làm Tổng Tư lệnh và Vi Quốc Thanh là cố vấn trưởng.”54
Theo cuốn hồi ức của Võ nguyên Giáp, ngày 20 tháng Mười Một, khi được tin quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, một cuộc hội ý Tổng Quân ủy lập tức được triệu tập. Sau khi hội nghị phân tích tình hình, tướng Giáp nhận định rằng “khi kẻ thù chiếm thêm một vị trí chiến lược quan trọng của ta thì chúng ta lại cho đây là cơ hội tốt đã đến.” Sau đó, ông nhắn tin ngay cho các đơn vị hành quân ở Lai Châu: “Phải chặn ngay con đường từ Lai Châu về Điện Biên Phủ. Có thể sẽ đánh Điện Biên Phủ.”
Ngày 6 tháng Mười Hai, Tổng Quân ủy gửi tờ trình lên Bộ Chính trị: “Thời gian tác chiến ở Điện Biên Phủ ước độ 45 ngày.
Trận đánh có thể khởi đầu vào tháng Hai 1954. Đây sẽ là một trận tiến công lớn nhất từ trước đến nay, sẽ phải sử dụng ba đại đoàn bộ binh, toàn bộ pháo binh, công binh, lực lượng phòng không… quân số tổng quát của chiến dịch sẽ là 42,000 người.” Bộ Chính trị chấp thuận kế hoạch này.
Đầu tháng Giêng 1954, Võ Nguyên Giáp lên Khuổi Tát (Cao Bằng) xin ý kiến Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị trước khi lên đường sang Tây Bắc. Chủ tịch Hồ nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, ‘Tướng quân tại ngoại!’ Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau.” Cùng đi với tướng Giáp có một bộ phận cơ quan chỉ huy nhẹ và “đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn Quân sự Trung Quốc.”55
Về kế hoạch tác chiến, tài liệu Trung Quốc cho biết là vào đầu tháng Giêng 1954, Đoàn cố vấn quyết định mở cuộc tấn công chớp nhoáng vào cứ điểm Điện Biên Phủ trước khi quân Pháp hoàn tất củng cố các vị trí phòng thủ.56 Do sự thúc dục của các cố vấn, tướng Giáp tung một “biển người” vào cuộc tấn công quân Pháp nhưng QĐNDVN bị tổn thất nặng, một phần vì Việt Minh chưa kịp đưa các cỗ pháo vào các vị trí bao vây Điện Biên Phủ và một phần vì Pháp tăng viện mau chóng hơn sự tính toán của phe tấn công. Đây là lần đầu tiên cố vấn Trung Quốc nhìn nhận sai lầm của mình. Sau trận tấn công thất bại này, Bắc Kinh điện cho Vi Quốc Thanh ngày 24 và 27 tháng Giêng, chỉ thị cho Vi không tấn công quân địch ở Điện Biên Phủ “từ mọi phía” cùng một lúc mà phải “tách rời quân địch, bao vây và tiêu diệt chúng từng phần một”. Chỉ thị còn nói rõ “Phải cố gắng mỗi lần diệt một tiểu đoàn địch. Khi bị mất bốn hay năm tiểu đoàn, quân địch ở Điện Biên Phủ sẽ mất tinh thần tự tin. Chúng sẽ rút về phía Nam hay chờ đợi quân tiếp viện. Trường hợp nào cũng sẽ có lợi cho ta.” Đoàn cố vấn và QĐNDVN theo phương án này của Bắc Kinh, bỏ “đánh nhanh” sang “tiến chắc” bằng cách lần lượt loại trừ các tiền đồn của Pháp làm cho chúng bị tiêu hao và kiệt lực.57
Trong sách của Võ Nguyên Giáp, ông không nhắc đến trận “biển người” bị thất bại hồi đầu tháng Giêng nhưng nói nhiều về việc ông không đồng ý với phương án “đánh nhanh thắng nhanh” của các Cố vấn Trung Quốc mà chính Ban Tham mưu của ông cũng hăng hái tán thành. Khi ông gặp riêng Vi Quốc Thanh để cho biết những suy nghĩ của ông về “việc lựa chọn phương án ‘đánh nhanh thắng nhanh’ là quá mạo hiểm”, Trưởng Đoàn cố vấn cân nhắc một lát rồi trả lời: “Nếu không đánh sớm, nay mai địch tăng thêm quân và củng cố công sự thì cuối cùng sẽ không còn điều kiện công kích quân địch.” Rốt cuộc, tướng Giáp phải triệu tập hội nghị triển khai kế hoạch chiến đấu.
