Sunday 31 March 2013

NHỮNG THIỆT THÒI CỦA GIỚI TRẺ VIỆT NAM HÔM NAY (Jeffrey Thai - Danlambao)




31.3.13      15 Commentshttp://img2.blogblog.com/img/icon18_edit_allbkg.gif

Phác thảo chân dung của giới trẻ Việt Nam ngày hôm nay, người ta thấy hiện lên những đường nét của sự hoang mang, chán nản và mất định hướng. Họ không biết tin và nương tựa vào đâu, tin vào giá trị vĩnh hằng của những chân lý mà họ đã học được hay tin vào những giá trị thực tế đang thống trị xã hội và đang diễn ra trước mắt họ trong từng ngày giờ sống. Niềm tin sao hụt hẫng quá! Họ không biết nên sống như thế nào là đúng, bám chặt vào cái cũ hay theo đuổi cái mới mà phần lớn đến từ nước ngoài trong một không gian toàn cầu hóa. Đúng và sai sao nhập nhòa quá! Hiện giờ, họ không có quyền tự do để lựa chọn và quyết định số phận của mình. Nhưng ngay cả khi họ được trao ban cho những quyền đó, người ta cũng không chắc là họ có thực sự biết là mình nên lựa chọn gì và quyết định số phận của mình ra sao không.

Vì sao lại là như thế?

Những giá trị đạo đức truyền thống vốn là căn bản chung cho mọi dân tộc ở mọi thời đại (như sự chân thật, lòng dũng cảm, đức vị tha...) hiện không còn chỗ đứng trong xã hội VN. Lên tiếng về sự suy thoái toàn diện ấy, ngay từ năm 1994, tức là khi chỉ đang ở giữa lưng chừng của con dốc xuống, nhà thơ Bùi Minh Quốc - một nhà thơ cộng sản - đã khái quát hóa chân dung xã hội ấy qua bài thơ "Bài thơ tháng Tám", trong đó có hai câu:

Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa,
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi.

Vâng! Đó là một xã hội ngập ngụa những bất công, phi lý và giả dối, trong đó, vị trí của cái thiện và cái ác đã bị hoán đổi hoàn toàn và lằn ranh giữa đúng và sai là vô cùng mong manh.

Khi lớn lên và bắt đầu đối diện với một đời sống xã hội như thế, mỗi một người trẻ đều ngay lập tức thấy mình đang đứng ở một ngã ba đường. Ngã rẽ phải là ngã sống thiện lương theo những chuẩn mực đạo đức truyền thống (trung thực, dũng cảm, vị tha...), nhưng tiếc thay, đó lại là một ngõ cụt không lối thoát. Chọn lối ấy là một hình thức tự sát cá nhân mà những người trẻ có thể dự cảm trước được và do đó, chẳng dại gì chọn lấy nó. Ngã rẽ trái là sự lựa chọn duy nhất còn sót lại, cũng là ngã để sống còn. Chọn lối sống rẽ trái, những người trẻ sống theo dòng chảy của xã hội: giả dối đến tận cùng, đớn hèn đến bạc nhược và vô cảm, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình...

Không chỉ những người trẻ còn non nớt mới phải lựa chọn, ngay cả những bậc phụ huynh cũng buộc phải lựa chọn một trong hai con đường khi giáo dục con trẻ. Con đường thứ nhất là giáo dục đứa trẻ tất cả những gì tốt đẹp nhất để nó có thể trở thành một con người chân chính khi trưởng thành. Tuy nhiên, làm như thế cũng có nghĩa là họ dồn con mình vào tử lộ, khi biến chúng thành những con người lập dị và hoàn toàn lạc lõng trong một xã hội mà thực tế hoàn toàn đối lập. Những đứa trẻ ấy không thể sống còn và tồn tại được. Do đó, dẫu muốn hay không, họ phải chấp nhận thỏa hiệp để giáo dục con họ thành những phiên bản thu nhỏ của xã hội, để chúng có thể hội nhập và phất lên, dù rằng có thể sau này, họ phải ngán ngẫm, thậm chí lãnh chịu hậu quả, cho thành phẩm bất lương ấy mà mình đã tạo dựng nên.

