Monday, 27 September 2021

PHIM "CÓ THỂ" XẤU, NHƯNG KIỂM DUYỆT "CHẮC CHẮN" XẤU (Lê Nguyễn Duy Hậu)

 


Phim “có thể” xấu, nhưng kiểm duyệt “chắc chắn” xấu

Lê Nguyễn Duy Hậu

28/09/2021

https://baotiengdan.com/2021/09/28/phi-co-the-xau-nhung-kiem-duyet-chac-chan-xau/

 

Từ tháng 6 năm 2019, Việt Nam đã cam kết “xoá bỏ việc kiểm duyệt trước đối với tất cả các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật và các hình thức biểu đạt khác, trên mạng lẫn ngoài đời” (Abolish prior censorship in all fields of cultural creation and other forms of expression, both online and offline).

 

Đây là một phần khuyến nghị được chấp nhận do Bồ Đào Nha đưa ra và Việt Nam chấp thuận trong tiến trình Kiểm Điểm Nhân Quyền Phổ Quát (UPR) chu kỳ 3. Sắp đến đây, khi phải báo cáo giữa kỳ về các công việc Việt Nam đã làm để hiện thực hoá cam kết đó, thì đây cũng là một nội dung mà Việt Nam sẽ báo cáo. Tất nhiên, UPR là một tiến trình để các quốc gia giúp nhau làm tốt hơn và có vẻ nội dung này là một điều mà Việt Nam thực sự cần giúp đỡ.

 

Nhưng hãy nói một chút về kiểm duyệt phim. Một phản ứng thường thấy khi có bộ phim gây tranh cãi bị cấm chiếu ở trong nước đó là chê bai bộ phim đó là “phim rác”, “phim dở”, “phim có tính chất xúc phạm”… nên “bị cấm là đúng rồi”. Trớ trêu thay, những người ủng hộ việc cấm bộ phim vì lý do phim đó dở, hay rác họ thường rất ít có cơ hội để thực sự xem bộ phim đó. Những gì họ phán đoán và phán xét đều thông qua lời kể lại của người khác (mà vốn là những người không có cảm tình với phim, hoặc từ chính những người đã ra quyết định cấm) hoặc thông qua một hình ảnh riêng lẻ nào đó của bộ phim.

 

Tóm lại, phim rác vì người khác nói rằng nó rác, phim xúc phạm vì có một hình ảnh không rõ bối cảnh được phụ đề bằng những lời chê bai khiến nó trở nên xúc phạm. Nghĩ theo cách đó thì rõ ràng là họ đang phải bói mù xem voi, đưa ra các kết luận thông qua lời kể, lời đồn.

 

Đó chính là cách vận hành của kiểm duyệt. Nó cho phép một nhóm rất nhỏ những người không do dân bầu ra được phép quyết định cái gì công chúng không được phép xem… dựa trên các chuẩn mực khá mơ hồ và cảm tính. Đó là sự tiếp nối của việc bố mẹ che mắt con cái khi đến cảnh “không phù hợp”, lần này ở quy mô công cộng hơn.

 

Ở một viễn cảnh khác, không kiểm duyệt không có nghĩa là phim ảnh xấu xa sẽ tràn lan. Không kiểm duyệt không có nghĩa là công chúng sẽ bị tổn thương hơn, hoặc văn hoá dân tộc (nếu nó được định danh rõ ràng là gì) sẽ bị méo mó hơn. Không kiểm duyệt không có nghĩa là các hành vi vi phạm Luật Điện Ảnh không thể bị xử lý. Đơn giản, không kiểm duyệt là sự thừa nhận của Nhà nước rằng họ không có cái quyền quyết định cái gì nên ra rạp, cái gì không, mà quyền lực đó thuộc về tay khán giả, với quyền lực là việc từ chối mua vé xem phim.

 

Kiểm duyệt không cho công chúng có cơ hội như vậy. Kiểm duyệt tước đi cơ hội để công chúng sử dụng quyền lực của mình. Kiểm duyệt làm thay một việc mà vốn dĩ thị trường có thể làm tốt hơn. Kiểm duyệt từ chối cơ hội cho khán giả thoát khỏi bàn tay che mắt của một ai đó xem mình là con nít. Phản đối kiểm duyệt do đó không nhất thiết có nghĩa là ủng hộ một bộ phim “rác”, mà là đòi hỏi rằng công chúng có quyền quyết định của họ.

