Covid-19:
Việt Nam sẽ phải sống chung với dịch như thế nào?
Thanh
Phương -
RFI
Đăng ngày: 28/09/2021 - 01:13
https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20210927-%E1%BA%A1a
Do tình hình dịch Covid-19 đang tạm thời ổn định, một
số tỉnh thành ở Việt Nam đã nới lỏng các biện pháp “giãn cách xã hội” như Hà Nội,
Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng. Trong khi đó, một số nơi khác thì vẫn duy trì
các biện pháp hạn chế. Riêng Sài Gòn, tâm chấn của đợt dịch lần này, hiện
tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội cho đến hết ngày 30/09.
Chích ngừa Covid-19
tại Vũng Tàu, Việt Nam, ngày 13/09/2021. AP - Hau Dinh
Nhưng dù tình hình dịch Covid-19 có diễn biến
như thế nào thì Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng cũng không thể “giãn
cách xã hội” mãi mãi, mà đã đến lúc phải dỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp đó,
để hoạt động kinh tế và xã hội dần trở lại bình thường, nói cách khác là phải sống
chung với virus corona. Nhưng phải sống chung như thế nào?
Sau đây là những ý
kiến của hai bác sĩ tại Sài Gòn.
Theo bác
sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm
- Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Sài Gòn, đối với một thành phố có đến gần 10
triệu dân, việc dỡ bỏ phải được tiến hành từng bước:
“ Chắc chắn sẽ không thể nào dỡ bỏ một lần, vì
khi chúng ta giãn cách xã hội thì cũng đã giãn cách từng phần để thăm dò từ mức
tối đa. Nếu chúng ta có dỡ bỏ thì cũng phải dỡ bỏ từng khu vực, rồi theo dõi
các chỉ số, dỡ bỏ từng đối tượng. Những đối tượng nào chưa dỡ bỏ được thì mình
phải chích ngừa cho họ. Không thể một lần mình dỡ hoàn toàn được, vì nếu để “vỡ
trận” trở lại thì sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Thành ra mình phải vừa dỡ bỏ, vừa thăm
dò, và dĩ nhiên là mình cũng thực hiện những nguyên tắc để hạn chế lây lan nhất
mà vẫn phát triển kinh tế được. Từng bước mình sẽ mở rộng ra để thăm dò sức chịu
đựng của ngành y tế như thế nào.”
Cũng theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc dỡ bỏ
giãn cách cũng tùy thuộc vào tỷ lệ chích ngừa của từng địa phương:
“ Đặc biệt là những nơi có dịch lớn, giống như Thành
Phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, việc mở cửa phụ thuộc vào tỷ
lệ chích ngừa. Hiện tại ở Thành Phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ chích ngừa mũi một khá
là cao, khoảng 80% rồi, tỷ lệ chích mũi hai cũng đã là 30% rồi. Có lẽ đến hết
tháng 9 thì cũng sẽ mở cửa lại, chứ không có cách nào khác.
Thứ hai là khi mở cửa, Thành Phố Hồ Chí Minh cũng dự
trù là sẽ mở cửa từng đối tượng, từng giai đoạn và đặc biệt là theo dõi chỉ số
về những ca nặng mới để đánh giá là mở cửa như vậy thì áp lực lên khối điều trị
sẽ như thế nào. Có lẽ những nơi nào mà dịch đã thâm nhập vào cộng đồng thì cũng
sẽ làm theo hướng đó. Chỉ cần đánh giá số ca mới. Nếu mở ra mà số nặng mới
không ảnh hưởng gì đến ngành y tế thì mình đâu có gì để bàn.”
Về phần bác
sĩ Võ Xuân Sơn, Phòng khám quốc tế
EXSON, tác giả nhiều bài viết trên mạng về việc phòng chống Covid tại Việt Nam,
ông cho rằng việc dỡ bỏ từng bước các biện pháp giãn cách xã hội, mà ông gọi
là "phong tỏa", phải mang tính chất “đồng bộ”:
“ Hiện nay, chính quyền đang thông báo là sẽ dỡ bỏ từng
bước, nhưng thật sự thì nếu dỡ bỏ từng bước mà không hoạch định được bước nào
đi trước, bước nào đi sau, không đồng bộ, thì việc dỡ bỏ sẽ chẳng mang lại được
gì cả. Bây giờ ví dụ như dỡ bỏ cho các phòng khám cho khám bệnh trở lại,
nhưng không dỡ bỏ cho người dân ở các nơi đi khám bệnh, thì làm sao người ta
khám?
Giống như là vừa rồi dỡ bỏ cho các cửa hàng bán lại,
nhưng không cho người dân ra đó mua, thì làm sao mà mua? Thế rồi lại bắt mua
qua shippers, thì giá sẽ bị đội lên rất là nhiều. Cuối cùng, rất nhiều cửa hàng
không bán hàng lại!
