28/09/2021
https://baotiengdan.com/2021/09/28/lan-man-lam-chuyen-phan-12/
Tiếp theo Phần
1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 — Phần 5 — Phần 6 — Phần 7 — Phần 8 — Phần 9 — Phần 10 — Phần 11
*
Mới cách đây ít phút, báo đã đăng tin ca sĩ
Phi Nhung qua đời vì virus Vũ Hán sau một thời gian dài chống chọi với bệnh và
lắm tin đồn. Dịch bệnh đã cướp đi nhiều người, trong đó có nhiều người tài năng
và tên tuổi. Tiếc nuối và buồn đau là tâm trạng chung của nhiều người khi nhận
tin những người thân, người quen và những người nổi tiếng ra đi vì dịch bệnh.
Và những lúc ấy, người ta chợt nghĩ danh vọng mà chi, tiền tài làm gì, bao sân
si của cuộc sống rồi cũng buông tay trở về với cát bụi. Đến cái hột nút áo cũng
bị cắt đi không mang được qua thế giới bên kia.
Hai bàn tay trống và cái túi rỗng. Vậy sao còn
có người không biết mệt mỏi cứ chửi người này đến người khác, khoe mãi kho vàng
bạc châu báu của mình, tự hào mãi chút sắc đẹp của thân thể và khuôn mặt trời
cho. Cuối cùng cũng chỉ là nắm xương, đoạn cuối của đời người cũng chỉ là nắm
tro để về với cát bụi. Ganh đua, ganh ghét, thị phi nhau làm gì khi những thứ ấy
chỉ làm cho đời sống thêm nặng nề, tâm lý thêm bất an. Cái cần để lại cho đời
là tiếng thơm và sự tiếc nuối chứ không phải là bia miệng và ngàn lời nguyền rủa.
Lòng tham của con người là vô tận, đã giàu lại
muốn giàu thêm, ham muốn của con người sẽ khó mà dừng lại và vì danh lợi người
ta bất chấp tất cả. Đạo lý, lòng nhân, sự đồng cảm và tình yêu thương chẳng còn
giá trị khi đồng tiền là mục đích sống.
Đã nhiều lần tôi nói đến chuyện chọc ngoáy
toàn diện khắp nước từ khi có dịch. Và cũng đã nhiều lần tôi nhắc đến một cách
kín đáo về lý do vì không tiện nói. Mới đây trên báo chí có đăng ý kiến của ông
Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội
doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết giá bộ test xét nghiệm nhanh Covid-19 mua số
lượng lớn tại nước ngoài chỉ khoảng 1,5 USD/test tức là 35.000 đồng/test.
Ông này là người của Đảng nhé, không phải là
tên chống đối, phản động đâu nha. Ông cho rằng một kit test chỉ có giá 35.000 đồng
tiền Việt, mà sao về đến Việt Nam giá lại lên cao đến thế? Lên trên mạng, giá ở
Châu Âu cũng chỉ có 1 đô la một kit, tức chỉ khoảng 25.000 đồng tiền Việt.
Giá các đơn vị đấu thầu là 70.000 đồng một bộ
và giá người xét nghiệm phải trả là từ 200.000 đến 300.000 đồng. Một con số
tăng lên kinh khủng. Cũng theo ông Hồng [Anh] nếu như Bộ Y tế chủ trì cùng các
địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất bộ test xét nghiệm nhanh để
mua số lượng lớn đến 100 triệu bộ thì chi phí chắc sẽ còn rẻ hơn nữa. Thế thì tại sao Bộ phải mua qua
các công ty tư nhân nhập kit về bán. Hỏi thì Bộ Y tế tìm cách lấp liếm, trốn
trách nhiệm và báo là chưa có quy định rõ về giá cả kit test.
Vừa rồi khi tháp tùng cùng ông Vương Đình Huệ
qua châu Âu, T&T Pharma, một công ty tư nhân ở Hà Nội cũng đã ký hợp đồng hợp
tác sản xuất và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất kit xét nghiệm Covid-19
Realtime RT-PCR từ Công ty GERBION GmbH&Co.KG của Đức. Theo đó, đối tác sẽ
chuyển giao công nghệ sản xuất kit xét nghiệm Realtime RT-PCR Virella
SARS-CoV-2 seqc và hợp tác với T&T Pharma để sản xuất loại kit xét nghiệm
này tại Việt Nam.
Trước đó, rất nhiều kit test đang sử dụng tại
Việt Nam cũng đều do Tập đoàn Vingroup cung ứng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số lượng xét nghiệm
từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện cho 51.904.476 lượt người. Nếu lấy số lượt
người được xét nghiệm nhân lên với số tiền chênh lệch, con số là một lợi nhuận
khủng khiếp. Tôi dở tính toán, chỉ tính được đến con số triệu là run tay rồi,
do đó không tính nổi con số tỷ đồng. Cứ tạm cho mỗi xét nghiệm chênh lệch
100.000 đồng thôi, nhân lên với gần 52 triệu lượt, con số sẽ là bao nhiêu?
Nhưng chuyện chọc ngoáy vẫn chưa dừng lại ở đây, nó vẫn tiếp tục diễn ra hàng
ngày trên thành phố này, ở đất nước này.
Xin hỏi số tiền thu được này đi về đâu? Chắc hẳn
là không vào ngân sách quốc gia rồi. Bởi vậy người ta đồn nhau chuyện vaccine
và kit test ở Việt Nam là một cuộc đấu đá khốc liệt. Nó cũng như canh bạc, trường
vốn thì thắng. Nó cũng như cuộc chơi, ai có chỗ dựa lưng vững thì cứ thế mà
tung hoành. Nó là chiến trường, liều lĩnh, bạo gan, bắn nhanh thì sống, bắn chậm
thì chết thôi.
