Việt
Nam : VinFast tấn công vào thị trường xe hơi điện cao cấp châu Âu
Thụy
My -
RFI
Đăng ngày: 25/09/2021 - 17:48
Le
Monde cuối tuần chú ý đến việc tập đoàn VinFast của Việt
Nam tấn công vào thị trường xe hơi chạy điện cao cấp. VinFast sẽ tung ra hai mẫu
xe địa hình tại Pháp và Đức vào cuối năm 2022.
https://s.rfi.fr/media/display/529526ee-1e15-11ec-888b-005056a97e36/w:900/p:16x9/vinfast_01.webp
Công nhân hãng xe
hơi VinFast trong lễ khai trương nhà máy tại Hải Phòng, Việt Nam. Ảnh tư liệu
chụp ngày 14/06/2019. REUTERS - Nguyen Huy Kham
Cách đây không lâu, việc một nhà sản xuất xe
hơi Việt Nam không tên tuổi muốn đặt chân vào thị trường cao cấp không được
quan tâm lắm. Ngày nay, sự xuất hiện của thương hiệu VinFast không gây ngạc
nhiên, vì xe chạy điện là xu hướng của kỹ nghệ xe hơi, các rào cản công nghệ dần
được tháo gỡ. Thành công của Tesla cho thấy vẫn còn chỗ cho các khuôn mặt mới,
từ lãnh vực công nghệ cao như Hoa Vi hay Apple, cho đến các nhân tố đến từ những
nước đang tìm kiếm một ngọn cờ đầu.
Từ sau khi tham dự Triển lãm xe hơi thế giới
2018 tại Paris, VinFast đã
xây dựng một nhà máy có năng lực 250.000 xe một năm tại Hải Phòng, đầu tư 4,4 tỉ
đô la. Sau khi cho ra đời 30.000 xe dựa trên công nghệ của BMW và
General Motors trong năm 2020, hôm thứ Năm 23/09 tại Torino (Ý), VinFast đã giới
thiệu hai mẫu xe 100% dùng điện, sẽ bán ra tại Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan
vào năm 2022, và sẽ ra thêm các mẫu mới trong tương lai.
Xuất xứ Việt Nam
không phải là điểm bất lợi
Được hãng Pininfarina của Ý vẽ kiểu, hai mẫu
e35 và e36 có thiết kế hài hòa, màn hình trung tâm 15,4 feed, bình điện dung lượng
lớn (90-110 kw/h) để có thể chạy được trên 500 km không cần nạp điện. VinFast hợp
đồng với các nhà sản xuất nội thất nổi tiếng (Bosch, ZF, Faurecia), tham khảo
các nhà cung cấp bình điện và hệ thống điện Trung Quốc, Đài Loan, Israel để
không lệ thuộc vào một nguồn công nghệ duy nhất. VinFast cũng tuyển mộ được các
chuyên gia từ Tesla, Toyota, Nissan, và cả Michael Lohscheller, cựu giám đốc
hãng Opel.
Thomas Chrétien,
giám đốc marketing ở châu Âu khẳng định xe của VinFast cao cấp với trang bị nội
thất hàng đầu, nhưng giá cả phải chăng, khác với chiến lược giá rẻ của các hãng
Trung Quốc MG hay Aiways. Vì sao không mua lại một thương hiệu châu Âu đã có sẵn
thị trường ? Christophe Mercier, phụ trách hậu mãi của VinFast cho
biết, muốn bắt đầu từ một trang giấy trắng. Theo ông, « xuất xứ Việt Nam của
thương hiệu không hề bất lợi. Tại châu Âu, nó mang lại một hình ảnh trung dung,
thậm chí dễ mến », khác với Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Sức sống của dự án chủ yếu dựa vào tập đoàn mẹ
VinGroup, do ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam thành lập, bắt đầu từ
việc bán mì ăn liền ở Ukraina và nay trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất nước.
Doanh số hàng năm của VinFast là 16 tỉ đô la, chiếm trên 2% GDP Việt Nam. Nhãn
hiệu xe hơi này có thể tạo điều kiện cho VinGroup vươn ra nước ngoài trong những
lãnh vực khác (địa ốc, giáo dục, y tế, phân phối lưu thông, du lịch). Việt Nam
không phải là nước duy nhất muốn trỗi dậy nhờ cuộc cách mạng xe hơi điện, nhưng
hiện giờ các dự án tại Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út vẫn chưa tiến triển.