Công cuộc chuẩn bị được tiến hành như dự định, và thời gian nổ súng được quyết định là 5 giờ chiều ngày 25 tháng Giêng 1954. Không may, gần ngày N, một chiến sĩ của đại đoàn 312 bị bắt và ngày giờ tấn công bị lộ. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn thời gian nổ súng 24 tiếng. Nhân dịp này, Võ Nguyên Giáp tìm cách thuyết phục các cố vấn và ban tham mưu của ông thay đổi phương án từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Sau một đêm dài suy nghĩ, sáng hôm sau ông đi gặp riêng Vi Quốc Thanh trước khi dự phiên họp của Đảng ủy Mặt trận. Sau hơn nửa tiếng đồng hồ nghe tướng Giáp phân tích, Trưởng đoàn cố vấn nói: “Tôi đồng ý với Võ Tổng. Tôi sẽ làm công tác tư tưởng với các đồng chí trong đoàn cố vấn.” Khi quay về sở chỉ huy họp với Đảng ủy, Võ Nguyên Giáp đã phải phấn đấu chật vật với các nhân vật chỉ huy như Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đặng Kim Giang mới thuyết phục được họ đồng ý quyết định hoãn cuộc tiến công, ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết. Mười năm sau. trong dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, các đại đoàn trưởng trên chiến trường đều nhìn nhận rằng: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ.”58
Như vậy, theo sự trình bày của Võ Nguyên Giáp, quyết định thay đổi phương án “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” hoàn toàn do chính ông khởi xướng và mất nhiều công thuyết phục Trưởng Đoàn cố vấn cũng như Ban tham mưu QĐNDVN. Ngày phát động trận đánh Điện Biên Phủ trước được ấn định vào ngày 25 tháng Giêng 1954 nay hoãn lại tới 13 tháng Ba mới chính thức bắt đầu. Quyết định thay đổi này hiển nhiên là của Võ Nguyên Giáp không những vì có nhiều nhân chứng mà tài liệu Trung Quốc cũng không hề nói đến việc dời ngày tấn công là do họ đề nghị. Georges Boudarel, hiện diện trong hàng ngũ Việt Minh hồi đó, ghi nhận một chi tiết trong quyết định thay đổi căn bản này của Võ Nguyên Giáp là bãi bỏ đề nghị của cố vấn Trung Quốc về việc chuyển vận đại bác bằng dân công trên một đường mòn hàng chục cây số để yểm trợ “biển người” tấn công Điện Biên Phủ. Thay vào đó, trong gần hai tháng hoãn chiến dịch, Võ Nguyên Giáp đã thiết lập được sáu chục cây số đường để chuyển vận đại bác 105 ly bằng quân xa. Boudarel xác nhận phương án “đánh chắc, tiến chắc” của họ Võ đã đem lại chiến thắng Điện Biên Phủ.59
Về công cuộc chuẩn bị lại chiến dịch, tài liệu Trung Quốc cho biết bốn trung đoàn Việt Minh được huấn luyện về phòng không ở Trung Quốc được đưa về Điện Biên Phủ cùng với các dàn súng cao xạ 37 ly. Trung Quốc cũng dạy cho QĐNDVN cách bắn xẻ để làm gián đoạn các cuộc hành quân của Pháp và làm mất tinh thần quân địch. Các kỹ sư công binh Trung Quốc có kinh nghiệm ở Triều Tiên cũng được gửi sang để chỉ dẫn cho binh sĩ Việt Minh đào hào, kết quả là hàng trăm cây số đường hào đã giúp cho các đơn vị Việt Minh tiến đến gần các vị trí vòng đai phòng thủ mà ít bị hỏa lực ngăn chặn của địch. Trung Quốc cũng cung cấp rất nhiều đạn dược cho QĐNDVN để dùng trong các cuộc tấn công. Những sự kiện này không có gì mâu thuẫn với tài liệu của Việt Nam. Võ Nguyên Giáp còn đặc biệt ghi nhận kinh nghiệm đào hào của các kỹ sư Trung Quốc trong chiến trận Triều Tiên là một đóng góp quan trọng cho chiến thắng Điện Biên Phủ.
