GS Lê Xuân Khoa
Posted by basamnews on 17/02/2013
Ngày 23 tháng Bảy 1954, hai ngày sau khi bản thỏa hiệp
đình chiến được ký kết tại Genève, Thủ tướng Pháp Mendès France ra trước Quốc
Hội để báo cáo về kết quả hội nghị. Khi nhắc đến một điều khoản trong bản thỏa
hiệp cho phép dân chúng ở Việt Nam được tự do lựa chọn nơi cư trú của mình giữa
hai miền Nam, Bắc, ông nói:
… Nếu chúng tôi không đòi được những đảm bảo đầy đủ cho điểm thỏa thuận này
thì những cuộc thương thuyết ắt đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi đã đòi
rằng bất cứ người nào ở vùng bên này hay bên kia tin rằng mình sẽ gặp nguy hiểm
tại nơi cư trú hiện thời phải được phép di chuyển sang bên mà người đó nghĩ
rằng mình sẽ được an toàn hơn.
Đây là lần đầu tiên một điều khoản về di chuyển như vậy
—điều quan trọng trong một nước bị phân chia thành nhiều chủng tộc và tôn giáo
và là nơi đáng lo ngại sẽ có những vụ trả thù— đã được chấp thuận bởi một nhà
nước cộng sản.1
Ở chương Bốn, chúng ta đã thấy Mendès France là một chính
khách có biệt tài và là nhà thương thuyết thành công nhất tại hội nghị Genève
vì đã đạt được gần như hoàn toàn những điều mong muốn của nước Pháp trước một
tình thế tuyệt vọng về quân sự ở Việt Nam. Nhưng qua lời tuyên bố trên đây,
chúng ta thấy ông vẫn còn quá lạc quan khi tỏ vẻ hãnh diện và tin tưởng đối với
những điều lần đầu tiên được thỏa thuận bởi những người cộng sản. Mendès
France quả đã thành công khi đạt được điều thỏa thuận này nhưng thay vì ngủ yên
trên thành quả ấy, đáng lẽ ông đã phải kèm theo một cơ chế đảm bảo cho việc tôn
trọng bản thỏa thuận với những biện pháp đối phó mau chóng và cụ thể của quốc
tế trong những trường hợp vi phạm việc người dân Việt Nam được tự do chọn lựa
nơi cư trú. Mặc dù cơ chế đảm bảo này chưa chắc đã có hiệu lực trong việc tôn
trọng các thỏa thuận, ít ra nó cũng có khả năng ngăn ngừa được một số trường
hợp vi phạm.
Điều kiện đòi hỏi của Mendès France chính là để thỏa mãn
một điểm trong bản thông cáo chung bảy điểm của Eisenhower và Churchill tại
Washington DC ngày 29.06.1954 đã được nói đến trong chương Bốn trên đây. Hai
nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Anh quốc đã tiên liệu sẽ có một cuộc di cư lịch sử ở
Việt Nam như một hậu quả tất nhiên của việc chia đôi đất nước. Do đó, điểm số 6
trong bản thông cáo chung đã ấn định một trong những điều kiện để Pháp có thể
thỏa hiệp tại hội nghị Genève là “cho phép tất cả những người muốn dời đổi nơi
cư trú từ một vùng này sang một vùng khác ở Việt Nam được di chuyển trong những
điều kiện bình an và nhân đạo dưới sự kiểm soát của quốc tế.”
Điều kiện này được xác nhận bởi Điều 14 (d) trong bản
thỏa hiệp đình chiến ký ngày 21 tháng Bảy với lời lẽ như sau:
“Kể từ ngày bản Thỏa hiệp này có hiệu lực cho đến khi cuộc chuyển quân được
hoàn tất, bất cứ những người dân nào ở trong một khu vực do một bên này kiểm
soát muốn dời sang sống trong khu vực đã được chỉ định cho bên kia thì chính
quyền sở tại phải cho phép và giúp đỡ họ di chuyển.”
Điều kiện này được nhắc lại một lần nữa trong bản Tuyên cáo chung của những
nước đã ký tên trên thỏa hiệp Genève, nhấn mạnh rằng những điều thỏa thuận
“phải được triệt để thi hành”.
Thời hạn hoàn tất cuộc chuyển quân, được ấn định bởi Điều 2 trong bản Thỏa
hiệp đình chiến, là 300 ngày. Ở miền Bắc, Pháp sẽ tập trung quân tại ba địa
điểm và lịch rút quân được ấn định như sau: ngày rút hết quân ra khỏi Hà Nội là
11 tháng Mười, Hải Dương là 31.10 và Hải Phòng, địa điểm cuối cùng, là
19.05.1955. Trên nguyên tắc, chính quyền ở các nơi có nhiệm vụ thông báo cho
dân chúng địa phương biết tất cả những tin tức này và phải giúp đỡ mọi sự dễ
dàng cho những người quyết định dọn tới hay rời khỏi nơi đó. Khi nói “bất cứ
người nào” cũng được tự do di chuyển trong thời hạn ấn định, bản thỏa hiệp đã
dự liệu bảo vệ sự an toàn cho những người có thể bị trả thù vì lý do chính trị.
Bởi thế, Điều 14 (c) đã ghi rõ việc đôi bên phải “cam kết không hành động trả
thù hay đối xử phân biệt đối với bất cứ những người hay tổ chức nào căn cứ vào
những hoạt động của họ trong lúc chiến tranh.”
Thật ra, trong những năm chiến tranh đã có những cuộc tản
cư của dân chúng từ Hà Nội và một số thành phố về miền quê để tránh các cuộc
xung đột giữa quân Pháp với dân quân tự vệ và bộ đội Việt Minh trước khi những
lực lượng này rút ra khỏi thành phố. Mấy tháng sau, vì chiến tranh lan tới các
vùng quê và Pháp cho phi cơ đi oanh kích những nơi tình nghi có quân kháng
chiến trong khi đời sống ở các thành phố do Pháp kiểm soát đã được bình thường,
dân chúng bắt đầu trở về thành để lo việc làm ăn. Từ giữa năm 1948, sau khi
Pháp công nhận Việt Nam độc lập và Quốc Gia Việt Nam được thành lập do Bảo Đại
cầm đầu thì số dân hồi cư về thành càng ngày càng đông. Một số dân ở vùng kháng
chiến cũng chạy về vùng quốc gia để lánh nạn. Còn ở lại kháng chiến là những
thanh niên, sinh viên và những người yêu nước không đảng phái, đáp lời kêu gọi
“toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chí Minh từ lúc đầu, đã gia nhập bộ đội chiến
đấu hoặc phục vụ trong các cơ quan hành chính, hay tham gia công tác thông tin
văn nghệ vận động quần chúng chống Pháp. Một số người này sau trở thành đảng viên
có điều kiện thăng tiến, một số bất mãn với các biện pháp cách mạng cộng sản
nên tìm cách bỏ về thành, một số khác mắc kẹt luôn với chính phủ kháng chiến
cho đến ngày toàn thắng và đất nước chia đôi.
Như vậy từ những năm trước hội nghị Genève đã có dân tị
nạn từ vùng Việt Minh về vùng quốc gia. (Theo thuật ngữ của Liên Hiệp Quốc, họ
là dân “di tản nội địa” với tiềm năng là “tị nạn” như được định nghĩa dưới
đây). Khu vực từ Hà Nội đi ra biển với ba địa điểm chính là Hà Nội, Hải Dương
và Hải Phòng được gọi là “hành lang tự do”. Khi hội nghị còn đang họp thì ở
miền Bắc lại xảy ra một biến cố quan trọng ở vùng Bùi Chu, Phát Diệm là khu vực
tự trị của dân công giáo. Vùng này từ lâu vẫn được quân đội Pháp bảo vệ bỗng
nhiên bị tướng Navarre bỏ rơi bằng quyết định rút quân về củng cố vòng đai thủ
đô. Lập tức bộ đội Việt Minh kéo tới chiếm đóng, nhiều lần đụng độ với các đoàn
tự vệ công giáo khiến cho dân chúng phải bỏ chạy. Để dễ tổ chức di tản tập thể,
họ tập trung tại một số địa điểm trong vùng, nhờ vậy hàng ngàn người đã tới
được “hành lang tự do”. Chẳng bao lâu những địa điểm tập trung này bị Việt Minh
phong tỏa, nhiều người bỏ trốn bị bắt, giam cầm và hành hạ. Mặc dầu vậy, nhiều
người vẫn tìm được cách vượt thoát. Trước ngày ký hiệp định Genève, con số tị nạn
từ các nơi kéo về được phỏng định là 25,000 người ở Hà Nội, 15,000 ở Hải Phòng
và 5,000 trong vùng Kiến An-Hải Dương. Dọc đường, người tị nạn choán hết các
nhà ga, bến xe, bến tàu và dựng lều ngủ ở giữa đồng, ở Hà Nội, Nhà Hát Lớn
Thành Phố và Nhà Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội cũng đầy người tị nạn, tràn ngập cả
lối đi.
Tị Nạn hay Di tản nội địa?
Trước khi tìm hiểu quá trình tị nạn và định cư của gần
một triệu người từ Bắc vào Nam năm 1954-1955, có một vấn đề chính danh cần được
xem xét. Khi còn hoạt động về tị nạn, trong một buổi họp mặt với một số đồng
nghiệp thuộc các tổ chức ngoài chính phủ (NGOs) và đại diện Cao ủy Tị nạn Liên
Hiệp Quốc, tôi có nhắc đến cuộc tị nạn 1954 ở Việt Nam. Một người trong nhóm
lập tức nhận xét là tôi đã dùng sai từ ngữ và đính chính rằng những người Bắc
di cư đó không phải là refugees (tị nạn) mà là internally displaced
people (tạm dịch là “di tản nội địa”, thường được gọi tắt là IDPs.) Tôi
giải thích tại sao tôi dùng đúng từ ngữ “tị nạn” và đã thuyết phục được các
đồng nghiệp hiện diện.
Nói một cách đơn giản, theo định nghĩa của Liên Hiệp
Quốc, chỉ những người đã ra khỏi biên giới của nước mình để tị nạn ở một nước
khác thì mới được gọi là tị nạn, nếu chỉ đi lánh nạn từ nơi này sang nơi khác ở
trong nước thì được gọi là di tản nội địa. Căn cứ vào những định nghĩa tổng
quát ấy và nhìn vào bề ngoài của cuộc di cư 1954 ở Việt Nam thì những người dân
từ Bắc vào Nam lánh nạn sau thỏa hiệp đình chiến Genève không phải là người tị
nạn.
Hãy so sánh hai định nghĩa chuyên môn và chính thức của
Liên Hiệp Quốc để thấy rõ hơn sự phân biệt giữa “tị nạn” và “di tản nội địa”:
Tị nạn là “người nào, do nỗi lo sợ có cơ sở vững chắc là bị ngược đãi vì những lý
do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên của một nhóm xã hội hay chính
kiến đặc biệt, ở ngoài xứ sở quốc tịch của mình và không thể hoặc, vì nỗi lo sợ
như vậy, không muốn sử dụng quyền được bảo vệ bởi xứ sở đó; hoặc người nào, vì
không có quốc tịch và đang ở bên ngoài xứ sở thường trú trước kia của người đó,
không thể hoặc, vì nỗi lo sợ như vậy, không muốn trở về xứ sở đó.”2
Di tản nội địa là “những người hay những nhóm người bị bắt buộc
phải bỏ chạy hay phải rời khỏi gia cư hay địa điểm thường trú của họ do hậu quả
của, hay đặc biệt vì muốn tránh, những tác hại của xung đột vũ trang, những tình
trạng bạo động đã lan rộng, những vụ vi phạm nhân quyền hay những tai họa do tự
nhiên hay do loài người gây ra, và chưa vượt qua một biên giới được quốc tế
công nhận.”3
Căn cứ vào hai định nghĩa này, dân di cư từ Bắc vào Nam
năm 1954 chính là người tị nạn vì họ có ít nhất là một lý do vững chắc
để lo sợ bị ngược đãi (trong nhiều trường hợp, đã bị ngược đãi), và vì
nỗi lo sợ đó không muốn đặt mình dưới sự bảo vệ của chính quyền cộng sản, và
cũng vì nỗi lo sợ đó, không thể trở về nơi cư trú cũ của họ. Ngoài ra, nước
Việt Nam đã bị chia làm hai vùng lãnh thổ có đường biên giới cấm vượt qua, được
quyết định bởi một hội nghị quốc tế. Thực tế là có hai nước Việt Nam với hai
chính quyền và hai chính thể chống đối nhau. Sau hết, những dân di cư tị nạn
này không phải là di tản nội địa vì họ không di tản tạm thời trong lúc đang
có chiến tranh mà dời đổi nơi cư trú sau khi chiến tranh chấm dứt.