AUKUS : Sự kiện
được so với bức tường Berlin, Nixon bắt tay Mao
Về liên minh AUKUS, Le Point và The Local (được
Courrier International trích dịch), có cùng ý tưởng, gọi đó là « Coup de
Trafalgar » ở Thái Bình Dương - từ ngữ chỉ một sự kiện để lại hậu quả
nghiêm trọng lâu dài. The Economist so sánh với sự kiện kinh đào Suez năm 1956,
Nixon sang Trung Quốc năm 1972 và bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Sự đối địch
giữa Trung Quốc và Mỹ cùng với các đồng minh sẽ diễn ra trên nhiều lãnh vực
trong nhiều năm tới. Đây là thách thức địa chính trị quyết định của thế kỷ 21,
và AUKUS là dấu mốc mới, định hình lại thế trận ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Le Point nhắc lại, ngày 17/11/2011 trước Quốc
Hội Úc, tổng thống Mỹ Obama khẳng định Hoa Kỳ sẽ xoay trục sang châu Á.
Washington quyết tâm đóng vai nhân tố chính ở Châu Á-Thái Bình Dương, tránh việc
Trung Quốc trở thành tương lai còn Hoa Kỳ là quá khứ. Donald Trump rồi Joe
Biden cũng đi theo hướng này. Mười năm sau, AUKUS mới ra đời.
Úc là trung tâm căng thẳng mới, không chỉ
vì vị trí địa lý, mà còn tiêu biểu cho thế lưỡng nan của phương Tây trước Bắc
Kinh : làm thế nào tiếp tục buôn bán với một nước luôn đòi hỏi các đối tác
phải phục tùng về chính trị ? Một phần ba trao đổi thương mại của Úc là với
Trung Quốc, nhưng từ khi loại Hoa Vi (Huawei) khỏi mạng 5G và đòi mở điều tra độc
lập về xuất xứ con virus ở Vũ Hán, đòn thù của Bắc Kinh làm Canberra lao đao và
phải tìm cách tự vệ.
Tàu ngầm nguyên tử :
Bước chuyển chiến lược để đối phó với Trung Quốc
Liên minh ba bên với Washington và Luân Đôn
không chỉ liên quan đến tàu ngầm nhưng cả về an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo,
máy tính lượng tử…Đối với Úc, Hoa Kỳ mang lại bảo đảm an ninh mạnh mẽ hơn là
Pháp. Tàu ngầm Mỹ tàng hình giỏi hơn, các hỏa tiễn hành trình Tomahawk mang
tính răn đe hơn. Sự phẫn nộ của Paris là chính đáng, nhưng cũng cần phải hiểu
là Úc muốn Hải quân được trang bị tốt hơn, Hoa Kỳ mong giành lại lãnh địa đã bỏ
rơi cho Trung Quốc, và Anh muốn chứng tỏ vẫn có ảnh hưởng lớn sau Brexit.
Về mặt kỹ thuật, The Economist cho biết, loại
tàu ngầm như Shortfin Barracuda rất ít gây tiếng động khi chạy bằng điện, phù hợp
để bảo vệ vùng duyên hải Úc so với tàu ngầm nguyên tử. Nhưng ở vùng nước rất
sâu và vùng biển xa, tàu ngầm năng lượng hạt nhân có thể ẩn náu giữa các tầng
nước lạnh và nóng, trở nên vô thanh và chạy rất nhanh. Giấu mình dưới nước lâu
hơn, tàu ngầm nguyên tử có thể thu thập thông tin tình báo, gây nguy hiểm cho
chiến hạm và tàu ngầm Trung Quốc.
Chuyển từ tàu ngầm chạy bằng diesel và điện
sang nguyên tử không chỉ là vấn đề động cơ, mà là một sự thay đổi chiến lược. Đội
tàu này giúp bao quát được từ eo biển Malacca đến ngoài khơi Đài Loan, chưa kể
khả năng bắn hỏa tiễn tầm xa đến tận Hoa lục.
Lâu nay Bắc Kinh vẫn hà hiếp các nước đòi hỏi
chủ quyền Biển Đông, bất chấp phán quyết trọng tài. Chiến thuật « vùng
xám » tỏ ra hiệu quả, khiến Việt Nam phải chấm dứt khai thác dầu khí tại
vùng đặc quyền kinh tế của mình, ngư dân Philippines mất đi sinh kế. Một số nước
ASEAN như Philippines, Singapore công khai hoan nghênh AUKUS, Việt Nam cũng có
thể như thế nhưng lặng lẽ hơn.
Pháp, thành viên
EU duy nhất tại Ấn Độ-Thái Bình Dương
Nếu Pháp bị loại ra ngoài, đó là do Paris bị
coi như một mắt xích yếu - ít nhất là yếu hơn giải pháp Mỹ-Anh - và có vẻ thỏa
hiệp với Trung Quốc. Dù vậy, trên lý thuyết Pháp phải là đối tác lý tưởng của
AUKUS : nước châu Âu duy nhất là nhân tố Ấn Độ-Thái Bình Dương nhờ vùng đặc
quyền kinh tế rộng đến 9 triệu kilomet vuông với các lãnh thổ hải ngoại gần 2
triệu dân ; là đối tác lâu đời của Nhật Bản, Ấn Độ, Úc.