Mao Trạch Đông theo dõi sát tình hình chiến dịch và muốn giúp Việt Minh thắng trận để gây lợi thế tại Hội nghị Genève sắp sửa bắt đầu vào tháng Năm. Mao muốn huấn luyện và trang bị thêm cho QĐNDVN hai sư đoàn pháo binh và hai trung đoàn công binh, và chuyển thêm súng đại bác của quân đội Trung Quốc cho pháo binh Việt Nam. Các huấn luyện viên và cố vấn đều phải là những người có kinh nghiệm chiến đấu ở Triều Tiên. Mao chỉ thị cho Bành Đức Hoài, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Ban tham mưu “lập tức chuẩn bị đầy đủ đạn dược và quân cụ” (nhấn mạnh trong nguyên văn) cho hai sư đoàn mới và gia tăng số lượng súng phòng không cho Việt Minh. Mao nhấn mạnh rằng “nhất định phải chiếm được” cứ điểm Điện Biên Phủ, và khi các điều kiện đã sẵn sàng, Việt Minh phải tấn công càng sớm càng tốt. Mao còn thêm nhiều chỉ thị khác về phương pháp bù đắp số quân bị tổn thất, về việc cho quân nghỉ ngơi sau chiến thắng Điện Biên Phủ rồi tiến sang Lào chiếm Luông Pra-bang, và cuối cùng là giải phóng Hà Nội, trễ nhất vào đầu năm tới là hoàn tất chiến dịch.60
Tóm lại, điểm dị biệt chính giữa hai nguồn tài liệu Trung Quốc và Việt Nam xoay quanh vấn đề ai khởi xướng và hoạch định các chiến dịch chống Pháp từ 1950 đến 1954, đặc biệt là những chiến thắng Cao Bằng (1950), Nghĩa Lộ (1952), Sầm Nứa (1953) và nhất là Điện Biên Phủ (1954). Đây là một vấn nạn lịch sử quan trọng cần phải được giải đáp thỏa đáng. Căn cứ vào sử liệu của Trung Quốc như đã thấy trên đây thì cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Minh đạt được thắng lợi là nhờ ở công lao của Trung Quốc, không những về viện trợ vũ khí mà còn về chiến lược và chiến thuật nữa. Trong khi chờ đợi những cuộc nghiên cứu đầy đủ tài liệu của đôi bên, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự ở miền Bắc cần lên tiếng đính chính hay xác nhận những ý kiến và sự kiện khác biệt được ghi chép trong các tài liệu của Trung Quốc.
Dù sao chăng nữa, sự thật hiển nhiên không thể phủ nhận là công cuộc chiến đấu kiên cường đến thắng lợi cuối cùng hoàn toàn là công lao của quân đội và nhân dân Việt Nam. Riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, việc Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp phải khó khăn lắm mới thuyết phục được các tướng lãnh trong Bộ chỉ huy hành quân đồng ý thay đổi được chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh”‘ sang “đánh chắc tiến chắc” cho thấy đây là một quyết định then chốt đưa đến thắng lợi. Một cách khách quan, chiến thắng Điện Biên Phủ có thể qui vào ba yếu tố chính:
1. viện trợ quân sự của Trung Quốc và Nga Sô;61
2. lãnh đạo giỏi của Đảng cộng sản Việt Nam với sự cố vấn của Trung Quốc; và
3. tinh thần chiến đấu dũng cảm cùng với sức chịu đựng phi thường của quân đội và dân công Việt Nam.