Mặc dầu đã có từ lâu, dân di tản nội địa (IDPs) được nói
đến nhiều nhất từ sau Chiến tranh Lạnh, thường do những cuộc tranh chấp về tôn
giáo, chủng tộc và vi phạm nhân quyền mộí cách có hệ thống, mạnh mẽ nhất vào
những năm đầu thập kỷ 1990. Chẳng hạn như vụ dân Hutus tàn sát người Tutsis ở
Rwanda (500,000 người bị giết chỉ trong vòng vài tháng) hay những vụ “thanh tẩy
chủng tộc” (ethnic cleansing) ở Bosnia-Hercegovina với tổng số trên 200,000
người thiệt mạng. Riêng hai cuộc chiến này vào những lúc cao điểm đã gây ra
trên 4 triệu dân di tản. Sự phân biệt về định nghĩa giữa dân “tị nạn” và “di
tản nội địa” là một vấn đề tranh cãi gay go giữa các chính trị gia và những
người tranh đấu cho nhân quyền. Đối tượng của cả hai định nghĩa đều là nạn nhân
của bạo loạn hay tai họa và đều có những nhu cầu giống nhau cần được đáp ứng
một cách nhân đạo. Điểm tranh cãi là vấn đề trách nhiệm bảo vệ các nạn nhân,
thuộc quốc gia có chủ quyền hay thuộc cộng đồng quốc tế? Nếu chính nhà cầm
quyền của một nước là nguyên nhân của những vụ tàn sát và vi phạm nhân quyền
thì họ thường từ chối sự giúp đỡ từ bên ngoài, và quốc tế khó có thể bảo vệ dân
chúng ở quốc gia đó. Có chính phủ lại đổ trách nhiệm cho những nhóm chống đối ở
trong nước và kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế với ý đồ chiếm đoạt hay giành lấy
phần lớn sự giúp đỡ ấy cho bè phái của mình.
Nghĩ cho kỹ, sự phân biệt “tị nạn” và “di tản nội địa” có
một lý do rất thực tế là các quốc gia phát triển không muốn và cũng không thể
thâu nhận nhiều người tị nạn. Khuynh hướng chung của các nước trong vài thập kỷ
gần đây là hạn chế di dân và tị nạn đến mức tối đa. Nói như Janie Hampton, vào
thời điểm cuối thập kỷ 1990, “nếu tính tất cả mọi người phải bỏ nhà cửa đi lánh
nạn vì bất cứ lý do gì thì con số dân di tản trên thế giới lên đến trên 100
triệu người”4 trong khi còn có khoảng 20 triệu người tị nạn ở nhiều
nơi mà tình trạng chưa được giải quyết. Bởi thế, ngoài việc chống lại chính
sách hạn chế dân tị nạn, phải có những giải pháp thích hợp cho từng trường hợp
có biến động gây nên tình trạng tị nạn hay di tản nội địa.
Trong trường hợp Việt Nam, hai cuộc chiến tranh 1945-1954
và 1956-1975 đã thường xuyên gây ra những vụ dân chúng phải rời bỏ nhà cửa
ruộng nương của mình đi nơi khác để tránh bom đạn và khủng bố. Riêng trong cuộc
chiến ở miền Nam trong cuộc chiến tranh lần thứ hai, Guenter Lewey ghi nhận số
dân di tản nội địa (mà ông gọi là tị nạn) trong khoảng từ 1964 đến 1969 lên tới
3 triệu rưởi, tức là hơn 20 phần trăm dân số miền Nam hồi đó.5 Tiếp
theo cuộc triệt thoái cao nguyên rất hỗn loạn hồi tháng Ba 1975, hơn một tháng
trước khi Saigon sụp đổ, số dân di tản nội địa lại lên cao hơn nữa.
Như đã thấy, trường hợp ngót một triệu dân di cư từ Bắc
vào Nam sau thỏa hiệp đình chiến Genève 1954 không nằm trong định nghĩa của
Liên Hiệp Quốc về dân di tản nội địa như tất cả những truờng hợp biến động kể
trên. Những người Việt Nam bỏ chạy chính thể cộng sản ở miền Bắc trong thời hạn
300 ngày của 1954- 1955 để làm lại cuộc đời dưới chính thể quốc gia ở miền Nam
đích thực là những người tị nạn theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc. Vì thế,
lịch sử tị nạn Việt Nam ở thế kỷ XX không thể bỏ sót trường hợp tị nạn 1954.
Trong thời điểm 1954-1955, vấn đề thông tin giữa các
thành phố và các tỉnh nhỏ hay miền quê còn rất chậm chạp và khó khăn. Hệ thống
điện thoại, phát thanh và ngay cả báo chí chưa về đến các làng xã hay miền núi.
Đường xá và các phương tiện giao thông vận tải còn rất khó khăn vì sau những
trận ném bom của máy bay Mỹ từ thời Thế Chiến II, các trục lộ giao thông lại
tiếp tục bị tàn phá thêm do xe tăng của Pháp và những hoạt động phá cầu cắt
đường trong lúc kháng chiến. Ngoài ra, chính quyền VNDCCH chỉ phổ biến những tin
tức thích hợp với mục đích tuyên truyền có lợi cho chính phủ, Những tin tức về
việc xứ sở bị chia đôi và quyền di tản của người dân thường không được nhắc
đến, hoặc mỗi khi cần phải loan báo đều luôn luôn đi kèm với những lời bình
luận theo quan điểm của nhà nước. Đến tháng Chín, những tấm bích chương và tờ
bướm thông tin về vấn đề tự do di tản mới in xong, được ủy hội Quốc tế Kiểm
soát Đình chiến trao cho chính quyền ở cả hai bên để phổ biến cho dân chúng
nhưng không được chính quyền VNDCCH sử dụng.6 Trong khi đó chính
quyền Pháp và QGVN không có điều kiện đưa tin về những vùng do Việt Minh kiểm
soát ngoài việc rải một số truyền đơn bằng máy bay của Pháp, một phương tiện
không mấy hiệu nghiệm vì dễ bị phản tuyên truyền về mặt tâm lý và chính trị.
Hầu hết dân tị nạn từ những nơi khác nhau tới được các địa điểm tạm trú trước
khi vào Nam là nhờ hệ thống thông tin truyền miệng lan tràn nhanh chóng trong
dân chúng.
Hiệu lực nhất là công tác thông tin trong cộng đồng công
giáo nhờ có hệ thống liên lạc chặt chẽ trong nội bộ đã có sẵn từ trước. Hai
phần ba dân công giáo miền Bắc lại tập trang ở những tỉnh lân cận với “hành
lang tự do” nên nhận được tin tức đầy đủ và mau chóng hơn dân chúng ở những nơi
khác. Đó là lý do thực tế cho thấy tại sao đa số dân di cư là người công giáo,
bên cạnh bản chất chống cộng kịch liệt của tôn giáo này ở Việt Nam. Những dân
di cư không phải người công giáo là những người thuộc các đảng phái hay khuynh
hướng chính trị chống cộng sản, những người có liên hệ với chính quyền Pháp hay
chính phủ quốc gia, hoặc đã có ít nhiều kinh nghiệm trực tiếp hay gián tiếp với
chế độ Việt Minh trong thời kháng chiến, thành phần tư sản và tiểu tư sản thành
thị, những gia đình ở nông thôn lo sợ sắp trở thành nạn nhân của chính sách cải
cách ruộng đất và một số nông dân nghèo phải đóng thuế cao hoặc bị thúc đẩy làm
dân công kháng chiến. Đặc biệt là có một số người dân tộc thiểu số theo quân
đội Pháp chống Việt Minh đã cùng với gia đình được đưa vào Nam định cư. Những
gia đình sắc tộc này gồm có khoảng 45,000 người Nùng từ Móng Cái và hơn 2,000
người Thái, Mèo (nay gọi là Hmong) từ Sơn La và Điện Biên Phủ.
Thực tình mà nói, việc VNDCCH bất mãn vì phải chấp thuận
những điều khoản trái với ý muốn của mình là phe đang thắng thế, nhất là điều
14 (d) của thỏa hiệp Genève, là chuyện có thể hiểu được. Nhưng từ đó đi đến chỗ
vi phạm thỏa hiệp một cách trắng trợn kể cả việc sử dụng bạo lực thì không thể
không chỉ trích được. Như ta đã thấy, điều 14 (d) của thỏa hiệp không những cho
phép dân chúng được tự do chọn lựa nơi cư trú trong thời hạn ấn định mà còn nói
rõ rằng các nhà chức trách địa phương phải giúp đỡ cho họ di chuyển được dễ
dàng. Trong thực tế, để ngăn chặn làn sóng người “bỏ phiếu bằng chân”, chính
quyền VNDCCH đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, từ thuyết phục đến cản trở,
đe dọa hay bạo lực. Nhiều quan sát viên và phóng viên ngoại quốc đã tường thuật
vô số chuyện vi phạm thỏa hiệp rất ngang nhiên và tàn nhẫn đồng thời cho thấy
sự bất lực và thái độ thiếu trách nhiệm của Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến
(UHQT).
Trước khi nói đến những vụ vi phạm điều 14 (d) của hiệp
định Genève, cần phải nhắc lại đầy đủ hai điều khoản khác, 14 (c) và 21, liên
quan trực tiếp đến trường hợp “bất cứ người dân nào” muốn di tản “thì chính
quyền đia phương cũng phải cho phép và giúp đỡ di chuyển”:
Điều 14 (c): Mỗi bên cam kết
không hành động trả thù hay đối xử phân biệt đối với bất cứ những ngưới hay tổ
chức nào căn cứ vào những hoạt động của họ trong lúc chiến tranh, đồng thời
cũng cam kết bảo đảm mọi quyền tự do dân chủ của họ.
Điều 21: Việc phóng thích và
hồi hương tất cả những tù binh và thường dân bị giam giữ của mỗi bên vào lúc
Thoả hiệp này có hiệu lực phải được thi hành theo các điều kiện sau đây:
(a)Tất cả những tù binh
và thường dân người Việt Nam, Pháp hay quốc tịch khác bị bắt giữ từ những ngày
đầu cuộc chiến trong khi hành quân hay trong bất cứ trường hợp chiến tranh nào
khác, và ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam, đều phải được thả tự do trong
vòng 30 ngày sau ngày đình chiến có hiệu lực ở mỗi bên.
(b) Từ ngữ “thường dân bị
giam giữ” có nghĩa là tất cả những người đã tham gia vào cuộc đấu tranh chính
trị hay vũ khí giữa đôi bên, dưới bất cứ hình thức nào, và vì thế đã bị bắt và
giam giữ bởi mỗi bên trong thời gian chiến tranh.
(c) Tất cả những tù binh
và thường dân bị mỗi bên giam giữ phải được trao trả cho nhà chức trách thích
hợp của mỗi bên, và những giới hữu trách này phải giúp họ bằng mọi cách có thể
được để cho họ trở về nguyên quán, về trú sở quen thuộc của họ, hay đi tới vùng
mà họ lựa chọn.
Theo các giới quan sát, cả hai điều 14 (c) và 21 trên đây
đều không được phía VNDCCH thi hành đốì với một số tù binh người Việt Nam và
rất nhiều thường dân người Việt Nam hay ngoại quốc. Một bản tin của Linh mục
Patrick O’Connor từ Hà Nội điện về cho tổ chức National Catholic Welfare
Conference ở Washington, DC, ngày 5 tháng Mười, 1954 thuật lại: “Hai điều vi
phạm hiển nhiên của Việt Minh mà ai cũng biết là: giữ lại những người bị bắt
giam mà họ đã thỏa thuận thả ra trong vòng 30 ngày (tức là đến 20.8), và ngăn
chặn sự ra đi của những người Việt Nam muốn ra khỏi vùng Việt Minh kiểm soát…
Thật ra, mãi đến tuần lễ thứ nhì của tháng Chín, Việt Minh mới thả một số tù
binh. Những thường dân Việt Nam đầu tiên được thả vào ngày 15 tháng Chín, vẫn
còn vào khoảng 30,000 người chưa được biết rõ số phận. Tới ngày 1 tháng Mười,
Việt Minh vẫn chưa thả Đức Ông Jean Amaud, chánh xứ Thakhek và ba linh mục Pháp
cùng bị bắt với Ngài…”7 ở đây không cần nói nhiều đến chuyện vi phạm
những điều 14 (c) và 21 mà chỉ cần nhắc đến một số nhân chứng khác trong mấy
tháng đầu thi hành hiệp định Genève như: Thượng Nghị sĩ Mike Mansfield đi quan
sát ba xứ Đông Dương trong tháng Mười 1954, các ký giả Robert Martin (U.S. News
& World Report), Yves Desjacques (Le Figaro), những bài tường thuật trong các
báo Christian Science Monitor, Journal d’Extrême-Orient, New York Herald
Tribune, New York Times, Osservatore Romano và những bản tin của Junior Chamber
of Commerce từ Manila, U.S.I.S. và Vietnam Press từ Sài gòn.