The Local đặt vấn đề, trước hết, nước nào ở
sát phía tây nước Úc ? Nước nào ở sát bên đông, và nước nào trải rộng nhất
xung quanh ? Cả ba câu hỏi trên đều có cùng một câu trả lời, đó là Pháp.
Láng giềng của Úc phía Ấn Độ Dương là đảo Réunion, phía đông là Tân Calédonie đều
thuộc Pháp. Không chỉ là một hợp đồng tàu ngầm vài chục tỉ đô la, mà còn là vai
trò của Paris tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Theo Le Point, cú đá giò lái vừa rồi ảnh hưởng
đến uy tín của Pháp, nhưng chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương không thay đổi.
Paris có đủ lý lẽ cho việc lãnh đạo sự « xoay trục » Liên Hiệp Châu
Âu về hướng khu vực đang làm ra phân nửa của cải thế giới. Pháp không nên quá tự
ái, sẽ khó chinh phục các đối tác, « một khi leo lên cây cao, khó nhất là
lúc trèo xuống ». Thật ra Pháp cũng không thể làm gì hơn được. Đức đang bận
rộn với chiến dịch tranh cử, đa số các nước EU không muốn tranh cãi với Chú
Sam, và không nước châu Âu nào sở hữu được một hòn đảo tại Thái Bình Dương hay Ấn
Độ Dương.
Trung Quốc xin gia
nhập CPTPP để thọc gậy bánh xe
Tuần báo Anh chỉ trích việc Mỹ bỏ rơi Pháp, đồng
minh quan trọng, là một sai lầm thứ hai sau vụ rút quân khỏi Afghanistan và việc
Mỹ quá chú trọng khía cạnh quân sự mà quên đi ngoại giao và các công cụ khác. Bắc
Kinh phản ứng với AUKUS bằng cách ngay ngày hôm sau nộp đơn xin gia nhập CPTPP,
hiệp ước tự do mậu dịch 11 nước do Washington vận động nhằm bao vây Trung Quốc
nhưng sau đó lại từ bỏ.
Theo tờ báo, trước mắt khó có khả năng Trung
Quốc được gia nhập. Để trở nên thành viên CPTPP, Việt Nam đã phải chấp nhận giảm
các ưu đãi cho doanh nghiệp quốc doanh, minh bạch hơn trong các hoạt động,
trong khi đó Trung Quốc đang đi theo hướng ngược lại. Các nước CPTPP cam kết
chuyển giao thông tin, còn Bắc Kinh tháng trước ra luật ngăn trở các công ty
ngoại quốc chuyển dữ liệu ra khỏi Hoa lục.
Quan hệ giữa Bắc Kinh với các đối tác lớn và
láng giềng đã xấu đi hẳn, khiến việc gia nhập khó khăn hơn rất nhiều so với lúc
xin vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Tuy nhiên, hồi bắt đầu đàm
phán TPP, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất, nay trong số các nước thành
viên chỉ có Canada và Mêhicô buôn bán với Mỹ nhiều hơn Trung Quốc. Theo một ước
tính, nếu Trung Quốc tham gia CPTPP, lợi tức của khối từ 147 tỉ đô la một năm sẽ
tăng lên 632 tỉ đô la.
Nhưng đối với một số chính phủ như Nhật và Úc,
quan hệ với Bắc Kinh tệ hại đến nỗi không thể nào chấp nhận được thành viên
này. Charles Finny, một nhà cựu ngoại giao New Zealand từng tham gia thương thảo
với Trung Quốc nhận định, đây là việc thọc gậy bánh xe, Bắc Kinh muốn đào hố
sâu chia rẽ giữa các nước chú tâm đến lợi ích kinh tế và những nước coi Trung
Quốc là mối đe dọa về chính trị.
Báo chí quốc tế đồng
loạt nói lời tạm biệt Angela Markel
Không hẹn mà nên, « Auf
Wiedersehen » (Tạm biệt) là tít lớn trang nhất mà L’Express cùng với các tờ
báo Le Figaro, Libération ra ngày cuối tuần đều dành cho thủ tướng sắp mãn nhiệm
của nước Đức trên trang bìa, với ảnh bà Angela Merkel trong bộ trang phục giản
dị quen thuộc. Courrier International chạy tựa tiếng Pháp « Au revoir
Angela », The Economist nói về « Sự hỗn độn mà Merkel để lại phía
sau », và ra hẳn một số chuyên đề riêng về bà. Các tuần báo khác do đã
dành số kỳ trước cho người phụ nữ đã lãnh đạo nước Đức 16 năm qua, chuyên đề tuần
này của Le Point xếp hạng các bệnh viện, còn L’Obs nói về địa ốc.
