Thursday, 30 September 2021

AI TRẢ CÁI GIÁ NHÂN PHẨM CHO NGƯỜI DÂN SAU ĐẠI DỊCH? (Miên Trường - Luật Khoa)

 


Ai trả cái giá nhân phẩm cho người dân sau đại dịch?

Miên Trường  -  Luật Khoa

30 Sep 2021

https://www.luatkhoa.com/2021/09/ai-tra-cai-gia-nhan-pham-cho-nguoi-dan-sau-dai-dich/

 

Nhân phẩm nhắc ta về cuộc sống mình từng có, và xứng đáng có.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1384/2021/09/1200.jpg

Hình ảnh liên quan

 

                                                          *

 

Làm sao để đánh giá một quốc gia chống dịch tốt hay không? Tất nhiên là thời này làm gì còn ai chỉ đếm số ca nhiễm nữa.

 

Ví dụ, Nikkei Asia xếp loại các nước chống dịch bằng Chỉ số Hồi phục COVID-19 (The Nikkei COVID-19 Recovery Index), [1] căn cứ trên các tiêu chí ca nhiễm thấp, vaccine phủ rộng và biện pháp giãn cách đỡ khắc nghiệt. Bloomberg có Bảng xếp hạng Khả năng Phục hồi (Resilience Ranking), [2] trong đó họ đo mức độ kiểm soát dịch, chất lượng chăm sóc sức khỏe, độ phủ của vaccine, tỷ lệ tử vong và tiến trình mở cửa trở lại. Các chỉ số trên phần nào tính cả cái giá mà người dân và cả đất nước phải trả - hậu quả kinh tế, hệ lụy của các lệnh giãn cách - vượt trên phạm trù có nhiều người bị nhiễm bệnh hay không (Việt Nam đang đứng ở nhóm cuối của cả hai bảng).

 

Nhưng liệu chúng đã bao gồm chi phí về nhân phẩm của người dân?

 

Nhân phẩm là gì? Tôi thử hỏi Google.

 

Wikipedia cho kết quả “nhân phẩm hay phẩm giá con người là quyền của một người được coi trọng và tôn trọng vì lợi ích của chính họ, và được đối xử một cách có đạo đức”. [3] Từ điển của Đại học Oxford trả kết quả cho chữ “dignity là “sự xứng đáng được tôn trọng”. [4] Tựu trung, nhân phẩm có thể được xem là tình trạng được tôn trọng với tư cách một con người riêng lẻ, chứ không phải một giống người nói chung.

 

Nhân phẩm khác biệt - dù có thể không tách biệt - với những nhu cầu khác như được ăn uống, được an toàn, được khỏe mạnh. Giữa thời đại dịch, khi các nhu cầu của con người bị giản lược đến mức tối thiểu (“sao không ăn mì tôm để giúp cả nước chống dịch?”), nhu cầu được tôn trọng hẳn đã thành một thứ xa xỉ, một sản vật của thế giới thứ nhất.

 

Trong thế giới của những nhu cầu được giản lược, việc đưa mèo đi cấp cứu có thể khiến bạn bị chặn lại, xử phạt và quay clip đưa lên TikTok như sự việc xảy ra ở Long An. [5] Chuyện bạn bị xử phạt có thể dựa trên văn bản pháp luật (và bạn chỉ vi phạm hành chính thôi), nhưng bạn còn phải trả thêm một cái giá là những giây phút khổ sở của cuộc đời bạn, khi thú cưng của bạn sắp chết và bạn thì nước mắt lưng tròng, bị tung lên mạng xã hội cho mọi người phán xét. Mà đó là bạn đã phải nghe một bài giảng từ người xử phạt bạn trước đó rồi.

 

Ở một tỉnh khác, Khánh Hòa, việc đi mua bánh mì ăn có thể khiến bạn bị hỏi là “mày ở trên núi xuống hả?”. [6] Gần đây nhất, việc từ chối đi xét nghiệm (vì những lý do đáng xem xét) có thể khiến bạn bị một đoàn người xông vào nhà lôi đi trước mặt con cái của mình. [7] Tương tự như vụ việc ở Long An, họ còn quay lại clip của toàn bộ quá trình xúc phạm bạn, tung lên mạng để làm gương cho người khác.

 

Tất cả những chuyện đó đều ảnh hưởng đến phẩm giá của bạn.

 

https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2021/09/image-39-1024x576.jpeg

Những lời kêu cứu xuất hiện khắp nơi ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình trang web sosmap.net vào sáng 6/8/2021.