Trở lại điều 14 (d), có quá nhiều tin tức về những vi
phạm trầm trọng và bi thảm mà ở đây cũng chỉ cần kể lại một số hành động điển
hình:
-
Gây hoang mang lo sợ trong đầu óc những người muốn di cư
vào Nam bằng cách phao các tin đồn như : Pháp bắt dân vào làm phu đồn điền cao
su, đàn bà bị hãm hiếp, trẻ con bị đem đi bán, giặc Pháp và Mỹ hung ác trả thù
Việt Nam bằng cách đổ người xuống biển khi tàu ra tới ngoài khơi, v.v… Đối
tượng của việc tuyên truyền này là dân nghèo và ít học.
-
Không cấp hoặc trì hoãn việc cấp giấy phép di chuyển cho
những người ở trong vùng do Việt Minh kiểm soát.
Ngăn cấm hoặc làm khó dễ việc bán nhà cửa, ruộng nương
của những người chuẩn bị ra đi.
-
Dọa sẽ bắt giữ hay ngược đãi thân nhân còn kẹt lại của
những người ra đi.
-
Không cung cấp phương tiện chuyển vận và gây cản trở cho
việc di chuyển của dân di cư trên đường bộ cũng như đường thủy. Hành hung người
ra đi ở các bến xe, nhà ga hay bến tàu.
-
Kiếm cớ bắt giữ chủ gia đình để điều tra hay bắt cóc trẻ
em trong gia đình khiến cả nhà phải ở lại.
-
Giật mìn hay nổ súng vào các xe cộ, bắn phá hoặc đánh
chìm những tàu thuyền chở người tị nạn.
Trong một điện văn gửi cho Bộ trưởng các Quốc gia Liên
kết ngày 29.10.1954, Cao ủy Pháp ở Saigon cho biết một số chi tiết đặc biệt của
tình hình giáo dân tị nạn và những vụ vi phạm của nhà cầm quyền cộng sản:
Từ đầu tuần vừa qua, các phi cơ thám sát của hải quân đã
thấy trên những bãi cát dọc theo bờ biển có nhiều nhóm dân đánh cá ra dấu hiệu.
Hải quân được tin đã cho tàu tuần tiễu tới cứu giúp. Khi tới gần duyên hải Bùi
Chu và Phát Diệm, hải quân đã thấy hiện ra trên mặt biển đầy rẫy các thuyền bè
đủ loại.
Các giới thạo tin ở Hải Phòng cho hay là Việt Minh đã
ngăn cấm thuyền đánh cá ra khỏi hải phận, tức là ba hải lý. Hơn nữa, tại hàng
trăm địa điểm miền duyên hải, nhà cầm quyền cộng sản đã bắt dân chúng phải di
cư lui vào nội địa nhiều cây số… Từ cuối tháng Bảy, hơn 20,000 dân tỉnh Thái
Bình đã tới được vùng tự do mặc dù bị công an kiểm soát gắt gao.
Dân chúng trong những vùng này đã đệ đơn lên UHQT ở Hà
Nội xin được di tản theo như thỏa hiệp Genève. Một trong những lý do của cuộc
ra đi thê thảm này dường như là thái độ của Việt Minh đối với dân công giáo
trong những tỉnh bị chiếm đóng từ bốn tháng nay. Ngay khi mới tới Phát Diệm, bộ
đội chính qui và địa phương đã chiếm đoạt nhà dòng công giáo, tịch thu tài sản
ruộng đất của các tu viện và họ đạo. Những linh mục còn ở lại bị bắt buộc phải
mặc quần áo nông dân miền đồng bằng và phải canh tác đất đai trong chiến dịch
tăng gia sản xuất.
…Trong tỉnh Thái Bình, nhiều vụ đụng chạm đã xảy ra giữa
dân công giáo và nhà cầm quyền. Một thứ thuế kỳ cục được ra đời: thuế đánh vào
những “bùa chú” tức là những miếng mề-đay thiêng liêng8 mà giáo dân
phải trả mới được đeo trên cổ áo. Linh mục được quyền làm lễ, nhưng mỗi người
vào nhà thờ dự lễ phải trả 1,000 đồng tiền thuế… Ban tuyên truyền của cộng sản
còn phát hành những cuốn sách nhỏ gọi là Kinh Thánh Mới do những linh mục theo
nhà nước sửa đổi lại, trong đó có những câu như: “Chúa Giê-Su là một người lao
động tranh đấu cho công cuộc giải phóng anh em của Người là các công nhân.”
… Nhiều vụ xô xát xảy ra giữa dân công giáo và bộ đội địa
phương. Nhiều người bị chết và bị thương, dân công giáo Việt Nam sẽ có nhiều
người tử đạo… Một linh mục đã nói với tôi: “Tôi nhớ lời dạy của Thánh Phao-lồ:
Chúng ta chiến đấu chống lại tất cả các thế lực đen tối.”9
Một tài liệu của “Sở Bảo vệ Pháp kiều và Quân đội Viễn
chinh ở Bắc Việt” cho biết một số chi tiết về một vụ di cư từ Phát Diệm và việc
làm tắc trách của UHQT trong việc thị sát dân tị nạn và can thiệp cho họ được
tự do di tản:
Trước hết, các đại diện Việt Minh dứt khoát phủ nhận sự
hiện hữu của những địa điểm tập trung này. Sau đó họ bác bỏ thẩm quyền của UHQT
về vấn đề thị sát và đòi hỏi rằng công việc điều tra phải do một Ủy ban Hỗn hợp
thực hiện. Sau cùng, họ trì hoãn các chuyến đi, lấy cớ vì lý do an ninh, có
những kế sách động, v.v…
Chuyến đi thăm đầu tiên của UHQT là ở Nam Định. Chuyến
này hoàn toàn thất bại vì đoàn chỉ thâu lượm được những lời ca ngợi Việt Minh
và những kiến nghị tố cáo các hành động tàn ác của người Pháp.
Rốt cuộc, ngày 1 tháng Mười Một, Toán Lưu động đầu tiên
của UHQT cũng tới được Phát Diệm và thấy có hàng ngàn dân tị nạn ở trong các
nhà thờ đang tìm đường di tản. Một toán lưu động điển hình gồm có một viên chức
Ấn độ, một viên chức Canada, một viên chức Balan có thông dịch viên sang tiếng
Pháp (thường là một cựu nhân viên hầm mỏ ở miền Bắc nước Pháp), kèm theo là một
viên chức Việt Minh và một viên chức người Pháp, mỗi người đều có thông dịch
viên chính thức. Cả thảy là 8 người. Nên biết rằng những đại diện Việt Minh và
Pháp đều không có quyền điều tra nhưng có thể đặt câu hỏi cho những thành viên
của UHQT…
Ngày 11.11 có thêm “Ủy ban Tự do” đến thăm, Ủy ban này
cũng gồm có một đại diện của mỗi nước thành viên trong Ủy hội, kèm theo một
thông dịch viên người Balan… cả ba người trong đoàn đều có chức quyền của cố
vấn Đại sứ quán. Đó là các ông: Nair, người Ấn độ tốt nghiệp Oxford; Crepault,
người Canada, cựu sĩ quan hải quân; Bibrowski, đại tá Balan có căn bản văn hoá
Pháp, Ủy ban Tự do có mục đích hỗ trợ cho những Toán Lưu động với khá đủ quyền
lực, đặc biệt nhấn mạnh vào các phương tiện chuyên chở. (Việt Minh có tiếng nói
quan trọng sau cùng, nại cớ là không có phương tiện và từ chối việc người khác
cung cấp phương tiện)…
Việt Minh muốn cho người tị nạn nói rằng họ bị thúc dục
bởi những linh mục từ bên ngoài, rằng họ bị đe dọa nếu không ra đi thì sẽ bị
thả bom nguyên tử…
Tôi không thấy là những người tị nạn ra đi vì bị ép buộc.
Trong số 1,000 người đầu tiên tới Nam Định chỉ có 16 người rút lui, trong đó có
gia đình của một trẻ em bị chết ở dọc đường (điềm gở) và một người Pháp (?)
không biết rõ lý lịch.
Dù cố gắng đến đâu cũng không thể được Việt Minh cung cấp
danh sách có tên người. Họ chỉ cho biết các con số để có thể thay thế người
được dễ dàng. Việc tiếp đón ở Nam Định rất hoàn hảo do Hồng thập tự Việt Minh
và các trợ tá xã hội phụ trách. Đài phát thanh công khai tuyên truyền dân chúng
đề cao cảnh giác chống lại mọi thủ đoạn của bè lũ Ngô Đình Diệm.
Những Toán Lưu động của UHQT gặp phải nhiều trở ngại mà
việc thiếu thông tin đích xác về những địa điểm tập trung người tị nạn là một
trở ngại quan trọng. Khả năng can thiệp của UHQT cũng bị giới hạn. Một phụ nữ
có người chồng bị bắt đến gặp Ủy hội xin can thiệp cho quyền tự do lựa chọn của
mọi người. Toán Lưu động đến trại giam, được xác nhận về việc chồng người đó bị
bắt giữ nhưng không được giải thích lý do. Các viên chức UHQT cũng không đòi
phải giải thích.
Ngoài ra, người ta còn thấy cứ mỗi khi UHQT đề nghị một
thủ tục nào để thi hành thì Việt Minh lại cố tình đưa ra một phản đề nghị…
Sau hết, có một chuyện nhỏ cho thấy thái độ của Việt Minh
đối với vấn đề tự do tín ngưỡng: viên chức Canada là người theo đạo công giáo,
muốn cùng hai viên chức người Pháp đi lễ nhà thờ ngày Chúa nhật. Việt Minh cho
biết đó là một hình thức vi phạm tính chất trung lập mà họ có nhiệm vụ tôn
trọng, thế là họ phải thôi đi lễ.10
Một vụ cứu người tị nạn trên biển được thuật lại trên
nhật báo Journal d’Extrême-Orient ngày 25 tháng Mười 1954 làm cho người
ta không khỏi nhớ đến những vụ cứu vớt thuyền nhân Việt Nam mấy chục năm về sau
bởi những con tàu nhân đạo quốc tế trên hải trình đi Thái lan, Mã Lai hay Nam
Dương. Mặc dù câu chuyện năm 1954 là một vụ cứu dân tị nạn công giáo trong một
trường hợp không hoàn toàn bất ngờ nhưng cảnh tượng vượt biển và cứu vớt không
kém phần bi thảm:
Với những lá cờ vàng và trắng của Vatican phấp phới trong
gió, cả ngàn chiếc thuyền đánh cá, bè mảng và thuyền buồm, quá tải người tị
nạn, đã ra đi vào ban đêm phó mặc cho số phận tiến về phía những chiến hạm nhỏ
của Pháp ở ngoài khơi Vạn Lý bên kia vùng hải phận của Việt Minh. Không may có
nhiều thuyền bè đóng vội vàng đã bị sóng biển lật úp hay đánh vỡ làm thiệt hại
rất nhiều sinh mạng và hàng hóa. Hàng trăm người tị nạn đã chết như vậy.
Tuy nhiên, giữa 6 và 8 giờ sáng hôm qua, chiếc tàu Jules
Vernes là một con tàu cũ dùng để tiếp tế cho tàu ngầm đã riêng một mình nó
vớt được 3,000 dân tị nạn; trong khi tàu Commandant de Pimodam, vớt
khoảng 600, và hai chiếc LSM11 từ Hải Phòng tới tăng cường mỗi chiếc
vớt được khoảng 1,000 người.