Cho nên, nếu muốn dỡ bỏ, muốn phục hồi kinh tế, thì
các biện pháp đưa ra phải đồng bộ và phải kích thích được sự phát triển kinh tế,
còn nếu mà cứ mở cái này mà lại ngăn cái khác thì cuối cùng sẽ không có hiệu quả
gì cả.”
Với việc dỡ bỏ giãn cách xã hội, một vấn đề
khác đang đặt ra là Việt Nam có nên tiếp tục xét nghiệm ồ ạt, xét nghiệm “thần
tốc” như hiện nay hay không? Bác sĩ Võ Xuân Sơn cho rằng cần phải tiến hành
xét nghiệm “có trọng điểm”:
“Việc xét
nghiệm tràn lan như bây giờ chắc là trên thế giới không có ở đâu làm. Việt Nam
đang làm một cách độc nhất vô nhị trên thế giới. Nếu muốn hội
nhập với thế giới, muốn giải quyết nạn dịch này, thì không thể tiếp tục làm như
vậy, mà phải xét nghiệm có trọng điểm, xét nghiệm theo yêu cầu, theo khu vực cần
thiết. Cần thiết như thế nào và xét nghiệm ở đâu thì phải theo hướng dẫn của
bên dịch tễ, làm sao để phục vụ được mục đích phát hiện những người bị nhiễm để
có thể giúp đỡ họ, để mau chóng vượt qua, mà không gây tốn kém nhiều, không gây
ảnh hưởng nhiều đến xã hội như là bây giờ.
Còn nếu không làm như thế, mà cứ tiếp tục như bây giờ
thì chắc một thời gian ngắn nữa là sẽ “sập tiệm” hết, không còn ngân sách
nào chịu nổi, không còn người dân nào chịu nổi, vì sẽ có rất nhiều vấn đề phát
sinh từ cách làm đó.”
Về phần mình, bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng cho rằng, theo
chiều hướng Việt Nam phải sống chung với dịch Covid-19, chỉ nên xét nghiệm một
cách chọn lọc:
“ Nếu chúng ta mở cửa lại, thì chúng ta chỉ nên xét
nghiệm những người nào có triệu chứng và cần đến bệnh viện, chứ còn cách lây
lan của Covid thì nó rất giống với những bệnh khác về đường hô hấp. Những đối tượng
đã được chích ngừa rồi nếu bị nhiễm và có bệnh nhẹ, thì họ cũng sẽ tự khỏi.
Quan trọng nhất là nếu người đó mắc bệnh, mà trong
nhà họ có người nguy cơ bệnh nặng, thì ta mới xét nghiệm nhanh để tách người đó
ra. Còn nếu trong nhà đó chỉ có những người trẻ và đã được chích ngừa rồi, thì
không cần xét nghiệm làm gì. Những người nào đến bệnh viện và có triệu chứng nặng
về hô hấp, thì mình mới xét nghiệm xem có đúng là Covid hay không, để mình tách
ra điều trị cách ly và điều trị hỗ trợ.
Việc xét nghiệm đó phải được đánh giá theo từng khu
vực. Nếu mình thấy khu vực đó không có nguy cơ tấn công vào các đối tượng nguy
cơ, thì mình không cần xét nghiệm làm gì”.
Trong chiều hướng dỡ bỏ phong tỏa, bác sĩ Võ Xuân Sơn
cũng đề nghị xét nghiệm kháng thể để xác định tỷ lệ miễn nhiễm trong cộng đồng:
“ Ở Sài Gòn thì tỷ lệ chích ngừa đã cao và tỷ lệ đã
có kháng thể do đã bị nhiễm rồi mà người ta không biết hoặc chưa khai báo
thì cũng cao. Theo tôi, đã đến lúc dỡ bỏ phong tỏa. Nếu nhà nước cần thì
có thể sử dụng test (xét nghiệm) kháng thể, để điều tra xem có bao nhiêu phần
trăm dân đã được như vậy.
Nói chung là, với hình thức thẻ xanh, thẻ vàng, thẻ
đỏ (thẻ xanh thì cho ra đường), ngoài chuyện chích ngừa, thì có thể làm thêm
test kháng thể, để những người nào có kháng thể rồi thì cho người ta ra đường,
dù chưa được chích vac-xin. Còn tôi thì nghĩ rằng chẳng cần thẻ xanh, thẻ đỏ gì
cả, vì bây giờ tỷ lệ chích ngừa đã đủ để cho người ta đi ra đường rồi. Và nếu
mình điều chỉnh được các kế hoạch điều trị cho những người bị nhiễm, thì dịch sẽ
không đáng sợ như thời gian vừa rồi nữa.“
Cùng với việc thay đổi cách thức xét nghiệm,
theo bác sĩ Võ Xuân Sơn,
việc điều trị các bệnh nhân Covid cũng cần phải được điều chỉnh theo hướng
không nên tập trung quá nhiều trong các bệnh viện, nhất là các bệnh viện dã chiến,
mà ông cho là thiếu nhiều thiết bị, thậm chí thiếu bác sĩ:
“ Riêng về việc điều trị F0 thì gần đây cũng đã có
những thay đổi, ít nhất là tại Thành Phố Hồ Chí Minh, tức là người ta đã chú ý
đến việc điều trị bệnh nhân ngay từ khi mới bắt đầu bị nhiễm, chứ không chờ đến
khi người ta trở nặng, vào bệnh viện, rồi mới bắt đầu chữa. Tôi thấy hướng thay
đổi đó nói chung là tốt.
