Sau này, lịch sử chắc sẽ ghi nhận có một phong trào phục
hưng tinh thần của dân tộc Việt Nam vào đầu thế kỷ 21. Trong mấy
năm nay, số người làm mạng (bloggers) tăng lên rất nhanh. Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải đã bị tù vì dùng blog đánh thức đồng bào trước mối họa Bắc
thuộc có thể tái diễn. Cụ già tuổi
90 như Nhạc sĩ Tô Hải cũng cặm cụi học kỹ thuật
mới, chủ trì một diễn đàn cho đám con cháu và bạn bè vào uống chén trà xuông và thảo luận. Người ta góp ý kiến về tương lai, về
nhân phẩm, về tự do dân chủ, về các cuộc biểu tình và cả về đám tang Phạm Duy.
Những cuộc tập họp trên mạng
sôi nổi không khác gì những cuộc biểu tình! Và chắc chắn đông đúc hơn. Nhờ thế mà người
dân cảm thấy hết sợ cường
quyền! Hết sợ, không còn thấy điều gì cấm kỵ mà không dám nói. Nhiều người đã nói thẳng: Phải bỏ điều số 4 trong hiến pháp, tức
là bãi bỏ độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản! Đảng
Cộng sản lúng túng đến nỗi phải cho một “cậu bé” ra múa may lên giọng quả quyết: “Ðảng... đủ tín nhiệm, đủ trí tuệ, bản lĩnh, niềm tin... để lãnh đạo toàn dân ta tiếp tục tiến bước theo con đường đã chọn đưa dân tộc lên đài vinh quang, đưa đất nước ta sánh vai với các
cường quốc. ..” Nghe nói cứ y như thật! Nếu toàn dân ta cứ tiếp tục tiến bước theo con đường của Trọng Lú và Đồng chí Ếch thêm dăm năm nữa thì không biết sẽ
còn bao nhiêu vụ PMU hay Vinashin?
Lại quả quyết: “Không một thế lực nào, một
đảng phái nào làm thay được vai trò lịch sử của đảng
ta.” Nhưng nhiều người Việt
đang tự động làm thay “vai trò lịch sử của đảng ta” rồi. Nói mãi rồi, thế nào cũng tới
lúc phải hành động, kẻo chính mình soi gương cũng mắc cỡ! Mấy chục nhà trí thức ở Sài Gòn đã “thay đảng ta” tự đứng ra tổ chức lễ tưởng
niệm những tử sĩ bị “quân nhà Hán” tàn sát trong cuộc chiến năm
1979, trước đám công an hằm hè đe dọa. Một cuộc chiến tranh thảm khốc như vậy mà đến ngày kỷ niệm cả bộ máy nhà nước lại cấm không cho
ai được tưởng nhớ. Thế thì người dân tự ý làm lấy. Đảng và Nhà nước đã chịu thua. Các nông dân mất đất, mất ruộng có thể theo gương mà hành động. Người dân đã hết sợ.
Có gì đang thay đổi trong nước Việt Nam? Thay đổi quan trọng nhất là trong
cái đầu. Mà cái đầu người dân quả đang thay đổi. Người ta dám nói, dám làm. Nhờ có những nhà trí thức can đảm. Nhờ có những bloggers và những nông dân đi biểu tình. Người Việt đang phát động một phong trào phục hưng tinh thần: Hết sợ!
Đây là một điềm đáng mừng. Bởi vì rỗng
trong cái đầu của cả guồng máy cai
trị đất nước đang hoàn toàn trống rỗng. Họ vẫn bô bô hét to những khẩu hiệu cũ kỹ, nhưng trong bụng hết tin từ lâu rồi. Đầu trống tuếch, cho nên hai tay lo vơ vét cho
lẹ. Cái đầu Đảng Cộng sản là một hố thẳm, không còn chủ nghĩa, lý thuyết nào nữa. Chỉ thấy quyền và tiền! Nhưng một dân tộc
thì không thể sống như vậy được.