Angela Merkel là phụ nữ đầu tiên và cũng là
người trẻ nhất giữ chức thủ tướng vào lúc đó (51 tuổi), nay chuẩn bị ra đi. Hồ
sơ của các báo điểm lại sự nghiệp của bà, người đã vững vàng đi qua nhiều giông
bão : khủng hoảng tài chính năm 2008, nợ công Hy Lạp 2011, khủng hoảng di
dân 2015, đại dịch Covid 2020.
Bốn may mắn của
Angela Merkel
L’Express cho rằng Angela Merkel là người có
nhiều may mắn. Không có một lãnh đạo quốc gia dân chủ nào tại vị lâu như bà, và
tự ý rời quyền lực khi uy tín còn đang trên đỉnh cao. Báo chí quốc tế nói về sự
nghiệp của Merkel, nhưng quên mất đi một yếu tố quan trọng là sự may mắn. Bà xuất
hiện đúng nơi, đúng lúc và biết tận dụng cơ hội.
Bắt đầu bằng sự khác biệt. Nữ thủ tướng đầu
tiên của Đức xuất thân từ một quốc gia không còn hiện hữu là Cộng hòa Dân chủ Đức,
có hai cuộc sống trước và sau sự sụp đổ của bức tường Berlin, 35 năm dưới một
chế độ toàn trị và 30 năm trong chính thể dân chủ.
Cơ hội thứ hai : bà tượng trưng cho tất cả
những gì mà một nước Đức thống nhất cần đến vào lúc đó, năm 1990 : đảng bảo
thủ Tây Đức gồm toàn nam giới Thiên Chúa giáo muốn có một khuôn mặt từ Đông Đức
và là phụ nữ. May mắn thứ ba : Merkel đang là dân biểu, bộ trưởng và tổng
thư ký đảng CDU vào lúc hai khuôn mặt hàng đầu là Helmut Kohl và Wolfgang
Schauble bị tai tiếng quỹ đen. Thứ tư, tính cách mạnh mẽ, điềm tĩnh của Angela
Merkel là những gì đất nước cần đến, trước những cuộc khủng hoảng liên tục từ
năm 2005 đến năm 2021.
Nhà khoa học trở
thành chính khách chưa bao giờ hứa hão
Bà trở thành thủ tướng vào đầu thế kỷ 21, khi
các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín làm đảo lộn địa chính trị thế giới. Từ năm
2015 đến nay, các nền dân chủ tự do bị rung chuyển vì Brexit, Donald Trump, làn
sóng dân túy, các thảm họa khí hậu và đại dịch Covid. Vì Nga xâm chiếm Crimée
và xúi giục Donbass ly khai, Trung Quốc trở thành đại cường kinh tế và quân sự
hiếu chiến. Vì thất bại của can thiệp phương Tây vào Trung Đông,
Afghanistan ; bất đồng nội bộ trong Liên Hiệp Châu Âu ; sự thụ động của
NATO ; Mỹ xa rời châu Âu…
Merkel đã xử lý các khủng hoảng với quan tâm
thường trực về một châu Âu đoàn kết, tuy nhiên không có sáng tạo, không có những
động thái táo bạo mà EU cần đến, gây bất bình cho các tổng thống Pháp vì khư
khư nguyên tắc kỷ luật ngân sách. Tuy nhiên, bà không có được quyền tự chủ rộng
rãi như tổng thống Pháp, không thể ra quyết định mà trước đó không thuyết phục
được Quốc Hội. Rốt cuộc, người chấp nhận cứu vãn Hy Lạp, kế hoạch tái thúc đẩy
quy mô cho EU là Angela Merkel, tuy mất nhiều thời gian nhưng bà đã có quyết định.
Trong 16 năm cầm quyền, nhà khoa học chuyển
sang làm chính trị luôn là một nhà lãnh đạo đặt đạo đức lên hàng đầu. Không chỉ
có câu nói nổi tiếng « Wir schaffen das » (Chúng ta có thể làm được
điều đó) khi đón tiếp 1 triệu người tị nạn Syria. Angela Merkel thường thay đổi
ý kiến, nhưng bà chưa bao giờ hứa hão. Vắng bà, châu Âu mất đi một la bàn đạo đức
trong một thế giới đang chao đảo. Còn đối với giới trẻ Đức, khuôn mặt nhà
lãnh đạo nữ quen thuộc đến nỗi có câu chuyện là một cậu bé hỏi mẹ, liệu nam giới
có thể lên làm thủ tướng được không.
No comments:
Post a Comment