Chấp nhận chọn lối rẽ trái, được giáo dục từ gia đình để rẽ trái, giới trẻ bước vào đời với một tâm thế luôn bất an vì sự xung đột nội tâm mạnh mẽ giữa bản chất thiện lương bẩm sinh và những ứng xử thỏa hiệp phi lý để sinh tồn, theo như con đường mà mình đã chọn. Tâm thế bất an ấy chính là một trong những nguyên nhân lớn khiến giới trẻ cảm thấy hoang mang, chán nản và mất định hướng. Người ta chỉ có thể định hình được cho mình một lý tưởng sống, một mục đích lớn cho đời sống, khi những nhận thức và suy nghĩ cá nhân mà mình cho là đúng đắn được sự hỗ trợ đồng điệu và có bệ phóng thăng hoa từ hiện thực xã hội. Một hiện thực hoàn toàn trái ngược, tất nhiên, đã làm cho giới trẻ hụt hẫng và buông xuôi mọi nỗ lực, để rồi bị cuốn theo mọi thứ có vẻ ngoài lấp lánh và bị gói gọn vào những điều vụn vặt và nhảm nhí, vốn là thiên hướng tự nhiên của những con người "bé nhỏ" với những tâm hồn rất "nhỏ".

Thực ra, giới trẻ ngày hôm nay quan tâm những gì? Xã hội ư? Đất nước ư? Dân tộc ư? Lý tưởng sống ư? Đó là những câu trả lời khôi hài, vì chúng là những khái niệm lớn, thậm chí là quá lớn đối với họ. Giới trẻ ngày hôm nay chỉ quan tâm đến những gì lấp lánh, giật gân, vụn vặt và nhảm nhí, càng nhảm nhí càng tốt. Hành động họ tôn sùng một cách dữ dội, gần như điên cuồng các thần tượng của mình, nhất là các thần tượng nước ngoài, nếu xét kỹ, là một hành động vô thức nhằm khỏa lấp sự trống rỗng của các giá trị bản thân, và là một sự bám víu tuyệt vọng vào bất kỳ một giá trị ngoại thân nào mà họ nghĩ là hùng vĩ và có thật, và họ khát khao mơ ước. Đó là một hành động rất đáng tội nghiệp, vì một người có chút ít lòng tự trọng về bản thân mình sẽ không bao giờ ứng xử như thế.

Việc giới trẻ sa đà vào những điều vụn vặt và nhảm nhí là một hệ quả tất nhiên khi mà chân lý và các giá trị lớn đã phá sản, không còn hiện hữu nữa. Trong bối cảnh xã hội VN hiện tại, khi mà sự giả dối đã thực sự lên ngôi, thật khó cho bất kỳ một chân lý hay một giá trị lớn nào có thể tồn tại và đứng vững, duy trì được niềm tin ở con người. Làm sao có thể tin được bất kỳ điều gì lớn lao khi mà bản thân sự trung thực đã trở thành một điều hoàn toàn xa lạ, nếu không muốn nói là quái dị trong đời sống. Trong một xã hội giả trá ở mọi lãnh vực, mọi ngành, mọi nghề, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải như thế, kẻ sống trung thực há chẳng giống như một quái nhân lắm sao.

Không tin được vào những điều lớn lao, thôi thì đọc, biết, nhìn và tin vào những điều vụn vặt vậy. Âu đó cũng là một cứu cánh, một sự cứu rỗi. Những điều vụn vặt vốn chỉ mang những ý nghĩ vụn vặt, vì thế chẳng có gì để phải suy nghĩ nhiều, để phải hụt hẫng nhiều. Xét theo ý nghĩa đó, những điều nhảm nhí càng tốt hơn nữa, càng nhảm nhí, càng tốt. Có thể thấy rất rõ một sự ngưỡng mộ và quan tâm rất lớn ở giới trẻ hiện nay đối với những gì nhảm nhí. Họ thích đọc, xem, nghe và bàn về những điều nhảm nhí, về những nhân vật nhảm nhí, về tất cả những gì nhảm nhí. Họ đã tạo dựng nên cho chính bản thân họ ấn tượng về một thế hệ trẻ nhảm nhí, và từ đó, vô hình trung, hình thành nên một "cặp đôi hoàn hảo": Một thế hệ trẻ nhảm nhí "song ca" cùng một xã hội nhảm nhí.

