Thursday 28 March 2013

KHÍA CẠNH PHÁP LÝ VÀ ĐẠO LÝ TRONG VỤ ÁN ĐOÀN VĂN VƯƠN (Đào Tiến Thi)




Đào Tiến Thi
Thứ năm, ngày 28 tháng ba năm 2013

- Bài gửi riêng NXD-Blog

Mặc dù dư luận đã lên tiếng rất nhiều nhưng hiện nay những người trong gia đình anh Đoàn Văn Vươn (Đ.V.V) vẫn đang bị khởi tố về tội “giết người” (mấy anh em trai) và tội “chống người thi hành công vụ” (hai chị em dâu).

Thời gian qua đã có nhiều ý kiến phân tích hành động chống trả của những người trong gia đình anh Đ.V.V, trong đó có nhiều ý kiến sâu sắc, như của GS. Hoàng Xuân Phú (Nhân vụ Tiên Lãng, bàn về công vụ)[i], của ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang (Vụ Tiên Lãng: Anh em họ Đoàn có công hay có tội)[ii], của TS. Tô Văn Trường (Án Lệ)[iii], của GS. Nguyễn Minh Thuyết (Cần xác định lại tội danh của ông Vươn)[iv]. Trong bài này tôi xin nêu thêm một số điểm.

I- KHÍA CẠNH PHÁP LÝ

1. Về tội “chống người thi hành công vụ”

Tội này được ghi trong Bộ luật Hình sự (điều 257) như sau:

“Người nào dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt…”

Cho đến nay, trên tất cả các nguồn tin, chưa thấy ai nêu được hành động của chị Nguyễn Thị Thương (vợ anh Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thị Hiền (anh Đoàn Văn Quý) chống người thi hành công vụ như thế nào. Không thấy ai nói các chị ấy dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực. Có một vài tin có nói hai chị này chửi công an. Chửi bới cỡ nào thì cũng không phải là bạo lực, còn nếu dùng thủ đoạn khác thì phải có giá trị cản trở người thi hành công vụ. Việc ép buộc (người thi hành công vụ) thực hiện hành vi trái pháp luật thì chắc là không, vì hai người phụ nữ nông dân ấy làm sao ép buộc được lực lượng cưỡng chế chuyên nghiệp, đông đảo và có vũ khí lúc ấy.

Nhắc đến việc này tôi chỉ muốn những người có trách nhiệm cũng như công luận cần xem xét cụ thể, vì đôi khi ta mải bênh vực cho họ hành vi “chống người thi hành công vụ” là chính đáng mà không để ý hành vi ấy thực tế có đáng vào tội danh ấy không.

2. Về tội “giết người”

Xin bàn về khái niệm “giết người”:

1. Căn cứ vào nghĩa thông thường: Theo Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, từ “giết” có hai nghĩa: 1. Làm cho bị chết một cách đột ngột, bất thường. Giết người cướp của. 2. Giết để lấy thịt ăn. Giết gà đãi khách. (Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 1997). Như vậy, đã giết là phải có “chết”.

2. Căn cứ vào tội danh “giết người” cùng nhóm tội giết người khác và tội “làm chết người”, tội “cố ý gây thương tích”,… được ghi từ điều 93 đến 109 trong Bộ luật Hình sự, ta thấy:

– Tội “giết người” (điều 93) là tội nặng nhất, phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tiếp theo là các tội khác thuộc nhóm tội giết người, các tội này có hình phạt nhẹ hơn tội “giết người” nói trên. Ví dụ: tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” - điều 95, thì phạt tù 6 tháng đến 3 năm. Nhẹ hơn các tội giết người là tội “làm chết người”, và cuối cùng là tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác”.

– Các tội giết người cũng như tội “làm chết người” đều có tình tiết tăng nặng là “giết nhiều người” hoặc “làm chết nhiều người”. Ví dụ, tội “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” (điều 96): phạt cải tạo không giam giữ 2 năm hoặc tù 2 – 3 năm; nếu giết nhiều người thì phạt tù 2 – 5 năm.