Những thuyền bè đó lại lập tức quay trở về để lấy thêm
những nhóm người khác. Thủy thủ đoàn người Pháp làm việc hết sức mình để chuyển
người lên tàu, nhất là phải kéo lên những trẻ sơ sinh, người già hay người có
tật bệnh. Có những chiếc bè luôn luôn tràn ngập sóng đã chở cả những con trâu
mà những người chạy trốn chế độ Hồ Chí Minh vội vã đem theo.
Ở Hải Phòng, Đô đốc Jean-Marie Querville tới hải cảng để
đón nhận dân tị nạn và khen ngợi thủy thủ đoàn, trước sự hiện diện của các
thành viên người Ấn độ, Ba-lan và Canada trong Ủy hội Quốc tế.
Tất cả những người tị nạn đều cho hay rằng còn hàng ngàn
người khác sẽ tìm cách vuợt biển bằng thuyền đánh cá và đang phải trả mỗi người
5,000 quan để được đưa tới những con tàu của Pháp ở ngoài khơi…
Trong một trường hợp khác, tàu Pháp xông vào tận bờ để
cứu khoảng 6,000 người tị nạn đã liều mạng kéo nhau ra biển vào ban đêm và
nhiều người đã bị nước thủy triều cuốn đi. Đây là vụ Trà Lý thường được báo chí
hồi đó nhắc đến như một trong những thảm kịch của người tị nạn. Trà Lý là một
hòn đảo nhỏ chỉ cách tỉnh Thái Bình có mấy dặm. Thuyền bè đã bị Việt Minh tịch
thu và đường bộ thì bị ngăn chặn. Bởi thế, những người quyết tâm tìm tự do chỉ
còn lại một cách là lội bộ ra bãi biển Trà Lý khi thủy triều rút xuống với hi
vọng được tàu Pháp đến cứu. Đô Đốc Jean Marie Querville ra lệnh cho các tàu nhỏ
tiến vào Trà Lý, chiếu đèn pha lên bờ để cho thủy thủ xuống cứu người tị nạn.
Cuộc cứu vớt rất nguy hiểm vì sóng triều dâng lên cuồn cuộn. Sau ba đêm liền,
khoảng 5,000 người được đem lên tàu đưa ra Hải Phòng tạm trú. UHQT khi được báo
tin muốn dùng tàu hoặc trực thăng của Pháp tới Trà Lý để điều tra. Việt Minh
chỉ cho phép Toán lưu động của UHQT tới nơi bằng đường bộ khiến chuyến đi bị
trễ 24 tiếng đồng hồ và hầu hết các bằng chứng vi phạm điều 14 (d) của hiệp
định Genève đã không còn.
Bác sĩ quân y Thomas Dooley, một cứu tinh của dân tị nạn
1954, phục vụ trên chiếc tàu Montague của hải quân Hoa Kỳ, tham dự một chuyến
cứu người vượt biển ở Vịnh Hạ Long trên một chiếc LSM của Pháp do Đại úy Gerald
Cauvin chỉ huy. Nhờ sự hướng dẫn của máy bay quan sát, chiếc tàu đã tiến đến vị
trí của 14 chiếc thuyền buồm đang vật vã ở ngoài khơi. Đoàn thuyền này chở hơn
1,000 dân làng cửa Lò, tỉnh Nghệ An, đã phấn đấu với sóng biển và đói khát
trong năm ngày năm đêm mới tới được cửa biển Hải Phòng. Dân tị nạn kể cho
Dooley biết rằng họ phải liều mạng ra đi vì không chịu được chính sách cải cách
ruộng đất và những biện pháp cưỡng bách tinh thần và vật chất của Việt Minh. Họ
đã phải bí mật chuẩn bị rất nhiều ngày trước khi đi trốn vào một đêm không có
trăng. Do âm mưu sắp đặt trước, một em nhỏ tên Mai Văn Thịnh chịu hi sinh ở lại
đã đốt nhà ở đầu làng và hô hoán cho lính gác kéo đến chữa cháy. Trong khi đó
hơn một ngàn người kéo nhau xuống thuyền ra biển. Không ai biết được số phận
của Mai Văn Thịnh ra sao nhưng chắc chắn không thoát khỏi sự trừng phạt nặng nề
của giới chức địa phương. “Cha mẹ của Thịnh đều đã chết vì chiến tranh. Người
anh duy nhất của Thịnh là Châm bị thiêu sống vì cầm đầu một phong trào thanh
niên Công giáo. Ngày 16 tháng Giêng 1953 Châm bị trói vào một thân cây, bị đánh
đập tàn nhẫn bằng gậy gộc rồi bị tưới dầu xăng và châm lửa đốt cho đến chết.”12
Ngoài những vụ vượt thoát nguy hiểm nêu trên, còn có
những vụ xung đột đẫm máu giữa dân chúng và lực lượng công an, quân đội ở một
số nơi khác, nhất là vụ 5,000 bộ đội Việt Minh xả súng vào ngót 20,000 thường
dân ở Ba Làng (Thanh Hóa) ngày 8 tháng Giêng 1955, và vụ 10,000 bộ đội, dân
quân và công an hợp lực đàn áp và bắt giữ 3,000 dân Lưu Mỹ (Nghệ An) ngày 13
tháng Giêng 1955 chỉ vì dân chúng ở hai nơi này đã biểu tình đòi di cư và chống
cự bằng giáo mác, gậy gộc khi chính phủ hạ lệnh giải tán và bắt giữ những người
lãnh đạo biểu tình.
Trước những vi phạm thỏa hiệp 1954 hiển nhiên của Nhà
nước VNDCCH, đặc biệt đối với điều 14 (d) về quyền tự do lựa chọn nơi cư trú
của người dân, UHQT đã không chấm dứt được những vụ vi phạm ấy, hoặc vì không
có đủ quyền lực hoặc vì thiếu tinh thần trách nhiệm khi thi hành nhiệm vụ.
UHQT được thành lập bởi điều 34 của thỏa hiệp Genève gồm
có đại diện của Ấn-độ (Trung lập), Ba-lan (Cộng sản) và Canada (Tây phương), và
do Ấn-độ làm chủ tịch. Ấn-độ thời đó chủ trương trung lập nhưng vì là một nước
Á châu và một cựu thuộc địa của Anh nên vẫn có thiện cảm đối với cuộc chiến
tranh chống đế quốc Tây phương do Việt Minh lãnh đạo. Điều đó dễ nhận thấy
nhưng trong nhiều trường hợp Ấn độ cũng cố gắng giữ vai trò khách quan. Trở
ngại chính là đại diện Ba Lan, thường nại cớ đau ốm hay bận việc bất thường
không thể gia nhập đoàn điều tra khi cần thiết hoặc không chịu nhìn nhận có sự
vi phạm của các viên chức Việt Minh. Theo điều 35, UHQT lập ra các toán giám
sát cố định và lưu động với số nhân viên bằng nhau của ba nước trong Ủy hội.
Những toán giám sát này được quyền tự do đi lại dọc theo đường ranh giới và
trong vùng phi quân sự, và các nhà cầm quyền quân sự và dân sự phải dành cho họ
mọi sự dễ dàng để thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, ngoài những khu vực nói trên,
việc di chuyển và hoạt động của họ phải được sự chấp thuận của nhà chức trách
thuộc bên chính phủ liên quan. Chính vì điều sau cùng này mà những toán giám
sát của UHQT đã gặp phải nhiều trở ngại mà họ không thể hoặc không muốn vượt
qua. Như trong trường hợp xung đột ở Ba Làng và Lưu Mỹ kể trên, đoàn giám sát của
UHQT đã không thể tới điều tra tại chỗ vì nhà chức trách địa phương cho biết họ
không thể đảm bảo an ninh cho các phái viên của Ủy hội.
Ngay cả trong trường hợp đã điều tra, theo điều 39, nếu
thấy “có vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm trầm trọng” mà không giải quyết được
tại chỗ —và thường là như vậy— các toán giám sát phải báo cáo cho trung ương
UHQT. Theo điều 43, nếu UHQT không giải quyết được thì vấn đề sẽ được thông báo
cho các thành viên của hội nghị Genève. Chuỗi thủ tục hành chánh này đương nhiên
không thể kịp thời “chấm dứt sự vi phạm hay loại bỏ nguy cơ vi phạm” như trong
các trường hợp cấp bách và bi thảm trên đây.
Ký giả Robert Martin, quan sát “những ngày tự do cuối
cùng của Hà Nội”, cho biết dân chúng lũ lượt theo nhau rút ra khỏi thành phố và
đã bị nhà cầm quyền cộng sản tăng cường ngăn chặn bằng bạo lực. Nhiều vụ vi
phạm như vậy đã được thông báo cho UHQT từ những ngày đầu, nhưng “cho đến ngày
1 tháng Mười, không có một vụ khiếu nại nào được điều tra. Để bào chữa cho thái
độ này, một nhân viên của Ủy hội nói: Ông cũng biết rõ như tôi là nêu chúng tôi
xuống vùng đồng bằng để điều tra chúng tôi sẽ phải đảm bảo che chở và di tản
bất cứ nhân chứng nào chống lại Việt Minh. Chúng tôi không có phương tiện hay
thì giờ để làm chuyện đó. Và cũng chưa chắc gì chúng tôi đã có nhân chứng để
can thiệp.”13
Ký giả Yves Desjacques đi theo một toán giám sát lưu động
của UHQT tới Nam Định để điều tra một vụ ngăn chặn dân di cư. Tới nơi. “đoàn
được đón tiếp bởi những cán bộ cộng sản đeo thánh giá và chuỗi hạt ca ngợi
chính thể dân chủ cộng hòa.” về một vụ khiếu nại khác của người tị nạn,
Desjacques than phiền rằng “Thái độ của UHQT thật là khó hiểu.”14
Tuy nhiên, đôi khi UHQT cũng ghi nhận việc các giới chức
VNDCCH gây trở ngại đốì với quyền tự do di cư của dân chúng:
Ở Phát Diệm, Đoàn Lưu Động thấy có khoảng 10,000 người tị
nạn tập trung tại đó và không di chuyển được. Đoàn cũng nhận thấy bộ máy cấp
giấy phép và phương tiện chuyên chở không đủ đáp ứng với nhu cầu của tình thế…
Ủy Hội phái ủy ban Tự do đến tận nơi thảo luận với Phái đoàn Liên lạc VNDCCH,
sau đó đề nghị một thủ tục đặc biệt để giải quyết tình trạng bất thường ở Phát
Diệm. Ngoài trường hợp này, Ủy Hội còn nhận được một số báo cáo về những người
muốn di chuyển từ miền Bắc Việt Nam tới vùng do Pháp kiểm soát. Do đó, Ủy Hội
cũng yêu cầu nhà chức trách VNDCCH xúc tiến việc cấp giấy phép và những phương
tiện thích hợp khác cho những người muốn di cư để thực hiện những cam kết của
họ trong điều 14(d) của hiệp định đình chiến và để tránh xảy ra những trạng huống
bất thường như Phát Diệm.
Tuy nhiên, Ủy Hội vẫn tiếp tục nhận được những vụ khiếu
nại rằng nhà cầm quyền VNDCCH không chịu làm thủ tục mà thực ra còn ngăn chặn
dân chúng di cư… Trong khi nhìn nhận rằng chính quyền VNDCCH có quyền thiết lập
thủ tục điều hành việc cấp phát giấy phép và sự ra đi của người tị nạn, Ủy Hội
chủ trương rằng các thủ tục hành chính không thể cồng kềnh, phiền phức và chậm
chạp đến nỗi vô hiệu hoá mọi dự liệu của Điều 14(d)”15.