Thứ hai là bệnh viện chỉ nên dành cho những người cần
phải nằm viện, còn khi người ta chưa đến mức phải nằm viện, thì để họ ở nhà.
Nhưng ở nhà thì không phải như hồi trước, mà phải có sự theo dõi sát sao của
bên y tế, để khi họ có những vấn đề gì, thì họ sẽ được tư vấn, họ không bị bỏ
rơi. Khi họ trở nặng thì phải có ngay những phương tiện, những hệ thống để đưa họ
vào bệnh viện cứu chữa được. Điều đó sẽ làm giảm thiểu tỷ lệ tử vong, cũng như
là giảm thiểu nỗi hoang mang trong xã hội đối với bệnh này.
Tôi không cho việc tập trung tất cả những người bị
nhiễm vào trong các bệnh viện dã chiến là tốt. Nếu tập trung hết vào các bệnh
viện, thì thứ nhất là về mặt chi phí sẽ tốn kém rất nhiều, thứ hai làm như vậy
là tách người bệnh ra khỏi môi trường gia đình. Người Việt Nam khác với người Mỹ,
người Pháp, người châu Âu, không có mấy người vào bệnh viện một mình, bao giờ
cũng có con, có cháu đi theo. Thành ra khi đưa vào đó một mình, nhất là những
người già, thì người ta mau chóng trở nặng lắm, mau chóng suy sụp tinh thần, từ
đó nó phát sinh rất nhiều cái khác. Thứ ba là điều kiện chăm sóc trong các bệnh
viện dã chiến thật sự là từ đó đến giờ đều không tốt, thiếu thốn nhiều thứ,
thậm chí thiếu cả bác sĩ.
Cho nên, việc tập trung vào các khu vực bệnh viện dã
chiến, mà thật ra là những khu cách ly gần như không có trang thiết bị gì cả,
là không cần thiết và không nên. Chỉ nên duy trì những bệnh viện nào có trang
thiết bị, có thầy thuốc đầy đủ, có điều kiện chăm sóc y tế tốt, chỉ tiếp nhận
những người cần phải vào bệnh viện, vào đó là được chăm sóc, cứu chữa đúng
nghĩa.”
Về phần người dân, một khi các biện pháp giãn
cách xã hội được dỡ bỏ hay nới lỏng, mọi người dĩ nhiên phải tiếp tục tuân thủ
việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, những nơi kín, và giữ khoảng cách an toàn
với nhau. Đồng thời, theo bác
sĩ Trương Hữu Khanh, điều quan trọng là phải biết đề phòng cho những
người có nguy cơ cao:
"Trong tương lai mình phải hiểu mình là một đối
tượng an toàn chưa, để mình hòa nhập. Và khi mình hòa nhập như vậy thì có ảnh
hưởng đến cộng đồng hay ảnh hưởng đến người thân của mình hay không. Nếu mình
đã được chích ngừa hai mũi thì khó có thể bệnh. Nhưng điều quan trọng là mình
chỉ bệnh nhẹ và quan trọng hơn nữa là bệnh của mình có nguy cơ lây cho những
người chưa chích ngừa, những người có nguy cơ bệnh nặng hay không. Đó là
những điều mình cần phải học để sống chung với Covid.
Nếu chúng ta đã được chích ngừa rồi hoặc đã khỏi bệnh
rồi và chúng ta sinh hoạt trong những nhóm có những đối tượng giống chúng ta, rồi
chúng ta trở về nhà và trong nhà không có những đối tượng có nguy cơ bệnh nặng,
thì chúng ta có thể sinh hoạt như bình thường. Nếu có một điểm gút nào đó mà có
thể tấn công các đối tượng nguy cơ thì chúng ta phải tránh ngay và đặc biệt phải
đề phòng cho những đối tượng chưa chích ngừa đủ và đặc biệt là những người
chưa chích ngừa đủ và có nguy cơ: cao tuổi, bệnh nền, béo phì.
Thật ra về nguyên tắc, nếu chúng ta đã phòng ngừa hết
bằng vac-xin cho những đối tượng nguy cơ, thì chúng ta không phải lo lắng gì cả.
Lúc đó, nếu có ai mắc bệnh thì cũng sẽ chỉ là bệnh cảm cúm thông thường thôi và
lúc đó thì số người không may mà mắc bệnh nặng sẽ rất là thấp, ngành y tế
có thể tải được. Điều quan trọng nhất hiện nay có có đủ vac-xin để chích 2 mũi
cho những đối tượng đó."
No comments:
Post a Comment