 

Nhưng chi phí nhân phẩm không chỉ phải trả khi bạn bị xúc phạm trực tiếp. Đôi khi, bạn bị ép phải tự tay bỏ đi những phẩm giá đó. Trong những group cầu cứu, hoặc bên dưới chính video livestream của chính quyền TP. Hồ Chí Minh là những người cầu xin giúp đỡ hoặc cố gắng đòi phần tiền hỗ trợ của họ. Rất nhiều người trong số họ đã phải công khai tên tuổi, địa chỉ, thậm chí cả giấy chứng sinh chứng tử, hồ sơ khám bệnh, chỉ để chứng minh rằng “tôi khổ thật đấy, hãy giúp tôi với”. Trong một thế giới coi trọng người giàu và cái nghèo luôn phải che đi, đại dịch ép chúng ta phải chứng minh rằng mình rất nghèo, vì đó là cách duy nhất chúng ta sống sót qua đại dịch.

 

Trong các biện pháp phong tỏa vốn đã bao gồm chi phí nhân phẩm: lễ tang không thể diễn ra, ông bà không được gặp con cháu, những mặt hàng không thể vận chuyển (như băng vệ sinh, ai nói băng vệ sinh không phải chuyện phẩm giá?) [8], các combo đi chợ hộ không có gói hàng dành cho người ăn theo nhu cầu tôn giáo, v.v. Trong đại dịch, chúng ta không được có những nhu cầu cá biệt.

 

Đại dịch cũng khiến các không gian công cộng - công viên, trường học, đường phố, cơ sở tôn giáo, v.v phải đóng cửa. Những không gian này cung cấp những tiện ích mà nhiều người trong chúng ta không thể tự chi trả tại nhà: khoảng sân, góc trời, cảm giác được thuộc về trong xã hội và cả sự riêng tư.

 

Truyền thông mùa dịch cũng góp phần bào mòn nhân phẩm của tất cả chúng ta, khi biến người dân thành một tập thể “thiếu ý thức phòng dịch”, chỉ vì ra đường mua sắm nhu yếu phẩm hay đưa con đi chơi trung thu. [9] [10] Chúng ta nhìn thấy đại diện chính quyền lên livestream quả quyết rằng rất nhiều người trong chúng ta - “người dân” - đã làm một việc xấu xa là bom hàng của lực lượng “đi chợ hộ”, [11] trong khi phần lớn những chuyện này là do khả năng tổ chức kém cỏi của chính quyền. [12]

 

Không có gói hỗ trợ nào bù đắp cho những phẩm giá bị mất đi vì cuộc chiến phòng dịch suốt nhiều tháng vừa qua. Mỗi lần một người đứng đầu chính quyền thành phố hay chính phủ kêu gọi người dân “thông cảm và ủng hộ” chính sách chống dịch, [13] điều đó có nghĩa là họ đang xin người dân một ít phí tổn về kinh tế, sức khỏe và cả nhân phẩm, trên danh nghĩa vì lợi ích chung. Chi phí kinh tế có thể bù đắp - một phần rất nhỏ, bằng các gói hỗ trợ và bằng triển vọng kinh tế sau này - nhưng chi phí nhân phẩm thì sao? Và tất nhiên, như mọi chi phí khác của đại dịch, người nghèo và người dễ tổn thương luôn phải trả giá cao hơn.

 

Nhân phẩm có quan trọng không, bạn sẽ hỏi. Ngày mai (1/10), người Sài Gòn sẽ được ra đường lại, cuộc chiến kết thúc và chúng ta vẫn sống, đó chẳng phải là điều quan trọng nhất sao? Ai lại dư hơi suy nghĩ đến những chuyện thuộc thế giới thứ nhất như thế chứ!

 

Nhưng nhân phẩm lại là thứ nhắc chúng ta về một cuộc sống mình từng có, và xứng đáng có. Đó là nhu cầu được yêu thương và tôn trọng, được sống đúng với mong muốn riêng của từng cá nhân, chứ không chỉ “máu còn nóng và tim còn đập” như một sinh vật người. [14] Nhân phẩm nhắc chúng ta rằng những sự chịu đựng mà chúng ta phải trải qua là không bình thường, và “bình thường mới” không có nghĩa là bình thường hóa những mất mát đó. Nó nài nỉ chúng ta nhớ rằng còn một cuộc sống khác với phẩm giá đủ đầy hơn, và chúng ta chấp nhận hy sinh trong ba tháng vừa qua là để hướng đến cuộc sống đó.

 

“Các biện pháp can thiệp tạm thời [sinh ra trong thời khẩn cấp] bẩn tính ở chỗ nó ở lại sau cả khi giai đoạn khẩn cấp đi qua, đặc biệt trong lúc một thời kỳ khẩn cấp khác quanh quẩn đe dọa.” Sử gia Yuval Noah Harari viết như vậy vào tháng 3/2020, khi đề cập đến các biện pháp theo dõi mà nhà nước áp đặt để chống dịch, và hẳn sẽ không ra đi kể cả khi đại dịch không còn là mối lo. [15] Sự bỏ quên nhân phẩm của con người cũng vậy, cũng như sự giản lược nhu cầu của cả xã hội về bao gạo và chai nước mắm, hay tiếng mắng chửi hồn nhiên mà các nhân viên công quyền dành cho những người dân đang tìm cách sống đúng với nhu cầu cá nhân.