Mặc dù yếu tố thứ ba có tính chất quyết định, VNDCCH không thể thắng nếu thiếu một trong hai yếu tố kia mà Trung Quốc đã nhận lấy phần công lao lớn nhất. Dù có duy trì được thanh danh về vai trò chủ động trong cuộc chiến, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải mang một món nợ lớn đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, do đó vô hình trung đã tự đặt mình và cả dân tộc vào quĩ đạo của Bắc Kinh. Món nợ đối với Trung Quốc còn to lớn hơn nữa trong cuộc chiến 1955-1975. Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trở nên phức tạp và khó khăn khi đảng Cộng sản Việt Nam bị mắc kẹt giữa cuộc tranh chấp Liên Xô-Trung Quốc vào những năm cuối 1960 và đầu 1970. Bắc Kinh đã ngăn chặn những cơ hội hòa đàm giữa Hà Nội và Washington và bác bỏ việc triệu tập Hội nghị quốc tế do Liên Xô đề nghị năm 1967. Hà Nội đã nghe theo Bắc Kinh và Liên Xô vẫn phải tiếp tục cung cấp vũ khí nặng và hỏa tiễn SAM cho Hà Nội. Nhưng đến năm 1971 thì Bắc Kinh lại xoay chiều đi đêm với Mỹ. Khi Mao Trạch Đông chính thức đón chào Tổng thống Mỹ Nixon năm 1972 thì quan hệ Việt-Trung bắt đầu rạn nứt trầm trọng và tan vỡ năm 1975. Vấn đề biên giới và lãnh hải lại trở nên gay go và cuộc thương thuyết song phương được tái diễn năm 1977 kéo dài một năm không đạt được thỏa thuận và bị bãi bỏ. Những người Hoa vô tội ở Việt Nam bắt đầu bị ngược đãi khiến 170,000 người phải chạy sang Trung Quốc và nhiều người khác phải vượt biển lánh nạn ở Hồng Kông và các nước Đông Nam Á. Bắc Kinh cắt hết mọi viện trợ, rút chuyên viên về nước và “dạy một bài học” cho Việt Nam bằng cuộc tấn công quân sự đầu năm 1979.
Đã đoạn tuyệt với Trung Quốc, lại thêm gánh nặng chiến tranh ở Kam-pu-chia, Việt Nam phải lệ thuộc gần như hoàn toàn vào viện trợ của Liên Xô. Tháng Mười Một 1979, hai bên ký hiệp ước hợp tác theo đó Liên Xô được sử dụng các căn cứ không quân và hải quân ở Việt Nam, đặc biệt là căn cứ Cam Ranh do Hoa Kỳ bỏ lại. Sau khi Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu sụp đổ, mọi cuộc viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam cũng chấm dứt. Vì nhu cầu cùng tồn tại trước mối đe dọa chung, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc đã trở lại hòa giải với nhau, và Việt Nam đã đi theo Trung Quốc một cách lúng túng trong những bước hội nhập với cộng đồng thế giới, đổi mới kinh tế nhưng vẫn giữ độc quyền chính trị. Với tư cách một nước lớn có hơn một tỉ dân và khả năng kinh doanh sẵn có, Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành giàu mạnh mau chóng hơn Việt Nam. Trong các quan hệ kinh tế và chính trị song phương, Việt Nam đã bắt đầu thể nghiệm những hành động chèn ép, lấn át, của nhà láng giềng khổng lồ ở phương Bắc. Sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ của Trung Quốc với Hoa Kỳ và các nước Tây phương đã thay đổi hẳn, từ đối đầu sang hợp tác. Đối với Việt Nam, đầu óc bá quyền muôn đời của Trung Quốc cũng xuất hiện dưới những dạng thức mới mẻ hòa bình hơn nhưng bản chất và mục tiêu thì chắc chắn vẫn y nguyên như cũ.