Giới trẻ ngày hôm nay, cho dù có nhận thức hay không nhận thức được về sự nhảm nhí của mình, qua phân tích như trên, chỉ là thành phẩm của xã hội. Mà đã là thành phẩm thì ta không thể nào đổ trút hết mọi trách nhiệm lên họ được, vì trước khi thành phẩm ra đời luôn phải hiện diện một chu trình sản xuất đóng vai trò quyết định. Xã hội (song hành cùng giáo dục) chính là cái chu trình sản xuất ấy. Chính chúng phải gánh trách nhiệm cho những thành phẩm méo mó này, cũng đồng nghĩa với những thiệt thòi to lớn mà giới trẻ phải hứng chịu. Cái điều tồi tệ nhất mà cái xã hội ấy đặt để cho họ chính là ở chỗ: Họ không có quyền phản kháng và vùng vẫy. Trật tự xã hội đã được thiết kế một cách rất chặt chẽ để định vị họ ở vị trí của những kẻ phục tùng tuyệt đối. Họ không có quyền lựa chọn hay quyết định một điều gì cả, cho dù ngay cả đối với số phận của họ, chứ đừng nói gì đến xã hội hay quốc gia. Nói một cách tổng thể, họ không có tự do ngoại tại - thứ tự do có thể được định nghĩa như là "sự tự do chọn lựa, tự do sinh hoạt, tự do hành động về phương diện chính trị và xã hội, nhằm thỏa mãn sở thích cá nhân".

Để chuẩn bị cho giới trẻ trở thành những kẻ tuân thủ tuyệt đối khi gia nhập vào xã hội, ngay khi còn ở nhà trường, nền giáo dục đã tước đoạt ở họ một điều vô cùng quí giá: Đó là ý thức về tự do, mà cụ thể hơn là tự do nội tại. Tự do nội tại là trạng thái thoát khoải mọi sự ràng buộc và áp đặt, con người làm chủ bản thân trong tất cả mọi cảm xúc, suy nghĩ và hành động của mình. Khái niệm tự do nội tại là một khái niệm mặc nhiên và phổ biến ở mọi xã hội và học đường phương Tây. Bằng cách này hay bằng cách khác, giới trẻ luôn được tạo điều kiện để tiếp cận và lĩnh hội nó. Chính ý thức về tự do nội tại này giúp giới trẻ định hình nên được chân dung của bản thân mình, của cuộc sống mình, và của cả thân phận mình. Nó chính là công cụ giúp cho họ có thể giải phóng mình ra khỏi mọi bi kịch đặt để lên số phận, khỏi mọi sự sợ hãi cố hữu của bản năng con người, từ đó tự định đoạt số phận mình theo chiều hướng mà mình nghĩ là tốt nhất.

Thiếu vắng sự tự do nội tại này, những con người trẻ sẽ phát triển còi cọc và khiếm khuyết về mặt tinh thần và trí tuệ, họ không có khả năng để hướng đến những điều vĩ mô, mà sa đà và ngày càng lún sâu hơn vào những điều vi mô, mà giới trẻ VN hiện thời là một minh chứng sống và thuyết phục. Trong suốt những năm tháng ở nhà trường của giới trẻ, nền giáo dục VN không làm gì khác ngoài việc hướng dẫn và xem xét những gì họ được quyền nghĩ và được quyền nói, cũng như gieo trồng trong họ một ý thức bất di, bất dịch rằng số phận của họ, cũng như của toàn dân tộc, đã có những nhà lãnh đạo cấp cao lo, họ không phải bận tâm làm gì.

Nơi nào không có tự do, giả trá sẽ phát sinh. Thay vì được giáo dục ý thức về tự do, giới trẻ đã được tập làm quen với những điều giả trá từ rất sớm. Những sự thật lịch sử giả trá, những huyền thoại giả trá, và cả những anh hùng giả trá đã được tạo dựng nên một cách công phu và kỹ lưỡng để đưa giới trẻ vào một cơn mê mịt mù về ý thức hệ cộng sản. Ở trong ý thức hệ ấy, họ được đào tạo để trở thành những con thiêu thân phục tùng vô điều kiện, mà cứu cánh là những ánh đèn sáng lóa. Những con thiêu thân này luôn chết trước khi chạm được vào ánh đèn ấy, cũng như họ sẽ chẳng bao giờ có dịp để được chiêm ngưỡng cái được gọi là "thiên đường cộng sản". Thiên đường ấy chưa hề bao giờ có thật.

Việc giết chết ý thức về tự do này ở giới trẻ trong học đường bằng một nền giáo dục phi nhân bản chính là nguyên nhân lớn nhất tạo dựng nên một thế hệ trẻ VN "khuyết tật" như ngày hôm nay. Tuổi trẻ là tiền đồ của đất nước. Những thiệt thòi to lớn của giới trẻ VN ngày hôm nay cũng chính là những thiệt thòi to lớn của cả một dân tộc. Lịch sử rồi sẽ phán quyết điều đó.

30/03/2013





1 comment:

View My Stats