Để cho công bằng, UHQT cũng điều tra các hoạt động “vi
phạm nhân quyền” của Pháp và Mỹ đối với dân di cư. Chính quyền VNDCCH đã trao
cho UHQT 320,000 đơn khiếu nại của thân nhân và bằng hữu của những người đã di
cư vào Nam, tố cáo rằng họ đã bị “cưỡng, bách” hay “bắt cóc” ra đi. Những Toán
Lưu Động của UHQT đã vào Nam để điều tra ở các trại tạm cư và nhận thấy rằng
“không có người nào trong số 25,000 người được tiếp xúc (lúc đó tổng số dân đã
vào Nam là 121,000 người) than phiền là đã bị cưỡng bách di cư hoặc bày tỏ ý
muốn trở về Bắc.”16 Thực tế là trong cuộc đấu tranh chính trị, chiến dịch tố cáo này đã được
phát động để bôi nhọ đối phương và giữ thể diện cho Việt Minh. Thomas Dooley
kể chuyện trạm y tế của ông trong một trại tạm trú ở Hải Phòng đã bị toán lưu
động UHQT đến điều tra mấy lần vì bị tố cáo là làm nhiều chuyện hại cho sức
khoẻ của người tị nạn. Một lần, tin đồn đưa ra là có nhiều người trong trại bị
Mỹ bỏ thuốc độc vào nước uống. Một lần khác thì lại có tin là Mỹ xịt thuốc vào
người tị nạn để làm cho họ mất khả năng sinh sản. Thực ra đây là thuốc sát
trùng trị bệnh chấy rận. Bác sĩ Dooley trả lời đoàn điều tra rằng đây quả thực
là thuốc làm mất khả năng sinh sản của… loài chấy rận.17
Cuộc ra đi ào ạt của gần một triệu người đã làm suy giảm
trầm trọng lực lượng sản xuất ở đồng bằng sông Hồng, nhất là số lượng lúa gạo
không đủ cho dân trong năm 1955, khiến cho miền Bắc bị nguy cơ đói kém không
thua gì nạn đói năm 1945. Vì không thể kêu gọi chính phủ quốc gia miền Nam tiếp
tế lúa gạo, Bắc Việt đã phải cầu cứu Liên Xô và nhờ đó mua được 150,000 tấn gạo
của Miến Điện để đáp ứng nhu cầu trước mắt. Tuy nhiên, trong lâu dài, số ruộng
đất tịch thu của những người đã ra đi giúp cho chính phủ miền Bắc được nhẹ bớt
áp lực về dân số ở nông thôn. Ngoài ra, về mặt chính trị, sự ra đi của số đông
người công giáo cũng làm cho chính quyền được yên tâm hơn về những hoạt động
của một lực lượng chống đối đáng kể.
Tổ chức di cư và định cư
Công cuộc di chuyển và định cư ngót một triệu dân tị nạn
gồm ba công tác chính: chuyên chở, tiếp đón và định cư.
Việc chuyên chở do Pháp và Hoa Kỳ phụ trách, còn tiếp đón
và định cư là trách nhiệm của QGVN với sự viện trợ tài chánh và vật liệu của
Pháp, Hoa Kỳ cùng một số chính phủ và tổ chức tư nhân ngoại quốc. Trước khi tìm
hiểu chi tiết của mỗi loại hoạt động, ta cũng nên biết cơ cấu điều hành và phối
trí các hoạt động trong suốt quá trình di cư và định cư của dân tị nạn 1954.
Do việc Pháp bỏ rơi Bùi Chu và Phát Diệm vào tháng Sáu
1954 một số linh mục và giáo dân đã bỏ chạy về vùng Hà Nội, Hải Phòng. Chính
phủ Ngô Đình Diệm khi đó vừa được thành lập đã Cấp tốc giao cho Bộ Xã hội và Y
tế phối hợp với các Bộ Thanh niên, Công chánh, Thông tin, Canh nông và Kinh tế
để tổ chức công cuộc di cư và định cư tị nạn. Sở Di Cư thuộc Bộ Xã Hội và Y tế
được đặc biệt thành lập để phối hợp các hoạt động tiếp đón, chuyên chở, cổ động
cứu trợ, và định cư tị nạn. Chuyến tàu chở dân di cư đầu tiên là chiếc tàu Anna
Salen của Thuỵ Điển, rời cửa biển Bắc Việt ngày 17.7.1954, ba ngày trước hiệp
định Genève, và cặp bến Sài-gòn ngày 21.7 với trên 2,000 người tị nạn.
Trước tình hình gia tăng lũy tiến số dân tị nạn, ngày
17.9.1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ký nghị định số 928-NV thành lập Phủ Tổng ủy Di cư Tị nạn (PTUDCTN),
ngang hàng với một Bộ trong Nội các.
Thành phần gồm có:
Ngô Ngọc Đối : Tổng Ủy trưởng
Nguyễn Ngọc An : Đổng lý văn phòng
Nguyễn Lưu Viên : Tổng Ủy phó
Nguyễn Thanh Diệu : Giám đốc định cư
Lê Văn Trà : Giám đốc tài chánh
Nguyễn Văn Thụ : Tổng thanh tra
Hoàng Văn Thận : Kỹ sư Công chánh
Đỗ Trọng Chu : Công cán Ủy viên
Trần Phước Lộc : Chánh sở Tiếp cư
Nguyễn Công Phú : Chánh sở Chuyển vận
Đỗ Đức Trí : Thông dịch viên
Trung tá Bùi Văn Hai : Sỹ quan liên lạc của Quân đội QGVN18
Sau ông Ngô Ngọc Đối còn có hai Tổng Ủy trưởng khác là
Bác sĩ Phạm Ngọc Huyến và ông Bùi Văn Lương. Ông Lương là người tại chức lâu
hơn cả (từ tháng Chín 1955 đến khi hết nhiệm vụ khoảng cuối năm 1957). Nhiệm vụ
của PTUDCTN là phối trí với các cơ quan hữu trách của Pháp và Hoa Kỳ về vấn đề
chuyên chở bằng phi cơ và đường thủy, và đảm nhiệm công cuộc tiếp đón, cứu trợ
và định cư tị nạn. Bên cạnh PTUDCTN có các văn phòng liên lạc quân sự và tôn
giáo, văn phòng an ninh để phối hợp với các cơ quan liên hệ. Trụ sở trung ương
PTUDCTN đặt ở miền Nam với các Nha Đại diện tại Bắc phần, Trung phần và Cao
Nguyên.
Sau thời hạn di cư chấm dứt ngày 19.5.1955, Nha Đại diện tại Bắc phần đương nhiên chấm dứt nhiệm vụ. Các Sở Chuyển
vận và Tiếp cư được sáp nhập vào Nha Định cư để tập trung vào công cuộc kiện
toàn định cư ở miền dưới vĩ tuyến 17. Một Ủy ban Định cư cũng được thiết lập
tại mỗi tỉnh do Tỉnh trưởng làm chủ tịch với các cơ quan trách nhiệm địa
phương.
Vì phần lớn dân tị nạn 1954 là người công giáo (khoảng
70% trên tổng số tị nạn) nên song song với PTUDCTN của chính phủ còn có một tổ
chức cứu trợ tư nhân do Giám Mục Phạm Ngọc Chi điều khiển, lấy tên là “Ủy ban
Hỗ trợ Định cư” (UBHTĐC), hoạt động từ 1.9.1954. Đáp lời kêu gọi của UBHTĐC,
nhiều tổ chức công giáo trên thế giới đã nhiệt thành gửi tiền và phẩm vật cứu
trợ.
Nhờ sự giúp đỡ này cùng với sự trợ lực của chính phủ,
UBHTĐC đã giúp thiết lập được trên 300 trại định cư, xây cất hàng trăm nhà thờ
và trường học, cung câp các dịch vụ cho người tị nạn không phân biệt tôn giáo.
Sau hơn hai năm hoạt động, UBHTĐC đã gây được cơ sở vững chãi cho các trại định
cư. Ngay cả sau khi Ủy ban đã chính thức giải tán vào cuối năm 1957, các linh
mục trưởng trại cùng nhiều cán bộ vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình văn
hoá, giáo dục và phát triển xã hội trong các trại.
Như trên đã nói, ngoài Phủ Tổng ủy và UBHTĐC, công cuộc
định cư ngót một triệu người tị nạn được thực hiện thành công cũng là nhờ có
các cơ quan ngoại viện và tổ chức từ thiện quốc tế, đặc biệt là chính phủ Pháp,
Mỹ và Cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ.
Công cuộc chuyên chở bằng đường hàng không và đường thủy
lúc đầu do chính phủ Pháp đảm nhiệm như đã cam kết tại Hội nghị Genève. Một Ủy
ban Chuyển vận Việt-Pháp được thành lập ngày 21 tháng Bảy để phối trí công tác
này. cầu hàng không Hà Nội-Sài-gòn bắt. đầu hoạt động mạnh mẽ với sự huy động
các phi cơ quân sự và dân sự. Các tàu hải quân Pháp cũng được sử dụng đến mức
tối đa. Tuy nhiên, vì số người di cư gia tăng quá nhanh vượt hẳn sự ước lượng
và khả năng tiếp nhận của nhà chức trách Pháp, chính phủ Quốc gia Việt Nam phải
kêu gọi sự tiếp tay của Hoa Kỳ. Do chỉ thị của Tổng Thống Eisenhower, Đệ thất
Hạm đội thành lập đoàn Hải quân Đặc nhiệm 90 (Navy Task Force 90) gồm 41 chiếc
tàu đủ loại do thiếu tướng hải quân Lorenzo Sabin chỉ huy để giúp việc chuyên
chở người tị nạn Việt Nam. Đoàn tàu đặc nhiệm này có khả năng chở 100,000 người
mỗi tháng. Con tàu lớn nhất là tàu Marine Serpent chở được 6,200 người. Chuyến
đầu tiên là tàu U.S.S. Menard chở 2,100 người cặp bến Sài-gòn ngày 16.8.1954.
Chuyến cuối cùng của đoàn Đặc nhiệm 90 là tàu General A.W. Brewster chở 1,900
binh sĩ Liên Hiệp Pháp và 520 người tị nạn tới Sài-gòn ngày 15.5.1955.
Việc chuyên chở vào Sài-gòn bằng đường hàng không được
thực hiện từ các phi trường Gia Lâm và Bạch Mai ở Hà Nội hoặc phi trường Cát Bi
ở Hải Phòng bắt đầu từ ngày 4 tháng Tám. Cầu không vận dài nhất thế giới
(khoảng 1,200 km đường chim bay) hoạt động với sự tham gia của các công ty được
thuê mướn hay trưng dụng gồm có: Air-France, Air Vietnam, Aigle Azur, Air
Outre- mer, Autrex, CAT, Cosara, và UAT. Hầu hết các máy bay đều được tháo gỡ
hết ghế để chở được tối đa số hành khách, trung bình mỗi ngày là 2,000 người.
Phi trường Tân Sơn Nhất trong một ngày hoạt động tối đa ghi được con số 4,226
người tới. Cứ mỗi sáu phút lại có một phi cơ hạ cánh, biến sân bay Tân-Sơn-Nhất
thành một phi trường bận rộn nhất thế giới hồi đó. Tổng cộng có 4,280 chuyên
bay và có một tai nạn đã xảy ra ngày 15 tháng Tám khi chiếc Bristol hai động cơ
chở 47 người tị nạn và phi hành đoàn bốn người bị rớt ở Lào cách Sài-gòn 300
km. Chỉ có một phụ nữ với đứa con nhỏ và ba nhân viên phi hành sống sót.
Những người đi bằng đường thủy được đưa xuống Hải Phòng
bằng xe lửa và di chuyển vào Nam bằng tàu của hải quân Pháp hay Hoa Kỳ. Đoàn
tàu đặc nhiệm 90 của Mỹ thả neo ở cửa sông Hồng để nhận người tị nạn do các tàu
nhỏ của Pháp chở tới. Một số ít tàu của Anh, Trung Hoa và Ba-Lan cũng tham dự
vào việc chuyên chở người tị nạn. Nhiều ngườị ở các tỉnh xa không thể tới Hà
Nội hay Hải Phòng phải di chuyển bằng phương tiện riêng. Vì vào ngày chót của
thời hạn di cư (19.5.1955) vẫn còn một số người chưa được chuyên chở, Pháp yêu
cầu Hà Nội gia hạn ba tháng và được chấp thuận.
Theo thống kê của PTUDCTN, tổng số dân rời bỏ miền Bắc vào Nam là 875,478
người trong số đó 871,533 đi trước ngày 19 tháng Năm và 3,945 người đi trong
thời gian gia hạn. Nếu tính thêm số người vượt tuyến sau khi hết hạn, khoảng
76,000 người đi bằng thuyền hay đường bộ (xuyên rừng qua Lào), tổng số tị nạn
lên tới gần 950,000 người.
Trong số 871,533 người đi đúng kỳ hạn có 213,635 người
được Pháp chở bằng máy bay (4,280 chuyến), số còn lại gồm có 555,037 người được
chở bằng tàu thủy và 102,681 người đi bằng phương tiện riêng.