_____
Ghi chú:
[1] Chiến tranh chính thức xảy ra trên toàn quốc ngày 19.12.1946, nhưng đã thực sự bắt đầu ở miền Nam ngày 23.9.1945 khi Pháp nổ súng chiếm đóng các cơ sở hành chánh ỡ Sài-gòn và tiến chiếm các tỉnh ở Nam bộ và phía Nam Trung bộ. ủy ban Kháng chiến Nam bộ lập tức được thành lập do Trần văn Giàu làm chủ tịch, phát động chiến tranh du kích chống Pháp.
2 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, 27.
3 Tài liệu của Hà Nội do Lãnh sự Mỹ James L. O’Sullivan gửi về Bộ Ngoại Giao ngày 20.6.1947. Dẫn bởi Gareth Porter trong A History of Documents (New York: New American Library, 1981).
4 Tháng Tám 1941, Roosevelt và Churchill ký Hiến Chương Đại Tây Dương (Atlantic Charter), hứa rằng Đồng minh sẽ “tôn trọng quyền của tất cả các dân tộc lựa chọn hình thức chính phủ mà họ muốn”. (U.S. Department of State, FRUS: Diplomatic papers, vol. 1, Washington D.C., 1958, 367.
5 khi bị bắt buộc phải tổ chức quân đội QGVN năm 1953, Pháp vẫn không chịu cho MAAG tham gia huấn luyện và trợ giúp kỹ thuật cho tới sau khi thất trận Điện Biện Phủ. Tới giữa 1955, khi Pháp đã rút hết quân về nước, MAAG mới chính thức huấn luyện quân đội QGVN và cố vấn về các vấn đề chiến thuật và chiến lược. Năm 1962, MAAG đổi tên thành MACV (Mili- tary Assistance Command, Vietnam).
6 Bao Dai, 114-115.
7 Ibid., 328.
8 Trước khi mất, Tổng thống Roosevelt cũng đã có ý giao cho Pháp quyền ủy trị các dân tộc Đông Dương với một lộ trình dẫn đến độc lập. Từ tháng 5, 1945, Truman đã dứt khoát để cho Pháp trở lại Đông Dương. Tháng Tám, Hoa Kỳ cho 12 chiếc tàu chở quân Pháp theo quân đội Anh vào Sài-gòn.
9 The pentagon papers, vol. 1
10 Bảo Đại, 72-73.
11 Bảo Đại, 139.
12 Ibid., 155.
13 Ibid., 157.
14 Ibid., 179.
15 Điện văn của Sprouse gửi Ngoại trưởng, 27. 09.45. Dan bởi Duiker, 340
17 Duiker, 390.
18 Tucker, 422; Hess, 182.
19Thông tư Bộ Ngoại giao ngày 17.12.1946. Dẫn bởi Duiker, 392.
20 Báo cáo của USS, dẫn bởi Schulzinger., 20.
21 Năm 1946, Moffatt đề nghị chính phủ Mỹ khuyến cáo Pháp tôn trọng hiệp định sơ bộ 6 tháng Ba, nhưng Hoa Kỳ đã không can thiệp. Năm 1947, ngoại trưởng Acheson cho Đại sứ Pháp biết môi quan tâm của Mỹ về chiến cuộc ở Việt Nam và tỏ ý sẵn sàng giúp Pháp giải quyết trước khi vấn đề được đem
22 The Pentagon Papers, Gravel Edition, vol. 1,54.
23 Mười chính phủ cầm đầu bởi: Nguyễn Văn Xuân, 1.6.1948; Bảo Đại, Quốc trưởng kiêm Thủ tướng, 1.7.1949; Nguyễn Phan Long, 21.1.1950; Trần Văn Hữu (ba lần): 27.4.1950, 18.2.1951, 8.3.1952; Nguyễn Văn Tầm (hai lần): 2.6.1962, 8.1.1953; Bửu Lộc, 17.4.1954; Ngô Đinh Diệm, 16.6.1954. Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm lật đổ ngày 23.10.1955 qua một cuộc trưng cầu dân ý.