 

Đại dịch rồi sẽ qua. Ngày mai, khi bạn ra đường, đừng quên những ngày phải ở trong phòng ôm lấy những tổn thương của chính mình. Chúng ta đã trả một cái giá nhân phẩm thuộc loại đắt nhất thế giới không phải để đổi lại một tà áo rách. Hãy nhớ lại lời tuyên bố của người phụ nữ bị phá cửa nhà lôi đi xét nghiệm để nhắc mình rằng: tôi xứng đáng được tôn trọng phẩm giá, và người đầu tiên tôi đòi hỏi sự tôn trọng là chính quyền. [16]

 

"Tôi không chấp nhận việc đó [lời xin lỗi của chính quyền địa phương], các anh phải xem xét việc cưỡng chế đúng luật hay chưa. Việc xin lỗi không có giá trị và tôi không đồng ý do đã gây hại sức khỏe và danh dự".

 


 

Chú thích

 

1.  Writer, S. (2021, September 3). COVID Recovery Index: Delta strain and late jabs hold ASEAN back. Nikkei Asia.

https://asia.nikkei.com/Spotlight/Coronavirus/COVID-Recovery-Index-Delta-strain-and-late-jabs-hold-ASEAN-back

 

2.  The Covid Resilient Ranking. Bloomberg. https://www.bloomberg.com/graphics/covid-resilience-ranking/

 

3.  Nhân phẩm. Wikipedia. https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A2n_ph%E1%BA%A9m

 

4.  Dignity. Oxford Learners Dictionary https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/dignity?

 

5.  BBC News Tiếng Việt. (2021, July 14). Việt Nam: Đưa mèo đi cấp cứu giữa dịch, công an phạt, ‘đúng hay vô cảm’?

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57831216

 

6.  Phó chủ tịch phường ở TP Nha Trang nói bánh mì không phải hàng thiết yếu. (2021, July 19). Vietnamnet.

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/pho-chu-tich-phuong-o-tp-nha-trang-noi-banh-mi-khong-phai-hang-thiet-yeu-757497.html

 

7.  VnExpress. (2021, September 29). Cảnh sát phá cửa, cưỡng chế người dân xét nghiệm Covid-19. vnexpress.net.

https://vnexpress.net/canh-sat-pha-cua-cuong-che-nguoi-dan-xet-nghiem-covid-19-4363516.html

 

8.  An M. (2021, July 31). Cần dành thêm sự quan tâm và khuyến cáo cho phụ nữ và trẻ em gái. ZingNews.vn.

https://zingnews.vn/can-danh-them-su-quan-tam-va-khuyen-cao-cho-phu-nu-va-tre-em-gai-post1245266.html

 

9.  Phó bí thư Hà Nội: Thành quả chống dịch bị thách thức vì chủ quan đêm trung thu. (2021, September 22). Thanh Niên Online.

https://thanhnien.vn/thoi-su/pho-bi-thu-ha-noi-thanh-qua-chong-dich-bi-thach-thuc-vi-chu-quan-dem-trung-thu-1453368.html

 

10.  Bách, Đ. (2021, August 2). Cát Tường: Nhiều người đi siêu thị mà ý thức kém, chen lấn, không giữ khoảng cách. Báo Thanh Niên.

https://thanhnien.vn/giai-tri/cat-tuong-nhieu-nguoi-di-sieu-thi-ma-y-thuc-kem-chen-lan-khong-giu-khoang-cach-1423516.html

 

11.  Hà M. (2021, August 27). Có tình trạng người dân ở TP.HCM “bom” hàng khi nhờ đi chợ hộ. ZingNews.vn.

https://zingnews.vn/co-tinh-trang-nguoi-dan-o-tphcm-bom-hang-khi-nho-di-cho-ho-post1255692.html

 

12.  VnExpress. (2021a, September 8). Lý do nhiều đơn hàng “đi chợ hộ” không có người nhận. vnexpress.net.

https://vnexpress.net/ly-do-nhieu-don-hang-di-cho-ho-khong-co-nguoi-nhan-4353381.html

 

13.  Thu H. (2021, July 22). Chính phủ kêu gọi sự ủng hộ của người dân nếu phải phong tỏa diện rộng. ZingNews.vn.

https://zingnews.vn/chinh-phu-keu-goi-su-ung-ho-cua-nguoi-dan-neu-phai-phong-toa-dien-rong-post1235176.html

 

14.  Lời bài hát của Đen

 

15.  Yuval Noah Harari: the world after coronavirus | Free to read. (2020, March 20). Financial Times.

https://www.ft.com/content/19d90308-6858-11ea-a3c9-1fe6fedcca75

 

16.  VnExpress. (2021b, September 29). Bí thư phường xin lỗi người bị cưỡng chế xét nghiệm. vnexpress.net.

https://vnexpress.net/bi-thu-phuong-xin-loi-nguoi-bi-cuong-che-xet-nghiem-4363989.html





No comments:

Post a Comment

View My Stats