Số 555,037 người đi bằng đường thủy chia ra như sau:
Pháp 237,000 người (338 chuyến)
Mỹ 316,000 người (109 chuyến
Anh, Trung Hoa và Ba Lan 2,000 người (8 chuyến)
Số 3.945 người đi trong thời kỳ gia hạn cũng được chở
bằng đường thủy, trên chín chuyến tàu cuối cùng sau đây:
Djiring ngày 2.6.55 500 người
Nam Việt __ 6.6.55 70 __
Gascogne __ 8.6.55 818 __
St. Michel __ 16.6.55 700 __
Espérance __ 27.7.55 787 __
Durand __ 7.8.55 12 __
Phong Châu __ 6.8.55 286 __
Hương Khánh __ 16.8.55 310 __
Ville de Haiphong __ 19.8.55 462 __
Công cuộc tiếp cư bắt đầu từ việc tiếp nhận dân di cư vào
những trại tạm trú ở Hà Nội, Hải Phòng, làm thủ tục di chuyển bằng máy bay hay
tàu thủy, cho đến việc thu xếp nơi ăn chốn ở và tiếp tế vật dụng cần thiết cho
mỗi gia đình khi mới đặt chân lên Sài-gòn, Vũng Tàu hay Nha Trang. Những hoạt
động này đã diễn ra liên tiếp không kể ngày đêm từ ngày đầu tiên cho đến ngày
cuối cùng của thời hạn di cư. Sau khi Hà Nội và Hải Dương được chuyển giao cho Việt Minh vào cuối tháng Mười, trung tâm tiếp cư Hải Phòng càng trở
nên đông đúc và bận rộn. Tất cả các trường học và một số lớn công sở được biến
thành trại tạm trú cũng không đủ cho người tị nạn tạm trú. Nha Đại diện PTUDC
tại Bắc phần phải cho dựng lên hàng ngàn chiếc lều vải ở hai trú khu vùng ngoại
ô, mỗi nơi chứa được khoảng 15,000 người, đủ cho các đợt người đến và đi liên
tiếp. Ngoài ra còn một trú khu khác chứa được 12,000 người ở cách Hải Phòng bảy
cây số do bác sĩ Tom Dooley dựng lên và quản trị hoàn toàn riêng biệt.
Khi tới các sân bay hay bến cảng Sài-gòn hay Vũng Tàu,
đồng bào được các nhân viên tiếp cư đưa lên xe đến các trạm tiếp cư hay tạm
trú. Trường đua ngựa Phú Thọ, Nhà Hát thành phố và một số trường học trong thời
gian nghỉ hè được dùng làm nơi tiếp đón trước khi phân phối người tị nạn tới
các trại tạm trú. Tại đây, họ được Sở Tiếp cư cung cấp các phẩm vật cần dùng và
tiền tiếp tế cho mỗi người. Có tất cả hai mươi trại tạm trú trong vùng Saì-gòn,
Gia-định, và một trại ở Rạch Dừa, Vũng Tàu. Sau ngày cuối thời hạn di cư, các
trạm tạm trú còn hoạt động thêm một tháng, tới ngày 17 tháng Chín 1955 mới chấm
dứt.
Công Cuộc Định cư
Để tránh tình trạng ứ đọng ở các trại tạm trú, các hoạt
động định cư được thực hiện song song với hoạt động tiếp cư. Nhiều người ngay
sau khi tới miền Nam hoặc sau một thời gian ngắn ở trại tạm trú đã tự lo liệu
việc định cư ở những nơi có thân nhân hay bạn bè hoặc ở những vùng lựa chọn
thích hợp với khả năng nghề nghiệp của mình. Con số này gồm khoảng 200,000
người hầu hết là gia đình công chức, thương gia và những người hành nghề tự do.
Ngoài ra còn gia đình các quân nhân di cư20 tổng số trên 100,000
người. Những người hoàn toàn trông cậy vào chương trình của chính phủ được xếp
vào ba loại nghề nghiệp chính: nông nghiệp, ngư nghiệp hay tiểu công nghệ, sau
đó được đưa đi định cư ở những địa điểm thích hợp tại các tỉnh miền Nam, miền
Trung hay Cao nguyên Trung phần. Tại những nơi này, Nha Định cư thiết lập các
trại định cư, cất nhà cửa, trường học, trạm y tế và đào giếng nước cho dân
trong trại. Qua chương trình viện trợ Mỹ, Pháp và các chính phủ trong thế giới
tự do cùng các tổ chức quốc tế như UNICEF, Hồng Thập Tự, và các cơ quan thiện
nguyện từ khắp nơi trên thế giới, hàng trăm ngàn người làm nghề nông, nghề đánh
cá hay tiểu công nghệ được cấp phát các dụng cụ và phương tiện thích hợp (trâu
bò, hạt giống, phân bón; thuyền xuồng, lưới chài; nguyên liệu và vật liệu sản
xuất.) Ngoài ra, trong thời gian đầu định cư, tất cả mọi gia đình đều được trợ
cấp nhu yếu phẩm như gạo, muối, nước mắm, mùng mền, giường tủ… Tại mỗi tỉnh có
đồng bào di cư, một Ủy ban Định cư tỉnh được thành lập do Tỉnh trưởng làm chủ
tịch gồm đại diện dân chúng và các cơ quan liên hệ.
Chi phí định cư phần lớn do chính phủ Hoa Kỳ viện trợ, tổng cộng là 56
triệu đô-la và khoảng 150 triệu đồng Việt Nam (theo hối suất chính thức hồi đó
thì 1 đô-la bằng 35 đồng VN.) Trong số này, ngót 12
triệu đô-la là chi phí chuyên chở của tàu Hải quân Đặc nhiệm 90. Số tiền viện
trợ còn lại, khoảng 45 triệu đô-la, được dùng vào việc định cư tị nạn, gồm mọi
sự giúp đỡ từ thời gian ở trại tạm trú đến trại định cư. Chi phí trung bình cho
việc định cư là khoảng 80 đô-la mỗi đầu người.
Mấy tháng định cư đầu tiên có một số trở ngại do việc lựa
chọn địa điểm không thích hợp với khả năng nghề nghiệp của người tị nạn. Chẳng
hạn người làm ruộng ở đồng bằng không quen với công việc canh tác và trồng trọt
ở miền núi, dân ngư phủ lại đưa đi định cư ở miền đồng ruộng. Nhiều vùng đất bỏ
hoang trong tám năm chiến tranh lại nằm trong những khu kháng chiến cũ của Việt
Minh. Dân tị nạn gặp không ít khó khăn khi sinh hoạt với dân chúng địa phương
có ít nhiều liên hệ với những cán bộ và binh sĩ cộng sản đã ra Bắc tập kết.
Ngoài ra còn có trở ngại về an ninh do cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ
với lực lượng nổi loạn Bình Xuyên hồi tháng Tư 1955. Kết quả là khoảng 20,000
dân đã bị mất hết nhà cửa tài sản, trong đó một số là người tị nạn. Nhờ sự giúp
đỡ tài chánh và huấn luyện kỹ thuật của các cơ quan viện trợ, nhất là các chuyên
viên U.S.O.M. và phái đoàn cố vấn của đại học Michigan, các dự án mới được
thiết lập nhằm bãi bỏ một số trại định cư và chuyển dân tị nạn đến những nơi
thích hợp hơn. Một thí dụ là trại định cư ở Thủ-dầu-một (Bình Dương.) Trại này
có 224 gia đình nông dân và ngư dân tổng cộng 1,036 người. Rừng Thủ-dầu-một
không thích hợp với nghề làm ruộng, lại càng không thích hợp với nghề đánh cá.
Những người này được chuyển tới Ba Ngòi, gần vịnh Cam-Ranh thuộc tỉnh Khánh
Hòa. Tại đây, 150 gia đình ngư dân được cấp phát phương tiện đóng tàu thuyền và
đồ nghề chài lưới và 74 gia đình nông dân được chia đất ở bên trong, được giúp
đỡ khẩn hoang và cấp phát phương tiện canh tác. Đây là bước đầu của giai đoạn
cuối cùng được gọi là giai đoạn kiện toàn định cư, số dân do chính phủ định cư
được phân phối theo tỉ lệ phỏng định 70% về nông nghiệp, 15% ngư nghiệp, 10%
tiểu công nghệ và 5% tiểu thương.
Tổng cộng có 315 trại định cư với 508,999 dân, phân phối như sau:
NAM PHẦN (14 tỉnh):
Ba Xuyên 1 trại 780 người
Phong Dinh 3 __ 10,683 __
Kiên Giang (Cái Sắn) 15 42,145
An Giang*
Vĩnh Long 6 __ 2,803 __
Kiến Hòa 11__ 12,268 __
Định Tường 10 __ 9,036 __
Long An 9 __ 14,108 __
Phước Tuy (Bà Rịa) 20 __ 26,241 __
Đô thành Sài – Gòn 12 __ 24,925 __
Gia Định 37 __ 110,339 __
Biên Hòa 56 __ 107,947 __
Bình Dương 12 __ 16,353 __
Tây Ninh 14 15,726
Cộng: 206 trại 393,354 người
TRUNG PHẦN (9 tỉnh Trung Quyên):
Quảng Trị 11 trại 9,251 người
Thừa Thiên 11 __ 5,700 __
Đà Nẵng 5 __ 7,917 __
Quảng Nam 4 __ 462 __
Bình Định 1 __ 275 __
Khánh Hòa 6 __ 4,608 __
Phú Yên 2 __ 1,129 __
Ninh Thuận 1 __ 312 __
Bình Thuận 18 __ 31,430 __
Cộng: 59 trại 61,094 người
NAM TRUNG PHẦN (5 tỉnh Cao Nguyên):
Đồng Nai Thượng (Blao) 8 __ 12,796 __
Đà Lạt 18 __ 15,456 __
La Ngà I và II 5 __ 6,770 __
Ban Mê Thuột 15 __ 14,725 __
Plâyku 4 __ 4,801 __
Cộng: 50 trại __ 54,551 người __
* Số trại và số người
định cư ở An Giang không thấy ghi trong nguồn tài liệu của PTUDCTN, Cuộc di cư lịch sử tại Việt nam,
tr. 169. Có lẽ các trại này lúc đó đang sát nhập vào trại Cái Sắn ở giữa hai
tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Ngoài các thành phần kể trên, Nha Định cư còn tổ chức
những trại riêng biệt ở một số tỉnh miền Trung và Cao nguyên miền Nam cho đồng
bào sắc tộc. Tổng cộng có 14,794 người định cư tại bảy trại, gồm có:
Hai trại người Nùng ở Sông Mao và Phan Rí, tỉnh Bình
Thuận. Ba trại người Mường, một trại ở Biên Hòa, và hai trại ở Pleiku. Một trại
người Mán ở Ban Mê Thuột.
Một trại người Thổ và người Thái ở Trung Nghĩa, Đà lạt.
Theo bảng phân phối trên đây, số dân định cư đông nhất là
ở Nam Phần, và ngoại trừ vùng thủ đô Sài-gòn, Chợ Lớn và Gia Định, tỉnh Biên
Hòa có nhiều dân định cư nhất nước với đại đa số là người công giáo. Chỉ trong
vòng một năm, dân số tỉnh Biên Hòa tăng lên gần gấp đôi, từ 130,000 lên tới
240,000. Quân đội Pháp và Việt đem máy móc tới làm đường xá và khai quang những
vạng đất bỏ hoang để giúp dân chúng cất nhà hay trồng trọt. Có tất cả sáu khu
định cư trong tỉnh Biên Hòa gồm Hố Nai, Gia Kiệm, Tân Uyên, Phước Lý, Tân Mai
và Bến Cỏ. Khu lớn nhất là Hố Nai gồm bảy làng chia theo thành phần dân di cư
từ các tỉnh ở miền Bắc, xếp thứ tự theo số dân từ đông nhất đến ít nhất: Hải
Phòng (20,000), Thái Bình (11,050) Bùi Chu (6,000), Bắc Ninh (4,000), Thanh Tâm
(3,250), Thanh Hóa (2,858). Với khả năng tổ chức và điều hành của hệ thống công
giáo, tinh thần kỷ luật và siêng năng của trên 50,000 giáo dân, Hố Nai đã tận
dụng được các chương trình giúp đỡ và sớm vượt qua được những trở ngại lớn lúc
ban đầu để trở thành một khu định cư hoàn toàn tự túc với đủ mọi ngành nghề.