Hiểu như vậy thì tất cả mọi người đều nên phản đối kiểm duyệt, trừ phi bạn đơn thuần muốn sử dụng kiểm duyệt để loại bỏ cái bạn ghét, cái bạn không thích, không ưa mà không cần quan tâm đến người khác.

 

Có rất nhiều thứ tưởng đã là thói quen và chúng ta chấp nhận, nhưng kì thực Nhà nước đã nhận ra thói quen đó không thể tiếp tục nữa. Kiểm duyệt là một ví dụ. Nhà nước Việt Nam đã thừa nhận sự thật đó, thể hiện qua việc họ chọn chấp nhận khuyến nghị kể trên của Bồ Đào Nha.

 

P/S: Một ví dụ khác về một thực hành tưởng như là đương nhiên, nhưng Nhà nước Việt Nam cũng thừa nhận là cần bãi bỏ, đó là hình thức “xét xử lưu động” đã được Đan Mạch khuyến nghị bãi bỏ ngay lập tức tại mọi cấp và Việt Nam chấp nhận. Tất nhiên đó là một câu chuyện khác.

 

                                                        ***

 

Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa: Khi nào mới kiểm duyệt phim có “Đường lưỡi bò” chặt chẽ như phim có hình nude?

 

Ngày hôm nay mọi người dậy sóng về câu chuyện cấm chiếu một bộ phim Việt Nam, chúng tôi không lạm bàn về bộ phim này, tuy nhiên chúng tôi vẫn tự hỏi đến khi nào chế độ kiểm duyệt gắt gao và yêu cầu xử phạt đó mới áp dụng cho các phim nước ngoài có chứa ‘đường lưỡi bò’?

 

Gần đây nhất, HSO có đưa tin về bộ phim Một Đời Một Kiếp do iQIYI và wetv giữ bản quyền có chứa ‘đường lưỡi bò’. Đây không phải lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện các phim trên những ứng dụng truyền hình có bản đồ sai phạm, và sau phản ứng của dân mạng là gì?

 

Chỉ duy nhất có một bộ phim bị yêu cầu gỡ bỏ trên Netflix, các bộ phim khác vẫn ngang nhiên chiếu tiếp, không thấy có một hình thức xử phạt nào.

 

Đáng buồn hơn, dạo gần đây báo chí thờ ơ trước những vấn đề này. Các Facebook Group phim Trung Quốc từ chối (reject) hàng loạt bài của các thành viên đăng tải thể hiện sự phẫn nộ khi bộ phim có bản đồ vi phạm. Nhiều hành động vi phạm bị bỏ qua.

 

Nếu cho rằng phim ảnh có tác động lớn tới dư luận và người dùng, chúng ta cần coi các vấn đề thể hiện trong phim ảnh là nghiêm trọng như nhau, có một chế tài xử phạt rõ ràng và thực thi chế tài một cách công bằng đối với những nhà làm phim, các bên mua bản quyền và phát sóng.

 

Tại sao vấn đề nude trong phim được chú ý nhưng vấn đề chủ quyền lại bị làm ngơ?

Nếu hôm nay chúng ta im lặng, một làn sóng xâm lăng về văn hóa sẽ còn tiếp diễn.

Nếu hôm nay chúng ta bỏ qua, những đoạn phim chứa ‘đường lưỡi bò’ vẫn sẽ du nhập vào Việt Nam.

 

Nếu hôm nay chúng ta làm ngơ, những bản đồ chính trị trong phim sẽ tiếp tục được lan tỏa.

 

Khi những bộ phim như thế được sống, lợi ích quốc gia đã bị bức hại. Đến khi nào thì Cục điện ảnh, Cục phát thanh truyền thông mới quan tâm đúng mực và bảo toàn được lợi ích quốc gia khỏi bị xâm hại trên phim ảnh?





No comments:

Post a Comment

View My Stats