Với những điều nêu trên, tôi chỉ muốn nêu cách hiểu khái niệm “giết người”. “Giết người”, như vậy, trong tất cả các tội danh thuộc về giết người (điều 93, 94, 95, 96) được hiểu là “gây chết người”. Cho nên mới phân biệt tội “giết người” với tội “cố ý gây thương tích”. Cho nên mới tính số người chết vào tình tiết tăng nặng. Tất nhiên “gây chết người” cũng chỉ là một yếu tố, nhưng theo tôi đây là yếu tố quan trọng nhất. Nhìn chung phải có người chết thì mới quy vào tội “giết người”. Sau đó là yếu tố động cơ. Có trường hợp hành động giết người nhưng kết quả không gây chết người vẫn bị quy vào tội “giết người”, nhưng trường hợp này phải chứng minh được rõ ràng có động cơ giết người. Việc khởi tố vụ án “giết người” đối với anh em Đ.V.V vào thời điểm ngay ngày hôm sau xảy ra vụ cưỡng chế, các nạn nhân còn đang trong bệnh viện, chưa rõ số phận thế nào thì có thể tạm chấp nhận, nhưng sau đó ít ngày các nạn nhân đều đã ra viện, vì thực ra chỉ bị thương nhẹ, theo tôi, kết hợp với các yếu tố khác, phải nên xem xét lại để khởi tố đúng tội danh. Trong các yếu tố ấy, nên tìm hiểu rõ yếu tố động cơ. Theo tôi, anh em Đ.V.V đều là những người tỉnh táo, hiểu biết, vậy họ không hoang tưởng là sẽ giành chiến thắng trong cuộc “đấu súng”, cho nên cần thấy hành động chống trả của họ ở chiều hướng khác, như cảnh báo, đặt điều kiện, nhằm mục đích tạo áp lực đàm phán hoặc kéo dài thời gian mong có sự can thiệp của cấp trên. Nếu muốn giết người hàng loạt theo kiểu điên cuồng thì họ sẽ dùng súng AK, bom, lựu đạn, chứ không dùng súng hoa cải, loại súng mà theo các chuyên gia chỉ gây sát thương ở cự ly vài chục mét. Còn nếu giết người để trả thù thì họ sẽ giết theo kiểu ám sát và phải nhằm vào các đối tượng đích đáng là các ông Liêm (chủ tịch huyện), Hiền (chủ tịch xã),… chứ không phải mấy người công an, bộ đội.

Có thể quy anh em Đ.V.V vào tội gì chứ không thể là tội “giết người”.

Trên kia là một vài chi tiết về khía cạnh pháp lý; tuy nhiên trong bài này tôi chỉ muốn đi sâu vào khía cạnh đạo lý của vấn đề. Và theo tôi đây mới là vấn đề quan trọng.

II- KHÍA CẠNH ĐẠO LÝ

1. Gia đình Đ.V.V có công quai đê lấn biển, tăng thêm diện tích đất nuôi trồng, cải thiện đời sống, hạn chế thiên tai
Thành quả lao động của gia đình Đ.V.V vừa lợi nhà vừa ích nước. Ngoài những điều mà nhiều người đã phân tích về hiệu quả kinh tế - môi trường, tôi thấy công trình của họ còn có giá trị khoa học. Phải có một trí tuệ như thế nào, một nghị lực can trường như thế nào mới thắng được “thần Biển” như vậy, trong khi nhiều người bó tay, thậm chí một dự án của Tổng đội thanh niên xung phong với số vốn khổng lồ của nhà nước cũng thất bại. Theo tôi anh Đ.V.V xứng đáng Anh hùng lao động. Lẽ ra anh phải được nhà nước phong Anh hùng lao động từ lâu. Nếu anh được đi báo cáo khoa học, được trao đổi kinh nghiệm với các nơi khác thì giá trị của nó còn được nhân lên nhiều lần.
Nay bỗng nhiên đầm của anh bị thu hồi, mà thu hồi không biết để làm gì thì cái lệnh thu hồi ấy ngay cả khi nó đúng quy định của pháp luật, cũng là việc sai trái về mặt chiến lược: trái với mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Khi gặp tình hình đó, lẽ ra chính quyền địa phương phải báo cáo với trung ương để tìm giải pháp sao cho ích nước lợi nhà.

2. Gia đình anh Đ.V.V bị dồn vào “đường cùng” cả vật chất lẫn tinh thần
Gia đình anh Vươn đã dốc cạn cơ nghiệp để đầu tư vào khu đầm và thành quả thì đang đầy hứa hẹn, thế mà bỗng nhiên bị mất trắng, điều đó gây ra vết thương “của đau con xót” cực lớn. Tiền bạc ở đây không chỉ là tiền bạc nữa mà là “máu mỡ của dân ta” (theo cách nói của Phan Bội Châu), do đó buộc lòng chống lại là điều khó tránh khỏi.
Ấy là chưa kể trước mắt khoản nợ tiền tỷ phải trả. Ấy là chưa kể tôm cá, hoa quả sau một năm nuôi trồng, chăm sóc vừa vào vụ thu hoạch và vào thời điểm bán tốt nhất (giáp Tết) thì bị “cưỡng chế”. Đây thật sự là bị ăn cướp trắng trợn. Đây là nỗi đau tinh thần vô tận của con người. Con người lao động chân chính đã khổ vì nỗi toan lo nghèo khó còn bị xúc phạm, bị lăng nhục quá nặng nề.