Sau việc cất nhà, đào giếng và tổ chức bộ máy hành chánh
trong các trại định cư, PTUDCTN bắt đầu cung cấp các phương tiện nghề nghiệp
cho dân chúng. Riêng về nông nghiệp, nông dân được cấp phát đất hoang để làm
vườn hay làm ruộng. Chỉ trong vòng một năm, 23 trại định cư tại 5 tỉnh miền Nam
đã được chính quyền ký nghị định thiết lập thành làng xã địa phương. Cũng chỉ
trong năm đầu tiên, công việc khẩn hoang tại các trại đã đạt được kết quả như
sau:
Diện tích Nam phần Trung phần Cao nguyên
đã khẩn hoang 30,565 ha 3,630 ha 3,999 ha
Diện tích
đã cấy lúa 21,057 ha 1,750 ha 823 ha
Diện tích
đã trồng tỉa 7,793 ha 1,870 ha 3,100 ha
Trong số các trại định cư, có nhiều trại như Cái Sắn, La
Ngà, Ban Mê Thuột, Pleiku đuợc thành lập theo chương trình đặc biệt nhằm tái
canh vùng Cái Sắn (Kiên Giang) và khai thác cao nguyên miền Nam. Các Bộ Cải
cách Điền địa, Canh nông, Công chánh, Xã hội hợp tác chặt chẽ với PTUDCTN để
hoạch định và thực hiện các dự án kiện toàn định cư về kinh tế, văn hóa giáo
dục, y tế và xã hội.
Cái Sắn, được thành lập ngày 21 tháng Mười Hai 1955, là
thí điểm kiện toàn định cư lớn nhất, trong vòng hai năm, đã đem lại cho 7,500
gia đình gồm trên 42,000 người một đời sống hoàn toàn tự túc. Nhờ các cơ quan
ngoại viện cung cấp vật liệu xây cất và nông cụ cần thiết, trong năm đầu tiên
đã có trên 13,000 căn nhà được dựng lên và 12,000 ha (trong số trên 100,000 ha
ruộng đất bỏ hoang) được khai khẩn và trở thành những vườn ruộng phì nhiêu. Các
tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là tổ chức Thanh Thương Hội Quốc tế, giúp đỡ tổ
chức và điều hành các trạm y tế, nhà bảo sanh, thành lập các phòng thông tin và
trụ sở sinh hoạt cộng đồng.
Công trình quan trọng nhất ở Cái Sắn là việc chính quyền
và dân tị nạn với máy móc và dụng cụ viện trợ đã hợp lực đào được 17 con kinh
dẫn nước từ sông Tân Hiệp vào các khu tiếp giáp với đồng ruộng và nơi cư trú
của dân chúng, mỗi con kinh rộng 8 mét và dài trung bình 12 km, không những cần
thiết cho việc trồng trọt mà còn là những tuyến giao thông, thương mại và
chuyên chở bằng thuyền bè giữa các địa điểm trong trại với bên ngoài. Nhờ sự
sinh hoạt tấp nập trên những con kinh này, Cái Sắn đã thay đổi hẳn đời sống
kinh tế địa phương, gia tăng lợi tức và công ăn việc làm. Tỉnh Kiên Giang nhờ
đó cũng có nhiều điều kiện phát triển thuận lợi.
Những trại định cư của gần 15,000 đồng bào sắc tộc tại
cao nguyên Nam Trung phần tập trung trong vùng Đà Lạt, Pleiku, Ban- mê-thuột
cũng được hưởng chương trình đặc biệt. Cơ quan viện trợ USOM (United States
Operations Mission) lập dự án khai khẩn đất đai, làm đường, xây trường học,
bệnh xá, cung cấp cho dân định cư vật liệu làm nhà và nông cụ, nông phẩm để
trồng trọt. Đến cuối năm 1957 dân chúng đã có thể tự túc nhờ sản xuất nông phẩm
cung cấp cho thị trường địa phương. Chỉ riêng một làng đã có khả năng sản xuất mỗi
tháng được 24 tấn rau đủ loại.
Một khía cạnh đặc biệt khác của chương trình định cư là
vấn đề hội nhập của dân di cư miền Bắc vào xã hội miền Nam. Vấn đề này đặc biệt
quan trọng vì nguyên nhân và hệ quả chính trị của nó. Trước hết, đa số dân
chúng miền Nam không thể hiểu được phong trào di cư tị nạn cộng sản của ngót
một triệu người miền Bắc và không thể tin được những câu chuyện về chính sách
thuế má nặng nề và cưỡng bách lao động, nhất là những chuyện khủng khiếp quá
sức tưởng tượng về “đấu tố” trong cải cách ruộng đất và chỉnh huấn trí thức.
Thêm vào đó là công cuộc tuyên truyền chống đốì người tị nạn của chính quyền
miền Bắc và những lực lượng chính trị đối lập, nhất là hành động khủng bố của
lực lượng Bình Xuyên, vì người tị nạn thường tổ chức biểu tình ủng hộ chính phủ
Ngô Đình Diệm. Ngày 31 tháng bảy 1955, làng tị nạn Phước Lý ở Biên Hoà bị dư
đảng Bình Xuyên đốt cháy, phá hủy hoàn toàn 190 căn nhà với 2,400 nạn nhân bị
cướp hết của cải và 25 người bị thương do pháo kích. Thêm vào đó là những tin đồn
xuyên tạc được tung ra để gây nghi ngờ và ác cảm đối với “dân di cư Bắc Kỳ”
trong dân chúng miền Nam. Những tin đồn này lan ra tới ngoài Bắc nhưng chỉ làm
giảm đôi chút số người ra đi vào những ngày chót của thời kỳ gia hạn.
Chính sách tị nạn thích hợp vào lúc đó là lập những trại
định cư riêng biệt, phát động chiến dịch “tự lực mưu sinh” để người tị nạn mau
chóng tiến đến kinh tế tự túc. Ngoài ra còn có chiến dịch “thông cảm Trung Nam
Bắc” nhằm xóa bỏ ngộ nhận, thành kiến, nhất là những tin đồn gây chia rẽ địa
phương của những phần tử phá hoại. Không bao lâu, do những nỗ lực tăng gia sản
xuất biến đất hoang thành ruộng vườn màu mỡ, những sinh hoạt ngư nghiệp nhộn
nhịp miền duyên hải và những hoạt động đa dạng trong ngành tiểu công nghệ,
người tị nạn đã chứng tỏ sự đóng góp đáng kể vào đời sống kinh tế địa phương.
Những trại định cư dần dà không còn mang dấu vết tị nạn và trở thành những thôn
xã chính thức. Trong khi đó, qua những hoạt động buôn bán và nghề nghiệp, những
cuộc tiếp xúc phi chính trị giữa những người dân bình thường và những sinh hoạt
thông tin văn nghệ cộng đồng, cuộc sống hoà hợp giữa người di cư và dân chúng
địa phương cũng mau chóng trở thành hiện thực. Mọi người có nhiều cơ hội hiểu
biết lẫn nhau hơn khiến cho mọi mưu toan chia rẽ đều phải tan biến đi hoặc trở
thành vô hiệu.
Di cư và Tập Kết ra Bắc
Theo hiệp định đình chiến tại Genève, khoảng 140,000 bộ
đội cộng sản, cán bộ và gia đình được chính phủ VNDCCH đưa ra tập kết ở miền
Bắc bằng phương tiện riêng trong thời hạn 300 ngày. Ngoài ra, số người xin di
cư hay hồi cư từ Nam ra Bắc tổng cộng chỉ có 4,358 người, trong đó 1,018 người
(599 người lớn, 419 trẻ em) được phi cơ nhà binh của Pháp chuyên chở giúp.
Chuyến bay đầu tiên khởi hành ngày 8.4.1955 và chuyến cuối cùng vào ngày 9
tháng Năm. Sau ngày này, số 3,340 người còn lại (1,913 người lớn, 1,427 trẻ em)
được Pháp chở bằng tàu thủy, chuyến cuối cùng là ngày 14.7.1955, gần hai tháng
sau thời hạn ấn định.
Theo nhận xét của PTUDCTN thì số người xin ra Bắc tuy rất nhỏ so với số
người di cư vào Nam, nhưng có nhiều loại và nhiều nguyên nhân:
1. Lao động vào Nam sinh sống đã lâu, nhớ quê hương, nay
có dịp được giúp đỡ trở về. Trong số này có 630 người là gia đình phu đồn điền
đã mãn hạn giao kèo, gồm 352 người lớn và 278 trẻ em.
2. Một số người di cư chỉ vì chạy theo phong trào, sau
đổi ý xin về.
3. Một số người vì kinh tế quẫn bách, lo sợ cho cuộc sống
tương lai.
4. Một số cán bộ cộng sản trà trộn với dân di cư vào Nam
hoạt động và trở về Bắc khi hết hạn 300 ngày.
5. Một số người nghe tuyên truyền ra Bắc học tập để giải
phóng miền Nam.
Trong mọi trường hợp, những người di cư hoặc hồi cư về
miền Bắc không gặp trở ngại nào từ phía chính quyền miền Nam. Điều này dễ hiểu
vì số người xin ra Bắc quá nhỏ, nhất là vì chính phủ miền Nam mới thành lập còn
phải lo việc định cư số dân tị nạn quá đông trong khi phải đối phó với một tình
hình chính trị đầy bất ổn.
Cuộc định cư của ngót một triệu dân miền Bắc tại miền Nam năm 1954-1955
được hoàn tất thành công vào cuối năm 1957 là nhờ ở sự hợp lực giữa PYUDCTN,
các chương trình viện trợ quốc tế và những cố gắng xây dựng cuộc đời mới của
chính người tị nạn. Ngoài ra phải kể đến nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú
về đất đai, sông biển ở miền Nam và lòng người rộng rãi cởi mở ở nơi đây khiến
cho việc hòa hợp dân tộc được tiến hành tốt đẹp. Trên tổng số dân phía Nam vĩ tuyến 17 năm 1954 vào khoảng 11 triệu người,
hơn 850,000 dân di cư miền Bắc chiếm gần 8 phần trăm là một tỉ lệ khá quan
trọng. Từ một gánh nặng kinh tế lúc ban đầu, chỉ chưa đầy ba năm, số người này
đã trở thành một nguồn nhân lực có khả năng đóng góp tích cực vào đời sống kinh
tế, chính trị, văn hóa ở miền Nam. Tuy nhiên, trước những nhu cầu cấp bách của
làn sóng người tị nạn, mọi yếu tố tài nguyên và nhân sự chỉ là tiềm năng và sẽ
không thể trở thành động lực sản xuất nếu không có sự giúp đỡ quan trọng về tài
chánh, phương tiện vật chất và kỹ thuật của các chương trình viện trợ quốc tế.
Lịch sử tị nạn 1954 sẽ thiếu sót đáng tiếc nếu không ghi nhận sự giúp đỡ
đặc biệt ấy của các chính phủ, các tổ chức từ thiện và tôn giáo trên thế giới. Các quốc gia cung cấp
các phương tiện chuyển vận, tài chánh và phẩm vật định cư gồm có: Hoa Kỳ, Pháp,
Anh, Tây Đức, Ý, Úc, Tân Tây Lan, Nhật, Phi-líp-pin, Trung Hoa Dân Quốc (Đài
Loan) và Nam Triều Tiên. Các cơ quan quốc tế, ngoài UNICEF và Hồng Thập Tự, còn
có nhiều tổ chức từ thiện và tôn giáo như Catholic Relief Service (CRS), Church
World Service (CWS), Mennonite Central Committee (MCC), International Rescue
Committee (IRC), CARE và Thanh Thương Hội Quốc tế (International Junior
Chambers of Commerce, thường gọi tắt là “Jay- cees” và viết tắt là JCI).
Chương trình viện trợ Mỹ, ngoài chi phí chuyên chở bằng
đường biển, còn đóng góp nhiều nhất cho công cuộc định cư tị nạn nói chung.
Chương trình USOM không những cung cấp tiền trợ cấp và các phương tiện về nông,
ngư nghiệp và tiểu công nghệ mà còn thiết lập các dự án kiện toàn định cư với
sự hợp tác của đoàn chuyên gia đại học Michigan và phái đoàn Viện trợ kinh tế
của Pháp (Mission Franchise d’Aide Economique). Các dự án này là kết quả của
những hoạt động nghiên cứu về khả năng nghề nghiệp của người tị nạn và môi
trường địa phương, tham khảo với các Bộ liên hệ của Việt Nam trong việc hoạch
định nhằm giúp cho người tị nạn sớm tiến đến tự túc và phát triển.
