Saturday 30 March 2013

TỦ SÁCH "TIẾNG QUÊ HƯƠNG" RA MẮT B A TÁC PHẨM MỚI (Nguyên Huy - Người Việt)




Nguyên Huy/Người Việt
Monday, March 11, 2013 3:42:43 PM

Chiều hôm Thứ Bảy 9 Tháng Ba, tại nhật báo Người Việt, tủ sách “Tiếng Quê Hương” đã gửi đến độc giả bốn phương thêm ba tác phẩm mới, đó là tiểu thuyết “Dạ Tiệc Quỷ”, tiểu thuyết “Phiên Bản Tình Yêu” tập I và tập II của Vũ Biện Ðiền và một dịch phẩm “Thú Người” của Dương Hoàng Dung dịch từ nguyên tác Ðức ngữ “Herzier” của nữ văn sĩ Ðức Herta Muller, giải Nobel 2009.

Cô Nam Phương, một độc giả trẻ tuổi phát biểu về cuốn “Dạ Tiệc Quỷ” được ra mắt trong buổi ra mắt sách của Tiếng Quê Hương. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Tất cả các tác giả và dịch giả đều không có mặt được tại Nam California nên phần giới thiệu sách đã do nhà văn Trần Phong Vũ, đại diện Tủ Sách Tiếng Quê Hương và một độc giả trẻ phụ trách.

Sau phần trình bày về hoạt động của Tủ Sách Tiếng Quê Hương mà nhà văn Trần Phong Vũ là một trong những người điều hành, MC Ðinh Quang Anh Thái đã ý nhị giới thiệu một nữ độc giả trẻ, cô Nam Phương lên nói về tác phẩm “Dạ Tiệc Quỷ” mà cô được đọc qua. Cô thú nhận: “Ðọc được 1/3 thì tôi vừa thầm kêu khổ vừa trách người cho sách... nhưng may thay tôi đã không bỏ cuộc vì khi tôi đọc hết trang cuối cùng rồi thì tôi lại có cái nhìn khác và tôi lại muốn cảm ơn người cho sách đã cho tôi cơ hội nói lên cảm nhận của tôi hôm nay”.

Cảm nhận của Nam Phương như thế nào khi cô là một bạn trẻ Việt Nam còn đọc và hiểu được hết tiếng Việt cho dù cô tới Hoa Kỳ từ lúc 9 tuổi và nay đã là một kỹ sư làm việc trong một ngành Quốc Phòng Hoa Kỳ?

Nam Phương cho biết sở dĩ đọc được 1/3 cuốn sách chỉ thấy là những cảnh khổ quá sự thực như “được phóng đại và thêu dệt quá sự thực. Những cái ác không thể nào ác hơn, những cảnh khổ không thể nào khổ hơn và những bất công không thể nào bất công hơn. Cuốn sách đi ngược với quan niệm của cá nhân tôi...” Nam Phương phát biểu như thế.

Ðó quả cũng là quan niệm của nhiều bạn trẻ Việt Nam khi được cha mẹ đưa đi tị nạn cộng sản, lòng vẫn trinh trắng như “Nhân Chi Sơ Tính bản Thiện” như lời Nam Phương mô tả nên đã khó tin được những sự ác diễn ra ở trên đời, nhất là với chế độ và con người cộng sản.

Nhà văn Trần Phong Vũ đang giới thiệu Tủ Sách Tiếng Quê Hương. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Nam Phương cho biết tiếp khi tiếp tục đọc mới nhận ra được đó là những sự thực mà tác giả đã phải nhận chịu và phải viết ra để “như một món nợ phải trả” cho tất cả những người dân Việt đã phải chịu những cái ác, những bất công mà chế độ cộng sản đã dành cho người dân Việt. Nam Phương nhận định “Quyển sách này là một trong những cánh cửa sổ mở ra cho chúng ta thấy sau bao nhiêu năm bị đè nén thì lòng phẫn nộ sẽ phải bùng nổ” và, sau hết Nam Phương kết rằng “Ðọc ‘Dạ Tiệc ‘Quỷ không phải chỉ để hiểu về quá khứ mà còn cần phải có một cái nhìn về hiện tại và tương lai Việt Nam” và Nam Phương cũng nhận ra được rằng “Cộng sản là một chế độ áp bức đã đặt lên dân tộc Việt Nam” nên “hãy cùng góp một bàn tay trong phong trào đòi xóa bỏ sự cai trị của đảng CSVN, đòi dân chủ, tự do, nhân quyền cho dân tộc Việt Nam”.