3. Gia đình anh Vươn đã khiếu kiện nhiều lần mà không được giải quyết đúng pháp luật
Lần cuối cùng khi ra tòa, Tòa án Hải Phòng đã “hòa giải” bằng cách cho anh Đ.V.V và UBND huyện Tiên Lãng thỏa thuận: anh Vươn rút đơn còn UBNH huyện Tiên Lãng thì tiếp tục giao đất. Nhưng anh Đ.V.V đã bị lừa. UBNH huyện Tiên Lãng bỗng nhiên ra quyết định thu hồi và liền sau đó là cưỡng chế. Anh em Đ.V.V không những mất niềm tin vào sự minh bạch, công tâm của chính quyền địa phương mà cũng không còn đủ thời gian để khiếu kiện lên trên. Cho nên hành động chống trả như là một biện pháp ở trong tình thế khẩn cấp, chỉ cốt ngăn chặn tạm thời một hành động sai trái, gây thiệt hại lớn. Điều này có bằng chứng là trong khi các em anh Vươn chống trả lực lượng cưỡng chế thì anh Vươn tiếp tục đem đơn đi kiện.

4. Tiếng súng hoa cải của mấy anh em Đ.V.V thực ra gây thiệt hại không đáng kể trong khi giá trị thức tỉnh của nó lại rất lớn
Vụ việc cưỡng chế vỡ lở cho thấy nhiều vấn đề sai từ gốc mà bấy lâu nay không được giải quyết, cũng không được đặt ra một cách nghiêm chỉnh, cấp thiết. Đó là luật đất đai. Là tình trạng tham nhũng, lạm quyền. Riêng ở Hải Phòng qua vụ này, ta thấy lạm quyền một cách có hệ thống, cả hệ thống ngang (liên kết các ban ngành đoàn thể) lẫn hệ thống dọc (liên kết cấp trên cấp dưới). Báo chí cũng bị người có quyền thao túng, không còn là chỗ bấu víu của người dân oan như hồi mới đổi mới. Tất cả khiến cho người dân tuyệt vọng, không còn đâu là chỗ dựa để đòi công lý và chân lý. Tôi đã từng gặp trường hợp người đi khiếu kiện đất đai không thành, đến độ sinh ra mất trí, ôm túi hồ sơ đi lang thang không còn biết đường về.

Tiếng súng Đ.V.V như vậy có giá trị thức tỉnh toàn xã hội về những gì vô lý, bất công, bất cập ở nông thôn hiện nay. Về cả sự thờ ơ bấy lâu nay với số phận những con người dưới đáy xã hội.

Tất cả những điều trên khiến chúng ta nhận thấy vụ án gọi là “giết người” và “chống người thi hành công vụ” dứt khoát không chỉ căn cứ vào các điều luật, các quy định mà phải căn cứ vào ĐẠO LÝ. Trong vụ án cụ thể này, vào giữa thời điểm bức xúc này, theo tôi, đạo lý còn quan trọng hơn cả pháp lý. Nhân vật Bao Thanh Thiên trong phim Bao Thanh Thiên là hình tượng tiêu biểu cho sự nghiêm minh của pháp luật, đến khuôn mặt của nhân vật cũng là “mặt sắt” (thiết diện) thế mà nhiều vụ án, Bao Thanh Thiên lại xử theo đạo lý – mà ông gọi là “đạo trời”. Bao Thanh Thiên coi “đạo trời” còn trên cả “phép nước”. Vì đạo lý – đạo trời là những lẽ phải chung nhưng lại cụ thể mà nhiều khi các điều luật không thể bao hàm hết. Đạo lý – đạo trời có phần trừu tượng, vì đó là thứ luật không thành văn, nhưng đồng thời cũng hiển hiện trước mắt, ấy là suy nghĩ, tâm tư thực của mỗi con người. Suy nghĩ tâm tư này mãnh liệt đến độ nào đó thì biến thành dư luận xã hội.