24 FRUS, 1950, VI: 911.
25 Trung Quốc tấn công dọc theo biên giới từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu) dài hơn 1,000 cây số. Lực lượng gồm 32 sư đoàn (khoảng 600,000 quân), 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1,260 súng cối… Trận chiến bắt đầu ngày 17.2. 1979 và diễn ra trong 16 ngày. Trung Quốc rút quân từ 5.3 đến 18.3 thì hết. (Lê Mậu Hãn, tập III, 307). Lực lượng biên giới của VNDCCH là 70,000 sau được hai sư đoàn từ vùng đồng bằng lên tiếp viện, chống quân xâm lược bằng phục kích. Trung Quốc tiến vào lãnh thổ Việt Nam khoảng 30 cây số trước khi rút lui và đốt phá hết những nơi đi qua.
26 Michael H. Hunt, The Genesis of Chinese Communist Foreign Policy (New York: Columbia University Press, 1996), 213.
27 Zhai, 2.
28 Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược. Sống Mới tái bản ở Hoa Kỳ, 1978, quyền II, 299.
29 Zhai, 17. Về vấn đề viện trợ, theo Võ Nguyên Giáp, Stalin nói: “…Liên Xô hiện đang phải lo nhiều cho các nước Đông Âu. Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam những thứ đang cần. Những thứ gì Trung Quốc chưa có thì hãy lấy trong số hàng Liên Xô đã viện trợ cho Trung Quốc chuyển cho Việt Nam và sẽ được Liên Xô hoàn trả. Stalin nói vui:Trung Quốc sẽ không thiệt vì trao cho Việt Nam những thứ đã dùng rồi, sẽ nhận lại ở Liên Xô những thứ mới’.” (Võ Nguyên Giáp, Đường Tới Điện Biên Phủ, Hà Nội: Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, 1999, 15).
30 Thành Tín, Mặt Thật, 67.
31 Theo Võ Nguyên Giáp, “Cho tới hết năm 1950, ta đã tiếp nhận của Trung Quốc 1,020 tấn vũ khí đạn dược, 180 tấn quân trang quân dụng, 2,634 tấn gạo, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 800 tấn hàng quân giới, 30 ô-tô, 120 tấn xăng dầu và phụ tùng ô-tô. (Đường tới Điện Biên Phủ, 109).
32 Zhai, 19. Trong sách viết bằng tiếng Anh của Zhai, tên Việt Nam không có dấu nên không biết đích xác tên của viên tướng họ Võ này đánh dấu như thế nào. Võ Nguyên Bắc chắc không phải là bà con của Võ Nguyên Giáp, vì không thấy phía Việt Nam nhắc đến nhân vật này bao giờ.
33 Ibid, 25
34 Đại tá Bùi Tín kể lại rằng trong buổi nói chuyện tại Đại hội ĐCS lần thứ II tháng 1/1951, khi nhắc đến Stalin và Mao, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Bác bảo đảm với các cô các chú rằng hai vị này không bao giờ phạm sai lầm.” (Bùi Tín, về Nhân vật Hồ Chí Minh, “Bài viết nhân đọc sách của Pierre Brocheux và William J. Duiker về Hồ Chí Minh, cũng là nhân 19/5/2003, 113 năm sinh của ông Hồ, tượng đá cao hơn 10 mét được dựng giữa thành phố Vinh, các quan chức Phật giáo theo lệnh của đảng Cộng sản phong ông là Bồ Tát.” Tài liệu phổ biến trên mạng internet, 30.12.2003).
35 Zhai, 33 “…nhưng khi vào chiến dịch ta mới thấy chưa lường trước hết mọi khó khăn” và “…thấy cuộc tiến công gặp nhiều khó khăn, Bộ chỉ huy chiến dịch hạ lệnh thu quân.” về số thương vong trong đợt I, theo tướng Giáp, “bằng hai phần ba của địch: 218 người hi sinh, 630 người bị thương”, đợt II không thấy nói số tổn thất của QĐNDVN, chỉ nói “Ta loại khỏi vòng chiến khoảng 5,000 quân địch, trong có hơn 2,000 tên bị bắt sống…”(Đường tới Điện Biên Phủ, 146, 152, 166).