Về phần các tổ chức nhân đạo quốc tế, ngoài việc đáp ứng
một số nhu cầu chung của người tị nạn, mỗi tổ chức chú trọng vào một vài chương
trình đặc biệt. Chẳng hạn CRS và Catholic Auxiliary Resettlement Committee
giúp xây cất 189 nhà thờ trong các trại định cư công giáo và một trung tâm sinh
hoạt văn hóa cho nữ sinh viên ở Đô thành Sài-gòn. CRS cũng được USOM hợp tác để
xây cất một bệnh viện lớn ở gần trại định cư Hố Nai. CWS và MCC cung cấp thực
phẩm và thuốc bổ, đặc biệt là phân phát 40 tấn gạo cho những trại bị thiếu hụt
trầm trọng. CWS còn giúp lập một xưởng đúc chuyên sản xuất lưỡi cuốc và xẻng,
sau đó mua những dụng cụ này để phát cho những gia đình làm nghề trồng trọt với
giá thấp hơn nhiều so với đồ nhập cảng. CARE được nhớ đến qua việc phân phát
những gói quà, những bao gạo và túi đựng quần áo bên ngoài có đóng nhãn hiệu
CARE. Tổ chức IRC thì chú trọng việc giúp đỡ sinh viên và trí thức. Trước hết
là việc lập căng-tin để cho sinh viên được ăn uống chung với giá rẻ và có thể
dành nhiều thì giờ hơn cho việc học hành, sau đó là lập các đội thể thao và ban
nhạc sinh viên. IRC còn đặc biệt tài trợ cho việc thành lập và điều hành Hội
Văn Hóa Bình Dân với trung tâm sinh hoạt văn hóa và thư viện, nhất là các lớp
học buổi tối cho người nghèo và những người phài đi làm ban ngày. IRC cũng đóng
góp đáng kể cho Viện Đại học Huế khi mới thành lập. Ngoài ra, IRC còn hợp tác
với Thanh Thương Hội Hoa Kỳ mở cuộc lạc quyên về tài chánh và vật dụng cho
Operation Brotherhood (Chiến Dịch Huynh Đệ), một trong những chương trình định
cư tị nạn nổi tiếng nhất hồi đó.
Operation Brotherhood là một chương trình cứu trợ khẩn
cấp về y tế và nhu yếu phẩm cho người tị nạn và nạn nhân chiến tranh do Thanh
Thương Hội Quốc Tế (JCI) bảo trợ. Do sự thúc đẩy của chi hội Jaycees
Phi-líp-pin, chương trình này được Jaycees Á châu thành lập ở Việt Nam hồi
tháng Mười 1954 sau đó được bảo trợ bởi các chi hội từ 57 quốc gia. Ngoài việc
cung cấp thuốc men, thực phẩm, quần áo và đồ gia dụng, Operation Brotherhood
còn gửi bác sĩ, y tá, cán bộ xã hội và chuyên gia nông nghiệp sang làm việc
tình nguyện ở Việt Nam. Chiến dịch Huynh đệ này lập trụ sở tại 16 tỉnh để phối
hợp các dự án y tế, vệ sinh và phát triển nông nghiệp, vừa hoạt động tại những
địa điểm cố định trong thị xã vừa tổ chức những đoàn lưu động đi phục vụ ở
những làng định cư xa xôi miền đồng bằng hay miền núi.
Tất cả những chương trình viện trợ của các chính phủ và
tổ chức tư nhân trên đây không những chỉ cứu trợ khẩn cấp và đáp ứng các nhu
cầu trước mắt của người tị nạn mà còn tạo cơ sở cho họ xây dựng một đời sống tự
túc và có khả năng đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước trong lâu dài.
Đây là những kinh nghiệm hữu ích cho công cuộc cứu trợ và định cư tị nạn ở mọi
nơi trên thế giới, và một lần nữa cho người tị nạn Việt Nam sau biến cố 1975.
______
Ghi chú:
[1] Nhật báo Le Monde,
Paris, France, 26.07.1954.
2 United Nations
Convention Relating to the Status of Refugees, January 1951, và điều sửa đổi trong Protocol Relating to the Status of
Refugees of 31 January 1967.
3 Dẫn bởi Janie Hampton,
editor, Internally Displaced People: A Global Survey, (London:
Earthscan Publications Ltd., 1998), Introduction, XV.
4 Hampton, ed.
“Introduction”, xvi.
5 Guenter Lewey, America
in Vietnam (Oxford, England, 1978). Dẫn bởi Valerie O’Connor Sutter, The
Indochinese Refugee Dilemma (Baton Rouge and London: Louisiana State
University Press, 1990), tr. 60.
6 Rev. Patrick O’Connor,
“Violations of Article 14 of the Geneva Agreement” trong cuốn Terror in
Vietnam: A Record of Another Broken Pledge (Washington, D.C.: National
Catholic Welfare Conference, 1955), 9, 12 và 18.
7 National Catholic
Welfare Conference, Terror in Vietnam, op.cit., 17-18.
8 Người công giáo gọi
những miếng mề-đay nhỏ này là “ảnh áo Đức Bà” dùng để choàng vào cổ, đeo ở phía
trước ngực.
9 CAOM, HCI-488.
10 Trích văn thư số
8975/PVN ngày 30.11.1954 của A. Moret, phó giám đốc Sở Bảo vệ Pháp kiều và Quân
đội viễn chinh ở Bắc Việt gửi Đại diện Cao ủy Pháp tại Hải Phòng và Giám đốc sở
Bảo vệ Pháp kiều và Quân đội viễn chinh ở Đông Dương tại Sài gòn (CAOM, HCI-488).
11 Landing Ship Medium
(LSM), thường gọi là “tàu há mồm” dùng để chở quân đổ bộ. Tin đồn lúc đó là
“tàu há mồm” hớp dân di cư vào bụng rồi khi ra đến ngoài khơi sẽ mở mồm ra để
trút hết mọi người xuống biển
12 Thomas A. Dooley, Deliver
Us from Evil: the Story of Vietnam’s Flight to Freedom (New York: Farrar,
Straus and Cudahy, 1956), 137.
13 U.S. News and World
Report, October 15, 1954.
14 Le Figaro, Paris, 17 Novembre, 1954.
15 First and Second
Interim Reports of the I.C.C., Her Majesty’s Stationery
Office, London, May 1955, 22-23.
16 14th
Interim Report by the I.C.C., Her Majesty’s Stationery Office, London, 11.
17 Dooley, 126.
18 Danh sách liệt kê
theo tài liệu của Cao ủy Pháp ở Đông Dương, CAOM, hộp HCI/488. Theo tài liệu
của Phủ Tổng ủy Di Cư Tị Nạn, “ông Ngô Ngọc Đối được cử giữ chức Tổng ủy Trưởng
Di cư Tị nạn chính thức nhận việc từ ngày 27-8-54.” Tài liệu này không ghi số
Nghị định thành lập và cũng không có danh sách thành phần nhân sự Phủ Tổng ủy,
nhưng cho biết Phủ này gồm có 5 Nha: Nha Đổng Lý Văn phòng (Văn phòng, Phòng Bí
thư, Sở Hành chánh, Sở Tuyên truyền), Nha Tổng Thanh tra, Nha Tiếp Cư (Sở
Chuyển vận, Sở Tiếp cư, Sở y tế Di cư, sở Kiểm tra), Nha Định Cư (Sở Kế hoạch,
sở Tiếp liệu, Sở Y tế Xã hội), và Nha Tài chánh sự vụ (Sở Kế toán tổng quát, Sở
Tiếp trợ). Phủ Tổng Ủy Di Cư Tị Nạn, Cuộc Di cư Lịch sử tại Việt Nam, Saì-gòn,
1957, 68.
19 Những con số này được
tính từ số liệu trong cuốn Cuộc Di cư Lịch sử tại Việt Nam, Phủ Tổng Ủy
Di Cư Tị Nạn ấn hành, Sài-gòn, 1975, 120 và 136.
20 Binh sĩ trong quân đội
Quốc gia Việt Nam vì không bị ràng buộc bởi Hiệp định đình chiến giữa Pháp và
Việt Minh (ngoại trừ việc trao đổi tù binh) nên di cư vào Nam như một thành
phần dân tị nạn. Hầu hết những binh sĩ này xin tái ngũ và gia nhập các binh chủng
ở miền Nam.
Copyright © 2004 by Lê Xuân Khoa
Bản Word © blog Ba Sàm 2013
XEM THÊM :
http://baovecovang2012.wordpress.com/2013/01/04/ngo-dinh-diem-va-chinh-nghia-dan-toc-phan-i-minh-vo/
----------------------------------------
BON-PHUONG’S BLOG
VIỆT NAM 1945-1995 :
CHIẾN TRANH - TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / MỤC LỤC (GS Lê Xuân Khoa - Blog Ba
Sàm) Wednesday,
30 January 2013
VIỆT NAM 1945-1995 :
CHIẾN TRANH - TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / LỜI MỞ ĐẦU (GS Lê Xuân Khoa - Blog
Ba Sàm) Thursday, 31 January 2013
VIỆT NAM 1945-1995 :
CHIẾN TRANH - TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / CHƯƠNG 1 : QUỐC GIA & CỘNG SẢN
(GS Lê Xuân Khoa - Blog Ba Sàm) Friday, 1 February
2013
VIỆT NAM 1945-1995 :
CHIẾN TRANH - TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / CHƯƠNG 2 : NHỮNG YẾU TỐ BÊN NGOÀI
(GS Lê Xuân Khoa - Blog Ba Sàm) Monday, 4 February 2013
VIỆT NAM 1945-1995 : CHIẾN TRANH – TỊ NẠN & BÀI HỌC
LỊCH SỬ / CHƯƠNG 3 : CHÍNH SÁCH CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT (GS Lê Xuân Khoa - Blog BA
SÀM) Thursday,
7 February 2013
VIỆT NAM 1945-1995 :
CHIẾN TRANH – TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / CHƯƠNG 4 : HỘI NGHỊ GENÈVE &
HAI NƯỚC VIỆT NAM (GS Lê Xuân Khoa - Blog Ba Sàm) Sunday, 10 February 2013
VIỆT NAM 1945-1995 :
CHIẾN TRANH – TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / CHƯƠNG 5 : BÀI HỌC CHÍN NĂM
[1945-1954] - (GS Lê Xuân Khoa – Blog Ba Sàm) Wednesday, 13 February 2013
NGOCLINHVUGIA’S BLOG
VIỆT NAM 1945-1995 :
CHIẾN TRANH – TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / MỤC LỤC (GS Lê Xuân Khoa – Blog
Ba Sàm) Tháng Một 30, 2013
VIỆT NAM 1945-1995 :
CHIẾN TRANH – TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / LỜI MỞ ĐẦU (GS Lê Xuân Khoa – Blog
Ba Sàm) Tháng Một 31, 2013
VIỆT NAM 1945-1995 :
CHIẾN TRANH – TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / CHƯƠNG 1 : QUỐC GIA & CỘNG SẢN
(GS Lê Xuân Khoa – Blog Ba Sàm) Tháng Hai 2, 2013
VIỆT NAM 1945-1995 :
CHIẾN TRANH – TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / CHƯƠNG 2 : NHỮNG YẾU TỐ BÊN NGOÀI
(GS Lê Xuân Khoa – Blog Ba Sàm)
Tháng Hai 5, 2013
VIỆT NAM 1945-1995 :
CHIẾN TRANH – TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / CHƯƠNG 3 : CHÍNH SÁCH CẢI CÁCH
RUỘNG ĐẤT (GS Lê Xuân Khoa – Blog BA SÀM) Tháng Hai 7, 2013
VIỆT NAM 1945-1995 :
CHIẾN TRANH – TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / CHƯƠNG 4 : HỘI NGHỊ GENÈVE &
HAI NƯỚC VIỆT NAM (GS Lê Xuân Khoa – Blog Ba Sàm) Tháng Hai 11, 2013
VIỆT NAM 1945-1995 :
CHIẾN TRANH – TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / CHƯƠNG 5 : BÀI HỌC CHÍN NĂM
[1945-1954] – (GS Lê Xuân Khoa – Blog Ba Sàm) Tháng Hai 14, 2013
No comments:
Post a Comment