Và dư luận xã hội thì cụ thể, quan sát được. Hàng trăm ý kiến (nếu kể cả các bình luận sau mỗi bài viết thì phải kể đến hàng vạn ý kiến) trong hơn một tháng qua cho thấy dư luận đều đứng về phía anh em anh Đ.V.V. Không một ai ủng hộ chính quyền Hải Phòng, chính quyền huyện Tiên Lãng và chính quyền xã Vinh Quang, ngoài chính họ! Đó là một dấu hiệu xấu cho chính quyền. Và điều đó cho thấy đạo trời vẫn hiển hiện khắp nhân gian. Nếu bỏ qua dư luận là coi thường đạo trời và sớm muộn sẽ bị trừng phạt.

Thực tế lịch sử Việt Nam cũng có khá nhiều vụ án được xử theo đạo lý (đạo trời). Dưới đây là ba ví dụ:

Hồi đầu thế kỷ XX, thời vua Thành Thái, ở Huế có vụ án cậu Hai Hót [v] mà người gây án là một anh thuyền chài. Người bị đánh chết có biệt danh là Hai Hót (do có tài tán nịnh, từng “hót” cho vua Thành Thái và được vua khen thưởng). Anh thuyền chài bắt được Hai Hót thông dâm với vợ mình, sẵn trong tay cái cọc chèo, anh đánh chết Hai Hót. Quan huyện phạt anh 15 năm tù, sau án trình lên tỉnh, hình phạt giảm còn 10 năm tù. Cuối cùng án lên tới vua. Vua Thành Thái tha bổng cho anh, lại còn phê những lời rất văn vẻ như sau:

Hại một người cứu muôn người
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già
Mệnh trời mà cũng quyền ta
Thấu tình đạt lý ta tha cho về.

Ngày 23-11-1925 có vụ xử cụ Phan Bội Châu của Tòa Đề hình (tòa án của người Pháp) tại Hà Nội. Ta biết cụ Phan Bội Châu là một nhà cách mạng chủ trương dùng bạo động lật đổ chính quyền thực dân, giành độc lập cho dân tộc. Chính Cụ chủ trương hoặc có liên quan, hoặc có ảnh hưởng đến một loạt sự kiện bạo động. Ví dụ, vụ ném tạc đạn giết chết tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn (13-4-1913), vụ ném tạc đạn vào khách sạn Hà Nội giết hai thiếu tá người Pháp (26-4-1913), cuộc đánh úp tỉnh lỵ Phú Thọ (6-1-1915), kế hoạch đánh Hà Khẩu (1915), cuộc phá ngục Lao Bảo (28-9-1915), cuộc khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên (1917), v.v..

Tòa chỉ xem xét những việc của cụ năm 1913 (xét lại cái án tử hình vắng mặt hồi ấy) chứ không để ý các việc về sau, chỉ thế, cụ đã bị quy vào các tội cấp vũ khí hoặc xúi giục dân Bắc Kỳ làm loạn. Trong tám tội, có một tội phải tử hình, còn lại là khổ sai chung thân, nhưng tòa “lượng thứ”, chỉ phạt khổ sai chung thân. Hai trạng sư người Pháp (do chính tòa cử) bào chữa cho Cụ có phản bác một số tình tiết “chưa đủ chứng cứ” nhưng chủ yếu dựa trên lòng ái quốc và nhân cách cao thượng, thuần khiết của Cụ. Ngoài ra họ cũng nói nguyên nhân sâu xa là do chính sách vô nhân đạo của chính quyền thuộc địa. Kết luận, hai trạng sư đều xin Tòa tha tội cho Cụ Phan. Cụ Phan sau đó cũng kháng án lên Hội đồng Bảo hộ. Ngày 5-12-1925, Varenne sang nhận chức toàn quyền Đông Dương, tới Hà Nội. Ông đã nghiên cứu ngay các đơn thư kiến nghị đồng thời tổ chức gặp gỡ sinh viên, trí thức, lắng nghe nguyện vọng của họ, và ngày 11-12-1925, ông đã ký lệnh ân xá cho cụ Phan. Và cũng ngay ngày hôm đó, Khâm sứ Trung Kỳ đem xe đón cụ Phan về Huế. Thật là một kỷ lục về sự giảm án dựa trên đạo lý và cũng kỷ lục về sự giải quyết nhanh (so với chúng ta ngày nay). Cụ Phan sau đó đã viết một bài cảm tạ Toàn quyền Varenne trên báo Trung Bắc tân văn ngày 14-1-1926[vi].