Một dân tộc còn tồn tại, không bị
tiêu diệt, là nhờ cái đầu còn hoạt động. Giáo sư Nguyễn Quốc Trị,
khi nghiên cứu về sự phát triển của “các nước thứ ba” thời
1970, 80, đã nhận xét rằng kinh tế phát
triển mạnh nhất ở những nước biết phục hồi văn hóa. Văn hóa đi trước, kinh tế theo
sau. Nam Hàn, Đài Loan, Singapore là những thí dụ
thấy rõ. Khi toàn dân chia sẻ những niềm
tin, khi họ biết có thể sống thuận thảo
với nhau trong một hệ thống giá trị
chung, có thể cùng tiến với nhau về một tương lai chung, trong những luật chơi công bằng, dân chủ, thì kinh tế có triển vọng cất cánh. Trước đây một thế kỷ Phan Châu Trinh đã thấy như vậy. Cho nên Phong trào Duy Tân nêu châm ngôn “Chấn dân khí, khai dân trí” (văn hóa) trước khi nói đến “hậu dân sinh,” tức là kinh tế.
Trong lịch sử, những cuộc cách
mạng dân tộc thường diễn ra
sau những phong trào phục hoạt tinh thần.
Dân Đức có Goethe, có Shiller, Kant trước khi gây
phong trào thống nhất. Dân Pháp làm cách mạng sau thời đại Rousseau, Voltaire. Dân Phần
Lan bị đế quốc Thụy Điển cai trị bẩy thế kỷ, đã có lúc sắp bị đồng hóa hết, vì những người có học
chỉ còn nói tiếng Thụy Điển,
quên hẳn tiếng nước mình. Đến thế kỷ 18 bỗng dưng
các nhà trí thức ở đô thị khám phá ra một kho tàng: Nông dân Phần Lan vẫn giữ được tiếng nói! Mà thứ tiếng người Phần Lan nói
thuộc một họ ngôn ngữ hoàn toàn khác họ Ấn Âu của
các nước chung quanh (lại
có họ hàng với tiếng Hungary, một ốc đảo ngôn ngữ khác). Các nhà trí thức Phần Lan đã gây nên một phong trào trào “Về mới Mẹ Cha” (Tên một bài hát của Nguyễn Đức
Quang). Họ đi học lại tiếng mẹ, đúng ra là tiếng của bà cố, bà tổ, vì nhiều bà mẹ cũng chỉ nói tiếng Thụy Điển! Họ bắt đầu hát: “Tôi yêu tiếng nước tôi” theo Sibelius!
Trong cố gắng phục hồi hồn nước, người Phần Lan cũng đi tìm lại những chuyện cổ tích, các bài phong dao, ca dao phổ
biến trong dân gian, vẫn được nông dân giữ gìn trong hàng ngàn năm. Họ soạn một tuyển
tập, giống như Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp (thế kỷ 15), Việt Điện U
Linh Tập của Lý Tế Xuyên (thế kỷ 14) ở nước ta. Dân Việt
bây giờ còn biết đến những chuyện cổ tích đời Hồng Bàng, chuyện những anh hùng như
Lý Phục Man, Triệu Việt
Vương, Phùng Hưng là nhờ các cuốn sách này!
Làm sao những câu
chuyện như sự tích Thần Núi Tản Viên, Thần Sông Tô Lịch, chuyện Trầu Cau,
An Tiêm, Chử Đồng Tử có thể được lưu giữ và
truyền bá bằng cách kể chuyện
suốt hai ngàn năm, để sau đó được Lý Tế Xuyên và Trần Thế Pháp ghi
lại?
Có những quan đô hộ người
Đường đã giúp một tay. Hai “Đường Sơn Đại Huynh” nổi bật trong đám này là Triệu Xương và Tăng Cổn,. Hai ông làm tiết độ sứ Giao Châu
trong thế kỷ thứ tám từng sống nhiều năm ở nước ta. Cả hai đã tò mò đi nghe người Việt kể chuyện cổ tích cho nhau nghe, và họ thích thú chép lại; trong những sách tên là Phủ Chí và Giao Châu Ký.
Nhưng có những lý do nào khiến các viên quan đô hộ cất công đi tìm hiểu các chuyện thần thoại, cổ tích của
người Việt Nam như vậy? Chắc chắn phải có một
phong trào phục hoạt văn hóa ở đất Giao Châu trước đó, và đang dâng lên sôi nổi trước mắt hai
quan đô hộ này. Người Việt không
những chỉ kể chuyện mà còn cúng tế, làm lễ, rước kiệu các vị
thần linh và các anh hùng dân tộc đã “hóa thần” để bảo hộ con cháu. “Đảng và Nhà nước” lúc đó cũng không ngăn cấm được các cuộc lễ này, vì người dân chỉ làm theo phong tục đã có từ ngàn năm!
