Thursday 28 February 2013

GIÁ PHẢI TRẢ CHO SỰ DỐI TRÁ (Minh Diện)




Minh Diện
Thứ năm, ngày 28 tháng hai năm 2013

Ngày 19-6-2011, trên trang Web của Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, ông Tạ Xuân Tề, có bài: “Nhà giáo Tạ Xuân Tề một đời gắn bó với sự nghiệp trồng người” của tác giả T.Thủy.

Bài báo có đoạn viết: “Nhà giáo Tạ Xuân Tề là một trong số ít người trong ngành GD & ĐT, và là người duy nhất trong 40 trường của Bộ Công nghiệp, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời đổi mới. Thật khó khi viết về Nhà giáo, Hiệu trưởng, Anh hùng lao động Tạ Xuân Tề. Bởi lẽ, khi đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng thì đã có bao nhiêu thành tích, nên không biết chọn lựa thành tích nào để viết...”.

Theo bài báo, Tạ Xuân Tề sinh năm 1952, vì ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc đã khai tăng một tuổi để đi bộ đội, nhưng năm 1967, Tề vào học Trường công nhân kỹ thuật 1 Hà Bắc; 1969 nhập ngũ, công tác tại Phòng chính trị Bộ tham mưu Quân giải phóng miền Nam, tháng 4-1976, chuyền ngành sang Trường công nhân kỹ thuật 4, làm cán bộ thi đua, cán bộ đời sống, công đoàn và năm 1996 được đề bạt chức vụ Hiệu phó. Khi trường công nhân kỹ thuật được nâng lên cao đẳng, rồi đại học, Tạ Xuân Tề làm hiệu trưởng và được tuyên dương Anh hùng Lao động thời đổi mới...

Với thành tích như vậy, Tạ Xuân Tề, được tặng 4 Huân chương, 3 Huy chương, 7 bằng khen. Bài báo kết luận, Tạ Xuân Tề là một nhà giáo giản dị khiêm tốn, trung thực, đạo đức cao cả, hết lòng vì sự nghiệp trồng người. Tác giả cho rằng “Nhà giáo Anh hùng Tạ Xuân Tề đạt được thành tích trên nhờ sự đoàn kết của tập thể cán bộ, giáo viên toàn trường, và ngoài một tầm nhìn xuyên suốt của một tấm gương tận tâm với sự nghiệp giáo dục, phải kể đến sự hỗ trợ và tình yêu của người vợ với mái ấm gia đình”.

Mấy năm trước, tiếng tăm Trường đại học công nghiệp thành phố Hổ Chí Minh đã nổi như cồn. Cái tên Tạ Xuân Tề gắn với trường Đại học Công nghiệp thành phố HCM như hình với bóng. Bao nhiêu bài báo ca ngợi tấm gương tài, đức Tạ Xuân Tề khó mà thống kê hết.

Như lớp vàng son bóng nhoáng phết lên chiếc ghế tre! Như vầng hào quang bong bóng xà phòng! Lớp sơn đã bung ra, vầng hào quang tắt lụi, phơi bày sự thật Tạ Xuân Tề. Đau đớn thay hai chục năm trời, hàng ngàn sinh viên ngưỡng mộ tôn sùng một thần tượng giả!

Cái thần tượng giả ấy không tự sinh ra, nó được dựng lên bởi phù phép của cả một hệ thống từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, đủ sức che mặt thế gian, đánh lừa thiên hạ. Thần tượng giả ấy mang danh lợi cho quan to, quan bé, và không ít lâu la láo nháo chung quanh.

Bởi thế, người ta chẳng những không ngó ngàng tới những tập đơn tử tố cáo, mà khi thần tượng Tạ Xuân Tề sụp đổ còn có kẻ lao vào chống đỡ. Nhưng đã qua rồi cái thời bịt tai bịt mắt nhân dân, lấy uy quyền, chữ nghĩa, tiền bạc che đậy sự giả trá.