36 Chiến dịch Hoàng Hoa Thám kéo dài hai tuần (23.3-5.4.1951). Võ Nguyên Giáp cho biết số thương vong gồm 500 bị chết và hơn 1,500 bị thương. Ông giải thích lý do thất bại “chỉ vì địch đã đựng lên một hàng rào lửa bằng đại bác quanh cứ điểm ngăn cản những đợt xung phong của ta.” (Ibid183).
37 Đây là chiến dịch Quang Trung (27.5-20.6.1951) gồm ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Về tổn thất, tướng Giáp chỉ ghi “Tỉ lệ thiệt hại giữa ta và địch là: ta: 1, địch: 1.2”. (ibid215).
38 Điện văn của Mao trả lời Vi ngày 29.1.1951, trong Mao Văn Cảo, 2:90. Dẫn bởi Zhai, 34.
39 Chiến thuật của tướng Salan, thu gọn lực lượng phòng thủ trong cứ điểm với một hàng rào hỏa lực dày đặc và thật mạnh để đẩy lui mọi cuộc tấn công của địch.
40Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, 423.
41 Zhai, 43.
42 Césari, 83.
43 Zhai, 43-49. Nguồn tài liệu chính được Zhai sử dụng để viết phần này là Zhonguo junshi guwentuan yuanYue kangFa doucheng shishi do Ban Biên tập Trung quốc Quân sự Cố vấn đoàn (Bắc kinh, 1990) và Dangdai Zhongguo Zundui de junshi gongtuo do Han Huaizhi và Tan Jingqiao chủ biên (Bắc Kinh, 1989). Xem “Thư mục” trong Zhai, 224 và 269.
44 Võ Nguyên Giáp có bốn cuốn “Hồi ức”, ba cuốn về kháng chiến chống Pháp do Hữu Mai thể hiện, và một cuốn về chiến tranh chống Mỹ, do Phạm Chí Nhân thể hiện. Xem thêm mục “Tài liệu tham khảo” ở cuối sách này.
45 Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, 36.
46 Ibid., 43.
47 Ibid., 333, 335.
48 Ibid., 405,411.
49 Zhai, 44. Zhai lầm tên QĐQG khi viết là Quân đội Việt Nam Cộng Hoà. VNCH chỉ có từ 1955.
50 Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ: Điểm Hẹn Lịch Sử (Hà Nội: NXB Quân Đội Nhân Dân, 2000), 23.
51 Ibid., 17-18.
52 Ibid., 24, 29, 30.
53 Ibid., 47.
54 Zhai, 45-46,
55 Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ: Điểm hẹn Lịch sử, 44-45, 50, 66.
56 Võ Nguyên Giáp cho biết đây là chiến thuật “oa tâm tạng” (thọc vào tim) trong chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh” của Trung Quốc (ibid.,109).
57 Zhai, 46-47.
58 Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ: Điểm hẹn Lịch sử, 96, 104 ,107-113.
59George Boudarel, Cent Fleurs Écloses dans la Nuit du Vietnam (Paris: Jacques Bertoin, 1991), 82, 112. Điểm này còn được Boudarel xác nhận trong một tài liệu viết chung với Francois Caviglioli, “Comment Giap a failli perdre la bataille de Dien Bien Phu” đăng trên tờ Le Nouvel Observateur, 8 Avril 1983.
60 Zhai, 46-48.
61 Mặc dù nghi ngờ Hồ Chí Minh không phải là cộng sản quốc tế, Stalin vẫn đồng ý viện trợ cho Việt Minh nhưng thông qua Trung Quốc để tránh mất lòng Pháp.

---------------------------------

BON-PHUONG’S BLOG










NGOCLINHVUGIA’S BLOG













No comments:

Post a Comment

View My Stats