Khi chứng kiến không khí chảy hội của người Việt trong ngày tưởng niệm Trưng Vương, khi thấy hai làng người Việt cùng tế
một thành hoàng Lý Phục Man, (một tướng
giỏi của Lý Nam Đế chết vì nước trước đó ba trăm năm) thì các ông Triệu Xương và Tăng Cổn phải đích thân đi tìm hiểu coi mảnh đất thuộc An Nam Đô Hộ Phủ này có gì linh thiêng, huyền bí mà muôn người như một, đến ngày là cùng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ như vậy. Nếu Triệu Xương và Tăng Cổn sống ở thế kỷ 21 này thì chắc họ cũng không ngăn cấm người Việt tưởng
niệm các tử sĩ ngày 17 tháng Hai, hay ngày 19 tháng Giêng. Có khi họ còn đi nghiên cứu tiểu sử Ngụy Văn Thà để khi về nước viết “Hoàng Sa Ký.”
Việt Điện U Linh Tập chép một bài thơ của Tăng Cổn khen ngợi Cao Biền, một tiết độ sứ tiền nhiệm của ông ta.
Tăng Cồn, sống ở Giao Châu vài chục năm, mở đầu bài thơ thế này:
Đất Việt núi sông xưa
Nhà Đường nhân vật
mới
Người cao chí khí cao
Động tĩnh Long thần tới
(Lê Hữu Mục, trong bản dịch Việt Điện U Linh Tập)
Nhiều độc giả người Việt đã đọc bài thơ này, nhưng một sử gia
người Mỹ đọc và khám phá mấy ý kiến độc đáo. Sử gia Keith Taylor, Đại học
Cornell, trong cuốn “Nước Việt Nam ra đời” (The Birth of Việt
Nam) nhận xét về hai câu đầu trong bài thơ này; ông thấy ý tưởng chính là so sánh cảnh vô thường chính trị với lẽ bất biến trong văn hóa. Ông viết: “Hai câu thơ đầu ngụ ý là, trong khi các triều đại (ở Trung Quốc) lên xuống thì các tập tục văn hóa của một dân tộc – bám rễ sâu trong mảnh đất họ
sống và trở thành kiên cố nhờ lưu truyền qua
bao thế hệ – vẫn là những nét bất biến trong lịch
sử.”
Tăng Cổn không dùng các tên gọi do người Hán đặt ra như An Nam, Giao Châu hay
Giao Chỉ. Ông gọi tên là Đất Việt; hai chữ Đất
Việt (một lãnh thổ) đối chọi với hai chữ Nhà Đường (một triều đại), ở
vị trí ngang hàng với nhau. Tăng Cổn
lại nói đến núi sông đất Việt trước,
còn triều nhà Đường nói sau. Ông công nhận có một Đất Việt từ lâu đời, triều đại nhà Đường nhà Hán đều đến sau cả. Một người làm thơ nổi tiếng như Tăng Cổn
thường chọn chữ, đặt câu rất kỹ lưỡng. Hai câu thơ
trên cho thấy ông tỏ lòng kính trọng đối với văn hóa và lịch sử miền đất Việt Nam.
Tại sao các tiết độ sứ nhà Đường lại tôn kính tổ tiên chúng ta như vậy? Chắc chắn họ đã trông thấy trước mắt một phong trào phục hưng văn hóa đang diễn ra ở nước ta.
Họ bỏ công tìm hiểu và ghi chép những sự tích của
người Việt Trong nửa thế kỷ, sau khi Tăng Cổn
bỏ chức về nước để tiếp tục làm thơ, viết văn, đất Giao Châu đã nổi lên một phong trào giành độc lập, kết thúc với
chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng.
Cho
nên chúng ta vui mừng chứng kiến một phong trào phục hưng tinh thần của người Việt Nam trong mấy năm qua. Giới trí thức đã phát động. Những bạn trẻ như Việt Khang, Huỳnh Thục Vi, đã đứng dậy. Người Việt sẵn sàng đốt đuốc tiến tới, nối tiếp ngọn lửa của tổ tiên đã thắp sáng từ
thời Bắc thuộc. Đất
Việt núi sông xưa, vẫn còn đó. Các chế độ tham ác sẽ chấm dứt. Nhớ đến tổ tiên, sẽ vững lòng tin
tưởng vào
tương lai.
No comments:
Post a Comment