Khi bài báo của T. Thủy vừa đăng, đã nhận được phản hồi của bạn đọc Nathan19: “Cảm ơn bài bồi bút của bác! Chắc trong trường CN4 bác được nâng đỡ lắm he? Riêng về đồng chí TXT này, mình chỉ biết đến một giai thoại lấy tiền công mua một lúc 6 chiếc xe BMW”.

Rồi độc giả Hoàng Khương đặt câu hỏi: “Sao tự nhiên có bài báo này ngay thời điểm nhạy cảm? Thấy cái nickname mới reg có tên trùng với một nhân vật trong Scandal gần đây ?”.

Nhân vật liên quan đến Scandal ấy là Nguyễn Thị Thủy, Phó phòng Tổ chức nhân sự, Trường đại học Công nghiệp thành phồ Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Xô, vợ ông Tạ Xuân Tề, tâm sự với Hạnh Dung, báo Phụ Nữ: “Nguyễn Thị Thủy gọi tôi là dì ruột. Thủy ở quê không có công ăn việc làm nên tôi đưa Thủy vào nuôi như con, cho học hành, tìm việc làm, gả chồng. Nhưng thật trớ trêu, cháu ruột tôi lại trở thành bồ cùa chồng tôi” .

Một Phó giáo sư-tiến sỹ, bạn thân của Tạ Xuân Tề, nói với tôi: “Một lần mình ăn ở nhà hàng Phố Cổ, Tạ Xuân Tề cũng ăn ở đấy. Tề kéo mình qua bàn Tề, giới thiệu cô cháu gái có khuôn mặt tròn, môi dày, tóc xoăn thưa. Nhìn cử chỉ hai người với nhau, mình thấy không còn là tình cảm chú cháu !”.

Bề ngoài chú cháu, bề trong người tình! Vì tình yêu hay bị ràng buộc bởi tiền tài danh vọng? Những bí mật không thể giấu kín mãi, khi vợ con vừa là nạn nhân vừa là quan tòa cất tiếng nói phẫn uất.

Hãy đọc những dòng trên mạng của Phương Nam, con gái Tạ Xuân Tề: “Có bao giờ bạn chứng kiến cảnh ông Tề đuổi đánh mẹ tôi khi mẹ tôi đang bồng trên tay đứa cháu ngoại 14 tháng tuổi chưa? Có bao giờ bạn chứng kiến cảnh ông Tề đập phá nhà cửa rồi gọi điện thoại khoe với Thị Thủy “Anh đang chống cự quyết liệt với ba con chó ghẻ!?”.

Phương Nam nói với bố: “Bố cùng ứng cử viên hiệu trưởng Nguyễn Xuân Hoàn, em ruột Thị Thủy và vài người cao to, mặt dữ dằn đi răn đe những người công khai khuyên bố. Bổ hỏi làm sao con biết chuyện này ư? Con biết hết! Kể cả chuyện Nguyễn Đình Hưng ngồi quán nhậu oang oang, rằng ông Tề chỉ cần ngồi lại trường thêm hai năm là kiếm 100 tỷ con cũng biết. Bố bảo tao đĩ thì kệ tao ư? Con hỏi, thế bố có cất cái ổ cùa bố vào một nơi kín đáo không? Hay bố để cái ổ của bố lũng đoạn tổ chức danh tiếng của nhà nước?”.

Chỉ cần “ngồi lại thêm 2 năm là kiếm 100 tỷ đồng!”. Có ngành kinh doanh chân chính nào lời thế không nhỉ? Kinh doanh quyền lực, bẳng cấp trên đầu những sinh viên nghèo! Mỉa mai thay cái gọi là “sự nghiệp trồng người” được tô vẽ, xưng tụng cả ở những nơi linh thiêng như Văn Miếu!

