Thursday 28 February 2013

TỪ VỤ VŨ KIM HẠNH ĐẾN NGUYỄN ĐẮC KIÊN : 20 NĂM ĐẢNG CSVN VẪN KHÔNG THAY ĐỔI (Vũ Nhật Khuê - Danlambao)




28-2-2013

20 năm đủ để một thế hệ trưởng thành. Một em bé sinh ra ngay thời điểm năm 1992 lúc bà Vũ Kim Hạnh bị cách chức Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đến tháng 2 năm 2013 nhằm lúc nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị đuổi khỏi báo Gia Đình & Xã Hội thì em bé ngày xưa ấy giờ là sinh viên đại học năm thứ 3. Có lẽ các sinh viên ngày nay không biết nhiều về chuyện của bà Vũ Kim Hạnh nhưng ít nhiều họ nghe hay biết về vụ nhà báo Nguyễn Đắc Kiên hiện nay.

Vụ bà Vũ Kim Hạnh và nhà báo Nguyễn Đắc Kiên có những tương đồng và khác nhau. Bà Kim Hạnh thì "hưởng ứng" lời kêu gọi đổi mới nên mới dám đăng bài: "Thư Bác Hồ gởi vợ". Còn nhà báo Nguyễn Đắc Kiên thì "phản ứng" trước thông điệp của Tổng Bí thư về sửa đổi Hiến Pháp. Kết cuộc thì y như nhau là cả hai đều "giả từ dĩ vãng" với cái thẻ nhà báo do đảng cấp cho họ để làm nhà báo "công cụ". Cả 2 vụ thì từ khi bài báo lên khuôn đến lúc "đương sự nhà báo" nhận kỷ luật chưa đầy 48 tiếng đồng hồ.

20 năm qua, bản chất trả thù của đảng cộng sản không thay đổi nhưng thời thế đã đổi thay rất nhiều nên vụ việc của 2 nhà báo có nhiều khác biệt. Bà Vũ Kim Hạnh không lường trước phản ứng của Ban tư tưởng văn hóa nhưng nhà báo Nguyễn Đắc Kiên thì dự đoán những chuyện sẽ xảy đến cho mình. Bà Vũ Kim Hạnh thì khóc hết nước mắt muốn ở lại làm "nhà báo bình thường" cũng không được trong khi nhà báo Nguyễn Đức Kiên chấp nhận nhẹ nhàng. Vụ của bà Vũ Kim Hạnh chỉ có nội bộ Báo Tuổi Trẻ biết nhưng vụ của nhà báo Nguyễn Đức Kiên thì coi như lan đi với tộc độ âm thanh khắp thế giới. Ở đâu có người Việt thì ở đó công đồng nhận tin này. Vụ bà Vũ Kim Hạnh thì chỉ vài cơ quan thông tấn nước ngoài đưa tin chứ vụ của nhà báo Nguyễn Đức Kiên chưa chi đã thấy lan tràn trên các báo từ Đông sang Tây như Dân Làm Báo đã tổng hợp.

Sau này bà Kim Hạnh về làm tờ Sài Gòn Tiếp Thị thì ban đầu đảng cộng sản vẫn không cho. Trong lớp huấn luyện cho các phóng viên của Báo Pháp Luật Thành phố thì bà Kim Hạnh nói cho chúng tôi biết là khi bà nói tờ SGTT chỉ lo ba chuyện tiêu hành ớt tỏi chứ không liên quan gì đến chính trị chính em thì mới được chấp thuận. Do vậy sau này con đường trở thành "nhà báo quốc doanh" của Nguyễn Đắc Kiên sẽ cam go. Sẽ chẳng có chuyện "xử lý hình sự" hai nhà báo nhưng chắc chắn một điều là sau này khi đi đâu thì Nguyễn Đắc Kiên cũng có "vài cái đuôi" theo dõi như bà Vũ Kim Hạnh đã từng có.

Bà Vũ Kim Hạnh nói cho đám phóng viên tập sự chúng tôi biết là chồng của bà là "nhà báo quan chức" của báo Nhân Dân nên bà có cơ hội quay lại "nghiệp làm báo": Bà luôn tự hào mình là một nhà báo và yêu nghề báo. Nhưng vì bận rộn với công việc "Xúc Tiến Thương Mại" với những "Hội Chợ Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao" nên ít viết bài, nhưng công việc của bà liên quan và dính líu rất nhiều đến báo chí. Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên vẫn còn đấy một đam mê với nghề báo. Nhưng con đường trở thành một nhà báo tự do (nhà báo không có thẻ của đảng cấp) đang xích lại gần anh hơn bao giờ.

Bà Vũ Kim Hạnh truyền cho chúng tôi bí quyết "hành nghề" khi đi Cu Ba hay Bắc Triều Tiên trong những ngày còn đỉnh cao "nghiệp báo của đảng". Nhưng để làm Vũ Kim Hạnh của ngày hôm nay là một quá trình dài. Nhưng trong thời đại internet thì nhà báo Nguyễn Đắc Kiên đã nhận ra vấn đề từ lâu và chuyện công bố bài viết chỉ là bùng phát khi có cơ hội mà thôi. Một Vũ Kim Hạnh đầy bức xúc và xung đột trở thành chị em thân thuộc với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trong nhóm của tiến sĩ Nguyễn Quang A.

Không chỉ có bà Vũ Kim Hạnh, không chỉ có nhà báo Nguyễn Đắc Kiên mà còn rất nhiều nhà báo khác đang và đang nhận ra bản chất thật của đảng cầm quyền. Họ đã và đang trên con đường quay ngòi bút trở về với nhân dân đúng nghĩa. Một nhà báo của Tuổi Trẻ hiện nay nói với tôi rằng: "Cho dù hiện nay Tổng biên tập của Tuổi Trẻ trở nên nhu nhược nhưng các thế hệ làm báo ở Tuổi Trẻ không bao giờ quên những ân oán mà đảng dành cho họ". Bà Vũ Kim Hạnh không là người lẻ loi ra đi khi đang là TBT của báo Tuổi Trẻ. Mà chén đắng đó ông Lê Văn Nuôi sau đó là ông Lê Hoàng cũng phải "uống cạn" ra đi trong ngậm ngùi.

Ngày xưa thì bà Kim Hạnh có thể khóc nhưng ngày nay chắc bà sẽ mỉm cười với thế hệ làm báo đàn em Nguyễn Đắc Kiên. Trong 1 ngày hơn 2000 người kết bạn với Đắc Kiên trong facebook của anh. Ai cũng ủng hộ và sẵn sàng che chở cho nhà báo này. Hơn ai hết bà Vũ Kim Hạnh đồng cảm cho hoàn cảnh của một người vừa bị thu hồi thẻ nhà báo.

Cách hành xử ti tiện của đảng dành cho các nhà báo dám nói thẳng nói thật không thay đổi trong 20 năm qua. Nhưng điều mà đảng không lường trước là phản ứng của một đứa bé sơ sinh đang bú khác với phản ứng của một cô cậu sinh viên trưởng thành đang lướt web.

Như bao nhiêu người bình thường khác, tôi phải vào facebook của Nguyễn Đắc Kiên để like cho anh một cái ủng hộ anh. Thêm một nhà báo trở về với nhân dân.







1 comment:

View My Stats