Năm 1928, xảy ra vụ án Đồng Nọc Nạn[vii] (Giá Rai, Bạc Liêu). Điền chủ Biện Toại, sau một thời gian khiếu kiện kéo dài vẫn không đòi lại được 50ha đất thừa hưởng của ông cha khai phá, cuối cùng đất đó bị cưa đôi cho kẻ tranh chấp với mình (Bang Tắc). Biện Toại sau đó vẫn cấy lúa trên đất mà chính quyền đã xử cho Bang Tắc, nhưng năm đó bị Bang Tắc cho người đến “thu tô”, coi Biện Toại như là tá điền của mình. Như vậy mức độ oan ức, bất công so với anh em Đ.V.V là nhẹ hơn rất nhiều. Vì anh em Đ.V.V trực tiếp khai phá, mảnh đất của họ vẫn còn mặn chát mồ hôi, nước mắt và cả tính mạng đứa con gái (chứ không phải thừa hưởng của cha như Biện Toại). Việc khai phá bãi bồi ven biển Hải Phòng cũng khó hơn cả trăm lần đất đồng bằng vùng Giá Rai, Bạc Liêu ngày trước. Và đất của anh em Đ.V.V bị cướp trắng chứ không phải dưới hình thức “thu tô” như Bang Tắc làm với Biện Toại. Việc “cưỡng chế” vụ Biện Toại cũng chỉ có sự hỗ trợ của hai ông cò Tây, chứ không phải hàng trăm cảnh sát có vũ trang. Kết quả là một cò Tây bị giết, còn gia đình Biện Toại thiệt mạng 4 người. Tòa xử tha bổng cho Biện Toại cùng một người em út và một con trai của ông. Cô Trọng, em gái ông, người đầu tiên có hành động “chống người thi hành công vụ”, bị tù 6 tháng, một người em rể tù 2 năm (do có tiền án ăn trộm trước đó). Kết quả xử án được dư luận ca ngợi vì họ nhìn vào nguyên nhân dẫn đến hành động chống đối chính quyền của người dân.

Xử theo đạo lý là cách xử mang tính chính trị - xã hội dành cho những vụ án có ảnh hưởng rộng lớn. Là cách để yên lòng dân. Đó là cách khôn ngoan của nhà cầm quyền xưa nay. Sẽ có người sợ xử như thế, dân được đà sẽ “lấn tới”. Nhưng thử xem, nếu xử theo kiểu dọa dân thì tương lai xa chưa biết thế nào nhưng trước mắt người dân sẽ chẳng tích cực làm ăn. Hàng triệu gia đình sẽ nhìn vào vụ Đ.V.V mà thất vọng, sẽ chẳng lao tâm khổ tứ trên mảnh đất “không phải của mình”, sẽ bỏ ruộng đất đi làm thuê lang thang, hoặc trở lại lối làm ăn cầm chừng ba mươi năm về trước, cái lối làm ăn đã làm cho nước nghèo dân hèn và đứng trên bờ vực của nạn đói.

Thay lời kết, tôi xin lấy ý kiến của ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang, ý kiến mà tôi rất tâm đắc: “Nếu tòa xử hợp lòng dân sẽ là tiền đề cho yên lòng dân, chớ không phải tiền lệ xúi giục dân chống chánh quyền mà cũng đã có người "lo xa". Vì xét cho cùng luật pháp là bảo vệ dân mà!”

Đ.T.T






[v] Theo Phạm Khắc Hòe: Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, 1986.

[vi] Phan Bội Châu toàn tập, tập 7, Nxb Thuận Hóa, 2000, tr. 25.


*Bài do tác giả gửi riêng NXD-Blog. Xin chân thành cảm ơn tác giả!
Đăng lần đầu: 09h50, ngày 15.2.2012







[i] http://xuandienhannom.blogspot.com/2012/01/hoang-xuan-phu-nhan-vu-tien-lang-ban-ve.html
[ii] http://xuandienhannom.blogspot.com/2012/02/ong-bay-nhi-len-tieng-ve-cong-va-toi.html
[iii] http://xuandienhannom.blogspot.com/2012/02/ts-to-van-truong-le.html
[iv] http://xuandienhannom.blogspot.com/2012/02/gs-nguyen-minh-thuyet-can-xac-inh-lai.html
[v] Theo Phạm Khắc Hòe: Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, 1986.
[vi] Phan Bội Châu toàn tập, tập 7, Nxb Thuận Hóa, 2000, tr. 25.
[vii] http://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_%C3%A1n_N%E1%BB%8Dc_N%E1%BA%A1n

*Bài do tác giả gửi riêng NXD-Blog. Xin chân thành cảm ơn tác giả!
Đăng lần đầu: 09h50, ngày 15.2.2012







1 comment:

View My Stats