Theo bài báo của tác giả T. Thủy, trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh có 2.000 cán bộ, giảng viên công nhân viên chức, trong đó 60% có trình độ trên đại học, hơn 100 tiến sĩ, 600 thạc sĩ, với hơn 100.000 sinh viên, là nơi có chất lượng đào tạo tốt nhất cả nước, và năm 2015, sẽ đạt đẳng cấp quốc tế.

Cái chất lượng tốt nhất ấy thế nào, hãy đọc những dòng sau đây của một sinh viên: “Trường đại học CN4 thi rớt thì đi thẳng lên phòng chấm điểm nộp 500.000 đồng một môn, nói tên, lớp, môn thi rớt , tự hiểu khỏi nhiều lời!”.

Những tiến sỹ, thạc sỹ giảng viên ở ngôi trường có người Anh hùng Lao động làm hiệu trưởng này được đối xử thế nào, hãy nghe con gái Tạ Xuân Tề nói về uy quyền người cháu, người tình của bố mình: “Bạn có bao giờ nhìn thấy Thị Thủy hạch xách giảng viên trong trường và hỏi, muốn đi dạy hay quét rác chưa?”.

Bộ trưởng Bộ giáo dục đào tạo và những quan chức cao cấp từng về thăm trường đại học CN4 tắm mình trong cờ hoa và những “lời hay ý đep” đã bị lừa hay biết rõ mà vẫn ngoảnh mặt làm ngơ ?

Nếu không nhờ những bài báo trên mạng xã hội, thì Tạ Xuân Tề mãi mãi là thần tượng, khi Tạ Xuân Tề nghỉ hưu, em trai Nguyễn Thị Thủy là Nguyễn Xuân Hoàn sẽ làm hiệu trưởng, trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh sẽ là của riêng một nhóm lợi ích.

Cách đây không lâu, trong buổi họp đồng hương , một vị Phó giáo sư-tiến sĩ đã từng gặp Tạ Xuân Tề và Nguyễn Thị Thủy ở nhà hàng Phố Cổ. Ông nhận xét:
- Tề phải trả giá đau quá. Bây giờ có nhà mà không được về, phải lang thang trốn tránh.
- Tại sao vậy?
- Tề mất chức, con Thủy quay lại quậy tới nơi! Nó đe sẽ đưa hình ảnh lên mạng!
- Kết cục đen tối quá!?

Vị Phó giáo sư khuyên tôi không nên viết về Tạ Xuân Tề, vì cái giá ông phải trả quá đắt rồi. Một sự nghiệp, cho dù chỉ như một thứ hàng mã bị tiêu tan, một gia đình bị nát bấy. Nhưng tôi nghĩ đâu phải chuyện riêng Tạ Xuân Tề?

Một bộ phận không nhỏ thoái hóa biến chất đang ngự trị từ trên xuống dưới, từ chốn thâm cung ra ngõ ngách đời thường, hiện diện như trời sinh ra, tồn tại bằng giả dối, nếu không thức tỉnh nhất định sẽ có ngày họ phải trà giá, có khi còn đắt hơn Tạ Xuân Tề.

M.D

------------------------

Bài liên quan:

GIÁ PHẢI TRẢ CHO SỰ DỐI TRÁ (Bùi Văn Bồng). “Nếu không nhờ những bài báo trên mạng xã hội, thì Tạ Xuân Tề mãi mãi là thần tượng, khi Tạ Xuân Tề nghỉ hưu, em trai Nguyễn Thị Thủy là Nguyễn Xuân Hoàn sẽ làm hiệu trưởng, trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh sẽ là của riêng một nhóm lợi ích”.

Mời xem lại:
Còn đây là bài trên báo Giáo dục Thành phố, ca tụng “Hiệu trưởng, Anh hùng lao động” Tạ Xuân Tề: Nhà giáo Tạ Xuân Tề: Một đời gắn bó với sự nghiệp.

Được đăng bởi Bùi Văn Bồng vào lúc 22:11



1 comment:

View My Stats