Chỉ có điều làm giàu, thu lợi, đút túi trong cảnh
đại dịch, khi gần 20.000 người chết, bao trẻ mồ côi, bao gia đình ly tán như
lúc này thì nhẫn tâm quá, tàn nhẫn quá. Và rồi vì lợi nhuận nhân dân ta lại tiếp
tục ngửa cổ ra để được chọc ngoáy. Càng thần tốc, càng toàn diện số thu càng lớn,
tội chi lại không làm nhỉ?
Cũng có lần ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt
Nam tại Ấn Độ cũng đã lên tiếng hỏi sao thuốc chữa virus Vũ Hán ở Ấn bán có 17
đô la, sao về Việt Nam lại có giá gấp 10 lần. Và cũng vì thế, thị trường đã có
rất nhiều quảng cáo bán thuốc ấy với giá 4 triệu đồng, đã có người bị bắt và đó
là cán bộ y tế ở bệnh viện. Khi tiền lời lớn quá, cung và cầu chênh lệch, người
ta tìm đủ mọi cách để đáp ứng nhu cầu. Trong cơn đại dịch, nhiều người chết,
nhiều gia đình tan hoang nhưng cũng có thêm biết bao kẻ giàu hơn nhờ dịch.
Sao vậy hở các ông? Trong khi dân nghèo đói ăn trông chờ mấy tháng mới có được triệu bạc
trợ cấp sau khi làm biết bao thủ tục. Trong khi những đứa bé còi cọc vì suy
dinh dưỡng bởi cha mẹ thất nghiệp đã mấy tháng nay. Trong khi hàng chục ngàn
người lặng lẽ lìa đời không một lời đưa tiễn. Trong khi biết bao nhân viên y tế
kiệt sức trên tuyến đầu chống dịch, chứng kiến bao nỗi đau của đồng bào mà chưa
có chút đãi ngộ xứng đáng nào.
Thế mà sao lại có kẻ nhẫn tâm đến độ kiếm cách bỏ
tiền thêm đầy túi? Lương tâm của con người
đã quăng cho chó ăn rồi. Dù là tiền của ngân sách hay tiền túi của dân, tất cả
đều từ tiền thuế của dân mà có. Ngày xưa người ta bảo bọn thực dân, phong kiến
“Bòn khố rách sắm dù sơn kiệu/ Hút máu dân làm rượu làm trà” nghe cũng
đã ác nhơn lắm rồi. Nhưng cũng chỉ sắm dù, sơn kiệu, uống rượu, uống trà. Còn
bây giờ xây cả biệt phủ, mua cả lâu đài, hột xoàn đô la nhiều như đại gia tư bản.
Chỉ còn hai hôm nữa, thành phố sẽ tạm mở cửa,
tạm giảm giãn cách. Giờ như căn nhà vừa xây dang dở mà ngày mốt phải làm lễ nhà
mới, mọi thứ vẫn ngổn ngang, những con số vẫn lạnh lùng nhảy múa cuối ngày. Tin
thì cũng phải tin để tiếp tục sống. Cũng cố lạc quan để có thêm một chút thắng
lợi tinh thần đối phó với chuỗi ngày sắp tới. Nhưng sao lòng vẫn e ngại. Rồi
đây bạn bè, người thân gặp nhau sẽ không còn được ôm, được bắt tay tình thân
như xưa nữa.
Ngồi cùng nhau nhưng vẫn ngại ngùng. Nhìn nhau
chỉ còn nửa mặt, nửa còn lại là chiếc khẩu trang. Mừng vì thoát được cơn dịch
đi qua nhưng ngậm ngùi cho biết bao người đã mất. Chúng ta sẽ không còn được sống
như ngày xưa nữa rồi. Và cuộc đời sẽ chia làm hai chặng. Đoạn trước khi có dịch
và chặng đường sau dịch. Nhân loại rồi còn khổ với nó dài dài. Con người là nạn
nhân và cũng là thủ phạm của cơn đại dịch. Con người đang huỷ diệt thiên nhiên,
phá hỏng trái đất. Con người đang nuôi quá nhiều tham vọng và rồi chính tham vọng
và sự huỷ diệt đó đã giết chết loài người.
Quyền của con người là được tự do đi lại, là
quyền được nói những suy nghĩ của mình, được tiếp xúc, trao đổi với mọi người,
được quyền tự do quyết định cuộc đời của mình. Nhưng rồi mấy tháng trong cơn dịch,
chúng ta bị tước hết tất cả quyền thiêng liêng đó. Chúng ta học chữ nhẫn và cam
chịu. Con virus đã cướp của chúng ta nhiều thứ quá và thời gian tới, chúng vẫn
là nỗi đe doạ của chúng ta.
Từ đây chúng ta chẳng còn có thể an nhiên, an
lạc mà sống nữa rồi. Mai mốt rồi những dây kẽm sẽ được cuốn đi hết, những sợi
dây giăng cũng sẽ không còn. Thành phố sẽ thông thoáng, lại kẹt xe, lại bì bõm
khi mưa, lại phải bươn chải để kiếm sống. Nhưng vết hằn của cơn đại dịch trong lòng
của mỗi người khó mà xoá đi hết được.
28.9.2021
DODUYNGOC
.
No comments:
Post a Comment