Giới thiệu về cuốn “Thú Người” dịch phẩm của Dương Hoàng Dung, nhà văn Trần Phong Vũ cho biết “Nguyên tác là một cuốn sách không dễ đọc. Văn chương của sách là thứ văn chương ẩn dụ trong suốt tác phẩm từng được giải Nobel năm 2009, nhưng dịch giả Dương Hoàng Dung rất say mê Ðức ngữ và vì trong suốt thời trẻ đã sống ở Việt Nam nay thấy những điều viết ở trong sách của tác giả Herztier lại giống hệt như những gì mà dịch giả đã thấy ở Việt Nam. Ðó là những hình ảnh khó quên của chế độ cộng sản độc tài, đảng trị thù địch với con người, về tính phi nhân của cộng sản mà tác giả đã cố giữ gìn trong ký ức khi được chứng kiến ở Roumanie dưới thời chủ tịch khát máu Ceaucesscu...

Ðến cuốn thứ ba được giới thiệu hôm nay, nhà văn Trần Phong Vũ đại diện cho Tủ Sách Tiếng Quê Hương đã nhiệt tình phát biểu: “Bảo đảm là một tác phẩm hay quá”. Nhà văn Trần Phong Vũ cũng cho biết khi được một số văn hữu trong nước giới thiệu thì anh em trong Tiếng Quê Hương đều phân vân không biết Vũ Biện Ðiền là ai vì chưa thấy xuất hiện trên văn đàn trong và ngoài nước bao giờ. Nhưng đọc tác phẩm “Phiên Bản Tình Yêu” gồm 2 tập trên 1 ngàn trang ai cũng thấy rằng “Phiên Bản Tình Yêu” quả là một tác phẩm “quá hay” vì nó xuyên suốt từ 1954 đến nay gắn kết được nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước như vấn đề cuộc chiến Việt Nam, sự tác hại của chủ nghĩa cộng sản cũng như diễn giải được phần nào sự thất bại của miền Nam. Và theo nhà văn Trần Phong Vũ thì tác giả ắt phải là một người viết đã thành danh nhưng phải dấu tên thật, theo một số văn hữu trong nước cho biết, vì Vũ Biện Ðiền còn đang bảo lãnh một số công việc của anh em văn hữu khác nên không thể để bị bắt làm gián đoạn công việc.

Sau cùng nhà văn Trần Phong Vũ cũng giới thiệu trước một tác phẩm mà Tủ Sách Tiếng Quê Hương đang nỗ lực cho in ra và phát hành càng sớm càng hay. Ðó là cuốn “Hãy Ngẩng Mặt” của nhà văn trẻ trong nước Nguyễn Ðắc Kiên, người vừa lên tiếng chỉ trích Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là “không đủ tư cách để cho rằng những người đòi hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp (CSVN) là những người suy thoái chính trị, suy thoái đạo đức” vì, Nguyễn Ðắc Kiên tố cáo “ngoài đảng viên cộng sản, Nguyễn Phú Trọng không đại diện cho người dân Việt Nam được”.

Trước khi chấm dứt chương trình ra mắt sách, ban tổ chức cũng đã dành ít phút để người tham dự trao đổi với Tủ Sách Tiếng Quê Hương.

Tủ Sách Tiếng Quê Hương là một tập hợp của hơn 30 người viết ở hải ngoại chủ trương từ sự hình thành của nhà văn Uyên Thao, ngay khi ông tới được miền đất hứa. Dù bệnh hoạn, ra vào nhà thương như đi chợ, nhưng từ gần 20 năm nay, Uyên Thao cùng các văn hữu đã quyết tâm duy trì để “Nối tiếp dòng văn học Việt Nam đã bị cộng sản hủy hoại ở trong nước. Ðồng thời để đưa tiếng nói của những người ở trong nước không nói được cho đồng bào và dư luận thế giới cùng biết về đất nước và con người Việt Nam dưới chế độ độc tài đảng trị của Cộng Sản Việt Nam”.

Qua 28 tác phẩm mà 20 cuốn thuộc các tác giả còn ở trong nước, Tủ Sách Tiếng Quê Hương đã đem đến cho độc giả những cái nhìn, những hiểu biết thêm về đất nước và con người Việt Nam phải sống trong chế độ cộng sản. Nhiều tác phẩm đã phải in đến 2, 3 lần nên Tiếng Quê Hương mới còn tồn tại cho đến ngày nay để phục vụ người đọc và cũng đã làm tròn được trách nhiệm văn học, gìn giữ được cho dòng văn học “chính thống” của Việt Nam được lưu chảy mãi.


VIDEO : Tủ sách Tiếng Quê Hương với 3 tác phẩm mới  (Người Việt)







1 comment:

View My Stats